PDA

View Full Version : Tu...ngọt ngào mà gian nan!!



bekinhcan0612
02-12-2010, 09:46 AM
Tu ... ngọt ngào mà gian nan!!



Những giai đoạn đầu của đời tu ai mà chẳng sốt sắng, vì nó có cả một bầu trời mênh mông trong sáng, cộng với những mơ ước lý tưởng tương lai của thiên đường trần gian, những hình ảnh cho ngày mai là hy sinh, dấn thân, phục vụ con người thật là đẹp và còn nhiều thứ nữa... tu mà lị. Từ đó, họ có thể vượt qua được nhiều chướng ngại khi bước chân ra đi, từ biệt mái ấm gia đình thân yêu, cha mẹ, anh chị em, bạn bè hàng xóm láng giềng, vùng trời quê hương kỷ niệm... Bước vào nhà dòng, họ khám phá được nhiều cái mới lạ: Cộng đoàn đọc kinh rân ran, thánh lễ mỗi ngày thật sốt sắng ; tình anh em, hoặc chị em thật đằm thắm yêu thương ; chỗ ăn chỗ ở thật ngăn nắp thứ tự gọn gàng sạch sẽ ; học hành đàng hoàng, ghế bàn lớp lang đâu vào đấy ; có giờ giấc kỷ luật phân minh, ai nấy chấp hành nghiêm chỉnh ; cuộc sống ra như êm đềm nhẹ nhàng siêu thoát làm sao í... tu mà lị.
Mỗi dịp tết, dịp hè, được về thăm quê, gặp lại những người thân quen, sao mà lòng nó cứ rộn lên nén xuống mãi chẳng đặng; nó cứ lộ ngay ra bộ mặt, ai người ta cũng biết. Gặp lại mẹ, đạo đức có sẵn, cứ thế là hình dung ra đứa con của mình mai đây súng sính bộ áo dòng, nay mai nó sẽ là Cha, là Soeur oai lắm và cũng chẳng mấy chốc mình cũng sẽ lên làm ông bà cố chứ chẳng bỡn đâu ... tu mà lị.
Ra đến ngoài đường, bạn bè trai gái xì xèo quí mến, sít soa thèm đến nhỏ rãi ra, gớm !.! ... tu mà lị.
Những tháng ngày của những năm tiền tập rồi cũng êm ả trôi và người ta đã vượt qua một cách dể dàng để bước vô năm tập. Năm tập lại có những mới lạ khác.... và bắt đầu từ đây được xếp vào hàng ngũ các bậc thầy, các bậc bà rồi đấy, làm sao cho nó ra dáng vẻ thầy tu, bà tu một chút chứ nhỉ ? đi đứng phải nghiêm trang, môi mấp máy lâm râm cầu nguyện, lúc nào cũng tỏ ra dễ thương hiền hòa của lòng từ bi hỉ xả trụ trì nơi cảnh chùa thoát tục, phiêu phiêu bồng lai bắc cực. Tập ăn, tập nói, tập gói, tập mở, tập thêu, tập may, tập viết.... tập đủ mọi thứ mơ mộng. (Mùa xuân mà lị ).
Năm tháng tưởng chừng dài, ngồi đếm đốt ngón tay, hóa ra vèo một cái đã trôi qua, thời gian như giấc mơ. Chuẩn bị cho ngày khấn lần đầu trước cả tháng : Ô sao mà bầu khí rộn ràng háo hức thế. Lo khảo, tĩnh tâm, may áo dòng, tập nghi thức, viết thiệp, sổ gối đầu giường nhớ ai thì ghi vào kẻo người ta lại trách cho..... tu mà lị. Rồi nào viđêô pha đèn sáng rực, chụp hình nháy lia chia và rồi cũng phải sụt sịt, thút thít một chút cho ra vẻ ngày khấn chứ, có đâu mà lại khô ran như ngói vậy ? Cảm động qúa sức, rớt cả con mắt ra ngoài!! dâng hiến mà lị, quan trọng lắm chẳng phải chơi đâu!!
Sau những ngày vinh qui bái tổ, hưởng tuần trăng.... rằm, trở về nhà dòng bước vào một chương trình mới : Học viện. Đi học, đứng học, ngồi học, nằm học, bò lê bò càng học, học và học. Trong những năm học viện, ngày khấn lần đầu trôi vào dĩ vãng, và cũng chỉ còn là một kỷ niệm với những tấm ảnh đang nhạt mầu, còn đâu cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Miệt mài học hành với những công việc thường ngày chẳng còn giờ mà mơ với mộng ... Và rồi, những năm tháng lần lượt trôi qua, cũng đã được nếm một chút vất vả mệt mỏi đời tu, cái ngày gọi là khấn trọn đời phải đến cũng đã đến, nó không còn bầu khí háo hức nhộn nhịp như ngày khấn lần đầu, mỗi giai đoạn có những tâm tình riêng của nó, lần này chững chạc vững vàng hơn, có chút chiều sâu hơn, những giòng nước mắt nước mũi cũng mạnh bạo xối xả tuôn tràn hơn... lọn đời cho đến khi vào quan tài mà lị. Sau khi khấn trọn đời, họ cảm thấy chững chạc hơn, chắc ăn hơn; từ đây họ chính thức là người của nhà dòng, có quyền lợi có chỗ đứng, đỡ bấp bênh, đỡ bị dòm ngó và nhất là không sợ bị... alêde ; từ đây họ được đi phục vụ với lòng nhiệt thành ấp ủ đã lâu, được phô diễn tài năng sau bao năm thu lượm, tương đối một phần được tự do thoải mái giao tiếp, họ cảm thấy phần nào vững chắc vì có dây khấn trọn đời buộc cổ rồi nên... chúng mày (con giai con gái) tha hồ mà xúm xít quấn quýt ngộ đây chẳng sợ ??? Ồ cuộc đời đẹp qúa xá qùa xa... tu mà lị.
