PDA

View Full Version : CA ĐOÀN VÀ CÁC MỐI TƯƠNG QUAN - VÀI SUY NGHĨ VỀ TÌNH HÌNH THÁNH NHẠC HIỆN NAY.



hongbinh
23-11-2010, 03:23 PM
CA ĐOÀN VÀ CÁC MỐI TƯƠNG QUAN - VÀI SUY NGHĨ VỀ TÌNH HÌNH THÁNH NHẠC HIỆN NAY.




Nhân dịp Ủy Ban Thánh Nhạc (UBTN) có ý ngỏ đến những thành phần đang cộng tác vấn đề liên quan và những gợi ý thiết thực cho vấn đề này. Với khả năng hạn hẹp của mình, tôi xin trình bày 1 cách khách quan về quan điểm và những ưu tư của mình:

1. Tổng quan:

Theo tình hình chung, do nhu cầu của các giáo xứ, việc thành lập một nhóm hát (theo cách gọi ban đầu) nhằm phục vụ cho các thánh lễ, giờ kinh nguyện… là một điều thiết yếu, qua đó thấy được tầm ảnh hưởng của Thánh Nhạc gắn liền với đời sống của đại đa số cộng đoàn công giáo nói chung cả trong và ngoài nước. Vì thế những tên gọi Ca đoàn (CĐ); Ca nhạc đoàn; Ban hợp xướng (BHX)… dần được khẳng định theo cách diễn đạt và đánh giá riêng của mỗi nơi, mỗi cá thể, nhằm thay thế cho cái tên gọi ban đầu “Nhóm hát” (nghe có vẻ bình dân) ấy.

Việc thành lập cũng có những yếu tố quyết định và cũng có khi gây bất ngờ.

- Nói là quyết định vì đó là nhu cầu thực tế, chúng ta dễ nhận thấy ở những giáo xứ mới thành lập, ở những vùng quê xa xôi hẻo lánh, những khu vực trước đây bị chính quyền cô lập, hoặc lâu nay chỉ có 1 CĐ phụ trách tất cả các phần vụ liên quan (hát lễ thường nhật, ma chay, cưới hỏi, tẩm liệm, an táng…) khiến cho việc “độc quyền” hay không thể đảm đương hết trọng trách được giao phó. Việc “độc quyền” ấy khiến CĐ có khi dẫn đến căn bệnh “ngôi sao”, và chi phối phần lớn những sinh hoạt mang tính cộng đồng của giáo xứ.

- Nói là có khi gây bất ngờ cũng là điều không ngạc nhiên. Bởi lẽ có những “Nhóm hát tự phát” chỉ sau 1 đêm là đã trở thành CĐ do có những mối tương quan thật “sâu lắng” với 1 tu sỹ hay linh mục nào đó. Hoặc có khi do những anh chị em cựu ca viên vẫn còn “mặn mà” với “nghiệp ca đoàn”, để rồi “những ý tưởng lớn” gặp nhau và…xin phép được thành lập “Ca đoàn” với lý do phục vụ giáo xứ (mặc dù hiện tại Gx đã có 7,8 ca đoàn). Hoặc 1 nhóm những anh em “thiện chí” chẳng biết ở nơi đâu đến, xin mượn tá túc không gian của Gx để có chỗ phục vụ cho việc họp mặt và tập hát cho nhóm mình (do có sự quen biết với một linh mục sở tại và xem đó là người đỡ đầu cho nhóm), để rồi qua những mối tương quan từ từ gắn chặt ấy, họ tự phong cho mình một danh hiệu “Ban hợp xướng của Giáo xứ” và có hẳn 1 website để giới thiệu và quảng bá lịch sinh hoạt và hát lễ của mình, thậm chí tự phong tước cho vị linh mục nọ trở thành “Cha linh hướng” hay “Cha cố vấn”… mà chưa có sự khẳng định của đối tượng liên quan nào.

