PDA

View Full Version : DÒNG MẾN THÁNH GIÁ VIỆT NAM



JB.Lưu Hùng Vương
18-11-2010, 08:25 PM
DÒNG MẾN THÁNH GIÁ VIỆT NAM
(Congregation of the Holy Cross Lovers)
Lược sử
Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam do Đức Cha Pierre Lambert de la Motte sáng lập tại Châu Á, vào thế kỷ XVII: bắt đầu từ Việt Nam (Đàng Trong năm 1670, Đàng Ngoài năm 1671), đến Thái Lan (1672) rồi lan tỏa sang Cam-pu-chia (1772), Nhật Bản (1878), và Lào (1887). Đây là Dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông, vừa chiêm niệm vừa hoạt động, có lời khấn, sống thành cộng đoàn theo một bản luật, trực thuộc Đấng Bản Quyền sở tại và hướng về việc truyền giáo cho bà con lương dân.
Sáng kiến này của vị Sáng lập đã được Công đồng Đông Dương năm 1934 xác nhận. Theo tinh thần Công đồng này và do hoàn cảnh xã hội và Giáo hội Việt Nam cũng như nhu cầu phục vụ, các Giám mục giáo phận đã lần lượt cho thành lập nhiều Hội dòng trên khắp các miền Bắc, Trung, Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều Hội dòng Mến Thánh Giá đã bị mai một, nhưng lại nảy sinh nhiều Hội dòng mới. Hiện nay, tại Việt Nam còn 23 Hội dòng trải dài từ Bắc chí Nam, với số nữ tu trên 5.000 và hơn 2.000 tu sinh.
Tên gọi “Mến Thánh Giá”
Năm 1633, lúc lên 9 tuổi, Đức Cha Lambert de la Motte nhận được ơn linh hứng: những người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu nên quy tụ lại thành một hội mang tên Mến Thánh Giá; ba từ này lấy từ đầu đề chương 11, quyển 2 của sách Gương Phúc mà ngài say mê đọc và suy niệm hằng ngày.
Bổn mạng: Lễ Thánh Giuse, 19-3
Châm ngôn: “Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”
Linh đạo: Tập trung vào khuôn mặt Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh và Mầu nhiệm Thánh Giá cứu độ của Người, thể hiện qua ba chiều kích: chiêm niệm, khổ chế và tông đồ. Hằng ngày chị em Mến Thánh Giá hướng về Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh bằng ba lời kinh: “Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian” (HC 64).
Mục đích: Nhằm đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thánh trọn vẹn cho Đức Giêsu Kitô, bằng việc chuyên chú suy niệm, tưởng nhớ và noi theo cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người (x. Hiến Chương 3).
Sứ mạng
Chị em Mến Thánh Giá được mời gọi thông dự vào tinh thần trung gian của Đức Giêsu Kitô và tiếp nối sứ mạng của Người bằng việc chuyển cầu:
- Trong nguyện đường, chị em tha thiết cầu xin ơn hoán cải cho bà con lương dân và những tín hữu sống xa lìa Thiên Chúa, cùng xin Người tuôn đổ phúc lành trên xã hội, Giáo hội địa phương cũng như toàn cầu.
- Trong cuộc sống, chị em dấn thân phục vụ ưu tiên giới nữ, giới trẻ trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, luân lý và đức tin.
Dấn thân tông đồ
Việc tông đồ của các nữ tu Mến Thánh Giá tiên khởi là làm ruộng, chăn tằm, ươm tơ, dệt vải, bán và cấp phát thuốc nam: phương tiện sinh sống chủ yếu. Nhờ đó chị em dễ hoà nhập vào quần chúng để lo cho bệnh nhân, đặc biệt phụ nữ, phục hồi sức khoẻ và đưa họ về với Chúa; giúp các linh mục ẩn tránh cơn lùng bắt đạo; đem Mình Thánh Chúa và lương thực cho người bị giam giữ, nhất là các linh mục thừa sai. Vì vậy y phục của các chị vào thế kỷ XVII-XVIII giống như thường dân hầu tránh sự để ý của người đương thời. Năm 1867, các chị em có tu phục và tham gia nhiều hơn với các linh mục thừa sai và bản quốc trong việc tông đồ truyền giáo như: dạy học, dạy giáo lý, hướng dẫn sống đạo.
Từ 1867-1954: Lịch sử ghi nhận, chính nữ tu Mến Thánh Giá là những người phụ nữ Việt Nam đầu tiên biết viết chữ quốc ngữ và truyền bá chữ này cho quần chúng bằng việc dạy học, dạy giáo lý và ấn hành sách báo bằng chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Các chị dạy học tại các trường nhà xứ, cộng tác với các cha xứ trong việc dạy giáo lý, giúp ca đoàn và lễ sinh.
Từ thế kỷ XIX đến nay: chị em tuỳ cơ hội và hoàn cảnh, từng bước đi sâu vào các môi trường văn hoá, xã hội, y tế, luân lý và đức tin. Số hội dòng, cộng đoàn cũng như nữ tu ngày một gia tăng để đáp ứng nhu cầu phục vụ.
