PDA

View Full Version : THẰNG KHÙNG (*)



hongbinh
01-12-2010, 09:11 PM
THẰNG KHÙNG (*)


Lời giới thiệu:

Nhà thơ Phùng Quán viết lại bài này theo lời kể của thi sĩ Nguyễn Tuân (trùng tên với nhà văn Nguyễn Tuân – người viết bài tùy bút “Phở”) khi cùng ở trong tù.

"… Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương.

Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính. Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh, người cho điếu thuốc. Ở trại, anh ta có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi "thằng khùng" (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ. Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài. Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc. Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy. Một lần giám thị trại gọi anh ta lên:

- Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?

Anh ta chấp tay khúm núm thưa:

- Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ lẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích được.
Thằng khùng nói có lý. Giám thị trại mặc, cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc. Nhưng mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn, "đầu chày, đít thớt, mặt bù loong" cũng phải rơm rớm nước. Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?… Thế rồi, một lần, mình và anh ta cùng đi lùa trâu xuống con sông gần trại cho dầm nước. Trời nóng như dội lửa. Bãi sông đầy cát và sỏi bị nóng rang bỏng như than đỏ. Trên bãi sông mọc độc một cây mủng già gốc sần sùi tán lá xác xơ trải một mảng bóng râm bằng chiếc chiếu cá nhân xuống cát và sỏi. Người lính gác ngồi trên bờ sông dốc đứng, ôm súng trú nắng dưới một lùm cây. Anh ta và mình phải ngồi trú nắng dưới gốc cây mủng, canh đàn trâu ngụp lặn dưới sông. Vì mảng bóng râm quá hẹp nên hai người gần sát lưng nhau. Anh ta bỗng lên tiếng trước, hỏi mà đầu không quay lại:

- Anh Tuân này - không rõ anh ta biết tên mình lúc nào - sống ở đây anh thèm cái gì nhất?

- Thèm được đọc sách - mình buột miệng trả lời, và chợt nghĩ, có lẽ anh ta chưa thấy một cuốn sách bao giờ, có thể anh ta cũng không biết đọc biết viết cũng nên.

- Nếu bây giờ có sách thì anh thích đọc ai? - Anh ta hỏi.

- Voltaire! - một lần nữa mình lại buột miệng. Và lại nghĩ: Nói với anh ta về Voltaire thì cũng chẳng khác gì nói với gốc cây mủng mà mình đang ngồi dựa lưng. Nhưng nhu cầu được chuyện trò bộc bạch với con người nó cũng lớn như nhu cầu được ăn, được uống… Nhiều lúc chẳng cần biết có ai nghe mình, hiểu mình hay không. Đó chính là tâm trạng của anh công chức nát rượu Marmeladov bất chợt nói to lên những điều tủi hổ nung nấu trong lòng với những người vớ vẩn trong một quán rượu tồi tàn, mà Dostoievsky miêu tả trong Tội ác và trừng phạt. Anh ta ngồi bó gối, mắt không rời mặt sông loá nắng, hỏi lại:

- Trong các tác phẩm của Voltaire, anh thích nhất tác phẩm nào?

Mình sửng sốt nhìn anh ta, và tự nhiên trong đầu nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: một người nào khác đã ngồi thay vào chỗ anh ta… Mình lại liên tưởng đến một cậu làm việc cùng phòng hồi còn ở Đài phát thanh, tốt nghiệp đại học hẳn hoi, đọc tên nhạc sĩ Chopin (Sôpanh) là “Cho Pin.”

Mình trả lời anh ta:

- Tôi thích nhất là Candide.

- Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không?

Không đợi mình trả lời, anh ta nói tiếp:

- Không phải đọc mà nghe… Tôi sẽ đọc cho anh nghe ngay bây giờ.

Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc nguyên bản Candide. Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp, thầy dạy mình ở trường Providence . Mình trân trân nhìn cái miệng rúm ró, răng vàng khè đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời dòng sông loá nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên bản được chép lên mặt sông…

Anh đọc đến câu cuối cùng thì kẻng ở trại cũng vang lên từng hồi, báo đến giờ lùa trâu về trại. Người lính gác trên bờ cao nói vọng xuống: "Hai đứa xuống lùa trâu, nhanh lên!"

- Chúng mình lùa trâu lên bờ đi! - anh nói.

Lội ra đến giữa sông, mình hỏi anh ta:

- Anh là ai vậy?

Anh ta cỡi lên lưng một con trâu, vừa vung roi xua những con trâu khác, trả lời:

- Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa.

Rồi anh ta tiếp:

- Đừng nói với bất cứ ai chuyện vừa rồi…

Giáp mặt người lính canh, bộ mặt anh ta thay đổi hẳn - ngu ngơ, đần độn như thường ngày. Cuối mùa đông năm đó, anh ta ngã bệnh. Nghe các trại viên kháo nhau mình mới biết.

Thằng chuyên gia khâm liệm e đi đong. Thế là nếu bọn mình ngoẻo, sẽ không còn được khâm liệm tử tế và chẳng có ai khóc tống tiễn vong hồn… - những người tù nói, giọng buồn.

Mình gặp giám thị trại, xin được thăm anh ta.

Giám thị hỏi:

- Trước kia anh có quen biết gì thằng này không?

Mình nói:

- Thưa cán bộ, không. Chúng tôi hay đi lùa trâu với nhau nên quen nhau thôi.

Giám thị đồng ý cho mình đến thăm, có lính đi kèm. Anh ta nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh ta nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật…

Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói:

- Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình…

Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN. Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật.

Người lính canh dẫn mình lên giám thị trại với bàn tay có viết chữ Nhẫn ngửa ra. Người lính canh ngờ rằng đó là một ám hiệu.

Giám thị hỏi:

- Cái hình nguệch ngoạc này có ý nghĩa gì? Anh mà không thành khẩn khai báo, tôi tống cổ anh ngay lập tức vào biệt giam.

Mình nói:

- Thưa cán bộ, thật tình tôi không rõ. Anh ta chỉ nói: tôi vẽ tặng cậu một đạo bùa để xua đuổi bệnh tật và tà khí.

Nghe ra cũng có lý, giám thị trại tha cho mình về lán…"


Phùng Quán

________
Ghi Chú:

(*) THẰNG KHÙNG trong tù này là Cha Chính Vinh, tức là Linh mục Gioan Lasan NGUYỄN VĂN VINH (1912-1971), của Nhà thờ lớn Hà Nội. Bài viết của Phùng Quán đã kể lại chuyện thật những năm, những ngày cuối trong ngục tù của Ngài.

Xin mời đọc thêm (bài kèm theo dưới đây) tiểu sử của Cha Vinh để chúng ta biết thêm nhiều chi tiết về cuộc đời Ngài; và cũng để hiểu thêm gương phụng sự Chúa của Ngài….


http://www.ubmvgiadinh.org/uploads/pictures/News/lm-nguyenvanvinh.jpg

Linh mục Gioan Lasan NGUYỄN VĂN VINH, Cha chính Hà Nội, (1912 – 1971).
Tấm gương can trường

Linh mục Gioan Lasan NGUYỄN VĂN VINH

Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh chào đời ngày 2 tháng 10 năm 1912 tại làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Cậu Vinh, một thiếu niên vui vẻ, thông minh, có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh về âm nhạc, ca hát. Cậu biết kính trên, nhường dưới, trong xứ đạo, ai cũng quý yêu. Cha xứ Ngọc Lũ thời đó là Cố Hương, một cha người Pháp tên là Dépaulis giới thiệu cậu lên học tại trường Puginier Hà Nội. Năm 1928, cậu học Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Phú Xuyên, Hà Tây.

Năm 1930, thầy Vinh được cố Hướng dẫn sang Pháp du học. Năm 1935, thầy vào Đại Chủng viện St Sulpice, Paris. Ngày 20-6-1940, thầy được thụ phong linh mục ở Limoges .

Chiến tranh thế giới xảy ra, cha Vinh phải ở lại Pháp và tiếp tục học tập. Ngài học Văn Khoa - Triết tại Đại Học Sorbone, học sáng tác và hòa âm tại Nhạc viện Quốc Gia. Ngài phải vừa học vừa làm. Vóc dáng nhỏ nhắn dễ thương của ngài đã làm cho nhiều người Pháp tưởng lầm ngài là phụ nữ nên cứ chào: “Bonjour Madame!” Nhưng ẩn trong cái dáng vóc nhỏ bé đó là một tâm hồn rộng lớn, sau đôi mắt sáng là tính cương trực, dưới nụ cười là ý chí sắt son.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn Triết ở Sorbone, ngài gia nhập dòng khổ tu Biển Đức tại Đan Viện Ste Marie.

Sau 17 năm du học, năm 1947 cha Vinh về nước, nhằm góp sức xây dựng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vững mạnh về mọi mặt. Khi ấy, Đức cha François Chaize - Thịnh, Bề trên Giáo phận đã bổ nhiệm ngài làm cha xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Ngài xin Bề trên lập dòng Biển Đức ở Việt Nam , nhưng không thành.

Cha Vinh, dù tu học ở Pháp nhưng luôn có tinh thần yêu nước, độc lập, không nệ Pháp. Năm 1951, Nhà Thờ Lớn Hà Nội tổ chức lễ an táng cho Bernard, con trai tướng De Lattre de Tassigni. Trong thánh lễ, tướng De Lattre kiêu căng đòi đặt ghế của ông trên cung thánh và bắt chuyển ghế của Trần Văn Hữu, Thủ tướng Việt Nam xuống dưới lòng nhà thờ. Vì lòng tự trọng dân tộc, danh dự quốc gia, cha Vinh cương quyết không chịu. Tướng De Lattre rất tức giận, gọi cha Vinh tới, đập bàn quát tháo, đe dọa. Cha Vinh cũng đập bàn, lớn tiếng đáp lại, quyết không nhượng bộ, nhưng Thủ tướng ngại khó nên tự nguyện rút lui. Sau vụ đó, để tránh căng thẳng, Đức Cha Khuê đã chuyển cha Vinh làm giáo sư của Tiểu Chủng Viện Piô XII, phụ trách Anh văn, Pháp văn, âm nhạc, triết học; ngài khiêm tốn vâng lời. Ngài cũng giảng dạy Văn Triết ở trường Chu Văn An.

