PDA

View Full Version : CHÚA ƠI, XIN DẬY CON CẦU NGUYỆN!



Ti_Amo
11-01-2011, 10:00 PM
CHÚA ƠI, XIN DẬY CON CẦU NGUYỆN!

http://thanhlinh.net/images/mary_pray2SM.jpg (http://thanhlinh.net/tailieu/ChuaOiXinDayChungConCauNguyen.htm)Lời Mở Đầu:
Rất nhiều người đặt câu hỏi: Cầu nguyện là gì? Cầu nguyện như thế nào? Tại sao lời cầu nguyện không được Chúa nhận lời? v.v... MLCN hân hạnh giới thiệu bài dịch về cầu nguyện sau đây nhằm giúp bạn thăng tiến trong đời sống tâm linh.

Cầu nguyện cần thiết cho đời sống tâm linh của chúng ta cũng như hơi thở cần cho sự sống tự nhiên của con người. Chúng ta không thể sống trọn vẹn cho Chúa nếu không có đời sống cầu nguyện lành mạnh, và cũng vậy chắc chắn chúng ta không thể hoàn thành bất cứ mục vụ nào nếu không có đời sống cầu nguyện liên lỉ.

1. ĐỊNH NGHĨA ĐIỀU KHÔNG ĐỊNH NGHĨA ĐƯỢC: CẦU NGUYỆN LÀ GÌ?

Khi bắt đầu chia sẻ một vài nguyên tắc căn bản, xin thú thực từ trong thâm tâm rằng có nhiều điều về cầu nguyện mà tôi tin rằng sẽ còn bí mật cho tới khi chúng ta trực diện với Thiên Chúa trên thiên đàng, như lời Thánh Kinh nói với chúng ta: “Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cor.13:12)

Mặc dù chúng ta có thể biết rất nhiều về cầu nguyện và có khả năng giảng dậy nhiều điều tuyệt diệu về đề tài đầy thích thú, đầy bí ẩn và đầy thắc mắc hóc búa nhưng hầu như không có câu trả lời cho thỏa đáng cả. Tôi tin chắc rằng mỗi người con Chúa đều có một số thắc mắc muốn hỏi Chúa về những tiềm ẩn của cầu nguyện và về những điều một người cầu xin nhưng chưa được đáp trả.

Dù vậy chúng ta biết đủ để có thể xây dựng và thực hành một đời sống cầu nguyện có kết quả để yêu thương và phụng sự Chúa với hết khả năng của chúng ta.

a) Cầu nguyện cần thiết cho các hoạt động tâm linh

Đó là sự diễn tả tâm linh của chúng ta với Chúa, mà chính ngài là Thần Khí. Đó là một sự kết hợp và hòa hợp tâm linh của thần trí chúng ta với Thần Khí Chúa. Là một sự gặp gỡ và kết hợp rạng ngời của thần trí chúng ta với Thần Khí Chúa. Đó cũng là một sự đàm thoại thiêng liêng giữa các thần khí. Tâm linh nhân loại hòa hợp và trò chuyện thân mật với Thần Khí Chúa, và khi đó Chúa ở với chúng ta. Ước gì tôi có thể làm sáng tỏ sự kiện này để bảo đảm cho bạn hiểu cặn kẽ và biết ơn về điều này.

Cầu nguyện không phải là một hoạt động của trí tuệ. Cầu nguyện đích thực không phải là sản phẩm của tri thức con người hay các khả năng thuộc về trí tuệ, mặc dù tri thức và tư tưởng của chúng ta có góp phần trong việc cầu nguyện. Cầu nguyện là sự kết hợp của thần trí chúng ta với Thần Khí của Chúa trong hoạt động sáng tạo của sự đàm thoại tâm linh giữa con người và Thiên Chúa.

Thần trí là trọng tâm của thân xác con người chúng ta. Đó là thần khí thiêng liêng thuộc phần trong của con người chúng ta. Chúng ta là những sinh vật linh thiêng cần thiết và quan trọng được bao bọc bởi thân thể bên ngoài, và trí tuệ chi phối các hoạt động thân xác chúng ta. Trừ khi tâm linh của bạn gặp gỡ Chúa, đàm thoại với Chúa và Người ở với bạn, nếu không thì bạn chưa thực sự cầu nguyện một cách đích thực.

b) Cầu nguyện là “đến gần bên Chúa“

“Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em.“(Gc 4:8)

Khi cầu nguyện là chúng ta để qua một bên tất cả những bận rộn của cuộc sống, và chỉ chú tâm hoàn toàn vào Chúa. Đó là hành động có ý từ bỏ mọi điều cần và đòi hỏi sự chú tâm của chúng ta, để chúng ta có thời giờ với Chúa. Đôi khi đìều này rất khó thực hiện đối với người làm công tác mục vụ, vì chúng ta hay lý luận rằng suốt đời chúng ta tận tụy làm việc Chúa, và những điều đòi hỏi sự chú tâm của chúng ta tất nhiên cũng nằm trong ước muốn của Ngài. Thật đáng buồn bởi vì bận rộn với công việc của Chúa mà hầu như chúng ta có rất ít hoặc không còn thời giờ để gần Chúa trong cầu nguyện. Đây là một cái bẫy tinh vi và nguy hiểm mà nhiều mục tử nhiệt tâm, thiện chí đã sa vào. Đó cũng là “nguy hiểm nghề nghiệp“ trong mục vụ mà vì chúng ta quá bận rộn trong các công việc của Chúa để đến nỗi chểnh mảng, lơ là việc cầu nguyện, thờ phượng riêng tư với Chúa. Như vậy là chúng ta đã bỏ ra nhiều thì giờ để phụng sự Chúa nhưng hầu như lại chẳng có thì giờ bầu bạn với Ngài.

C) Cầu nguyện là dùng thì giờ qúi báu với Chúa.

Cầu nguyện hầu mang lại hiệu qủa không thể làm qúa vội vàng. Hiển nhiên những lúc tột cùng thì chỉ trong một tíc tắc ngắn ngủi thôi, cầu nguyện vẫn có kết qủa. Chẳng hạn như khi chúng ta gặp phải tai nạn bất thần xẩy ra và kêu xin với Chúa, Ngài nghe lời ta và cũng đáp trả ngay tức thì. Tuy nhiên, như là một quy luật chung để thực hành cầu nguyện cần có thời gian và không nên vội vàng. Bởi vì những lời khi ta cầu nguyện không nhiều bằng điều Chúa muốn nói với ta, và cả những gì Chúa muốn hoàn thành nơi chúng ta khi chúng ta đứng trước nhan Ngài với thái độ đầu phục và phó thác là việc mà cầu nguyện đích thực đòi hỏi nơi chúng ta.
Cầu nguyện riêng tư rất quan trọng đến độ chúng ta phải đặt lên hàng đầu mọi ưu tiên trong những việc chúng ta làm, sự quan trọng của nó khiến bất cứ việc gì khác cũng phải đứng sau danh sách làm việc.

d) Cầu nguyện là đối thoại hai chiều.

Điều người ta thường hiểu lầm nhiều nhất về cầu nguyện là mang ý nghĩ rằng "cầu nguyện là cuộc trò chuyện với Chúa “. Tư tưởng này nguy hiểm ở chỗ nó chỉ đúng một phần thôi, nhưng không hoàn toàn là như vậy. Hiển nhiên về một phương diện, mà là phương diện quan trọng, cầu nguyện là truyện trò với Chúa. Nhưng vế bên kia của phương trình thì cầu nguyện cũng là dịp để Chúa nói và chia sẻ tâm tình với chúng ta. Phương diện sau này quan trong hơn (vì khi cầu nguyện là chúng ta đi tìm ý Chúa nơi chúng ta, không phải tìm ý chúng ta nơi Chúa). Những gì tôi nói với Chúa không quan trọng. Nhưng quan trọng là NHỮNG GÌ CHÚA NÓI VỚI TÔI. Cho nên khi bạn bước vào nơi chốn và thời gian cầu nguyện, hãy đi với tâm tình rằng bạn cần làm nhiều hơn là chỉ nói với Chúa; bạn cần có thời giờ chờ đợi Chúa, lắng nghe Chúa, và hiểu điều gì Chúa muốn nói với bạn.

e) Cầu nguyện là chia sẻ tâm tình với Chúa.

