PDA

View Full Version : Têrêxa Hài Đồng Giêsu : Hiến lễ cho tình yêu (2)



hoathuytinh
15-09-2007, 09:13 AM
Têrêxa Hài Đồng Giêsu
HIẾN LỄ CHO TÌNH YÊU

2. TÌNH YÊU ĐÃ CHỌN TÔI

Buổi sáng lễ Chúa Ba Ngôi ấy, như bị thúc bách không cưỡng lại được, Têrêxa đã hiến mình cho tình yêu xót thương. Phải chăng hoàn toàn do sáng kiến riêng? Ô, không! Việc chị hiến dâng chỉ là một phản ứng đáp lại sự trao ban vô cùng mến yêu của Thiên Chúa, là câu trả lời trước một tiếng gọi thúc bách, là hoa quả của một cái nhìn đã nhìn chị trước đó. Như chính lời chị nhận định: “Tình yêu đã chọn tôi”.

Thế nhưng đó cũng là sự chọn lựa hai chiều. Từ rất sớm, Têrêxa Martin đã quyết như thế: “Con chọn tất cả! Con không muốn làm thánh nửa vời” (TBTT, tr. 26). Chị đã nuôi những ước mơ thật lớn: “Con nghĩ rằng Chúa sinh ra con để được hưởng vinh quang... Ngài cũng soi cho con hiểu rằng vinh quang Ngài dành cho con thì mắt trần không thể thấy được, và vinh quang ấy cốt ở chỗ con phải trở nên một vị thánh lớn” (TBTT, tr. 62). Cô bé đầy tham vọng nhưng Chúa đã sớm chữa trị, ít ra là để cô khỏi kẹt vào cái ngộ nhận ngây ngô ban đầu: “Hồi ấy con chưa hiểu rằng muốn nên thánh phải đau khổ nhiều. Thiên Chúa đã sớm tỏ cho con biết điều ấy.” (TBTT, 63)

Têrêxa sinh ra trong một gia đình khá giả. Mất mẹ, Têrêxa được bù lại gấp năm bằng tình thương trìu mến của người cha yêu quý trong gia đình và của bốn người chị. Têrêxa có nhiều tài năng thiên phú, vừa có chí, vừa có lòng, thế nhưng lại vô cùng nhạy cảm. Sự nhạy cảm này đã bùng vỡ vì mẹ mất sớm, khi Têrêxa mới bốn tuổi. Phải mười năm sau chứng nhạy cảm ấy mới được chữa lành. Suốt một thời gian dài, chứng ấy đã khiến Têrêxa phải đương đầu với sự nghèo nàn và bất lực của mình.

Chính vào đêm lễ Giáng Sinh 1886, chứng ấy đã được chữa dứt hẳn: “Trong chốc lát, Chúa Giêsu đã hoàn tất một công trình mà suốt mười năm qua con không thể thực hiện được. Ngài đã hài lòng vì thấy con không ngơi có thiện chí... Con cảm thấy đức ái tràn vào lòng con, cảm thấy con cần phải quên mình đi để sống đẹp lòng mọi người và từ đó, con thật là sung sướng... Chỉ trong một chốc lát, Thiên Chúa nhân lành đã có thể lôi con ra khỏi cái vòng ích kỷ chật hẹp mà con đã từng loay hoay không biết làm sao thoát ra cho được.” (TBTT, t.88,90).

Được giải thoát khỏi chứng nhạy cảm quá đáng, không còn khép lại trên mình nữa, cô thiếu nữ triển nở về tâm linh rất nhanh. Tất cả đang ngỏ lời với cô, dường như tất cả đều đang mở ra với cô. Cô mở rộng cõi lòng đón nhận cuộc sống: tiếp xúc, đọc sách, du lịch hơn một tháng trên đất Pháp, Thuỵ Sĩ và Ý: “Con được vui hưởng cuộc sống êm dịu nhất mà các thiếu nữ trẻ trung có thể ước mơ. Tất cả sự vật xung quanh con đều hợp với sở thích con. Con được hưởng sự an nhiên tự tại to lớn nhất. Cuối cùng, con muốn nói lên rằng: Cuộc sống của con trên trái đất này thật là hạnh phúc lý tưởng.”

Một chúa nhật nọ, từ nhà thờ bước ra, Têrêxa như bị đảo lộn khi nhìn thấy ảnh Chúa Giêsu chết trên thập giá. Chị cảm thấy khao khát yêu mến Chúa Giêsu cách mãnh liệt và khao khát đưa mọi người đến với Chúa Giêsu. Chị đã nồng nhiệt cầu nguyện cho Henri Pranzini, một phạm nhân bị kết án tử hình vì đã giết ba người. Cuối cùng ngay trước khi bước lên máy chém, anh ta đã được ơn ăn năn thống hối.

Bây giờ thì Têrêxa đã sống ở bầu trời thứ bảy của tình mến! Cầu nguyện là cả một cuộc lễ vui, dù cho Đấng Chí Ai dường như vẫn còn ẩn mặt: Đây là lúc “không thể nào hoài nghi gì nữa, đức tin và đức cậy không còn cần thiết, tình yêu khiến ta gặp được ngay ở đời này Đấng mà ta tìm kiếm.” Têrêxa đã trích thơ thánh Gioan Thánh Giá để diễn tả con đường “thật thẳng và thật sáng” mà trong đó chị đang tiến vào:

Không một ánh sáng, không một kẻ dẫn đường nào khác,

Ngoài chút sáng đang cháy trong tim.

Chút sáng ấy đang hướng dẫn tôi

Chắc chắn hơn ánh sáng giữa trưa

Dẫn tôi đến nơi có người đợi tôi

Mà tôi đã biết rõ”.

Nơi ấy, đối với Têrêxa, chính là dòng Cát Minh. “Tiếng gọi thần thiêng ấy thật thúc bách, đến nỗi dù có phải băng qua lửa, con cũng sẵn lòng băng qua để được trung thành với Chúa Giêsu” (TBTT). Sau bao nhiêu lần thỉnh cầu và phải xin cả với Đức Thánh Cha, Têrêxa đã được nhận vào dòng kín lúc mới mười lăm tuổi ba tháng. “Con muốn dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Giêsu. Con chỉ muốn sống vì Chúa mà thôi”. Chị đã viết lên như thế một tháng trước ngày vào dòng kín Lisieux, ngày 9-4-1888.

CHINH PHỤC BẰNG SỨC RIÊNG...

Chúng ta trở lại với cuộc dâng mình của Têrêxa hiến thân cho tình yêu xót thương, ngày 9-6-1895. Têrêxa mở đầu lời kinh của chị bằng cách lặp lại niềm ao ước duy nhất của chị ba lần: “Con khát khao yêu mến Chúa và làm cho người ta yêu mến Chúa”, Con khát khao chu toàn ý Chúa cách hòan hảo”, “Tắt một lời, con khát khao nên thánh”. Lý tưởng nên thánh vẫn nguyên vẹn nhưng đã trở nên thực tế hơn: “nhưng con tự cảm thấy mình bất lực...”

Khoảng tám tháng trước đó, Têrêxa đã khám phá ra “con đường nhỏ” của chị. Khi mô tả cho ta khám phá lớn ấy, chị cũng mở đầu bằng việc nhắc lại niềm ao ước và nỗi bất lục cố hữu ấy của chị: “Con luôn ao ước được nên thánh, nhưng than ôi, con phải luôn nhận thật rằng, khi so sánh bản thân mình với các thánh, con thấy sự khác biệt giữa các ngài với con thật kinh khủng, tựa như là một ngọn núi cao vút trời xanh so với hạt cát vô danh bị dẫm đạp dưới chân khách bộ hành...” Chị đã phải mất sáu năm rưỡi trong đời tu mới nhận ra một điều hiển nhiên: với sức riêng mình, không ai có thể chinh phục được đỉnh núi thánh thiện.

Ngày mà, với trái tim rộn rã, chị bước vào ngưỡng cửa đan viện để yêu mến Chúa Giêsu cùng với cộng đoàn và để cứu vớt các linh hồn bằng kinh nguyện, chị chờ đón chịu đau khổ và đau khổ chờ đón chị: thiếu thốn vật chất, cô tịch tận cõi lòng, giờ giấc cầu nguyện đòi hỏi gắt gao... Thế nhưng, ngay giữa sa mạc, Đức Giêsu là mặt trời rực sáng: “Chỉ Giêsu mới là “có”, mọi thứ khác thảy đều là “không”. Hãy yêu mến Ngài đến điên cuồng! Ôi, hãy đọc ra tất cả trong ánh mắt Ngài nhìn!” (Thư 96)

Chắc hẳn, chị đã cảm nghiệm thế nào là nỗi yếu đuối của bản thân. Lắm lúc, chị không cảm thấy một chút vui thú hay can đảm nào, nhưng chính lúc ấy chị lại muốn yêu mến cách khiêm nhường hơn, tinh tuyền hơn, sâu đậm hơn và không ngừng bắt đầu lại. Chúa Giêsu có thể xin chị “tất cả, tất cả, tất cả”: chị gạch dưới ba chữ “tất cả” này cách cung kính hai lần, ba lần rồi năm lần! Chị sẽ yêu mến Chúa Giêsu “như chưa từng có ai đã yêu mến đến thế”. (Thư 74)

Dường như khi chị đã yêu đến thế thì không có gì là không có thể! Chị muốn sống thánh và sẵn sàng “chinh phục nó bằng võ lực” (Thư 89). “Hãy yêu mến, vì bản chất con tim chúng ta được dựng nên là để yêu! Đối với tôi, tôi không biết phương thế nào khác để đạt tới hoàn thiện hơn là tình yêu” (Thư 109).

Xin bạn hiểu cho: Tôi muốn nói tình yêu của tôi. Tình yêu rất, rất, rất quảng đại của tôi. Tình yêu của tôi sẽ làm giảm cơn khát của Chúa Giêsu. Một “tình yêu vô cùng, không có giới hạn nào khác ngoài Chúa, trong tình yêu ấy không còn con nhưng chỉ còn Chúa thôi, ôi Chúa Giêsu”. Đó là điều chị đã cầu xin trong ngày khấn, 8-9-1890.

ĐỨC KITÔ, TẤM GƯƠNG PHẢN ÁNH CHÚA CHA

Ngay từ lúc bước vào đời tu, Têrêxa đã phải trải qua một thử thách kinh khủng. Người cha thân yêu của chị, do bị xơ cứng động mạch não, đã mắc chứng thần kinh, bị quan niệm thời ấy cho là bệnh điên, và bị nhốt trong một trại tâm thần ở Caen, suốt hơn ba năm. Do không thể nào giúp đỡ và an ủi cha, Têrêxa vô cùng đau khổ. Chị đã phải cùng với cha uống “cái chén cay đắng nhất, nhục nhã nhất trong mọi thứ chén đắng cay”.

Trong thời gian cha bị bệnh như thế, đức tin chị trải qua một cuộc thanh luyện mãnh liệt. Ta đừng quên rằng lúc ấy Têrêxa chỉ mới 16 tuổi. Người cha của chị thật tốt lành, khôn ngoan và đạo hạnh, cho nên tự nhiên đôi mắt trẻ trung mới mẻ của chị đã nhìn cha như tấm gương phản chiếu hình ảnh Cha trên trời. Ấy thế mà giờ đây, đùng một cái, người cha ấy làm những điều tàng tàng vô nghĩa, có khi còn nguy hiểm nữa. Tấm gương như tan vỡ ra hằng ngàn mảnh vụn.

Trước đau khổ, Têrêxa đã kiên trì cố gắng để đứng vững. Chị muốn cho đi tất cả. Thế nhưng xen giữa những dòng chữ chị viết, ta có thể đọc thấy chị đã phải âm thầm đối diện với mầu nhiệm về Thiên Chúa. Chị đã cầu nguyện nhiều biết bao để điều bất hạnh ấy đừng xảy đến, thế nhưng lời cầu nguyện của chị có vẻ đã gặp phải thất bại.

Đầu óc suy tư bé bỏng của Têrêxa đã buộc phải đương đầu với những câu hỏi mà chị muốn đẩy lùi. Tại sao Thiên Chúa lại cho phép một thử thách lớn lao như vậy xảy đến cho một con người luôn thành tâm phụng sự Ngài?... Chắc hẳn người ta đã từng nói và Têrêxa cũng đã từng lặp lại rằng đau khổ là một đặc ân Thiên Chúa dành cho những bạn hữu Ngài yêu mến, và rằng trên trời mọi khổ đau đều sẽ được ân thưởng. Thế nhưng liệu có cõi trời thật không? Trong quyển tự thuật, có bao nhiêu chuyện Têrêxa đã không nói đến, thế mà chị đã phải mềm lòng thú nhận: “Lúc ấy, tôi phải chịu thử thách trong nội tâm về đủ chuyện, đến nỗi đã tự hỏi có một cõi trời hay không?” Đây là câu hỏi về đời sau mà về cuối đời sẽ lại dằn vặt Têrêxa dữ dội và, đáp lại, chị đã trao gởi nơi Chúa Giêsu một đức tin và một tình yêu tuyệt vời.

Trong giai đoạn này và một phần dưới sức ép của cơn thử thách ấy, chị dòng kín trẻ 16, 17 tuổi của chúng ta đã đến với Đức KiKitôtô cách mới mẻ. Chị đã khám phá ra “Thánh nhan” của đấng chịu hấp hối, một khuôn mặt bầm tím, khiêm hạ, đầy thương tích và nước mắt. Chị chiêm ngưỡng Đấng đã chịu bao nhiêu đau khổ rồi mới phục sinh. Ngay cả đối với Con Một yêu dấu của Ngài, Chúa Cha đã không ngăn cho khỏi đau khổ và sự chết. Đối với Têrêxa, mầu nhiệm ấy quả không hiểu được nhưng không còn hoàn toàn phi lý cũng không còn mâu thuẫn với Chúa Cha. Nhờ đó chị hiểu được Chúa Giê su đã đón nhận cái chết với một tình yêu trao ban, tha thứ và phó thác cho Chúa Cha trong một niềm tin tưởng sinh ơn cứu độ.

Từ một đức tin có thể nói là do cha mẹ để lại, Têrêxa đã bước sang một đức tin có tính cách bản thân, do chính chị đích thân đảm nhận cách đầy trách nhiệm. Đức tin của Têrêxa trở thành đức tin “Kitô” tự căn bản. Đức Kitô trở thành lý chứng mạnh mẽ nhất cho chị, đem lại sự chắc chắn cho chị. Chị không đòi hỏi phải biết Chúa Giêsu hơn chính Ngài. Trong kinh dâng mình cho tình yêu xót thương, chị sẽ sung sướng nhắc đến “Thánh Nhan” và “Trái Tim” của Chúa Giêsu, cũng như “lò khổ luyện” chị đã trải qua. Chị thốt lên cách trìu mến : “Vì Chúa đã yêu con đến nỗi trao ban Con Một của Chúa làm Đấng cứu độ con”



“Đức Giêsu bừng cháy tình yêu đối với chúng ta...hãy nhìn lên Thánh nhan đáng tôn thờ của Ngài. Hãy nhìn lên đôi mắt Ngài đã u buồn khép lại. Hãy nhìn những vết thương Ngài... Ở đó, bạn sẽ nhận ra Ngài yêu thương chúng ta biết bao.”

Lời chị thánh Têrêxa Lisieux
(Trích một lá thư viết năm 16 tuổi)

NHƯ NGƯỜI MẸ YÊU CON

Thất vọng là một trong những cám dỗ trầm trọng có cơ khiến ta bất trung với Tin Mừng. Bắt đầu từ những thử thách, có thể là những thất bại trong đời sống cá nhân, gia đình, chức nghiệp hoặc trong đời sống tông đồ. kết quả thì chậm chạp, các nỗ lực suy yếu dần. Lúc đó người ta có cám dỗ khép lại với mình, lao đầu vào hàng ngàn chuyện về vật chất cũng như vào sự thỏa mãn dễ dãi ở bất cứ chỗ nào có thể tìm được. Kinh nguyện bỏ bê, hầu như không còn gì. Người ta lìa xa khỏi “Nguồn”.

Người ta có biết bao lý do để tự nhủ như Thánh Phaolô: “điều lành tôi muốn thì tôi không làm, còn điều dữ tôi không nuốn, tôi lại làm... Ai sẽ giải thoát tôi?” Thế nhưng thánh Phaolô đã tìm thấy câu trả lời: “Nhờ ơn Chúa, đã có Đức Giêsu Kitô!” (Rm 7,19-25).

Têrêxa đã đi đến cùng một kết luận. Sau năm năm sống đời tu, chị nữ tu trẻ tuổi muốn chinh phục sự thánh thiện bằng vũ lực phải buông khí giới... Hay nói đúng hơn, chị thay đổi chiến lược! Từ nay nhờ chị ý thức sâu sắc về sự yếu đuối bẩm sinh của mình mà nhờ nghiệm ra rằng chị càng yêu mến Chúa của chị thì Ngài mãi mãi càng lúc càng đáng yêu mến hơn, cho nên chị biết rằng tự sức riêng mình, chị không thể nào đáp lại tình yêu Chúa cho thật cân xứng, và nhất là chị cũng hiểu rằng chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng để được Thiên Chúa yêu.

Khi được hai mươi tuổi rưỡi, chị viết: “Công phúc không cốt ở làm nhiều hay cho nhiều nhưng đúng ra là cốt ở đón nhận nhiều và yêu mến nhiều...” Chúa Giê su đã dạy cho Têrêxa biết đầu tư ở ngân hàng tình yêu, đúng hơn, phải nói rằng chính Ngài đầu tư cho Têrêxa... Phần Têrêxa thì chị cần phó thác, hiến mình trọn vẹn không giữ lại gì... Chúa Giêsu không dạy tôi đếm những việc tôi làm nhưng Ngài dạy tôi làm mọi sự đều vì yêu mến... mà điều đó phải thể hiện cách bình an, trong sự phó thác: “chính Chúa Giêsu làm mọi sự, còn tôi chẳng làm gì cả”.