Năm 1954, Đức cha Trịnh Như Khuê cho phép cha Vinh và cha Nhân đưa chủng sinh đi Nam, nhưng cả hai đều xin ở lại sống chết với giáo phận Hà Nội, dù biết hoàn cảnh đầy khó khăn, nguy hiểm. Đức Cha Khuê bổ nhiệm ngài làm Cha Chính, kiêm Hiệu Trưởng trường Dũng Lạc.

Ngài tổ chức lớp học giáo lý cho các giới, có những linh mục trẻ thông minh, đạo đức cộng tác, như cha Nguyễn Ngọc Oánh, cha Nguyễn Minh Thông, cha Phạm Hân Quynh. Lúc đầu, lớp học được tổ chức thành nhóm nhỏ tại phòng khách Tòa Giám Mục, về sau, con số người tham dự tăng dần, lớp học được chuyển tới nhà préau, và ngồi ra cả ngoài sân. Lớp học hiệu quả rất lớn, những tín hữu khô khan trở thành đạo đức nhiệt thành, ảnh hưởng lan tới cả giới sinh viên và giáo sư đại học, nhiều người gia nhập đạo. Sau chính quyền ra lệnh ngừng hoạt động vì lý do an ninh.

Khi cha Vinh đang làm Hiệu Trưởng Dũng Lạc, Chính phủ ra chỉ thị phải treo ảnh lãnh tụ thay vào ảnh Thánh Giá ở các lớp học. Ngài không tuyên đọc chỉ thị cũng không tháo bỏ Thánh giá, nên năm 1957, trường bị đóng cửa.

Thời bấy giờ, Đại học Y khoa Hà Nội thiếu giáo sư, nên đã đề nghị Đức Cha Khuê cử cha Vinh đến trường dạy La tinh. Nhiều sinh viên cảm phục ngài. Một hôm, Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc đến thăm trường, thấy bóng dáng chiếc áo chùng thâm linh mục, ông nói với đoàn tháp tùng:

“Đến giờ này mà còn có linh mục dạy ở Đại Học quốc gia ư?”

Ít lâu sau trường Đại học Y khoa không mời cha dạy nữa.

Biết tài năng và kiến thức âm nhạc của ngài, nhiều nhạc sĩ ở Hà Nội tìm cha Vinh tham khảo ý kiến và nhờ xem lại những bản nhạc, bài ca họ mới viết.

Cha Vinh, một trong những nhạc sĩ tiên phong của Thánh nhạc Việt Nam , và là một nhạc sĩ toàn tài. Ngài chơi vĩ cầm và dương cầm thật tuyệt, chính ngài là người Việt Nam đầu tiên chơi vĩ cầm ở Hà Nội. Ngài có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, lại được học tập chu đáo nên đã sáng tác và để lại nhiều nhạc phẩm thánh ca tuyệt vời. Cha Vinh trình bày bản hợp tấu “Ở Dưới Vực Sâu” nhân cuộc đón tiếp phái đoàn Việt Nam do ông Hồ Chí Minh dẫn đầu sang dự Hội Nghị Fontainebleau năm 1946.

Ngài cộng tác với Hùng Lân sáng tác “Tôn Giáo Nhạc Kịch Đa-Vít.” Sáng tác nhiều nhạc phẩm lớn: “Mở Đường Phúc Thật,” “Tôn Vinh Thiên Chúa Ba Ngôi,” “Ôi GiaVi,” “Lạy Mừng Thánh Tử Đạo.” Ngài phổ nhạc cho các Ca Vịnh 8 , Ca vịnh 16, Ca vịnh 23, Ca vịnh 41, Ca vịnh 115 và nhiều bài hát khác như Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thánh Tâm Giêsu. Ngài còn viết những bài ca sinh hoạt: Sao Mai, Đời Người, phổ nhạc bài “Bước Tới Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.

Hằng tuần ngài đến dạy nhạc, xướng âm và tập hát bên chủng viện Gioan. Cha Vinh có giọng nam cao, âm hưởng thanh thoát, lôi cuốn.

Ngài tổ chức và chỉ huy dàn đồng ca trong nhiều cuộc lễ và rước kiệu lớn như cuộc Cung Nghinh Thánh Thể từ Hàm Long về Nhà Thờ Lớn Hà Nội.

Năm 1957, Nhà nước muốn tỏ cho dân chúng trong nước và thế giới thấy là ở Việt Nam đạo Công giáo vẫn được tự do hành đạo và tổ chức được những lễ nghi long trọng, tưng bừng. Dịp Lễ Noel, chính quyền tự động cho người đến chăng dây, kết đèn quanh Nhà Thờ Lớn, sau lễ họ vào đòi nhà xứ Hà Nội phải thanh toán một số tiền chi phí lớn về vật liệu và tiền công. Năm 1958 cũng thế, gần đến lễ Noel, không hề hỏi han, xin phép, một số người của Nhà nước ngang nhiên đưa xe ô tô chuyển vật liệu, tự động bắc thang, chăng dây treo bóng điện màu trang trí ở mặt tiền và trên hai tháp Nhà Thờ Lớn. Cha xứ thời đó là cha Trịnh Văn Căn bảo vệ chủ quyền Giáo Hội trong khuôn viên cơ sở tôn giáo, không đồng ý, nhưng họ cứ làm. Để phản đối, cha Căn liền cho kéo chuông nhà thờ cấp báo, giáo dân kéo đến quảng trường nhà thờ rất đông ủng hộ cha xứ, hai bên to tiếng.

Cha Căn gọi Cha Vinh ra can thiệp, sau một hồi tranh luận không kết quả, cha Vinh kéo những người của Nhà nước đang leo thang chăng đèn xuống, rồi chính ngài leo lên thang, hai tay đưa cao trước mặt, hai bàn tay nắm lại, hai cườm tay đặt lên nhau, làm dấu hiệu còng tay số 8, và nói lớn:

“Tự do thế này à!”

Vụ giằng co lộn xộn kéo dài suốt buổi sáng, công cuộc trang trí không thành.

Cha Căn, cha Vinh cùng một số giáo dân bị cơ quan an ninh thẩm vấn, đem ra xét xử. Tòa án Hà Nội tuyên án: Cha Trịnh Văn Căn, Chính xứ Nhà Thờ Lớn, người chịu trách nhiệm tổ chức lễ Noel năm 1958 chịu án 12 tháng tù treo. Cha Chính Nguyễn Văn Vinh chịu án 18 tháng tù giam, với tội danh: “Vô cớ tập hợp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân” (!).

Sau phiên tòa, cha Vinh bị đưa đi giam ở Hỏa Lò, sau bị chuyển đi nhiều trại giam khác như Chợ Ngọc, Yên Bái, cuối cùng là trại “Cổng Trời”, nơi dành riêng cho các tù nhân tử tội.

Khi cha Vinh mới đến trại Yên Bái, ngài còn được ở chung với các tù nhân khác, nhiều giáo dân, chủng sinh, tu sĩ đến xin cha giải tội, vì thế ngài bị kỷ luật, phải biệt giam, bị cùm chân trong xà lim tối. Mấy tháng sau được ra, ngài lại ban phép giải tội. Cán bộ hỏi:

“Tại sao bị cùm, bị kỷ luật, được ra, anh tiếp tục phạm quy?”

Ngài đáp:

“Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận mình!”

Ở tù đói rét là đương nhiên, lúc nào cũng đói, hằng ngày mỗi bữa một bát sắn độn cơm, ăn với lá bắp cải già nấu muối, khi chia cơm phải cân đong từng chút một... Một lần cha Vinh nhận được gói bưu kiện do cha Cương, quản lý Nhà Chung Hà Nội, gửi lên, trong đó có ít thức ăn, lương khô và vài đồ dùng cá nhân, ngài đem chia sẻ cho anh em trong nhóm, cả Công giáo lẫn lương dân, ăn chung, dùng chung. Anh em tù hình sự thân thương gọi ngài là “Bố.”

Ngay trong nhà tù, cha Vinh vẫn can đảm bảo vệ người bị áp bức, có lần một tổ trưởng đánh đập tù nhân, ngài lên tiếng bênh vực, liền bị người tổ trưởng này xông đến giang tay đánh, ngài đưa tay gạt, anh ta ngã khụy. Từ đó trong trại có tiếng đồn cha Vinh giỏi võ, mọi người phải nể vì.

Một cán bộ cao cấp ở Hà Nội lên Cổng Trời gặp cha Vinh, nói: “Đảng và Chính phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn Thế Vịnh (Chủ tịch Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo). Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà Nội ngay bây giờ với tôi”. Ngài khẳng khái đáp: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi”.

Vì không khuất phục được ngài, nên bản án từ 18 tháng tù giam, không qua một thủ tục pháp lý án lệnh nào, đã biến thành 12 năm tù kiên giam, xà lim, biệt giam và án tử. Năm 1971, khi ngài từ trần không ai được biết, một năm sau, chính quyền mới báo cho Đức Cha Khuê và cha Cương quản lý Nhà Chung:

“Ông Vinh đã chết. Không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh!”

Suốt đời mình, trong mọi tình huống cha Chính Vinh làm tròn trách vụ của mình. Ngài đã mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho đức tin, khi thuận tiện cũng như khó khăn. Vượt mọi thử thách gian khó, không chịu khuất phục trước cường quyền, luôn trung kiên với Thiên Chúa và Giáo Hội.

Cha Chính Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh là một chứng nhân của thời đại, một linh mục Công Giáo Việt Nam can trường, hậu thế kính tôn và ghi ân ngài.