Kinh Thánh thường nói “Mở hết trái tim ra cho Chúa “. Vua David là một thí dụ điển hình và Thánh vịnh 51 minh chứng rõ ràng nhất. Rất nhiều lần vua David thấy lòng bối rối với những khó khăn phiền muộn trong đời, và chính những lúc ấy Vua khôn ngoan đến trước nhan Chúa và nói:
"Từ cùng cõi địa cầu, con kêu lên Chúa, tâm thần đang mòn mỏi rã rời. Trên tảng đá kia cao vòi vọi, xin Ngài dẫn con lên." (Tv61:2) Những lúc đó David thổ lộ hết tâm tư với Chúa. Vua mở hết trái tim ra kêu cầu Chúa lắng nghe. "Lạy Chúa Trời, xin lắng nghe lời con cầu nguyện, con khẩn nài, xin đừng nỡ làm ngơ, xin để ý đến con và thương đáp lại". (Tv 55:22)

f) Cầu nguyện là phải chờ đợi Chúa.

David thường tạo thói quen “chờ đợi Chúa “. Điều này cho thấy ngay là ta không thể vội vàng đến với Chúa rồi cũng vội vàng rời xa thánh nhan Chúa, nhưng tốt hơn là hãy có đủ thì giờ để kiên nhẫn chờ đợi Người. Quan niệm chờ đợi nói lên cung cách của một tôi tớ hay một tiếp viên kiên nhẫn và khiêm tốn chờ lệnh của Chủ. Anh ta đứng kiên nhẫn chờ tới lúc thích hợp Chủ ra lệnh hoặc tỏ ra ý muốn của ông. (Những giây phút thinh lặng chờ đợi Chúa nói với bạn nói lên lòng trung thành của bạn trong cầu nguyện).

g) Cầu nguyện là phục tùng Ý muốn của Chúa.
Thực hành đích thực của cầu nguyện là một hành động vâng phục Chúa. Lý do chính mà chúng ta cầu nguyện là vì chính Chúa truyền cho chúng ta hãy làm như vậy. Nên khi chúng ta đem con người mình tới trước nhan Chúa để cầu nguyện, chúng ta hãy làm với một tinh thần đầu phục và phó thác cho Thánh Ý Chúa. Chỉ một thái độ này thôi cũng đủ là lý do chính đáng để cầu nguyện rồi. Tâm hồn chúng ta cần được canh tân trong việc đầu phục Chúa và tuân phục Thánh Ý Ngài.

2) TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI CẦU NGUYỆN?

a) Bởi vì Chúa muốn chúng ta đồng hành với Người.

Đây là khía cạnh đáng chú ý nhất trong chương trình cứu độ lớn lao của Chúa, đó là một Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng tạo dựng và làm chủ vũ trụ bao la lại tự hạ mình xuống để trò chuyện với một trong những thụ tạo nhỏ bé nhất của Ngài tạo dựng nên. Thiên Chúa hằng hữu dành thời gian và nỗ lực để trò chuyện thân mật với một người chẳng là gì như bạn và tôi. Ngài còn chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt trong từng giây phút ngắn ngủi của cuộc đời chúng ta và sẵn sàng truyền đạt với chúng ta về những chi tiết này. Tôi luôn luôn ngạc nhiên về những ân huệ kể trên, và do đó trong tôi dấy lên niềm kính sợ Chúa sâu xa.

b) Bởi vì chúng ta cần hạ mình xuống khi cầu nguyện.

Cầu nguyện là linh thao mang lại lợi ích tâm linh, vì khi đến với Chúa chúng ta khiêm nhường trước nhan Thánh Ngài, nhận biết sự hiện diện của chúng ta là cần tới Ngài vì chúng ta bất lực không thể làm được điều gì cho có ý nghĩa, nếu không có sự giúp sức của Ngài. Trong cầu nguyện, chúng ta tự coi mình như thái độ của những tôi tớ đứng đợi lệnh chủ. Chúng ta hạ thân phận và những khả năng của con người xuống bằng cách tự đặt mình dưới chân Chúa trong khiêm nhường, đầu phục và cầu xin.

c) Bởi vì chúng cần rèn luyện tâm hồn chúng ta khi cầu nguyện

Cầu nguyện là một hoạt động tâm linh cho nên cần có một sự rèn luyện xác thịt của chúng ta hầu có thể thi hành được. Bản tính con người tự nhiên là không cảm thấy hứng thú trong việc cầu nguyện, ước muốn và khuynh hướng của con người cần được rèn luyện hầu mang tới sự đầu phục để biết dành thì giờ cầu nguyện trước nhan thánh Chúa. Sự thực hành rèn luyện này rất cần thiết cho việc tăng trưởng và phát triển tâm linh. Chúng ta làm cho tâm linh con người được phong phú mỗi lần chúng ta cầu nguyện sốt sắng với Chúa.
d) Bởi vì chúng ta cần nhận biết và bày tỏ sự lệ thuộc của chúng ta vào Chúa.

Hành động đến trước nhan Chúa trong cầu nguyện là nói lên sự lệ thuộc của chúng ta vào Chúa, và vì chúng ta yếu đuối, là cành nho nên chúng ta phải lệ thuộc vào cây nho là Chúa. Mỗi lần chúng ta tìm Chúa và đến với Ngài bằng con người và những nhu cầu của chúng ta, là chúng ta tỏ cho Ngài biết chúng ta lệ thuộc vào Ngài. Đó là một hoạt động hữu ích giúp chúng ta luôn có thái độ khiêm nhường chính đáng với Chúa.

e) Bởi vì khi cầu nguyện chúng ta cần từ bỏ chính bản thân mình.

“Kẻ nào muốn làm môn đệ ta, kẻ ấy hãy từ bỏ chính mình mà vác thánh gía theo ta.” (Mt16,24). Cầu nguyện có ý nghĩa luôn đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ chính mình. Trong cuộc sống có rất nhiều điều chúng ta cần phải làm hơn là dành thì giờ cho cầu nguyện, vì vậy để có thì giờ và cơ hội cầu nguyện, chúng ta phải từ bỏ mình. Làm được như vậy là chúng ta đã đáp ứng điều Chúa Giêsu muốn nơi mỗi môn đệ đích thực.

f) Bởi vì cầu nguyện là khía cạnh cần thiết trong mối liên lạc của ta với Chúa.

Chúa Giêsu luôn là một thí dụ và là gương mẫu toàn thiện nhất trong việc cầu nguyện của chúng ta. Kinh Thánh ghi lại cuộc đời Chúa khi còn ở trần thế cho thấy Ngài luôn luôn trung thành cầu nguyện cùng Chúa Cha. Nhiều lần, chúng ta thấy Chúa Giêsu lui khỏi các hoạt động, khỏi đám đông dân chúng, và ngay cả các môn đệ của Ngài nữa để có thể một mình cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Nếu Chúa Giêsu đã phải làm như thế để duy trì mối liên hệ tốt đẹp với Chúa Cha, thì phần chúng ta phải làm nhiều hơn bao nhiêu nữa để tạo được mối liên hệ này? Một sự liên kết gắn bó khi cầu nguyện rất cần thiết để thăng tiến trong mối liên hệ của chúng ta với Chúa.

g) Bởi vì Chúa đáp ứng những nhu cầu của chúng ta qua cầu nguyện.

Bây giờ chúng ta hãy bàn về điều rất căn bản của cầu nguyện. Nói trắng ra là tại sao chúng ta phải cầu nguyện. Đích thực là vì trong sự khôn ngoan và mục đích của Thiên Chúa, Ngài đã hứa sẽ đáp trả nhu cầu của chúng ta trước những lời van xin Ngài.

