hongbinh
11-12-2010, 09:58 PM
Những Kỷ Niệm êm Đềm Với Mẹ Tôi
Tôi thật là người may mắn, vì được sinh trưởng trong một gia đình có cha mẹ là người hiền lành đạo hạnh. Tôi đã có dịp viết vài bài ngắn về cha mẹ của mình, nhân dịp ngày Lễ cuả Cha và ngày Lễ của Mẹ trong mấy năm gần đây. Nay tôi lại muốn ghi lại thêm chi tiết về một số kỷ niệm êm đềm với người mẹ yêu quý của mình, để cho các con tôi và các cháu con của mấy anh chị em của tôi có dịp hiểu biết thêm về người bà nội, bà ngoại của các cháu.
Lúc mẹ tôi mất vào năm 1952, thì tôi đã được 18 tuổi, đủ trưởng thành để ghi nhớ đày đủ về những lời mẹ tâm sự, chỉ bảo dẫn dắt cho mình trong suốt thời kỳ niên thiếu của tôi tại quê nhà ở làng Cát xuyên thuộc tỉnh Nam Định.
A – Lối cư xử thuận hòa của mẹ đối với họ hàng nội ngoại.
Mẹ tôi là trưởng nữ của ông bà ngoại, mà chịu thiệt thòi vì khi lớn lên, thì phải phụ giúp cha mẹ để chăm sóc các em. Do vậy mà không được đi học ở đâu cả. Bà có nói với tôi : “ Bà ngoại tính cho mẹ đi học chung với con gái của cụ Thượng Hoánh ở quê Lục Thủy, nhưng ông ngoại lại không muốn cho con gái phải đi xa gia đình. Vì thế mà mẹ đã không được đi học chung với các bạn ở quê ngoại…” Nếu mẹ tôi được đi học, thì sẽ học cùng với mấy bà cô của Bác sĩ Vũ Ngọc Hoàn.
Bà cụ còn kể là : “Hồi mẹ mười mấy tuổi, thì hay dẫn em là các cậu và dì đi chơi trong làng. Và bố của tụi con chú ý, tìm cách giúp đỡ việc này chuyện nọ. Do đó mà bố con gây được cảm tình đối với mẹ, và từ đó mà nên duyên vợ chồng…”
Mẹ còn nói là bà cảm phục cái tính tháo vát và cả quyết của bố tôi. Bà có lần dặn tôi như sau : “ Là người con trai, con phải tập được cái tính quyết đáp của bố con ấy. Bố con biết cân nhắc tính toán công việc đâu ra đấy. Và đến khi đã quyết định về chuyện gì, thì nhất quyết làm cho bằng được…”
Ông nội của tôi là thầy đồ dậy chữ nho, nên gia đình thanh bạch, chứ không được phong lưu sung túc, so với bên ngoại. Mẹ tôi có lần kể lại : “Bà nội con rất khéo dậy mấy cô chú. Mỗi khi nhà có khách đến ăn cơm, thì bà cụ không cần phải lên tiếng, mà chỉ cần nháy mắt ra hiệu là mấy cô chú biết ý ngay, để ăn nhín lại và nhường phần cơm cho khách…”
Bố tôi lại là trưởng nam, nên có trách nhiệm lớn đối với cả dòng họ, và như vậy mẹ tôi là con dâu trưởng thì cũng phải lo quán xuyến công việc của cả đại gia đình. Bà luôn giữ vững cái đạo làm con như lời bà ru hát cho lũ em của tôi, cụ thể như câu : “Thờ cha kính mẹ mới là đạo con”. Bà cô Lý Rụ hay nói với tôi : “ Mẹ anh rất cẩn thận, mỗi lần có việc phải về bên ngoại, thì bà đều nhắc nhở cô coi giùm việc này chuyện nọ trong nhà, dù lúc đó cô vẫn còn nhỏ tuổi. Và mẹ anh bao giờ cũng chỉ đi vắng một chốc lát thôi, để còn trở về lo lắng công việc nhà. Cô luôn nhớ cái đức tính đàng hoàng của mẹ anh lắm vậy đó…” Tôi thấy các cô em của bố tôi đều tỏ ra quý mến mẹ tôi, chứ không hề có chuyện gì căng thẳng gay cấn như dân gian thường nói về mối liên hệ khó khăn giữa ”người chị dâu với các em gái của chồng”. Chứng cớ là hồi phải chạy loạn Việt minh cộng sản năm 1951-52, thì mẹ tôi đã đến ở tại nhà bà cô Phó Tích tại thôn Phú Yên – Ngọc Cục cho đến ngày mẹ qua đời ở tại đó luôn vào cuối năm 1952.
