PDA

View Full Version : Tâm sự với biển



hongbinh
23-11-2010, 10:31 AM
Tâm sự với biển


http://img.photo.zing.vn/file_uploads/gallery/w642h/2007/06/04/118092947312.jpg


Nhìn xa, biển rất bình lặng và tạo nên một đường thẳng nằm ngang. Nhưng đến gần, và nếu có thể ngâm mình dưới biển, người ta khả dĩ nhận thấy biển chẳng lặng bao giờ mà luôn có lớp sóng xô triền miên vỗ vào nhau, vỗ vào bờ, vỗ vào năm tháng…

Dòng máu lãng mạn đã thâm nhập huyết quản tôi tự bao giờ, bên thơ bên nhạc, trĩu nặng đôi vai yếu đuối. Trang đời viết mãi không thành, lật tới lật lui cũng chỉ thấy những đoản khúc chưa viết xong, những giai điệu chưa trọn giai kết. Đôi khi cảm thấy mình như con ruồi vướng vô mạng nhện, cứ giãy giụa mãi mà không thoát khỏi vòng đời lẩn quẩn.

Tôi không tự đánh lừa mình bằng ảo giác hay khát vọng hão huyền. Tôi nhận biết mình làm gì và ở đâu để tự giải thoát, tìm quên cả chính mình trong gian truân thường nhật. Thân phận con người mong manh và yếu đuối quá, vì “chỉ là cây sậy có lý trí” – như Pascal đã diễn tả.

Biển đời bao la. Thi thoảng những cánh buồm kỷ niệm trôi qua dòng ký ức khiến tôi lặng người dõi nhìn hút theo mà không khỏi nuối tiếc, ngậm ngùi, bâng khuâng,… Tôi lại chỉ biết trải lòng mình qua từng trang viết để tìm chút bình an tâm hồn, tự ru mình ngủ vùi giấc đông. Nhưng đôi khi tôi lại cảm nhận hạnh phúc, “dù chưa làm được những gì mình muốn thì cũng muốn những gì mình làm” (Gordon). Sự hiể biết của tôi quá hữu hạn và nhỏ nhoi. Chính bác học Newton còn tự nhận: “Những gì tôi biết chỉ là giọt nước, còn những gì tôi không biết lại là đại dương”.

Chiều lên dần, cao dần, cao đến nỗi tôi không còn thấy ráng chiều lấp ló ở những tán lá cao nữa. Chiều càng cao, lòng tôi càng trầm lắng. Có khoảng trống nào mênh mông với nhịp-tĩnh-động như biển… Tôi chợt nghĩ tới NS Trịnh Công Sơn và đồng cảm với tâm sự trong ca khúc Sóng Về Đâu: “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người…”.

Lạy Chúa, Tình Chúa là Đại Dương bao la, con chỉ là giọt nước nhỏ nhất trong Đại-Dương-Chúa, nhưng Chúa vẫn muốn có giọt-nước-con hòa tan trong đó. Đôi khi giọt-nước-con không muốn hòa tan, nhưng Đại-Dương-Chúa vẫn kiên trì chờ đợi, và vì quá yêu con – dù con không là gì, Đại-Dương-Chúa vội dâng sóng lên kéo giọt-nước-con vào lòng Đại-Dương-Chúa. Có khi giọt-nước-con nằm trơ trọi trên cát nóng, nắng thiêu đốt khiến giọt-nước-con sắp bốc hơi thì thủy triều lại dâng cao hòa tan giọt-nước-con hòa tan vào Đại-Dương-Chúa.

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con (Lc 17:5), và xin Ngài hãy nói vì tôi tớ đang lắng tai nghe (1S 3:10).

Trầm Thiên Thu

hongbinh
24-11-2010, 03:36 PM
CỐ HƯƠNG



http://duymanvu.files.wordpress.com/2009/10/p1010704_b2.jpg?w=500&h=375


“Cố hương 桑梓” chính là cây táo (桑) và cây thị (梓), trong kinh thư có câu thơ “duy tang dữ tử, bất cung kính chỉ”, ý nghĩa là nói: cây táo và cây thị là do phụ mẫu và tổ tiên đã trồng, làm con cháu thì phải đối xử tôn kính chúng nó.

Thời xưa, người ta thường trồng cây táo và cây thị gần bên nhà để lưu lại cho con cháu dùng, bởi vì lá của chúng nó có thể nuôi tằm lấy tơ, trái của nó có thể ăn và ngâm rượu, các phần khác của chúng nó cũng có thể làm thuốc, đến như gỗ của cây thị có thể dùng để làm cái ách xe, nhạc khí hoặc quan tài thì rất tốt.

Hai loại cây này có giá trị cao, do đó mà trong thời xã hội nông nghiệp, cây thị và cây táo được trồng ở nhiều nơi, và cũng trở thành nơi ở tập trung của con người.

(Sự vật dị danh lục)

Suy tư:

Đi đông đi tây, lên non xuống biển, không đâu đẹp và tình cảm cho bằng quê hương của mình, bởi vì quê hương là nơi mà mỗi người có biết bao nhiêu là kỷ niệm từ thuở ấu thơ, từ thuở cắp sách đến trường, bởi vì quê hương chính là nơi mình đã sinh ra, đã quen biết cây ổi cây mận, cây khế, đã quen biết với mùi vị rau lang (rau khoai), rau muống...

Nhưng người Ki-tô hữu có một quê hương đích thực và vĩnh viễn, đó chính là thiên đàng, là Nước Trời, nơi mà khi họ sau khi làm những việc lành phúc đức, kính Chúa yêu người ở quê hương dưới đất nầy, thì họ sẽ được Chúa Giê-su, Đức Mẹ Maria và các thánh đón tiếp trong Nước vinh quang và hạnh phúc của Thiên Chúa.

Cây táo cây thị được gọi là cố hương là vì tổ tiên ông bà để lại cho con cháu; Nước Trời được gọi là quê hương đích thực của những người tin vào Chúa Giê-su, là bởi vì Thiên Chúa đã hứa ban cho họ, bởi vì Chúa Giê-su Ki-tô đã xuống thế chuộc tội cho nhân loại, đã chết, đã sống lại và đã lên trời trong vinh quang.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
-----------------