PDA

View Full Version : Chuyện kể từ vùng đất truyền giáo



Hoan Chinh
04-06-2008, 09:30 AM
Xin giới thiệu đến quý vị và các bạn những mẩu chuyện chia sẻ về truyền giáo tại Lào của một Thầy Dòng Tên. (đây là những lá thư mà tác giả gửi về cho anh em Dòng Tên Việt Nam)

NGÔI NHÀ TẠI LÀO
Anh em thân mến,
T đang ở toà Giám mục Paksê, T muốn tời ở ngay ngôi nhà Giám mục đã dành cho anh em mình, nhưng đúng là vô duyên bất tương phùng, mấy ngày nay Giám mục vắng nhà, phải đợi tuần tới mới gặp được.
Anh em đã biết chuyện ngôi nhà hoang rồi đó, một ngôi nhà mấy chục năm nay không người ở, nhưng lại có nhiều người hưởng lợi từ ngôi nhà hoang này, vì đây chính là chỗ lý tưởng cho những trận thua đủ của đá gà và đá cầu, hai tiệm bia trước mặt mỗi tuần bán cả nhà nhờ những cuộc sát phạt này.
Nay ngôi nhà đã lợp lại mái tôn và đã cho rào chung quanh, nhưng trẻ em người lớn vẫn phá rào vào chơi, dĩ nhiên không còn chỗ để nuôi gà, nhưng vẫn còn đá cầu, và có những người phá phách cho bõ ghét.
Đúng là ngôi nhà đầy bất ổn, nhưng dù sao thì cũng là ngôi nhà Hội Thánh dành cho anh em mình, và vì thế với con mắt thừa sai nhận định thì đâu dễ từ chối. tuy nhiên vì ngôi nhà còn nhiều bất ổn, T nghĩ là mình bước từng bước cẩn thận, nghĩa là mở rộng lòng và ngắm nhìn để nhận biết bàn tay Chúa từng bước dẫn đưa. Đứng trước hoàn cảnh còn mù mờ như thế, mọi dự định chỉ là phác thảo trong đầu thôi, việc chính vẫn là loan báo Tin Mừng, bước từng bước nhỏ, biết đâu lại mở ra cả một hành trình dài cho việc loan báo tin Mừng của anh em chúng ta.
Dù sao vẫn phải có những giải pháp nhất định, và giài pháp tức thời lúc này là đến ở như người thuê đất lập vườn ươm cây giống.
Giai đoạn đầu không biêt Chúa sẽ gửi ai đến với Tân, trong khi chờ đợi 6 tháng nữa sẽ có một người anh em đến với T, ban ngày T sẽ đào hố trồng cây dĩ nhiên là học tiếng Lào, và ban đêm sẽ có một người đến ngủ chung.
Tân dự định sẽ lập vườn Thanh Long, và tới mùa điều thì lập vườn ươm cây điều, cung cấp cây điều giống cho những ai cần, Tân sẽ phải nói chuyện với linh mục phụ trác giáo lý viên sắc tộc.
Chương trình dự tính là thế.
Trước mắt Tân nghĩ rằng cứ đến ở rồi sau đó sửa nhà, ngôi nhà có sẵn chỉ cần đóng ván ngắn nhỏ lại để ở tạm, nhà vệ sinh thì tạm thời ra sân cho đến khi làm mới ở trong nhà.
Việc sửa nhà thuộc Giám mục. Còn anh em mình lo trang bị bên trong, giường chiếu mùng mền chén bát bếp bàn ghế, hệ thống điện nước, và máy bơm cùng hệ thống nước tưới, phân bón, giống, xăng dầu, ăn uống... Tân mới nghĩ vậy thôi. Tất cả còn bỏ ngỏ phía trước, dù thiên thời địa lợi đã có, tất cả còn phải chờ nhân hoà.
Xin chào anh em.
mlsj