Dt11,6 cho chúng ta biết: “Không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người”. Đây là một trong những nhiệm mầu tôi nói trước đây. Chắc chắn là Chúa đã biết mọi nhu cầu và hoàn cảnh của chúng ta rồi, nhưng tại sao Chúa lại cần chúng ta phải nói ra khi cầu nguyện? Tôi tin là câu trả lời cho điều này nằm trong một mức độ nào đó mà tôi đã nói đến ở trên... Chúa muốn tình bạn đồng hành, muốn chúng ta nhận ra sự lệ thuộc vào Chúa, và trên thực tế, Chúa muốn chúng ta dành thời giờ liên hệ mật thiết với Ngài.

h) Bởi vì Chúa nhận lời cầu nguyện của chúng ta

Dù những nhu cầu chúng ta xin cho cá nhân, cho gia đình hoặc cho tha nhân hay cho kết quả của một mục vụ, Thiên Chúa sẽ nhận lời để đáp trả lại lời cầu nguyện thành tâm của chúng ta. Nếu chúng ta cầu nguyện thì sự việc sẽ xảy ra, còn nếu không cầu nguyện thì chẳng gì tồn tại hay giá trị có thể xẩy ra cả. Công việc của Chúa chỉ được tiến bước qua lời cầu nguyện.

3. XÂY DỰNG MỘT CUỘC SỐNG CẦU NGUYỆN HỮU HIỆU

Mục đích chính của cầu nguyện là xây dựng một mối liên hệ riêng tư với Thiên Chúa. Mối liên hệ này chỉ có thể hoàn thành được khi chúng ta biết chờ đợi trước sự hiện diện của Chúa để Ngài có thể chia sẻ với chúng ta những điều thầm kín trong trái tim Ngài.

Để có được mối liên lạc mật thiết với Chúa, chúng ta cần biết thánh ý và những mục đích của Chúa muốn cho dân Ngài, cho nhân loại đang lầm lạc, hay cho những gì liên quan đến hành trình hằng ngày của chúng ta với Chúa. Khi chúng ta bầu bạn với Chúa trong cầu nguyện, thì có thể những khao khát của Chúa sẽ trở thành những khao khát của chúng ta. (Tv 37:4 Hãy lấy CHÚA làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng).

Ông John Wesdley có lần đã nói: “Dường như Thiên Chúa bị giới hạn bởi đời sống cầu nguyện của chúng ta - Người chẳng làm gì đựợc cho nhân loại nếu không có ai xin Ngài.” (Có người thì nói: cầu nguyện là sức mạnh của con người nhưng là yếu đuối của Thiên Chúa). Thoạt mới nghe thì câu này xem ra có vẻ nghịch lý. Tuy vậy, đọc sách Sáng Thế chương 1, chúng ta thấy sau khi dựng nên người nam, Chúa cho con người quyền cai quản mọi sự do tay Ngài làm nên. Vì thế, Adong đã thống trị mặt đất và mọi loài thụ tạo do Chúa làm nên, quyền hành được chính Chúa ban cho ông. Sau khi Satan lứa dối Evà, Adong phạm tội phản nghịch cùng Chúa và theo Satan, Satan đã trở thành chúa của thế gian này.

Khi nhìn vào tình trạng thế giới chung quanh ta, với những đau khổ, chiến tranh, đói khát, đạo đức suy đồi, luân lý sai lầm, ghen ghét, bạo động v..v.. chúng ta nhận ra rằng nếu Chúa đang điều khiển thế giới này, thì nhất định là không đúng theo đường lối của Ngài rồi. Nhưng Không, Satan đang là chúa của thế giới này trong một thời kỳ, cho tới khi hết hạn định. (1Cor 4:4 Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người). Thế nhưng, Chúa cho chúng ta một khí giới lớn lao để bẻ gẫy thành trì của Satan, thay mặt cho nhân loại và các quốc gia trên thế giới. VŨ KHÍ ĐÓ LÀ CẦU NGUYỆN VÀ CẦU THAY. Satan có Adong thuộc về chúng một thời kỳ, Chúa không làm gì được nếu dưới trần gian này không có ai kêu cứu Ngài.
2 Sb 7,14 nói rằng: “Nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi họ và sẽ phục hưng xứ sở của họ".

MỤC ĐÍCH CỦA CẦU NGUYỆN LÀ GÌ?

1. Làm mục vụ cho Chúa.

Chúng ta được gọi là những tư tế - “Anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức tư tế vương giả, là dân thánh“. Pr 2:9.

Chúng ta là tư tế của Chúa. Mục vụ của chúng ta cho Chúa phải vượt trên tất cả các công việc khác.

Chúng ta làm mục vụ cho Chúa qua ca ngợi, thờ phượng và đàm đạo với Chúa qua cầu nguyện.

Chúng ta có thể đảm nhiệm các bổn phận tư tế nhờ Máu Châu báu Giêsu. Máu Thánh Ngài làm chúng ta nên công chính để đi vào sự thánh của các thánh.
1 Pr 2:5 Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô.
Eph1:4,5 Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô.
Cn15:8 ĐỨC CHÚA ghê tởm hy lễ của đứa ác, nhưng ưa thích lời cầu của kẻ ngay.
2 Cor 5:21 Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.
Dt4:16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

2) Làm bạn với Chúa - hay kết hợp với Chúa.

Hãy dành thì giờ với Chúa vì bạn yêu Ngài. Trò truyện, có nghĩa là nói và nghe Ngài. Làm như vậy sự kết hợp đi sâu hơn khi bạn chia sẻ tâm tình và những ý nghĩ thầm kín nhất của mình với Chúa. Như Chúa tỏ cho ông MôSê những cách của Ngài để cứu dân Israen, thì Ngài cũng chia sẻ “những Ước Vọng của Ngài” với bạn qua Chúa Thánh Linh.
Xh 33:11-14 ĐỨC CHÚA đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau. Rồi ông Mô-sê trở về trại; nhưng phụ tá của ông là chàng thanh niên Giô-suê, con ông Nun, thì cứ ở trong Lều, không rời khỏi đó. Ông Mô-sê thưa với ĐỨC CHÚA: "Xin Ngài coi, chính Ngài đã phán với con: "Hãy đưa dân ấy lên, vậy mà Ngài lại không cho con biết Ngài sẽ cử ai đi với con. Tuy nhiên chính Ngài đã phán: Ta biết đích danh ngươi, và hơn nữa ngươi đã được nghĩa với Ta. Vậy bây giờ, nếu quả thật con đã được nghĩa với Ngài, xin khấng tỏ cho con biết đường lối của Ngài, để con biết Ngài, và được nghĩa với Ngài. Xin cũng coi dân tộc này là dân của Ngài."

3) Cầu nguyện là nhiệm vụ của mọi tín hữu.

Mục đích của cầu nguyện là xác định Thánh Ý Chúa trong mọi hoàn cảnh và cầu nguyện để thánh ý Chúa được thể hiện. Cầu nguyện là ưu tiên trong đời sống của Chúa Giêsu. Ngài đặt ưu tiên cầu nguyện trên sự nghỉ ngơi của thân xác, trên sự tiếp xúc với đám đông và ăn uống. Cầu nguyện là sự liên lạc giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha; chúng ta cầu nguyện cũng phải có sự hiệp thông như vậy.
Mt14:23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.
Lc6:12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

4) Cảm thông với những đau buồn của tha nhân.

Nhân danh tha nhân mà cầu thay cho họ, cho những người thân yêu đang buồn phiền, những kẻ vô thần, những kẻ mất niềm tin, những người chưa chạy đến với Chúa, những người cần được chữa lành, những người đang thất vọng. Ngay cả chúng ta phải biết cảm tạ trong những hoàn cảnh đó, và cho những người đã chúc phúc cho chúng ta.
Eph1:15,16 Bởi vậy, cả tôi nữa, từ khi được nghe nói về lòng tin của anh em vào Chúa Giê-su, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh, tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, khi nhắc tới anh em trong những lời cầu nguyện của tôi.

(còn tiếp)

thanhlinh.net

Ti_Amo
11-01-2011, 10:02 PM
Những kết quả của cầu nguyện.

1). Cầu nguyện đem những kết qủa cho nước Chúa và làm vui lòng Chúa.

