PDA

View Full Version : Bảy Bí Quyết Của Những Người Công Giáo Thành Công !



Van_Lung
15-06-2008, 06:08 PM
Bảy Bí Quyết
Của Những Người Công Giáo Thành Công



(Sưu Tầm)

Trong những chuyến đi trong nước và ngoại quốc, tôi có gặp những người công giáo có một sức thu hút đặc biệt đối với tôi. Họ có thể là linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, lớn tuổi, thanh niên hay là trẻ em. Họ thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Có một cái gì làm cho họ khác biệt hẳn những khác. Có thể chỉ là cái vẻ nhìn là lạ nơi họ, hay cách ăn nói của họ, hay một sự hiện diện, một sự tốt lành tự nhiên tỏa ra nơi con người của họ? Họ có một sức mạnh tinh thần nào đó khiến người ngoài có thể cảm nhận được. Và tôi có cảm giác ngay rằng họ sung sướng vì mình là người công giáo. Qua những mẩu đối thoại với họ, tôi có thể rút ra được rằng họ có một số bí quyết của người công giáo thành công. Thành công đây không có nghĩa là thành công trước mắt người đời về công ăn việc làm, về tài sản sẵn có, hay về căn nhà đồ sộ của họ. Họ cũng không nhất thiết phải là những người lãnh đạo trong cộng đồng hay giáo xứ của họ. Nhưng họ thành công vì đạo Công Giáo là khuôn mẫu cho cuộc sống và hành động của họ, là động lực nằm ngay trong giữa trọng tâm con người họ, là nguồn cảm hứng liên lỉ thúc đẩy họ suy niệm về con người chân thực của mình. Đạo Công giáo giúp họ tìm được hướng đi ngoài đời. Đối với họ, đạo công giáo không phải chỉ là một tấm áo lông họ bó buộc phải mang trên mình, hay một số những bổn phận họ bó buộc phải tuân giữ. Thật vậy, sống như người công giáo đôi khi có thể hết sức khó khăn, chính những người này cũng phải thú nhận như vậy. Nhưng họ có đức tin, và biết thực hành đức tin ấy một cách bền bỉ mà mềm dẻo. Đây là một động lực hướng thượng làm cho giầu mạnh hơn. Không hẳn là họ có đầy đủ cả bảy bí quyết tôi sẽ liệt kê dưới đây, nhưng đây giống như những sợi chỉ được luồn trong suốt cuộc đời của họ. Đối với một số, những bí quyết này đã trở nên tiềm ẩn; đối với người khác lại là những đích điểm họ muốn đạt tới. Chúng ta thử xem xét bẩy bí quyết này của người công giáo thành công, coi có áp dụng được cho chúng ta không? Biết đâu chúng ta lại có những bí quyết khác cũng quan trọng không kém.

1. Luôn luôn kết hiệp với Thánh Thể:

"Thánh thể vừa là một thực tại, vừa là một dấu chỉ cho những người công giáo thành công. Không có Thánh Thể trong đời, họ sẽ cảm thấy nghèo nàn, cô đơn và trống rỗng". Rất nhiều người đã thổ lộ rằng giây phút tiến lên bàn tiệc thánh thật là trọng đại, vì được kết hiệp với mình và máu Chúa Kitô. Trong thời đại con người khao khát tìm đến với cuộc sống tâm linh, khi những người có linh hồn đói khát muốn tìm kiếm sức mạnh thiêng liêng nơi những chỗ cổ kính hay lạ lùng, việc gặp gỡ Chúa trong Mình Thánh là những giây phút thật nhiệm mầu. Không hẳn là những người công giáo thành công không thăm viếng những đất thánh của tôn giáo khác, hay không đọc những cuốn sách hứa hẹn họ những gì cao xa. Nhưng họ vẫn luôn luôn nhìn thấy trong bí tích Thánh Thể cơ hội thường trực, sẵn có, duy nhất và hi hữu. Họ nhìn Thánh Thể như một sự kiện rường cột và một dấu chỉ của đời sống công giáo. Đây là sự thật: một món quà quý báu đang chờ đợi mỗi sáng chủ nhật, sau cánh cửa của một nhà nguyện nhỏ bé tại một ngôi làng, hay tại một vương cung thánh đường đồ sộ của một đô thị trong suốt tuần lễ.

Nhiều người bỏ bữa ăn trưa để đi xem lễ. Đối với họ, thật là giản dị: họ cảm thấy phải đến gặp Chúa hàng ngày. Họ xem lễ và chịu lễ như là lúc họ đến báo cáo với Chúa về những gì họ đã làm sáng hôm ấy, xem họ có khiếm khuyết gì không, và giúp cho họ có nhiều nghị lực hơn trở lại với công việc buổi chiều.