Hoan Chinh
04-06-2008, 09:31 AM
MÓN ĂN LÀO


November 11, 2006
Anh em thân mến,
Bữa nay thêm một ngày rãnh rang, T kể cho vui về các món ăn Lào xem có ngon không nhé !
Món đầu tiên là thứ gì ăn sống được là giã nát với ớt, chẳng hạn như đu đủ, chuối xanh, đậu đũa, khổ qua, trái cà, măng tre... một thứ hay nhiều thứ trộn lại rồi giã nát, thêm mắm muối chanh đường, và thế là ăn sáng trưa chiều tối gì cũng ngon hết. Nhưng mà nhớ là ăn với cơm nếp chứ không phải để ăn bánh mì đâu đó, trưa chiều thì cứ việc lấy thì xúc ăn, không cũng được, mấy ngày nay T ăn riết ghiền luôn.
Món thứ hai là món cheo, cũng ăn với nếp, món chính của Lào, chỉ cần cà nướng khô giã nát với ớt, thêm mắm muối. Không có cà thì thêm vài củ hành với ớt giã nát với muối là được, món này ăn chút xíu thôi, cay lắm.
Món thứ ba là món thịt hoặc cá xào rau. Dĩ nhiên thêm chút bột nếp với lá rau giã nát để có nước sệt sệt cay cay ngon lắm.
Trên đường đi T mua mấy hột gà luộc sẵn, bóc ra không thấy tròng đỏ đâu cả, thì ra người ra lấy ra khuấy đều với hành giã nát rồi cho vô lại vỏ trứng, hấp cho cứng, sau đó xâu vào que đặt lên lò than cho nóng. Hai đầu trứng có sẵn chút muối tiêu, thế là ăn ngon lành. Có điều không biết người ta khi trộn đều có lấy bột trong đó không mà thấy trứng chỉ hơi vàng chút xíu thôi.
Món ray luộc thì cứ để cả cọng dàu chứ không thái nhỏ như mình. Xu xu cũng luộc để miếng dài cắm cho tiện.
Mấy ngày nay T ăn nếp quen rồi, ăn nếp no lâu, không bị đói sảng như ăn cơm tẻ ở VN. Coi cái bụng T thích hợp với Lào rồi đó.
Cách ăn uống của Lào rất tự tiện, không cầu kỳ. Vì thế, nếu sống quen trên đất Lào thì không phải lo khâu nấu ắn, cứ ra ngang đường lượm mấy bịch đồ về ăn là xong: một bịch cơm, mấy cọng rau về luộc, miếp bắp sú với mấy trái cà, sang hơn nữa thì thêm miếng thịt nướng, một bịch rau sào sền sệt cay cay, nếu có sẵn mấy thứ rau ăn sống được là giã nát với chanh muối đường mắm, hũ cheo thì có sẵn trong nhà, thật là tiện biết chừng nào, và cũng bổ dưỡng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài nữa, anh em nghe kể có thấy thèm không?
Đời sứ vụ vui như vậy đó, ăn từng miếng ăn của vùng đất được sai đến với tất cả lòng quý mến, ngon lắm, ngon không tưởng được, vì tưng món ăn với từng miến cơm có bàn tay của Đấng đã sai mình đến đây, ngọt ngào và ấm áp quá phải không các bạn? từng bước mạo hiểm trên vùng đất là như đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa, ở đó tràn ngập sức sống và hy vọng.
Là người, là cảnh nhưng sao tất cả trở thành thân quen, mảnh đất này cũng quý người lắm, ở toà Giám mục Paksê có mấy chú chủng sinh bé bé, cả khách với chủ cùng bập bẹ nói cười, cứ như những trẻ thơ vào đời làm quen cuộc sống của nhau. Nhịp sống con người của những người con cứ như là bắt nhịp từ một khoảng không khác lạ và được thống nhất từ cái nhìn của Đấng đang ôm trọn tất cả trong vòng tay yêu thương.
Chính vì vậy, khi nghĩ đến ngôi nhà sắp đến ở, nơi đấy chứa đầy bất ổn, nhưng T nghĩ rằng chính những con người xa lạ kia trước sau gì cũng thân quen thôi, vì biết rằng mình được sai đến với họ, sống cho họ, có nghĩa là phải biết sinh ra cho họ nữa.
Thế đấy, tất cả mới chỉ là suy nghĩ thôi.
Chào bình an.