(Theo HĐGMVN)

Biển-đức Hải
02-12-2010, 06:18 PM
“Ông Vinh đã chết. Không được làm lễ áo đỏ cho ông Vinh!”

Một người đã chết cũng gây cho bọn con cái thế gian run sợ làm vậy, chứng tỏ con cái thế gian rất bạc nhược yếu đuối, không đáng sợ như nhiều người đã sợ!

A Great Boy
04-12-2010, 07:51 AM
Một người đã chết cũng gây cho bọn con cái thế gian run sợ làm vậy, chứng tỏ con cái thế gian rất bạc nhược yếu đuối, không đáng sợ như nhiều người đã sợ!

Câu chuyện thật ý nghĩa!
Mỗi người có 1 số phận khác nhau! thật tình rất biết ơn Chúa cho con thấy điều đó!

Dauan_tinhyeu
04-12-2010, 08:28 AM
phải cộng tác với linh mục Nguyễn Thế Vịnh (Chủ tịch Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo). Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà Nội ngay bây giờ với tôi”. Ngài khẳng khái đáp: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi”.


Lm Nguyễn Thế Vịnh ở trên có liên quan gì & là sao ạ ??? :icon3:

Biển-đức Hải
04-12-2010, 01:41 PM
Xin được không nói nhiều về cá nhân của ông linh mục Nguyễn Thế Vịnh, chỉ xin nói sơ qua về cái Ủy ban mà ông ta làm chủ tịch:
Đây là ủy ban phá đạo, do nhà cầm quyền thế gian lập ra để ly gián, tung hỏa mù, khủng bố tinh thần giáo dân Công giáo. Nó hoạt động bên ngoài truyền thống Ki-tô và giáo luật. Hiện nay nó là một tổ chức chuyên xuyên tạc và bôi bác. Có nhiều linh mục dỏm, nữ tu, giáo dân biến chất đang hoạt động trong hàng ngũ này. Đối với tôi đây là một tổ chức xấu!
Nhân danh tinh thần của các Thánh Tử đạo Việt Nam, nhân danh thập giá mà Cha Chính Vinh phải mang lấy, xin đăng lại toàn văn ba bài viết của Giáo sư Hà Thành, tôi không cần giới thiệu nhiều, sẽ có một số chỗ nhạy cảm, mong các bạn hãy đọc với tinh thần cởi mở, xin đừng làm ảnh hưởng đến trang Web Thánh Ca Việt Nam. Thân mến!

Kỳ 1:

Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết? - Thái độ của Giáo hội Công giáo với UBĐK

VietCatholic News (Thứ Bảy 08/03/2008 16:43)

Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết? - Thái độ của Giáo hội Công giáo với UBĐK

LTS: Chúng tôi vừa nhận được bài viết của GS Hà Thành, một người am hiểu về tình hình tôn giáo ở Việt Nam và nhất là những hoạt động của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo từ khi thành lập cho đến ngày nay. Bài viết của giáo sư với những dẫn chứng cụ thể về hoàn cảnh lịch sử tôn giáo của đất nước. Giáo sư cũng là có nhiều dịp đã gặp gỡ, nói truyện và tiếp cận với các giám mục, linh mục và giáo dân tại nhiều giáo phận Việt Nam, đồng thời ông cũng có những tài liệu chính xác liên quan tới vấn đề được nêu ra. Bài viết của giáo sư chia làm 3 phần: 1) Thái độ của giáo hội Công giáo với UBĐK. 2) Thái độ của Nhà nước với UBDK. 3) Chân dung của UBDKCG. Hôm nay chúng tôi xin công hiến qúi độc giả phần 1 của bài viết của Giáo sư Hà Thành như sau:



Gần đây, có nhiều ý kiến nói đến việc nên chấm dứt sự tồn tại của ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam (UBĐK). Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao UBĐK vẫn tồn tại được đến hôm nay? Có phải do hàng giáo phẩm Việt Nam không có thái độ dứt khoát với tổ chức này hay tổ chức này còn được những bàn tay nào phù phép che chở?

I. Thái độ của Giáo hội Công giáo với UBĐK

Ngay từ ngày đầu tiên khi Hội nghị của tổ chức này được họp tại Hà Nội, ngày 11-3-1955, Đức Khâm sứ Dooley đã gửi văn thư số 1024/89 cho các giáo phận ở miền Bắc nói rõ: “Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, tôi có bổn phận cho các Đấng bậc trong Giáo hội hay rằng, những hoạt động này đều ở bên ngoài hệ thống của Giáo hội, không được phép của Đấng bản quyền ‘Các linh mục có trách nhiệm trong các hoạt động ấy ở trong hoàn cảnh không hợp lệ” . Và ít ngày sau khi hội nghị này bế mạc để ra mắt ủy ban liên lạc Công giáo, Đức Hồng y P. Fumasoni Biondi- Tổng trưởng Bộ Truyền giáo lại gửi tiếp văn thư số 1810/55 ngày 7-5-1955 cho các Giám mục ở Việt Nam. Văn thư viết: "Thánh bộ Truyền giáo không thể giấu anh em nỗi lo buồn tận đáy lòng khi nghe tin mấy linh mục nhầm vì lòng ngay hay nhầm vì theo những học thuyết mới và sai lạc. Họ đã họp nhau một cách “vượt quyền các Giám mục” làm thành một hội nghị gọi là hội nghị hòa bình. Như thế họ đã tự đặt mình làm những người cổ động và bảo vệ một phong trào đầy nguy hiểm cho sự hợp nhất của giáo hội ở Đông dương. Thánh bộ nhắc nhở: Vậy nếu thiếu tinh thần kỷ luật, hay thiếu sót trong sự vâng lời các giám mục thì mối dây hợp nhất sẽ giãn ra và đứt”<.i> (1).

Trước ngày khai mạc hội nghị của ủy ban liên lạc công giáo, trên tờ báo “Sáng danh Chúa” - một tờ báo cổ vũ cho khuynh hướng của ủy ban có đăng một bức điện văn ủng hộ hội nghị của Giám mục Hoàng Văn Đoàn (Bắc Ninh), nhưng sau khi có văn thư của Đức Khâm sứ Dooley, ngày 10-3-1955, trước cửa Nhà thờ lớn Hà Nội có dán một tờ giấy ghi “Lời thanh minh của Đức GM Hoàng Văn Đoàn” . Nội dung như sau:

“Nhân dịp Hội nghị công giáo toàn quốc, mấy tờ báo thủ đô có đăng mục gọi là ‘Bức điện văn của Đức GM Hoàng Văn Đoàn’ ở tòa GM Bắc Ninh gửi hội nghị kính Chúa, yêu Tổ quốc, yêu hòa bình trong toàn quốc (từ 8 đến 10-3-1955). Bởi vậy, nhiều người cho là tôi ưng thuận ‘Hội nghị công giáo kính Chúa, yêu tổ quốc, yêu hòa bình’ cho nên tôi xin thanh minh rằng:

1-Tôi tán thành việc đưa lại hòa bình thống nhất cho nước Việt Nam.

2- Song tôi không có quyền ưng thuận” Hội nghị công giáo kính Chúa, yêu tổ quốc, yêu hòa bình toàn quốc” vì quá quyền hạn, tôi chỉ là GM trong một địa phận. Vậy hội nghị này không hợp thức. Tôi xin kết luận:

Máu đào thắm nhuộm giang san
Tin trung một dạ sắt son chẳng sờn
Hồn tôi dâng tiến Chúa Trời
Xác tôi, tôi hiến quê tôi đời này”.

Tờ truyền đơn này có lẽ phản ánh đúng thái độ của vị Giám mục trẻ trung của giáo phận Bắc Ninh đối với Hội nghị trên.

Suốt 28 năm tồn tại, Ủy ban liên lạc đã để lại quá nhiều tai tiếng mà chính các vị ở trong ủy ban cũng không muốn nhắc đến cái tên của nó. Và chắc chắn các chủ chăn trong giáo hội không thể nào ủng hộ tổ chức này. Tuy nhiên, cũng không phải ai cũng công khai dám tuyên bố như linh mục Phạm Hân Quynh (Hải Phòng) vào năm 1960 rằng: “Tôi còn sống ngày nào, tôi còn chống cái ủy ban ‘xuyên tạc công giáo’ này”. Cũng vì lời tuyên bố đầy quả cảm trên mà linh mục Quynh đã phải 30 năm cải tạo (2).

Về phía Tòa thánh, kinh nghiệm của nhiều nước xã hội chủ nghĩa khi đó như Trung Quốc, Ba Lan đã cho thấy rõ thực chất những tổ chức như Ủy ban liên lạc công giáo ở Việt Nam. Bởi vậy, ngày 18-4-1982, tờ L’Observater Romano- cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa thánh có đăng một bài bình luận nói rõ về các tổ chức này: “Các hội đoàn này trong thực tế cũng gây ra hoặc khoét sâu chia rẽ trong cơ thể sống của giáo hội. Họ muốn chống các giám mục và rõ ràng giản đơn là họ muốn xen vào tất cả các hoạt động của giáo hội. Họ rao giảng thư hòa bình không phải nền hòa bình của Phúc âm. Thường chỉ các hội đoàn này mới có quyền làm báo “công giáo” và kiểm duyệt báo. Người ta thấy những tờ báo của các hội đoàn này không đăng hoặc kiểm duyệt bài viết của các giám mục, các văn kiện của Giáo hoàng và những tin tức sinh hoạt của giáo hội hoàn vũ. Các hội đoàn này muốn thay giáo hội và được tham khảo ý kiến, được đối xử như là đại diện của giáo hội. Những người cầm đầu hội đoàn này muốn tạo ra một hình ảnh không đúng về giáo hội nhất là đối với nước ngoài” .