Khi bạn bắt đầu cầu nguyện và liên lạc với Chúa, Người sẽ trò truyện với bạn, cho bạn hướng đi, sự khôn ngoan, hiểu biết, sức mạnh, và che chở.
Col1:9-11 Vì thế, từ ngày chúng tôi nghe biết như vậy, chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho. Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn. Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả.
Tv 40:1,2 Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu. Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi vũng lầy nhơ nhớp, đặt chân tôi đứng trên tảng đá, làm cho tôi bước đi vững vàng.
Ga 15:7,8 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

2). Cầu nguyện mở đôi mắt tâm linh của bạn

Sự hiểu biết trong lãnh vực Thần Khí sẽ đến khi bạn rèn luyện bản thân trong cầu nguyện, ca ngợi, ăn chay và suy niệm Lời Chúa, khi chờ đợi trước nhan thánh Ngài. Hãy xin Chúa mạc khải cho bạn biết điều gì đang xẩy ra trong lãnh vực tâm linh như xưa tiên tri Êlisa đã làm khi ông xin Chúa mở đôi mắt cho người tôi tớ của Ngài.
2Vua6:16,17 Ông Ê-li-sa cầu xin rằng: "Lạy ĐỨC CHÚA, xin mở mắt cho nó thấy! " ĐỨC CHÚA mở mắt người đầy tớ của ông và nó thấy núi đầy những ngựa và xe đỏ như lửa vây quanh ông Ê-li-sa.

3) Cầu nguyện làm nguôi cơn giận của Chúa.

Mặc dù chúng ta thường cảm thấy số phận của thế giới nằm trong tay các nhà độc tài, các chính trị gia, thống đốc, vua chúa v..v.. thế nhưng nhiều lúc các tín hữu cầu nguyện có thể làm thay đổi các biến cố lịch sử. Tôi và bạn cũng có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ như Apraham và Danien trong thời Cựu ước xưa. Thật là một điều thích thú khi nghĩ đến những cầu nguyện của chúng ta có thể thay đổi các biến cố của quốc gia cũng như của thế giới, khi chúng ta kêu xin lên trời cao.
Xh32:14 ĐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.

4) Qua cầu nguyện bạn nhận được Chúa mạc khải

Thiên Chúa sẽ mạc khải cho chúng ta qua Thánh Thần điều gì Người muốn chúng
ta cầu xin, và Người có thể làm sáng tỏ một lãnh vực trở ngại trong đời sống một người hay trong một tình huống đặc biệt nào đó. Chúa cho phép bạn biết một chút xíu sự hiểu biết của Ngài. Phần bạn, bạn phải tìm kiếm sự hướng dẫn sáng tỏ của Ngài liên quan đến cách ứng phó với lời mạc khải mà Chúa ban cho bạn khi cầu nguyện.
Mt11:25,26 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
Lc 10,22 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."
Phil 3:15 Vậy tất cả chúng ta là những người hoàn thiện, chúng ta hãy nghĩ như vậy; và giả như có điểm nào anh em nghĩ khác, thì Thiên Chúa sẽ mặc khải cho anh em.

5) Cầu nguyện giúp bạn được nghỉ ngơi trong Chúa.

Chúa mời gọi bạn đem những buồn phiền, lo âu, gánh nặng đến cho Ngài. Khi bạn làm điều này bằng tâm tình cầu nguyện tạ ơn, Ngài hứa sẽ ban an bình cho tâm hồn bạn. Ngài sẽ ban cho tâm hồn bạn được bình an và khuây khỏa.
Pl4:6,7 Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.
1Pr5:7 Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.
Mt6:25,26 "Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?
Tv55:22 Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay CHÚA, Người sẽ đỡ đần cho, chẳng để chính nhân phải nghiêng ngửa bao giờ.

6) Cầu kinh trận chiến thiêng liêng, bạn có thể đánh đổ thành trì của Satan

Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan khi bị cám dỗ trong sa mạc, bạn cũng có thể chiến thắng ma qủi như Chúa Giêsu đã thắng. Trước khi đi rao giảng cho dân chúng, Chúa đã giao chiến với Satan. Phần bạn, bạn cũng phải thắng trước khi bạn có thể hoàn toàn hoạt động những việc Chúa kêu gọi bạn. Sự thành công của chúng ta tùy thuộc vào sự chiến thắng... trong cầu nguyện.
Josh1:3,11,15 Mọi nơi bàn chân các ngươi dẫm lên thì Ta đã ban cho các ngươi rồi, như Ta đã phán với Mô-sê. "Các anh hãy rảo khắp trại và truyền cho dân: Hãy chuẩn bị lương thực, vì còn ba ngày nữa anh em sẽ qua sông Gio-đan kia để vào chiếm đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, cho anh em chiếm hữu." cho đến khi ĐỨC CHÚA ban cho anh em cũng như anh em của anh em được an cư lạc nghiệp, cho đến khi chính họ cũng chiếm hữu phần đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, ban cho họ. Bấy giờ anh em sẽ trở về phần đất mà anh em đã chiếm hữu. Anh em sẽ chiếm hữu phần đất mà ông Mô-sê, tôi trung của ĐỨC CHÚA, đã ban cho anh em bên kia sông Gio-đan, phía mặt trời mọc.
Mc 3:27 Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
Danien 10:12,13 Người còn bảo tôi: "Đa-ni-en, đừng sợ, bởi vì ngay từ hôm đầu, khi ngươi đem hết lòng tìm hiểu và ăn chay hãm mình trước nhan Thiên Chúa của ngươi, thì Thiên Chúa đã nghe những lời ngươi nói, và chính vì những lời ấy mà ta đến. Thiên sứ lãnh đạo vương quốc Ba-tư đứng chống lại ta hai mươi mốt ngày. Và này Mi-ca-en, một trong các thiên sứ lãnh đạo cao cấp, đã đến trợ lực ta. Ta để người ở đó, bên cạnh các vua Ba-tư.

Cung cách cầu nguyện

Nơi chốn để cầu nguyện không quan trọng bằng việc làm theo lời giáo huấn về cầu nguyện của Chúa Giêsu. Mt 6:5-6, Chúa nói: Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Chúa Giêsu nói cầu nguyện “trong phòng“.
Phòng trong, hay buồng trong thường là nơi được che chở dưới mái nhà. Nơi này cũng có thể dùng làm chòi canh quân địch hay cũng là một chỗ cao để có thể đặt bàn thờ, hay một nơi để cầu nguyện. Thánh kinh dậy rằng dù bạn cầu nguyện kín đáo, nhưng Chúa cũng vẫn trả công cho bạn cách công khai. Mặc dầu không cần phải chỉ cầu nguyện hay kết hợp với Chúa trong phòng, nhưng ngay cả khi chúng ta đi đứng, lái xe, hoặc khi có nhiều người ở chung quanh, chúng ta vẫn có thể hiệp thông với Chúa. Khi Thánh Thần thúc giục bạn cầu nguyện, bạn hãy nâng tâm hồn và tâm trí lên với Chúa. Tất nhiên, mỗi ngày nên dành thời giờ riêng để thịnh lặng cầu nguyện là một điều tốt và cần thiết, nhưng cũng cần nhậy bén để biết khi nào Thánh Thần thôi thúc bạn cầu nguyện ngay cho một nhu cầu cấp bách, và không cần biết bạn đang ở đâu. Sau đây là một số nơi chốn người ta thường cầu nguyện được nhắc tới trong Kinh Thánh:
. Trong phòng trên
Cv1:13.14 Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.

. Trong nhà
Cv10:30 Ông Co-nê-li-ô trả lời: "Cách đây bốn hôm, vào khoảng giờ này, lúc tôi đang đọc kinh giờ chín tại nhà, bỗng có một người đứng trước mặt tôi, y phục rực rỡ.
Cv12:5-7 Đang khi ông Phê-rô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông. Trong đêm trước ngày bị vua Hê-rô-đê đem ra xử, ông Phê-rô ngủ giữa hai người lính, và bị khoá vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh. Bỗng thiên sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn ông Phê-rô, đánh thức ông và bảo: "Đứng dậy mau đi! " Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông.
. Bên bờ sông
Cv16:13 Ngày sa-bát, chúng tôi ra khỏi cổng thành, men theo bờ sông, đến một chỗ chúng tôi đoán chừng có nơi cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện với những phụ nữ đang họp nhau tại đó.
. Trên bãi biển Cv21:5 Nhưng khi hết thời gian ở đó, chúng tôi ra đi và lên đường, có tất cả các môn đệ cùng với vợ con họ tiễn chân đến tận ngoại thành. Chúng tôi quỳ xuống trên bãi biển mà cầu nguyện.
. Nơi hoang địa Lc5:16 Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

. Một mình nơi cô tịch
Mc1:35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.
Luca 4:42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.
. Trên núi
Mt 14:23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.
Mc6:46 Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện.
Lc 5:16 Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

. Một mình
Mt6:6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Mt26:39 Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha."
Mc14:32-42 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông: "Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện." Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức." Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói: "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: "Si-mon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối." Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người. Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông: "Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới! "
Lc6:12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Lc9:18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai?"

Lúc nào chúng ta nên cầu nguyện?

Tv 55:17-18 Phần tôi, tôi kêu khấn Chúa Trời, CHÚA sẽ thương cứu độ. Sớm trưa chiều, tôi than sầu rên rỉ, Người sẽ nghe tiếng tôi.
Khi Chúa Thánh Thần thôi thúc bạn cầu nguyện, hãy vâng lời sự cấp bách này của Thánh Thần. Ngài sẽ ban cho bạn bằng chứng trong nội tâm, hoặc sự thôi thúc cầu nguyện cho một người, cho một tình huống đặc biệt nào đó. Sự vâng phục của bạn có thể cứu được một tình trạng bi đát và có thể thay đổi chiều hướng đời sống của một người nào đó mang đến vinh quang cho Chúa.

Cầu nguyện đem lại kết quả hơn bất cứ phương pháp nào khác. Một thi sĩ người Anh, ông Alfred Tennyson có viết “Cả thế giới này mơ ước cũng không đem lại nhiều lợi ích cho bằng lời cầu nguyện.” Câu này đã viết hơn một trăm năm rồi, nhưng ở thế kỉ 21 mà chúng ta đang sống vẫn còn đúng. Sự lựa chọn thời gian để cầu nguyện tùy vào hoàn cảnh mỗi người. Hãy xin với Chúa cho biết lúc nào Ngài muốn chúng ta hàn huyên với Người.
- Cầu nguyện buổi sáng:
Tv5:4 Vâng, lạy CHÚA, chính Ngài là Đấng con van vỉ, ngay từ sớm, Ngài đã nghe tiếng con. Ngay từ sớm, con tỏ bày ước nguyện, rồi chăm chú đợi trông.
Tv88:14 Phần con đây, con kêu lên Ngài, lạy CHÚA, mới tinh sương đã chờ chực nguyện xin.
Mc1:35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.
Cv 2:1-4 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.
- Cầu nguyện buổi trưa
Tv55:18 Sớm trưa chiều, tôi than sầu rên rỉ, Người sẽ nghe tiếng tôi.
- Cầu nguyện buổi tối
Mt14:23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.
Mc6:47 Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất.
Cv16:25 Vào quãng nửa đêm, ông Phao-lô và ông Xi-la hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát.
- Cầu nguyện luôn luôn
1Sam12:23 Phần tôi, không đời nào tôi phạm tội nghịch cùng ĐỨC CHÚA là thôi cầu nguyện cho anh em. Tôi sẽ cho anh em biết đường ngay nẻo chính.
Neh1:6 Xin lắng tai nghe và ghé mắt nhìn mà nhậm lời cầu nguyện của con là tôi tớ Ngài giờ đây dâng lên trước Tôn Nhan, lời cầu nguyện mà ngày đêm con dâng lên Ngài cho các tôi tớ Ngài là con cái Ít-ra-en.
Tv72:15 Tân Vương vạn vạn tuế! Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên, và cầu xin cho Người luôn mãi, ngày lại ngày chúc phúc cho Người.

Lc2:37 Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.
Lc6:12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Cv10:2 Ông là người đạo đức và kính sợ Thiên Chúa, cũng như cả nhà ông; ông rộng tay cứu trợ dân và luôn luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Eph 6:18 Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh.
1Thx3:10 Đêm ngày chúng tôi tha thiết nài xin Chúa cho được thấy mặt anh em và bổ túc những gì còn thiếu trong đức tin của anh em.
Chúng ta cần cầu nguyện bao lâu?

Ngày xưa, Chúa muốn các môn đệ của Ngài cầu nguyện với Chúa ít là một giờ đồng hồ. Vào lúc Chúa cần các tông đồ hỗ trợ tinh thần thì các ông lại bỏ rơi Chúa vì chính các ông cũng không biết và không chuẩn bị cho tình huống sắp sửa xẩy ra. Các tông đồ chọn giấc ngủ thay cho việc hỗ trợ và canh thức với Chúa. Có nhiều lúc bạn có thể cầu nguyện lâu hơn một giờ. Nhưng cũng có lúc bạn chỉ có thể cầu nguyện trong 10 hay 15 phút mà thôi. Thế nhưng nên nhớ rằng cầu nguyện dù ngắn ngủi vẫn còn hơn là không cầu nguyện chút nào.

Điều lý tưởng đó là cầu nguyện cho tới khi nào nhận được sự trả lời (ngày này qua ngày khác) hoặc cho tới khi nào bạn có được bảo đảm của Chúa rằng thế là đã đủ trong lãnh vực tâm linh. Bằng cách nào chứ? Bằng cách cầu nguyện liên tục cho tới khi Chúa cho bạn sự bình an về vấn đề ấy. Một khi bạn cảm nghiệm được sự bình an rồi, cách tốt nhất hãy bắt đầu ca tụng Chúa đi. Ca tụng đem đến chiến thắng, vậy hãy ca tụng Ngài và cám ơn sự chiến thắng vừa đạt được.

Nhiều khi Chúa không đáp ứng lời cầu nguyện ngay mà phải chờ đợi rất lâu mới được, thế nhưng đừng nản lòng bỏ cuộc. Nên nhớ rằng sự trả lời của Chúa không dựa theo sự đòi hỏi của chúng ta, nhưng tuỳ theo thời gian tuyệt hảo của Ngài. Chúa không bao giờ chậm trễ, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng Ngài lẽ ra phải trả lời sớm hơn! Hãy bắt chước người đàn bà góa Chúa nói trong dụ ngôn thánh Luca.
Lc18:1-8 Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: "Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: "Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho. Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: "Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc." Rồi Chúa nói: "Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó!7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? "

Trước khi cầu nguyện, hãy suy xét xem chúng ta nên ở trong thái độ nào. Chẳng hạn như có nhiều nơi để cấu nguyện, cũng như có nhiều nhu cầu khác nhau để cầu nguyện cho. Điều quan trọng là lúc cầu nguyện phải được thoải mái để tập trung vào Chúa, không bị chia trí bởi môi trường chung quanh hay thân thể nhức nhối. Nhiều đoạn trong Thánh kinh cho chúng ta biết các tư thế cầu nguyện như: ngồi, quì, cúi đầu, đứng, giơ cao hai tay, đi, sấp mình xuống.
- Ngồi
1Sb17:16 Vua Đa-vít vào ngồi chầu trước nhan ĐỨC CHÚA và thưa: "Lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, con là ai và nhà của con là gì, mà Ngài đã đưa con tới địa vị này?
- Quỳ
1Vua 8:54 Sau khi dâng tất cả những lời cầu nguyện và nài van ấy lên ĐỨC CHÚA, thì vua Sa-lô-môn phủ phục rồi đứng lên trước bàn thờ ĐỨC CHÚA, giơ hai tay lên trời, quay xuống, cất lớn tiếng chúc lành cho toàn thể cộng đoàn Ít-ra-en.
Et9:5 Vào giờ đó, tôi mới ra khỏi cơn sầu khổ, trỗi dậy; áo dài trong, áo choàng ngoài xé rách, tôi quỳ gối, giơ tay lên ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của tôi.
Cv9:40 Ông Phê-rô cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện.
- Cúi đầu
Xh34:8 Ông Mô-sê vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: "Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con.
Tv72:11 Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự.
Neh 8:6 Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy ĐỨC CHÚA.
- Đứng
Neh 9:5 Còn các thầy Lê-vi thì nói: "Mời anh em đứng lên chúc tụng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em."
Mc11:25 Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em.
Lc18:13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.
- Giơ cao hai tay
2Sb6:12 Rồi vua Sa-lô-môn đứng trước bàn thờ ĐỨC CHÚA, trước toàn thể cộng đồng Ít-ra-en và giang tay ra.
Tv63:5 Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.
1Tm2:8 Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.
- Đi bộ
2Vua 4:33-35 Ông đi vào chỗ cậu bé, đóng cửa lại, chỉ có hai người ở bên trong, rồi cầu nguyện với ĐỨC CHÚA. Ông lên giường nằm lên trên đứa trẻ, kề miệng ông trên miệng nó, kề mắt ông trên mắt nó, đặt bàn tay ông trên bàn tay nó. Ông cứ nằm trên đứa trẻ, da thịt nó nóng lên. Ông đi đi lại lại trong nhà, rồi lại lên nằm trên nó; cậu bé hắt hơi đến bảy lần, và mở mắt ra.
- Xấp mình
Hs7:6 Ông Giô-suê xé áo mình ra, và cùng với các kỳ mục Ít-ra-en sấp mặt xuống đất trước Hòm Bia ĐỨC CHÚA, cho đến chiều.
Et10:1 Trong khi ông Ét-ra khóc lóc và phủ phục trước Nhà Thiên Chúa, mà cầu nguyện và thú nhận tội lỗi.
Mt 26:39 Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này.

