PDA

View Full Version : ANH EM CỦA MỌI NGƯỜI.



Vinam
21-11-2010, 07:41 PM
ANH EM CỦA MỌI NGƯỜI

Xin giới thiệu tác phẩm " Anh em của mọi người"
của Linh Mục Giuse Nguyễn Kim Anh Giáo phận Phan Thiết.







Dẫn Nhập



Cách đây có lẽ cũng đã hơn một năm, lần đầu tiên đọc trên E-mail mấy đoản văn của Linh mục Giuse NGUYỄN KIM ANH, thuộc Giáo phận Phan Thiết, đặc biệt đoản văn mang tên “Mọi Núi”, tôi đã trực giác thấy có một cái gì đó vừa ngồ ngộ, vừa rất độc đáo nơi phong cách viết lách và cung cách suy tư của ngài.
Ngay sau đó tôi đã gọi điện thoại cho ngài và bày tỏ những tình cảm cũng như những cảm nghĩ của mình, đồng thời động viên và khuyến khích ngài tiếp tục suy tư và viết theo phong cách độc đáo đó.
Và cuốn sách này đây là hoa quả đầu mùa đó.
Điều khiến tôi cảm phục và thích thú đối với những đoản văn của Linh mục Giuse NGUYỄN KIM ANH đó là khả năng “ĐỌC” các biến cố và cung cách trình bày rất ngắn gọn và độc đáo các biến cố của ngài, những biến cố mà có lẽ đối với nhiều người chẳng có gì đáng quan tâm vì chẳng có ý nghĩa gì đối với họ. Đã hẳn, để có được một khả năng “ĐỌC” các biến cố như thế, người ta cần có cái nhìn của trẻ thơ, vô tư, không thành kiến, luôn mới mẻ v.v… Hay nói theo ngôn ngữ triết học và thần học, người ta phải để cho các biến cố tự hiện trình và tự mặc khải mình ra cho mình… Điều đó đòi hỏi con người cần luôn ở trong tư thế “lắng nghe” và “được nhìn”…
Khả năng đọc các biến cố tùy thuộc khả năng hiểu được ý nghĩa biến cố đó. Có lẽ đó chính là những lý do đã khiến cho câu truyện kể của Linh mục Giuse NGUYỄN KIM ANH mang dáng dấp những đoản văn “cực ngắn”, nhưng súc tích và độc đáo… Đó chẳng phải là điều mà các độc giả ngày nay đang rất cần hay sao?



Chủng viện Nicolas Phan thiết 31.08.2007

Lm. Pet Nguyễn Thiên Cung





ANH EM CỦA MỌI NGƯỜI



Năm 2004 , nhóm cựu chủng sinh Lâm Bích muốn làm một đặc san, yêu cầu anh em viết bài đóng góp. Anh Đỗ Bắc Du đề nghị tôi viết ít câu chuyện thật trong đời mục vụ. Tôi gửi bài “Mọi Núi”. Anh em động viên viết thêm. Tôi viết thêm và chia sẻ trên thư đàn Lâm Bích. Sau đó tôi lại chia sẻ trên mail của các Linh Mục Phan Thiết. Anh em linh mục Phan Thiết khích lệ viết thêm. Cho nên tập “Anh Em của Mọi Người” ra đời . Tập sách nói về hầu hết người thực việc thực, với cái nhìn của Tin mừng. Những con người khắp nơi, giữa cảnh đời gió bụi vẫn sống với cái tâm, với lương tri trong sáng mà Thiên Chúa đặt trong lòng họ. Nay góp nhặt lại như một chia sẻ thân thương nhân ngày mừng mười lăm năm linh mục. Xin cám ơn tất cả những yêu thương và khích lệ đã dành cho tôi. Xin cám ơn mọi con người tôi được diễm phúc gặp gỡ trên cõi làm người và làm con Chúa.


Phan thiết tháng Bảy - 2007

Vinam
21-11-2010, 07:41 PM
0903……




Vladimir@...


Đó là địa chỉ của hai người Nga may buồm lướt sóng ghi trên cửa phòng trọ. Người đàn ông trạc năm mươi, đầu trọc, chỉ mặc chiếc quần dài, ông không nhìn ai và chăm chú may, khâu, cắt…Người đàn bà trẻ hơn nhiều, ngồi ngay ngắn, làm những công đoạn phụ như cắt, ráp những mảnh nhỏ, nhoẻn miệng cười chào người Việt Nam đi qua: “Kính chào, kính chào! tiếng trong veo như tiếng chuông xe đạp ping-pong..pingpong… xưa .

Mấy năm qua, cứ tới mùa lướt sóng, hai vợ chồng người Nga này lại đến Rạng, Mũi Né, phòng trọ Binbon (của Anh Trí và chị Hồng, giáo dân Rạng) để may vá buồm phục vụ khách du lịch lướt sóng. Cũng có nhiều người ngoại quốc ở các nơi như Sàigòn, Vũng Tàu… đem những mảng buồm rách đến vá và nghỉ lại phòng trọ Binbon chờ xong mới về.
Thu nhập của họ thật khá. Hai ngày được một buồm giá từ 1200-1500 USD. Chí phí ăn ở chỉ 20 USD một ngày . Mỗi tháng thu đến 10.000 USD-15.000 USD.

Cám ơn nụ cười và tiếng chào Việt Nam của Anna. Cám ơn tài hoa của Vladimir vì những cánh buồm đẹp muôn màu lộng gió biển Mũi Né…Việt Nam. Cám ơn bạn đã đến làm đẹp quê hương chúng tôi. Và xin cám ơn cả bữa ăn ngon Mồng Năm Tết của anh Trí chị Hồng quán Binbon.
Có người Việt Nam nào học nghề may buồm lướt sóng hái ra bạc này không ? Xin liên lạc với 0903…Vladimir@... xứ Rạng, Phan thiết.

Xứ Rạng, Mồng 5 Tết Bính Tuất 2006

Vinam
22-11-2010, 05:11 PM
ALLÔ ! TAI NẠN GIAO THÔNG


Hôm ấy Hai Mươi Tám Tết.
- Allô ! Phải 113 không ạ?
- Đúng.
- Có tai nạn giao thông chết người. Xe tải tông chết một người đàn ông khoảng 40 tuổi ngay cổng nhà thờ Kim Ngọc .
- Chiếc xe tải còn đó không ?
- Còn. Người xem đầy đường, có thể tắc nghẹn giao thông…
- Số điện thoại là mấy ?
- Nhà thờ Kim Ngọc: 866167.

Tôi nghe tiếng xe tông rất mạnh, rồi tiếng xe hơi thắng rít từ từ tấp vào lề. Tiếng xe gắn máy rít lên dữ dội rồi lịm tắt. Tôi định thần. Không biết có phải là người đi chầu về không vì giờ chầu vừa tan. Tôi đi nhanh ra nơi tai nạn: người đàn ông nằm gục đầu trên tay lái chiếc xe Mink, cái lưng có lẽ gẫy, bất động, chiếc mũ tai bèo màu lính rằn ri nằm giữa đường cách xác chừng mười mét, chiếc lồng chim cu mồi trước xe vẫn không móp méo gì cả, con cu trong lồng hình như vẫn còn sống xòe cánh lật phật. Tôi ngần ngại không lại quá gần.

- Thưa cha con thấy anh này từ xóm Gò phóng lên tông ngay vào xe vận tải - ông ban họ trực đóng cửa nhà thờ nói.
- Có phải người xóm mình không?
- Có lẽ không.
- Dân chơi cu xóm mình có ai như vậy không? Cái mũ đây này. Dân mình có đội mũ này không?
- Không …

Tôi đi vào. Kiếm cái chiếu đắp cho người ta. Không có cái nào mới. Tôi loay hoay kiếm cái mền. Nhìn ra đường. Đầy nghẹt người, xe bóp còi inh ỏi và nối đuôi nhau. Chủ tịch xã và an ninh xã đứng dưới gốc cây keo nhà thờ.
- Chào anh V, Công an giao thông xuống chưa?
- Đang xuống đó!
Tôi nhìn ra. An ninh xã đang còn giải toả dân quá hiếu kỳ cho xe lưu thông
- Biết nạn nhân là ai chưa?
- Nghe nói người thôn Ung Chiếm. Thường say rượu. Đây là lần thứ tư gây tai nạn. Gia đình nhiều lần thăm nuôi anh bị xe tông. Lớn tuổi chưa vợ chưa con… sống chỉ làm khổ gia đình xã hội. Tụi con mất tiền thưởng an toàn giao thông năm triệu rồi.

Tôi áy náy chưa đắp được cho anh chiếc chiếu. Người đổ xô đầy đường. Rồi thân nhân đến. Lượm xác lên xe lam. Không một tiếng khóc, không một tiếng than, không một lời nói. Có lẽ gia đình quá chán nản với con người này rồi. Chở về đem chôn. Không kiện, không thưa, không khiếu nại. Sáng mai chiếc xe tải cũng chạy đi khi mặt trời lên cao. Vũng máu khô rồi cũng bị bánh xe qua lại cuốn đi.
Tôi âm thầm cầu nguyện cho anh trong thánh lễ sau đó. Không làm to chuyện trong ngày Tết, vì sẽ sinh mê tín, khi ai cũng nhớ người chết trước cổng nhà thờ.

Cho tới giờ có lẽ anh chỉ còn là khói sương trên đỉnh núi. Cha mẹ và người thân quên anh. Mọi người sẽ quên anh. Nhưng Thiên Chúa không quên. Hỡi người xấu số! Chúa yêu anh !
“ Mạng chúng con còn giá trị hơn nhiều con chim sẻ “ (Lc…..?)
Mong gặp lại anh trong Nước Trời!

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
23-11-2010, 09:52 AM
TẤM ẢNH CHÚA CHĂN CHIÊN LÀNH




Kim ngọc 3/11/2004



Hôm ấy lễ Thánh Carôlô Bôrômêô, tôi ngồi đọc đoạn thư của Ngài trước ảnh Chúa Chiên Lành. Bài đọc khuyên các chủ chăn hãy chuyên cần nên thánh. Tôi nhìn ảnh Chúa Chiên Lành và nhớ đến người tặng tôi bức ảnh. Cuộn phim cũ hiện về.




Một ngày cuối năm 2003


Thứ Bảy, ăn sáng xong tôi đi lòng vòng. Một người đàn ông chở bà cụ già ngừng xe đầu lối vào nhà xứ. Bà già xuống xe nhưng không vào, người đàn ông cầm tấm gì đó trong tay. Có lẽ xin làm phép bức ảnh.
- Thưa cha con là Trí, cháu Ô. Tư Chậm. Con lạc đạo, lấy vợ lương hơn hai chục năm qua. Chiều nay cha Đường sẽ làm phép cho con... Con và mẹ về mời bà con, nên ghé vào thăm cha...Cha không biết con, nhưng con biết cha, vì năm nào con cũng về đi lễ Các Đẳng trên đất thánh Kim Ngọc.

- Vợ anh có theo đạo không ?
- Có! Vợ con ao ước từ lâu! Rửa tội cả mẹ lẫn con… đứa đầu đang học lớp mười!….Thưa cha, con xin tặng cha bức hình …--- tôi xua tay ---- cha nhận cho con vui lòng…Con thương cha quá …--- anh ôm tôi hôn… tôi không kịp phản ứng .
- Chào cha con về. Anh quay ra xe, người già lúc nãy ngồi lên xe và mẹ con chạy đi.

Tôi lững thững bước vào nhà xứ.
Tôi nhìn tấm ảnh. Được gói bằng bao ciment sơ sài, lộ ra khung gỗ sơn đen, thứ hình rẻ tiền bán ở các hiệu ảnh đạo.Tôi xé giấy ra. Đó là bức ảnh Chúa Chiên Lành. Tuy không đẹp lắm nhưng tôi chọn chỗ tôn quí nhất giữa phòng khách treo lên, rồi lo dọn bài giảng. ..

Hôm nay nhìn tấm hình, hồi tưởng lại, ơn Chúa Chăn Chiên Lành cho tôi ngộ ra .
Anh Trí là người rối, là tội nhân mới trở về. Bà già là mẹ anh ngần ngại không dám bước vào nhà cha, chỉ đứng xa xa…người mẹ đi kinh tế vì nghèo hay có con vượt biên… khiến con lạc đạo lấy vợ lương hơn hai mươi năm, biết bao ray rứt, nay hợp thức hoá hôn nhân cho con mới yên lòng.

Anh Trí bao năm dằn vặt khi hàng năm về thắp nhang cho ông bà ở Đất Thánh mà phải đứng xa xa nhìn lên bàn thờ, thèm thuồng được rước Chúa, được hiên ngang bước lên như mọi người …! “ Cha không biết con nhưng con biết cha…”.
Đáng lẽ tôi vui vẻ, chúc mừng cuộc hôn nhân của anh nhưng tôi quên. Đáng lẽ tôi mời bà già kia vào nhà xứ nói với bà vài câu chuyện, nhưng không! Đáng lẽ tôi ôm anh hôn, nhưng anh lại ôm tôi hôn. Đáng lẽ tôi tặng quà cho anh vì sự trở lại, vì cuộc tình chung thuỷ chờ đợi hai mươi năm, nhưng không, anh lại tặng quà cho tôi: một tấm ảnh Chúa Chiên lành với lòng yêu thương trìu mến và thành kính.

Anh như người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt mà lau chân Chúa, đổ bình dầu thơm xức chân Chúa. Anh hôn tôi như hôn Chúa…. .Anh yêu nhiều nên được tha nhiều.
Còn tôi dường như khô cứng lòng nhân hậu và nhạy cảm yêu thương, chú trọng tới việc làm mà chưa chú trọng đủ đến con người. Tôi còn xa Đấng Chăn Chiên Lành lắm!
Lạy Vị Mục Tử Nhân Lành! Xin thương xót tôi!

“ Cả Cha nữa cũng đi xưng tội để được Chúa Giáng Sinh ngự vào lòng “ (ĐGH Gioan-Phaolô.II )

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
24-11-2010, 06:57 AM
BA TỜ 100 MỸ KIM CỦA CÁC DÌ MTG


-1-
Mùa hè 2006, một em đệ tử sắp vào nhà tập, chào tôi đi vào dòng MTG CQ.
- Thưa cha trong dòng con có ba Dì gốc KN. Dì Năm, Dì KA. và Dì Sương ở cộng đoàn Tắc Rỗi...Quê Dì Năm ở Phú Hài, quê dì KA. ở Hoà Thuận...thỉnh thoảng các Dì nói chuyện nhắc nhở con...
Tôi biết Dì Sương vì thân quen gia đình và cha bố Dì học lớp trên tôi ở Đà lạt. Dì Năm và Dì KA thì hoàn toàn không biết.
- Cha tặng các Dì cuốn “Các Họ đạo cổ xưa của Giáo phận Phan thiết” . Nhờ con chuyển dùm !

Tôi đề mấy chữ “...để nhớ về cội nguồn”.
Dịp khánh thành nhà thờ tôi chẳng biết gửi thiệp cho quí Dì bằng cách nào. Chợt gia đình của chị Suơng nhắn gởi thiệp cho quý soeurs, họ sẽ chuyển cho !

-2-

Ban triển lãm làm việc tất bật cả ngày đêm chỉ một tuần trước khánh thành. Nơi trang “ Những bông hoa của giáo xứ” có hình và tên của ba Dì nói trên. Nơi trang “ Tưởng niệm và tri ân “ có tên và hình mấy chục nữ tu đã khuất hoạt động từ 1932 đến 1968. Ban triển lãm thật chu đáo .
Ngày khánh thành ba Dì đều về tham dự. Tiệc tan chụp hình lưu niệm.
Hôm sau tôi thấy trong hộc bàn có bì thư đề: “Ba nữ tu gốc KN.MTGCQ. Cám ơn cha”. Không nhớ họ đưa lúc nào cho tôi.
Trong thơ có ba tờ 100 USD. Mỗi nữ tu mừng nhà thờ mới 100 đô la . Có lẽ là của hồi môn của họ. Giá trị bằng mấy ngàn đô la của các cha. Còn Dì Ba ở Gia định chỉ cúng 100.000đ, nhưng xin cho nhà thờ KN được gần hai trăm triệu, xấp xỉ tiền Toà Thánh cho nhà thờ.
“Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến những việc ấy. Cùng đi với ông Giô-xếp, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. (Lc23,49-53)
Cám ơn trái tim phụ nữ.

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
25-11-2010, 07:26 PM
BÁC SĨ LƯƠNG THƯƠNG CÁC ÔNG CHA CÔNG GIÁO



-1-


Không phải BS luơng thương các cha hơn Bs công giáo thương; Vì làm gì có bs Công giáo đâu mà so sánh.
Sau 1975, em tôi đi thi Đai học HH. Trong văn thư “mật” gửi trường, BTCĐ, Ông Đ. v. M. đề nghị “không nên đào tạo” vì có anh là “sĩ quan Nguỵ” và có anh là “tu sĩ”. Đại học HH cứ đào tạo. Sau đào tạo, không đơn vị nào nhận công tác vì lý lịch ghi “không nên đào tạo”. Đi lang thang chán chê thì có tên đi NVQS Campuchia …Nếu có số “liệt sĩ” thì đã bỏ xác quê người, lên bàn thờ tổ quốc, thay vì thành nhân tài xây dựng quê huơng ! Nhưng số thường hơn, nên trở về với chứng sốt rét kinh niên, đi tu và làm linh mục …
Làm gì có bs Công giáo mà so sánh.
Cho nên có ông bs người lương rất thương các ông cha công giáo.


Mỗi lần tĩnh tâm LM, bs này khám bệnh cho hết các LM PT… Tụi tôi ở gần bs, khám ưu tiên không mất tiền. Nếu ai nói có cha ABC giới thiệu thì người nghèo đó có lúc còn được cho cả thuốc !
- Bs ơi ! tôi bị viêm bao tử, ông bs Y Dược, ts Y Khoa du học Pháp về cho uống hai toa, hai tuần, ngót triệu bạc còn đau lộn ruột thêm, xuống mất hai ký lô. Làm sao đây ?
- (Bs Coi thuốc, coi toa). Cha zdục hết thuốc này đi! Nghe nói miền Bắc người ta làm bột chuối uống, cha thử tìm hiểu thêm và trị bằng thuốc Nam coi xem!
- (Hết ba phút cho bệnh nhân, bs tiếp ca khác). Tôi lủi thủi về, ra chợ tìm được cuốn sách: “Trị bệnh bằng thức ăn”. Nhờ đó hết bệnh mà còn truyền chiêu này cho cả trăm người đau bao tử lành bệnh.