Đối với bên ngoại cũng vậy, tôi thấy các cậu là em của mẹ, thì ai nấy đều quý mến mẹ tôi. Ông ngoại làm đến chức Chánh Tổng, gia thế cơ ngơi có phần tên tuổi uy tín trong vùng. Nhưng mẹ tôi không bao giờ tỏ ra kiêu kỳ hách dịch đối với bất kỳ một ai. Người hay lui tới chuyện trò với mẹ là cậu Lý Đạc là em kế liền với mẹ, tôi thấy hai chị em thường luôn rất tâm đắc với nhau. Hai cậu khác là cậu Tú và cậu Dung, thì cũng đều thuận thảo ăn ý với mẹ tôi. Là người chị cả, mẹ luôn biểu lộ sự yêu thương tận tình đối với các người em của mình.
Còn bà dì Tổng Huỳnh, thì dì mất khi tôi còn quá nhỏ, nên tôi không nhớ được chuyện nào của dì. Nhưng chú Tổng Huỳnh thì thường đến cư ngụ ở nhà tôi vào lúc thu hoạch vụ lúa mỗi năm hai kỳ, do các thửa ruộng của ông bà ngoại chia cho chú dì ấy.
B – Lòng Đạo hạnh sâu sắc của mẹ.
Mẹ tôi quả thật là người sống một cuộc đời rất đạo hạnh, khoan hòa nhân ái. Bà nêu một tấm gương tốt cho tất cả anh chị em chúng tôi là phải biết “mến Chúa và yêu người”, phải “giữ phép công bằng”, phải “có lòng bác ái”. Bà rất siêng năng đọc kinh vào các buổi sáng, trưa, chiều tối. Gần như lúc nào rảnh rỗi, mẹ đều thầm thĩ nguyện kinh. Sáng sớm, trước khi đến nhà thờ dự lễ, thì tại nhà mẹ cũng bảo tôi đọc mấy kinh, xét mình ăn năn tội. Và sau khi dự thánh lễ, mẹ thường ở lại đọc kinh tiếp ở nhà thờ, thật lâu sau rồi mới về nhà. Bà thuộc đủ mọi thứ kinh, nhờ có trí nhớ đặc biệt hơn người. Còn nhỏ tuổi, tôi cũng làm biếng chuyện cầu kinh y hệt như mấy người trẻ tuổi khác, nhưng vì yêu thương mẹ, nên bao giờ mẹ nhắc thì tôi đều đọc kinh theo với bà.
Lòng đạo hạnh vững vàng của mẹ như thế, thì được truyền lại cho các anh chị lớn tuổi, để rồi lan đến lớp em nhỏ chúng tôi. Tôi vẫn nhớ lời mẹ nhắc nhủ là : “Các anh chị lớn có bổn phận phải làm được cái tấm gương tốt lành để cho các em còn nhỏ noi theo. Phải biết thực hành cái chuyện “lá lành đùm bọc lá rách”…”Ở nhà có hai người yếu đuối bệnh tật, đó là chị Chắt và cô Thanh, thì các anh chị em đều thay phiên nhau chăm sóc chu đáo tận tình. Tôi rất cảm động với sự yêu thương đằm thắm của các chị Chỉnh, chị Cao và chị Bá đối với tôi, khi các chị còn sanh tiền. Các chị đã qua đời, nhưng cái tình đùm bọc âu yếm đó đối với các em, thì không bao giờ tôi lại quên được.
Nhiều buổi tối, tôi kéo võng cho mẹ, thì bà cụ tỉ tê chuyện trò với tôi về đủ mọi sự việc trong làng nước. Mấy lần bà cụ nhắc là : “Con xem gia đình đó ở trong làng mình, con cháu họ không sao mà khá được, bởi lý do là xưa kia người cha của họ làm ăn thất đức, chuyên cái nghề “xui nguyên giục bị trong các vụ kiện cáo”, chuyên “đâm bị thóc, chọc bị gạo” để ăn tiền cả hai phía. Vì thế mà bây giờ con cháu họ bị mắc “ cái nạn quả báo”, làm ăn thất bại không ngóc đầu lên được, mà còn bị mang tiếng xấu với làng với nước nữa…”
Bà cụ hay dùng những câu văn câu thơ có vần điệu mà dậy dỗ chúng tôi. Điển hình như câu : “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta. Đói cơm rách áo, hóa ra ăn mày”. Hay các câu : “Cờ bạc là bác thằng bần. Cửa nhà bán hết, mang thân vào tù”, “ Đói cho sạch, rách cho thơm”, “ Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau” v.v…
(Còn tiếp)
Tôi thật là người may mắn, vì được sinh trưởng trong một gia đình có cha mẹ là người hiền lành đạo hạnh. Tôi đã có dịp viết vài bài ngắn về cha mẹ của mình, nhân dịp ngày Lễ cuả Cha và ngày Lễ của Mẹ trong mấy năm gần đây. Nay tôi lại muốn ghi lại thêm chi tiết về một số kỷ niệm êm đềm với người mẹ yêu quý của mình, để cho các con tôi và các cháu con của mấy anh chị em của tôi có dịp hiểu biết thêm về người bà nội, bà ngoại của các cháu.