Người công giáo thành công có tự coi mình là xứng đáng hơn chúng ta để được lãnh nhận Mình Thánh không? Chắc chắn là không. Những người này biết rõ những thiếu sót của họ, và đôi khi hết sức thất vọng về mình, nhưng họ khiêm tốn khi được gọi mời "hãy đến mà ăn". Và họ được khuyến khích bởi lời mời gọi này: "Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh". Họ vững tin họ sẽ được chữa lành bởi quyền lực của Thánh Thể. Thánh Thể cũng là một dấu chỉ mãnh liệt cho những người công giáo thành công, một sự nhắc nhở cụ thể rằng họ trực thuộc vào một cộng đồng vĩ đại.

Trong khi họ nối đuôi nhau, từ từ tiến lên bàn thánh, với bàn tay vươn ra, có một cảm giác của sự kết hiệp với nhau một cách mạnh mẽ trong phút long trọng này. Mỗi người tiến đến bàn thánh với những nhu cầu, ý nghĩ thầm kín và lời nguyện riêng tư; họ đến trong lúc vui buồn hay sướng khổ. Ở đây, người công giáo không được phân biệt bởi chiều sâu của đức tin hay trạng huống cuộc đời; tất cả đều bình đẳng trước mặt Chúa. Và trên khắp thế giới, người công giáo mỗi phút giây đang tiến lại gần các bàn thờ, tất cả đều đang tìm gặp Chúa.

Thánh Thể là một dấu chỉ của sự hiệp nhất và tiềm lực của người công giáo, và cũng là dấu chỉ của một nhu cầu khẩn thiết. Nhu cầu này được thỏa mãn qua tấm bánh mỏng nhỏ nhoi, hay qua hớp rượu nho. Những người công giáo thành công không ngần ngại nói về sự đói khát của họ đối với của ăn thiêng liêng này, và khi đã nhận lãnh, họ cũng xác nhận cảm giác an toàn, bình an và quyền năng đang bao phủ trên họ.

Van_Lung
15-06-2008, 06:08 PM
2. Người công giáo thành công biết tưởng nhớ đến cộng đồng đức tin:

"Người công giáo thành công biết rằng họ cần đến sự đồng hành của kẻ khác trong hành trình về với Chúa, họ cần đến một mái ấm cho linh hồn..." Nhiều người đã có lần tự cắt đứt ra khỏi một cộng đồng đức tin, muốn đi một mình, đôi khi lý luận rằng họ cũng có thể gần được Chúa, y như khi ở trong một nhóm người. Họ cũng đúng một phần nào. Chúa đến với chúng ta trong thinh lặng, trong khi chúng ta cầu nguyện, và trong mọi biến cố mỗi ngày. Chúng ta không cần vào nhà thờ mới cảm nhận được sự hiện diện của Chúa.

Nhưng người công giáo thành công đã cảm thấy một nhu cầu liên lỉ phải trực thuộc một cộng đồng lớn hơn, để họ không cảm thấy cô đơn, không đi lạc đường. Họ công nhận rằng họ là những tạo vật trong một xã hội cần cung cấp và tiếp nhận sự khuyến khích của những kẻ có cùng một lý tưởng, dù quan niệm và mục tiêu của đời sống thiêng liêng có khác nhau.

Đối với nhiều người công giáo thành công, mái ấm cho linh hồn và cộng đồng đức tin là giáo xứ của họ; nhưng đối với người khác, có thể đó là một trung tâm công giáo, một đại học, một nhà dòng, một phong trào công giáo, một hội đoàn, một nhóm học hỏi Thánh Kinh, hay một nhóm cầu nguyện. Hiệp đoàn thông công có thể được diễn ra trong một buổi thánh lễ, trong một buổi tĩnh tâm, hay trong một đám đông tụ hợp già trẻ trong một thánh lễ ngoài trời khi cắm trại, hay ngay trong một phòng khách của một gia đình nào đó.

Họ là những người muốn được nghe biết những câu chuyện về gia đình tiền nhân của họ, và truyền khẩu lại cho các thế hệ sau. Họ ý thức được là họ trực thuộc một dòng dõi những người công giáo, xuất phát từ Chúa Kitô và vượt quá giới hạn của trí tưởng tượng của họ.