Bài báo này được đính kèm theo văn thư ngày 20-5-1992 của Đức Hồng y Quốc vụ khanh Sodano gửi Đức cha Nguyễn Minh Nhật- Chủ tịch HĐGMVN lúc đó để nhắc nhở: “Một tổ chức vừa có tính chất công dân, vừa có tính chất chính trị có nguy cơ gây lẫn lộn giữa giáo hội và tổ chức chính trị” . Văn thư nhắc nhở các giám mục phải cảnh giác với tổ chức của UBĐK, không để các linh mục tham gia theo đúng tuyên bố của Thánh bộ linh mục ngày 8-3-1982 “Về một số hội đoàn và phong trào mà linh mục không được phép tham gia”

Chúng tôi được biết, trong lễ tấn phong giám mục Cao Đình Thuyên ở Vinh ngày 19-11-1992, Đức cha Nhật đã trao đổi với các giám mục tham dự và đề nghị các giám mục phải chịu trách nhiệm về vấn đề tổ chức UBĐKCG trong giáo phận mình. Các giám mục phải báo cáo về Tòa thánh danh sách nhưng linh mục tham gia ủy ban, sự hiệp thông cũng như bổn phận mục tử của họ có chu toàn. Vì vậy, hầu hết các giáo phận nhất là phía Bắc, các Giám mục đều cấm linh mục tham gia UBĐKCG.

Đức cha Bùi Chu Tạo (Phát Diệm) tuyên bố, các linh mục chỉ được tham gia hội Chữ Thập Đỏ và Mặt trận Tổ quốc.

Đức cha Vũ Duy Nhất (Bùi Chu) đã có lần gọi linh mục Nguyễn Đức Hiệp (đại biểu Quốc hội và Chủ tịch ủy ban Nam Định) về Tòa Giám mục để đọc gương của linh mục Jean-Bertrand Aristide làm Tổng thống của Haiti và viết kiểm điểm.

Đức cha Nguyễn Quang Tuyến (Bắc Ninh) chắc cũng không ưa gì tổ chức này nên khi Ngài qua đời, ông Chủ tịch ủy ban Bắc Ninh Nguyễn Văn Hảo đã nói trong hội nghị của UBĐKCG tại Hà Nội ngày 2-1-2007 rằng: Cái chết của giám mục Tuyến đã chấm dứt đau khổ cho ủy ban chúng tôi” .

Đức cha Nguyễn Văn Sang thì nói thẳng với những người đến vận động cho lập ủy ban ở Thái Bình: ”Xin cho biết Thái Bình không có UBĐKCG thì thua kém những nơi có ủy ban điểm gì. Nếu UBĐK thực sự có ích lợi, tôi sẽ cử những linh mục giỏi tham gia”.

Đức cha Trọng (Hà Nội) đã trả lời ông Chủ tịch UBĐK Hà Nội xin vào gặp về việc mở hội nghị của ủy ban: ”Nếu ông đến với tư cách giáo dân, tôi xin tiếp ông cả buổi. Nhưng với tư cách ủy ban thì xin miễn vì tôi không có thời gian” .

Một linh mục ở Bùi Chu đến gặp cha Quế ở xứ Hàm Long mượn áo lễ, cha đưa áo mới ra nhưng hỏi lại: ”Cha ra Hà Nội làm gì? Linh mục ở Bùi Chu trả lời: ”đi họp UBĐKCG”. Lập tức cha Quế đổi cho cái áo rách và nói, họp UBĐKG thì mặc áo này hợp hơn.

Nhiều hồi ký của các Giám mục, linh mục gần đây đều có thái độ phê phán tổ chức này. Ví dụ cuốn “Những câu chuyện về một thời” của Đức cha Lê Đắc Trọng, hay cuốn “Câu chuyện về những cây đại thụ” của linh mục Trần Hữu Thanh, Vũ Ngọc Bích (dòng Chúa cứu thế)…

Có những Giám mục có phát biểu có vẻ ủng hộ ủy ban như Đức TGM Nguyễn Văn Bình, nhưng tôi cho rằng, có thể Ngài muốn lợi dụng hoàn cảnh để truyền giáo giống như việc Ngài đã lập ra Ban kinh tế mới ở tòa Tòa Giám mục. Nghe rất “cách mạng” nhưng đấy là một cách đưa linh mục đi đến các vùng đất mới và duy trì đời sống đức tin cho giáo dân ở đây. Ngài cho một số linh mục tham gia vì tin tưởng “họ không bán đứng Ngài” . Nhưng về sau, khi trả lời báo Sài Gòn giải phóng ngày29-4-1995, Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã đề nghị các linh mục, tu sĩ rút dần ra khỏi UBĐK vì “nòng cốt phải là giáo dân. Các linh mục, tu sĩ chỉ nên có mặt ở mức độ cần thiết” .

Còn ở phía Bắc hầu như không có linh mục nào tham gia ủy ban. Có chăng là những linh mục già yếu, bệnh tật như cha Nguyễn Chu Trình (Phát Diệm), cha Đinh Trí Thức (Thanh Hóa). Có cha cũng “lẩm cẩm” nữa. Ví dụ, một cha ở Hưng Hóa cứ đinh ninh tham gia để được bổ nhiệm là Giám mục. Khi đã có giám mục rồi, lại tin sẽ được là giám mục phó vì công an nói thế! Dĩ nhiên, có cả một số cha buộc phải tham gia vì “scandal” mà không biết vô tình hay hữu ý, Nhà nước đã nắm được chứng cớ. Nay nhiều vị đã mất, nên xin miễn nêu danh tính ở đây.

Đại hội I của UBĐK năm 1983 là đại hội duy nhất có sự hiện diện của 2 giám mục. Các đại hội II, III chỉ có thư “cảm ơn” của các Giám mục khi được mời tham dự. Đại hội IV, không có thư của Giám mục nào. Tôi có may mắn được một nhà nghiên cứu cho xem những thư của các Giám mục về Ủy ban và phát hiện ra nhiều điều thú vị. Ví dụ thư của Đức cha Nguyễn Khắc Ngữ (Long Xuyên) viết cho linh mục Võ Thành Trinh: “Tôi có nhận được thơ cha hỏi ý kiến các Đức cha về đường lối của UBĐKCGVN. Tôi thiết tưởng đây là Ủy ban của Mặt trận, nên phải theo đường lối của Mặt rận đề ra. Các Đức cha không nên pha mình vào. Còn như các giáo dân làm việc trong đó thì cứ theo tinh thần công giáo của mình mà hành động thôi”.

Còn Đức cha Phạm Văn Lộc (Kontum) viết:

“Cha cầu mong sự đóng góp chỉ đạo”. Tôi không dám chỉ đạo, nhưng tôi có vài khắc khoải muốn bày tỏ cùng cha chủ tịch:

1- Từ năm 1972 ở vùng giải phóng có nhiều nơi, sinh hoạt tôn giáo hầu như bị đình trệ hoàn toàn, vì linh mục không được phép của nhà nước cho đến làm việc. Tệ hại hơn nữa, có nơi như câu biện, giáo phu… đã và đang bị bắt bớ, hành hạ. Nhà thờ, nhà nguyện nhiều nơi không còn nguyên vẹn mà nếu còn thì giáo dân không được sử dụng vào việc tôn giáo, bị trưng thu vào việc khác.

2- Trong phạm vi hoạt động của mình, các linh mục (cả tôi nữa) đã và đang gặp nhiều khó khăn khi thi hành trách vụ mặc dù hoạt động bị thu hẹp lại chỉ còn mấy giáo xứ trong thị xã mà thôi”.

Đức cha Phạm Văn Thiên (Phú Cường) đề nghị:

1- Đổi tên gọi vì hai tiếng “đoàn kết”và “yêu nước”gây nhiều hiểu lầm. Người ta nói công giáo có chia rẽ đâu mà phải đoàn kết? Người ta cũng nói: ai cũng yêu nước chứ riêng gì các nhân sự trong ủy ban.

2-UBĐKCG chưa nói lên được với chính quyền những quyền lợi chính đáng của người công giáo. Ủy ban chưa bênh vực được quyền lợi tinh thần của người công giáo”

Đức cha Bùi Tuần nêu suy nghĩ:

1- Đại hội cả UBĐKCG sẽ được tổ chức giữa tháng 10 năm 1990. Cũng trong tháng 10 này, tại Roma sẽ họp THĐGM thế giới. Nếu tại Thượng Hội Đồng này vắng mặt các GMVN thì đại hội UBĐKCG với sự tham gia đông đảo của giới linh mục như vậy ở Thủ đô liệu có thể làm gì để liên hệ đạo đời được tốt hơn hay là dịp để ủy ban bị hiểu lầm tai hại.

2- Đại hội ủy ban sẽ được tổ chức tại Hà Nội, giáo phận Hà Nội nay có Đức giám quản, tức Đức cha Phaolô Phạm Đình Tụng do Tòa thánh bổ nhiệm. Nếu sự bổ nhiệm này không được Nhà nước công nhận, thì các linh mục đi dự đại hội sẽ giải quyết vấn đề làm lễ và đi chào đấng bản quyền thế nào cho tốt đời đẹp đạo?

3-Việc đổi mới đã được khởi động khắp nơi từ mấy năm nay thiết tưởng áp dụng triệt để cho ủy ban ĐKCG. Nếu ủy ban xét thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ cho thời điểm đã qua và nay thấy không cần kéo dài thêm, thì nên tự chuyển mình sang hình thức mới, đáp ứng yêu cầu mới của tình hình mới” (3)

Tôi có nghe một nhà báo công giáo kỳ cựu nói còn nhiều ý kiến sắc sảo nữa nhưng không sao tiếp cận được văn bản. Bây giờ, nếu trước đại hội V của ủy ban mà lại có thư thì thế nào cũng có Giám mục trả lời:

- UBĐKCG có nhiệm vụ phản ánh những nguyện vọng tâm tư của người công giáo mà sao vụ Tòa Khâm sứ, vụ nhà thờ Thái Hà, Hà Đông và rất nhiều nơi nữa vừa qua không thấy ủy ban nói một lời. Hay đấy không phải là nguyện vọng, tâm tư của giáo dân?