Đây là lần đầu tiên Têrêxa dùng đến một danh từ mới, tóm tắt được tất cả: “sự phó thác”. Thế là chị đã tiến xa hơn trên “con đường nhỏ”. Cho đến nay, chị đã bước đi đúng hướng nhưng có thể nói là vẫn còn đi trong bóng tối, chưa hiểu tại sao con đường chị đi lại có hiệu quả tốt lành như vậy. Giờ đây con đường càng được soi sáng chị càng chạy nhanh hơn và sung sướng vui vẻ hơn.

Đó là điều chị khám phá vào mùa thu năm 1894. Ta hãy nghe chị kể lại làm sao mà chị đã khám phá được “con đường nhỏ, thật thẳng, thật ngắn, một con đường nhỏ hoàn toàn mới”.

Một ngày kia, Têrêxa rất xúc động khi đọc thấy lời này trong Kinh Thánh: “Ai bé bỏng hãy đến với Ta” (Cn 9,4). Chị cảm thấy lời mời gọi này dành riêng cho bản thân chị: sự bé nhỏ chẳng phải là vấn đề chị phải đương đầu khi ao ước trở nên vị thánh lớn? Thế là chị hiểu ra mình được kêu mời đến với Thiên Chúa ngay trong sự “bé nhỏ” của chị, ngay cả là “bé tí teo”.

Tiếp tục cuộc tìm kiếm và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Têrêxa đã bị đảo lộn khi đọc được lời Chúa hứa: “như mẹ hiền âu yếm con thơ, Ta sẽ vỗ về các con, Ta sẽ ấp yêu các con trong lòng, sẽ nâng niu các con trên đầu gối” (Is 66,12-13).

Ta hãy dừng lại một chút mà xem! Têrêxa trích dẫn đoạn văn ngắn ấy hai lần, và cả hai lần chị đều để lộ cho thấy chị hết sức xúc động vì lời ấy, chị viết: “A! không có một lời nào âu yếm hơn, du dương hơn, làm vui thỏa tâm hồn tôi hơn nữa” và: “Được nghe một ngôn ngữ như thế, chỉ còn cách là thinh lặng, là khóc lên vì biết ơn và yêu mến!”.

Tại sao chị lại xúc động sâu xa đến như vậy? Chính ở đây lần đầu tiên Têrêxa đọc thấy trong Kinh Thánh rằng Thiên Chúa yêu thương ta như người mẹ yêu thương con. Têrêxa rất mực nhạy cảm khi nghe nhắc đến tình mẹ! Chẳng phải là mới hơn bốn tuổi, Têrêxa đã phải mất mẹ, một người mẹ “khôn sánh” bị chết vì ung thư, đó sao?

Sự mất mẹ cách quá phũ phàng, ở cái tuổi đang hết sức cần tình mẹ để hình thành nhân cách, đã khiến Têrêxa bị chấn thương trầm trọng trong tâm hồn, mà mãi đến năm mười bốn tuổi mới được chữa lành nhờ một ơn đặc biệt trong đêm Giáng Sinh. Từ khi mẹ mất, Têrêxa bám lấy chị “Agnès” là người mẹ thứ hai, nhưng chẳng bao lâu chị lại vào dòng kín. Tiếp đó chị lại phải chia tay đau đớn với một người chị khác, có thể nói được là người mẹ thứ ba, chị Marie, cũng lên đường đi tu.

Giữa một tình cảnh như thế, Têrêxa đã đọc thấy rằng Thiên Chúa như một người mẹ đối với đứa con thơ! nên chi, chị đã kết luận: “Tôi phải nhỏ bé mãi, phải càng lúc càng trở nên nhỏ bé” đến độ trở thành em bé “bé tí teo” để được Thiên Chúa phủ đầy tình mẹ của Ngài.

hín chắn và thông minh, như một người con gái lớn của vị Thiên Chúa đã cho chúng ta được gọi là “Abba, Cha ơi!” (Rm 8,15), từ nay Têrêxa sống trong một niềm tin yêu của người con nhỏ đối với Thiên Chúa Cha và đối với Con Ngài là Đức Giêsu. Trong Đức Giêsu, chị sẽ ngợi khen “Người Cha hiền dịu nhất trên đời”, Người Cha “có tấm lòng yêu thương có tấm lòng yêu thương hơn cả tình mẹ”.

(Còn tiếp)

Sưu tầm: www..GhPhuYen.com