Cộng đồng đức tin tạo được những bóng mát trong sa mạc cho những nhóm đặc biệt có chỗ tụ tập. Mỗi nhóm đang đi trên nhiều hành trình khác nhau, nhưng tất cả đang tìm hiểu về Chúa và đang ước ao được đến gần Ngài hơn. Với tất cả những khiếm khuyết, giáo xứ, dòng tu hay nhóm cầu nguyện vẫn là gia đình đức tin của họ hiện thời. Liệu họ có thể hình dung ra một nhóm khác tốt hơn để gia nhập không? Đa số có thể cho rằng có những chỗ tốt hơn.

Tuy nhiên, trong thực tế, đây là gia đình của họ, với tất cả những gì vĩ đại hay thiếu sót. Đây là những buổi họp mặt chứa đầy nước mắt và tiếng cười. Nhìn rõ bộ mặt của nhau, họ đã nhận chân được là, tuy có khác nhau về nhu cầu và hoàn cảnh, họ đều một lòng đến với nhau.

Lạy Chúa, con đến đây với bạn bè con, chúng con đang vật lộn vất vả để được gần Chúa hơn. Con muốn được gần Chúa hơn. Con muốn hiểu Chúa hơn. Con cần Chúa giúp con trong cuộc sống. Xin Chúa giúp con, và xin Chúa ban cho con của ăn. Một phóng biên báo Wall Street viết: "Trong thánh lễ, tôi chẳng phải làm gì hơn là cầu nguyện và giữ thinh lặng. Cả một tuần lễ bận rộn vất vả, đây là giờ phút bình an. Không có lúc nào khác trong tuần tôi có thể cảm nhận rõ hơn được sức mạnh của đức tin, nhờ đó tôi mới đủ khả năng để khởi sự một tuần lễ mới và viết lách thành công".

Một người Tích Lan được nuôi dưỡng bởi tư tưởng huyền bí của Đông phương, cho biết ông đã cảm thấy: "một tiềm lực bao bọc ngôi thánh đường. Cả một khối người cùng tin ở một điều. Và khi có rất nhiều người cùng tin ở một điều, thì sức mạnh trở nên khủng khiếp. Khuôn viên nhà thờ giúp ta tốt lành hơn. Ai cũng tin như vậy. Nhờ vậy không ai có thể lạc lối".

Vì người công giáo thành công thuộc về một cộng đồng đức tin và thờ phượng, họ được lôi cuốn một cách tự nhiên về những tổ chức và cá nhân công giáo khác. Họ hy sinh cho con cái họ có thể theo học trường đạo. Họ cố gắng tham dự những chương trình công giáo, như các dạ vũ gây quỹ hay các trận đấu banh. Họ muốn được ở trong đám đông người công giáo để thêm cơ hội làm quen với người khác. Khi cùng có một ngôn ngữ và một mục đích, họ tìm được ra những dị biệt và pha trộn của các kinh nghiệm sống dồi dào.

Van_Lung
15-06-2008, 06:09 PM
3 - Người công giáo thành công tin cậy vào lương tâm và khả năng phán quyết của mình, nhưng không bao giờ cô đơn:

"Công đồng Vatican II cho người công giáo biết quyền lợi mới và những bổn phận nghiêm trọng mới". Công đồng cho họ hay rằng lương tâm của mỗi cá nhân là tòa án tối cao phán xết hành động của họ. Dĩ nhiên vẫn có điều luật, điều răn, giáo lý và học thuyết, nhưng tối hậu thì không có gì xếp hạng trên cái điều bí nhiệm có tên gọi là lương tâm.

Người công giáo thành công đã chấp nhận thách đố khó khăn này, và khi phải đứng trước những quyết định về luân lý hàng ngày, họ có sẵn trong người khả năng để chọn lựa quyết định tốt. Lương tâm, bản năng nhạy cảm, ý niệm về công bằng và hợp lý và thói thường căn bản của họ, đã luôn luôn sẵn sàng ứng phó với những quyết định phức tạp và khó khăn nhất.

Thế nhưng người công giáo thành công không kiêu ngạo hay vô tư lự đến mức nghĩ rằng họ có thể hoạt động trong khoảng trống không (vacuum). Họ được đào tạo bởi những giáo điều và học thuyết, mà không bị bóp nghẹt bởi muôn vàn quy tắc luật lệ. Trường hợp khác nhau đòi hỏi những phản ứng khác nhau, họ luôn luôn sẵn sàng để phân tách -có khi ngay lập tức- tìm ra quyết định nào họ phải chấp nhận, đường hướng nào họ phải theo. Họ không tìm kiếm những giải pháp tuân theo giáo điều răm rắp từng giòng từng chữ, mà tìm kỳ được cỗi rễ của chân lý và công chính theo tinh thần của lề luật.

