PDA

View Full Version : MỘT ƯỚC MƠ: SỐ THÁNH TỬ ĐẠO GIẢM DẦN



hongbinh
11-11-2010, 12:36 PM
MỘT ƯỚC MƠ: SỐ THÁNH
TỬ ĐẠO GIẢM DẦN



(Chúa Nhật Trọng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam)






Chuyện thật như bịa: Nhân một dịp tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, một giám mục Hàn Quốc nói với một giám mục Việt Nam rằng: chúc mừng giáo hội Việt Nam đã có nhiều thánh Tử Đạo được tôn phong. Rất tiếc, vua quan nước chúng tôi hiền quá. Một câu nói vừa phản ảnh một sự thật của lịch sử vừa khơi gợi cho chúng ta nhiều vấn đề nan giải. Một cái phúc lại được dệt xây bằng một hay nhiều cái hoạ ư? Để có được những vị Thánh Tử đạo thì dường như phải đánh đổi bằng sự hiện hữu của nhiều người “không hiền” ư? Khi những người “không hiền” lại nắm quyền cao, chức lớn thì không chỉ Kitô hữu bị bách hại mà dân chúng cũng lâm cảnh lầm than khốn khổ cách này cách khác.

Thế thì chúng ta giải thích thế nào về mối phúc thứ tám: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,10-12; x.Lc 6,22). Giáo hội khẳng định: “Các mối phúc là trung tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu. Việc công bố các mối phúc là lặp lại lời hứa đã được ban cho dân Chúa chọn khởi từ tổ phụ Abraham. Các mối phúc kiện toàn các lời hứa này, bằng cách không còn chỉ hướng đến việc thừa hưởng một mảnh đất nữa, nhưng là hướng đến Nước Trời.”(GLCG số 1716) Như thế hạnh phúc thật được loan báo nằm ở vế sau, đó là Thiên Chúa, là Nước Trời chứ không phải ở vế trước là sự khó nghèo, hiền lành, sầu khổ hay sự bị bách hại… Như thế để đạt hạnh phúc thật thì có hàng trăm hàng vạn nẻo đường. Sự kiện mỗi thánh mỗi vẻ như trăm hoa đua nở cho chúng ta xác tín điều này. Nói như thế chúng ta có vô tình “hạ giá” vị trí và vai trò của các thánh tử đạo chăng? Xin thưa rằng hội thánh mãi luôn trân trọng và kính trọng các thánh tử đạo. Nhìn vào thứ tự hàng các thánh theo Phụng Vụ thì các thánh tử đạo chỉ xếp sau hàng các thánh tông đồ.

Tuy nhiên trong khi tôn vinh các anh hùng tử đạo, những vị cha ông đã đổ máu đào ra làm chứng cho đức tin và cũng để gieo mầm đức tin cho con cháu thì chúng thử hỏi rằng lòng các ngài có muốn cháu con phải chịu cảnh bách hại như tiên tổ chăng? Dĩ nhiên là không rồi. Chúa Kitô tự nguyện trở nên nghèo hèn để chúng ta được nên sang giàu. Người tự nguyện đổ máu đào ra để chúng ta được sống và sống dồi dào. Vậy chúng ta phải hiểu thế nào về lời khẳng định của Chúa Kitô: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,23-24)? Phải chằng Chúa Kitô muốn chúng ta phải chịu khốn khổ, phải chịu bắt bớ, chịu bách hại? Xin thưa rằng chẳng có người cha nào lại nhẫn tâm muốn con cái phải lâm cảnh khổ, chẳng có người anh nào lại muốn đàn em phải chịu truân chuyên, chẳng có người thầy nầo lại muốn môn sinh phải bị bách hại. Ngay đêm Tiệc Ly chính Chúa Kitô đã nài xin Chúa Cha gìn giữ những kẻ Chúa Cha ban cho Người và trong vườn dầu Người đã can thiệp để các môn đệ khỏi bị bắt (x.Ga 18,8).

Một hiện thực cần thú nhận rằng lắm khi chúng ta mong giáo hội có nhiều thánh tử đạo, chúng ta hô hào tha nhân, đòi hỏi người này người kia can đảm vác thập giá và thậm chí là chịu tử đạo còn chính chúng ta thì lại ngần ngại chịu hy sinh. Phải khẳng định rằng vị trí và vai trò của những vị tử đạo vẫn mãi cần thiết cho nhân loại nói chung và cho giáo hội nói riêng. Tuy nhiên theo thiển ý thì nên phát huy tinh thần tử đạo trong đời sống Kitô hữu hơn là mong có nhiều người tử đạo theo nghĩa hẹp. Thập giá mà Chúa Kitô muốn mỗi người chúng ta vác lấy để theo chân Người đó là những hy sinh khi muốn sống đạo yêu thương đến cùng, khi can đảm bảo vệ công lý, khi mạnh dạn rao truyền chân lý… Những hy sinh ấy được Chúa Kitô nói rõ đó là sự từ bỏ chính mình, nghĩa là từ bỏ những gì mang tính vị kỷ.