Thời gian đầu đời ... tu mà lị, đã diễn ra trong một tâm trạng no thoả, nóng hổi vừa thổi vừa tu, đó là chuyện bình thường, dĩ nhiên thôi. Có tuổi trẻ, có mới mẻ và có cả ơn Chúa nữa. Hỡi các chú, các thím, các đấng làm thầy, các bậc làm bà... có đúng không nào ? hì hì... tu mà lị!
Thế nhưng, tất cả những giai đoạn đầu, sau khoảng thời gian hai mươi năm, mười năm, hoặc ngắn hơn nữa, sự nhiệt thành bắt đầu lơi, bởi vì nó bị hao mòn từ bên trong, nó vấp phải trở ngại ở bên ngoài. Từ đây, họ khám phá ra sức hấp dẫn chẳng còn mấy, đời tu bắt đầu cảm thấy buồn tẻ, đều đặn, nhạt nhẽo, vô vị; họ sa vào kiểu "chấp nhận bán-ý-thức sự tầm thường", họ chấp nhận "giả mạo đời sống tu trì dưới những dáng vẻ bề ngoài ban đầu", họ không dám đối diện với chính mình với bao nhiêu là bất ổn trong lòng như cô đơn, trống rỗng, bế tắc, tình cảm, ước muốn ... Bộ áo dòng bây giờ cũng chỉ để phân biệt nhà tu và người thế gian thôi nhưng sao nó lạc loài tách biệt quá thế, để rồi đến chỗ co cụm, ẩn nấp, khép kín, đóng kịch, hình thức ... có cảm tưởng như không còn là chính mình nữa, một thứ diễn viên bắt buộc gượng ép. Tâm hồn tươi trẻ nay bắt đầu có vết nhăn. Cuối cùng, chẳng còn thấy hứng khởi gì nữa, cố gắng lắm cũng chẳng tới đâu, nửa thịt nửa mỡ, chẳng nóng cũng chẳng lạnh ... Sự trung tín nó ở trên sức lực cố gắng của con người. Giống như người leo núi, bị khựng lại giữa lưng chừng, giữa đỉnh cao và vực thẳm, thấy mình không thể tiếp tục lên và cũng không có can đảm tụt xuống được. Thiên Chúa và thế gian, trông lên thì tít mù khơi, cúi xuống thì không còn mặt mũi nào, đuối sức ở giữa giòng sông. (Đến giai đoạn căng thẳng, gay cấn nên người viết cũng cảm thấy căng thẳng, gay cấn làm sao í ?).
Từ đó, người ta bắt đầu trốn chạy .... Trốn chạy vào trong các công việc, chẳng có gì là sai trái cả, nhưng đầu óc trở thành "con buôn", tính toán làm ăn rất trình độ, và cho đó là thành công và rất hãnh diện. Trốn chạy vào những công việc tay chân thì lúc nào cũng tỏ ra vất vả để mọi người chú ý tới, "tôi đây cũng có tài, có công ăn việc làm, có làm ra kinh tế chứ bộ, có phải là thứ ăn bám đâu". Trốn chạy vào việc học hành, miệt mài đèn sách, bóp đầu bóp trán đến hói cả đầu ra, hãnh diện vì học cao trông rộng, hiên ngang vì cũng mọt sách như ai, lý trí và lý trí, (vô tri bất mộ nhưng cũng có hữu tri bất mộ). Trốn chạy vào những nguyên tắc, kỷ luật, giờ giấc nghiêm chỉnh tới chỗ cứng ngắc, nhỏ nhặt chật hẹp trong cái vỏ ốc nên có thể bắt chẹt người khác một cách dễ dàng. Trốn chạy vào hưởng thụ, đầy đủ tiện nghi, xe cộ máy móc tân kì, chó mèo gà vịt chim cò cá kiểng đắt giá... khó mà nghèo được. Trốn chạy vào cái tôi, mặc cảm bất tài, vặn vẹo uốn éo phá nhắng, cái gai của cộng đoàn, guậy tới bến, ích kỷ hẹp hòi, chi li tính toán, bòn mót keo kiệt... Trốn chạy vào tình tang tang tính, con gầy bố béo, tình còm, tình ba xu, uốn éo vặn vẹo mèo nheo nhõng nhẽo, lén lút che đậy... Trốn chạy vào tính toán, tu rồi mai già thì làm cái gì đây, chống gậy lọc cọc, kinh hạt lẩm cẩm tối ngày, bữa no bữa đói nó còn mắng cho, than thân trách phận "giá mà lập gia đình có đỡ khổ hơn không, còn có con có cháu nó đỡ đần cho", tìm kế để tháo... chạy.
Cái nhìn như thế có phải là bi quan yếm thế không nhỉ ? nhưng thực tế đã có như thế đấy. Thưa các bạn tu mà lị, trong đời sống tu mà lị của mỗi người chúng ta đều cần có những lần bắt đầu lại mà tất cả những vị thầy thiêng liêng thí dụ như cha Voillaume gọi là "Tiếng gọi thứ hai".