Trước năm 1954, miền Nam chỉ có 4 hội dòng là Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (1840), Cái Nhum (1843), Cái Mơn (1844), Chợ Quán (1852); miền Trung có Mến Thánh Giá Thừa Sai Huế (1780), Quy Nhơn (1924) với những hoạt động đa dạng tại thành phố cũng như vùng sâu.
Năm 1954, các Hội dòng Mến Thánh Giá từ Bắc di cư vào Nam làm thành 14 Hội dòng, tính từ vĩ tuyến 17 trở vào.
Từ 1954-1975: Đây là thời kỳ cao điểm cho dòng Mến Thánh Giá phát triển về nhân sự, tu đức, văn hoá và tông đồ xã hội trong các việc làm truyền thống, đồng thời mở thêm trường sở và tự điều khiển: cô nhi viện, ký nhi viện, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường cấp I, II, III.
Từ 1975-1985: Sự thay đổi lớn về xã hội và cơ chế hành chính của đất nước dẫn đến sự thay đổi một số tổ chức trong Giáo Hội Việt Nam. Dòng Mến Thánh Giá cũng thay đổi theo sự hướng dẫn của Đấng Bản quyền để hoà nhập vào sinh hoạt xã hội. Các trường sở thuộc giáo xứ và Hội dòng để phục vụ công ích đều do Nhà nước quản lý. Một số nữ tu ở lại phục vụ trong các cơ sở đó, một số khác chuyển về vùng sâu, vùng xa để hoạt động tông đò như lúc mới thành lập. Sự hiện diện của các chị em Mến Thánh Giá đã nâng đỡ và an ủi đồng bào rất nhiều.
Từ 1985-1990: Chị em đã dấn thân hoạt động tông đồ sâu hơn trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, luân lý và đức tin, qua các trường mẫu giáo, lớp học tình thương, lo cho trẻ nữ lang thang, khuyết tật…
DÒNG MẾN THÁNH GIÁ BẮC HẢI (HẢI PHÒNG)
Lược sử
Trước năm 1954 đã có những cộng đoàn tại các giáo xứ: Nam Am, Liễu Dinh, Kẻ Sặt, Yên Trì gọi là các Nhà phước, thuộc Giáo phận Hải Phòng. Năm 1954, cộng đoàn Nhà phước di cư vào Nam, định cư tại Hố Nai.
Ngày 10-06-1959, Đức Cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Sài Gòn, chấp thuận cho thành lập nhà chính tại Bắc Hải, Hố Nai, Biên Hoà.
Ngày 26-04-1963, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chấp thuận cho cải tổ theo Giáo luật. Với sự giúp đỡ của dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, năm 1964, có 10 chị em khấn đầu tiên.
Ngày 17-2-1976, Đức Tống Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chấp thuận cho trở thành một Hội dòng độc lập trực thuộc Giáo phận Xuân Lộc.
Ngày 13-07-1995, được Toà Thánh cho phép đổi tên thành dòng Mến Thánh Giá Bắc Hải - Xuân Lộc.
(Trích Niên Giám Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo - 2004)
Trở về nguồn
Thể theo nguyện vọng và thao thức của Giáo phận Hải Phòng đồng thời trong xu hướng trở về nguồn của chị em Mến Thánh Giá, Cộng đoàn Mến Thánh Giá Nam Am đã được thiết lập ngày 10-10-2007. Cơ sở của Cộng đoàn hiện nay chính là Nhà phước Nam Am ngày xưa, nằm trên địa bàn của Giáo xứ Nam Am, huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng. Kể từ ngày trở lại, chị em không ngừng nỗ lực khôi phục lại cở sở vật chất và mở các lớp nuôi dạy trẻ mầm non.
Cộng đoàn Mến Thánh Giá Nam Am hiện có 12 nữ tu. Trưởng cộng đoàn đương nhiệm là nữ tu Maria Nguyễn Thị Nguồn. Ngoài công việc chung của cộng đoàn, chị em còn cộng tác với công việc của Toà Giám Mục và một số giáo xứ lân cận phụ trách lớp giáo lý, ca đoàn…
Dòng Mến Thánh Giá Bắc Hải hiện có 15 cộng đoàn tại các Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Lộc và Hải Phòng.
Theo tinh thần linh đạo của Đức Cha Lambert de la Motte, chị em Mến Thánh Giá sống trong cầu nguyện và âm thầm hy sinh để thánh hóa bản thân và công việc hằng ngày. Màu áo dòng đen của các chị như lời nhắc nhở hãy hy sinh và chết đi mỗi ngày để gắn bó với Thập giá Đức Giêsu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho ơn gọi Mến Thánh Giá ngày càng phát triển về số cũng như về lượng để góp phần thánh hóa trần gian.
Địa chỉ Nhà Mẹ:
48A/40 - khu phố 8 - P.Hố Nai - Tp. Biên Hoà - Tỉnh Ðồng Nai.
Đt: (061) 3 881 148 – (061) 3 886 297
Email: dongmtgbhxl@bdvn.vnd.net (dongmtgbhxl@bdvn.vnd.net)

http://gphaiphong.org (dongmtgbhxl@bdvn.vnd.net)