-2-

- Thưa cha,hôm nay cha có nhà không ạ! Con là bs N. đây, hôm trước cha điện thoại, con bận công tác, hôm nay con ghé cha xem bệnh như thế nào ?
- Dạ không, tôi tới bs được ạ.
- Con tới cha tiện hơn. chiều nay con nghỉ làm.
Mười lăm phút sau ông có mặt.
- Hậu môn cha thế nào ?
- Dạ nó rỉ nước, thầy T. (bs ở CV) bảo: rò rỉ phải mổ! Sợ quá!
- Để con coi! Đem cho con cái gương nhỏ. Nó bị một vết rách chứ không rò rỉ… Cha mua găng tay loại này, thuốc loại này, rửa như thế này. Có gì gọi lại cho con .
Tôi chữa như thế, gần như lành.

3
- Chào bác sĩ!
- Chào cha, cha làm lễ xong sớm ?
- Dạ sớm , 6 g 30.
- Cha đây làm cả buổi sáng.
- Tôi đau đầu hai ngày. Uống một thang thuốc nam chưa hết, bớt chút đỉnh. Đau hoài.
- Cha bị kiện chứ gì?
Tôi nhìn ông không hiểu !
- Cha bị kiện chứ gì….(tôi vẫn không hiểu, ông cười ).. Mẫu nhà thờ đó. Giống người ta nên bị kiện !…
- Chỉ mặt tiền thôi, bộ lòng thay hết rồi. ( Hoá ra ông ấy đùa, chọc tôi ).
- Cha há miệng ra…uống ba thứ đó, ba ngày không bớt thì vào Hoà Hảo đem theo cái này xét nghệm coi cái đầu ra sao, phải lo sớm !

Cám ơn ông bác sĩ người lương thương các ông cha Công giáo.

“ Nguời bên đông bên tây sẽ vào nước Thiên Chúa, còn con cái trong nhà thì bị đuổi ra ngoài” (Mt.8,12)


Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
26-11-2010, 05:50 PM
BÀI CHIA SẺ TRONG LỄ MÃN TANG BÀ CỐ ANNA



THÂN MẪU LINH MỤC JB HOÀNG VĂN KHANH



Vinh thủy 11/9/2003



Kính thưa cụ Ông Thân sinh cha GB
Kinh thưa quí cha, quí chủng sinh
quí tu sĩ nam nữ, quí thân bằng quyến thuộc bà cụ ANNA
cùng kính quí ông bà anh chị em cộng đoàn giáo xứ Vinh thuỷ, Vinh Phú, Vinh An….

Cách nay một tuần cha GB đề nghị tôi chia sẻ trong ngày giỗ đoạn tang bà cụ Anna, tôi nhận lời ngay dù chưa nghĩ mình sẽ nói gì . Tôi nhớ tôi và cha Chữ hôm lễ tang, rước bà cụ Anna ra nghĩa trang chính tòa Xuân Lộc rồi đón xe vô Sàigòn mua hoa lan về trồng…
Tôi có khá nhiều dịp để sống với cha mẹ các anh em linh mục, các chủng sinh. Nhất là sau năm 75 hoàn cảnh nhiều xáo trộn và thậm chí tuyệt vọng cho kẻ đi tu. Xin chia sẻ một vài việc thật, người thật về một số cha mẹ các linh mục thân quen, mà phần nhiều đã khuất núi.

1. Các vị là con người của hy vọng :
Thầy Sáu Lừng vì gia đình có người vượt biên nên bị đưa đi kinh tế mới ở Sông Dinh sốt rét kinh hồn.. lúc đó tôi làm thầy coi xứ Phước an, thỉnh thoảng đi xe đạp thăm giáo dân Phước An bị đem cư trú bắt buộc tại Đức Tân, đồng thời ghé thăm cha Quán, cha Thời, thầy Chiến và cha Đại, ghé thăm một gia đình công giáo dưới chân núi Tà Pao…Trạm dừng chân đầu tiên là nhà thầy Sáu Lừng. Cụ Lừng ngày nào cũng sốt, hết sốt lại vào rừng làm cây bán. Cụ Lừng nói: may ra mình cứu được mình. Lúc đó ông bà cụ tỏ ra tin tưởng có ngày Chúa ngoảnh mặt lại. Quả thế, sau 10 năm lưu đày, cụ Lừng về Tân Châu, rồi thụ phong linh mục …
ĐHY Thuận nổi tiếng vì là con người của hy vọng. Trong lời tựa cuốn Đường Hy Vọng, xuất bản khi ngài ở trong tù, ngài đã viết: cha đã đi con đường nhiểu hân hoan và khổ đau, nếu Chúa cho cha chọn lại, cha vẫn chọn con đường này.
Th Phaolô dạy: “Lòng cậy trông không giả hình giả bộ…hãy hăng hái làm lành, gớm giếc điều ác…hãy vui với người vui.. khóc với người khóc…chớ làm phiền lòng Thánh Thần..”

2. Các vị là con người của niềm vui :
Cụ Hoàng Xuân là thân sinh của cha Hoàng văn Thinh, vừa làm nông vừa đạp xe ba bánh. Làm rẫy xa nên buồng chuối trổ ra mới “rửa tội” thì đã bị ăn cắp. Khi đi rẫy về ông xách quầy chuối la to vui vẻ…Cứ khoảng mười giờ sáng là về đạp xe ba bánh và làm công tác Legio. Khi rửa tội được cho bà ni cô thì cười chúm chím, không cần ăn nữa…Nụ cười của cụ cho đến nay tôi vẫn nhớ !
Trong thư Rôma, thánh Phaolô nói: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa…Tôi khyên bảo anh em hãy vui luôn trong Chúa ...” Hay Chúa Giêsu bảo các môn đệ nơi giếng Giacóp: “lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta”.

3. Các vị là con người của phó thác vào Thiên Chúa
Ô Bà Nhất, cha mẹ của thầy Sáu Hoàng minh Hùng (chỗ ầy th ếu?...)

4. Các vị là con người sống tinh thần siêu thoát, tông đồ :
Cụ Lê minh Châu, thân sinh Sr. Lê thị Bạch

5. Các vị là con người sống tinh thần cầu nguyện liên lỉ :
B à thân mẫu cha Trần đức Dậu

6. C ác vị là con người đầy tình người :

Mẹ tôi và mẹ thầy Thinh.

7. Các vị là con người sống hoà hợp trong đời sồng vợ chồng
Cụ Lê minh Châu và Cụ Nguyễn thị Mai.

8. Kỷ niệm về bà cố Anna : Nụ cười méo mó đẹp hơn tất cả mọi hoa khôi hoa hậu.
Bà cụ bị tai biến nên méo miệng. Để bà cụ vui cha GB thường nói “mẹ cười lên nào!”. Bà cụ càng cười, miệng càng méo, nhưng nụ cười đó đẹp hơn mọi hoa hậu hoa khôi…

9. Nói lên một vài điểm son của các ngài: đó là niềm vui, hy vọng cậy trông, phó thác, siêu thoát, cầu nguyện và chiêm niệm, thân ái và đời sống hoà hợp vợ chồng. Ca tụng các ngài là ca tụng Thiên Chúa đã ban mẹ cha cho mỗi người, là quà tặng cho các linh mục, quà tặng cho đời. Lâm Ngữ Đường, một triết gia TH hiện đạ i: “các vĩ nhân thường có cha mẹ đã là vĩ nhân”. Các linh mục hay mỗi người chúng ta làm được việc gì không ít khởi đầu từ đấng sinh thành. Hay GIA ĐÌNH là chỗ dựa vững chắc cho mọi người, cho Linh mục . Có những việc gia đình xin đừng làm phiền kẻ đi tu: tu là cát ái từ thân. Anh chị em hãy để yên cho người đi tu !

10.Hôm nay nghiêng mình thắp nén hương lòng kính nhớ các ngài, phần lớn không còn nữa, không phải là ca tụng chính mình, nhưng xin nhớ cho hiếu thảo là đạo gốc con người. Người không hiếu thảo không hơn con vật. Nguyễn hiến Lê đã diễu Tố Hữu khi khóc Staline trong hai câu thơ: “Thương cha thương mẹ thương chồng, thương mình thương một thương ông thương mười”. Thương Staline gấp mười mẹ cha! Rõ là bất hiếu vong ân...!(1)

11. Cám ơn cha HVK, cám ơn gíao xứ Vt, nhất là trong dịp lễ tang thân mẫu, thân sinh của tôi. Lúc ấy tôi như người không hồn, cha Khanh và cha Chữ đến nhà rước các ngài lên nhà thờ Phước an…

12. Đức Gioan-Phaolô II, trong TH GH AC: Sống đạo hiếu là một cách thức hữu hiệu loan báo tin mừng . GIA ĐÌNH là một trong những tác nhân quan trọng nhất của công cuộc loan báo tin mừng tại Á Châu…

13. Khổng Tử cụ thể: Đạo hiếu có ba bậc : thứ nhất nuôi được cha mẹ, thứ hai không làm nhục cha mẹ, thứ ba làm cho cha mẹ được vinh hiển.

Chúng con sống để các ngài được hiển vinh ! Đó là làm danh Cha cả sáng vậy.


(1) Nguyễn hiến Lê, Hồi ký Nguyễn hiến Lê, trg.525



Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
27-11-2010, 06:49 AM
BỎ NGÀI CON BIẾT THEO AI ?


Hôm nay 17/4/2006, ngày lễ khấn trọn của bốn nữ tu Mến Thánh Gía Phan thiết . Mấy tuần nay tôi đau, phải châm cứu nên hơi ngại đi, cuối cùng gọi chỗ xe quen thì đã đi Sàigòn, nên tôi quyết định đi xe Dream. Tôi đi, còn vì hai khấn sinh gốc Kim ngọc có lẽ sẽ khấn lần đầu vào dịp tới. Tối về giáo xứ lại còn làm lễ cầu cho giáo phận, cho Đức Cha Nicôla Huỳnh văn Nghi đến Phan thiết 31 năm. (17/4/75---17/4/2006)

4 g 30 trời đang tối, nếu chạy chậm sẽ không kịp giờ lễ. Tốt hơn nên theo sau xe tải với một khoảng cách an toàn. Đây rồi, Anh Chàng 79 Nha trang, chạy 60 km/g. Tới Ngã Hai nó tấp vào lề phải, thôi chia tay bác tài! Đường vắng, tôi rồ ga lên 70km/h đến nhà thờ Thuận Nghĩa gặp Anh Chàng 38 Nghệ An qua mặt, tôi đuổi theo, nó chạy 80km/h, hơi nguy hiểm đấy! Tới trạm Sông Phan nó phải nối đuôi mua vé nên tôi chúc nó thượng lộ bình an! Lại gặp Anh Chàng long vehicle chẳng biết ở đâu, theo nó cả chục cây số với 80 km/h. Tới cây cầu và khúc cua ngặt, nó phải giảm tốc, rồi thắng lại để cua, vì nó quá kềnh càng. Tôi qua mặt nó cái vèo. Cho đến Ngã ba Bình Tuy, nó vẫn không bắt kịp tôi . Trời đã sáng nên tôi không cần theo đuôi Anh Chàng nào nữa mà thênh thang đường ta ta đi… Tới nhà dòng Mến Thánh Gía Phan Thiết 6 g kém 5. OK.

Sông có khúc, người có lúc, ông cha đã nói .
Trịnh Công Sơn đã hát: “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây…” . Dân tộc tôi đã gặp Tàu phải theo Tàu rồi chống Tàu cho độc lập tự chủ. Gặp Tây rồi chống Tây, gặp Mỹ rồi chống Mỹ, gặp LX phải theo LX, rồi cũng phải bỏ LX …. They are they, I am I…

Tục ngữ VN còn nói: được cá phải quên lờ, được thỏ phải bỏ giỏ. Được ý phải quên lời. Đó là Đạo, đó là biện chứng…

Hội Thánh 2000 năm gặp bao dân tộc, bao văn hoá, bao thăng trầm. Hội Thánh chỉ là Hội Thánh nếu trung thành với Chúa KiTô và Tin Mừng chứ không với ai hay nền văn hoá nào.

Trên đường tôi đã gặp bao nhiêu chiếc xe? Sẽ gặp bao chiếc xe? 86, 38, 79, 50 Motolova, Ford, Mercedes…Toyota …Xin cám ơn, chúc thượng lộ bình an, xin chia tay bác tài…
Trên hành trình theo Chúa, ta đã gặp biết bao người, bao nhóm, bao tổ chức giúp ta.
Rồi cũng phải vượt qua cho mình thanh thản trưởng thành. Dù ân sâu nghĩa nặng, ta cũng chỉ trung thành với ai, khi họ còn trung thành với Chúa. Thánh Phaolô là gương mẫu .

Miễn là đức Kitô được rao giảng…
Đối với tôi, Đức KiTô là tất cả, ngoài ra chỉ là phân bã …

Hôm nay các chị tuyên khấn trọn đời, biết bao người đã vun đắp. Nhưng khấn trọn lại là cát ái từ thân vĩnh viễn. Mất để còn. Cho để nhận. Nhận gia tài của mẹ cả xấu tốt vui buồn, cả thánh giá - phục sinh. Vun đắp cho dồi dào được sáu mươi, được ba mươi !

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
28-11-2010, 01:24 PM
BÔNG HOA BÔNG BỤT KÉP MÀU ĐỎ TƯƠI



NGÀY THỨ BẢY TUẦN THÁNH




Nhớ một người bạn linh mục




Sáng sớm ngày thứ bảy tuần thánh, cảm thấy thanh thản, ngồi lên ghế xích đu ôn lại bài “ Mừng vui lên”. Chợt thấy bông hoa bông bụt kép đỏ chói trên cây hoa nhỏ chỉ sáu bảy lá mọc từ kẽ sân ciment. Vô lý ! Làm sao cây non bé tí như thế lại trổ hoa đẹp thế ? Có thể bông hoa vừa rơi xuống từ cây hoa to kia chăng ?

Không ! Bông hoa đẹp sắc mầu như máu tươi này mọc từ cây hoa nhỏ yếu ớt. Nhưng thân nó ăn ngầm với gốc bông bụt hai mươi tuổi - bọn mê cây kiểng trầm trồ khen tháng trước- do cha Nguyễn Văn Học trồng - mới có sức to và sắc mầu tuơi thế. Cám ơn cha Nguyễn Văn Học, đấng tiền nhiệm khả kính.


“Thầy là cây nho, chúng con là cành…” (Ga 15)

Hội thánh là thân nho, tín hữu là cành

Giám Mục là thân nho, linh mục là cành.

Linh mục là thân nho, giáo dân là cành.

Bông bụt đỏ như máu, đổ ra ngày hôm qua Thứ Sáu Thánh.



Cây nho vì cành nho. “Máu đổ ra cho muôn người được cứu độ”



Xin đừng tách cành ra khỏi cây “ vì không có thầy, chúng con chẳng làm được việc gì” (Ga 15).









CHỊ NĂM CÔNG QUẢ







Từ khi chồng bỏ theo con Lài hàng xóm, chị Năm gánh con Liên đi bán đậu hủ tại chợ Phú Long rồi lên chùa làm công quả. Bây giờ nó đã có chồng có con.

Chị quét sân chùa, thắp nhang, thay bông hoa bàn thờ Phật, nhưng không vào nhà bếp vì đã có người thường xuyên nấu cơm cho thầy. Chị cũng chẳng đời nào dám bước tới dãy nhà các thầy. Đôi lúc đi cúng về, thầy Bảy gặp chị nói chuyện vài câu. Đôi khi bà nấu cơm gọi chị ăn chè cúng, nhưng chị cũng chỉ ăn lấy lệ. Sân chùa, gốc mai tứ quý trước sân chùa trở nên thân thương. Cả mấy con chim ăn sâu cứ sáng sớm đến cây điệp tìm mồi cũng thân quen. Mùa nắng hạn kéo dài, trái mai tứ quý chín lại tạm no dạ cho mấy con chúc hoạch, chào mào…

Thầy Bảy Đảo đau nặng thập tử nhất sinh phải đi Sài gòn chữa bệnh. Cô đại đệ tử có quyền kế vị thầy về chùa. Cô cãi lộn với những nguời đệ tử khác như các bà bán cá ngoài chợ Phú Long, cô nhìn chị Năm bằng nửa con mắt.

Buồn và giận, chị Năm bỏ không lên chùa. Bỏ chùa chị càng nhớ, nhớ da diết.

- Thôi! Má ở nhà ẵm cháu làm công quả cho con! Con Liên bảo mẹ.

Nó chưa hiểu nổi lòng mẹ nó với chùa, với Phật. “Đám trẻ bây giờ nó sao sao ấy, ông cha ơi!” Ba ngày sau chị lên chùa. Sân chùa không ai quét. Cả con chim sâu dường như cũng bay đi ngay. Vài bông hoa trên bàn thờ Phật héo úa.

Dành nhau chùa người ta quên Phật. Không lẽ chị cũng bỏ Phật bỏ chùa.


Đức Phật vẫn điềm nhiên tĩnh tọa trên tòa .


- Bên Công Giáo, ông cha chết, người ta có dành nhau nhà thờ không ông cha ?


Tôi vẫn chưa trả lời chị Năm.

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
29-11-2010, 07:38 AM
CHIA TAY ĐÊM GIÁNG SINH


Hai giờ sáng đêm Giáng sinh. Tôi thức dậy đi vòng quanh nhà thờ. Một nhóm thanh niên nam nữ nói cười ồn ào đi từ phía ngã ba quốc lộ về cổng nhà thờ rồi rẽ vào hang đá. Không biết tụi này sẽ làm gì? Tháo bóng đèn chăng? Tôi đứng im quan sát.
Một lát im lặng. Rồi một câu kinh xướng lên. Nối tiếp, nối tiếp...
Lạy Chúa con, con là vật phàm hèn cùng là không trước mặt Chúa. Chúa đã dựng nên con và cho Con Chúa ra đời...
Một bài hát Giáng Sinh vang lên .....
Im lặng.
Chúng đi ra cổng nhà thờ, chia làm hai nhóm: Bye bye...tạm biệt V. Chúc lên đường vui vẻ...Một đứa là to: Vĩnh biệt V. Tiếng cười nói xa dần vào xóm đạo.
V. là một huynh trưởng xa quê vào Sài Gòn làm cho hãng, hầu như không bao giờ được nghỉ phép.

Đèn vẫn chớp nháy cả bầu trời .Trời se lạnh nhưng tôi ấm lòng.