mlsj

Hoan Chinh
04-06-2008, 09:31 AM
BÊN SÔNG SÊĐON



November 22, 2006



Anh em thân mến,
Từ xa ngồi kể chuyện vui thôi
Mừng lễ Thánh Phanxicô
T xin tiếp tục câu chuyện ngôi nhà bên sông Sêđon
Ban đầu anh em nghe T kể đầy bất ổn, thế nhưng tất cả lại là Hồng Ân Chúa ban cho những ngày đầu trên đất Lào.
Tại vì chưa sống thì cứ lo đủ thứ, vấn đề an ninh đương nhiên là phải đặt lên hàng đầu, thế nhưng ngày T trình giấy thì cũng là ngày anh chàng ôm xúng lo giữ bình yên cho khu xóm và đặc biệt cho ngôi nhà này bị tước súng, bởi vì người lo giữ bình yên lại làm cho người khác không yên, và thế là cuộc sống trở lại bình yên được một mặt. Thế còn những chàng trai bị mất sân đá gà và quá bia bị mất mồi nhậu? từ từ rồi cũng phải chấp nhận thôi. Hàng rào bị phá, T cho rào lại, lần thứ nhất, rồi rào lần thứ hai, và nếu còn lần thứ ba nữa thì cũng lặng lẽ cho rào lại. Người ta quăng rác vào, ngày mai T sẽ lượm đốt, và sẽ còn tiếp tục lặng lẽ lượm đốt, làm tất cả bằng trái tim mở rộng và cặp mắt thân thiện. T nghĩ một tấm lòng mở rộng và cặp mắt thân thiện chính là lời loan báo Tin Mừng đầu tiên.
Hàng rào hôm nay cần khép lại cho một giai đoạn, để ngày mai rộng mở cho mọi người. Giáo điểm mà, khép kín sẽ trở thành pháo đài.
Hình như khi có T trên miếng đất này chính quyền cũng thích nữa. Bởi vì có người ở mới có thể dứt điểm sân đá gà với những cuộc ăn thua, nhậu nhẹt làm náo động khu xóm. Và thực sự khi xóm này đã trở nên yên tĩnh lạ thường, chỉ còn ít thanh niên hay đứng chơi ngoài đường.
Sáng nay Giám mục ghé Giáo điểm, ngài cứ đi tới đi lui cả buổi sáng, anh bạn của T mới nói nhỏ là Đức Cha thấy ngôi nhà này mê mệt rồi, không muốn về nữa. Mà thực, Ngài đến để coi ngôi nhà phải sửa làm sao, từ tổng thể khu đất đến chi tiết căn nhà, rồi so sánh giữa việc sửa lại nhà cũ hay xây mới, suốt một buổi sáng. Và cuối cùng Ngài muốn về đây ở luôn để nhường ngôi nhà hiện có cho chủng viện. Được quá, Đức Cha thích ở trên thì cứ ở trên, còn T ở dưới, và sơ đồ ngôi nhà được thiết kế lại, trên gác bao gồm nhà thờ và Giám mục ở phía sau. Bên dưới ngoài hai phòng của T và khách với khu sinh hoạt còn phải thêm vào cái bếp.
Thực ra, cả tuần lễ nay cha Thư vắng nhà, ngồi bàn ăn sáng tối chỉ có Đức Cha với T, vì thế cũng bắt đầu quen nhau.
Đặt chân tới ngôi nhà này, một ngôi nhà to lớn lại chỉ có một mình, T nghĩ cách kiếm người ở với mình, và đây, Chúa lại cũng dẫn đến cho một anh thợ mộc từ Việt Nam mới qua, là cháu của một ma soeur, anh sang làm việc trong thời gian dài, và T cũng chỉ muốn một mình anh ta thôi, để có người ở với mình lâu hơn. Tối nay thì có thêm hai thanh niên người Lào nữa đến đào hố trồng cây và phun thuốc, và cũng ngủ lại. Thế là căn nhà hoang bao năm giờ đã có ánh điện và hơi người, ấm hẳn lên.
Vui nhất là hai anh chị hàng xóm, sống bên cạnh ngôi nhà hoang nhưng lại ồn ào náo động ngày đêm, nay ngôi nhà hoang đã có chủ, và khung cảnh trở nên ấm áp, ấm áp cả nhà anh chị. Và chẳng cần phần chia, tự động chị lo nấu nước cho mọi người uống, cả thầy lẫn thợ.
Anh Thắng, một thợ sửa TV độc thân sống chỉ có hai bác cháu, anh là người quen từng đường đi lối bước, anh lăng xăng lo liệu mọi chuyện, kể cả mua sắm nồi niêu chén bát và đi chợ mua đồ ăn. Tội nghiệp những người đem TV tới cho anh sửa, cứ phải dài cổ đợi.
Thế đấy, đi từng bước chậm chạp, tương lai có thể là một hành trình dài.
Bình an, vâng, luôn bình an, vì Lời ban Bình An và Lời ban Thánh Thần còn mãi cho người môn đệ.

mlsj

Hoan Chinh
04-06-2008, 09:32 AM
3 tuần lễ

Trên đất Lào, vùng đất mới vừa mở ra một chân trời mới...


