PDA

View Full Version : SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ - MỘT CUỘC THĂM VIẾNG



caoduc
31-05-2008, 02:40 PM
SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ - MỘT CUỘC THĂM VIẾNG



-----Bình thường chúng ta có cảm tưởng y như là chúng ta đến thăm Chúa và nhất là người ta sợ Chúa cô đơn, để Chúa lẻ loi trơ trọi một mình, tội nghiệp Chúa nên ta cần đến thăm để yên ủi Chúa. Nghĩ mà buồn cười thật đấy cơ ! người ta hay nghĩ Chúa theo kiểu con người, suy bụng ta ra bụng Chúa, sống theo cảm tính, cảm giác, tình cảm... để rồi chúng ta hơn hẳn Chúa, “ngon” hơn Chúa, trên Chúa. Do đó mà thương Chúa hơn là nhận ra mình được thương. “Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta” ; “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một...”. Vậy chúng ta nên xét lại lối sống đạo “ngơ ngác” ấy đi.

----- Thật ra, ngay từ ban đầu, hằng ngày Thiên Chúa đi dạo và thăm viếng A-dong E-và (St 3,8), trong thời Cựu Ước nhiều lần Thiên Chúa đã đến viếng thăm Dân Người, “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68). Và đến thời sau hết Người đã gửi Con Một của Người đến viếng thăm và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, tên của người Con đó là “Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1,23). Vậy, Bí Tích Thánh Thể, chính là Bí tích của cuộc viếng thăm cứu độ của Thiên Chúa với chúng ta trong Đức Kitô.


Cuộc viếng thăm để chúng ta GẶP GỠ


----- Một cuộc viếng thăm nào thì chúng ta cũng phải mở cửa : nhìn thấy nhau, nhận ra nhau, là người thân máu thịt, là bạn bè thân thiết, là người không mấy thiện cảm hay là kẻ thù... rồi thì đón tiếp ân cần hay muốn tống khứ ra càng sớm càng tốt.

----- Cuộc thăm viếng của Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng ta cần có thời giờ để cởi mở cõi lòng ra, nhận ra khuôn mặt thật (nên nhớ chúng ta hay định sẵn hay tưởng tượng sẵn hoặc bị áp đặt sẵn khuôn mặt nên khó nhận ra) rất thân thương, trìu mến, âu yếm... làm cho chúng ta kinh ngạc đến ngỡ ngàng. Một cuộc GẶP GỠ không ngờ lại hạnh phúc lớn lao như thế mà từ trước tới giờ chưa hề có. Tại sao hàng ngày vẫn đụng chạm đến Ngài mà mình không nhận ra nhỉ ? Tại sao mình lại hững hờ, lạnh nhạt, khô khan, dửng dưng với Ngài quá thế ? Tại sao bây giờ tâm hồn mình mới bừng sáng, đôi mắt tâm hồn mới mở ra ? Và còn nhiều câu hỏi, tự vấn khác nữa đấy !



Cuộc viếng thăm để chúng ta TÂM SỰ


----- Một khi khách đã vào nhà, chúng ta hàn huyên tâm sự chia sẻ cởi mở, cười nói tự nhiên. Càng thân nhau, càng thương nhau thì càng cởi mở tự nhiên, hồn nhiên chứ không lo rào trước đón sau, không úp úp mở mở, không phải lo nói văn hoa bóng bẩy sáo rỗng, không phải xếp đặt chọn từ cho đúng ngữ pháp...

----- Cuộc thăm viếng của Chúa Giêsu Thánh Thể. Lời nói hoặc những tâm tư của chúng ta tự trong đáy lòng, chúng sẽ không bay vào không khí cao vút rồi mất hút, nhưng đụng đến một đối tượng đang hết lòng chăm chú lắng nghe. Tại sao chúng ta đọc thật nhiều kinh, nói thật nhiều lời rồi thấy chẳng được cái tích sự gì và cũng chẳng thấy mình khá hơn ? Thưa bởi vì chúng ta đã không gặp gỡ được người viếng thăm nên cứ đơn phương độc mã đọc thưa gửi một mình, không biết mình đang nói cái gì, thưa chuyện với ai. Người bạn thân đến thăm chúng ta, chúng ta đâu cần phải cầu kỳ điệu bộ, thế mà chúng ta vẫn cứ hạnh phúc vui tươi bình an rất là tự nhiên. Với Chúa Giêsu Thánh Thể cũng vậy, có khi chúng ta nói, có lúc chúng ta ngồi nghe. Chúng ta nhận ra con người thật của mình với những sai trái, ngớ ngẩn, điếc mù què điên trong cách đối xử hằng ngày với mình và với tha nhân hoặc thấy tâm hồn bừng sáng lên những tâm tình yêu thương hạnh phúc, chính là lúc chúng ta nghe đấy. Qua cuộc im lặng lắng nghe, Ngài sửa dạy chúng ta cách kín đáo tự nhiên nhẹ nhàng êm dịu chứ không dồn chúng ta vào chân tường để chúng ta phải nổi cáu lên hoặc làm chúng ta bất mãn, chán nản thất vọng.