CHIÊU CỦA GIÁM MỤC


Tư Kỳ là dân Bắc Công Giáo thứ thiệt, lấy vợ Nam Công giáo thứ thiệt. Di dân tự do đến vùng đất mới để làm ăn. Tại đây có nhiều người Công giáo năng nổ. Quan hệ thường xuyên với Toà Giám Mục, khéo léo với chính quyền, nên từ vùng trắng, có được nhà thờ, rồi có cha xứ chính thức. Từ khi xây xong nhà thờ, ông cha khó tính dần. Khi thì la thanh nữ quét nhà thờ không sạch, khi thì rầy Bà Mẹ CG không dạy con cầu nguyện, bảy tuổi đi học giáo lý mà chưa biết làm dấu Thánh giá; ông chủ tịch gia trưởng say rượu đi họp bị cha đuổi về. Thậm chí không nể cả ân nhân lớn của giáo xứ, chỉ trích cả ban thôn….
Một số giáo dân khó chịu, nhất là những người trước đây thường quan hệ với Toà Gíam mục. Họ kéo lên Tòa.
- Thưa Đức Cha, không hiểu sao nay Cha xứ chúng con đổi tính đổi nết, việc gì cũng la, việc gì cũng chửi, phê bình chỉ trích cả thôn xã …làm mất lòng mọi người. Ai cũng bất mãn không muốn làm việc nữa….
Đức Cha nghe họ trình bày, hỏi han kỹ lưỡng rồi nói:
- Trong hàng linh mục, có người luôn được lòng mọi người, được lòng giáo dân, đẹp lòng chính quyền, thậm chí cả được lòng Giám Mục. Nhưng Hội thánh chẳng được bao nhiêu. Có linh mục chẳng được lòng ai mà Hội thánh được lợi rất nhiều. Rất may cha xứ chúng con thuộc loại này.
Họ ra về. Tư Kỳ bảo mọi người :
- Chiêu của Giám Mục độc thật!

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
30-11-2010, 08:43 AM
CHUYỆN CON NGỰA ÔNG CAI TỔNG.


Một linh mục già kể chuyện cho Giám Mục nghe, trong một cuộc tĩnh tâm linh mục.

Ông cai tổng có con ngựa đẹp ngày nào cũng cưỡi đi. Ít năm sau con ngựa đã già, ông thay con khác. Ngày xưa nó được chăm sóc, ăn lúa, ăn cỏ non, tắm rửa hàng ngày. Bây giờ nó thường bị cột bên đường, thỉnh thoảng lại bị quên cho uống nước, khát đến cháy họng!
Ai đi ngang qua cũng nói: đó là con ngựa cũ của ông cai tổng.



CHUYỆN VUI CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II



VỚI HỌP MẶT LÂM BÍCH BANMÊTHUỘT.



Anh em Phan thiết đi Trung Hoà trên một xe 15 chỗ. Gần tới Banmêthuột, bị CSGT chận lại hỏi giấy. Bác tài đưa các thứ giấy: không đủ, không hợp lệ. Bác tài gọi di động về cho Hợp Tác Xã xe để giải trình: Không nghe. Biên bản.
Ai cũng nóng ruột vì đã chờ vài ba chục phút. Chắc là bị phạt tiền trăm.
Bác Thiện nói :
- Kim Anh cầu với Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đi!
Tôi im lặng, anh em cười. Số là Kim Anh vừa kể hai câu chuyện Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II làm “phép lạ” cho một đứa trẻ nghèo gẫy xương, bị nhiễm trùng qua khỏi, một phụ nữ trẻ bị u nang buồng trứng tự tiêu sau hai tháng đọc kinh cầu xin Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II do Kim Anh hướng dẫn tại chỗ…
Năm phút sau, anh CSGT tới đứng nghiêm chào các cha:
- Báo cáo các cha, xe như thế này là giấy tờ không hợp lệ, nhưng vì bác tài nói chở các cha đi thăm, chúc mừng dịp vui của các cha Ban Mê Thuột, nên chúng tôi cho đi. Nếu về Trung Hòa thì tôi biết, đi đường này rồi rẽ trái….
Hú hồn, thế là lên đường. Bác Thiện nói tiếp :
- Tớ đã cầu nguyện với Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trước khi nói với Kim Anh.

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô linh thật !

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
01-12-2010, 11:21 PM
CHUYỆN BÀ BA LÀM CÂY BỊ LẬT XE



KN tháng Bảy năm 199…


- Thưa cha, Bà Ba làm cây bị xe lật đè chết hôm qua…
- Sao con không nói với cha ?
- Thì con nói đó …
- Thôi, đi mua bó nhang đến thắp cho người ta.
Thằng nhỏ ở với tôi hơi ngạc nhiên, rồi chạy vù đi mua nhang.
- Con chở cha đi. Nhà Bà Ba ở đâu ?
- Dưới Đất Thí. Đường hơi khó đi.
Đến nơi, tôi bước vào nhà người xấu số . Đã đem chôn rồi. Một người đàn ông trạc tuổi năm mươi nhỏm dậy :
- Ông đi đâu dzậy ?
- Tôi là cha xứ KN. Mới đổi đến. Nghe tin Bà nhà mới mất, đến thắp cho Bà mấy que nhang …
Người đàn ông dụi mắt, nhìn tôi hồi lâu.
- Cám ơn ông. Vợ tôi chết thật thảm thương! Làm cây, cây đè. Do chiếc xe quá cũ …
- Bà được bao nhiêu ?
- Bốn lăm. Tuổi Thìn.
- Tôi xin chia buồn với ông. Xin Chúa phù hộ ông. Xin cho Bà sớm về chốn vĩnh hằng, nơi chín suối.

Vài tuần sau cả vùng kháo nhau : Ông Cha mới đến đi thắp nhang cho người lương!

( NSLB 2004)









NHỚ ÔNG BẠN NGƯỜI LƯƠNG TÊN TƯ .



Phan thiết 2004


Ông Tư Đ. sống mười năm với tôi như người anh em trong thời gian đầy biến động đầu đời làm tông đồ nơi một giáo xứ không cha. Ông mất nay cũng mười lăm năm. Xin ghi lại vài kỷ niệm. Hôm ấy gặp tôi ông nói :
- Thưa thầy, tôi đã đi hỏi vợ Công giáo cho con trai. Con gái ông Đào, giáo xứ Tân Lập. Ông ấy cũng biết thầy…
- Thế ông trình cha B. chưa ?
- Trình rồi. Cha B., người T.H. với tôi, rất tốt. Thằng Đức sẽ học giáo lý ở Tân Lập, tháng mười cưới.
- Còn ông bao giờ trở lại ? Tôi hát ghẹo ông : “ anh hỡi anh… bao giờ trở lại…” ?
- Bây giờ chưa được. Khi già, gần chết thầy rửa tội cho tôi…
- Phải học giáo lý, phải ăn năn sám hối… !
- Tôi rành cả rồi. Tôi là lính Phủ Tổng Thống. Sau 1/11/63 tôi bị về vườn….Tôi đọc mười điều răn cho thầy nghe…

Sau 1975, tôi thấy ông xuất hiện tại cái thôn toàn tòng Công Gíáo di cư này, với chức Trưởng Ban Kiểm soát Hợp Tác Xã. Buổi giao thời, một số người phản ứng, không thích hợp với chế độ mới, khiến bị đi tù hay đi kinh tế mới. Nhưng đi cải tạo lâu, chỉ có một người, số còn lại rồi được tha hết. Về sau, mới biết ông có công trong việc này. Ông được những người có quyền đồng hương Thanh Hoá với ông hỏi ý kiến và giải pháp. Ông đề xuất những phương cách khôn ngoan có lợi cho mọi người.
Năm 1988 phong thánh 117 vị Tử Đạo Việt Nam, ông có ý kiến giữa bá quan văn võ: Công giáo khi chọn ai phong thánh thì cẩn thận vô cùng, nghiên cứu kỹ càng cho cả thế giới thờ, không hề có dụng ý. Xin đừng ngăn cản!
Ông thường cho tôi những thông tin có ích.

Năm 1990, tôi dường như thấm mệt. Đức Cha bảo tôi nhận chức Sáu. Tôi từ chối.
Tôi đi tìm anh em Lâm Bích, về thăm xứ Bụi Mù Trời sau hai mươi lăm năm .

Tôi về Trung Hòa.
Rừng Ná mây phủ mù sương không còn nữa,nay chỉ còn đồi trọc. Đâu đâu cũng cà phê, đâu đâu cũng nông trường. Hồ, suối đầy cây cao bóng mát xưa, nay chỉ là vũng nước đục. Một số cây cà phê như cây chổi chà dựng ngược, không có khả năng kết trái vì thiếu phân, thiếu nước. Mọi người trân trọng cây cà phê vì nó đẻ ra tiền; còn tôi, tôi ghét cây cà phê vì nó đã thay thế những kỷ niệm tuổi thơ Ban Mê Thuột - Trung Hoà của tôi: tiếng quạt cánh trên cao của đàn phượng hoàng đất bay qua làng Trung Hoà mỗi buổi sáng; đàn bướm vàng hàng triệu con bay qua nhà lúc ban trưa; hoa gạo nở rơi lả tả mùa hè; những phụ nữ Ra Đê cõng con đi trên đường lẫn với voi rừng…
Tất cả không còn …
Tôi lên Hà lan gặp anh em Giáo Hoàng Học Viện . Cụ Sáu H., Lưu thanh K., B. , Lê văn U…. còn kiên trì, nhưng tuơng lai mờ mịt.

Về Suối Đốc Học gặp Roãn và Nguyễn văn Thành.
Vi Nam, Nhiên đã có gia đình tại Trung Hòa. Ba ngày ròng, Nguyễn văn Thành cõng tôi đi trên xe Gobbels mua một chỉ, chạy khắp phố phường Ban Mê , coi phim tối ngày về lại căn gác gỗ… Minh Thượng không thấy đâu…

Những ngày tại Ban Mê đầy tình nghĩa anh em, tôi xác tín con đường mình đi là đúng, rồi ghé Nha Trang gặp Bố tại nhà thờ Phước Hải, ngủ lại một đêm, nhưng tối bố bận, chỉ gặp nhau lúc ăn sáng. Bố bảo:
- Hoàn cảnh mới phải thay đổi phương pháp…..

Tôi quay về Phước An, ông Tư mất đã chôn, chỉ còn là khói hương nghi ngút.
Tôi bảo thằng Đức xin lễ cho ông, vì nó đã trở lại đạo.

Tôi đã chẳng kịp rửa tội cho ông, ông Tư ơi !
Nhưng ông là Kitô hữu vô danh rồi. Ông đã góp phần nhỏ mình cho đạo, cho đời khi chưa là Kitô hữu !

Tháng mười một, thắp một nén hương, xin ông cũng nhớ đến chúng tôi đang lữ hành.

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
02-12-2010, 07:56 AM
LÀM NHÀ CHO CON HAI MÁY XAY



Kim Ngọc 04-1997

- Anh Ba ơi, đừng khai móng nhà em hôm nay! Nếu làm là có đại tang đó.
- Hai đó hả? Chờ anh chút xíu, anh ra ngay. (Ba Bương mới chở trái cây cho vợ ra chợ về đang sửa soạn đi mở móng nhà Hai Máy Xay.)
- Ai bảo như vậy ?
- Thầy Bảy Đảo.
- Ai bảo em đi coi thầy ?
- Thì người ta bảo “sống cái nhà, già cái mồ” phải coi ngày chứ. Em suốt đời đi xin, nay được giáo xứ làm nhà phải coi ngày chứ!

Ba Bương thấy công toi, vì hôm nay cả toán thợ hồ tập trung đi làm, cả nhóm Phan sinh trẻ đi làm phụ hồ mà nó lại không cho khai móng .
- Thôi về đi. Lát nữa anh xuống. Hôm nào thì khai móng được ?
- Thứ Bảy, thầy bảo thứ bảy .

Ba Bương là giáo họ trưởng có nhiệm vụ xây nhà tình thương cho những người nghèo trong khu vực của anh. Anh biết rõ nhà con Hai còn có con Tư Khùng, thằng Năm Dẹo, ba chị em đều có “gen” mát. Hôm thì Tư Khùng đuổi tất cả ra khỏi nhà để nó ngủ một mình dưới mảnh tấm lợp Liên Xô rách bươm thấy một trời sao, hôm thì thằng Năm Dẹo dẫn bồ về đuổi Hai và Tư khỏi nhà để ngủ với bồ….
Ba Bương xuống hiện trường. Anh em thợ và Phan sinh trẻ đang chờ quyết định cuối cùng nên làm hay nghỉ. Hàng xóm toàn người lương ái ngại việc con Hai coi thầy không cho xóm đạo khai móng, đề nghị cứ bắt tay vào việc, vì trời sắp mưa…..
Ba Bương bàn với anh em chiều theo ý của con Hai. Có nhà mà nó ở không yên vì sợ con Tư, thằng Năm chết thì tình thương đâu có trọn vẹn. Nên phải thương cả cái nghèo tinh thần.
Anh ra lệnh “rút quân, thứ Bảy đánh”.





ĐÈN XANH ĐỎ



Phan thiết. 05/2003


Thành phố Phan thiết vài năm trước chỉ có một trụ đèn xanh đỏ, rồi hai, ba năm nay có đến cả trăm. Càng lúc điểm dừng càng nhiều, thời gian chết càng tăng.

Mỗi lần dừng xe trước trụ đèn xanh đỏ, tôi nhìn mọi người chung quanh. Họ là anh chị em tôi với bao vui buồn sướng khổ, lo toan của kiếp người. Ai ai cũng đang vội vã bước đi…Đi đâu ? Đang đi về cõi vĩnh hằng.
Tôi cầu: “….Thánh Maria Đức Mẹ Chúa trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen.”
Bây giờ có kẻ là tội nhân, có kẻ mới khởi sự yêu thương … Ai chẳng cần Mẹ bầu cử trong giờ lâm chung ?

Từ đó, mỗi trụ đèn xanh đỏ là một điểm dừng yêu thương, để thời gian biến thành vĩnh cửu.

Cầu nguyện sẽ làm cho mỗi phút giây thành vô tận, khoảnh khắc thành trăm năm, điểm dừng của cõi nhân sinh thành ngày khải hoàn của Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
03-12-2010, 09:24 PM
ÁNH SÁNG LỄ GIÁNG SINH



-I-

Mỗi Giáng Sinh về, giáo xứ tôi làm năm hang đá. Một ở cổng chính, một ở cổng phụ, một trên đồi Đức Mẹ, một trong nhà thờ và một trước sân nhà xứ . - Làm chi nhiều thế ? - Cho người lương chụp hình. Trong vòng bán kính mười cây số,40 .000 lương dân, chỉ có một nhà thờ. Đêm Giáng Sinh thường có nhiều ngàn người lương xem hang đá và dự lễ; chục thợ chụp hình, chụp mỗi anh năm sáu cuộn, rửa trung bình ba tấm mỗi pô, ta có ba ngàn tấm hình Chúa và nhà thờ lộng kiếng trong nhà lương dân. Bõ công lắm chứ! - Cũng bộn tiền hang đá ! - Năm nay nhờ mới khánh thành, cờ quạt còn mới nên huy hoàng hơn .

Mỗi hang đá chi ba trăm ngàn, phụ thêm bảy tám dây đèm mới, vị chi năm trăm cho một hang đá. Bóng điện, Chúa, Mẹ , bò lừa đều dùng lại. Công thì mỗi giáo họ một hang đá làm bằng bạt phơi lúa, tầm vông căng khung, phun sơn hoặc vôi, cây kiểng tập trung lại...Có đủ cây cỏ, hoa lá, đá, sao xẹt, sao băng, Việt kiều ngắm không chán: ở bên Mỹ nhiều ngàn đô chẳng làm được thế này... Ông trưởng họ Gioan vào báo cha : - Hang đá họ con xong rồi, mời cha ra xem có ý kiến gì không?

Tôi ra xem : - Sáng quá, sáng quá, chớp nháy quá, người ta không cầu nguyện đuợc. Nếu rút bớt được dây đèn nháy thì rút, không được thì thôi, chiều 23 rồi.... Họ Gioan nghe cha, hang đá thật sáng, nhưng ít chớp. Huy hoàng, nhưng tĩnh lặng. Tôi xem hang đá trên đồi Đức Mẹ. Cao 4m, rộng 10m, dây điện nhấp nháy hàng mấy chục dây, hoa cả mắt. Ai ngắm hang đá lâu, chắc phải đi bệnh viện mắt thành phố. Có bảo cũng không tháo bớt. Lý do biện minh: sẽ làm tắt các bóng khác. Giáo họ Matthêu chậm tay nên bị hết dây bóng nháy, nhưng còn ít nhất năm dây. Thay vào, họ gắn bóng tuýp luymimơ màu hồng sáng rực cả nhà thờ.

Tượng Hài Đồng và Gia Thất nằm chơ vơ mất hút giữa ánh sáng. Thêm vào đó, bình hoa cắm cho Chúa Hài Đồng to đẹp che cả Chúa Hài Đồng. Tôi bảo ông giáo họ trưởng: Nâng chúa Hài Đồng lên cho người ta thấy! Tôi bảo dì phước: đặt bình hoa lệch sang bên!

-II-

Đức Giám Mục cựu có thói quen dâng lễ sáng 25/12 tại giáo xứ nọ, nên họ có chút tự hào. Khi ngài hưu, Giám Mục mới chỉ thỉnh thoảng mới dâng lễ. Năm nay Đức Cha cựu yếu lắm. Cha xứ lên thăm hỏi Đức Cha già có ý gì về Giáng sinh. Ngài bảo: Ánh Sáng ! Năm ấy Giáo xứ chơi ánh sáng nhất thành phố, rực cả bầu trời !

-III-

Cha Ch. ghé thăm tôi. Tôi kể chuyện hang đá. Ông bảo: tôi vừa giảng sáng nay, Giáng Sinh năm nay có mọi thứ, trừ không có Chúa !

-IV-

Tết Tây, tôi dẫn Ban Hành Giáo đi chơi Đàlạt. Nhà nghỉ trước nhà thờ con Gà. Nhìn sang: cảnh thật tĩnh lặng. Chẳng thấy một dây đèn chớp nháy ở nhà thờ thành phố mù suơng... Cả nhà thờ không một đèn chớp, dù cung thánh huy hoàng vì những cụm đèn chùm. Hang đá kiểu nhà rông của Thượng, chỉ sáng vừa.

ĐL đang mở năm thánh 80 năm truyền giáo cho người thiểu số và dốc lòng cho việc truyền giáo. Các nhà thờ họ ít đèn nến, có lẽ dành cho việc truyền giáo ? Gặp cha TĐD, ngài say sưa nói về tài liệu năm phút Lời Chúa mỗi ngày, lấy trên mạng in ra cho cả xứ !

