PDA

View Full Version : Những Nguyên Tắc Để Chọn Bài Ca Trong Thánh Lễ



giusehien
05-11-2010, 10:26 AM
Những Nguyên Tắc Để Chọn Bài Ca Trong Thánh Lễ

Trong “Qui chế tổng quát Sách Lễ Rôma, 2000” số 26 có viết: “Nguyên tắc đầu tiên khi chọn bài hát không phải là bài quen hay hợp thị hiếu mà là bài hát theo chủ đề của ngày lễ hay mùa Phụng vụ. Các bài hát này phải được Thẩm Quyền Giáo Hội cho phép dùng trong Phụng vụ, chứ không phải các bài hát tự sáng tác và hát lấy”.
Vì Phụng vụ của Hội Thánh không phải là những nghi thức hay quy luật của một tổ chức trần thế, nên nhạc trong Phụng vụ Thánh Lễ cũng cần phải đúng theo nguyên tắc mà Hội Thánh đưa ra, nhằm góp phần vào việc cử hành Phụng vụ tốt hơn.
“Thánh nhạc phải hướng về việc cử hành Phụng vụ… phải phù hợp với tác động Phụng vụ, từng phần của cử hành Phụng vụ” (TNTPV , số 7).
Với những hiểu biết hạn hẹp của mình, người viết xin được đi vào những nguyên tắc khi chọn bài ca cho từng phần của Thánh lễ:
* Nguyên tắc chung cho tất cả các bài Thánh nhạc:
- Vì Thánh nhạc là loại nhạc được sáng tác để thờ phượng Chúa, nên bài hát phải được tác giả là người Kitô hữu sáng tác, phải biểu lộ sự thánh thiện và diễn tả được hình thức nghệ thuật cao.(TNTPV, Số 4,a).
- Những bài hát được sử dụng trong Phụng vụ phải được Giáo quyền cho phép sử dụng (Imprimatur).
- Bài hát phải phù hợp với ý lễ ngày hôm đó, hay mùa Phụng vụ… (ví dụ: Lễ An táng, lễ Hôn phối, lễ Tạ ơn…)
- Dựa vào nội dung của các bài đọc và ý chính trong bài Tin Mừng ngày lễ hôm đó.
- Bài hát phải phù hợp vời đối tượng tham dự Thánh lễ hôm đó (ví dụ: thiếu nhi, người lớn…)
- Nên chọn những bài dễ hát để cả cộng đoàn cùng hát.
*Nguyên tắc riêng cho từng phần trong Thánh lễ :
1. Ca nhập lễ:
“Khi dân chúng đã tập họp, và đang khi vị tư tế và các người giúp lễ tiến vào, thì bắt đầu hát ca nhập lễ. Bài ca này có mục đích mở đầu việc cử hành Thánh lễ, giúp giáo dân thêm hiệp nhất, hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm mùa Phụng vụ hay ngày lễ” (QCTQ , số 47). Vì thế, bài này phải phù hợp với tác động Phụng vụ (tiến lên bàn thờ) (ví dụ bài “Bước Vào” của Lm. Phạm Liên Hùng)
- Bài ca có mục đích quy tụ và chuẩn bị việc cử hành Thánh lễ, nên cách chung phải vui tươi và lôi cuốn (TLTN , trang 134).
- Bài được chọn có thể là bài cùng Thánh vịnh với đối ca in trong sách lễ, hoặc phù hợp với tác động của Phụng vụ, hoặc phù hợp với tính chất ngày lễ, hoặc phù hợp với mùa Phụng vụ.
2. Đáp ca – Alleluia :
- Đáp ca có tầm quan trọng đặc biệt. Bài hát này là thành phần trọn vẹn của Phụng Vụ Lời Chúa. Vì vậy : Thường nên lấy ở sách bài đọc, vì mỗi bản văn Thánh vịnh đều liên quan trực tiếp đến bài đọc.