Lúc mẹ tôi mất vào năm 1952, thì tôi đã được 18 tuổi, đủ trưởng thành để ghi nhớ đày đủ về những lời mẹ tâm sự, chỉ bảo dẫn dắt cho mình trong suốt thời kỳ niên thiếu của tôi tại quê nhà ở làng Cát xuyên thuộc tỉnh Nam Định.
A – Lối cư xử thuận hòa của mẹ đối với họ hàng nội ngoại.
Mẹ tôi là trưởng nữ của ông bà ngoại, mà chịu thiệt thòi vì khi lớn lên, thì phải phụ giúp cha mẹ để chăm sóc các em. Do vậy mà không được đi học ở đâu cả. Bà có nói với tôi : “ Bà ngoại tính cho mẹ đi học chung với con gái của cụ Thượng Hoánh ở quê Lục Thủy, nhưng ông ngoại lại không muốn cho con gái phải đi xa gia đình. Vì thế mà mẹ đã không được đi học chung với các bạn ở quê ngoại…” Nếu mẹ tôi được đi học, thì sẽ học cùng với mấy bà cô của Bác sĩ Vũ Ngọc Hoàn.
Bà cụ còn kể là : “Hồi mẹ mười mấy tuổi, thì hay dẫn em là các cậu và dì đi chơi trong làng. Và bố của tụi con chú ý, tìm cách giúp đỡ việc này chuyện nọ. Do đó mà bố con gây được cảm tình đối với mẹ, và từ đó mà nên duyên vợ chồng…”
Mẹ còn nói là bà cảm phục cái tính tháo vát và cả quyết của bố tôi. Bà có lần dặn tôi như sau : “ Là người con trai, con phải tập được cái tính quyết đáp của bố con ấy. Bố con biết cân nhắc tính toán công việc đâu ra đấy. Và đến khi đã quyết định về chuyện gì, thì nhất quyết làm cho bằng được…”
Ông nội của tôi là thầy đồ dậy chữ nho, nên gia đình thanh bạch, chứ không được phong lưu sung túc, so với bên ngoại. Mẹ tôi có lần kể lại : “Bà nội con rất khéo dậy mấy cô chú. Mỗi khi nhà có khách đến ăn cơm, thì bà cụ không cần phải lên tiếng, mà chỉ cần nháy mắt ra hiệu là mấy cô chú biết ý ngay, để ăn nhín lại và nhường phần cơm cho khách…”
Bố tôi lại là trưởng nam, nên có trách nhiệm lớn đối với cả dòng họ, và như vậy mẹ tôi là con dâu trưởng thì cũng phải lo quán xuyến công việc của cả đại gia đình. Bà luôn giữ vững cái đạo làm con như lời bà ru hát cho lũ em của tôi, cụ thể như câu : “Thờ cha kính mẹ mới là đạo con”. Bà cô Lý Rụ hay nói với tôi : “ Mẹ anh rất cẩn thận, mỗi lần có việc phải về bên ngoại, thì bà đều nhắc nhở cô coi giùm việc này chuyện nọ trong nhà, dù lúc đó cô vẫn còn nhỏ tuổi. Và mẹ anh bao giờ cũng chỉ đi vắng một chốc lát thôi, để còn trở về lo lắng công việc nhà. Cô luôn nhớ cái đức tính đàng hoàng của mẹ anh lắm vậy đó…” Tôi thấy các cô em của bố tôi đều tỏ ra quý mến mẹ tôi, chứ không hề có chuyện gì căng thẳng gay cấn như dân gian thường nói về mối liên hệ khó khăn giữa ”người chị dâu với các em gái của chồng”. Chứng cớ là hồi phải chạy loạn Việt minh cộng sản năm 1951-52, thì mẹ tôi đã đến ở tại nhà bà cô Phó Tích tại thôn Phú Yên – Ngọc Cục cho đến ngày mẹ qua đời ở tại đó luôn vào cuối năm 1952.