(Còn nữa)

GS. Hà Thành

Chú thích:
1- Bước đầu tìm hiểu về mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội, GS Đỗ Quang Hưng chủ biên, Nxb Tôn giáo, H. 2003, tr.160
2- Nguyễn Thế Thoại: Công giáo trên quê hương VN, Lưu hành nội bộ năm 2001, tập 2, tr.417.
3- Kỷ yếu Đại hội lần thứ II UBĐKCGVN năm 1990, Lưu trữ ủy ban ĐKCG

GS. Hà Thành

Biển-đức Hải
04-12-2010, 01:41 PM
Kỳ 2:

Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết? 2- Thái độ của Nhà nước đối với UBĐK




VietCatholic News (Thứ Bảy 15/03/2008 09:10)

Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết?

(tiếp theo)

2- Thái độ của Nhà nước đối với UBĐK

Ở Việt Nam, Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện, trực tiếp và duy nhất đối với mọi vấn đề của xã hội, vì vậy, tổ chức của UBĐKCG cũng không thể đứng ngoài sự lãnh đạo này.

Ngay từ khi vừa mới ra đời, vấn đề tôn giáo đã được Đảng chú ý khi thành lập hội “Phản đế đồng minh” ngày 18-11-1930. Nhiều tổ chức quần chúng như "Thanh niên cứu quốc hội”,”Nông dân cứu quốc hội”… lần lượt ra đời. Các tổ chức tập hợp tín đồ các tôn giáo theo kháng chiến hình thành muộn hơn. Mãi đến nghị quyết của hội nghị Đảng cộng sản Đông dương ngày 14,15-8-1945 trong mục 8 mới ghi: “Mở rộng Việt nam Công giáo Cứu quốc hội. Cố cảm hóa quần chúng các hội Phật thày, Cao đài” .

Sau khi Nhà nước dân chủ nhân dân ra đời thì "Hội Việt nam Công giáo cứu quốc" cũng được thành lập. Đây là tổ chức trực thuộc Mặt trận Việt Minh. Nhà nước cũng đã vận động một số Giám mục Việt nam tham gia tổ chức này nhân lễ tấn phong Giám mục Lễ Hữu Từ ngày 28-10-1945. Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi thấy một phái đoàn cao cấp của Chính phủ do các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp dẫn đầu về đây tham dự. Rất may, ông Nguyễn Mạnh Hà được du học ở Pháp về (do bố vợ của ông thân Nguyễn ái Quốc nên ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ kinh tế của chính phủ Việt Minh) nhưng ông đã rất tỉnh táo vì không muốn giáo hội bị chia rẽ. Bởi vậy, ông Hà đã tham mưu cho Đức cha Lê Hữu Từ (Phát Diệm), Đức cha Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu) lập ra Liên đoàn Công giáo Việt nam- một tổ chức Công giáo Tiến hành. Điều lệ của Liên đoàn được cả Tòa thánh lẫn chính phủ Việt Minh chuẩn y và cho phép hoạt động. Thế nhưng, rõ ràng, khi không nắm được quyền điều hành thì Nhà nước cũng cho nó im lặng luôn. Bằng chứng là tờ báoLiên đoàn do ông Nguyễn Đình Đầu phụ trách dù đã được cấp phép ngày 26-3-1946 đã chết yểu vì không ra được số nào.

Dĩ nhiên, Nhà nước không chịu thất bại nhất là sau biến cố hàng triệu người di cư năm 1954 vào Nam. Đầu năm 1955, Ban Bí thư Trung ương ra Thông tư số 1/TT-TW do ông Nguyễn Duy Trinh ký hướng dẫn thành lập Ủy ban Liên lạc Công giáo trong đó ghi rõ mục đích là “Tranh thủ rộng rãi các giáo sĩ và giáo dân; Làm cơ sở vững chắc cho các phần tử yêu nước tiến bộ trong công giáo” . Trên cơ sở Thông tư này mà ủy ban liên lạc đã ra đời vào tháng 3-1955 tại Hà Nội. Có một số người vẫn phê bình, hình như giáo hội quá lo xa về ủy ban này vì sợ mô hình công giáo tự trị như Trung Quốc. Chúng tôi thì có đầy đủ tài liệu để nói rằng sự lo lắng ấy là có cơ sở. Bằng chứng là Nhà nước đã cho các linh mục Võ Thành Trinh, Vũ Xuân Kỷ, Hồ Thành Biên đi Trung Quốc, Ba Lan để học tập cách làm.

Từ năm 1951 đến năm 1955, chính Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều bài báo ký nhiều bút danh khác nhau để khen ngợi tổ chức “Hòa bình Chúa Kito” (một tổ chức Công giáo do Nhà nước lập) của Ba Lan và Công giáo “Tam tự” của Trung Quốc. Điển hình như các bài “Công giáo và chủ nghĩa xã hội” (báo Nhân dân ngày 27-9-1955, ký C.B); “Tự do tín ngưỡng” (Báo Nhân dân ngày 27-12-1951, ký tên M.H); “Công giáo Trung Quốc’ (Báo Nhân dân ngày 11-11-1955, ký tên C.B); “Những lời thắm thiết” (Báo Nhân dân ngày 27-1-1955, ký tên C.B)… Trong bài “Tổ quốc độc lập, tôn giáo mới tự do”, Hồ Chí Minh viết: “Từ tháng 7 năm ngoái, giáo dân Trung Quốc bắt đầu cuộc vận động “tự trị, tự dưỡng, tự truyền”, nghĩa là giáo dân tự cai quản lẫn nhau, không cần cha cố người ngoại quốc; các cha cố Trung Quốc tự làm ăn không nhờ vả ai; giáo dân tự tuyên truyền đạo Chúa” . Bài báo kết luận: “Ỏ nước ta, đồng bào công giáo đều yêu nước và hăng hái tham gia kháng chiến. Gương sáng của giáo dân Trung Quốc càng làm cho đồng bào công giáo Việt Nam thêm tin tưởng và quyết tâm” (1).

Chỉ thị 160/CT-TW của Ban Bí thư do ông Lê Văn Lương ký ngày 29-5-1968 còn nói rõ hơn: “Đồng thời kiên trì và khôn khéo giáo dục giáo dân ý thức tích cực tự giác, đấu tranh chống bọn phản động và xây dựng một giáo hội yêu nước” .

Như vậy chủ trương xây dựng một "Giáo hội yêu nước" theo mô hình Trung Quốc rất rõ ràng mà hạt nhân bắt đầu từ Ủy ban Liên lạc Công giáo. Dĩ nhiên, mong ước này không thành hiện thực vì tinh thần hiệp thông rất cao của giáo sĩ, giáo dân Việt Nam đã lan tỏa sang cả mấy linh mục nòng cốt ủy ban liên lạc lúc đó.

Đầu những năm 80, do ảnh hưởng từ phong trào dân chủ ở châu Âu nên cũng hình thành những tư tưởng đòi đa nguyên, đa đảng như ông Trần Xuân Bách- ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương. Ông này bị cách chức và để dẹp bớt hậu họa, người ta cũng cho các đảng Dân chủ, Xã hội “kết thúc sứ mệnh” bình phong. Người ta cũng đã bàn đến việc kết thúc vai trò của Ủy ban Liên lạc Công giáo. Thế nhưng, do có ý kiến là nếu giải thể thì mắc mưu Vatican nên Nhà nước lại cố duy trì song cho đổi tên khác theo kiểu tân trang “bình mới, rượu cũ”. Vì vậy, tháng 11-1983, "Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước" đã ra đời. Do có nhiều người phê phán, có phải yêu nước là độc quyền của mấy vị trong ủy ban nên nó lại được đổi tên lần nữa là UBĐKCGVN từ tháng 10-1990 và mau chóng được Chính phủ phê duyệt qua công văn 180/TG-CP ký ngày 22-5-1991.

Là đứa con cưng của Nhà nước nên Nhà nước hết sức chăm bẵm ủy ban này. Bất kỳ Đại hội nào, đều có sự hiện diện của đủ các lãnh đạo cao cấp từ Tổng Bí thư, Thủ tướng đến Chủ tịch nước, Chủ tịch MTTQVN. Vậy mà Đại hội của các Giám Mục Việt Nam lại không có được ưu ái đó. Có Đại hội như Đại hội 8 (năm 2001), không biết có phải vì không hài lòng với việc bầu GM Nguyễn Văn Hòa là Chủ tịch hay không mà các Giám mục chỉ được ông Phạm Thế Duyệt- Chủ tịch MTTQ tiếp.

Nhà nước cũng giành nhiều Huân chương tặng cho ủy ban và nhiều lãnh đạo ủy ban một cách hào phóng như Huân chương độc lập hạng nhất năm 1983, huân chương HCM năm 2005 và rất nhiều huân chương cho các địa phương, cho các linh mục. Thậm chí linh mục Nguyễn Tấn Khóa chẳng có công trạng gì. Chính ông khoe với mấy linh mục ở Đà Nẵng rằng, không tặng huân chương thì ông bỏ ủy ban. Vậy là Nhà nước vội vã ký tặng khi Lm Khóa chưa kịp kê khai thành tích cá nhân. Mặc dù đây là điều kiện tối thiểu để xem xét.

