PDA

View Full Version : Dòng Tên Việt Nam: Hoạt động truyền giáo tại Đông Timor



Hoan Chinh
04-06-2008, 09:26 AM
“ĐỨC KITÔ SAI CHÚNG TÔI
ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG” (1 Cr 1, 17)

Phêrô Trương Văn Phúc, S.J.
và anh em SJVN tại Đông Timor
East Timor, một quốc gia vừa khai sinh vào đầu thiên niên kỷ thứ ba và là một trong những quốc gia trẻ nhất trên thế giới, có diện tích thật bé nhỏ chỉ 15.000 km2 và dân số chỉ vỏn vẹn 924.000 người. Người dân nơi đây hầu hết theo đạo Công Giáo (91,4% Công giáo; 2,6% Tin Lành; 1,7% Hồi Giáo, số còn lại theo Phật Giáo và Ấn Giáo). Đảo quốc này mang dáng dấp tựa hình đầu cá sấu, chính vì vậy mà người dân nơi đây coi cá sấu là tổ tiên của họ. Cá sấu hoang dã nơi đảo quốc này nhiều vô kể và cũng được người dân tôn kính, bảo vệ. Cư dân trên đảo quốc này có nhiều nhóm sắc dân khác nhau, với ngôn ngữ khác nhau trải dài từ bắc xuống nam, từ vùng ven bờ biển lên vùng trên đỉnh núi. Tuy vậy, trong giao tế hằng ngày giữa các nhóm sắc dân, người dân thường dùng tiếng Tetun làm ngôn ngữ chung.
Không biết từ thuở nào người dân Timor nơi đây đã trở thành những người nghèo đến cùng cực. Phải chăng cảnh sống cùng khổ của họ là hậu quả của hơn 400 năm (1512-1975) Bồ Đào Nha đô hộ? Hay là hậu quả của 24 năm (1975-1999) Inđônêxia chiếm đóng? Hay là hậu quả của những xung đột triền miên giữa những nhóm dân, giữa những đảng phái chính trị khác nhau đang có mặt trên đảo quốc này? Hay là hậu quả của thời tiết khô hạn khá khắc nghiệt [mùa mưa (mưa rất ít): từ tháng giêng đến tháng 6, mùa khô: từ tháng 7 đến tháng 12]? Công bình mà nói hoàn cảnh nghèo của người dân East Timor là hậu quả tổng hợp của tất cả các yếu tố tự nhiên, xã hội, chính trị vừa nêu trên. Người dân nơi đây nghèo về mọi mặt: biết bao làng mạc chưa có điện, chưa có giếng nước; biết bao gia đình chưa có đủ thức ăn hằng ngày, biết bao người chưa một lần cắp sách đến trường, biết bao “kitô hữu” dù đã nhận Bí Tích Rửa Tội, nhưng hiếm khi được dịp nghe “loan báo Tin Mừng” do thiếu vắng chủ chiên...