Đối với bên ngoại cũng vậy, tôi thấy các cậu là em của mẹ, thì ai nấy đều quý mến mẹ tôi. Ông ngoại làm đến chức Chánh Tổng, gia thế cơ ngơi có phần tên tuổi uy tín trong vùng. Nhưng mẹ tôi không bao giờ tỏ ra kiêu kỳ hách dịch đối với bất kỳ một ai. Người hay lui tới chuyện trò với mẹ là cậu Lý Đạc là em kế liền với mẹ, tôi thấy hai chị em thường luôn rất tâm đắc với nhau. Hai cậu khác là cậu Tú và cậu Dung, thì cũng đều thuận thảo ăn ý với mẹ tôi. Là người chị cả, mẹ luôn biểu lộ sự yêu thương tận tình đối với các người em của mình.
Còn bà dì Tổng Huỳnh, thì dì mất khi tôi còn quá nhỏ, nên tôi không nhớ được chuyện nào của dì. Nhưng chú Tổng Huỳnh thì thường đến cư ngụ ở nhà tôi vào lúc thu hoạch vụ lúa mỗi năm hai kỳ, do các thửa ruộng của ông bà ngoại chia cho chú dì ấy.
B – Lòng Đạo hạnh sâu sắc của mẹ.
Mẹ tôi quả thật là người sống một cuộc đời rất đạo hạnh, khoan hòa nhân ái. Bà nêu một tấm gương tốt cho tất cả anh chị em chúng tôi là phải biết “mến Chúa và yêu người”, phải “giữ phép công bằng”, phải “có lòng bác ái”. Bà rất siêng năng đọc kinh vào các buổi sáng, trưa, chiều tối. Gần như lúc nào rảnh rỗi, mẹ đều thầm thĩ nguyện kinh. Sáng sớm, trước khi đến nhà thờ dự lễ, thì tại nhà mẹ cũng bảo tôi đọc mấy kinh, xét mình ăn năn tội. Và sau khi dự thánh lễ, mẹ thường ở lại đọc kinh tiếp ở nhà thờ, thật lâu sau rồi mới về nhà. Bà thuộc đủ mọi thứ kinh, nhờ có trí nhớ đặc biệt hơn người. Còn nhỏ tuổi, tôi cũng làm biếng chuyện cầu kinh y hệt như mấy người trẻ tuổi khác, nhưng vì yêu thương mẹ, nên bao giờ mẹ nhắc thì tôi đều đọc kinh theo với bà.
Lòng đạo hạnh vững vàng của mẹ như thế, thì được truyền lại cho các anh chị lớn tuổi, để rồi lan đến lớp em nhỏ chúng tôi. Tôi vẫn nhớ lời mẹ nhắc nhủ là : “Các anh chị lớn có bổn phận phải làm được cái tấm gương tốt lành để cho các em còn nhỏ noi theo. Phải biết thực hành cái chuyện “lá lành đùm bọc lá rách”…”Ở nhà có hai người yếu đuối bệnh tật, đó là chị Chắt và cô Thanh, thì các anh chị em đều thay phiên nhau chăm sóc chu đáo tận tình. Tôi rất cảm động với sự yêu thương đằm thắm của các chị Chỉnh, chị Cao và chị Bá đối với tôi, khi các chị còn sanh tiền. Các chị đã qua đời, nhưng cái tình đùm bọc âu yếm đó đối với các em, thì không bao giờ tôi lại quên được.
Nhiều buổi tối, tôi kéo võng cho mẹ, thì bà cụ tỉ tê chuyện trò với tôi về đủ mọi sự việc trong làng nước. Mấy lần bà cụ nhắc là : “Con xem gia đình đó ở trong làng mình, con cháu họ không sao mà khá được, bởi lý do là xưa kia người cha của họ làm ăn thất đức, chuyên cái nghề “xui nguyên giục bị trong các vụ kiện cáo”, chuyên “đâm bị thóc, chọc bị gạo” để ăn tiền cả hai phía. Vì thế mà bây giờ con cháu họ bị mắc “ cái nạn quả báo”, làm ăn thất bại không ngóc đầu lên được, mà còn bị mang tiếng xấu với làng với nước nữa…”
Bà cụ hay dùng những câu văn câu thơ có vần điệu mà dậy dỗ chúng tôi. Điển hình như câu : “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta. Đói cơm rách áo, hóa ra ăn mày”. Hay các câu : “Cờ bạc là bác thằng bần. Cửa nhà bán hết, mang thân vào tù”, “ Đói cho sạch, rách cho thơm”, “ Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ, chớ hoài đá nhau” v.v…
(Còn tiếp)