November 26, 2006



Trong lần gặp gỡ Đức Cha Paksê trước đây, ngài đã dẫn anh em tới xem một nhà trường, trên gác có nhà thờ, xưa kia là nhà thờ thánh Giuse, sau năm 1975 đã cho Việt Kiều làm trường Việt, và đã trao lại cho GH từ 3 năm nay, không người săn sóc, đã trở thành hoang tàn thê thảm, nhưng khu nhà hoang lại thuận lợi cho những người nuôi gà đá và tỗ chức đá gà, những trận cá độ cầu lông với đánh bun, và là nơi cho các tay máu me đen đỏ cờ bạc hội tụ, kể cả hút chích, ăn nhậu.
Rào lại có nghĩa là xóa sổ tụ điểm này, cũng có nghĩa là đem laị bình yên cho khu xóm.
Người có nhiệm vụ rào cứ rào.
Rào lưới, cắt lưới, rào tôn cắt tôn – tôn cũ không thôi.
Phải thuê an ninh Khu phố tới giúp. Dĩ nhiên, anh an ninh cả tuần mới ghé qua một lần, có giữ được ai, người lớn trẻ con chiều chiều và cả đêm tối vẫn vào chơi banh phá phách.
Đến sống nơi ngôi nhà đang trong cảnh như thế đúng là bất ổn.
Nhưng khi T tự hỏi mình là ai và được sai đến đây để làm gì, thì một câu trả lời vang lên tận đáy lòng :
Đơn giản anh là một thừa sai.
Trên đường thi hành sứ vụ, tôi không có quyền lựa chọn chỗ này hay chỗ kia, việc này hay việc nọ, bước đi vô điều kiện, đến những nơi tôi được sai đến.
Tôi đã nhận được một bài sai, nhưng đó là một bài sai không ghi rõ chi tiết, mà chỉ mở ra cho tôi một chân trời, con đường phía trước tôi chẳng hề biết trước mà vẫn phải bước tới.
Thế nhưng bên tôi luôn có một bàn tay vô hình dẫn đưa, và tôi luôn ý thức rằng Ngài sẽ nói cho tôi biết rõ từng bước con đường phải đi. Đấng phán dạy tôi bước đi cũng sẽ định liệu cho tôi tất cả.
Việc duy nhất tôi phải làm là ngoan ngoãn lắng nghe và đưa tay cho người dẫn đưa, sứ mệnh duy nhất tôi phải thực hiên là Loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong từng tình huống diễn ra trên hành trình...
Thế nhưng khi đặt chân tới TGM để xin qua ở thì Đức Cha lại đi vắng, còn cha Thư thì ngại ngùng muốn tôi đợi ĐC về, và thế là tôi có 1 tuẫn lễ rảnh rang rong chơi.
Nghe tin ĐC về, tôi vội về gặp Ngài, nhưng còn Ngài thì lại chẳng có vẻ vội vã gì, và cũng chẳng bận tâm về những chuyện bất ổn đang diễn ra trên khu đất. Chúng tôi trao đổi với nhau không nhiều, vì cà hai đều chưa rõ phải hoạch định ra sao.
