PDA

View Full Version : Chúa Nhật 10 Thường niên A: ĐỨC KITÔ ĐẾN ĐỂ CỨU, ĐỂ CHỮA LÀNH



caoduc
07-06-2008, 08:49 PM
Chúa Nhật 10 Thường niên A
ĐỨC KITÔ ĐẾN ĐỂ CỨU, ĐỂ CHỮA LÀNH
Hs 6, 3b-6; Rm 4, 18-25; Mt 9, 9-13



-----Các bậc phụ huynh trên 50 tuổi nếu sống với nghề buôn bán mà nhớ lại những năm thập niên 80 của thế kỷ 20 : mọi hàng hóa chỉ được phân phát với chế độ tem phiếu, mọi hình thức buôn bán thương mại tư nhân đều bị cấm. Các anh thuế vụ như mang hình ảnh của hung thần, lùng sục ở khắp mọi nẻo đường, bắt và tịch thu những hàng hóa mà bà con buôn bán, hay ít ra đóng thuế, hoặc phải ”đóng tiền bồi dưỡng” hay “hụi chết” để hàng hóa của mình được lọt qua các “ải thuế vụ”.

-----Tôi nhớ lại những khoảnh khắc buồn, lúc mẹ tôi bị mất trắng vì bị bắt khi buôn vải từ Châu Đốc về lại Sài Gòn, hay chị hai tôi sạt nghiệp vì toàn bộ số hàng hóa buôn bán tại địa phương bị tịch thu. Nhớ lại những khoảnh khắc, người ta bắt rồi lập biên bản “tạm giữ” khiến mẹ và các chị đi đầu này đến đầu kia nhờ vả để “chạy” lấy lại được vốn liếng mà cả gia tài đem buôn bán lấy được chút lời cho bữa cơm qua ngày... Nhưng rồi cuối cùng cũng về tay không khi từ hàng “tạm giữ” trở thành “tịch thu” không biết cho vào công quỹ hay là túi riêng vì chỉ có trời mới kiểm chứng!!!

-----Tôi nhớ lại lúc khoảng 12 tuổi, cùng mẹ đi buôn ở Châu Đốc, hay đi Bắc xuôi Nam với chiếc cặp nhỏ bên mình mà bên trong đựng tiền và vàng... để qua mặt các chú thuế vụ công an vì không ai có thể nghi ngờ được chú học sinh nhỏ bé tuổi 12, 13 ngây thơ như là đang trên “đường về thăm quê” hoặc từ “quê lên đường đến Sài Thành đi học” lại là “lái buôn nhỏ” theo mẹ... Lần nào tôi cũng lọt lưới các chú thuế vụ vì dáng vẻ “học sinh thăm quê”, mà thật sự là học sinh mà, có điều không phải về thăm quê mà theo mẹ buôn bán trong những ngày nghỉ hè.

-----Hình ảnh các chú thuế vụ ở Việt Nam chúng ta không đẹp chút nào, thời nay đã cải thiện đỡ hơn vì luật lệ có rõ ràng hơn chút. Nhưng với thời thơ ấu của tôi, với các mẹ, các cô: các chú thuế vụ quả là hình ảnh đáng ghét nhất vì là hung thần chặn đường ở bất cứ nơi đâu để “ăn tiền”, để “tịch thu”, và vì thế, các chú đã làm sạt nghiệp, gây cảnh nợ nần cho bao nhiêu gia đình... “Cái nghiệp” bị ghét bỏ đã theo với nghề thuế vụ là thế.