-V-

Chủ đề nào cho Mùa Giáng Sinh: Ánh sáng hay tĩnh lặng? Huy hoàng hay đơn sơ ? Ưu tiên cho điều gì ?

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
04-12-2010, 10:37 PM
KHÔNG BIẾT SINH NHẬT LÀ NGÀY TÌNH YÊU !


- Con chúc mừng sinh nhật cha ! Cha biết ai đây hông ?
- Cám ơn con, Kim Anh, làm sao con biết hôm nay sinh nhật cha?
- Con coi trong niên gíam 2004. Sinh nhật cha thật ấn tượng !
Tại sao nó bảo sinh nhật mình ấn tượng? Tôi thăm dò :
- Con mới biết sinh nhật cha nhờ niên giám mà bảo là ấn tượng !
- Ấn tượng chứ sao không? Ngày Valentine 14/2, ngày Tình Yêu mà không ấn tượng ?
Trời ơi! ngày sinh nhật mình trùng ngày Valentine mà mình không biết, hôm nay con bé Kim Anh gọi điện thọai chúc mừng mình mới biết…
- Cha sinh ngày Tình Yêu nên cha có đủ thứ, được làm cha, được nhiều người thương yêu….Con sinh tháng bảy…tháng bảy mưa ngâu nên khổ đủ thứ, cha thấy con hôm nay, cha sẽ tưỏng là ma, con vừa tuyệt thực 54 ngày xuống hết 13 ký, cha có tin không? Khổ ơi là khổ! Bác sĩ bảo không còn cách chữa nào, chỉ còn tuyệt thực.
Tôi hơi hoảng! Xưa nay tôi ở xa xa để “kính nhi viễn chi”, không bà, cô nào khóc lóc nằm vạ, ăn hiếp mình được. Tôi đà luôn:
- Sinh tháng bảy mưa ngâu chỉ khổ vì tình thôi, còn có đủ tất cả. Con dư tiền cho cha xây nhà thờ đó! Tiền còn mua được tình yêu nữa. Không có tiền, đâu có mua được quà tặng cho người yêu ngày Valentine? Cha sợ nhiều anh chàng cứ tưởng con là độc nhất của chàng đó chứ?

- (cười ré lên) Con đâu muốn lấy chồng! Hù cha chút cho vui chứ không sao đâu, con có chết thì cha cầu cho ba kinh kính mừng là đủ!

Mình không biết sinh nhật mình là ngày Tình Yêu, vì mình chưa quan tâm tới ngày Tình Yêu. Hay có thể chưa quan tâm đủ đến con người hôm nay.
Người ta tặng những món quà đặc biệt cho người mình yêu trong ngày Valentine .
Mà người – mình - yêu - của linh mục – là mọi người. Nhiều quà lắm đấy!

Nhưng nghĩ cho cùng, có Sinh nhật nào mà chẳng là ngày của Tình Yêu ?





MẸ VẮNG NHÀ.



Quốc Thanh là nhiếp ảnh gia Bình Thuận, đuợc huy chuơng vàng của ACCU, hội nhiếp ảnh Á châu Thái Bình duơng, về tấm hình “Mẹ vắng nhà”, chụp gần cầu Sở Muối cách nhà thờ Kim ngọc ba cây số. Anh còn được mờí sang Nhật tham quan…
Trong một căn nhà lá rách trăm lỗ, ánh sáng của buổi mai rọi vào như mấy chục đèn rọi nghệ thuật, có hai chị em nhỏ. Chị khoảng chín muời tuổi, ngồi trên tấm phản, cắm cúi trên chiếc bàn gỗ nhỏ chăm chú làm bài; đứa em trai nhỏ ngồi dưới sàn nhà, gác cằm lên tấm phản nhìn lên chị vẽ, mặt thiu thiu nũng nịu buồn. Mẹ vắng nhà.

Mẹ vắng nhà đi chợ, hay đi làm tìm lương thực nuôi con, nhưng không thôi hiện diện trong căn nhà dù rách dột, nhưng tràn ngập bình an và thương yêu. Rồi mẹ sẽ trở về, hiện diện thật sự bằng xương bằng thịt để niềm vui các con được trọn vẹn.

Gia đình Lâm Bích có vài trăm người con, nếu kể thêm dâu cháu thì tới số ngàn, vẫn chăm chú làm bài trong cõi nhân sinh không quên anh chị em bên cạnh. Và những ngày đòan tụ hạnh phúc biết bao. Bố mẹ vắng mặt, nhưng vẫn hiện diện. Ước mong mẹ đi chợ về, được ôm chân mẹ thật sự. Và có gói quà ngon !

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
05-12-2010, 05:01 PM
MỌI NÚI ( I )




Phú Long, Tết 200…


Một ông già bảy mươi, mạnh mẽ như sáu lăm, dị tướng như các nhân vật kiếm hiệp, ngừng xe 67, xách đùi thịt chó vào nhà xứ :
- Thưa Cha, con có đùi thịt chó ngon đưa cho cha nè.
- Cám ơn. Nhìn ngon thiệt! Phải đầy đủ gia vị sả riềng tiêu tỏi mới ngon…À ăn Tết có vui không?
- Vui ngoài ngõ, nhưng buồn trong nhà. Đá gà với bạn bè, thắng to. Con cái thì đứa rối, đứa không đi nhà thờ. Chán ghê đời! Còn dzụ xưng tội dịp tết, cha buộc con làm một việc khó quá sức!

Tôi im lặng thăm dò. Không biết mình đã bảo ông ấy làm gì đền tội hôm tết?
- Con bảo vợ: “Ổng cha bảo Tết là cơ hội đoàn tụ gia đình, hòa giải xóm làng … nên phải làm hòa với người thù ghét nhất lâu nay. .. Bà còn nhớ thằng Tư Vận chứ? Nói đến nó là tui điên lên muốn xé xác nó ra .. . tui chưa làm hòa đâu.
- Bà ấy nói sao ?
- Nó bảo: “Ý cha là ý Chúa. Ông hơn bảy mươi rồi, ân oán chưa giải hết .. Ông coi chừng …chắc gì ông sống qua cái tết….”
- Tôi biết ông đâu dễ nghe lời tôi. Họa may nghe lời vợ. Nhất vợ nhì trời mà ?.…


Mọi Núi, sau khi cãi vợ, đã leo lên xe 67 phóng xuống Phan Thiết, tới nhà Tư Vận. Tư Vận đang sửa soạn lại chậu bông vì hôm đó 26 Tết. Thấy bóng Mọi Núi, Tư Vận rút ngay vào nhà.
- Đ.M. mày trốn vào nhà là thóat hả? Tao không đốt nhà mày đâu mà sợ..
Tư Vận thủ thế.
- Ông cha bắt buộc tao đến làm hòa với mày…. Đồ chết tiệt .. Thấy mày là tao muốn vặn cổ!
- Mời ông vào nhà .
Mọi Núi văng tục, không vào. Rồi nhìn quanh, rồ ga đi ra hướng biển. Gió thổi mát rượi nên lòng thanh thản hơn. Ông ra chợ tết. Hoa kiểng muôn màu muôn sắc. Ông chọn một cặp vạn thọ.


Dọc đường về ông nghĩ: Vợ nói đúng! Phải nghe lời cha mà hòa giải, để “ thanh tẩy ký ức”, bước vào thiên niên kỷ mới như lời Đức Thánh Cha.







MỌI NÚI (2)



Hai Núi là dân chơi có tiếng ở Phú Long: cỡi ngựa, chọi gà, đánh bài, đập lộn cũng có. Quen Tám Ớt ở xóm Đạo, cô gái thùy mị đoan trang, Hai phải học đạo để lấy Tám. Cha Tây bắt học đạo năm rưỡi. Biện Nguyễn vừa dạy đạo, vừa rèn Hai vào nề nếp. Hai hiểu đạo, sống đạo đàng hoàng.
Hai được móc vào phong trào chống Pháp. Các đồng chí gọi anh là Mọi Núi, vì da ngăm đen, chịu gian khổ, đánh võ và huấn luyện ngựa đại tài.
Anh đi lại mọi nơi cần thiết cho kháng chiến. Anh được làm trưởng ban ám sát, lập được nhiều công .
Ở đồn Tây có thằng Lu-y là sĩ quan lai, cha Pháp, mẹ Việt, thường biểu diễn tài bắn súng cho lính bằng cách ném ống lon sữa bò lên trời rồi bắn vào lon. Lon tiếp tục bay lên, chỉ rơi xuống khi khẩu colt hết đạn.
Lu-y giết hại người kháng chiến không ít. Cách mạng nhiều lần phục kích và ám sát hụt Lu-y. Phải loại Lu-y bằng mọi giá.

Nay nó phải đền tội.
- Phân công cho Mọi Núi ám sát Lu-y.
- Sẵn sàng.
- Kế hoạch thế nào ?
- Ngày Chúa nhật nó tới nhà thờ, Núi cũng tới nhà thờ….
- Rồi sao nữa ?
- Núi tới trước, đợi nó tới, chờ nó vào bàn quỳ. Núi vào cách nó vài hàng ghế, bắn vào đầu…
- Tôi có ý kiến..
- Cứ nói.
- Nhà thờ là nơi thánh thiêng, không hận thù tranh chấp, không thể đổ máu được .
- Đổ máu ở nhà thờ một lần, tránh đổ máu nhiều lần nơi khác cho kẻ vô tội, cho người cách mạng…chắc Chúa cũng vui lòng.
- Mục đích không thể biện minh cho phương tiện… Tôi sẵn sàng tới đồn của Lu- y, tới nhà để giết nó, nhưng tới nhà thờ thì dứt khoát không bao giờ.

Cuộc họp không có kết quả, vì Mọi Núi không chấp hành.

Ba tuần sau, Mọi bước vào cổng nhà thờ. Trực giác cho thấy có mùi chiến tranh. Mọi nhìn quanh: ba người trong tổ ám sát nằm dưới mương. Mọi bước vào nhà thờ, thăng Lu-y đứng phía cửa hông đàn ông. Một loạt đạn nổ, thằng Lu- y chạy ra khỏi nhà thờ bắn một loạt chỉ thiên, quân Pháp ào tới, bắn nhau loạn xạ nhưng không đổ máu ai. Nhà thờ là nơi không đổ máu !
Có thể đánh đuổi thực dân Pháp khi vẫn là người Công giáo tốt không? Có thể làm trưởng ban ám sát khi mình không chấp hành lệnh ám sát tên sĩ quan thực dân tại nhà thờ không ?

Mọi Núi ray rứt trong lòng.

“ Của César trả lại César, của Thiên Chúa trả lại Thiên Chúa “ (Mt 22,21)

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
06-12-2010, 06:19 PM
MỘT BÓ HOA, VÀI CÂY NHANG TRÊN MỘ TIỀN NHÂN.



BT 17/01/2005.



Hôm nay, giáo xứ khánh thành nhà thờ. Cờ đèn kèn trống mõ trắc. Rước chào nhảy múa nói năng ca hát tưng bừng. Ân nhân, thân nhân xa gần đầy đủ. Hầu hết linh mục giáo phận hiện diện. Đại diện giáo dân bày tỏ lòng tri ân công đức vị linh mục trẻ tài ba xây được nhà thờ to đẹp và các vị tiền nhân.
Có người tìm mộ của vị cha già quản xứ đầu tiên để thắp ít cây hương, đặt một bó hoa tuởng niệm mà không thấy! Mộ vừa được dời đi để làm công viên nhà thờ!
Ngày “vinh quang” hôm nay nếu có một bó hoa, ít cây nhang trên mộ “cha già khai quốc công thần” trong khu tưởng niệm giáo xứ thì đẹp biết bao !
Tiếc thay !!!
Công viên để cho người
Nhà thờ để cho người
Không người thì chẳng có công viên
Không người thì chẳng cần nhà thờ hay nhà thờ đem bán làm nhà hàng khách sạn như ở bên Tây.
Có người mà sống không ra người thì nhà thờ cũng bị người dỡ bỏ, tục hóa.
Nhà thờ sẽ không là nhà thờ, nếu không còn chức năng giáo dục con người.

Mộ cha già còn đó để biết ơn và giáo dục lòng biết ơn, vì mọi thánh lễ là tạ ơn, mẫu mực của mọi hành xử.



Ngày Sabbat là cho con người (Mc 2, 27)



ƯU TIÊN CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO.



Ngày 31/12/2003, tôi nhận được giấy phép xây nhà thờ của Sở Xây dựng. Tết đến gần, giá sắt sau tết thường tăng, tôi muốn mua sắt nhưng không có người tính sắt từ bản vẽ. Các kỹ sư tôi quen đều chạy nước rút để giao công trình cho khách ăn tết, ai cũng từ chối. Ban hành giáo lo tết, cũng không tìm được ông nào. Tôi phải tính sổ và tham dự kỳ tĩnh tâm cuối năm. Về xứ thì sát tết quá, phải bố trí Mục vụ tết Năm thánh truyền giáo: thăm lương dân, mời các đại diện nhà tự dự lễ gia tiên vào mồng hai tết…..
Lo mua sắt hay lo mục vụ tết. Tôi chọn mục vụ truyền giáo.

Vừa xong tết, tôi chuẩn bị dâng lễ ngày thứ năm cho thiếu nhi, hai vợ chồng anh Giang Loan ghé vào :
- Cha ơi! vào Biên Hòa với chúng con ngay đi, chúng con biết mai mốt giá sắt sẽ lên kinh khủng…..
Tôi bối rối, tôi chưa bao giờ bỏ dâng lễ đi đâu bao giờ. Tôi bảo:
- Anh chị đi đâu đó chút xíu, rồi trở lại.
- Mười phút thôi nghe cha!
Vào Biên Hòa đã mười giờ đêm. Sáng mai tới các tiệm vật liệu xây dựng rồi ghé tiệm sắt Kim Tân. Sắt lên từng giờ. Tôi điện về cho Ban Hành giáo ký hợp đồng mua ngay 30.000 kgs sắt tại Phan Thiết chiều hôm đó. Ít ngày sau sắt tăng lên một ngàn, rồi hai ngàn một ký. Rẻ được mấy chục triệu.

“ Hãy tìm kiếm Nước Thiên chúa và sự công chính của Người, còn những sự khác Ngài sẽ lo cho anh em”

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
07-12-2010, 07:31 PM
MỪNG ĐÌNH MỚI




Đức Hậu và Đức Quang là hai làng miền quê Nghệ Tĩnh.
Đức Hậu làm xong đình làng , mời chung quanh đến khánh thành..
Đức Quang mừng một bức hoành đại tự treo trên cửa đình: “QUÂN ĐỨC HẬU” ( ĐỨC CỦA VUA CAO DÀY)..
Đức Hậu tức lắm, vì bị chơi xỏ .
Năm sau Đức Quang khánh thành đình mới.
Đức Hậu mừng câu: “TỔ ĐỨC QUANG” (ĐỨC CỦA TỔ TOẢ SÁNG).
Đức Quang lại bị Đức Hậu chửi cha: Tổ (cha) Đức Quang .
Quân Đức Hậu - Tổ Đức Quang, là hai câu đối không ai dám dùng

Ngày nay người Công giáo đi khánh thành nhà thờ với niềm vui chung, vì đã giúp nhau làm được nhà Chúa cho một giáo điểm.

Linh mục dùng Tin mừng thay đổi phong hoá thế gian. (Nghi thức phong chức Linh Mục)




MUỜI NĂM LINH MỤC .



Một linh mục trẻ đến thăm linh mục già tới tuổi về hưu. Cha già hỏi cha trẻ :
- Cha năm nay mười năm linh mục phải không ?
- Dạ phải.
- Cha có cảm nghiệm gì không ?
- Mười năm nay, con không may áo quần nữa. Cứ ít tháng, lại có người cho áo quần, giầy dép… Nên cả kiểu dáng và màu sắc đều do nhân dân…
- Ồ ! Rất tốt ! Hạnh phúc ! Cha nuôi con bằng bánh tinh thần, con nuôi cha bằng bánh vật chất .
Hãy nhìn vào đó mà tạ ơn Thiên Chúa và biết ơn giáo dân !





NGÀY THÁNH HOÁ LINH MỤC


-- 1 --



Một cha mới mười năm linh mục, có chút tíếng giảng hay và đạo đức, bảo bạn linh mục:
- Tau nói thật với mi, nếu Đức Cha Nghi không thương, tụi mình chưa biết ra sao. Hãy lo mà ăn ở đàng hoàng, làm việc cho tử tế…


---2 ---


Cha già hơn tám mươi, đã về hưu, đến thăm anh em linh mục trong Hạt, nhân ngày Thánh hoá các linh mục.
- Cha già trông trẻ, khỏe hơn lúc chưa hưu…
- Đúng thế. Mình tạ ơn Chúa cho mình có thời gian nhìn lại mà sửa đổi ăn năn…Nên mình luôn vui vẻ !
Mười lăm năm trước ngài tâm sự: ngài thuộc loại học dốt ở chủng viện, nên có năm phải ở lại lớp …Chậm chạp, nên xin được cho giữ chuông để thắng tính ươn lười và luyện tính đúng giờ. Ơn Chúa và bề trên thuơng, nên cũng vươn lên dần dần... Sức khoẻ kém, nên làm việc không tốt mấy, nhưng sau cũng được giao cho xứ lớn. Được bề trên tin dùng, nhiều việc lớn đều hỏi ý kiến…
- ….Nay về hưu thế này là mãn nguyện rồi !



-----3----


Trước giờ lễ khấn tại nhà thờ Cái Mơn, Chợ Lách, hai Linh Mục đứng trước tượng vị thánh tử đạo cổ kính .
- Đây là thánh tử đạo Philipphê Phan văn Minh,
- Ngài là nguời Cái Mơn ?
- Vâng, Ngài còn là Bổn Mạng giáo phận Vĩnh Long…Thời bách hại, Ngài bị chém và quăng đầu xuống sông…---- tôi nhìn dòng sông cuồn cuồn trước nhà thờ và tự hỏi cái đầu quăng xuống thì làm sao tìm đuợc? Cha V. nói tiếp: “ Linh mục thì bị chém đầu, ai đi du học còn bị quẳng đầu xuống sông.. Cha Thánh Minh đi du học, nên đầu bị quẳng xuống sông…” Cha V. đi du học về Giáo lý.
Trong bữa ăn chiều hôm trước, Đức Cha Vĩnh Long bảo địa phận của Ngài chẳng có gì để tự hào. May có nhiều vị tử đạo thời xưa và cả thời nay.
Tôi sờ đầu mình. Nó có đáng được chém không ?

Linh mục thời nay có còn thèm phúc tử đạo nữa không ?