Ngược dòng thời gian, vào những năm thập kỷ 80,90. Khi mà các công tác mục vụ của những nhà thờ hết sức khó khăn và được sự quản lý rất chặt chẽ từ chính quyền mới, khi ấy các linh mục dường như chỉ lo tập trung vào việc xây dựng ổn định về vấn đề tín hữu cũng như tái thiết cơ cấu cho phù hợp với đường lối của bộ máy chính quyền mới, mà bỏ ngỏ hay ít quan tâm đến nhu cầu Thánh nhạc, vì thế sự đóng góp và mong muốn vực dậy nền Thánh ca tập trung vào những nhân tố giáo dân-tín hữu có trình độ chuyên môn cao và tâm huyết với nó, cũng xuất phát từ đó, những phong trào : Thánh ca vào đời, Thánh ca trẻ, Nguyện ca…cho đến các Ban hợp xướng, Ca đoàn như: Hồn nước, Quê hương, Cung chiều… đã được khởi xướng và ra đời, đem đến những luồng gió mới cho đại đa số những người yêu mến hát Thánh ca nói chung, góp phần đa dạng và phong phú cho nền Thánh nhạc nói riêng, những bản sắc đa dạng ấy như tạo được những ảnh hưởng lan rộng đến cộng đồng trong và ngoài Việt Nam thời bấy giờ (cứ mỗi lần nghe tên tuổi của những Ban hợp xướng ấy mà có người phải trầm trồ thán phục).

Điều mà những Ban hợp xướng, những sáng tác mới… được xem như thành công ấy là dựa vào sự Tận tụy – Tận tâm và Tận lực.

- Tận tụy vì họ rất kiên trì, kiên nhẫn, chịu đựng và nhẫn nại. Luôn miệt mài và chăm chỉ trong tất cả những sinh hoạt chung.

- Tận tâm bởi lẽ đó là niềm đam mê, đó cũng có thể là những khát vọng, hoặc là những ấp ủ cho một tương lai vì cộng đồng.

- Tận lực để có thể hy sinh thời gian, công sức và thậm chí cả vật chất để đầu tư, để xây dựng, để phát huy tất cả nhằm phục vụ cho cộng đồng.



Ngày nay, hiện trạng có rất nhiều nơi, nhiều Ca đoàn đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, bởi lẽ sự bành trướng và phân cấp đang ngày một rõ rệt, có những nơi việc tìm và quy tụ nguồn nhân lực để cộng tác và phục vụ cho giáo xứ hết sức khó khăn trong khi có những nơi dù đã “dư thừa” nhưng vẫn “rộng rãi” để thành lập thêm nhóm hát này, ca đoàn kia…thậm chí những giáo khu cũng chạy đua để thành lập ca đoàn cho riêng giáo khu mình. Để rồi cũng có Linh mục phải lắc đầu ngao ngán và không biết phải xử trí như thế nào cho ổn thỏa với các ca đoàn, các giáo khu. Việc thành lập ồ ạt và thiếu sự hướng dẫn của người nắm chuyên môn dẫn đến tình trạng chạy đua thành tích, coi trọng bề nổi và thậm chí có chiều kích “thương mại hóa ca đoàn” cũng nên (đã từng có ý kiến nêu rằng: để giúp ca đoàn phát triển thì cần có nguồn ngân quỹ dồi dào, vì thế ca đoàn nên liên kết với một doanh nghiệp nào đó, nhận tài trợ đổi lấy việc mặc đồng phục có in tên doanh nghiệp đó trên đồng phục mỗi khi hát lễ). Ca đoàn nào cũng mong tập thể mình là số 1, luôn gây ấn tượng bằng nhiều hình thức khác nhau, để rồi cho phép mình đánh giá những ca đoàn khác, thậm chí tìm mọi lý do để bất hợp tác với những sinh hoạt chung của giáo xứ, gây mất đoàn kết và phân nhánh thậm chí ngay trong nội bộ của mình (có trường hợp một số ca viên kỳ cựu sẵn sàng “truất phế” cả Ca trưởng vì không đáp ứng những yêu cầu mà họ đề ra)…Từ đó cho thấy, chủ nghĩa cá nhân đang dần hình thành và chi phối rất nhiều trong môi trường các giáo xứ hiện nay.

Nói đến đây, hẳn mọi người đã có một cách nhìn tổng quan để so chiếu với những gì đang diễn ra với thực tại hiện nay. Lẽ dĩ nhiên thời đại ngày nay đã biến chuyển và thực dụng hơn rất nhiều, điều đó tác động rất lớn đến não trạng và tư duy của mỗi người từ tầng lớp “hạ cấp” cho đến “cao cấp” theo cách nói của một số tầng lớp trong xã hội cũng như trong giáo hội chúng ta. Những sự phân chia tầng lớp, những phe phái được hình thành, những tư tưởng cục bộ đang dần phát tướng, những chủ nghĩa cực đoan đang nhen nhúm vào trong những tầng lớp các hội đoàn của giáo hội… Qua đó ta thấy được một điều đáng để suy nghĩ, đó là: “Nền Thánh nhạc Việt Nam hiện nay đang đi trên con đường nào?”

2. Nhìn nhận:

- Sự quản lý lỏng lẻo và bất cập từ những thành phần chủ chốt trong Giáo hội nói chung, những người đặc trách nói riêng không đồng bộ và quán triệt. Dẫn đến việc mỗi nơi mỗi khác, không đồng nhất chứ chưa dám nói đến sự đồng bộ.

- Trình độ chuyên môn, am hiểu và tổ chức còn hạn chế, chưa nói đến sự chính quy và được đào tạo bài bản. Khiến cho việc thẩm định và đánh giá chưa khách quan và hiệu quả.

- Vấn đề đầu tư và phổ cập đường hướng cho những thành phần then chốt theo quan điểm chung của Giáo hội còn nhỏ giọt và không nhất quán. Dễ dẫn đến tình trạng phân cấp và đi chệch định hướng chung.

- Xây dựng và phát triển nhân tố kế thừa tương lai còn hạn chế. Thực trạng có những nơi bế tắc, đó là một trong những lý do khiến hình thành tư tưởng cục bộ và cá nhân chi phối nhiều hoạt động của vùng, nhóm…

- Mối tương quan “tình cảm” chi phối cách làm việc và đánh giá khách quan những nhân tố cộng tác khác, làm mất đi tinh thần đoàn kết – cống hiến của những người thiện chí, dẫn đến thực trạng phe phái, đoàn nhóm…

- Có Đường hướng nhưng không có Định hướng, mỗi nơi áp dụng một kiểu, điều hành yếu kém, khiến cho nhiều nơi ngày càng đi chệch tinh thần chung.



3. Định hướng:

- Hoàn thiện Quy chế - Nội Quy chung cho UBTN

- Đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực có trình độ và chuyên môn cao, quán triệt đường hướng và tinh thần chung của giáo Hội.

- Phân bổ cơ cấu tổ chức chặt chẽ, liên kết – liên đới các thành phần cộng tác chuyên môn.

- Đào tạo và phổ cập thường xuyên về chuyên môn, lĩnh hội những tinh hoa của thế giới và phát huy thế mạnh bản sắc của nền Thánh nhạc Việt Nam đặc thù.

- Chính quy hóa vai trò và sứ vụ của người làm công tác chuyên môn (vd: chứng chỉ, chứng nhận, thẻ ca trưởng…)

- Thể thức hóa vấn đề Imprimature (từ việc tiếp nhận đến phản hồi, giải quyết).

- Thư viện Thánh nhạc, phục vụ cho việc tra cứu, nghiên cứu liên quan đến chuyên môn.

4. Thay cho lời kết:

- Trong lịch sử phát triển của âm nhạc, vào thời nào cũng tồn tại
song song 2 dòng âm nhạc: Thánh nhạc (Sacred music) và nhạc thế tục (Secular music). Vào thời Baroque (Tk. 17), Đức Giáo Hoàng phải giao nhiệm vụ cụ thể cho nhà soạn nhạc Palestrina để cứu vãn nền Thánh nhạc của Giáo hội đang bị các yếu tố thế tục lấn át. Thời nay cũng vậy, nhạc nhà thờ và “nhạc nhà hàng” đôi khi sống chung một "nhà".Cần phải có những biện pháp cụ thể từ phía Giáo quyền để đem lại 2 đặc tính của Thánh nhạc: Thánh thiện (Sanctitas) và Hình thức tốt đẹp (Bonitas formae).

- Cái tên gọi "CA TRƯỞNG" + nhiều công việc Phụng vụ liên tục có khi lại trở thành cái khung đóng chết người chỉ huy ca đoàn lại, không chịu học hỏi, bổ sung, biến đổi mình để ngày càng lạc hậu về kiến
thức.

Tóm lại, hai từ “Thánh Nhạc” , bản chất của nó đã nói lên tầm quan trọng và thiêng liêng . Vì thế, sự hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn cho nền Thánh Nhạc thế giới nói chung, cho nền Thánh Nhạc Việt Nam nói riêng là rất cần thiết. Đó là một giá trị văn hóa đặc thù của Ki-tô giáo, giúp con người hướng đến những giá trị CHÂN – THIỆN – MỸ, vì thế để đạt được những thành quả tốt nhất cho Thánh Nhạc (dù thời nay hay sau này), việc hướng đến tầm mức “Cao” thì cũng cần phải “Đẹp”. Điều đó mong sao…!

Mi Vũ