Tuần lễ này cha Thư đi vắng, vì thế trên bàn ăn sáng tối chỉ có 2 người ngồi với nhau, nói với nhau về đủ thứ chuyện và có cả chuyện ngôi nhà, nhưng khi tôi đề nghị qua ở luôn bên đó thì Ngài bảo phải sau ngày 22 mới có giường. Cả tuần lễ tôi loay hoay bắt điện, câu nước, cho bít lại hàng rào và chôn trụ trồng thanh long, đồng thời trình giấy cho khu phố, và thật bất ngờ, mọi chuyện diễn ra êm ả. chị hàng xóm thấy tôi lên kế hoạch trồng cây hỏi nhỏ: bên VN thầy làm vườn hả, vâng tôi làm vườn, một người thợ trong vườn nho của Chúa, chứ còn trồng mấy cây này thì tôi mù tịt đấy.
Ban đầu tôi nghĩ mình phải giấu không cho ai biết mình là tu sĩ, mà chỉ là người được thuê giữ nhà, nhưng khi đến nơi, tôi lại phải ngang nhiên cho mọi người biết mình là ông thầy ĐC sai đến để dựng lại nhà thờ. Danh chính ngôn thuận, tôi là người của Hội Thánh, những người chung quanh ngôi nhà muốn biết như thế, và tôi cũng chỉ cần có thế, chứ ở cái xứ Lào này, người ta có biết ông thầy tu là thế nào đâu, một bà công giáo còn hỏi có vợ không? tôi chỉ cười trừ cho qua.
Tôi xin ĐC qua coi nhà để xem Ngài muốn sửa làm sao, nhưng cả tuần bận đi làm lễ các thánh trong các làng, trưa mới về đến nhà, và cuối cùng ngài hẹn sáng thứ hai, tôi cũng không ngờ với việc xem xét ngôi nhà mà phải mất trọn buổi sáng, để cuối cùng chấp nhận nguyên tắc vừa ở vừa sửa.
Vào một buổi sáng có 2 anh công an tới gặp để giúp tôi làm thẻ tạm trú, anh nói lơ lớ tiếng Việt hỏi tôi dựng chùa hả, vâng tôi đang coi sóc việc dựng lại chùa, chỉ cho anh thấy các trụ thanh long đang trồng, tôi nói việc của tôi ở đây là làm vườn và giữ chùa. Lại cũng đúng người đúng việc, trước mặt chính quyền, tôi là người lo tu bổ và canh giữ nhà Chúa, đồng thời trồng trọt và vun xới vườn nho của Người.
Thẻ cư trú làm rất lẹ, anh công an tới ghi, nói tôi đi chụp hình rồi gọi điện cho anh tới lấy, và buổi chiều anh đem lại 2 thẻ, một thẻ cho người đi lao động quyền cư trú 3 tháng, hết 3 tháng lai xin gia hạn, và một thẻ của bên công an. Thế là tôi có quyền ở đây như tất cả những người lao động khác, và ngôi nhà hoang ngày nào nghiễm nhiên có chủ. Tôi đã xin ĐC gọi nơi này là giáo điểm, nhưng nay ngôi nhà thờ xưa được tái tạo lại, nhân ngày lễ các thánh tử đạo Lào 24.11. Tôi lại xin ĐC cho gọi đây là nhờ các thánh tử đạo Lào, để tôn vinh những ngưòi con của đất nước này đã hòa quyện máu mình trong máu hiến tế của Chiên Con, và cũng để xin các Ngài phù trợ cho dân tộc mình hôm nay. ĐC cũng đồng ý, nhưng Ngài nhắc là phải khéo léo vì danh xưng này rất nhạy cảm đối với nhiều người.
3 tuần lễ trôi qua, ngày ngày tôi đạp xe từ TGM tới giáo điểm rồi chiều đạp về, lặng lẽ nhìn mọi người, cứ mỗi con người lọt qua ánh mắt, tôi đều xin với Đức Mẹ đặt họ bên cạnh Chúa Giêsu Con của Mẹ.