- Đáp ca luôn phải được trích từ Thánh Kinh. (Tuyệt đối không dùng bản văn tự sáng tác) (ví dụ, có thể lấy thánh vịnh Đáp ca Alleluia trong ‘Tổng hợp bài ca mới’ của Lm. Phạm Liên Hùng)
- Alleluia : Hát trong các mùa (trừ mùa chay) gồm hai tiếng Alleluia và một câu xướng, câu xướng lấy ở sách bài đọc.
3. Ca dâng lễ:
- Đi kèm với tác động Phụng vụ: tiến dâng bánh và rượu.
- Duy trì những bài hát có ý nghĩa dâng kính rượu, dâng xác hồn… lên Chúa. Cố gắng chọn những bài có kèm ý “để bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa”.
- Khi việc chuẩn bị lễ vật trên Bàn thờ đã xong thì bài ca dâng lễ cũng phải chấm dứt. Ca dâng lễ phải phù hợp với cử chỉ dâng lễ vật, vì vậy không nên chọn các bài ý nghĩa không phù hợp với nghi thức này.
4. Ca hiệp lễ
Có ý nghĩa cổ võ mối hiệp thông huynh đệ giữa những người cùng ăn một tấm bánh, bày tỏ niềm vui trong tâm hồn, hướng về sự kết hợp với Chúa và ca tụng ơn Người. Đặc tính của bài ca này nhằm biểu lộ niềm vui, tình huynh đệ để cùng hướng về sự hiệp nhất với Chúa và ca tụng Người (nên không được hát những bài thuần túy ca tụng Đức Mẹ hay các Thánh). Bài hát có thể:
- Ca tụng ngợi khen Chúa Giêsu Thánh Thể, tình yêu Thiên Chúa.
- Có ý hướng về ngày lễ hôm đó.
- Có ý hướng cử hành Phụng vụ hôm đó.
- Có thể dùng một Thánh vịnh.
4. Tạ lễ (kết lễ):
Bài ca này được nói trong Huấn thị De Musica Sacra số 36. Theo tinh thần Phụng vụ, bài tạ lễ này mang ý nghĩa sai đi.
Bài ca tạ lễ có ý tưởng sai đi, đem Tin Mừng, đem tình thương đã lãnh nhận chia sẻ cho mọi người ở mọi nơi, đồng thời mang ý nghĩa tạ ơn Chúa, hoặc ý nghĩa phù hợp với ngày lễ hay mùa Phụng vụ, hoặc có thể hát về lòng sùng kính Đức Mẹ, Thánh Giuse, hay những ý nguyện khác theo tập quán địa phương (giáo xứ).
Trong các trường hợp khác tùy theo nhu cầu. Ví dụ: Thứ sáu kính nhớ Thánh Tâm Chúa Giêsu, thứ tư kính nhớ Thánh Giuse, thứ ba cầu cho ông bà cha mẹ…
Đó là những nguyên tắc dùng cho việc soạn bài hát trong Thánh lễ. Thiết nghĩ người chọn bài hát cần nắm rõ tối thiểu các quy tắc trên, thì mới mong chọn bài hát trong Phụng vụ thích hợp được. Có như thế, mỗi bài hát được chọn mới có thể giúp người nghe nâng tâm hồn lên gần Chúa hơn.
Trên lý thuyết là như thế, còn áp dụng, để việc chọn bài dễ dàng và an tâm, người ca trưởng nên xử dụng tuyển tập “tuyển tập thánh ca 1” của HĐGM hoặc bộ tổng hợp “tổng hợp Bài Ca Mới” của Lm. Phạm Liên Hùng. Trong đó có ghi rõ bài hát các phần.


Đại Tài

TNTPV: Huấn thị Thánh nhạc về Phụng vụ.
2 Thánh ca trong Phụng vụ, Linh mục Kim Long.
3 QCTQ: Quy chế tổng quát Sách lễ Roma, 2000.
4 TLTN: Tài liệu Thánh nhạc, Ban Thánh nhạc giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: http://www.baicamoi.com