PDA

View Full Version : BAO DUNG



Vinam
09-11-2010, 05:50 PM
BAO DUNG LÀ GÌ ?



Tác Giả : Nguyễn Chính Kết

Bao dung là tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, sự đa dạng giữa người với người trong đủ mọi chiều kích.
http://www.saigonecho.com/main/images/stories/articles/racial_tolerance.jpg Cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã chọn năm 1995 để đặc biệt cổ võ Lòng Bao Dung. Ý nghĩa của Lòng Bao Dung mà UNESCO muốn cổ võ là gì ? Dựa trên lời phát biểu của ông Tổng Giám đốc UNESCO, ta thấy lòng bao dung ở đây nhấn mạnh tới lòng tôn trọng sự khác biệt của người khác đối với mình trong cách thức suy nghĩ, hành động, quan niệm, không ép buộc hay đòi hỏi, thậm chí không mong muốn cho người khác phải hành động, suy nghĩ hay quan niệm giống như mình.

Lòng bao dung (la tolérance) khác với lòng khoan dung (l’ indulgence).

Bao dung là tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, sự đa dạng giữa người với người trong đủ mọi chiều kích. Còn khoan dung là dễ dàng chấp nhận và tha thứ những lỗi lầm hay khiếm khuyết của người khác.

Một người có thể rất khoan dung mà lại không bao dung, nghĩa là rất dễ tha thứ, thông cảm những lầm lỗi của người khác, mà không thể chấp nhận cho người ta suy nghĩ hay quan niệm, hoặc hành động khác với mình: hễ ai suy nghĩ hay quan niệm khác mình thì là sai, không thể chấp nhận như vậy được.

Còn người bao dung thì thường cũng khoan dung, vì chấp nhận được sự khác biệt của người khác thì cũng dễ chấp nhận những khiếm khuyết hay lầm lỗi của họ. Do đó, khoan dung chỉ là một khía cạnh của bao dung. Bao dung có ý nghĩa tổng quát, rộng lớn hơn khoan dung.

Bao dung là chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt và đa dạng của con người cũng như vạn vật. Điều đó hợp với chương trình và Thánh ý của Thiên Chúa. Cứ nhìn vào vũ trụ vạn vật thì biết: không ai giống ai, không vật nào giống vật nào.

Cổ nhân vẫn nói: “Bá nhân bá tánh”. Thiên Chúa dựng nên vũ trụ vạn vật muôn màu muôn vẻ, chắc chắn Ngài không muốn con người biến nó trở thành một màu một vẻ.

Do đó buộc tha nhân phải giống mình, muốn mọi người phải đồng nhất với nhau trong tư tưởng, ngôn ngữ, hành động chính là đi ngược lại ý của Thiên Chúa.

Câu chuyện về tháp Ba-ben trong Kinh Thánh ( x. St 11, 1 – 9 ) minh hoạ điều đó. Loài người đang đồng nhất với nhau về ngôn ngữ và muốn xây dựng một công trình vĩ đại, thì Thiên Chúa đã phá hủy sự đồng nhất đó: Ngài đã khiến cho họ mỗi người nói một thứ tiếng. Đó không phải là một hình phạt, vì cứ theo văn bản Thánh kinh ta không hề thấy con người có lỗi gì trong việc xây tháp này.

Kiểu chú giải cũ cho rằng việc họ muốn xây một cái tháp thật cao là kiêu ngạo e không vững. Nếu thế thì việc con người muốn lên cung trăng, muốn làm chủ không gian thì đều là kiêu ngạo cả ! Nói đúng hơn, câu chuyện này chỉ là một hình ảnh minh hoạ một chân lý thường hằng trong vũ trụ: vạn vật luôn luôn khác biệt nhau tạo nên sự đa dạng hết sức phong phú. Đó chính là ý muốn của Thiên Chúa.

Điều Ngài muốn nơi con người không phải là sự đồng nhất mà là sự hiệp nhất. Sự đồng nhất chỉ làm thế giới này nghèo nàn đi, chắc chắn sẽ bất lợi cho con người và vũ trụ. Con người tuy khác biệt nhau mà vẫn hiệp nhất lại với nhau được thì sẽ tốt đẹp hơn nhiều. Sự khác biệt giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc kia, giữa nền văn hoá này với nền văn hoá kia... là một hồng ân của Thiên Chúa cho con người chúng ta phải cảm tạ. Điều Ngài muốn là chúng ta tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt đó để xích lại gần nhau hơn, để bổ túc lẫn nhau, để giúp đỡ nhau, để xây dựng sự hiệp nhất trong yêu thương.

Có hiểu được ý nghĩa và mục đích chương trình của Thiên Chúa trong việc Ngài tạo dựng muôn loài với sự khác biệt, đa dạng, chúng ta mới dễ dàng chấp nhận nhau, chấp nhận nhau một cách hoan hỉ việc người khác suy nghĩ, quan niệm, hành động khác mình.

Đó chính là Lòng Bao dung mà chúng ta phải thực hiện trong gia đình, xã hội cũng như trong Giáo hội. Có như thế, hoà bình mới đến trong tâm hồn mỗi người, trong các gia đình, trong xã hội, và trên thế giới.