“ Thầy mang lửa xuống thế gian và Thầy mong mỏi cho lửa ấy được cháy lên” (x.Lc 12,49). Đây là ngọn lửa tình yêu vị tha, ngọn lủa làm bừng sáng tình hiệp thông, tình liên đới tương thân tương ái. Để ngọn lửa này cháy lên thì ắt phải chịu “một phép rủa” đó là sự bỏ mình, hy sinh cái tôi ích kỷ. Khi mỗi người sống vì mọi người thì mọi người sẽ vì mỗi người. “Nước trời ở giữa các ngươi” (x.Lc 17,21). Thiên đàng đang hiện diện ở đây và ngay hôm nay.

Một ước mơ nhỏ đó là số các thánh tử đạo ngày càng giảm dần nghĩa là số những người cao chức, nhiều quyền “không hiền” ngày càng ít đi. Cảnh thái bình thịnh trị mở ra, hoà bình và công lý được thực thi, người người yêu thương nhau trong sự kính trọng cái khác biệt của nhau. Số thánh tử đạo giảm dần nhưng tinh thần tử đạo ngày càng phát triển. Vì yêu, chúng ta sẵn sàng đón nhận mọi gian khổ và hy sinh, không như là cái giá phải trả nhưng như là điều phải vượt qua. Hiểu được điều này thì chúng ta mới cảm được sự nhẹ nhàng và êm ái của cái ách Tin mừng, của cái gánh bác ái là yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thưong chúng ta (x.Mt 11,28-30).

Ước mơ chỉ là ước mơ. Niềm mơ ước trên đây chắc chắn chỉ thành hiện thực khi đến thời cánh chung. Dòng thời gian lữ thứ vẫn còn chảy không biết khi nào ngưng. Thế nhưng xin đừng hô hào hay đòi hỏi tha nhân chịu tử đạo thay mình. Góp một chút hy sinh trong hoàn cảnh và khả năng của mình để làm chứng cho công lý, cho tình yêu, cho sự thật chính là một trong những cách thế biến ước mơ này thành sự thật. Góp một chút nỗ lực hy sinh để giúp những người quyền cao chức trọng ngày càng “hiền” hơn, công minh liêm chính hơn. Và nếu cần thì sẵn sàng tìm cách đưa những người cố tình “không chịu hiền”, hành xử cách độc quyền, độc đoán xuống khỏi chức vụ cao đang đảm nhận. Tuy nhiên cần lưu ý rằng thái độ hy sinh ở đây phải đượm tinh thần các thánh tử đạo đó là đón nhận hy sinh trong an bình, thanh thản, không chút hận thù oán ghét. Vì rằng đã từng có đó nhiều bậc anh hùng quốc gia dân tộc không quản ngại gian khổ và hy sinh cả tính mạng vì lý tưởng cao đẹp nhưng còn vương vấn sự hận thù.

Xin tri ân các anh hùng tử đạo cha ông tiên tổ. Nhưng xin các Ngài cầu bàu cùng Thiên Chúa cho cháu con thoát khỏi cảnh khổ luỵ các Ngài đã đi qua. Phận cháu con nguyện một lòng phát huy tinh thần “chứng nhân” của các bậc tiền nhân bằng tình yêu thuơng phục vụ tha nhân không ngần ngại “hy sinh-bỏ mình” cho đến cùng.




Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột

hongbinh
13-11-2010, 05:48 PM
LÊN ĐƯỜNG


Hai từ lên đường khiến ta liên tưởng đến một hành trình mà dĩ nhiên đã là hành trình thì có điểm xuất phát và đích đến. Kitô hữu, cách riêng hàng tu sĩ linh mục giám mục được mời gọi lên đường theo Chúa Kitô cách rõ nét và đặc thù hơn. Đã lên đường thì ai cũng mong đến đích. Để đến đích thì không thể không nhắm hướng đi, tìm cách thế đi và chọn phương tiện để đi.
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em…” (Ga 20,21). Để lên đường và đi đến đích, thì không gì hơn là dỏi theo chân Chúa Kitô. Cùng với Chúa Kitô, đặc biệt qua các mầu nhiệm chính trong công cuộc cứu độ của người chúng ta xuất hành:

1. Sống mầu nhiệm tự hủy: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Phil 2,6-7). Điều kiện tiên quyết của mọi cuộc lên đường như Chúa Kitô đó là ra đi. Ra đi ở đây không chỉ là rời khỏi nơi chốn mình đang ở mà còn ra khỏi vai vế, phận vị của mình để hội nhập với nơi mình đến, để nên đồng hình đồng dạng với những người mình gặp gỡ. Quả thật vẫn có đó nhiều người lên đường với mớ hành trang cồng kềnh là thân thế, là địa vị… Nói như thế thì phải chăng chúng ta sẽ đánh mất chính mình khi bị đồng hóa? Những lời cảnh tỉnh như: “hòa đồng mà không bị đồng hoá; hội nhập mà không hoà tan nghĩa là không đánh mất căn tính” luôn có đó giá trị. Quả thật, mọi công cuộc lên đường sẽ thành tro bụi khi chúng ta đánh mất chính mình. Làm người giống chúng ta mọi đàng nhưng Chúa Kitô vẫn là Thiên Chúa bằng mầu nhiệm Ngôi hiệp.

2. Sống mầu nhiệm Ngôi hiệp: Đến thế gian, Chúa Kitô không đánh mất bản tính Thiên Chúa của Người. Khi tuyên xưng Chúa Giêsu chỉ có một Ngôi Vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa và Người có hai bản tính là bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người, thì giáo hội khẳng định Chúa Kitô khi vào trần gian đã mặc lấy thêm bản tính nhân loại vào Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Những gì Giêsu Kitô làm là chính Thiên Chúa (Ngôi vị) làm. Chính vì thế tất cả những hành vi của Chúa Giêsu từ khi nhập thể, hạ sinh, ẩn dật, rao giảng tin mừng đến cuộc tử nạn phục sinh và lên trời vinh hiển đều mang giá trị cứu độ, vì là những hành vi của một Thiên Chúa.
Sống mầu nhiệm Ngôi hiệp thì khi lên đường đến với tha nhân, chúng ta sẽ không đánh mất căn tính Kitô, căn tính linh mục hay tu sĩ của mình. Lên đường, đến với tha nhân trong vai vị một nhà giáo, một nông dân, một lương y… cũng khám chữa bệnh, cũng giảng dạy, cũng chăn nuôi hay trồng trọt…mà với tư cách là Kitô hữu, là linh lục hay tu sĩ thì giá trị sẽ nhân lên gấp bội.

3. Sống mầu nhiệm cứu chuộc: “Con Người đến thế gian không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”(Mt 20,28). Trở thành Do Thái với người Do Thái, trở thành Hy lạp với người Hy lạp là để phục vụ họ cách hữu hiệu và đến cùng. Sự phục vụ này phải sinh hiệu quả là cứu sống người mình phục vụ và giúp họ ngày càng sống dồi dào hơn (x.Ga 10,10).
Không phải theo chủ nghĩa duy hiệu năng, nhưng một trong những dấu chỉ để thẩm định cuộc lên đường của chúng ta ra sao thì hãy xét xem những người, những tập thể mà chúng đến ở cùng, có phát triển toàn diện, ngày càng nên tinh tuyền và hoàn thiện hơn không?

4. Sống mầu nhiệm phục sinh, vinh thăng của Chúa Kitô: Sau khi phục sinh vinh hiển, Chúa Kitô đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Mầu nhiệm vinh thăng của Chúa Kitô khẳng định căn tính của Người là Thiên Chúa thật, Đấng không thể bị khuất phục bởi thần chết. Chúa Kitô về trời ngự bên hữu Chúa Cha nghĩa là Người lấy lại vinh quang danh dự của một vị Thiên Chúa, có từ ngàn đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Kitô, Đấng ngự bên hữu Chúa Cha luôn có những gì là của nhân trần, qua bản tính nhân loại mà Người đã nhận lấy khi vào trần gian.

Kitô hữu lên đường, ra đi để rồi đưa tất cả các thực tại gian trần lên cùng Thiên Chúa. Điều này muốn khẳng định rằng cùng đích của việc lên đường của Kitô hữu, của tu sĩ, linh mục hay giám mục là để vĩnh hằng hoá các thực tại hữu hạn chóng qua đời này. Chúng ta vĩnh hằng hoá các thực tại trần gian này bằng chính tình yêu mà chúng ta đã nhận lấy từ Đấng Cứu độ. Cũng là chuyện ăn, uống, sinh hoạt, lao tác…nhưng khi được đượm thắm tình yêu thì chúng sẽ nên vĩnh tồn nếu chúng ta sống lời thánh Phaolô tông đồ: “Dẫu khi ăn, dẫu khi uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm vì danh Đức Kitô”.