-----Người thuế vụ trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu cũng giông giống người thuế vụ ở Việt Nam chúng ta, vì bị anh em đồng bào mình khinh miệt do các anh ăn chặn của dân, hơn nữa lại là tay sai cho đế quốc Roma để bóc lột dân mình. Đối với người Roma, chắc họ cũng chẳng được kính nể gì vì dù sao cũng chỉ là lũ tay chân thực thi các chế độ thuế khóa của Roma... Họ là hình ảnh của những gì là xấu xa nhất, tội lỗi nhất, đáng khinh miệt nhất mà dân chúng coi đồng hạng với các kẻ cắp và các phụ nữ ngoại tình. Hơn nữa, những người Pharisiêu cho rằng: một người Do Thái ngoan đạo, không được giao du với những người bị coi là tội lỗi. Vì thế chúng ta hiểu thêm tại sao người Biệt phái cầu nguyện tách biệt và khinh chê người thu thuế, còn người thuế vụ thì không dám đến gần bàn thờ nơi Thiên Chúa ngự, vì sự bất xứng của mình, anh ta ở dưới cuối cúi đầu, đấm ngực ăn năn (x. Lc 18, 9-14).

-----Đã không nên ở gần, lại càng không bao giờ ăn uống cùng bàn với họ để khỏi bị lây nhiễm hoặc bị ô uế. Hôm nay Chúa Giêsu lại gọi người thu thuế Matheu theo Ngài để trở thành môn đệ, một hành động khiến người Do Thái không thể hiểu được. Vâng, một người xấu xa, dơ bẩn đó được đặt làm môn đệ, rồi chính Đức Giêsu lại đồng bàn với những kẻ thu thuế như là những người đồng hội, đồng thuyền với kẻ tội lỗi...: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế”. Theo phong tục Do Thái, khi cùng ăn uống với ai, đó là dấu hiệu một sự hiệp thông, một sự chia sẻ tư tưởng, tình cảm và là một cử chỉ thân thiết và quan tâm của mình đối với người được. Mời ai ăn cơm, là một vinh dự, tỏ ra muốn hòa bình, thân thiện tin tưởng và tha thứ (2 V 25,27-29). Cùng đồng bàn với người thu thuế, Đức Giêsu đã hòa mình với tội nhân để gắn bó sẻ chia...

-----Tất cả xuất phát từ mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Thiên Chúa:
Ngôi Lời - Con Thiên Chúa đã trở nên thân phận của con người, để đưa con người về với Thiên Chúa:
“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 14)-----Hơn thế nữa, Ngài đã trở nên như tội nhân để đưa tội nhân vào sự cứu chuộc. Vâng, chính Ngài đã chết treo trên thập giá với thân phận của một tội nhân, đồng hạng với tội nhân để cứu chuộc tội nhân. Sứ mạng của Ngài là để cứu độ tất cả, chữa những người bất hạnh trong đó có cả những tội nhân. Tội nhân biết nhìn nhận tình trạng thiếu thốn, tình trạng tội lỗi, để Đức Kitô - vị thầy thuốc đến cứu chữa (x. Mt 9, 12-13) như Ngài tuyên bố « Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất (Lc 19, 10). Chúng ta nhớ lại sắc màu tái tím cõi lòng của người thu thuế tại đền thờ, đã được Thiên Chúa cứu chữa và ông trở nên người công chính (x.Lc 18,9-14).

-----Giakêu, trưởng ty thu thuế ở Giêricô, với lòng thành muốn biết Chúa qua việc leo lên cây cao để được thấy Ngài, Chúa Giêsu đã viếng thăm và làm cho tâm hồn và gia đình được công chính khi ông quyết tâm làm lại cuộc đời (x.Lc 19, 1-10).

-----Người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình được dẫn ra trước mặt Ngài, Chúa Giêsu nhỏ nhẹ với từng lời nói với bà: "Chị hãy về đi, tôi không kết án chị và từ nay đừng phạm tội nữa" (x. Ga 8, 1-11) như là cử chỉ chăm sóc vết thương tâm hồn chị.

-----Tên trộm bị kết án tù và bị treo trên thập giá đã hướng về Ngài như hướng về sự thiện, Chúa Giêsu đã khẳng định ơn cứu độ đến với anh: "Hôm nay, anh sẽ ở cùng Ta trên Thiên Ðàng" (Lc 23, 43).