Nhà nước cũng bao cấp nhân sự, tài chính cho tổ chức này. Khi mới thành lập, ủy ban trực thuộc Ban bí thư Trung ương. Khi Ban dân vận Trung ương thành lập (3-1976), ủy ban trực thuộc Ban dân vận và luôn cử một vị Phó ban tôn giáo của Ban dân vận về làm Chánh văn phòng ủy ban như ông Lâm Văn Cách. Từ năm 1986, khi ông Vũ Quang vừa phụ trách Ban dân vận vừa là Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ thì ủy ban lại thuộc Ban tôn giáo. Thường xuyên có một cán bộ Ban tôn giáo sang làm Bí thư chi bộ của ủy ban. Có lúc cả ông Phạm Văn Khâm sau này là Quyền Trưởng ban tôn giáo chính phủ cũng kiêm luôn làm văn phòng ỦBĐKCG. Từ năm 1995, sợ mang tiếng là “cánh tay cuả Đảng”, nên mấy linh mục ở ủy ban đề nghị đưa sang trực thuộc Mặt trận TQVN. Và bây giờ, Mặt trận lại cử một ông Phó ban dân tộc tôn giáo Nguyễn Văn Công sang làm Chánh văn phòng UBĐK. Văn phòng ủy ban và tờ báo "Người công giáo VN" chỉ có mươi người nhưng nơi nào cũng có một chi bộ Đảng và ông Bí thư được cơ cấu là Đảng ủy viên khối Mặt trận. Tiêu chuẩn về đây không cần phải là người công giáo. Nếu công giáo phải là đảng viên. Có một người viết báo lâu năm, viết rất tốt quê ở Bùi Chu, đã tốt nghiệp đại học, quen biết nhiều linh mục nhưng xin về báo Người công giáo VN không được vì không phải là đảng viên, sợ Vatican cài cắm vào vì anh này học chủng viện ra.

Cài cắm như vậy, mà xem chừng Nhà nước vẫn chưa yên tâm. Theo lời linh mục Nguyễn Tấn Khóa nói với mấy linh mục Đà Nẵng thì ông Nhà nước cũng chẳng tin “các cụ” mặc dù lúc nào cũng nói “mọi việc do các cụ quyết cả”. Bằng chứng là các cụ muốn giới thiệu ai đâu có được và muốn thay ai cũng vậy. Ông Đàm Quang Vinh- vẫn theo lời linh mục Khóa là Thư ký văn phòng nhưng quanh năm chẳng làm nổi một báo cáo ra hồn. Năm nào báo cáo cũng giống nhau chỉ khác nhau năm tháng. Số liệu nào cũng hàng tỷ đồng lại dính vào chuyện bất minh tài chính. Mấy “cụ” bực lắm muốn tống trả cho Mặt trận mà từ đời cụ Ái, cụ Từ đến cụ Khóa cũng chịu vì nghe nói là người của công an cài vào để theo dõi các cụ. Bây giờ ông Vinh lại được cất nhắc là Phó văn phòng kiêm chủ tài khoản ủy ban rồi.

Về kinh phí, hiện nay mỗi ủy ban cấp tỉnh được cấp từ 30 đến 150 triệu đồng /năm. (Cả nước có 39 ủy ban). Ủy ban Bắc Giang nói rủ nhau đi tham quan nơi này nơi kia cũng không hết tiền. T.p Hồ Chí Minh cấp Quận huyện cũng được cấp tiền. Mỗi vị Chủ tịch được lương tháng từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Các linh mục được từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Ngoài ra còn được bồi dưỡng các kỳ họp. Chủ tịch UBĐK cơ cấu là Phó Chủ tịch MTTQ Trung ương được chế độ như Bộ trưởng. Linh mục Khóa được cấp xe biển xanh 31A, lái xe, xăng xe, nhà nước chịu hết. Các vị còn được khám chữa bệnh như cán bộ cao cấp miễn phí. Linh mục Nguyễn Đức Hiệp (Bùi Chu) mổ tim mất chừng 500 triệu cũng Nhà nước chịu. Nhà nước bù lỗ cho Báo Người công giáo VN mỗi năm 600 triệu đồng… Một ông nhà báo công giáo đã tính rằng, mỗi năm nhà nước phải chi cho UBĐK chừng gần 5 tỷ đồng. Số tiền này nếu để mua 500 tấn gạo để cứu đói hay làm 1000 ngôi Nhà Tình Thương thì tốt biết bao.

Khi sống, các linh mục lãnh đạo ủy ban được ưu ái mỗi năm mấy chuyến máy bay vu vi từ Bắc vào Nam. Đi thăm thú nơi đâu hay về quê, cứ bảo là có xe đưa đón cả tháng cũng được. Đi họp Quốc hội thì có người phục vụ, thứ bảy, chủ nhật lại xe đưa về quê làm lễ. Còn nếu chết thì tang lễ cấp cao, quàn xác ở dinh Thống nhất, nhà tang lễ quốc gia và có đủ vòng hoa của các nguyên thủ nhà nước đến viếng.

Vì yêu quý ủy ban như vậy nên Nhà nước hết sức bảo vệ ủy ban. Ai chống ủy ban đồng nghĩa với chống Nhà nước. Vì vậy linh mục Phạm Hân Quynh chống ủy ban liên lạc liền bị quản thúc suốt từ năm 1960 đến năm 1988. Tại Huế, năm 1983, khi các linh mục đồng ký tên bất tín nhiệm linh mục Nguyễn Kim Bính- người đã tham gia UBĐK, sau đó Đức TGM Nguyễn Kim Điền đã “treo chén” linh mục này. Một số người cho đây là lý do đã dẫn đến những căng thẳng với chính quyền mà Ngài đã phải viết những bức trối thư để lại như thế này: “Khi tôi bị bắt rồi, thì xin anh chị em đừng ai tin lời khai nào, dù có kèm theo chữ ký mà người ta kể là của chính tôi. Giờ đây chỉ còn việc là tôi tha thiết xin anh chị em cám ơn Chúa với tôi, đồng thời tiếp tục cầu nguyện cho tôi được trung thành với Chuá và Hội thánh cho đến hơi thở cuối cùng” (Thư ngày 19-10-1985).

Theo một số linh mục ở Huế, cả cái chết đau đớn của Ngài tại bệnh viện Sài Gòn tháng 6-1988 cũng là một dấu hỏi lớn mà có mấy người đang cất công lần mò để tìm ra sự thật.

Hai GS Pháp là C. Prudhomme và J.F. Zonr đã nhận xét rằng: “Việc thành lập UBĐKCG ở Hà Nội… một tổ chức liên hiệp của những người công giáo yêu nước có thể được coi như một giai đoạn mới của chính sách kiểm soát của chính phủ và nhằm sáp nhập đạo công giáo vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” (2).

(Còn nữa)

Chú thích:

1- Đen trắng rõ ràng, Nxb Sự thật 1952, tr34

2- Histoire du Christianisme, tập 13, Desclec, Paris 2000, tr.672.

Gs Hà Thành

Biển-đức Hải
04-12-2010, 01:43 PM
Kỳ 3:

Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết? 3- Chân dung UBĐKCG

Điểm nhấn :


"Linh mục Trương Bá Cần viết về “lễ giỗ Bác Hồ, xung quanh một bàn tiệc thánh”: “Ý định của Thiên Chúa đã bắt đầu thực hiện trên đất nước Việt Nam nhờ công lao của Hồ Chủ tịch. Nếu Hồ Chủ tịch muốn vào Nước Trời, Người sẽ vào trước hết” (Báo CG&DT số 44 tháng 5-1976). Lạ thật, Nước Trời đâu có phải UBĐKCG mà linh mục Cần muốn cho ai vào cũng được."






VietCatholic News (Thứ Ba 18/03/2008 15:15)

Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo bao giờ đến hồi kết?

(Tiếp theo và hết)

Xem phần 2 ở đây và phàn 1 ở đây.

3- Chân dung UBĐKCG

Báo cáo dự thảo của UBĐK trình đại hội V đề ngày 1-3-2008 viết: “Trong suốt quá trình 50 năm hình thành và phát triển tổ chức ngọn cờ của phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo VN trong mọi điều kiện và hoàn cảnh luôn là nơi quy tụ, tập hợp giới công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (tr.5). Chúng ta thử tìm hiểu xem ủy ban này đã tập hợp được những ai?

Theo báo cáo của UBĐK, hiện nay tổ chức này đã phát triển ra 39 tỉnh thành (trong 65 tỉnh thành cả nước), với hơn 400 linh mục, tu sĩ tham gia ủy ban các cấp. Theo điều tra của chúng tôi, ở trung ương, khóa 4 có 104 vị ghi danh, trong đó có 62 linh mục, tu sĩ. Thế nhưng, nhiều người nói đấy là “Hội của những người siêu cao tuổi” vì có tới 94 vị từ 60 tuôỉ trở lên (chiếm 91,2%). Số dưới 50 tuổi chỉ có 10 người (8,8%). Có những linh mục điếc nặng, hơn 100 tuổi như linh mục Nguyễn Chu Trình (đã mất). Có những linh mục đi họp phải có người cõng. Có một số “lẩm cẩm” nặng, nói không ai hiểu gì. Ông Vũ Thái Hòa nguyên chuyên viên Ban Tôn giáo Chính phủ cũng là ủy viên UB phải đi họp trên lưng đứa cháu. Ông Vũ Văn Chuyên trên ngực phải có biển đề số nhà, điện thoại sợ đi lạc đường, công an biết lối đưa về… Có nhiều linh mục chỉ ghi danh, đi họp là một lần ra Hà Nội miễn phí máy bay để thăm bạn bè, chữa bệnh. Có một số chỉ đi họp một lần rồi “biến mất tăm” như linh mục Trần Đức Hạnh (Cao Bằng). ở Hà Nam, người ta cũng ghi danh 5 linh mục nhưng không thấy có ai xuất hiện. Tại một số nơi như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ban tổ chức chỉ xin các linh mục ghi danh và đến chụp một tấm hình mà cũng không được.

