PDA

View Full Version : Các Câu Hỏi về Đại Hội Dân Chúa Năm Thánh 2010



Ti_Amo
18-11-2010, 08:46 PM
Các Câu Hỏi về Đại Hội Dân Chúa Năm Thánh 2010
VietCatholic News (17 Nov 2010 11:07)

Xin cho biết nội dung, mục đích và ý nghĩa của Đại Hội Dân Chúa?

Cần đặt Đại hội Dân Chúa vào trong khung cảnh Năm Thánh 2010. Giáo Hội Công giáo Việt Nam cử hành Năm Thánh 2010 nhân kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận tông tòa đầu tiên, và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam. Năm Thánh 2010 là cơ hội để Giáo Hội Việt Nam nhìn lại quá khứ trong tâm tình tạ ơn, nhìn vào hiện tại để nhận diện tình hình Giáo Hội, và nhìn tới tương lai để xác định hướng đi.

Như thế, Đại hội Dân Chúa - với sự quy tụ các đại biểu của mọi thành phần Dân Chúa – là cơ hội để nhận diện tình hình Giáo Hội ngày nay và cùng nhau suy nghĩ cho hướng đi tương lai của Giáo Hội. Tất cả không nhằm mục đích nào khác hơn là xây dựng Giáo Hội theo ý Chúa muốn, và chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời cho con người hôm nay trên quê hương đất nước Việt Nam.

Đại Hội Dân Chúa 2010 có giống như Đại Năm Thánh 2000 không, vì Năm thánh 2000 cũng có góp ý canh tân Giáo hội Việt Nam?

Giống nhau vì cả hai Năm Thánh đều thúc đẩy Giáo Hội sám hối và canh tân. Nhưng khác nhau vì Năm Thánh 2000 là Đại Năm Thánh cho cả Giáo Hội hoàn vũ khi bước vào thiên niên kỷ mới, còn Năm Thánh 2010 dành riêng cho Giáo Hội Việt Nam. Cũng vì thế, có những nét đặc thù của Việt Nam.

Sau Đại Hội Dân Chúa 2010, Ban Tổ chức có kế hoạch nào triển khai với những chương trình tiếp nối trong tương lai?

Sau Đại hội, những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được đúc kết thành những đề nghị. Hội Đồng Giám Mục VN sẽ dựa trên những đề nghị này để biên soạn văn kiện hậu đại hội. Văn kiện này là nền tảng cho những chương trình và kế hoạch mục vụ của Giáo Hội VN trong tương lai.

Đại Hội Dân Chúa có sứ điệp gì cho Dân Chúa không?

Có. Sứ điệp này sẽ được công bố chính thức vào ngày cuối của Đại hội.

Thế nào là Dân Chúa? Anh em Công giáo Việt Nam hải ngoại có được xem là Thành phần Dân Chúa không? Họ có đại biểu tham gia Đại Hội Dân Chúa lần này không?

Hiện nay, người Công giáo Việt Nam sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới và tham gia tích cực vào đời sống của Giáo Hội tại địa phương đó. Thông thường các Hội Đồng Giám Mục tại mỗi quốc gia có Ủy ban Mục vụ Di dân để lo cho anh chị em di dân, trong đó có người Việt Nam chúng ta. Trong dịp đại hội này, một số vị giám mục phụ trách Ủy ban Di dân tại một số nước sẽ có mặt. Ngoài ra còn có sự hiện diện của các vị đại diện khối Công giáo Việt Nam tại các nước đó, ví dụ linh mục Chủ tịch Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Tại sao Đại Hội Dân Chúa tổ chức từ ngày 21- 25/11/2010 mà không chọn thời điểm khác?

Theo lịch phụng vụ, ngày 24-11 hằng năm là ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tổ chức Đại hội vào thời điểm này làm nổi bật ý nghĩa “Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm nẩy sinh các Kitô hữu”; đồng thời thúc đẩy chúng ta biết trân trọng quà tặng đức tin mà mình đã lãnh nhận và nhiệt tình làm chứng cho niềm tin ấy. Ngày 24-11 cũng là ngày kỷ niệm việc thiết lập Hàng giáo phẩm VN. Cử hành Đại hội vào ngày này cũng nói lên ước mong của HĐGM muốn xây dựng Hội Thánh như lòng Chúa mong muốn.

Xin cho biết phương pháp làm viêc của Đại Hội Dân Chúa?

Đại hội kéo dài 4 ngày. Trong 3 ngày đầu tiên, mỗi ngày có một chủ đề, buổi sáng được dành cho các bài thuyết trình và tham luận của các đại biểu, buổi chiều dành cho thảo luận nhóm, sau đó đúc kết chung. Ngày cuối cùng được dành cho việc tổng kết Đại hội. Tất cả những ý kiến đóng góp đều được lưu lại làm tài liệu cho việc biên soạn văn kiện hậu đại hội.

