PDA

View Full Version : Têrêxa Hài Đồng Giêsu : Hiến lễ cho tình yêu 1



hoathuytinh
14-09-2007, 09:37 PM
Têrêxa Hài Đồng Giêsu
HIẾN LỄ CHO TÌNH YÊU

CONRAD DE MEESTER
carme

Hơn ai hết, Têrêxa thành Lisieux đã hiểu được Chúa Giêsu khao khát hiến trao tình yêu Ngài cho ta đến ngần nào. Chị đã hành động để đáp lại với một nhiệt tình mênh mông.
Tập mỏng này là một bản giải thích “Kinh dâng mình cho Tình Yêu” của chị, một lời kinh tận hiến đượm nhuần Tin Mừng có ảnh hưởng sâu đậm và lâu bền trên linh hạnh Kitô-giáo.


Têrêxa Hài Đồng Giêsu
HIẾN LỄ CHO TÌNH YÊU

Lời mở

CON CÓ YÊU MẾN TA KHÔNG?

Ô! Quả là một câu hỏi lãng mạn giữa một ngày bề bộn công việc. Bạn đang gò lưng trên tập hồ sơ, đầu tắt mặt tối ở sở làm, đang di chuyển hay đang bận rộn lo bữa ăn cho con cái sắp sửa đi học về, vậy mà lại nghe câu hỏi ấy chạm đến tận đáy lòng: “Con có yêu mến ta không?”

Thực ra, đó là câu hỏi duy nhất có sức chiếu lên hoạt động của bạn một ánh sáng dịu êm bền bỉ. Bởi vì bạn sinh ra để yêu. Dù hình thù ra sao, con tim của bạn được tạo nên là để yêu.

Câu hỏi ấy đã được nêu lên trong Kinh Thánh. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã nêu lên câu hỏi ấy ba lần ( Ga 21), để chắc ăn là người ta nghe rõ. Đã hẳn Ngài đã nêu câu hỏi ấy cho một người nhất định, một ngư phủ là một người đã phủ nhận Chúa (pêcheur et pécheur). Thế nhưng Phêrô ấy tiêu biểu cho mỗi người chúng ta. Kinh Thánh nhấn mạnh rằng tất cả mọi người chúng ta đều được Chúa Giêsu yêu. Chẳng hạn thánh Phaolô, ngay cả khi còn chưa biết Chúa Giêsu nhiều hơn chúng ta ngày nay mà đã khẳng định rất ý thức về một mối tương giao liên vị với Đấng là Con Thiên Chúa: “Ngài đã yêu tôi và nộp mình vì tôi” (Gl 2, 20). Thật là một tin vui mừng không tin được! Chúa Giêsu đích thân yêu chính mình bạn và gọi bạn bằng chính tên của bạn: “Này Lan, Cường, Kim, Dũng, Hạnh...con có yêu mến Ta không?”. Cô gái trẻ Têrêxa Martin cũng đã từng nghe câu hỏi nhức nhối ấy vang tận đáy lòng. Chị đã nghe câu hỏi ấy khi bước trên những đường phố Lisieux, khi đứng trước những kỳ công thiên nhiên diễm lệ ở miền Normandie, Thụy sĩ, hay đang lúc chị rảo qua các thành phố mỹ thuật của nước Ý. “Tiếng kêu “Ta khát” của Chúa Giêsu trên thập giá vẫn liên tục vang vọng trong tâm hồn tôi. Những lời ấy đốt lên trong tôi một ngọn lửa sốt mến lạ lùng và mãnh liệt. Tôi muốn dâng một chút gì để giải khát cho Đấng Chí Ái. Chính tôi cũng cảm thấy bị nung nấu vì cơn khát các linh hồn. Chính Ngài đã ban cho tôi cơn khát mãnh liệt ấy, như là thức uống ngon ngọt nhất của tình yêu Ngài” (Một tâm hồn).

Không phải là chuyện tầm thường! Cuộc đời của Têrêxa được biến đổi nhờ cơn khát tình yêu. Chị quyết định chỉ sống vì điều ấy. Này con dâng mình cho tình yêu của Chúa!

Nôn nóng làm sao! 15 tuổi, cô gái láu lỉnh đã thành công trong cuộc vận động để được thâu nhận vào một trong những tu viện khắc khổ nhất. Nhiều người cho đó là một chuyện điên rồ, nhưng đối với cô gái bé nhỏ ấy, một khi đã khám phá được tình yêu của Chúa Giêsu rồi thì khác hẳn. Trong cô không một danh xưng nào vang dội sâu sắc cho bằng danh thánh “Giêsu”.

Hăm hở tiến bước, nhưng Têrêxa phải mất hơn bảy năm nữa mới hiểu được rằng, tự thâm sâu, yêu mến như chị quan niệm không phải là chuyện có thể thực hiện được bằng sức riêng của chính mình. Chỉ có Chúa Giê su mới có thể trao tặng cho chị quà tặng Giêsu.

Ngày 9-6-1895, lễ Chúa Ba Ngôi, lúc đã 22 tuổi rưỡi, Têrêxa mới hiểu được tất cả sự âu yếm của một Thiên Chúa đang khao khát muốn trao ban chính mình cho con người. Chị hoàn toàn tin cậy vào tác động của Chúa Thánh Thần, và thốt lên kinh dâng mình cho tình yêu xót thương. Từ ngày đó, đối với Têrêxa, tình yêu của Thiên Chúa tựu trung được gói lại nơi chữ “miséri-cor-dieux” (cor: trái tim, miséri: kẻ khốn cùng, miséri-cor-dieux: Trái tim Thiên Chúa thương xót nỗi khốn cùng của chúng ta. Đây là cách chiết tự theo sáng kiến của Têrêxa). Cho nên từ nay chị chỉ cần nói một cách đơn giản là “kinh dâng mình cho tình yêu”. Khi ấy, Têrêxa chỉ còn hai năm để sống trên trần gian, cho đến ngày 30-9-1897.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày chị qua đời, chúng ta dừng chân suy nghĩ về kinh dâng mình của chị, một kinh dâng mình đã có một ảnh hưởng mãnh liệt đầy sức khai phóng trên nền linh hạnh Kitô-giáo.

Đức Hồng y Pacelli mà sau này là Đức Thánh Cha Piô 12, đã nói: “Điều Têrêxa khám phá được chính là Tin Mừng, là trung tâm của Tin Mừng, nhưng với một vẻ duyên dáng và mới mẻ đến lạ lùng!” Đức Gioan Phaolô II, khi viếng Lisieux, cũng phát biểu: “Về Têrêxa, ta có thể nói cách thật xác tín rằng chính Thánh Thần Thiên Chúa đã cho phép trái tim chị trực tiếp mặc khải cho con người ở thời đại chúng ta về cái mầu nhiệm căn bản và là điều Tin Mừng thực hiện cho ta, đó là sự kiện chúng ta đã thực sự nhận được Thánh Thần của ơn nghĩa tử, khiến chúng ta được thốt lên: Abba! Lạy Cha!” (Rm 8,15).

Ước gì chị thánh Têrêxa làm sống dậy nơi chúng ta tiếng nói và ngọn lửa của Chúa Thánh Thần.

1. NGÂY NGẤT VÌ TÌNH YÊU

“Giêsu” là từ được nhắc đến nhiều nhất dưới ngòi bút của chị Têrêxa. Tiếp đó là động từ “yêu mến”, rồi danh từ “tình yêu”. Hai tiếng “con tim” cũng thế.

Đối với Têrêxa, “con tim” là chốn sâu thẳm, nơi những ý tưởng sâu xa của chị trào lên hay lắng xuống. Chính trong con tim, tình yêu của Chúa Cha được đổ xuống tràn đầy nhờ bởi Thánh Thần Ngài đã ban cho chúng ta (Rm 5,5). Chính trong con tim mà Têrêxa nhận biết Chúa Giêsu đang hiện diện nơi chị.

Bạn nghĩ rằng con tim bạn lại ít được Chúa Giêsu hiện diện hơn con tim chị thánh Têrêxa sao? Hay bạn nghĩ rằng ở đó không tiềm tàng cả một sự sống ẩn kín, quý báu, mang tính chất tương giao, đang chờ đợi được phát triển, được lớn lên chăng?

Chỉ có một điều là chúng ta không dám liều tiến xa hơn để truy xét lại lòng mình và dâng hiến nó cho Thiên Chúa. Những chuyện cụ thể trước mắt trói buộc chúng ta chặt chẽ quá! Còn Têrêxa thì đã sớm biết phiêu lưu vì Chúa Giêsu. Ngay từ tấm bé, chị đã cảm thấy được Chúa Giêsu cầm tay dắt đi.

KHÔNG BAO GIỜ BẠN ĐƯỢC AI YÊU NHƯ NGÀI YÊU BẠN

Chưa bao giờ Têrêxa đã khám phá tình yêu của Đức Kitô cách rõ rệt hơn buổi sáng ấy của mùa xuân 1895. Chị kể lại: “Vào năm ấy, ngày 9 tháng Sáu, dịp lễ Chúa Ba Ngôi, con đã được ơn Chúa cho hiểu biết rằng Chúa Giêsu ao ước được người ta yêu mến biết là dường nào!”

Têrêxa có khiếu nói về những sự việc cao siêu nhất bằng những lời lẽ đơn giản nhất. Tất cả hoặc gần như tất cả sứ điệp của chị được chứa đựng trong câu “Chúa Giêsu ao ước được người ta yêu mến biết là dường nào!” Thật là những tiếng nóng bỏng như lửa hồng! Chỉ cần lặp lại những tiếng này chừng mươi lần, một cách chăm chú, là bạn có thể cảm thấy lòng dâng lên một sự sốt sắng êm dịu, bạn sẽ nghe được tiếng Chúa gọi và thấy muốn trả lời.

Ở đây có một bí mật bất ngờ. Sự kiện Chúa Giêsu ao ước được bạn yêu đến ngần nào lại có nghĩa là Chúa Giêsu muốn yêu bạn đến ngần nào. Ngài yêu bạn. Ngài thông ban cho bạn tình yêu của Ngài.

Thế nhưng Chúa thường đụng phải những cánh cửa khép kín. Ngài không muốn cưỡng ép. Ngài rất tôn trọng trách nhiệm và tự do của mỗi người chúng ta, cho dầu vì đó mà Ngài phải đau khổ cho đến chết...

Vào buổi sáng ngày lễ Chúa Ba Ngôi ấy, Têrêxa đau đớn cảm nhận rằng Chúa Giêsu phải đè nén những cơn sóng cuồn cuộn của tình âu yếm vô biên đang dâng tràn trong Ngài. Ngài không tìm gặp được những tấm lòng quy hướng về Ngài. Tất cả đều quay đi nơi khác, đều bị lôi kéo bởi những tình yêu khác. Tình yêu của Đức Kitô bị bó buộc phải “ở lại” trong trái tim Ngài.

Têrêxa dùng từ thật hùng biện. Một đàng, trái tim chị se thắt đau đớn vì tình yêu của Bạn Chí Ai “không được nhận biết”, “bị vất bỏ”, “bị khinh bỉ”, trong khi Người Bạn ấy “ước ao” được nung đốt chúng ta, được “thiêu huỷ” chúng ta “đến ngần nào!” Ngài sẽ hạnh phúc biết bao khi được phung phí tình yêu vô cùng của Ngài cho nhân loại. Ngài “cần đến” những trái tim biết “hiểu” Ngài.

Đàng khác, con tim Têrêxa rộn rã vui mừng, như thể đang trải qua một cơn say thánh thiện, bởi vì chị “đã hiểu Chúa Giêsu khao khát được yêu biết chừng nào!” Kết luận hợp tình hợp lý không còn gì khác hơn là: “lao mình vào vòng tay Ngài”, “chấp nhận tình yêu của Ngài”, “hiến mình” cho ngọn lửa ấy, “sát tế” chính mình cho Tình Yêu, trở nên lễ vật diễm phúc của Ngài.

Têrêxa đã hiến mình để Tình Yêu có thể tự hiến mình, để Tình Yêu có thể hít thở bình an và trọn vẹn. Têrêxa hiến mình, bởi vì chị thích thấy Chúa Giêsu có thể yêu mến chị, phung phí tình yêu Ngài cho chị. Chị hiến mình để trái tim Đấng Chí Ái được vui và được sống.

TÌNH YÊU KHÔNG ĐÒI HỎI KHẮT KHE

Sáng ngày 9-6-1895, biết bao ý tưởng quay cuồng trong đầu óc non trẻ của Têrêxa.

Hẳn nhiên, trước hết là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm của hạnh phúc và viên mãn. Têrêxa đã mở đầu kinh dâng mình bằng một lời cảm thán: “Ôi, lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Vinh Phúc!” Khi khấn dòng, người thiếu nữ Kitô-hữu ấy đã dâng hiến vĩnh viễn cho Ba Ngôi Thiên Chúa, để triệt để gắn bó với bí tích rửa tội đã nhận, nay đã ngạc nhiên trước ơn ban khôn tả lạ lùng của Chúa Cha nên mới thốt lên: “Cha đã yêu thương con đến độ ban Con Một của Cha cho con, để làm Đấng Cứu Chuộc và làm Bạn Lòng của con!” “Đến độ ban cho con...”. Đó là tột đỉnh. Ngay cả Thiên Chúa cũng không thể đi xa hơn. Chính vì thế mà sáng nay tất cả chan hoà trong một ánh mùa xuân, sinh động, ánh sáng duy nhất chân thật.

Têrêxa không nhìn sự vật theo cách người ta thường trình bày ở thời đại của chị. Mới ngày hôm qua thôi, chị đã đọc bản luân lưu ghi tiểu sử của một chị người Pháp mới qua đời cách hai tháng, vào ngày thứ sáu tuần thánh. Chị này đã dâng mình “làm của lễ cho phép công thẳng của Chúa”. Ngay cho đến lúc hấp hối, chị này còn canh cánh bên lòng những xao xuyến âu lo về “phép công bình thẳng nhặt của Thiên Chúa”, bởi lẽ chị bị đè bẹp dưới cái ý thức rằng mình chưa “xứng đáng” đủ, và chị còn lo lắng để lập công thêm nữa...

Lễ Chúa Ba Ngôi, Têrêxa nghĩ đến người chị em quá cố và biết bao người khác giống như chị ấy, đã “dâng mình làm của lễ đền tạ phép công thẳng của Thiên Chúa”. Để xin Thiên Chúa thương xót các tội nhân, họ tình nguyện gánh chịu những hình phạt dành cho các tội nhân. Têrêxa viết cách trân trọng: “Con thấy sự dâng mình như thế thật cao quý và quảng đại, nhưng con không hề cảm thấy một chút khao khát nào muốn dâng mình như thế”. Vâng, đã từ lâu lắm rồi, Têrêxa quá rõ sự yếu đuối và nhỏ bé của mình! Làm sao chị có thể mang trên đôi vai mỏng dòn của chị những gánh nặng như thế được!

Nhất là vì Têrêxa đã được lôi kéo đi một hướng khác. Cách đó mấy tháng, chị đã chẳng khám phá ra “con đường nhỏ” đó sao? Con đường ấy không gì khác hơn là hoàn toàn tín thác vào lòng xót thương đầy sức thánh hoá của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ trở lại điều này, nhưng chắc chắn Têrêxa đã rõ ràng cảm thấy mình được kêu gọi “suy tôn” không phải sự công bình nhưng là lòng xót thương của Thiên Chúa, một lòng xót thương mà chị thấy mình đuợc ấp ủ tràn trề!

“Con nghĩ: Nếu mọi thụ tạo đều được ban những ân sủng như con, thì Thiên Chúa sẽ không còn bị ai sợ nữa, nhưng sẽ được yêu cho đến điên dại; và chính là nhờ tình yêu chứ không phải do sợ hãi mà sẽ không bao giờ còn một tâm hồn nào chịu làm mất lòng Chúa!” (TBTT).

Tại sao Thiên Chúa trao ban cho ta bao nhiêu là tình thương như thế? Điều ấy Têrêxa đã hiểu được ý nghĩa. Chị muốn tất cả cuộc đời chị, mọi tư tưởng, mọi cử chỉ của chị đều phải là một lời ngợi khen tín thác vào tình xót thương ấy. Đối với Têrêxa, sống tình xót thương ấy là tôn kính và bày tỏ tình xót thương ấy ra trong cuộc sống, chính là công việc cốt yếu Thiên Chúa đã tiền định cho chị thi hành. Đó là ơn gọi của bản thân chị.

Chị viết: “Con hiểu rằng các tâm hồn không thể giống hệt nhau. Cần phải có nhiều gia đình khác nhau để đặc biệt tôn kính từng sự trọn hảo của Chúa. Với con thì Chúa đã ban cho lòng xót thương vô cùng của Ngài và chính nhờ lòng xót thương ấy mà con chiêm ngắm và thờ lạy những ưu phẩm khác của Chúa!... Đối với con, mọi sự trọn hảo đều toả sáng tình yêu, ngay cả đức công bình đối với con cũng đượm tình yêu thương nữa. Thật vui sướng biết bao khi nghĩ đến Thiên Chúa là Đấng Công Chính, nghĩa là Ngài châm chước những yếu hèn của chúng ta và biết rất rõ sự mỏng dòn của bản tính chúng ta. Như vậy thì con còn sợ gì?” (TBTT)

YÊU VÀ KÍNH

Ở thời chị thánh Têrêxa, dường như người ta khiếp sợ khi nghĩ phải ra trình diện một Thiên Chúa Quan Toà, một Đấng đòi hỏi gắt gao, đòi người ta phải có thật nhiều việc lành, hy sinh và kinh nguyện mới mong được cứu độ. Thậm chí có nhiều người đã lãnh bí tích giải tội rồi mà vẫn áy náy không biết mình được tha chưa.

Thời chúng ta, nhờ ơn Chúa, ít còn gặp những người bối rối như thế. Thật ra, ngày nay tình cảnh lại đảo ngược. Ngay cả khái niệm về tội cũng thường bị tẩy xoá; tội lỗi được xem như vô hại... Sự kiện này hẳn đang gây những lệch lạc khác và đang làm giảm thiểu ý nghĩa của cuộc sống.

Ta đừng ngộ nhận về chị thánh Têrêxa. Bằng cả chứng từ cuộc sống và bằng bút tích của chị, chị đã là phát ngôn viên của lòng xót thương của Chúa, góp phần hữu hiệu vào việc thanh tẩy cái không khí ô nhiễm và đem lại một bầu không khí lành mạnh. Thế nhưng đang khi tin cậy vào lòng xót thương như thế, chị vẫn một mực vô cùng tôn kính sự thánh thiện của Thiên Chúa Toàn Ái. Đừng ngộ nhận! Chị Têrêxa không hề biến Thiên Chúa thành một người bạn bằng vai và dễ tính để có thể sống thoải mái, vô lo, không nghĩ ngợi.

(Còn tiếp)

Sưu tầm: www.GhPhuYen.com