Nữ vương các thánh tử vì đạo



Nữ vương các thánh hiển tu



Nữ vương các thánh đồng trinh



Cầu cho chúng con



Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
08-12-2010, 05:13 PM
NGỌC DUNG


Hai vợ chồng Ngọc và Dung là người lương, bán tạp hóa ở chợ Phú Long.. Biết tôi là “ông cha” nên thích nói chuyện với tôi. Mua hàng còn bớt cho, Giáng Sinh kiếm được dĩa CD hay thì đem biếu .
Tôi mời qua nhà thờ chơi. Họ hứa sẽ sang. Điện thoại hẹn trước.

- Thưa cha, con sang thăm cha, biếu cha cái bánh ăn lấy thảo…. Con thấy đạo có nhiều điểm hay, đoàn kết, gia đình tốt hơn. Cha giúp học sinh nghèo …Cha có biết tại sao con không thích theo đạo không ? Vì tụi con thích thoải mái. Theo đạo thì phải đi lễ giữ luật này luật nọ nên gò bó không thoải mái. Bên cha có vẻ áy náy vì người nghèo, bên con thì không. Người ta nghèo vì đa số lười biếng, bài bạc ….Hay do kiếp trước ăn ở thất đức gian ác nên kíếp này phải khổ. Gieo ác thì gặp ác. Nếu con muốn để đức cho con cháu thì con làm việc thiện, nếu không thì thôi. Tụi con thích thoải mái không muốn ràng buộc…
- Đối với anh chị phá thai có tội không ?
- Tội nặng lắm chớ , rất thất đức.
- Hạn chế sinh sản thì sao ?
- Thì tuỳ người…..

Rồi chúng tôi nói chuỵện khác, chưa giải thích gì thêm nhưng vẫn giữ quan hệ, năng thăm viếng, Giáng sinh gửi thiệp, Tết gửi thiệp.
Thích sống thoải mái có phải là một cản trở người ta theo đạo Công giáo?
Mời các Rev. và nhất là các Bố Đời có kinh nghiệm tiếp xúc nhiều giúp tôi “loan Tin mừng” cho đôi vợ chồng trẻ tốt lành đáng yêu này.

Đây là ý kiến qua mail đàn Lâm Bích :

1/
Jos Kim Anh,
Mình xin goùp yù moïn veà chuyeän gia ñình Ngoïc-Dung. Xin Baùc tìm xem ngaøy gioã............ oâng baø, cha meï(neáu coù) của hoï, Baùc laøm cho hoï moät thaùnh leã, môøi hoï tham döï ......ñeå nhôù coâng ơn sanh thaønh döôõng duïc vaø caàu cho vong linh sieâu thoaùt .......Moïi chuyeän sau ñoù seõ töø töø ....



(yù của Baùc. Mai Lên , NhaTrang)


2/
Kim Anh ơi ời,

Coi bộ chưa "đã" trong ngày họp mặt, nên còn kéo thêm vài ...hiệp nữa? Cũng là chuyện tốt. Còn cái vụ bác đề nghị anh em tư vấn để truyền giáo cho vợ chồng nhà nọ thì có lẽ chẳng cần làm gì cả ngoài việc bác Mọi núi tiếp tục chơi với họ, vì nhớ có lời chép rằng: "Phaolo trồng, Apolo tưới, còn Chúa cho mọc lên..." tức là cứ việc tưới cho đến ngày tự nó sẽ mọc lên.


ame(minh thuong) Banmêthuột


3/
Thư đàn thân thương,
Bác Kim Anh kính mến,
Đề tài của bác thật hấp dẫn! Th xin đóng góp một ý mọn.
Trước năm mình vào LB học, mình làm đội trưởng đội Gà, Thiếu đoàn Trùng Dương, Liên đoàn Trùng Dương, Đạo Bình Thuận. Nhà ở Giáo Xứ Lạc Đạo, Phan Thiết.

Hồi đó say mê Hướng Đạo, mình hay nghiền ngẫm báo Nghề Đội Trưởng (mua hàng tháng từ Tổng Cục), Đường Thành Công, sách nói về tâm lý trẻ,... Mình tâm đắc được một điều, và áp dụng thành công vài lần. Đội mình có một cậu hiếu động, thường hay phản đối, giống như Tí Quạu trong truyện Xì Trum. Mình giao cho cậu trách nhiệm dựng cổng cho khu vực của đội mỗi khi đi trại. Cu cậu ngày đêm nghiên cứu sách vở, sưu tầm vật liệu,... Cứ đi trại, là cậu lo làm cổng, dĩ nhiên là cậu được quyền chọn vài người phụ. Từ trại này đến trại khác của Liên Đoàn, đội Gà của mình thường nhất nhì về món cổng trại. Hết nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác, cậu bé càng ngày càng năng nổ, sống chết với thành bại của đội. Tính hiếu động tự phát dần dần tan biến. Sau này, nghe nói cậu làm đội trưởng sáng giá lắm. Trong đời mình, mình cũng có áp dụng một hai lần gì đó với con cháu trong gia đình mình, kết quả không tệ lắm.

Bác thử mời anh chị Ngọc-Dung tham gia vài việc từ thiện với giáo dân của bác xem sao. Tham gia chơi, rồi tham gia luôn. Họ sẽ có điều kiện tiếp xúc (có khi hòa mình vào) với cái sự "sống theo Tin Mừng" của người Công Giáo. Mình nghĩ, dần dà, không nhiều thì ít, họ sẽ có một sự đánh giá, suy nghĩ,... Dù mình sẽ không nghĩ đến việc truyền giáo đối với họ, nhưng sẽ có một lúc nào đó, ơn Chúa soi sáng, họ sẽ nghĩ đến.
Họ là người lương thiện, có lòng tốt, biết quý trọng những tấm lòng. Vậy chỉ mới là tiêu cực. Những người tốt thường không bao giờ chịu tiêu cực mãi. Bởi vì họ chưa có điều kiện để chia sẻ thôi. Khi con người đã chịu chia sẻ lòng tốt của mình, ý muốn thăng hoa cuộc đời sẽ phát sinh. Chỉ có một cuộc sống tâm linh phong phú mới làm thăng hoa nổi cái cuộc sống xác phàm của con người. Biết đâu chừng, lúc mà Cha KA quên bổn phận rao giảng Tin Mừng cho Ngọc-Dung, thì họ lại đến thưa rằng: "xin Cha rửa tội cho chúng con !!!".

Chúa ban cho bác Hạt Giống tốt, một đôi vợ chồng tốt lành, công việc còn lại là bác chọn một Mảnh Đất Màu Mỡ.
Th góp ý mọn theo đề tài của bác Kim Anh thôi, chứ bản thân mình cũng còn xa cách với Tin Mừng lắm. Cứ hay ỷ mình là "con ruột", rồi chẳng chịu tu dưỡng gì cả. Bố mà biết, chắc Bố sẽ đét vào đít vài roi.


TH nguyễn Thiết , USA


4/
Bác Kim Anh mến,
Hòa Con góp ý mọn: mỗi ngày bác cứ trao cho vợ chồng ấy một nụ cười. Như thế đồng nghĩa với việc, trong tâm mình luôn có một kho nụ cười, vì không thể trao cho ai cái mình không có. Sau đó, việc gì đến, phải đến.


Hòa Con ,Nha Trang



Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
09-12-2010, 09:21 PM
TRÚNG SỐ.


Cách nay 30 năm, Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ 8/9/1977, trăng sáng đẹp trời khiến tôi làm bốn câu thơ con cóc về Đức Mẹ, nhưng sướng lắm, ngâm vang, làm Rev Nguyễn văn Hạnh bật cười :
Trăng thu vằng vặc giữa trời
Tiếng thu vang vọng gọi người theo Cha
Maria Mẹ hiền hòa,
Xin đem con đến thiên toà cao sang.

Tôi và Nguyễn văn Hạnh mới được gọi trình diện cha Đại Giám LXH tại Thanh Xuân: “Lên coi nhà xứ Phước An, vì hai thầy vừa bị cắt khẩu đi thanh niên xung phong, nhà xứ bỏ trống…” Được lên nhà xứ ở, dù đầy gian khổ nhưng vẫn vui.

Mỗi sinh nhật Đức Mẹ là một kỷ niệm đẹp và tôi thường tĩnh tâm cho Legio Mariae vào ngày này.
Hôm nay Sinh Nhật Đức Mẹ.
- Thưa cha, mẹ con trúng số - chị bếp lên phòng khách thưa tôi.
- Trúng bao nhiêu ?
- Dạ độc đắc: 125.000.000 đồng.
Tôi ngạc nhiên và tiếp :
- Nghe nói má thằng Đam cũng trúng số ?
- Dạ.... nghe nói trúng hai tờ! Má con mua chỉ một tờ năm ngàn...

Thằng Đam bỏ học lớp mười đi theo bạn bè. Mẹ nó quyết liệt đuổi đi luôn, dù nó là con trai một. Ba nó nhẹ nhàng can ngăn, nên nó còn về nhà, nhưng mẹ con không nhìn nhau ...
Tôi thương gia đình đó, vì Ông nội thằng Đam. Ông cụ ngủ giữ nhà thờ, dọn đồ lễ cho cha già trong thời gian dài khó khăn tôn giáo sau 1975. Khi tôi tới Kim Ngọc, ông vẫn ngủ, quét phòng thánh dọn đồ lễtốt như bà xơ. Mỗi đêm khi mất ngủ, tôi đi vòng quanh nhà thờ nhìn vào thấy ông đang cầu nguyện như một vị thánh....

Tôi gọi thằng Đam lên ở với tôi, rồi gọi cha mẹ nó vào bàn tính. Tôi không nuông chiều nó, giao cho máy tính nạp sổ Rửa Tội vào....Nó tiếp tục học bổ túc, đậu Tú Tài rồi học kỹ thuật Cao Thắng. Nay nghỉ hè, lại về với tôi chuẩn bị khánh thành nhà thờ.
Gái Tuyết chở mẹ tới nhà xứ. Tuyết là em thằng Đam.
- Thưa cha cho con gặp cha.
- Mời hai mẹ con ngồi...Có chuyện gì thế ?
- Dạ con trúng số, ủng hộ nhà thờ... -- Con bé lấy ra một túi màu đen.
- Con xin cúng 50.000.000 đồng . Con trúng số, trả nợ, sắm cho con mỗi đứa một ít, còn lại cúng nhà thờ.

Má chị bếp cúng 10.000.000 đồng. Bà bảo cả đời chưa làm được cái nhà. Lâu nay vái Đức Mẹ cho con trúng số.... Vợ anh Sanh, bạn cha H., bướu cổ, nghèo vì chạy thuốc, cũng lên biếu 5.000.000 đồng, vì trúng số phải trả nợ nhiều quá...Tự nhiên tôi có 65.000.000 đồng để chuẩn bị khánh thành, thật suớng! nhưng tôi sợ cả xứ sẽ mua số, mua đề vì dzụ trúng số này thì hiểm nghèo quá...!

Cả đời tôi quyết không mua số mà lại trúng số. Có bất công không ? Anh em có thử thời vận bằng một vé 5.000 đồng không? Còn tôi, không cần mua vé, vì không mua vẫn trúng. Vì tôi có số: số làm con Đức mẹ: “ Này là Mẹ con” ( Yn 19,27)


Maria mẹ hiền hoà



Xin đem con đến thiên toà cao sang.


Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
10-12-2010, 05:10 PM
NGUỜI PHỤ NỮ THÁNH THỂ



Tôi mới nhận xứ mới, còn nhớ xứ cũ, nhưng cũng vui vì xứ mới đón mình chân tình.
Một bà cụ già 70, áo quần hơi lòe loẹt, có cả môi son, tiến vào nhà xứ cầm gói bánh.
- Thưa cha, con chào cha. Con thương các cha lắm à…. Các cha đã đến giúp họ chúng con. Hôm cha cựu đi con khóc sưng cả mắt à…
- Cha cựu đáng yêu đáng kính, trong hàng linh mục ai cũng trọng ngài…. Nhà bà ở gần đây không ?
- Con ở với cháu, tiệm KN, con là mẹ thằng Thiện …
- Tiến sĩ Thiện !
- Dạ. Thằng Thiện là con nuôi, nhưng nó thương con lắm à….Nó gửi cho con đủ thứ…..
Tôi tiễn bà ra cửa. Bà cầm tay tôi kéo kéo… “con thương cha lắm…”. Tôi hỏi bà bếp: bà nào vậy? Bà bảo: bà ấy hơi mát, cha đừng chấp.
Người già ấy tên là Chín Gẫm, tính tình như trẻ con, ai cũng cho là hơi man man. Tới lúc già yếu, không đi lễ được nữa, tôi phải đưa Mình Thánh . Bà chạy ra ôm lấy tôi. Khi rước lễ xong thì tôi không hiện diện nữa. Đối với bà bây giờ chỉ còn Chúa Giêsu. Bà chấp tay nhắm mắt : ” Lạy linh hồn Chúa Giêsu, xin thánh hoá con…Lạy xác thể Chúa Giêsu xin làm con cảm mến…Ôi Giêsu, con xin nương náu trong thương tích Chúa ….” Bà cầu nguyện say sưa. Lần nào cũng vậy. Chúa Giêsu đến, linh mục không hiện diện nữa. Đời bà có chồng, không có con. Năm sáu lăm đi kéo lưới rùng dưới bãi biển Phan thiết lượm được đứa con trai về nuôi. Năm bảy bảy, nó đi mót cá theo người ta đi vượt biên, nay trở thành Tiến Sĩ về VN dạy học, nuôi tôm, buôn đá quí….Chồng chết. Con vượt biên, man man cũng phải. Đám tang bà, ông Thiện không về, chỉ gửi tiền về làm đám tang xây mộ.
Ai đã dạy bà cầu nguyện như thế ? Có lẽ các nữ tu Mến Thánh Giá Chợ Quán?

Tôi là Linh Mục, tôi chưa cám ơn Chúa Thánh Thể, khi rước lễ, bằng bà.




ÔNG CHA CHỐI ĐẠO.


1
- Linh mục xem tôi giống ông cha không, đi ra ngoài nhiều người chào cha lắm !
- Ừ …cũng giống….
- Lần tôi đi giảng ở Vũng Tàu, vợ tôi không chuẩn bị đồ ăn, nhảy xuống ngã ba Vũng Tàu thì đói …Tôi tới cô bán bánh mì: bán cho tôi hai ổ bánh mì…cô ta cười cười gói bánh, rồi hỏi :
- Cha đi mô sớm rứa ! Bà bếp không lo đồ ăn cho cha à ?
- Tôi là Mục sư, không phải cha đâu .
- Mục sư à…Bay ơi ! ông cha mà chối đạo ! Ha..ha..ha…



2

- Tôi cám ơn về mấy cuốn Tân ước linh mục tặng. Tôi rất thích từ Đấng Thiên Sai thay cho từ Đấng Mêsi bên chúng tôi. Mêsi hay si mê đồng nghĩa với một thói xấu…
- Từ Thiên Sai được Công giáo dùng từ lâu! Lúc bảy tám tuổi tôi đã đọc thấy… Hôm trước người ta mời ông chuyện gì ?
- Chuyện đi nhóm. Trên SR, tụi tôi đuợc 300 giáo dân mà chưa có nhà nguyện….Tôi bảo phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người đời !
- Từ từ rồi đâu vào đấy thôi !
- ……….Bên ông khi làm lễ, có áo lễ. Bên tôi thì không, khi giảng cũng áo vét như giáo dân, khi tế lễ cũng áo vét như giáo dân, tôi thấy không được…Tôi đọc Kinh Thánh thấy Giavê bảo hãy tách biệt kẻ tư tế ra cho Ta…Tế lễ thì phải có áo lễ chứ !
- ???
- Tôi đọc kỹ sách Lêvi…Đầy các qui định về tế tự…Hôm nào đi họp các Mục sư ở trung ương , tôi sẽ có ý kiến về vụ áo lễ khi tế lễ….


3

- Hôm đi họp trung ương, tôi đưa vấn đề áo lễ khi tế lễ ra. Tôi dùng Kinh Thánh chứng minh tế lễ thì phải có lễ phục… . Có người bảo mặc áo lễ thì giống Công giáo… Tôi bảo: việc đúng, thằng con nít nói cũng phải nghe, huống chi Công Giáo !
- Rồi sao ?
- Rồi sao ? Cuối cùng cho BT được thử nghiệm chiếc áo lễ. Tôi sang đây xin linh mục giải thích ý nghĩa của các chiếc áo, các ý nghĩa về màu sắc…Linh Mục cho tôi mượn xem để cách tân…..

Tôi cho ông ta mượn áo lễ, giải thích ý nghĩa màu Phụng vụ cho ông. Ông may một chiếc áo màu đỏ, mang áo ra chứng hôn cho một cặp hôn phối ở T. M, được vỗ tay vang dậy.



4

Bẵng đi một thời gian không thấy ông, hỏi ra “ông cha chối đạo” đã bỏ vào Sàigòn. Còn nghe nói sang Campuchia, đi du học …Người ta bảo ông bỏ đi không phải lỗi của ông…
Thỉnh thoảng tôi điện thăm ông.
Bây giờ ông không có nhà thờ nào cả. Lang thang ở Sàigòn.

Ông bảo ông thường đi giảng các nơi.

Phúc cho ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ ( Mt 5,10).

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
11-12-2010, 04:58 PM
NÓI CHUYỆN VỚI TÂY




PhúLong, Mùa Chay 2004


Anh Tây đi với một người bạn ghé thăm mình. Buổi sáng mát mẻ, anh đi lòng vòng quanh khu nhà xứ. Hoa sứ nở đỏ tươi. Bốn con chó không lạ anh tây, quấn quít chân anh. Anh Tây nói tiếng Pháp :
- Cha nuôi nhiều chó quá.
- Bốn con .Tứ hải giai huynh đệ .
- Là gì ?
- Là bốn bể một nhà, anh em một cha , cha Kim Anh.

Anh cười, anh còn quá trẻ để có thể gọi là ông tây.

- Thế cha đặt tên cho bốn con chó thế nào ?
- “Vàng” này (jaune), Mực này (tout noir), con kia là Mina và con lớn là Lucky. Hai tên Việt, hai tên ngoại. Đề huề.
- Tại sao lại đặt tên bằng tiếng Anh ?

Tôi nhìn anh ta. Có vẻ thành thật hỏi chứ không phải truy bức. Người Việt bây giờ đặt tên cho chó đa phần là tên ngoại quốc, tự nhiên không thắc mắc. Nhưng khi nguời ngoại quốc này tra vấn, tôi giật mình. Tôi trả lời cho qua chuyện :
- Lucky là may mắn, lại dễ gọi.

Anh BẠN ơi, anh có biết không, khi đặt tên cho hai con chó là Vàng và Mực, tôi đang tìm lại ngày xưa không còn nữa, khi trẻ con ở quê tôi reo vang trong đêm trăng mờ: “Vện, Vàng, Khoang, Mực ra mà chực ma trơi”.

Chó ngày xưa không còn nữa. Cả về giống, cả về mục đích nuôi. Ngày xưa, chó cỏ Việt Nam. Bây giờ chó Nhật, chó Đức, Phốc, Bẹc-giê…..Ngày xưa nuôi chó để ăn thịt, để dọn phân cho bé… Bây giờ nuôi chó kiểng đẹp nhà đẹp cửa. Hay là chó là bạn thân của người. Nên cái tên Việt cũng không còn. Không vọng ngoại , không yêu Mỹ hơn Pháp đâu anh bạn ơi ! Toàn cầu hóa đó anh bạn ạ !

(N.S.L.B.2004)

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
12-12-2010, 11:47 PM
VÒNG LUÂN HỒI




Mũi Né, Mùa đông 2002


Ba anh em linh mục chúng tôi hẹn nhau đi tắm biển tại Suối Tiên, Rạng, Mũi Né… Tôi chạy trước, hết xăng phải ngừng lại đổ. Cha Ch. vượt lên, kẹt đám tang, tôi lại qua mặt. Cha M. đã đi ra biển trước rồi.
Đến Đá Ông Địa tôi nghe tiếng gọi, nhưng chạy tiếp, vì ở đó không hề quen ai. Tới Suối Tiên, vẫn chưa ai tới, tôi ra biển một mình.
Biển mênh mông, bãi cát vàng ngút mắt. Đàng xa kia có ít người tắm. Không phải người tôi chờ. Bơi ra xa một lát quay lại đến bên một người ngoại quốc đang tắm :
- Chào ông ! Chúc ông một ngày vui
- Chào ông !
- Ông là người Mỹ sao?
- Không . Tôi là người Đức
- Tôi là cha xứ…hẹn hai cha xứ khác đi tắm biển vùng này, nhưng không thấy đến. Ông gặp một người rất cao đi với một nguời khác tới tắm đây không ?
- Không ai cả….
- Ông tới VIệt Nam lâu chưa ?
- Mới có mấy ngày. Hôm qua ở Saigon, chiều nay tôi lại về đó. Nhưng tôi ở Thái lan, Campuchia và Lào gần hai tháng qua.
- Ông thấy bãi biển này thế nào ?
- Tuyệt vời ! Mùa này, vô cùng sung sướng đựơc tắm ở đây. Bên Đức, nay rất lạnh.
- Tôi nghe có người chết lạnh ... Ông tới đây có điều gì làm ông ngạc nhiên không ?
- Điều làm tôi ngạc nhiên là dấu hiệu Quốc Xã khắp nơi, cả Đông Dương. Ông có biết TÂN-QUỐC-XÃ không ?
- A….Hậu duệ Hitler đó mà.
- Đúng.
- Tân Quốc Xã làm ông sợ lắm sao ?
- Không hẳn, nhưng chúng ở khắp nơi, là vấn đề của đất nước chúng tôi.
- Ông thử nhớ xem dấu hiệu Quốc Xã ở đâu?
- Khắp nơi .
- Có phải ở chùa không ? Chùa Phật giáo ?
- Ừ chùa. Tại sao chùa lại treo dấu hiệu của Quốc Xã ?
- Không phải đâu. Đó là dấu hiệu của Phật giáo.
- Đó là dấu của Phật giáo à ? Nó có từ bao giờ ?
- Trăm năm.
- Chính xác là mấy trăm năm ?
- Ngàn năm, nhiều ngàn năm.

Chúng tôi đã bơi vào gần bờ. Anh chàng Đức này im lặng nhìn tôi. Anh ngỡ là dấu của Quốc Xã có trước vòng luân hồi của Phật giáo.
- Thế ý nghĩa của dấu hiệu đó là gì ?
- Đúng ra, dấu của Quốc Xã là dấu của Phật giáo đảo ngược lại. Nói cách khác, Phật giáo có thể kiện quốc xã Đức của các anh tội ăn cắp “thương hiệu” rồi cải biên….
Anh chàng Đức này ngạc nhiên khi tôi bảo Phật giáo kiện Quốc Xã Đức ăn cắp “thương hiệu”.
- Thế ý nghĩa dấu hiệu Phật giáo đó là gì ?
- Tôi là Catholic không rành Phật giáo đâu. Nhưng tôi có thể nói cho anh vài điều về Phật giáo .
Tôi vẽ vòng luân hồi trên cát.
- Anh thấy đó: cái vòng có bốn cánh. Bốn cánh là sinh, lão, bệnh, tử, bốn giai đoạn nối tiếp nhau của kiếp người. Phật giáo quan niệm đời là bể khổ, sinh lão bệnh tử đều khổ.
Tôi vẽ bốn que của vòng luân hồi tương ứng với mấy tiếng Anh tôi mới nghĩ ra: birth, old age, deaseases, dead. Tôi đang dạy giáo lý Phật giáo cho Tây… Đức, bằng tiếng Anh abc của tôi…đúng là không bằng anh chột dắt anh mù ! Tôi giải thích: Cái vòng là cái vòng luẩn quẩn của kiếp người, là vòng oan nghiệt. Muốn thoát khỏi vòng đó, con người phải diệt dục, tức là không còn ham muốn, ngay cả sự tồn tại của chính mình, hữu ngã thành vô ngã…thì sẽ đạt được hạnh phúc …..
Người Phật Gíáo vẫn yêu đời, vẫn tha thiết đi tìm hạnh phúc, dù đời là khổ. Yêu sự sống đến nỗi cấm sát sinh, nói chi như Quốc xã vì yêu mình mà tiêu diệt cả một dân tộc… Thực tế, Quốc xã lật ngược cả đạo lý Phật giáo như đã lật ngược dấu hiệu của họ. Phật giáo đứng về sự sống, Quốc xã dứng về sự chết….
Anh Tây... Đức vừa vẽ trên cát vừa lặp lại: birth, old age, deaseasses, dead…happy or unhappy, being or not being….
- Tuyệt, lạ lùng…Chưa nghe ai nói hay như vậy…Cám ơn anh.

Mặt trời lên cao, anh trở về khách sạn. Tôi bơi ra xa ….một mình… nhớ những buổi chiều sóng bồng bềnh tắm biển ở Nha trang với Huỳnh Mập, với Phú Lùn, với Hương Dóc… nghe ngàn lẻ một chuyện bịa do Bùi thí Sanh sáng tác khi mình đầy xà bông mà bị cúp nước ….
Bây giờ anh em ở đâu ?

Tôi vẫn bơi ra xa một mình, nhìn vào khách sạn…Bao nhiêu người đang đi tìm hạnh phúc. Họ gặp được gì ?
Tôi vừa loan Tin mừng sự sống cho anh Tây Đức bằng giáo lý nhà Phật.
Anh đang bị Quốc xã ám ảnh. Anh lo sợ về một Quốc xã Đức tàn bạo chống lại con người. Anh có thể cũng tự hào về một Quốc xã làm cho cả thế giới kinh hoàng…Anh đang bị bạo lực uy hiếp. Anh có thể sẽ chạy theo hoặc để cho bạo lực thao túng như nhiều người Đức thời Hitler, kể cả người Công giáo Đức thời Quốc Xã.
Ánh sáng Tin Mừng, ánh sáng hy vọng cho anh có leo lét, nhưng vẫn còn một tấm gương: Phật giáo vẫn tồn tại và phát triển hàng ngàn năm qua: thà hy sinh mạng mình, còn hơn mình phạm tội sát sinh.

“ Phúc cho ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa”(Mt 5.9)
Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
13-12-2010, 10:39 PM
KHÔNG SỢ QUÁ KHỨ





Kim Ngọc 2/1/2003


- Thưa cha, cho ông Tây này chụp hình nhà thờ !
Tôi vừa ngả lưng xuống giường nghỉ trưa thì một anh xe ôm xông vào nhà xứ la lên. Tròi ơi, Nhà xứ không phải là nhà cha nữa mà là nhà “chùa”, ai dzô cũng đặng.
- Tây nào ?
- Đó, ổng đó.
Tôi đi ra .
- Ngày trước tôi ở đây. Bạn bè tôi muốn tôi chụp hình nhà thờ .
Tôi dò xét ông ta. Làm gì có Mỹ ở đây, trước 75. Ông ta hiểu ngay :
- Tôi ở đây năm 1950.
- Ông là người Pháp ?
- Vâng, ở Paris. Đây là các bức hình năm 1950.
Ông ta chuyển sang tiếng Pháp. Hai tấm. Hình thứ nhất chụp ba anh lính Pháp cầm súng đứng rất ngang tàng, phía sau là tháp nhà thờ, trên đó có một chòi canh hình như có súng chĩa xuống. Thật sự tôi bị choáng trước tấm hình này.
- Tấm hình này rất quan trọng đối với lịch sử giáo xứ chúng tôi.
- Tôi còn phim. Khi về Pháp tôi sẽ gửi cho ông.
Tôi nhìn ông ta. Có chắc sẽ gửi hình không? Nếu là ta, ta đã đốt tấm hình đó lâu rồi.
Tôi dẫn ông vào nhà thờ. Ông làm đấu thánh giá rồi nhìn kỹ nhà thờ.
- Có một số thay đổi !
- Vâng, Mậu thân nhà thờ sập, tu sửa lại.
- Tôi dâng cúng cho nhà thờ. - Anh rút tờ 50.000 đồng bạc Việt Nam, nhét vào hòm tiền.

Mười ngày sau đang tĩnh tâm năm tại Toà giám Mục, tôi nhận được thư bằng tiếng Việt từ Saigon: con gửi cha hai tấm hình cha muốn, trước khi con về Pháp. Chúc cha an mạnh. Jean Bourget .
Tôi cảm thấy xấu hổ. Họ vĩ đại vì không sợ quá khứ. Họ dám nhớ để mà quên.
Như thế, họ đã thanh tẩy ký ức để hiên ngang bước vào tương lai ( ĐTC J.P. II)







DĨ LỄ TỒN TÂM


- Hôm nay Mồng Năm Tháng Năm, tôi mắc đi xe, vợ tôi cúng …

Nghe bác tài xế trả lời điện thoại , tôi giật mình.
Tết Đoan Ngọ mà tôi qưên. Thật ra, tôi đã quên hàng chục năm qua từ khi cha mẹ tôi mất. Sinh thời, mẹ tôi thường mua thịt và nếp ngon về tết ông bà dịp 5/5/ ÂL.
Sau 1975, ông bà cấm mẹ tôi tết, nên có năm mẹ tôi cũng bỏ. Khi hoàn cảnh đỡ hơn, mẹ tôi lại về tết. Nay ông bà, mẹ cha chết hết, chẳng còn tết ai, nên anh em chúng tôi cũng quên luôn .
Tôi đang trên xe xuống Cái Mơn dự lễ khấn trọn đứa con thiêng liêng, sực nhớ những người thầy, người cha thiêng liêng sinh ra tôi .
Sinh con rồi mới sinh cha
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông
Tới đoạn đuờng có sóng di động, tôi gọi nhờ Xơ bán hoa cắm một bình bông cho Đức Cha già, cắm một bình hoa trên bàn các cha hưu.
Tuần trước tôi đã hỏi người cai thợ Quảng Nam ngoại giáo có cúng 5/5 không, anh cho biết gia đình anh bao giờ vẫn cúng. Cô y sĩ chạy điện cánh tay cho tôi ở Phan thiết bảo chưa bao giờ biết Tết Mồng Năm là gì. Còn giáo dân KN nói: họ đã bỏ Tết 5/5 từ lâu…
Tôi buồn .

Bỗng tối hôm nay hai đứa con Ông Giỏi, cựu ủy viên Phụng vụ ghé vào:
- Thưa cha, ngày mai Father’s Day, chúng con về tặng cha ít trái cây và xin lễ giỗ cha chúng con, linh hồn Augúttinô…

Như thế, vẫn còn nhiều dịp khác để nhớ nhau. Tết Mồng Năm mai một thì Father‘s Day tới.

Lương tri nhân loại vẫn còn. Văn hoá phục vụ con người.

“ Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào được học hỏi về Nước Trời…thì biết sử dụng cả cái cũ cái mới trong kho mình “ ( Mt 13,52 )

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
14-12-2010, 11:31 PM
TẾT NÓI CHUYỆN TRỒNG NGƯỜI



Việt Nam trong những năm qua trồng rừng kha khá. Có năm còn được giải thưởng trồng rừng của Liên Hiệp Quốc. Còn trồng người-giáo dục- thì bét dèm, cả phẩm cả lượng! Đặc biệt, học làm người thì còn thua thời Pháp thuộc ?
Trong số báo Tuổi trẻ Chúa nhật ngày 08/01/2006, bên cạnh các bài viết của Dương trung Quốc, Võ văn Kiệt, có bài viết “Phải dạy làm người” của Mai chí Thọ đáng chú ý.
Mai chí Thọ viết: sinh thời, Chủ tịch Hồ chí Minh mỗi lần xem chương trình giáo dục từ lớp 1-9 thường nhận xét: sao dạy làm người ít thế. Có lần thăm trường Đảng, chủ tịch ghi vào sổ lưu niệm: phải dạy học làm người.
Một phần tư thế kỷ lãnh đạo đất nước (1945-1969), lời nhận xét đó của Hồ chủ tịch có lẽ không được nghe, không được thực hành nhiều. Ba mươi năm trở lại đây bao lần cải cách giáo dục, nhưng có còn nhớ đến nhận xét này không ? Hậu quả thế nào ai cũng biết!
Phần kết luận, Mai chí Thọ đề nghị phải dạy môn luân lý đạo đức trong nhà trường cho học sinh. Môn mà ông được học thời Pháp thuộc. Môn giáo dục công dân không thể thay thế môn luân lý giáo dục !
Truyền hình Việt Nam ngày Tết còn cho biết mấy năm qua Việt Nam sản xuất ra 21.000 tiến sĩ, bằng số tiến sĩ Liên Xô đào tạo trong 50 năm! Trong số 21.000 Tiến sĩ, chỉ có mấy bằng sáng chế. Còn nông dân miền Tây học lớp ba, lớp năm chế tạo nhiều chiếc máy tăng năng suất ba bốn chục lần, chế tạo được cả trực thăng !
Nhìn ra ngoài đời mà nhớ đến trong đạo. Trong những năm qua, các LM, các giáo xứ, các giáo lý viên đã dạy môn học làm người thế nào?
Phải làm gì hơn cho giáo dân, cho đất nước trong lãnh vực giáo dục nhân bản, đào tạo con người?

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
15-12-2010, 07:24 PM
THĂM BẠN CUỐI NĂM



--1--

Hai năm qua lo xây nhà thờ. Thiếu tiền, thiếu bản vẽ, thiếu nhân sự, vật liệu tăng cao. Chẳng còn giờ thăm ai. Nay đã sơn nhà thờ, xong phần thô, có giờ rảnh thăm người thân. Thăm bạn đi du học mới về.
- Chào! Tặng ngài cuốn sách. Tục hoá .
- À, sécularisation.
- Hôm nay mình đi mua ít báo xuân xem có gì không .
- Mới mua bộ salông này. Một triệu ba.
- Rẻ và đẹp !
- Mời vào trong này, mát hơn.
Phòng khách bên trong rộng và mát .
- Bên Tây nó nhìn khía cạnh tích cực của tục hoá. Tục hóa cởi trói cho con người, cởi trói cho cả Giáo hội…
- Mình mới đọc qua thôi, có lẽ khía cạnh tích cực này không được khai triển đủ…
- JMC là tự hào và là cuộc vực dậy của GH Pháp. Phải tin tưởng trao trách nhiệm cho người trẻ…họ đòi hỏi một mô hình khác về GH…Hôm qua đọc mail của KA về bó hoa và nén hương trên mộ cha già….
- Vấn đề mồ mả cúng giỗ rất nhạy cảm, liên quan với việc truyền giáo. Tôn trọng giá trị LS ..Mỗi CĐ cần có tính cách và LS của mình, có sự kiện và con người cụ thể…Mỗi ngôi chùa đều có những con người của chùa nằm xuống bên chùa từ đời này qua đời khác giữa những thăng trầm….Ta có thể nghĩ đến hội nhập văn hoá và kinh nghiệm của các tôn giáo bạn….

--2—

Tôi tới thăm chùa….
Hai năm trước thầy TT gọi điện cho tôi :
- Linh mục cho tôi độ vài chục triệu đi ! Tôi sửa chùa thiếu hụt quá...
- Lúc nào gặp mới nói được…
Tôi đang chuẩn bị làm móng nhà thờ làm sao cho mượn được. Tôi tính tặng ông 100 USD nhưng rồi không có dịp.
Khuôn viên chùa nay sạch đẹp hơn trước. Cửa chùa đóng. Chắc thầy đi cúng rồi. Ô kìa, có chú tiểu độ muời sáu thật hiền lành đang mặt méo ôm chân chảy máu…Tôi dừng xe, chạy quanh sân xem có cây gì cầm máu không. Chỉ có mấy cây rau sam nhỏ.
- Nhai rồi đắp vào vết thương !
Máu cầm, chú tiểu mới hoàn hồn. Chú chùi đồ đồng bị rơi xuống chân dập móng.
- Thầy đi dâu?
- Dạ thầy đi làm tuần, chiều tối mới về. Bác muốn gặp thầy con có chuyện gì không?
- Chỉ chơi thôi. Năm ngoái bác thăm chùa, nói chuyện với thầy, đâu thấy con. Con vào đây khi nào? Ở đâu đến?
- Dạ con ở Tiến Thành, vô đây được ba tháng.
- Tại sao con đi tu.
- Con thích.
- Tại sao thích?
- Không biết nữa. Con sinh hoạt gia đình Phật tử rồi quen, rồi thầy nhận con… Bác ở đâu ?
- Ở Hàm thắng. Con có quen ai không ?
- Không
- Bác làm gì ở Hàm thắng ?
- Bác ở nhà thờ. Ông cha nhà thờ. ...
- Dạ chào cha ! À nghe nói có ba bằng tiến sĩ mới đuợc làm cha. Làm cha phải học nhiều dữ! Còn bên con, phải tu lâu lắm mới được lên thầy. Một bên học nhiều một bên tu lâu...
Tôi thấy thằng nhỏ tốt lành quá. Tôi muốn xin thầy TT cho tôi nhận nó làm con, giúp cho nó tu chùa .
- Thông thường các Linh Mục có tốt nghiệp đại học thôi. Học cao cũng không cần. Cần cái tâm hơn...Con học lớp mấy?
- Học lớp tám, ban đêm. Ban ngày giữ nhà.
- Có được đi chơi không ?
- Mình tu rồi. Đi học là về ngay...
Tôi bảo chú tiểu ghi số điện thọai của tôi đưa cho thầy.

Trưa 23 tháng Chạp. Sân chùa vắng lặng. Ít cây bông đã nở chờ Tết.

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
16-12-2010, 10:57 PM
THƯỢNG KHÁCH CỦA THƯỢNG TOẠ..




Trong phòng khách thầy thượng tọa, phía trên bàn giấy, treo hình Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
- Thầy cũng treo “cái thứ ấy” à?
- “Thứ ấy” cả thế giới gọi là thánh và hơn một tỷ người đặt lên bàn thờ đó…….
- ……?





TIẾN SĨ GIẤY !




- Thưa cha, chiều hôm kia tụi con ở UB ra , đang sương sưong thì thằng Bảy đi qua, tụi con gọi nó vô làm một ly…. Sương sương, rồi nó đứng lên tuyên bố :
- Tao sắp có bằng tiến sĩ !
- ĐM ! Tiến sĩ giấy thì có !
- Tiến sĩ thực. Không tin tháng tới biết.
- Có tiến sĩ thì mày phải rửa bằng !
- Dễ ! Tỉnh mình không ai có bằng tiến sĩ, nên chưa thể mở trường đại học. Phải có tiến sĩ để có hiệu trưởng. Nhờ người tỉnh khác làm hiệu trưởng nhục nhã lắm anh em ơi !

Hai và Bảy là bạn chăn bò từ nhỏ. Có lần Pháp bắn xuống bờ sông PL hai đứa ôm nhau khóc. Lớn lên vẫn vừa đi học vừa chăn bò. Rồi Hai đi lính hạ sĩ quan VNCH, Bảy vẫn tiếp tục học. Chiến cuộc càng ác liệt, người bị bắt càng nhiều . Bảy phải trốn vào rừng làm cách mạng. Tính tình hiền lành, mô phạm, nên sau cách mạng thành công, Bảy được đưa về trường bổ túc, vừa học vừa làm. Khi trường tại chức mở, Bảy đã là phó giám đốc.
Tôi nhớ có lần ông Bảy tới nhờ tôi dịch cái toa thuốc. Tôi ngạc nhiên từ chối :
- Thầy … không dịch được à ? Lúc này tôi bận lắm !
- Vô rừng quên hết tiếng Pháp rồi ! Thằng bạn bên UB nó nhờ…Không dịch không đựơc ! Thầy dịch dùm tôi mà.
Tôi chuẩn bị chầu lượt nên lu bu quên mất, nhưng sau cũng dịch cho ông. Đó là loại thuốc tây lợi tiểu có vị bắp…

Chắc ông ấy có tiến sĩ. Có thể làm hiệu trưởng ĐH tỉnh. Giấy hay không thì còn tuỳ. Nhưng điều thực trăm phần trăm là ông có rất nhiều đất, rất nhiều nhà. Ông vừa bán một lô lời tám trăm năm chục triệu. Ông dự tính dùng tiền đó xây một căn nhà trên lô khác .

Nếu đất nước này có ít tiến sĩ hơn thì dân đen bớt khổ hơn nhiều .

Đời là thế .

Còn bên đạo, linh mục là tiến sĩ tâm hồn. Lo làm tiến sĩ xây cất, tiến sĩ nông nghiệp, tiến sĩ nhà đất, tiến sĩ chăn nuôi, tiến sĩ Việt kiều….nên thành linh mục giấy, bỏ hồn xác bổn đạo cho ma quái hoành hành.
Có khi mình cũng nhận thấy mình giấy. Giấy cha sinh giấy con, sinh giấy cháu mà không biết giấy, cứ tưởng mình vàng khối, vàng ròng !

Lạy chúa xin xót thương con là kẻ có tội…

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
17-12-2010, 10:04 PM
TIN VUI CHO NGƯỜI ĐAU BAO TỬ



Nửa ký bột chuối lấy nửa tấn ciment (1/1000).



Hè 2006


Điện thọai reng…
- Thưa cha con là Hằng ở Thanh Hải. Nghe nói cha có thuốc đau bao tử hay lắm? O Liên của con còn nói trị được tiêu chảy cho trẻ em nữa? Con của con chín tháng rồi, đi tiêu chảy, trị đủ thứ, nay kiệt sức, vẫn còn đi tiêu, năm sáu lần mỗi ngày, phân có vẻ sống…Vợ chồng con khổ quá! Cha có thứ thuốc gì chỉ cho con với. (Tôi nghĩ: nếu gần Bác Quang, vợ chồng nó dám đi khấn lắm !).
- Có món bột chuối. Cha bị viêm bao tử, xét nghiệm có vi trùng, nên BS giáo sư tiến sĩ T. cho hai toa thuốc uống hai tuần, càng đau, còn xuống mất hai ký lô nên sợ quá! Lại đi BS khác. Ông này không là GS tiến sĩ, nhưng thường chữa bệnh cho các linh mục PT. Ông bảo :
- Cha zdục toa thuốc đó đi, tìm bột chuối mà uống !
- Có bao giờ tôi nghe bột chuối đâu…
- Nghe nói ngoài Bắc người ta dùng bột chuối có hiêu quả… cha đi hỏi xem…(Ông ta hết nhìn tôi, và tiếp tục khám cho người khác..)

Tôi đi ra chợ, vào tiệm sách. Đây! Cuốn sách “Trị bệnh bằng thức ăn”. Mục “chuối” có món bột chuối: trái chuối xanh thái mỏng phơi trong mát, khô, đem xay, hòa với nước đun sôi để nguội uống. Tôi làm xong uống một muỗng cà phê bột chuối sau bữa ăn và lúc lên cơn đau.Vài tuần, hết đau. Món bột chuối thần hiệu này được phổ biến ở Phan thiết, Hàm tân. Có tới vài trăm người bớt bệnh. Một y sĩ ở BV Nhi đồng 1 SG còn chỉ cho trẻ thường tiêu chảy do bao tử yếu nên pha bột chuối vào cháo cho dễ tiêu. Kết quả thần diệu! Sách nói bột chuối không có khả năng giết vi trùng, nhưng làm cho vết thương trong bao tử mau ra da non và thay đổi môi trường thích hợp cho vi trùng phát triển.
Sau khi đứa con uống bột chuối giảm đi tiêu chảy, vợ chồng Hằng gửi tiền lễ tạ ơn và 500.000 đồng ủng hộ nhà thờ.

Nếu ai uống bột chuối bớt bệnh, xin nhớ đến chúng tôi đang rất thiếu ciment.




TĨNH TÂM HAY TỈNH TÂM


1
Ngày khánh thành nhà thờ, vị Đại Đức Chùa An Kim đến mừng một bức Đại Tự thư pháp chữ Hán. Không ai trong giáo xứ đọc được, không phải vì khó mà vì không ai biết đọc chữ Nho. Dịp Tết, thầy lại tặng tiếp bức thư pháp tiếng Việt, ghi bài thơ “Giao cảm” của thiền sư Nhất Hạnh.
- Cám ơn thầy. Bức thư pháp rất đẹp, rồng bay phượng múa. Ai viết thế ?
- Tự tay tôi viết. Cả bức kia nữa! Tết này mời Linh Mục đến chùa xem triểm lãm thư pháp .
- Cám ơn thầy! Nhưng tôi quên hết chữ Nho rồi! Chữ gì vậy ?
- Chữ tĩnh . Nhà thờ là nơi tu hành, là nơi tĩnh mịch, là chốn tĩnh tâm…
- Tỉnh hay tĩnh? Giọng Nam không phân biệt hỏi ngã. Trong sách Minh Tâm Bảo Giám dùng từ “tỉnh tâm” với dấu hỏi chứ không “tĩnh tâm” theo dấu ngã…
- Tĩnh tâm cho lòng mình yên bình lại…Linh mục có về quê ăn Tết không ?
Đề tài đã chuyển rồi.

2

Ngày 22/2 năm trước, Đức Giám Mục phong chức 10 linh mục—đông nhất sau 1975. Năm nay Mồng 6 Tết, cũng 22/2 khởi công xây nhà tĩnh tâm cho các linh mục. Ngày mang nhiều ý nghĩa.

3

Tôi tra tự điển Hán Việt để xem chính xác là chữ gì. Là chữ “TĨNH”. Dấu ngã.
Tôi đã treo ở phòng khách nơi dễ nhìn. Lâu nay tôi vẫn thích chương 15 Minh Tâm Bảo Giám: TỈNH TÂM = XÉT MÌNH.

Xem mình có u mê chưa tỉnh …

“Marta, Marta, con lo âu bối rối vì nhiều chuyện quá..chỉ có một việc quan trọng thôi…Maria dã chọn phần tốt nhất và không bị ai lấy mất” (Lc10,41-42).

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
19-12-2010, 10:46 PM
TRẢ LỜI KIỂM SOÁT VIÊN CỦA WORLD BANK.




Kim ngọc , GS 2001


- Hôm qua nghe nói mấy thằng Mỹ đến kiểm soát làm đường, tụi nó nói gì không ?
- Dạ, nó bảo mầy làm đường cho con cháu mầy đi, không phải cho ông nội tao, sao mầy làm lạ dzậy !
- Anh bảo sao ?
- Dạ, con bảo tui là thằng cò thứ bảy.
- Rồi sao ?
- Nó bảo cò thứ mấy tao không cần biết, mầy phải xúc lớp đất đó đi, đổ lớp đất khác xuống…
- Có xúc không ?
- Rồi ra cũng êm thôi !
Nhưng cuối cùng anh bị phá sản. Chiếc xe gầu múc đất cũ để bên nhà cũng bị CSGT tới phạt, xin sang đậu tạm trước nhà thờ, làm người ta cứ tưởng nó sẽ đào móng nhà thờ KN! Nó nằm lì đó cả khi lễ GS tới, vì không biết đem đi đâu! Ba tháng sau, nó được bán với giá sắt vụn. Tặng cha một gói bánh lấy thảo, nếu cha đào móng, con đã đào cho cha một tháng chỉ lấy tiền dầu…
Anh chẳng thuộc phe nào cả. Anh chỉ là thằng cò cuối cùng, con chốt thí.
Chúa giáng trần có ban bình an cho anh không ?






NHỮNG TRÁI BƠ NGON.



Tôi đổi tới xứ mới, cây cối um tùm rậm rạp. Muỗi mòng chào tôi một tuần, khiến tôi muốn phát điên. Nhìn lên tường có cả chục loại mưỗi; muỗi rừng lớn, muỗi vằn nhỏ, muỗi đòn xóc đòn gánh, muỗi tiểu đệ, muỗi tiểu yêu!…Sao tập trung lắm thế! Các chuyên viên bảo muỗi đẻ trứng ở thượng lưu sông như: Đa Mi, Sông Quao, Ma Lâm, trứng chưa nở ngay, nhưng dòng chảy mang trứng muỗi về hạ lưu, thời gian mất cả một vài tuần. Nên trứng đủ thời gian nở ra muỗi con để cắn người, cắn người hạ lưu, cắn người mới đến!
Tôi cho chặt phá hết các hàng rào bờ bụi mọc hoang do Hợp Tác Xã dựng lên gần hai mươi năm qua chung quanh nhà thờ, nhà xứ; đào làm củi các cây táo nhân, keo gai, làm sân vô lây và sân đá banh mini cho trẻ.
“Hãy mở cửa cho Đấng Cứu thế”, mười lăm năm trước, Đức Gioan-Phaolô II đã hô to, thì bây giờ phải gấp rút phá bỏ các rào cản, để mở cửa ra đón và đi đến với anh chị em lương dân …
“Ngửng đầu lên anh em ơi …” ( Tổng Thống Ai cập G. Nasser ).
Dân chúng làm công tác ào ào. Trẻ em đá banh bịch bịch …Cây nào vô ích, bụi cỏ nào mọc lên cũng bị thanh toán ngay….
Đức Cha Nicôla ủng hộ chương trình đổi mới của tôi …

Tôi hỏi bà bếp :
- Cây gì đây bà Hai ?
- Cây bơ đó ! Cha thấy nó đẹp không ?
- Nó sẽ làm hư kiềng nhà bếp. Bơ ngon lại không mọc được ở vùng ta…Tôi đã đọc mấy tài liệu về cây bơ ở VN. ..Bơ ngon chỉ sống thọ ở xứ lạnh. Bơ dở mọc thoải mái ở xứ nóng như Phan Thiết, nhưng trái dở ẹc! Nhổ nó đi cho rồi !
- Để nó mọc cho mát, biết đâu có trái ngon! Đừng nhổ nghe cha! Con thương nó lắm!
Tôi hơi khựng lại. Vâng, chưa cần nhổ hai cây bơ con mới mọc chừng năm sáu lá cao ba mươi phân. Mạng chúng trong tay ta!
Bà Hai là phụ nữ: yêu sự sống, yêu trẻ thơ, yêu cây con hơn tôi, nên tôi cũng phải tôn trọng bà, có lúc còn phải nghe lời bà vì bà có lương tri, có trực giác tâm linh, có bản năng yêu sự sống. Thế là cây bơ được cứu, cây bơ mọc tỉnh bơ !
Vài năm sau bà Hai nghỉ không còn nấu cơm cho tôi nữa vì không đảm đương nổi công việc. Cây bơ dần cao lớn, tàn vươn che cả mái bếp trổ bông trắng xóa, hoa màu vàng sữa. Chị bếp mới sung sướng: cây sẽ cho trái bói! Cuối mùa: một trái bơ to chín thật ngon!
Năm sau nó đậu tới vài trăm quả. Tôi đem bơ tặng Đức Cha, tặng quí cha, quý xơ lân cận, ai cũng khen ngon, nhưng không tin Kim Ngọc có bơ ngon thế.

Mấy năm nay nó vẫn cho nhiều trái to, béo, bùi, dẻo, thơm và ngon.

Cám ơn Bà Hai, cám ơn trái tim phụ nữ !

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
20-12-2010, 10:25 PM
TRỌN VẸN MÀ CHỈ MỚI BẮT ĐẦU.


1.

Ngay trước nguyện đường, đối diện với bàn thờ, lát nữa đây chị em sẽ vĩnh thệ, giữa rùng hoa thật và hoa giả là các nữ tu, hoa biết nói, một cây chuối con thật, mọc ra từ gốc mẹ và một cây dừa con với những lá thật, nhỏ, chưa xẻ chân chim, gọi là lá giả, có câu viết: “mầm sống mới”. Chung quanh nhà dòng đâu đâu cũng thấy vòng tròn, số 25, 60, 70. Hai mươi hai nữ tu tuyên khấn trọn đời kể là mẻ cá lớn, bội thu của nhà dòng. Ba chị hai mươi lăm năm, tám chị sáu mươi năm và một chị bảy mươi năm, “kim cưong khánh!”.

Trọn đời, vĩnh khấn là một lời dứt áo ra đi, quyết đi đến cùng. “Cầm cày còn ngoảnh lại sau Con người thế ấy, đáng đâu Nước Trời “ (Xuân Ly Băng) Họ đã chục năm sống với gia đình Mến Thánh Gía, tập và làm chị em của gia đình, tới tuổi tam thập. Một chặng đường. Để tiếp những chặng đường. Nhưng phải có giây phút bắt đầu. Đức Cha chủ sự nói từng biến cố hôm nay: khấn trọn, hai mưoi lăm năm, sáu chục, bảy chục năm khấn dòng với giáo phận Nha Trang mừng 50 năm thành lập, kim khánh. Đủ loại khánh, mừng trọn vẹn tròn đầy.

Trong bài giảng, ngài nói về giây phút ban đầu lưu luyến là tiếng gọi như Chúa gọi Samuel trong bài đọc 1 của thánh lễ. Samuel chẳng nhận ra tiếng Chúa, phải có thầy cả Hêli. Người ta nhận ra tiếng Chúa thường do trung gian Giáo Hội. Ngài kể chính ngài, lúc tám tuổi quì trong nhà thờ, chờ Chúa gọi như Samuel, nhưng lại thấy ông Trùm xuất hiện bảo “con đi tu con nhé”! “Rồi Chúa dẫn đi làm Linh Mục… Giám Mục…

2.

Mỗi nữ tu, một cuộc đời, một tiếng gọi tình yêu lạ lùng Từ khởi đầu đã có Tình Yêu (Ga 1,1….1Ga ) Và từ tuổi nằm nôi, em bé Việt đã nghe mẹ ru : Tua rua mấy chiếc nằm kề Thương em từ thuở mẹ về với cha… Làm sao hiểu nổi ? Mẹ về với cha còn chưa có mình ! Lớn lên biết hát Dân ca lại nghe hát Bài Ca Sao : Sao rua mấy chiếc ối a Yêu em từ thuở mẹ cha chưa về !

Thời gian có đẩy xa hơn mẹ về với cha thành mẹ cha chưa về, nhưng chàng thanh niên khi biết yêu bắt đầu được khai tâm trí óc. Yêu để hiểu và hiểu để yêu. Dù mẹ cha chưa về với nhau thì anh đã yêu em rồi, em ơi ! Nhưng rồi chàng chọn Tình Yêu Vĩnh Cửu, khi nghe ngôn sứ Giêrêmia nói về thuở ban đầu của ông : “Trước khi ngươi hình thành trong dạ mẹ, Ta đã yêu ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ ta đã thánh hiến ngươi và sai người làm ngôn sứ cho muôn dân…. Giêr ,1,5 Ô kìa, trong dòng sữa mẹ của em bé Việt đã có Lời Vĩnh Cửu Tình Yêu: Yêu con từ thuở mẹ cha chưa về ! …

3.

Cây chuối con khi vừa có rễ là có thể tự lập sống bằng rễ mình, cần tách rời khỏi cây mẹ già đã mang nhiều mầm bệnh, có thể lây nhiễm cho con. Nó chỉ mang ơn mẹ về các yếu tố di truyền. Cây dừa con khi ra lá thật, cũng cạn hết dự trữ trong trái phải vươn lên sống bằng rễ non và ánh sáng mặt trời. Nó phải đủ một triệu rễ dài tới mười triệu mét để vươn lên cao chịu nắng gió của biển khơi Còn người nữ tu MTG vẫn còn phải sống gắn bó trọn đời với ba chiều kích của “gốc” mẹ .