Chúng ta có thể hình dung một hình ảnh khá quen thuộc : người ta phóng phi thuyền có chuyên chở vệ tinh, khi mà tất cả được ổn định trên giàn phóng, các nhà khoa học trong phòng điều khiển đếm ngược cho tới số không thì giàn phóng nổ ầm và phi thuyền nhấc lên khỏi mặt đất; giai đoạn đầu nó phải cậy nhờ các tầng chứa khí tuyệt diệu của nó (các nguyên liệu và phương thế để lên cao, để tự đẩy đi). Nhưng đến một thời gian nào đó (đã được tính toán kỹ) nó đã đốt hết các năng lượng bên trong thì nó phải tới quỹ đạo đã được trù tính, nếu không thì là tai họa. Nó bắt đầu xoay quanh quĩ đạo, nó đã mất tính độc lập trong việc bay, nhưng nó nhờ một hiện tượng khác : Sức hút của trái đất. Trong cuộc đời con người của chúng ta, cũng một điều như thế xảy ra, nhưng với tự do của chúng ta. Ở khởi điểm, sự dâng hiến, các dấn thân của chúng ta hàm chứa một liều lượng năng lực cá nhân nào đó, đồng thời với ơn Chúa, khiến chúng ta có cảm tưởng vững vàng an toàn và như thế là bình thường, miễn là không ảo tưởng. Khả năng bên trong tầng chứa đó, có tính chân lý, sẽ không bao giờ thiếu hẳn, nhưng nó cũng cạn kiệt đi theo cuộc sống tự do thoải mái của con người, hoặc đúng hơn chúng ta thấy kể từ nay nó không còn đủ sức mạnh để đẩy nữa, nó làm chúng ta đứng ì, dẫm chân tại chỗ để rồi dẫn đến nghĩ quẩn. Vậy thì chúng ta cần phải "khám phá ra sức hút" chứ ? nếu còn muốn tiếp tục... tu mà lị.
Vâng, "khám phá ra sức hút" ấy, chúng ta vẫn quen mồm gọi là ơn biến đổi, việc hoán cải, gặp gỡ Chúa, Đức cha Bùi Tuần gọi là Ơn Trở Về.
Từ thời các Ngôn sứ, ơn trở về của các Ngài rất là dễ thương, thân mật như người nhà, như tình bằng hữu, câu chuyện thật sống động, đôi khi đến chỗ đôi co với Chúa, bướng bỉnh cãi lại Chúa. Ơn trở về của các Ngài đi đôi với việc gào tướng lên cho mọi người hoán cải trở về, trung thành giao ước đã ký kết với Giavê Đức Chúa, vì thế mà các Ngài bị dân chúng cứng đầu cứng cổ nện cho u đầu sứt trán, tháo chạy không kịp. Các Ngài đã than thân trách phận, việc Chúa giao qúa nặng nề, không biết ăn nói, dốt nát cù lần, bất tài... xin trả lại Chúa. Cuối cùng rồi đâu cũng vào đấy thôi, Chúa đã nói đã dạy cho các ngài biết, đây không phải là việc của các Ngài mà là của Chúa nên các Ngài đã mặt dầy mặt dạn minh chứng cho đến khi đổ máu vì lời kêu gọi hoán cải của mình.
Tiếp đến thời các vị tông đồ cũng vậy, điển hình là ơn biến đổi của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, thật rõ ràng, không chối cãi vào đâu được. Sau này các vị thánh trong Giáo hội cũng thế : thánh Antôn, thánh Augustinô, thánh Bênađô, thánh Têrêsa Avila, thánh Têrêsa Hài Đồng, thánh Phanxicô Assisi, thánh Inhaxiô, thánh Anphongsô ... Thời đại mới : Anh Charles de Foucauld 29/10/1886. Cha Antôn Chevrier 25/12/1856. Chị Madelein Delbrêl 1924. Mẹ Têrêsa Calcutta 1946....
Mời các bạn đọc một đoạn ngắn trong cuốn "Linh Đạo Cho Giáo Dân Ngày Nay" (do chính những người giáo dân được biến đổi viết), cha Jess S. Brena, S.J. thu gom và in ấn.
Một Dụ Ngôn : "Những Kitô hữu chỉ biết ăn vỏ". Nhiều tín hữu chúng ta (kể cả giáo sĩ và tu sĩ) vẫn kéo lê một đời sống tôn giáo với `những bổn phận và những nghĩa vụ' phải trung thành thực hiện bằng mọi giá. Ít người nếm được hương vị của câu thánh vịnh `Chúa ngọt ngào dường bao' (Tv119;103) ; cảm được cái `thú' cầu nguyện, `thú' chiêm niệm, niềm vui làm tông đồ, làm Đức Kitô khác, làm `tư tế, ngôn sứ, và vua'.
Sở dĩ như thế là bởi vì thường người ta nhận thức sai lạc về Thiên Chúa và về tôn giáo: một tôn giáo nặng luật lệ và một Thiên Chúa ưa đòi hỏi, một Thiên Chúa xem chừng như có vẻ phi lý. Có thể ví những môn đệ "trung thành tuyệt vời" ấy với một anh chàng chỉ chuyên ăn vỏ của các loại trái cây như cam, chuối, táo, dưa hấu. Đã đành anh ta cũng có được vài ý niệm về trái chuối, trái cam, trái táo. Nhưng giá như anh ta ăn đúng cái phần đáng ăn thì hương vị sẽ khác đi một trời một vực. Có bao nhiêu giáo dân, linh mục và nữ tu vẫn đang nuôi mình chỉ với (hoặc chủ yếu với) vỏ trái cây? Tôi đã từng là một người trong số đó. Có lần tôi chia sẻ điều này với một linh mục bạn tôi, anh ta đã cãi : "nhưng cậu hãy nhớ rằng vỏ trái cây cũng có vitamin". "Đúng vậy, cám ơn Chúa", tôi nói, "nếu không thì tôi đã chết từ khuya rồi".
(Trang 32 số 6)
(Sưu tầm)