Các loại cấu nguyện

1. Chúc tụng và cảm tạ

Thánh Vịnh chỉ cho chúng ta “Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn, tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi, tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người". Tv100:4

Vua David là một gương mẫu tuyệt vời trong Thánh kinh cả về cầu nguyện và ca tụng Chúa. Trong Tv103, vua viết “Chúc tụng Thiên Chúa, hỡi hồn tôi và tất cả những gì trong tôi, hãy chúc tụng danh Thánh Chúa.” Rồi vua nói tiếp “Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người. CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,
khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng".

Vua David biết Đấng mà vua ca tụng chính là Chúa sống động trong ngài. Nhà vua không tôn thờ một vị thần thánh nào xa vời, nhưng là Đấng ban cho vua những điều vua cần. Mọi sự trong đời vua dâng lời ca tụng Chúa Hằng Sống, vì nhà vua đã cảm nghiệm được Chúa là Đấng tha thứ và chữa lành, tình yêu, lòng nhân từ và cứu độ của Chúa tựa như dòng suối khoan dung bất tận đổ xuống cho con cái Ngài. Vua không nói những lời này một cách nhẹ nhàng. Vua biết thế nào là bị tổn thương, bị hành hạ, bị đè nén, bị quân thù bao vây tứ phía, hoặc cảm thấy như bị bỏ rơi, và xa rời Chúa và những lời cầu xin của ngài không được Chúa chấp nhận. Nhưng trong tất cả mọi hoàn cảnh, nhà vua đã một lòng CA NGỢI CHÚA.

Nhiều bài Thánh vịnh, vua David vừa cầu xin, vừa ca tụng Chúa. Vua không ngần ngại đến trước nhan Chúa mạnh dạn nói lên nhu cầu của vua. Vua không hề thất vọng vì vua biết quyền năng và sự trung tín nơi Chúa và vì vậy vua tin cậy vào Chúa.

Nguồn ca tụng là do Thánh Thần tác động vào thần trí bạn để biểu lộ lòng tôn kính cao cả của Chúa. Bạn hãy phát huy thói quen ca tụng Chúa lúc cầu nguyện.

2. Xưng tội và tha thứ

Để việc cầu nguyện không bị cản trở, chúng ta cần phải biết chắc mình không mắc tội hãy lỗi phạm làm ngăn cách chúng ta với Chúa. Tiên tri Isaia đã nói: Này, không phải ĐỨC CHÚA ngắn tay không thể cứu, cũng chẳng phải Người nặng tai không nghe được, mà chính lỗi lầm của các ngươi đã phân cách các ngươi với Thiên Chúa các ngươi; chính tội lỗi các ngươi đã khiến Người ẩn mặt để khỏi nhìn, khỏi nghe các ngươi".
Do đó, chúng ta biết tội lỗi ngăn cản lời cầu nguyện của chúng ta không được Chúa đoái nghe và vì vậy xin mà không được. Khi bắt đầu cầu nguyện, hãy xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho biết có điều gì làm ngăn cách ta với sự hiện diện của Chúa hay không. Hãy làm như vua David cầu nguyện: ”Xin Chúa hãy xem xét con, xét xử trí khôn và tâm tư con. Vì lòng khoan dung của Ngài đang ở trước mắt con.”

Nếu Chúa Thánh Thần chỉ cho điều lầm lỗi nào trong đời mình, bạn cần phải xưng thú với Chúa trong sự ăn năn hối cải để được Ngài tha thứ. Một khi bóng tối đã được đem ra ánh sáng của Lời Chúa và dốc lòng thống hối thì tội lỗi được giải quyết, Máu châu báu Chúa Giêsu sẽ bao phủ và chúng ta biết Chúa không còn nhớ tới tội của ta nữa. Đừng bao giờ xưng lại tội đã được tha thứ rồi. Chúa nói Người đã chôn vùi và quên nó rồi. “Nếu chúng ta xưng tội, Chúa công thẳng tha thứ cho chúng ta và rửa sạch mọi điều bất chính nơi chúng ta.”
Một trong những mưu mô của Satan là cứ xúi dục chúng ta nghĩ đến những tội lỗi trong quá khứ đã được Chúa tha rồi. Nó cốt ý để cho chúng ta chú tâm vào mình mà thất tín ơn cứu độ, lòng thương xót của Chúa. Khi xưng tội, một kinh nghiệm cảm xúc là bạn đã được tha rồi thường không luôn đến theo sau. Đơn giản là hãy xin và đón nhận bằng đức tin trong Lời Chúa là Ngài sẽ làm những gì Ngài nói. Ngài trung tín, công minh và hay tha thứ.

3. Tha thứ

Cố chấp không tha thứ là vấn đề luôn luôn ngăn cách bạn và sự liên lạc trọn vẹn với Chúa. Mc11:25 nói: ”Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em.” Lời trong sách Thánh này xác quyết rằng chúng ta cần Chúa tha thứ để lời cầu nguyện trở lên có hiệu quả. Chúng ta chỉ đựợc tha thứ nếu chúng ta cũng tha thứ cho kẻ khác. Tha thứ cũng giải thoát cho kẻ khác hoặc làm thay đổi hoàn cảnh gây ra sự bất hòa. Điều này chúng ta để cho Chúa Thánh Thần làm việc, chỉ cho thấy rõ tội, sự công chính và xét xử.

Đừng để lòng tự phụ làm mất đi cảm nghiệm một mối liên hệ mật thiết với Chúa. Tha thứ cho kẻ gây thiệt hại cho mình, bất kể sự đau đớn, xúc phạm ở mức nào. Khi đó bạn sẽ cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng và mối giao hòa với Chúa được hồi phục.

Ba lãnh vực có thể tha thứ như sau:

a) Tha thứ cho kẻ xúc phạm tới mình.
b) Không trách Chúa.
(tuyên bố Ngài vô can) vì trong sự xét đoán của chúng ta Ngài không can thiệp theo ý chúng ta muốn.
c) Tha thứ cho chính mình.
Mặc cảm tội lỗi và tự kết án mình về việc đã gây ra cho mình hoặc cho tha nhân đau khổ.

Nhiều khi chúng ta thấy tha thứ cho Chúa hay cho người khác dễ hơn là tha thứ cho chính mình. Bạn giữ lấy sự chỉ trích và kết án mình trong lòng, nhưng sự tha thứ hoàn toàn bao gồm tha thứ cho chính mình, đó là điều cần thiết để chúng ta cầu nguyện có hiệu qủa.
Chúng ta hãy quyết định bước đi trong tha thứ mỗi ngày. Tha thứ cho tha nhân để chính mình được Chúa tha thứ, tha thứ ngay giây phút bị xúc phạm như Chúa đã làm. Tha thứ và hối lỗi phải đi đôi với nhau. Hối lỗi là cảm thấy hối tiếc và ân hận về tư tưởng và hành động của mình, hãy cởi trói cho tha nhân hoặc cho chính mình ra khỏi những đắng cay dằn vặt ấp ủ trong lòng.