-----Trong Tin Mừng đã ghi lại những khoảnh khắc Đức Kitô đã ngồi cùng bàn với phường thu thuế, tiếp xúc với bọn đĩ điếm, kẻ tội lỗi (x. Mt 9, 10-13; Mc 2, 15 -17; Lc 5, 10. 7, 36-50. 15, 1-2. 19, 7). Họ là người bệnh người mang vết thương, Đức Giêsu đến chữa lành cho họ. Ngài sẵn sàng đồng bàn, nghĩa là cùng chia sẻ gánh nặng tội lỗi trên thân thể Ngài, mang nó lên thập giá và tiêu diệt nó nhờ cuộc phục sinh vinh hiển của Ngài (x. 1Cr 15, 26). Trên thập giá, Ngài xin ơn tha thứ những kẻ đóng đinh Ngài (x.Lc 23, 34).

-----Khi nghe tiếng gọi Đức Kitô, người thu thuế Matthêu đã bỏ tất cả để cất bước theo Chúa Kitô, bỏ cả một nghề nghiệp đang hốt bạc của người thu thuế, bỏ cả một quá khứ tội lỗi để Chúa Kitô thánh hiến trở thành môn đệ Ngài, cất bước chia sẻ với anh em mình trên con đường cứu độ. Bao nhiêu quá khứ không đẹp như những vết thương được Chúa Giêsu chữa lành.

-----Vâng, tôi và bạn, với thời gian bao nhiêu vết thương lòng, bao nhiêu khiếm khuyết bất toàn, bao nhiêu những yếu đuối tội lỗi, hãy chỉ cho Đức Kitô, để Ngài - vị thầy thuốc băng bó, chữa lành, và làm công chính, lúc đó chúng ta cảm nghiệm tại sao Thánh Phaolô chia sẻ: “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh (2Cr 12, 10)”. Nếu không có Ngài - vị thầy thuốc đến từ Thiên Chúa, chúng ta sẽ chết trong bệnh tật là tội lỗi, trong vết thương yếu đuối và khiếm khuyết của chính chúng ta như người Pharisiêu tự phụ công chính không cần ân sủng nên vẫn sống trong sự tội lỗi (x. Ga 9, 41).

-----Văn hào Nga Dostoievski, với những tác phẩm nổi tiếng như Tội ác và Hình phạt, Anh em nhà Karamazov, ông đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió. Sau một thời gian dài bị giam cầm vì lý do chính trị, ông bị kết án tử hình. Nhưng, như một phép lạ, vào giữa lúc sắp sửa bị hành quyết, ông bỗng nhận được lệnh tha. Từ trên chiếc máy chém nhìn xuống đám người đang đứng dưới chân mình, ông chỉ còn thấy họ là những người bị áp bức, những người nô lệ đáng thương. Dù họ có phạm tội ác tày trời đi nữa, tâm hồn họ vẫn là tâm hồn của những con người vô tội, do đó đáng được sự tha thứ. Với ông một lần bị đưa lên máy chém ấy cho ông hiểu rằng con người đau khổ, tất cả mọi người đều đáng cảm thông, thương mến (Trích Lẽ sống). Phải chăng, ông đã học nhìn được từ ánh mắt nhân từ của Đức Kitô, ánh mắt nhìn của “Thiên Chúa Không Thất Vọng Về Con Người”.

-----Xin cho con học được cái nhìn cảm thông, nâng đỡ đối với người anh em...

-----Và xin nơi chính con biết nhìn nhận sự thật về mình xin Đức Kitô đến cứu chữa...


Lm. Vinhsơn, Luxembourg - Bruxelles 07/06/2008
Email: vincentdung2003@yahoo.com.
Webside:Gia đình Thánh Tâm Việt Nam (http://www.thanhtamvn.com/)