Những người trong UBĐK vẫn tự phong là “những người công giáo tiêu biểu” nhưng có lần Đức Hồng y Phạm Đình Tụng đã từ chối gặp vì cho rằng: "gọi họ là gì cũng được nhưng công giáo tiêu biểu thì không bởi nhiều người đã không còn giữ đạo, họ vợ nọ chồng kia, không chịu các Bí tích và gia đình cũng thế thì sao gọi là công giáo tiêu biểu được!". Điều kỳ lạ là, trong các bữa liên hoan của tổ chức này có hiện diện đủ cả linh mục, tu sĩ, giáo dân nhưng không thấy họ làm phép trước bữa ăn bao giờ. Một cán bộ Mặt trận nói với tôi là ông thường phải giục “Các cụ làm phép đi” thì “các cụ” mới miễn cưỡng làm cho qua chuyện. Linh mục Vũ Ngọc Bích có lần đi nhờ xe về Phát Diệm nhân lễ tang của linh mục Nguyễn Thế Vịnh ngày 18-12-1983 (Chủ tịch ủy ban Liên lạc) ghi lại như sau: “Buổi chiều về lại Hà Nội, tại trụ sở của UBĐKCG, có nhiều linh mục, cả các vị từ miền Nam ra, các nữ tu và giáo dân, ăn uống bừa bãi, nói năng lung tung” (Câu chuyện về những cây đại thụ, tr.31). Linh mục Bích cũng kể lại rằng, chính mấy vị trong ủy ban theo dõi cha chặt chẽ vì sợ cha được Đức cha Tạo phong chui làm giám mục Phát Diệm. Đức cha Lê Đắc Trọng cũng nhận xét về những ông “công giáo tiêu biểu này: “Tuy là công giáo, nhưng không phải đạo được lợi ở các ông. Trái lại, nếu là người phò đạo sao được vào các chức vị đó. Thường đó là những người có đạo mà không ưa đạo, lấy địch đánh địch, lấy người có đạo để phá đạo. Đó là chính sách từ thời cổ xưa. Đạo không nhờ những người như thế, trái lại phải khổ sở về những người đó” (Những câu chuyện về một thời, tập 2, tr.207). Nói về linh mục Nguyễn Thế Vịnh, Đức cha Trọng viết: “Đặc biệt là cha Nguyễn Thế Vịnh. Còn đi xa hơn nữa, rồi xa địa phận, đứng trong hội “Liên lạc”. Khi cha Vũ Xuân Kỷ qua đời vào năm 1972, cha Nguyễn Thế Vịnh thay thế và lãnh đạo phong trào với niềm xác tín. Chứ không như vị tiền nhiệm có vẻ xu thời, không hiểu việc mình làm, bảo đi đâu, làm việc gì cũng được” . Đức cha cũng ghi lại lời của linh mục Nguyễn Tất Tiên (cùng trong ủy ban liên lạc) về linh mục Vịnh: “Ông ấy phải sa đáy hỏa ngục” (sdd, tr.213).

Có người nói, UBĐK cũng làm được một số việc như in ấn sách vở đạo lúc khó khăn trước thời “cởi trói” nhưng họ đâu biết đấy là đặc ân Nhà nước ban cho ủy ban để làm kinh tế và kể công với giáo hội bất chấp nội dung trái với đức tin. Cuốn “Đức Mẹ Naju” do linh mục Vương Đình Ái (Chủ tịch UBĐK) dịch và phát hành bán thu lời mấy chục ngàn đô la do tổ chức của bà Julia Youn (Nam Hàn) tài trợ toàn bộ kinh phí in và biếu không nhưng vẫn bán ở VN với giá 10.000 đồng. Đây là cuốn sách ở Nam Hàn đã cấm và Đức cha Nguyễn Văn Sang cũng dịch lời cảnh báo của Đức TGM Quang Du về hiện tượng rối đạo này nhưng linh mục ái vẫn làm. Chỉ có điều “ky cóp cho cọp nó xơi”, mấy chục ngàn đô la lời qua vụ làm ăn này lại bị mất trộm đúng ở cơ quan UBĐK 34 Ngô Quyền, Hà Nội. Thế mới đau.

Tờ Công giáo và dân tộc thì luôn cổ vũ cho phong trào “Thần học giải phóng” - một khuynh hướng đã bị Tòa thánh phê phán kịch liệt và ngưng hoạt động ở châu Mỹ. Một số linh mục đứng đầu UBĐK luôn đưa ra những lập luận rất xa lạ với đức tin. Linh mục Trương Bá Cần viết về “lễ giỗ Bác Hồ, xung quanh một bàn tiệc thánh”: “Ý định của Thiên Chúa đã bắt đầu thực hiện trên đất nước Việt Nam nhờ công lao của Hồ Chủ tịch. Nếu Hồ Chủ tịch muốn vào Nước Trời, Người sẽ vào trước hết” (Báo CG&DT số 44 tháng 5-1976). Lạ thật, Nước Trời đâu có phải UBĐKCG mà linh mục Cần muốn cho ai vào cũng được.

Khi Tòa thánh cảnh báo về mối nguy hại của UBĐKCG: “Mặc dù ủy ban này- như danh xưng đã chỉ có ý nhằm cổ vũ lòng yêu nước của người Công giáo, nhưng trên thực tế đã hành động như một tổ chức vừa có tính công dân vừa có tính chất chính trị. Do vậy không thể không dẫn đến nguy cơ lẫn lộn giữa giáo hội và tổ chức chính trị, một nguy cơ mà công đồng Vaticano II đã lưu ý các giám mục và linh mục phải đề phòng” (Thư Đức Hồng y Sodano gửi GM Nguyễn Minh Nhật ngày 20-5-1992). Thì trên tờ CG&DT có một loạt bài chống lại quan diểm của Tòa thánh. Linh mục Vương Đình Bích viết: “Không một người nào, một vị giám mục nào có thể vin vào giáo luật để cho mình quyền hành cấm đoán linh mục của mình tham gia những hình thức sinh hoạt chính trị công dân như hiện nay. Thậm chí cấm đoán như vậy là xâm phạm quyền công dân của người khác, vi phạm luật Nhà nước, không miễn trừ một ai” (Nguyệt san số 37 tháng 1-1998). Một tác giả khác là Nguyễn Ngọc Bích thì lý luận: “Khỏi phải nói UBĐK là một tổ chức được chính quyền ủng hộ. Sự ủng hộ này nói lên điều gì? Chính quyền, xét cho cùng cũng là những con người, dĩ nhiên nằm trong một phạm trù khác. Nhưng có một người nào lại ủng hộ một cái gì xấu không? Chắc là không. Vì chẳng có ai bỏ sức đi tưới một cái cây héo. Bởi thế dù phán đoán như thế nào về mục đích và ý nghĩa của sự ủng hộ nơi chính quyền với UBĐK thì như một người lương hảo, ta không thể nói UBĐK là một tổ chức không tốt” (sdd, tr.47). Nói như tác giả này thì chắc phát xít Đức, Apacthai, hay diệt chủng Pôn Pot cũng không phải là xấu vì đó cũng là những “con người”!

Trong các kỳ họp hội của tổ chức này hoàn toàn không giống sinh hoạt hội đoàn công giáo. Trước đây chỉ có chào cờ chứ không bao giờ nguyện kinh Chúa Thánh thần. Gần đây, người ta có hát “Kinh hòa bình”, coi như quốc ca của ủy ban. Chẳng biết trong lễ nhận Huân chương Hồ Chí Minh của UBĐK ngày 6-4-2005 có cầu nguyện cho Đức Gioan Phaolo II ra sao mà báo Nhân dân ngày 7-4 đưa tin: “Trước khi vào họp, các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã tổ chức cầu siêu cho Giáo hoàng Jean Paul II” . Trong thư của ủy ban gửi mỗi dịp Đại hội hay Giáng sinh chỉ nói gửi cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân chứ không bao giờ nói đến gửi cho các Giám mục.

Chúng tôi có khá nhiều đơn từ (bản sao) tố cáo đời sống tha hóa của một số linh mục đứng đầu UBĐK. Nhiều bài báo, tác phẩm in ở hải ngoại cũng đã nói đến như cuốn “Công giáo VN trong dòng sinh mệnh dân tộc” của Tiến sĩ Cao Thế Dung, hay cuốn “Hẹn thắp lên” của Gs Nguyễn Ngọc Lan. Có linh mục vì không giữ được lời khấn nên làm lễ không ai xem, không ai nuôi nên Nhà nước phải cấp tiền để đi chợ rất lôi thôi như linh mục NDL (ở Thái Nguyên). Khi Đức cha Nguyễn Sơn Lâm còn làm Tổng thư ký HĐGMVN, Ngài cũng có ý định giải quyết dứt điểm vấn đề UBĐK nhưng với điều kiện ủy ban phải làm đơn và trình Điều lệ cho các GM xem xét và các người tai tiếng xấu phải ra khỏi ủy ban. Dĩ nhiên, đời nào họ theo thiện ý của Đức cha Thanh Hóa. Khi Nhà nước có ý định mời một vài Đức cha tham gia Mặt trận TQVN thì chính những linh mục trong UBĐK lại phản đối gay gắt nhất vì đơn giản, nếu đã có Giám mục thì Nhà nước cần gì mấy linh mục trong ủy ban nữa.

Có người tố cáo sự “cài cắm” mấy linh mục như Từ- Cần- Minh -Bích của Nhà nước vào giới công giáo. Một ông công an thành phố HCM bảo tôi: Các ông công giáo không có lòng vị tha. Có thể ông Cần trước đây là đảng viên thật nhưng ông ấy đã bỏ đảng để theo đạo cũng như có người bỏ đạo để theo đảng mà sao bây giờ các ông cứ bới móc “đánh” ông ấy thế! Tôi trả lời: Tôi không biết chuyện ông Cần bỏ đảng để theo đạo là thật hay giả nhưng những việc ông ấy làm thì người ta có quyền nghi ngờ tính công giáo của ông ấy. Đồng thời, ông ấy có thể lấy gương Phạm Ngọc Thảo- một người công giáo và cũng là điệp viên siêu hạng của cộng sản đã trá hàng về với quốc gia, đeo lon đại tá nhưng rồi cũng bị chính Nhà nước cộng sản bỏ rơi, mà suy gẫm.