Cuộc viếng thăm để chúng ta BIẾN ĐỔI


----- Có những cuộc viếng thăm không chỉ làm chúng ta thêm bớt cái bên ngoài mà có khi thay đổi tận cái bên trong, động chạm đến phần sâu thẳm nhất hoặc làm biến đổi tất cả. Mới hôm nào “ở chợ Bến Thành Sài Gòn, có một người phong xin ăn. Anh này dữ lắm, không vừa ý ai là anh cắn. Cả đến cảnh sát cũng thua anh. Riết rồi ai cũng sợ và không dám đến gần anh. Cuối cùng, cảnh sát báo cho Trạm Da Liễu. Được tin ấy, dì đến tận nơi và nhận ra đó là một người bỏ trại. Dì đến nắm tay anh nói : “Trời ơi ! sao anh lại ở đây ? Lên xe rồi về với dì !”. Anh ngoan ngoãn như một chú chiên con. Mọi người thấy vậy hỏi nhau : “Bà này là ai vậy ?” (Hoàng văn Đạt, “Dì Hai Bến Sắn”).

----- Cuộc thăm viếng của Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài sẽ biến đổi chúng ta. Ngài sẽ làm chúng ta ra mềm lòng khỏi những suy nghĩ lập trường cứng ngắc, tự ái ngạo nghễ chai lỳ thô thiển nháp nhúa. Ngài sẽ kéo chúng ta ra khỏi “cái tôi” ích kỷ, nhỏ nhoi, tính toán, bần tiện, vụn vặt, ngốc nghếch, co ro trong vỏ ốc... nhồi. Ngài sẽ lôi chúng ta ra khỏi bóng đêm tội lỗi, đam mê điên cuồng, vồn vập theo những ảo tưởng phù vân.

----- Một cuộc biến đổi bật gốc làm ảnh hưởng đến cả lời ăn tiếng nói, cách cư xử, thái độ sống, bầu khí cộng đoàn, luật lệ giới răn...
Nếu sự biến đổi bánh rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô trên bình diện bản thể, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, vậy cũng dưới tác động của Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu chúng ta có để Chúa biến đổi tận bình diện nào khi lãnh nhận Thánh Thể ? Nói khác đi, Thiên Chúa viếng thăm, chấp nhận ra khỏi chính mình để mang lấy những gì thuộc về con người. Vậy con người chúng ta liệu có để Chúa giúp “lôi cái tôi” ra khỏi chính mình để nhận lấy những gì thuộc về Thiên Chúa không ? Để chúng ta có thể nói được : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20)



Kết luận :


----- Mượn lời của Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở các tu sĩ trong tông huấn Vita Consecrata : “Bí tích Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Giáo Hội và cũng là tâm điểm của đời sống thánh hiến... Do tự bản chất, Bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống thánh hiến của mỗi người và mỗi cộng đoàn. Đó là của ăn đường mỗi ngày và nguồn mạch linh đạo cho những cá nhân và các tu hội... Chuyên cần chiêm ngắm lâu dài Đức Kitô hiện diện trong Thánh Thể cho chúng ta được sống phần nào kinh nghiệm của thánh Phêrô trong cuộc biến hình : “Thưa Thầy, chúng conở đây, thật là hay !” (Lc 9,33). Và việc cử hành mầu nhiệm Mình và Máu Chúa củng cố và phát triển sự hiệp nhất và tình yêu thương của những người đã dâng hiến cho Chúa trót cả cuộc đời”.

littlewave
31-05-2008, 05:49 PM
Cám ơn Caoduc, bài chia sẻ rất ý nghĩa. Cho lit hỏi bài viết Caoduc viết hay của tác giả nào vậy?