1. Gốc ơn gọi vào đời người Kitô hữu tu sĩ
2. Gốc ơn gọi làm người Việt Nam
3. Và gốc linh đạo Mến Thánh Gía mà trong Tông huấn “Đời Sống Thánh Hiến” người ta suýt quên, nếu Mẹ MTG Nguyễn thị Thanh không đến kịp. Soeur K.H. của chúng ta sẽ đi du học Hoa Kỳ. Nhiều nữ tu sau khấn trọn phải ra nhiệm sở làm Bề Trên. Mọi sự lại mới bắt đầu ! Cây dừa cần có đủ một triệu rễ để mang trái ngọt cho đời .

Kỳ vọng thay Người Nữ Tu Mến Thánh Giá !
Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
21-12-2010, 04:20 PM
ĐÀN ONG ƠI! ĐỪNG VỀ !



Mấy năm nay đuông tàn phá đám dừa xơ xác…Có cây chết khô. Mỗi năm, đầu mưa, phải đặt lên ngọn dừa hai gói thuốc chống bọ cánh cứng bảo vệ cây dừa, giữ lại màu xanh cho đời.


-1-


Mùa mưa đã hơn hai tháng. Đồng ngập nuớc cho lúa non. Dừa trổ hoa sau những tháng nắng hạn. Keo lá tràm vàng rực bông tỏa huơng thoang thoảng trong không gian khuôn viên nhà thờ.
Không thấy đàn ong hút mật hoa keo vàng như mọi năm. Đàn ong chưa về đóng tổ trên vuờn dừa nhà thờ.
Sao đàn ong chưa về ?


-2-



Anh thợ rừng chặt cây keo gai bảo tôi mùa này ong ra đồng hoang kiếm mật, cuối mùa mưa mới trở về đóng tổ trên cây cao, khiến tôi bình tâm hơn.
Chợt thấy những con ong vật vã dưới gốc dừa trước sân nhà xứ, có cả những con bị kiến tha đi … một con … cả chục con. Chắc chắn là điềm không lành: bị ngộ độc thuốc trừ sâu chống đuông dừa treo trên cây.
Sáng hôm sau, lại những con ong vật vã. Nhìn lên ngọn dừa: một tổ ong ruồi bằng bàn tay đầy ong. Tội nghiệp những con ong siêng năng hút mật hoa dừa ngay bên tổ. Giá như nó bay xa ra kia hút mật keo lá tràm thì đâu có chết uổng mạng như thế !


-3-



Mấy ngày qua mưa thật to. Sáng nay chưa thấy ong chết duới gốc dừa làm đàn kiến chạy vòng quanh hoài. Có thể thuốc trừ sâu đã phai? Không thấy con ong nào chết . Tổ ong còn đầy .
Một tuần qua không nhớ đến bầy ong. Bây giờ chỉ còn tổ trống trơn, không chút mật, không con non. Bầy ong đã bay đi, hay đã chết? Nếu chết vì độc chất hóa học sẽ còn ít con non. Nhưng không. Ong đã bay đi. Ong ơi ! Bay đi và đừng về, khi thuốc độc chưa phai !

Đàn ong chỉ sống được trong bầu trời trong lành, cây xanh và hương hoa không nhiễm độc.
Con người còn cần hơn. Linh hồn thánh đức còn cần hơn nữa .

Đôi khi người tín hữu nghẹt thở trong Nhà thờ, trong giáo xứ, mà giáo xứ dường như vẫn thờ ơ, hay không biết !

“Giáo xứ phải là giếng nước ngọt đầu làng cho muôn dân ” (ĐGH Gioan XXIII)
Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
31-12-2010, 08:20 AM
MỪNG MƯỜI MỘT TÂN LINH MỤC



GIÁO PHẬN PHANTHIẾT



NHỚ MƯỜI NĂM LINH MỤC



CỦA NGƯỜI ANH EM KHÔNG CÒNNỮA :



PHÊRÔ HỒ VĂN HƯỞNG



XỨ… CỦA TAU (1)



Phước An là nơi cha mẹ tôi tỵ nạn về đó năm 1965, nhưng Lagi, lại là quê ngoại Miền Nam của tôi. Quê ngọai gắn liền với mẹ, nên bao giờ nó vẫn êm đềm! Khi không ở được nơi nào đó - cha tôi, con người sẵn sàng lại ra đi - thì mẹ tôi bảo:” Về Lagi !

Phước An cách Lagi có năm cây số, đi bộ chưa đầy một tiếng, đi xe máy chỉ mấy phút. Hồ văn Hưởng làm cha sở Phước An muốn thăm mẹ, chạy xe về chưa đầy mười phút đồng hồ. Khi anh bệnh nặng, ăn uống rất khó khăn, chị bếp nấu không nổi, gia đình anh nấu gởi lên cho anh ăn hằng ngày.

Khi rời Phước an đi tu, rồi học đại học Sàigòn, tôi say mê văn minh văn hoá đô thị. Về Phước An chỉ thấy sáng vác cuốc đi, tối vác về, tôi nói với lòng sẽ không bao giờ trở lại! Nhưng biến cố 75 lại cố kết tôi với Phước An trong những giai đoạn LS biến động, khiến tôi yêu mảnh đất này, vì những con người kiên trung với đức tin CG !

Yêu người thì được người yêu! Mười lăm năm chờ đợi làm LM, các thầy già Hàm Tân lại tụ về Phước An do tôi và Nguyễn văn Hạnh coi sóc, không có cha xứ - làm thầy toàn năng- tha hồ tự do mổ xẻ mọi chuyện trên trời dưới đất; nhậu thì cùng lắm là một con gà, không rượu không bia! Dĩ nhiên có Hồ văn Hưởng, sớm sủa làm nghề chụp ảnh trắng đen có phòng rửa đàng hoàng! Có thu nhập cho mượn vốn đi buôn chuyến, chuyển sách Nguyễn đức Quang gửi từ Sàigòn về cho các thầy già.

Ảnh huởng của tôi tại Phước an cũng có. Nếu sợ cha làng thì không cho cha làng làm lễ! Cha Augustinô … dạy chúng tôi khi làm Linh Mục phải chơi đẹp với cha sở quê mình, để khi cần làm lễ tại quê thì được như ý !

Hồ văn Hưởng chẳng sợ tôi, nên tôi về Phước An làm lễ thoải mái, lại mời ngủ nhà xứ, khi nhà ông bà cố tôi chật hẹp, vì con cháu đông về Tết. “Xứ của tau”, nhưng cha Hưởng biết anh em, biết chia sẻ.
“Xứ của tau”, nên mấy năm thôi mà Hồ văn Hưởng làm được lầu chuông nhà thờ, dẫn nước máy về cho giáo dân Phước An, lập giáo họ Phêrô tại Láng Đá, làm tập kỷ yếu 40 năm giáo xứ Phước an … “Xứ của tau” trở thành xứ của Chúa.

Nhưng cũng có những “xứ của tau”, nên không tôn trọng đủ công trình cũ của giáo xứ do anh em LM trước để lại. “Xứ của tau”, nên các giáo xứ trong giáo phận đến xin tiền làm nhà thờ thì không cho, còn một “tơ vương” ở đâu đó, thì cho đánh “giã cào” hàng tuần mà không thấy ngượng!
- Phêrô ! con có yêu thầy hơn những người này không ?
- Thưa Có !
- Con hãy chăn chiên của thầy.
“Xứ của tau” phải là xứ của Chúa, là xứ của đoàn chiên của Thầy.

Chúc các tân linh mục sống cuộc đời hạnh phúc giữa những đàn chiên của Thầy.



( 1 ) Hồ văn Hưởng thường nói : “….CỦA TAO”



Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
31-12-2010, 04:42 PM
ÔNG GIÁO SƯ MÔN VĂN HOÁ VIỆT NAM




1.


Chờ mười lăm năm chưa làm linh mục, tôi ghi danh học Anh văn tại chức.
Tại chức, nhưng lại không ai tại chức cả, toàn học sinh nghèo, không đi học xa được, và mấy chủng sinh, thầy già và chỉ có tôi sang năm thứ hai thì đã là “cha”. Trong lớp, tụi sinh viên không gọi tôi là “cha” nhưng gọi là “chú” Anh. Chú Anh thưòng đi học không đúng giờ; đôi khi không làm bài, đặc biệt không dám quay bài.

Hôm thi môn triết Mác Lê Nin, Chú Anh ngồi hàng đầu vì chữ A, trước mặt giám thị. Làm hơn nửa giờ thì xong, chỉ viết tóm tắt, loay hoay thu dọn nạp bài.
- Rớt rồi ! có tiếng la vang lên từ cuối lớp.
- Đã nói rớt rồi ! Ngồi lại, chút nữa quay. Môn triết sai một chấm một phẩy cũng rớt ! Ngồi lại đã !!!
Tôi nghĩ không tới nỗi, vì tôi tóm khá tốt, tôi nạp bài cho giám thị, lại nghe mấy đứa sồn sồn la tiếp : Rớt ! ở lại đã !
Quả thật, rớt! Chỉ có 4/10.



2.


Hôm nay học môn Văn minh Việt Nam. Thầy dạy là Trưởng Ban Ngôn Ngữ ĐHDL. Tôi đi muộn, vì khi đi học có bà cụ già vào xin lễ kể chuyện khó khăn gia đình..
Ông thầy nhìn tôi có gì là lạ. Tôi về chỗ. Cuối giờ học, ông thầy chỉ tôi rồi hỏi gì tụi con gái . Tôi nghe tụi nó bảo Chú Anh là linh mục.

Ông ấy xuống gặp tôi, bảo rằng ông ấy có giảng sai thì vui lòng sửa cho ông. Ông bảo khi đổi lên ĐL, giáo sư Nguyễn khắc Dương là người cùng làng với ông, bảo :
- Kiến thức 10 năm du học Liên Xô của chú chỉ là rơm thôi…Chú muốn sáng mắt thì tới mấy ông cha mà học. Tôi giới thiệu cho chú hai linh mục Giáo Hoàng Học Viện: cha….và cha TĐQ ở TGM.DL.”
- … Các ngài đưa tài liệu và sách cho tôi đọc. Sách của Thanh Lãng, các cours Văn Học, Văn Minh Việt Nam của các Đại Học Miền Nam…Tôi sáng mắt là nhờ các Ngài. Môn VMVH VN không có giáo án. Ai dạy phải chịu trách nhiệm về giáo án.
- Tôi chỉ là học trò của những vị trên thôi.




MÙI SƠN LÀM BÀ XƠ HO CẢ THÁNG



Hoạ sĩ Rembrant đã nói: Tranh phải lùi lại để xem, chứ không để ngửi, vì mùi sơn độc lắm. Thực ra, không ai chịu được mùi sơn, nó có thể gây ung thư.


1.


Tôi mới tới xứ. Giáo dân thương cha, sơn lại trần nhà cho cha để phòng được sáng sủa. Ai dè mùi sơn làm cha mất ngủ cả tháng, phải xuống nền nhà nằm, mở toang cửa ban đêm để bớt mùi sơn. Đa số giáo dân không biết mùi sơn độc, cũng như đã coi thường thuốc trừ sâu.


2.


Lúc làm nhà thờ, tới giai đoạn hoàn thiện, tôi phải đi học hỏi mới biết sơn có nhiều loại, nhiều giá. Nói chung rẻ tiền thì độc chất cao, có hại sức khỏe. Tôi quyết định, sức khoẻ giáo dân là hàng đầu, không sơn loại rẻ tiền có nhiều chất độc … Tôi chọn Duluxe Maxilite sơn trong và Duluxe Weithersiel sơn ngoài
Nên nhà thờ thoáng mát và dễ chịu.


3.


Giáo xứ mua một nhà cổ xưa để cho các nữ tu đến hoạt động. Cha sở đi vắng, khi về, dân đã sơn nhà xơ cho đẹp bằng sơn Thái Lan thông dụng rẻ tiền, làm bà Xơ ho cả tháng.
Xứ nghèo cha khổ, Xơ khổ, có ai biết không ?
“Nghèo nàn, bệnh tật, dốt nát là cái vòng luẩn quẩn “của kiếp người”.
Nó không tha người đi tu. Sau đệ nhất thế chiến, nhiều tu viện ở Âu châu, các tu sĩ không đủ ăn, đủ mặc, phải được CARITAS trợ giúp. Cách nay không lâu, một số nữ tu ở Viêt Nam ăn với tiêu chuẩn 3.000 đ/ một ngày.
Nhưng dòng tu tan rã có lẽ không phải vì vật chất mà vì tinh thần, vì quan hệ không nồng ấm trong cộng đoàn. Vì kém siêu thoát ?

Mong sao cho câu “ Tu là cõi phúc” luôn luôn đúng !.

Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh

Vinam
01-01-2011, 10:11 PM
NGƯỜI TẮM BIỂN CHƯA HỀ GẶP LẠI



Thứ hai là ngày đầu tuần làm việc, các linh mục lại cần một chút nghỉ ngơi. Xuống tới bãi biển Đồi Dương đã 8 giờ. Biển xanh êm, nắng nhẹ, nhưng những người tắm biển đã trở về đi làm, khiến bãi vắng hoe. Đằng kia chỉ còn một người tắm. Tôi bơi từ từ lại gần chàng thanh niên duy nhất .
- Chào bạn, sao tắm một mình thế ? Cái mình kia đâu?
- Chào chú, sao chú đi tắm muộn thế ?
- Muốn đi sớm mà nào đâu có được …
- Muốn mà đâu có được…Ha ha…Có lẽ chú mới đi tắm vùng này . Chú ở đâu đến?
- Gần thôi. Một năm mới được tắm lại ! Anh tắm đây lâu chưa?
- Gần một năm. Cách nay ba tháng tắm hai mình, nay tắm một mình là phúc lắm rồi!
- “Người ta đi tắm có đôi, Tôi đây đi tắm đơn côi một mình ! ”.
- Thế mà thích đơn côi chú ơi. Cháu bị sốc tâm lý, hai năm qua đã đi nhiều bác sĩ, nhiều nhà thương, cuối cùng đi tắm biển mới ổn. Trước đây ngày nào mấy ông anh cháu cũng phải đi tắm với cháu. Nay tắm được một mình thì phúc lắm rồi. Bộ chú muốn tắm hai mình lắm sao? Ha…ha…
- Trước đây tôi thường bơi từ khách sạn đến bãi dương, rồi bơi về gần cây số. Bơi một mình. Nhắm đỉnh Lầu Ông Hoàng tới đỉnh nhà thờ Vinh Phú, Khoảng cách đó khá an toàn, chỉ nhoài người vài cái là có thể tới chỗ cạn. Anh tắm lâu một mình mấy tiếng, gặp lạnh thì làm sao?
- Thế chú bơi cả cây số gặp lạnh làm sao?
- Tấp vô chứ làm sao?
- Thật dở ẹc ! Nhồi như thế này …Chú thử nhồi coi, nóng lên liền.
(Anh ta bảo tôi nhảy lên nhảy xuống mươi cái cùng anh . Đúng! nóng lên ngay)
- Tuyệt quá! Ấm ngay ! Ai bày cho vậy?
- Chuyên viên bơi lội. Chú biết VĐV Nguyễn thị Hiền không? Ngoài môn kiếm, còn là VĐV bơi lội. Tuần trước tới Bình Thuận, ghé ông anh là người làng…
- Đi với ai?
- Hai đứa nhỏ .
- Tên gì ?
- ……Cu C. và Cái H. Tại sao chú hỏi kỹ vậy?
- Cu C. và Cái H. là cháu tôi đó . Mẹ chúng là chị họ Nguyễn thị Hiền. Máu XôViệt Nghệ Tĩnh đó ! Bà ngoại chúng cùng mấy chục bà khác chặt hai khúc cây, một ngắn một dài, đóng lại thành cây thập giá vác lên, chia nhau ngồi lì trước UBND Tỉnh Nghệ An đòi trả đất và trả nhà thờ Cầu Rầm cho họ. Nhà thờ Cầu Rầm mới đã xây lại xong ba bốn năm nay. Khách sạn Vinh Thuỷ NovoTel trước mắt chúng ta, trước đây là nhà thờ Vinh Thuỷ…
- Lấy nhà thờ làm khách sạn….
- Đó là nơi TB và CS gặp gỡ. Nói cách thời thuợng, đó là công trình của toàn cầu hoá !
- Chú có đạo … Chú làm gì?
- Ông cha nhà thờ…
- Vậy thì xin rửa tội cho con…
- …
- Con ra nông nỗi này vì mang tội với cha con…Con và Ph yêu nhau thuở sinh viên và đã định ngày cưới. Chẳng may cha con đột quỵ chết. Mọi người can con hoãn ngày cưới. Con lập luận: hiếu tại tâm, hiếu ở trong lòng, kẻ chết không làm phiền người sống, nên quyết định cưới, khi cha chết đủ bốn mươi chín ngày. Sau đó gia đình suy sụp. Anh con bị truy tố…nhiều việc khủng hoảng xảy ra, cuối cùng vợ con cũng bỏ con. Con hóa điên, chạy thầy chạy thuốc khắp nơi. Con tội gì vậy cha .Nghe nói bên công giáo có lễ rửa tội. May gặp cha đây, cha rửa con cho linh hồn con được sạch trắng, cho an bình trỏ lại với con, con lạy cha vạn lạy…..Xin cha cứu con cha ơi…
- Anh không có tội gì hết !
- Không có tội tại sao gia đình suy sụp, đầu óc điên loạn, vợ bỏ đi luôn…Cha ơi cha rửa tội cho con…xin –tha-- tội—cho—con !!!

Anh hét vang trên biển nhưng tan ngay trong gió Nồm.
Tôi không cách nào an ủi nổi anh. Tôi bảo anh hãy tha cho chính mình. Anh cười khẩy : tha cho chính mình ? Nhưng mình đã làm gì nên tội?
Rồi anh bình tĩnh lại, xin lỗi tôi, im lặng bơi ra xa một mình. Anh bảo anh tắm tới mười giờ.
Tôi chào anh ra về mà lòng nặng trĩu, bất lực. Hôm ấy là thứ Hai Tuần Thánh. Tôi phải về chuẩn bị để đánh mẻ lưới lớn : Ngày thứ Năm Tuần Thánh đúc phần mái giáp lầu chuông, diện tích 400 m2 ở độ cao 15m, 20 thợ, 200 giáo dân xịn mới xong trong ngày.
Tuần thánh với bao việc khiến tôi quên anh, con người đang hành động để hiện hữu, bơi để sống. Tôi nhớ Forrest Gump (1994) : Running is TO BE. Con người hôm nay dường như không còn cơ hội để Courage is to be (Paul Titlich).

Chúa trên Thập giá đã nhớ đến con người này chưa?


Lm. Giuse Nguyễn Kim Anh