Sau hồi tranh cãi nhau về chức vụ Tổng biên tập Báo CG&DT cũng như chuyện tiền nong ở 15 Tú Xương, Quận 3 của mấy “cha yêu nước”, bức thư của linh mục Vương Đình Bích đề ngày 25-12-1997 gửi lãnh đạo Thành phố HCM đã làm rất nhiều người kinh ngạc: “Tôi đã thành khẩn nói với hai anh Từ và Cần là vấn đề thật của tổ chức chúng ta, không phải nhóm nghiên cứu mà là nhóm 4 anh em chúng tôi, Minh- Cần- Từ – Bích đã được lãnh đạo gầy dựng và giao nhiệm vụ điều động phong trào công giáo yêu nước tại thành phố này” . Hóa ra, các cụ “dấn thân” còn là nhiệm vụ Đảng giao nữa đấy. Thảo nào, linh mục Nguyễn Tấn Khóa bảo với mấy linh mục ở Đà Nẵng rằng, UBĐK là câu lạc bộ của mấy ông Từ, Cần, Thiện Cẩm, Bích. Mấy ông này già sắp chết cả rồi nên Nhà nước muốn giữ cũng chỉ được khóa này nữa mà thôi.

Trên các phương tiện truyền thông ở VN chỗ nào cũng thấy “mấy cha” xuất hiện. Có người nghĩ chắc mấy cụ “uy tín” lắm. Xin thưa, Nhà nước cũng “ngán” các cụ lắm rồi. Linh mục Từ thì đã không được Mặt trận cơ cấu vào Quốc hội khóa 12 và Mặt trận Trung ương khóa 8. Các linh mục Nguyễn Công Danh và linh mục Thiện Cẩm dù đã được Ban bầu cử cho chọn nơi ứng cử và cho các báo Nhà nước tuyên truyền cổ vũ nhưng vẫn trượt chỏng gọng dịp bầu cử Quốc hội khóa 11 và khóa 12 vừa qua. Trong khi chỉ riêng việc tổ chức họp giới thiệu các cụ ra ứng cử đã tốn phí cả trăm triệu đồng.

Nhà báo Nguyễn Kế Nghiệp làm thư ký tòa soạn báo Người công giáo VN hơn 20 năm, khi về hưu ở quận Thủ Đức, T.p HCM (dĩ nhiên anh Nghiệp là đảng viên và không phải người công giáo) có lần bảo tôi: Ông có biết vì sao cái UBĐK vẫn còn tồn tại đến nay không? Nhà nước cũng muốn dẹp cái cây cảnh héo này lắm rồi nhưng dẹp thì mấy chục cán bộ ở ủy ban và Báo đi đâu? Tôi đố tay nào ở cơ quan này đi xin nổi việc ở nơi khác vì có biết làm gì? Chỉ ngồi ăn sẵn và dọa Nhà nước về nguy cơ của Vatican để nhận lương mà thôi!

Hôm họp Đoàn Chủ tịch và Ban Thư ký ngày 27,28-2-08 dù không được họp nhưng tôi có nhờ một người ghi âm giúp. Bật băng lên, tôi nghe rõ tiếng một ông nhà báo nay là Thư ký ủy ban nhắc nhở các cụ, tuyệt đối không để lộ ra chuyện Nhà nước cung cấp tài chính cho ủy ban. Đây là vấn đề tuyệt mật. Lộ ra sẽ mang tiếng là giáo hội quốc doanh ngay.

UBĐK đưa ra những nhiệm vụ rất kêu, nào là “bảo vệ sự trong sáng của đạo thánh Chúa”, nào là “hướng dẫn và tổ chức phong trào yêu nước của người công giáo”, nào là “bênh vực và bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của người công giáo”. Nhưng tôi đố ai chứng minh rằng ủy ban đã làm được những việc ấy. Xưa nay, tất cả các hoạt động từ thiện bác ái người công giáo làm là theo lời kêu gọi của các giám mục, của đức tin công giáo chứ mấy ông ủy ban kêu gọi ai nghe. Nhiều tấm gương điển hình của giáo dân như nữ tu Nguyễn Thị Mậu 40 năm giúp đỡ các bệnh nhân phong, liệt sĩ Trần Thị Mai – hy sinh thân mình cứu người trong cơn lũ quét, giáo dân Nguyễn Văn Mỳ, mù hai mắt vẫn theo dõi thời tiết hàng ngày để báo cho ngư dân trên biển…luôn được đưa vào báo cáo thành tích của ủy ban nhưng họ có biết UBĐK là ai và ủy ban cũng chưa bao giờ tặng họ một bông hoa hay lời kinh nguyện khi họ qua đời.

Ủy ban là người nhắc đến Thư chung 1980 của HĐGMVN nhiều nhất nhưng họ chỉ nhấn mạnh mỗi một điểm là Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong khi Thư chung đồng hành cùng dân tộc còn có nghĩa là xây dựng một lối sống, lối diễn tả đức tin theo bản sắc dân tộc. Các linh mục trong ủy ban vẫn nói hiệp thông với giáo hội nhưng có lẽ hầu hết đi họp hành không xin phép đấng bản quyền. Đức cha Sang đã xác nhận trường hợp linh mục Tuyên chưa bao giờ xin phép. Linh mục Nguyễn Công Danh nói, có lần đến xin phép Đức Hồng y Mẫn, Ngài quát: Tôi làm gì có cái phép đó mà cho! Có linh mục trí trá trước khi đi họp liền đến xin chào thăm Đức Giám Mục, khi về thì nói: Lạy Đức cha, con xin phép con đi! Đức Giám Mục nghĩ là linh mục đó xin phép đi về. Còn linh mục đó cho rằng, mình đã xin phép đi họp.

Nhiều bài báo đã “ghi công” UBĐK với các vụ phong thánh năm 1988, vụ phản đối TGM Nguyễn Văn Thuận năm 1975 hay vụ Giám quản Huỳnh Văn Nghi năm 1993. Chúng tôi cũng có hàng trăm trang tư liệu về việc này. Ông Trần Công- Tổng biên tập báo Người công giáo VN, sau khi bị mấy cụ cho mất chức Chánh văn phòng ủy ban vì không phải là “công giáo tử tế”, ông này cũng làm đơn tố cáo lại mấy cụ và khẳng định chắc chắn rằng, chính “mấy cụ yêu nước” đã thổi phồng vụ phong thánh với ông Chín Đào (tức Phan Minh Tánh) lúc đó là Trưởng ban dân vận trung ương để lập công làm Nhà nước tốn bao tiền của và công sức bất chấp những lời ngăn cản của các GS nổi tiếng như Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng nói rằng: Thần thánh của người ta, xấu tốt họ chịu. Can gì đến Nhà nước mà xía vô…

Đầu năm nay, một ông cán bộ Mặt trận có cho tôi mượn một cuốn sách nhan đề “Suy nghĩ về vai trò của UBĐKCG” của linh mục Thiện Cẩm. Sách làm năm 2006, dày 120 trang do linh mục tự in. Đọc xong, tôi ngạc nhiên, không hiểu linh mục Thiện Cẩm ăn giải gì mà đứng ra “hộ giáo” cho ủy ban hăng hái như vậy? Tác giả cũng thừa nhận rằng ủy ban” không nhận bất cứ một bài sai hay một ủy quyền chính thức nào của giáo quyền” (tr.42) và cũng biết rõ dư luận giáo hội muốn “UB này nên ra đi, chấm dứt vai trò, cũng như chính sự tồn tại của mình” (tr.36). Thế nhưng, linh mục Thiện Cẩm khẳng định: “UBĐK không phải là một đảng phái hay tổ chức chính trị, mà là thành phần của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quy tụ dưới mái nhà chung của MTTQVN” (tr.39). Đến đây thì người đọc đã hiểu mục đích của tác giả. Linh mục Thiện Cẩm viết tiếp: “Nhân chuyến đi họp Ban tổ chức Đại hội UBĐKCGVN tại Hà Nội đầu tháng 4-2002 vừa qua, trên đường trở về thành phố, anh Trương Bá Cần nói với tôi đại khái: Thế tại sao người Công giáo chúng ta không coi Mặt trận Tổ quốc là môi trường hoạt động công giáo tiến hành nhỉ?” (tr.32). Lại chuẩn bị “bình mới rượu cũ” đây. Cái áo chùng thâm không làm nên linh mục. ủy ban có đổi tên trăm lần nó vẫn là ủy ban ĐKCG. Sự khác nhau giữa công giáo tiến hành với ủy ban là công giáo tiến hành được phép của Giáo hội còn ủy ban thì chỉ được phép của Nhà nước mà thôi.

Thay lời kết

Đầu bài viết này là câu hỏi. Hy vọng qua những tư liệu, chứng cớ mà tôi đưa ra trên đây cũng sẽ phần nào giúp quý vị bạn đọc có được câu trả lời cho riêng mình. Trước khi dừng lời xin thuật một chuyện. Có lần tôi gặp cha Phạm Hân Quynh tại phòng riêng của cha Lê Đức Sinh- Thư ký Đức Hồng y Tụng. Cha Quynh kể, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Bộ trưởng Bộ kinh tế của chính phủ Việt Minh nhưng cũng là người sáng lập ra Thanh lao công Hải Phòng có viết đơn phản đối chính sách của Nhà nước đối với công giáo. Một vị cán bộ cao cấp gặp ông Hà nói: Sao ông không gia nhập ủy ban liên lạc công giáo để đối thoại với Nhà nước có tiện không? Ông Hà trả lời:

- "Các ông có cái đầu, người công giáo chúng tôi cũng có cái đầu. Chỉ tiếc rằng, bao năm qua, các ông chỉ thích nói chuyện với cái… đầu gối của các ông thôi".

Vâng, có lẽ Nhà nước vẫn còn muốn đối thoại với cái đầu gối và cũng có một số người công giáo vẫn còn muốn làm cái đầu gối ấy.

(Đà Nẵng- Sài Gòn, Mùa chay 2008)

GS Hà Thành

mayxanh1234
10-12-2010, 11:56 PM
Linh mục Nguyễn Văn Vinh với biệt danh "thằng khùng" hoàn toàn khác với linh mục Nguyễn Thế Vịnh, chủ tịch UBDKCG