Dauan_tinhyeu
02-12-2010, 04:12 PM
Trên cả tuyệt vời... Cảm ơn Linh về bài viết này nhé :36:... Xem kĩ rùi hẵn đi tu nhe :pipe1:hehe... Nhưng dẫu sao sống trong tinh thần Jesu thì hay lắm :92:

Ti_Amo
03-12-2010, 10:35 AM
Không biết Father nào viết bài này mà dí dỏm quá đi! Đọc mà cười vỡ bụng, hí!!! Mà đọc xong thì thấy thấm ghê! Biết đâu mai mốt mình cũng rơi vào cảnh như thế. Chắc lúc đó cần đọc lại bài nảy để lấy lại...phong độ :chemieng:

bekinhcan0612
03-12-2010, 11:25 AM
Đọc xong bài này coi cũng đúng đúng sao sao á...:4:,nhưng cũng phải lấy lại tinh thần để bước theo Thầy Jêsu,...:Tanghoa:Jêsu.

A Great Boy
04-12-2010, 07:46 AM
Đọc xong bài này coi cũng đúng đúng sao sao á...:4:,nhưng cũng phải lấy lại tinh thần để bước theo Thầy Jêsu,...:Tanghoa:Jêsu.
Hiz ...sao mà viết tên Thầy cũng sai vậy chị?
Nguyện xin Chúa Cha thương ban cho ACE được nhiều ơn sủng và có sức lực đáp ứng ơn gọi thiêng liêng để phục vụ mọi người .

bekinhcan0612
05-12-2010, 10:13 AM
Hiz ...sao mà viết tên Thầy cũng sai vậy chị?.

Hi,ý bạn nói tôi výt Jêsu là sai à...hjhj:4:,Giêsu mới là đúng sao:4:.