Nếu tư tưởng chúng ta luôn có thái độ tiêu cực về một người mà chúng ta chọn để tha thứ, chúng ta cần trừ tà những tư tưởng đó của mình. Hãy truyền cho tâm trí bạn, nhân danh Chúa Giêsu khỏi những tư tưởng tiêu cực đó và thay thế bằng những ý tưởng ngay thật, trung tín, đứng đắn, tinh tuyền, tốt lành, biết ca tụng Chúa.

Sau khi đã được Thánh Thần soi sáng nói với tâm hồn bạn, hãy đón nhận sự thanh tẩy và tha thứ của Chúa. Xin Ngài đổ tràn Thánh Thần vào trong chúng ta.

4. Cầu thay

Chúa Giêsu là Thày cả Thượng Phẩm cho chúng ta một tấm gương về cầu thay cho người khác. Ngay khi còn ở trần gian, Chúa đã cầu thay, và vẫn tiếp tục cầu thay cho chúng ta trên Thiên Đàng. Dt7:24-25 "Còn Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ".
Bởi vậy, khi chúng ta cầu thay cho người khác thì chúng ta cũng theo gương Chúa. Cầu thay cho kẻ khác được mô tả như là môt tình yêu đáp lại sự khơi dậy của Chúa Thánh Thần cho một nhu cầu cấp bách nào đó. Đó cũng có thể là một lời kêu cứu lên Thiên Chúa thay cho người chúng ta yêu mến.

“Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô.” Gl6:2. Chúa vui lòng khi chúng ta cầu nguyện cho nhau, nhân danh anh em mình mà cầu thay cho họ.

Tiên tri Danien thuật lại trong chương 10 rằng khi Thiên Chúa bất thần cho ông một thông điệp về cuộc đại chiến giữa các thiên thần hộ thủ của các dân tộc. Thường khi Chúa cho chúng ta một thông điệp trong đó gánh nặng đè trên chúng ta, để cầu nguyện cho gánh nặng đó trở thành hành động. Có lúc Chúa hướng dẫn chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa. Lúc khác, chúng ta có thể cảm thấy ước muốn mãnh liệt cầu nguyện kinh trận chiến thiêng liêng chống lại những thế lực của bóng tối.

Để cầu thay cho tha nhân, chúng ta sẵn sàng nhận từ Thiên Chúa gành nặng cầu nguyện. Đây là một sự tín thác thần thiêng khi Thiên Chúa mạc khải sự mầu nhiệm của Người cho chúng ta bằng cách này. Đừng coi nhẹ điều này, mà chúng ta phải tỏ ra xứng đáng với sự tín thác đó. Khi chúng ta cảm nhận Chúa Thánh Thần đang tác động trong tâm hồn mình liên quan tới một tình trạng mà Ngài tỏ ra cho chúng ta, hãy tuân theo mà kêu cầu Chúa cho tình trạng đó. Nhiều khi là Người hướng dẫn chúng ta cầu thay cho những vị linh hướng đang bị sự dữ tấn công, cho các nhà truyền giáo ở những vùng thờ tà thần, cho kẻ đang bị nguy hiểm hoặc cho người đang đau trầm trọng. Nhiều khi người ta không biết gì về hoàn cảnh cần được cầu thay, ngoài sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Làm sao mình biết phải cầu nguyện cho ai? Một cách để bắt đầu là đặt câu hỏi với Chúa. “Chúa ơi, điều gì đang có trong tim Chúa? Hoàn cảnh nào quan trọng nhất?“ Có thể chúng ta tự hỏi làm thế nào để biết rằng Thánh Thần đang kêu gọi chúng ta cầu nguyện. Thánh Thần sẽ chỉ bảo chúng ta bằng lời, bằng thông điệp hay cảm nghĩ thôi thúc tâm trí chúng ta. Ngàì cũng có thể gợi ra trong tâm trí của chúng ta một khuôn mặt, tên một người, một gia đình, một nhà thờ, một quốc gia v.v... như những hình ảnh trong trí tưởng của chúng ta.

Cầu thay cho kẻ khác bắt đầu và cũng kết thúc từ Thiên Chúa. Sau khi Ngài cho chúng ta một đề tài để cầu nguyện, hãy cầu nguyện cho đến khi cảm thấy Ngài muốn chúng ta chuyển sang một tình huống khác. Có những kinh nghiệm cảm xúc như vui cười, rên rỉ, khóc lóc, kêu than không phải là điều bất thường. Gl4:19 "Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Ki-tô được thành hình nơi anh em". Điều này không thường xẩy ra, nhưng có thể cũng sẽ diễn ra khi chúng ta cầu thay sâu đậm cho người khác. Nhiều khi, chúng ta thấy mình cầu thay trong một thái độ có uy quyền trên những thần thiêng và quyền lực của thế giới sự ác vô hình.

Những lời cầu xin

Cầu xin giản dị có nghĩa là nêu ra một yêu cầu, hay đầu phục trong khiêm nhường cho người có quyền hành (chỉ bảo). Vậy khi chúng ta cầu xin với Chúa, chúng ta hãy xin cho một nhu cầu đặc biệt. Nhiều người không đạt tới cách cầu nguyện này, nhưng chính Chúa dậy chúng ta cầu nguyện như thế.
1Ga 5:15 Lý do khiến chúng ta được mạnh dạn trước mặt Thiên Chúa, đó là: Người nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người. Nếu chúng ta biết rằng Người nhậm mọi lời chúng ta xin, thì chúng ta cũng biết rằng chúng ta sẽ được những gì chúng ta đã xin Người.

Cầu xin là một yêu cầu đặc biệt. Thí dụ: khi bà Anna đến xin Chúa cho bà một người con trai, và hứa sẽ cho con mình theo phụng sự Chúa. Chúa đã nghe và nhận lời cầu xin của bà; phần bà, bà đã giữ trọn lời hứa. Đã từ lâu, bà Anna mong có một con trai, bà đã lớn tiếng kêu cầu Chúa hết lòng mình và bà đã được đáp ứng trọn vẹn lời cầu xin.
1Sam1-2 Bà An-na đứng dậy sau khi họ đã ăn uống tại Si-lô. Tư tế Ê-li đang ngồi trên ghế ở cửa đền thờ ĐỨC CHÚA. Tâm hồn cay đắng, bà cầu nguyện với ĐỨC CHÚA và khóc nức nở. Bà khấn hứa rằng: "Lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho ĐỨC CHÚA mọi ngày đời nó, và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó."

Chúa khuyến khích chúng ta cầu xin với Ngài khi nói: “Xin sẽ được, Tìm sẽ thấy, Gõ sẽ mở cho“, Nếu chúng ta làm đúng như vậy, Ngài hứa sẽ nhận lời chúng ta.

(còn tiếp)

Ti_Amo
11-01-2011, 10:02 PM
Taị sao đôi khi cầu nguyện hầu như không được đáp ứng?

Có lẽ câu hỏi trên tốt hơn nên nói như thế này “tại sao lời cầu xin của tôi lại được đáp trả khác với ý tôi mong muốn?”

Không ai có thể giải thích được tại sao có một số lời cầu xin đã không được đáp ứng. Những lần xẩy ra như vậy là lúc chúng ta phải cúi đầu trước thánh ý Chúa, tin tưởng vào Ngài và biết rằng đường lối của Chúa là toàn thiện. Chắc chắn chúng ta không thể biết hết được những điều này, nhưng chúng ta có được vài câu trả lời căn cứ vào Lời Chúa, chúng ta có câu trả lời. Dưới đây liệt kê một số lý do tại sao chúng ta cầu nguyện không được Chúa nhận lời:

1. Không tin tưởng.

Giacôbê 1:5-6,7 "Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách. Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm".

2. Không kết hợp cùng Chúa.

Ga15:7” Nếu các con ở trong Ta thì lời Ta sẽ ở trong các con, và các con xin gì thì sẽ được.”