Như vậy, Đại hội vận dụng phương pháp làm việc tập thể, tạo điều kiện và thúc đẩy sự tham gia của mọi thành phần Dân Chúa – qua các đại biểu của họ - vào việc xây dựng Giáo Hội.

Đại Hội Dân Chúa nhằm thu thập mọi góp ý canh tân của các thành phần Dân Chúa. Ban Tổ chức đã có cách nào thu thập và xử lý các ý kiến đóng góp của các thành phần Dân Chúa?

Những ý kiến đóng góp sẽ được đúc kết lại thành những đề nghị. Dựa trên những đề nghị này cùng với Tài liệu làm việc của Đại hội, Hội Đồng Giám Mục sẽ soạn thảo văn kiện hậu đại hội, làm nền tảng cho những chương trình mục vụ sau này.

Ban Thư ký của Đại hội sẽ chịu trách nhiệm về công việc này. Cách cụ thể, các thành viên của Ban Thư ký sẽ điều hành các buổi họp nhóm và đúc kết ý kiến của mỗi nhóm, rồi làm thành bản đúc kết chung cho từng ngày. Dựa vào những bản đúc kết thảo luận nhóm cùng với các bài thuyết trình, tham luận, biên bản mỗi ngày của Đại hội, Ban Thư ký sẽ đúc kết thành những đề nghị để gửi đến Hội Đồng Giám Mục.

Đại Hội Dân Chúa kỳ vọng đem lại những thành quả gì cho Giáo hội Việt Nam?

Theo Tài liệu làm việc, Đại hội “được kỳ vọng sẽ mở hướng cho Giáo Hội tại Việt Nam tiến bước trên chặng đường mới, giữa lòng một đất nước đang đổi thay nhanh chóng trong một thế giới cũng đang không ngừng biến chuyển”.

Thành quả trước mắt là Đại hội bày tỏ sự hiệp thông rộng lớn trong Giáo Hội Việt Nam, khi mọi thành phần Dân Chúa được liên kết với nhau trong Chúa và cùng thao thức trước sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước Việt Nam.

Ban Tổ chức có lời mời gọi nào để các thành phần Dân Chúa tham gia vào Đại Hội Dân Chúa lần này?

Ngay từ những tháng đầu của Năm Thánh 2010, Ban Tổ chức đã gửi đến các giáo phận và dòng tu bản Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ. Tại nhiều nơi, bản đề cương này đã được đem ra học hỏi, thảo luận, góp ý cho Ban Tổ chức. Từ những góp ý đó, Tài liệu làm việc hiện nay được biên soạn. Cho nên việc góp ý kiến của các thành phần Dân Chúa đã có từ đầu, và Đại hội là cơ hội để đóng góp ý kiến sâu sát hơn nữa.

Ban Tổ Chức Đại Hội Dân Chúa 2010 gồm những ai?

Hội Đồng Giám Mục VN trao cho Đức Hồng y Tổng giám mục Sàigòn trách nhiệm Trưởng Ban Tổ chức Đại hội Dân Chúa. Các Đức cha Mỹ Tho, Phú Cường, Phan Thiết là những thành viên trong Ban Tổ chức. Đức cha phụ tá Sàigòn là Trưởng Ban Thư ký đại hội.

Đấng Bản quyền nào chủ tọa Đại Hội Dân Chúa?

Mỗi ngày một giáo tỉnh chịu trách nhiệm làm chủ tọa đoàn: Ngày I là Hà Nội, ngày II là Sàigòn, ngày III là Huế. Ngày cuối cùng là ngày tổng kết sẽ do ba Tổng giám mục của ba giáo tỉnh chủ tọa.

Xin cho biết thành phần nào tham dự Đại Hội Dân Chúa?

Đủ hết mọi thành phần: giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân.

Có thành phần Quan sát viên trong Đại Hội Dân Chúa lần này không?

Không.

Những thành phần nào có thể đóng góp ý kiến cho Đại Hội Dân Chúa? Các cộng đồng Công giáo Việt Nam hải ngoại có được góp ý không?

Ban Tổ chức mong muốn đón nhận ý kiến của tất cả mọi người Công giáo Việt Nam, trong cũng như ngoài nước.

Các ý kiến đóng góp có cần ghi rõ họ tên, địa chỉ tác giả không?

Dĩ nhiên, để Ban Tổ chức có thể trao đổi thêm, nếu cần.

Nếu góp ý qua mạng thì gửi đến trang mạng chủ đạo nào?

Ý kiến đóng góp gởi qua email, xin gởi về ykien@daihoidanchua.net.

(Nguồn: http://daihoidanchua.net)
Đại hội Dân chúa