PDA

View Full Version : Thai nhi không phải là một sự vật.



hongbinh
20-12-2010, 09:32 PM
Thai nhi không phải là một sự vật.


http://www.truyenthongconggiao.org/DesktopModules/TTONews/LoadImage.aspx?NewsPK=5413


Trong ảnh: Thai nhi 8 tuần tuổi
“Thai nhi không phải là một sự vật”



Phát biểu của Đức Cha Ornellas trong Nhật báo Chúa Nhật


TTCG (Rôma, thứ hai, 13/12/2010, Zénit.org) - “Dầu chúng ta có muốn hay không, thì thai nhi cũng không phải là một sự vật. Thai nhi thuộc về phạm trù của nhân vị”. Đức cha Pierre Ornellas, Tổng Giám mục Rennes, đã nhấn mạnh như thế trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải trên tờ Nhật báo Chúa Nhật (Journal du Dimanche) phát hành ngày 11/12/2010. “Khinh dể một con người bé nhỏ nhất, chính là mở cánh cửa dẫn ta vào sự âu lo”.

Trong khi mà các vị đại biểu Quốc hội phải biểu quyết (vào đầu năm 2011) một dự luật về Đạo đức Sinh học, thì Đức cha Ornellas, Chủ tịch Uỷ ban các Giám mục Pháp về Đạo đức Sinh học, lại quay về những chủ đề lớn trong chương trình nghị sự, chẳng hạn việc thụ thai có sự can thiệp của y học, hay mang thai cho người khác.

Được hỏi về việc thụ thai có sự can thiệp của y học, Đức Tổng Giám mục Rennes đã nhắc lại rằng việc này “không hề chữa trị được sự hiếm muộn”. “Người ta cố gắng chữa tạm. Có một cái gì đó quá ư lớn lao trong sự thụ thai của con người, nên kỹ thuật không thể nào thống trị được”.

Người cho rằng “tạo ra một hữu thể nhân văn ngoài cơ thể của người phụ nữ là một biến cố địa chấn”. Và người đã cảnh tỉnh chúng ta: “Ngày hôm nay, khả thể này là nơi phát sinh ảo ảnh. Người ta sẽ chọn lựa các đặc tính di truyền cho đứa con của mình: mắt xanh hay tóc nâu. Nguy cơ dẫn đến ưu sinh học và thương mại hoá là rất lớn”.

Đức Tổng Giám Mục nhìn nhận “sự đau khổ lớn lao” của những đôi vợ chồng không thể có con cái, nhưng ngoài ra, người cũng nhắc lại rằng “việc thụ thai có sự can thiệp của y học cũng gây ra những đau khổ khác”. “Nhiều đôi vợ chồng cảm thấy bức rứt khi thấy những phôi thai của mình bị để đông lạnh trong tủ. Để các phôi thai đông lạnh trong tủ là thiếu kính trọng hữu thể nhân văn”.

“Còn có một mâu thuẫn nền tảng mà ta không thể nào chấp nhận được: việc thụ thai có sự can thiệp của y học được thực hiện để mang lại sự sống, thế mà rất lắm khi những việc thụ thai ấy lại dẫn đến sự huỷ diệt sự sống của các thai nhi. Nước Đức và Ý đã cấm việc để đông lạnh các phôi thai, thế thì tại sao nước Pháp lại không cấm?”

Đức Tổng Giám mục Rennes cũng trình bày quan điểm của mình về việc chẩn đoán - nhất là chứng dị thường 21 (thặng dư nhiễm thể trên cặp đôi 21 có thể làm cho thai nhi khiếm khuyết về trí tuệ) nơi người phụ nữ mang thai. Người cắt nghĩa, việc chẩn đoán này có thể làm cho người phụ nữ “âu lo”. “Mong đợi một em bé là tin vui cho toàn xã hội, chứ không phải là một nguồn gây nên những vấn nạn có thể xảy ra. Chúng ta phải suy nghĩ lại những cách thức thử nghiệm ấy để phục vụ cho tin mừng này”.

“Những thử nghiệm ấy chỉ nói lên một nguy cơ ngẫu nhiên, nhưng không bao giờ phải là một nguy cơ 100%”. Người nói thêm: “Tôi đã biết có những em bé hoàn toàn khoẻ mạnh, những em mà người ta đã chẩn đoán là bất thường”. “Có những mối lo âu mà ta có thể vượt qua”.

Cuối cùng, khi được hỏi về những người mẹ mang thai hộ, người đã nhắc lại một tập tục “bất xứng với em bé sẽ phải chịu cảnh bị bỏ rơi, vì sau khi em được sinh ra, thì người ta đã tước đoạt em ra khỏi vòng tay của người mẹ, người mẹ mà em đã dệt nên những mối dây liên kết”. “Đó không phải là lòng vị tha, mà là việc sử dụng một người mẹ trong vòng 9 tháng. Tách một người mẹ ra khỏi đứa con mà bà đã cưu mang, ngay cả khi bà mẹ biết rằng đó là vì tìm một người mẹ khác, thì đó thật là một việc làm thô bạo”. Đức Tổng Giám Mục đã xót xa cho sự kiện này.

“Ở nơi đâu mà tập tục này còn hiện hữu, thì ở nơi đó vẫn còn có con đường để cho người giàu sử dụng người phụ nữ nghèo khổ. Còn em bé nghèo khổ không có cha mẹ thì sao? Việc nhận con nuôi mang lại cho em một gia đình. Điều này thật tuyệt diệu”. Và người đã quả quyết: “Tôi biết niềm hạnh phúc của những cha mẹ khi có được một đứa con nuôi”.

truyenthongconggiao.
G.B. Lưu Văn Lộc dịch