3. Không xin theo ý Chúa.

Thánh ý Chúa thường được tỏ ra cho chúng ta khi chúng ta dành thời giờ suy niệm Lời Chúa và để cho Chúa nói với chúng ta. Có những điều như sự cứu chuộc được tỏ bày rõ ràng trong Lời Chúa. Khi cầu nguyện chúng ta cần biết ý và điều Chúa mong đợi nơi chúng ta.
Xh32:11-14 Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: "Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? Tại sao người Ai-cập lại có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất? Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài. Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời." ĐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.
1Ga 5:14-15 Lý do khiến chúng ta được mạnh dạn trước mặt Thiên Chúa, đó là: Người nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người. Nếu chúng ta biết rằng Người nhậm mọi lời chúng ta xin, thì chúng ta cũng biết rằng chúng ta sẽ được những gì chúng ta đã xin Người.
Trong nhiều trường hợp khác, Chúa có thề tiết lộ Thánh Ý Chúa trong tâm hồn hay tâm trí chúng ta khi chúng ta thinh lặng chờ đợi trước Nhan Thánh Ngài. Và tự nhiên chúng ta nhận ra nhận ra ý Ngài ban cho chúng ta.

4. Tha thứ.

Mátthêu 6:14,15 là một phần trong việc cầu nguyện mà Chúa Giêsu dậy các môn đệ phải làm. "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
Mt18:21,22 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? " Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."
Isaiah 43:25 Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa.

5. Không xưmg tội hay không thống hối tội

Từ ban đầu, tội ngăn đã cách nhân loại với Chúa, từ trong vườn Địa Đàng và ngay cả đến bây giờ. Tv66:18 nói “Điều gian ác, nếu lòng này ấp ủ, chắc hẳn là Chúa chẳng nghe đâu“,
Isaiah 59:2 cũng nói “chính lỗi lầm của các ngươi đã phân cách các ngươi với Thiên Chúa các ngươi; chính tội lỗi các ngươi đã khiến Người ẩn mặt để khỏi nhìn, khỏi nghe các ngươi".
Chúng ta phải tự vấn lương tâm và xin Chúa cho chúng ta biết còn có điều gì ngăn trở lời chúng ta cầu xin vì chúng ta chưa thống hối.

6. Nản lòng, bỏ cuộc qúa sớm.

Nhiều lời cầu xin không được đáp ứng vì chúng ta nản lòng, bỏ cuộc một cách quá ư là dễ dàng. Chúa muốn chúng ta chờ đợi Người một cách trung thành. Người nói “hãy xin, hãy tìm, hãy gõ cửa” (Mt7:7 "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho) như là một tiến trình cầu nguyện thành khẩn. Chúng ta hãy nhớ câu chuyện một người đến gõ cửa nhà hàng xóm mình giữa đêm khuya để xin một ổ bánh. Lòng nhẫn nại của người ấy đã có kết quả. Đó là điều Chúa khuyên chúng ta khi cầu nguyện, đừng nản lòng cho tới khi được ý xin. (Ngài muốn chúng ta chờ đợi kiên trì để chúng ta biết chúng ta cần Chúa và để rèn luyện chúng ta. Trái cây cũng cần có thời gian để chín tới thì mới cho trái ăn ngon, không kiên nhẫn đủ trong cầu nguyện thì cũng như hái trái xanh mà ăn vậy).

7. Thiếu hợp nhất.

Cùng nhau cầu nguyện sẽ có nhiều sức mạnh hơn, nhưng để có được hiệu qủa, cần sự hiệp nhất giữa những người cấu nguyện. Matthêu 18:19 nói ”nếu hai người trong các con đồng tâm với nhau ở dưới đất mà cầu xin bất cứ việc gì, Cha thầy trên trời cũng sẽ ban cho.“

8. Giữ lại của cải, đóng góp cho Chúa.
Mal 3:8-11 "Người phàm có được phép lường gạt Thiên Chúa không? Vậy mà các ngươi đã lường gạt Ta. - Các ngươi nói: "Chúng tôi lường gạt Ngài ở chỗ nào? " - Về thuế thập phân và phần trích dâng. Chính các ngươi đang mắc tai hoạ, thế mà các ngươi lại lường gạt Ta, các ngươi và toàn dân. Các ngươi hãy đem tất cả thuế thập phân vào nhà kho, để có lương thực trong Nhà Ta. Hãy làm thế thử xem Ta có mở cổng trời cho các ngươi, hoặc có tuôn đổ phúc lành dư dật xuống trên các ngươi không? - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. Vì các ngươi, Ta đã ngăn cản không cho cào cào phá hoại hoa màu ruộng đất của các ngươi, không để cho nho ngoài đồng không sinh trái, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán".
Chúa ban ơn phước cho những ai trung thành đóng góp cho Giáo hội và ban án phạt cho kẻ nào cầm giữ lại những gì lẽ ra thuộc về Chúa. Hội Thánh thời sơ khai cũng khuyến khích đóng góp. Chúa Giêsu thường nói về việc bố thí, làm phúc và ơn lành sẽ đến tiếp theo sự bố thí.

9. Không nhân danh Chúa Giêsu mà cầu xin.

Khi Chúa dậy các môn đệ cầu nguyện, Người đặt ra một mẫu mực cho các ông theo và chúng ta nên theo đúng sự chỉ dậy của Chúa. Đường lối của Chúa không thay đổi. Ga16:23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy". Khi chúng ta đến với Chúa Cha, nên nhớ rằng chúng ta chỉ có thể làm được như vậy vì nhờ Chúa Con, Vậy hãy đến với Cha qua danh Giêsu.

Nhân Danh Giêsu mà xin sự gì có nghĩa là xin Chúa Cha qua quyền năng của Danh Giêsu. Danh Giêsu có ảnh hưởng lớn lao đối với Chúa Cha (vì Chúa Giêsu đẹp lòng Chúa Cha, và không có Danh nào trọng hơn). Đó là chìa khóa mở cửa kho châu báu ân huệ của Thiên Chúa.

Nhưng nhân Danh Giêsu mà xin cũng có nghĩa là xin cho Danh Cha được tôn vinh. Do vậy khi xin Chúa điều gì, mục đích của chúng ta không ích kỷ và có tính cách trần tục. Điều chắc chắn không phải là cá nhân chúng ta được lợi cách nào đó, nhưng giản dị là làm cho Danh Giêsu được vinh hiển.

10. Không hiệp thông, đồng hành với Chúa.

Nhiều lần chúng ta cầu nguyện như đánh điện tín, gởi email vậy - gửi đi, gửi về ào ào trước sự hiện diện của Chúa. Làm như vậy chẳng khác nào chúng ta xúc phạm đến Đấng Toàn Năng. Chúa cần tình yêu, tình bạn và sự đồng hành của chúng ta. (Chúa không phải là máy phát ơn. Chúa cũng có cảm tình, cảm xúc như con người chúng ta. Không ai ghé ngang nhà cha mẹ mình để xin quà rồi bỏ đi ngay). Người muốn chúng ta bỏ thì giờ để ở trước sự hiện diện của Người, vui thích với Người. Chúa Giêsu đã dành nhiều thì giờ với Chúa Cha, và chúng ta cũng nên làm như vậy. (Chúa Giêsu phải mất 33 năm mới hoàn tất việc cứu chuộc nhân loại. Chương trình Thiên Chúa dài như thế với bao nhiêu thăng trầm từ lúc thơ ấu phải trốn sang Aicập cho tới hành trình trên đường thương khó lên núi sọ. Hãy đi với Chúa con đường dài, đừng đi đường tắt).

Một trong những lý do sau đây làm cho lời cầu nguyện vô hiệu qủa:

- Cầu xin điều sai trái
- Nói xấu kẻ khác
- Bất tín trong hôn nhân, ơn gọi
- Hờ hững với tình yêu của Chúa
- Không tuân theo lề luật Chúa
- Tôn thờ ngẫu tượng
- Tư tưởng không ngay thẳng và thù ghét
- Phạm đến đấng đã được Chúa sức dầu
- Sợ sệt. Kẻ nào sợ hãi không có tình yêu trọn vẹn
- Không tự xét mình: kẻ nào không tự xét tội lỗi mình mà ăn mình và uống máu Chúa sẽ mang án phạt cho mình.
- Coi thường Lời Chúa
- Không có lòng thương xót.
DXT chuyển dịch
thanhlinh.net