Và Chúa đã thực hiện biết bao điều lạ lùng…

mlsj

Hoan Chinh
04-06-2008, 09:32 AM
GIÁO ĐIỂM CÁC THÁNH LÀO

Mùa giáng sinh trên vùng đất mới

Lễ Giáng Sinh, những ngày ở trên đường.


9 January 2007
Quý Bác và anh
Tân kể chuyện những ngày ở Lào, vui vui thôi...
Tối 22 T lên xe từ Saigon đi Kontum, sáng 24 xuống Cam Lộ mừng lễ với ba con Vân Kiều, và sáng 25 lên xe qua Savannakhet, 11 giờ đêm tới Paksê.
Thế là mùa GS năm nay, T được sinh ra trên vùng đất mới, bắt đầu những ngày học để trở thành người anh em Lào.
T sẽ làm gì đây trên vùng đất này, cho những ngưòi anh em xa lạ quanh mình?
T muốn mở rộng vòng tay đón nhận tất cả, nhưng khi ngắm nhìn Hài Nhi trong máng cỏ, một trẻ thơ được ban tặng cho con người, T hiểu rằng, mình cũng phải để Chúa trao cho những nguời anh chị em kia, để từ đó mới biết cách đón nhận: sống cho con người, làm việc với con người, học ăn, học nói, học gói, học làm người, tay nắm tay, và rồi kể cho mọi người nghe câu chuyện Giêsu, Đấng đã sống đời làm người và làm con Thiên Chúa. dưới mai nhà Nagiaret.
Suốt tuần bát nhật, T vẫn ngủ tại TGM, sáng đi tối về.
Ngày 30.12, một ngày rất đặc biệt của giáo phận. 6.00 sáng, T theo xe TGM đi dự lễ truyện chức cho thầy Sucsavat, người đầu tiên chịu chức linh mục sau 36 năm giải phóng. gần 2.000 người từ khắp nước đổ về ngôi làng Khămpeng nhỏ bé, có cả một số linh mục và chủng sinh từ Kampuchia và Thái Lan qua cùng với sứ thần toà thánh, trước lễ tiến chức được dân làng đón rước từ gia đình về nhà thờ, đi đầu là kèn trống, rồi các bà các ông mặc lễ phục truyền thống, tiến chức ngồi vất vưởng trên xe bò có lọng che kẻ kéo người đẩy trong tiếng reo hò, múa ca xướng đáp thật hồn nhiên, vui lắm.
Vào thánh lễ, mọi người hòa chung bài ca nhập lễ. Giám mục Vientian hát hay và cũng hay hát, ngài liên tục đứng ra điều khiển ca đoàn cùng hát và cầu nguyện. Thánh lễ không có giọng oanh vàng của ca đoàn, tất cả là tiếng ca của mọi người, cùng cất cao lời kinh, có lúc trầm lắng đơn sơ tha thiết, và cũng có luc rộn rã vui tươi.
Sau thánh lễ là bữa tiệc mừng, tất cả đều được mời chung vui không kể lớn bé già trẻ. Món ăn Lào đơn giản mà vui, những đĩa thịt bằm, những tô thịt hầm, mọi người cứ thế đứng bốc ăn với nếp, đi tới mút cùng là món bún Lào cay ơi là cay, ngon thật là ngon...
Sáng mồng một, tân lm dâng lễ tạ ơn tại nhà thờ chính tòa, phép lành cuối lễ vẫn là Giám Mục, vì phép lành đầu tiên đã được trao ban ngay sau nghi thức lãnh tác vụ linh mục, trước khi cùng Giám mục dâng lễ đầu tiên.
Cũng sáng mồng một, T sửa soạn hành trang về ở nhà mới. ngay tối hôm trước, T đã xin phép ĐC, Ngài cho tự do muốn ở lại toà giám mục hay đi tùy ý, chỉ dặn hãy sống lặng lẽ cho đến khi được mọi người chung quanh chấp nhận. T tới ở nhà mới, gửi gắm tất cả trong tay Mẹ Thiên Chúa, như T đã từng gửi gắm xin Mẹ bao bọc che chở suốt 37 năm qua, kể từ ngày 1.1.70 ngày tuyên khấn lần đầu.
Mồng 1 tháng 1, ngày của Mẹ và của Con, ngày đầu năm mới, ngày để con tim nhân loại được uốn nắn cho hòa bình, và T bắt đầu cuộc sống mới trong ngôi nhà này, bên dòng sông Sêđôn đang cạn dần vì nắng nóng. Cùng sống và làm việc với T có 3 chàng trai trẻ Lào, anh lớn nhất 26 tuổi đã có vợ và 2 con, 2 người còn lại là 2 anh em, tuổi chừng 16, 20. Ngoài ra còn có anh thợ mộc người Việt với 1 xưởng mộc nho nhỏ. Công việc lúc này là dọn chỗ ở và sửa sang lại ngôi nhà thờ, một ngôi nhà tưởng như không cần thiết sau 32 năm cho mượn làm trường học và sau 3 năm bỏ phế hoang tàn. T muốn gây dựng thành một giáo điểm, nhà thờ và cũng là giáo điểm mang tên CÁC THÁNH LÀO.
Giai đoạn 1, T đã cho gỡ toàn bộ trần nhà, thay thế và bỏ bớt những cây bị mối ăn mà lại không cần thiết đối với một mái nhà tôn. Bữa nay đã đóng xong 2 gian trần nhà, cát đá gạch đổ sẵn đang đợi thợ xây đến ngăn phòng nhà ở, và nhà bếp, dưới sông đang gắn máy bơm, T bắt đầu cho trồng mấy cây soài và sabochê.
Lần đầu tiên trồng cây, cho mảnh đất hoang sơ mang màu xanh mới, T cận thận vun đắp và trao gửi nơi mỗi gốc cây một lời nguyện ước, lời kinh quen thuộc của T, vì biết rằng kẻ trồng người tưới không quan trọng, tất cả dựa cậy vào Đấng cho nó mọc lên.
Vâng, Giáo điểm là thế, tất cả dựa cậy vào quyền năng của Đấng làm nảy sinh hoa trái hôm nay và mai sau,


CHO VINH DANH CHÚA HƠN.

mlsj