Một vấn nạn thời sự: Vì sao bề trên các dòng tu, giám mục các giáo phận ở Việt Nam hiện nay dường như ngại ngần sai các thành viên dưới quyền lên đường, đặc biệt đến những nơi với những hoàn cảnh có thể gọi là “như chiên giữa sói rừng”? Ngoài một vài lý do an ninh hay thủ tục hành chính, thì khi sai một ai đó lên đường thì các bề trên xem ra lo lắng nhiều chuyện như là chỗ ở, phương tiện đi lại, bề dưới còn hạn chế khả năng hay chưa đủ lòng nhiệt thành, lòng đạo đức…Trong nhiều lý do thì có lý do xem ra khá chính đáng và hợp lý đó là vì yêu thương bề dưới, sợ bề dưới ra đi lâm cảnh khó khăn cách này cách khác.
Không dám mạo phạm nhưng có lẽ có phần đúng đó là nếu ta còn ngại ngần sai người thuộc quyền ra đi có thể vì bản thân chúng ta chưa thực sự lên đường. “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em…” (Ga 20,21). Chúa Kitô mạnh dạn sai các môn đệ lên đường, ra đi là vì trước đó Người đã vâng lệnh Chúa Cha lên đường ra đi trong sự tự hạ, tự huỷ để sống yêu thương đến cùng.

Một Phanxicô Xavie can đảm lên đường đến với anh em Á châu là nhờ lệnh sai đi của một Inhaxiô. Inhaxiô mạnh dạn sai Phanxicô Xavie lên đường là vì trước đó Inhaxiô đã lên đường ra đi khỏi mộng ước vương bá trần tục. Các tu sĩ hội dòng Têrêxa Calcutta hăng hái lên đường phục vụ những con người bất hạnh, xấu số, bị bỏ rơi là tuân lệnh của mẹ Têrêxa, một phụ nữ nhỏ người nhưng đã mạnh mẽ ra đi, từ bỏ cả một cuộc sống tu trì đang yên ổn để sống yêu thương người khốn cùng một cách nào đó như Chúa Kitô đã yêu thương nhân loại. Cũng tương tự như thế, nhiều nhà truyền giáo can đảm lên đường vì đã nhận được lệnh sai đi của những đấng bậc đã biết sống tự huỷ một cách nào đó như Thầy chí thánh Giêsu.

Nếu như các đấng bậc bề trên các hội dòng, các giám mục giáo phận chân thành và trung thực để nói: “Như Chúa Kitô đã sai tôi (nghĩa là tôi đã lên đường, ra đi trong sự tự hạ, tự huỷ và bỏ mình để sống yêu thương phục vụ…), thì tôi sai anh em, chị em” thì thiết nghĩ chắc chắn sẽ có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ và cả Kitô hữu giáo dân can đảm lên đường “như chiên giữa sói rừng”(Mt 10,16), để truyền giáo, sống yêu thương phục vụ tha nhân cho đến cùng.

Để điều này thành hiện thực thì chắc chắn cần có sự tín nhiệm của người truyền lệnh và người được sai đi. Ngoài ra cũng cần loại bỏ tâm lý cầu toàn để rồi biết can đảm đón nhận những trường hợp thất bại cách này cách khác. Tin mừng cho chúng ta hay trong số mười hai tông đồ và bảy mươi hai môn đệ được Chúa Giêsu sai đi đã có đó những trường hợp thất bại.

Không nguyên chỉ theo kinh nghiệm con người “ thất bại là mẹ thành công”, chúng ta còn tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng có thể làm mọi sự tốt lành tư những vấp váp và cả tội lỗi của con người. Dĩ nhiên phần chúng ta, chúng ta phải hy vọng và làm hết sức có thể để những người ra đi sẽ không đánh mất căn tính của mình, nhưng đón nhận thân phận cũng như mọi cảnh huống của đồng loại để vĩnh hằng chúng trong tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Đấng đang ngụ bên hữu Chúa Cha.

“Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14,18). Khi sai các môn đệ ra đi, Chúa Kitô đã tự nguyện ở cùng các ngài mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20), cách đặc biệt bằng Thánh Thần mà Người ban tặng (x.Ga 20,22). Ước gì các tu sĩ nam nữ, các linh mục hay Kitô hữu giáo dân được sai đi không bao giờ vướng lấy mặc cảm là bị bỏ rơi, như là một thứ “con bị bỏ chợ”, nhưng luôn được người sai mình đi đồng hành với mình bằng cả tấm lòng, bằng sự sẻ chia cách này cách khác, đặc biệt là bằng tinh thần trách nhiệm như Đức Kitô, Đấng hằng tiếp tục chịu nộp vì chúng ta, chịu đổ máu đào ra để chúng ta và mọi người được thứ tha, được cứu sống.

Lm Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột