PDA

View Full Version : TỪ VỰNG THẦN HỌC KINH THÁNH: HỒNG THỦY



hungvinhson
19-11-2010, 08:08 AM
TỪ VỰNG THẦN HỌC KINH THÁNH: HỒNG THỦY

http://www.dunglac.org/upload/htmlarea/upload/insert_1280342620.gif Mời đọc sách Từ Vựng Thần Học Kinh Thánh (http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=574)


http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=detail&ib=574


1) Hồng thủy thời cổ đại.
Ký ức về trận lụt kinh khủng, nó có từ thời quá khứ rất xa, được gìn giữ và phát triển bởi các truyền thuyết của người Babylon theo những ngày tháng khác nhau. Dưới ánh sáng niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, truyền thống kinh thánh đã chọn ra những chất liệu của di sản dân gian này rồi thêm vào những lời giáo huấn đạo đức và tôn giáo. Điều vốn được gán cho tính thất thường của các thần hay ghen tương thì từ nay trở đi lại coi như là công trình đích thực của Thiên Chúa duy nhất; ý nghĩ về thảm họa nhường chỗ cho ý nghĩ thanh tẩy nhằm mục đích cứu độ vốn được trình bày bằng con tàu giải phóng; bên kia những sức mạnh thiên tai đó là một sự trừng phạt của Thiên Chúa ập xuống kẻ tội lỗi, đồng thời gieo mầm công lý vào nhân loại mới. Cuộc hành trình của No-ê (Noé) cũng kết thúc một giai đoạn bất thường; nó tóm kết và tượng trưng cho toàn bộ lịch sử của Israel và cả lịch sử nhân loại nữa.


Chỉ một mình No-ê được xem là người công chính (St 7,1), nhưng như Ađam, ông đại diện cho tất cả những người thuộc về ông và được ông đưa đi theo (St 7,1.7.13). Bằng sự tuyển chọn cách nhưng không này, Thiên Chúa đã dành cho một nhóm nhỏ, những người thoát nạn sẽ trở nên gốc rễ của một dân mới. Nếu tâm hồn của con người được cứu thoát ấy vẫn còn ngả về phía tội lỗi thì từ nay trở đi Thiên Chúa tỏ ý kiên nhẫn: lòng thương xót của Ngài chống lại việc trừng phạt chỉ thuần túy trả thù và mở ra con đường hoán cải (St 8,15-22). Sự trừng phạt bằng lụt lội ấy cũng dẫn đến một giao ước nó bảo đảm sự trung thành của Thiên Chúa với toàn thể nhân loại cũng như với gia đình No-ê (St 9,1-17).


2) Nhân vật của tương lai.
Thần học tiên tri đã thừa nhận loại trừng phạt cứu độ của Thiên Chúa trong cơn hồng thủy, như thấy trong cuộc giải thoát khỏi Biển Đỏ nhờ nước vào lúc Xuất Hành. Sự trở về sau thời kỳ lưu đày của Nhóm còn xót lại, những người sẽ là hạt giống của một dân mới, xuất hiện không chỉ như một cuộc xuất hành mới, mà còn như sự phục hồi công trình của No-é lúc ra khỏi tàu: “Vì tình yêu thương vô bờ, Ta thương xót ngươi, Thiên Chúa phán như thế; Ta cũng sẽ làm như thời No-ê, lúc đó Ta thề rằng trận hồng thủy thời No-ê sẽ không còn lan tràn mặt đất nữa”. (Is 54,7). Ý tưởng về một sự trừng phạt có ích đã được các nhà thông thái gợi lên: “Ông No-ê được xem là người công chính và hoàn thiện, trong thời thịnh nộ, ông đã là một chồi non; nhờ ông mà còn sót lại trên mặt đất một số người khi trận hồng thủy xảy ra; các giao ước vĩnh cửu đã được thiết lập với ông” (Hc 44,17; x Kn 10,4; 14,6). Những hình ảnh về Đấng Mêsia của con cháu những người sót lại kể từ No-ê làm nên khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô, Đấng một ngày nào đó sẽ trở thành nguồn gốc của một thế giới mới.



3) Hồng thủy của thời mới.
Để loan báo sự trừng phạt vào thời kỳ viên mãn, Đức Giêsu nhắc lại trận hồng thủy (Mt 24,37). Hơn nữa, sự trừng phạt này được dự báo trước ở trần gian. Thật vậy, Đức Kitô như một No-ê mới đã đi xuống biển của sự chết và đã chiến thắng thoát khỏi nó cùng với vô số người được cứu thoát. Những ai dìm mình trong nước rửa tội thì khi ra khỏi nước ấy sẽ được giải thoát và được biến hình nhờ Đức Kitô phục sinh (1 Pr 3,18-21). Như vậy, nếu trận hồng thủy báo trước phép rửa tội thì con tàu giải phóng dưới cái nhìn của các Giáo Phụ có thể giống như hình ảnh của Giáo hội đang trôi nổi trên dòng nước của thế giới tội lỗi và đón nhận những ai “muốn được giải thoát khỏi thế hệ gian tà này” (Cv 2,40).


Tuy nhiên, hình phạt chung thẩm dành cho những kẻ nghịch đạo vẫn chưa đến. Như vào thời hồng thủy, hạn thời gian đưa ra chứng tỏ lòng kiên nhẫn xót thương của Thiên Chúa; ngày phán xét tận thế bị hoãn lại trong khi chờ đợi cộng đoàn của Đấng Mêsia thực hiện sự trọn vẹn của nó (2 Pr 2,5.9; 3,8). Qua những hình ảnh khải huyền ở thời mình, tác giả thư thứ hai của thánh Phêrô đã phân biệt ba giai đoạn trong lịch sử cứu độ: thế giới cũ bị xét xử bởi nước, thế giới hiện tại sẽ chết vì lửa, thế giới tương lai là thế giới của trời mới và đất mới (2 Pr 3,5….11). Giao ước xưa với No-ê cũng sẽ được thực hiện tròn đầy trong một trật tự mới nơi mà công trình sáng tạo của Thiên Chúa sẽ đạt đến việc làm cho con người sống hài hòa với vũ trụ được tẩy sạch.




Tác giả Nguyễn Trí Dũng (dịch)