http://www.dongten.net/sjvn-web/images/208-209.jpg
Truyền giáo cho East Timor thoạt nghe qua như một lời nói đùa, bởi chưng đất East Timor đã từ lâu từng mệnh danh là Đất Công Giáo. Thế nhưng anh em chúng tôi đã hiện diện thực sự trên đảo quốc này trong tư cách là những nhà truyền giáo “xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi” (x. Eph 4,1), bởi chưng căn tính ơn gọi Giêsu hữu của chúng tôi là truyền giáo. Chúng tôi ý thức rõ ràng rằng: Chúa sai chúng tôi qua bề trên đến East Timor 'không phải để làm phép rửa nhưng là để rao giảng Tin Mừng' (x. 1 Cr 1,17). Ơn gọi của chúng tôi là trở nên những “cộng sự viên” của Thiên Chúa trong việc loan báo Tin Mừng Đức Kitô. Chúng tôi đến để khích lệ và làm cho đức tin của anh em East Timor được vững mạnh, khiến không ai bị nao núng vì các nỗi gian truân của họ ( x. 1 Tx 3,2-3).
Như thánh Phaolô xưa, ngày nay chúng tôi cũng cố gắng trở nên người nghèo Timor với người nghèo Timor để chinh phục người nghèo Timor về cho Đức Kitô ( x. 1 Cr 9,20.22). Sống giữa những người dân nơi đây, Chúa cho chúng tôi có rất nhiều cơ hội để “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Như bao người nông dân nghèo, chúng tôi cùng cầu nguyện với họ để xin Chúa cho mưa thuận gió hòa hầu ruộng nương đem lại kết quả tốt đẹp. Nhớ những ngày khô hạn, chúng tôi cùng dân hy sinh hãm mình cầu mưa và rồi Chúa cho mưa, mừng đến không sao ngủ được! Có những ngày chúng tôi cùng dân vào rừng chặt lá, đốn cây làm trường học, thật “trầy da tróc vảy” mới có thể có được túp lều tranh bé nhỏ cho các thiếu nhi có chỗ học hành. Năm vừa qua, khi toàn nước East Timor lâm cảnh thiếu hụt lương thực trầm trọng, cộng đoàn Suai của chúng tôi cũng có nhiều bữa ăn thân cây akar, gần giống cây dừa, hay ăn cháo tạm qua ngày như bao người dân địa phương khác. Chúng tôi theo Đức Kitô “trở nên giống anh em mình mọi đàng” (x. Dt 4,15) trong mầu nhiệm Nhập Thể. Cuộc sống của chúng tôi tuy có nhiều gian truân khốn khó, nhưng chúng tôi biết rõ mình đang theo Đức Kitô đến cùng. Trên đất nước nghèo này, tâm tình của thánh Phaolô ngày xưa hằng luôn nâng đỡ chúng tôi, khi chúng tôi nghe ngài chia sẻ: “tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4, 12-13).
Công việc của chúng tôi hiện nay chẳng có gì gọi là lớn lao cả. Chúng tôi phụ giúp các linh mục địa phương chăm sóc mục vụ cho dân chúng. Chúng tôi cũng đồng hành với các nhóm Chia Sẻ Lời Chúa. Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia trồng trọt trên nương đồng, qua đó có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp với dân địa phương. Chúng tôi ao ước dùng chính cuộc đời mình để làm chứng cho “niềm hy vọng Kitô Giáo” qua sự liên đới trong yêu thương phục vụ anh chị em nghèo khổ của mình. Như thánh Phaolô ngày xưa, chúng tôi cũng có thể nói với người East Timor rằng: “chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi” (1 Tx 2,8).
Mỗi ngày, khi mặt trời chưa ló dạng, chúng tôi lặng lẽ cử hành “phụng vụ con tim” (Liturgy of Heart) khi chúng tôi cầu nguyện riêng. Kế đó, chúng tôi cử hành “phụng vụ hội thánh” (Liturgy of the Church) khi cùng nhau dâng lễ. Phần còn lại của ngày sống, chúng tôi cử hành “phụng vụ cuộc đời” (Liturgy of Life) qua những công việc bày tỏ tình liên đới với người nghèo: cùng làm việc với họ trên nương rẫy, cùng dựng nhà, đào giếng, làm trường học... Chúng tôi luôn xác tín rằng: chính lúc cử hành “phụng vụ cuộc đời”, chúng tôi thể hiện đặc sủng I-nhã “chiêm niệm trong hoạt động”, đồng thời sống theo Lời Chúa trong thư Rôma: “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1). Chúng tôi cố gắng làm theo khả năng Chúa ban tựa như những tôi tớ trong cánh đồng với kẻ trồng người tưới, nhưng chính Chúa mới là người làm cho lớn lên (x.1 Cr 3,6-7). Chúng tôi luôn hy vọng rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi chúng tôi những công việc bé nhỏ nhưng tốt lành, cũng sẽ đưa những công việc ấy tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Kitô Giêsu quang lâm ( Pl 1,6).

http://www.dongten.net/sjvn-web/images/210-211.jpg