Người công giáo thành công thận trọng tránh không lạm dụng lương tâm như là một lý do tiện lợi để dung túng điều họ muốn làm, thay vì là Thánh Thần trong lòng chỉ dạy họ điều nên làm. Nhờ vậy, mọi quyết định của đời họ đã không căn cứ vào sự tiện lợi nhanh chóng. Họ ý thức rõ lương tâm không chỉ là một cảm xúc, mà chính là một tổng hợp của linh tính, kiến thức, và sự tỉnh thức trước hiện tình. Họ hiểu rằng không phải mỗi ngày là phải canh cải hệ thống giá trị, có điều là lương tâm con người thường gặp phải những mâu thuẫn và bối rối khiến ta phải tìm ra giải pháp tốt nhất để xử trí.

Người công giáo thành công trông cậy vào chính họ, vào giáo hội của họ và vào Thiên Chúa, là những cộng tác viên đắc lực và trung thành về vấn đề luân lý. Họ hiểu rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với họ trong những lúc khó khăn, bấn loạn, và họ không bao giờ cô đơn. Dùng lương tâm làm kim chỉ nam soi đường, họ có thể cởi mở đón nhận những quan điểm đối nghịch.

Đúng vậy, họ có ý niệm chắc chắn về đời sống công giáo phải ra sao. Họ có thể không đồng ý với những huấn dụ của hội thánh về ngừa thai, về sự kiện những cặp ly dị không được rước lễ. Người công giáo ngày nay không giống thế hệ trước, khi các giáo điều và huấn dụ cứng nhắc chi phối rất nhiều khía cạnh trong đời sống con chiên, không chừa chỗ nào cho họ có thể lý luận theo ý nghĩ riêng tư.

Tuy nhiên, họ ý thức rằng họ có nhu cầu thường xuyên là phải được thách đố, và phải mềm mỏng hơn để có thể lắng nghe quan điểm của người khác, dù cho điều này có làm cho họ phải khó chịu. Họ biết rằng cho dù ý kiến mình có vẻ vững mạnh đến đâu, nó vẫn có thể cần được sửa sai hay đôi khi phải đổi ngược lại hoàn toàn. Điều này không có nghĩa là người công giáo thuần thành phải thường xuyên lật mặt trở cờ trước những vấn đề to lớn trong ngày. Nhưng họ biết rằng lắng nghe những ý kiến khác không phải là dấu chỉ của sự yếu đuối, mà là một sự vững tin rằng ý kiến của họ đủ vững mạnh để được đem ra mổ xẻ.

Đời sống của họ phản ảnh tâm tình của thánh Phêrô Đamiên khi ngài nói: "Hãy đứng trước công lý và sợ hãi. Chuẩn bị tâm hồn, vì bạn sắp bị thử thách". Người công giáo thành công hiễu rõ cái lều vĩ đại bên dưới có cả tỉ người đang trú ngụ, dưới cái lều này sẽ có cả những người có một kết luận, lối sống và cá tính đối nghịch trực tiếp với họ.

Những người này có ít công giáo hơn họ không? Chúa có yêu họ ít hơn không? Người công giáo thành công ý thức rằng đời sống là một cuộc hành hương thay vì một chuyến đi đã được sắp xếp sẵn. Những luồng gió của lịch sử sẽ thổi từ bất cứ hướng nào, khiến cho các hoàn cảnh thay đối rất nhiều.

Người công giáo thành công duyệt lại đời mình với tất cả những khúc quanh họ đã trải qua, và hiểu rằng nhiều quan điểm giờ này họ quyết liệt phản đối lại chính là những quan điểm ngày xưa họ đã có. Suy niệm được như vậy đem lại cho họ cả một tinh thần bác ái lẫn khả năng tiếu ngạo biết tự riễu vể sự đổi thay của mình.

Van_Lung
15-06-2008, 06:09 PM
4 - Người công giáo thành công thường làm những việc đòi hỏi phải thoát ra khỏi cái vỏ của họ :

"Có thể là làm việc trong một viện dưỡng lão, phục vụ như một thừa tác viên thánh thể, thăm viếng nhà thương, làm anh nuôi chị nuôi, trông nom một bà cô già nua bệnh tật, hay chỉ là nhường chỗ trên xe buýt vào cuối một ngày mệt mỏi, nhưng người công giáo thành công là những người bắt buộc phải làm những điều kéo họ ra khỏi cái vỏ của họ".

Họ ý thức rằng, nếu tin mà không làm, họ sẽ sống một đời sống đức tin khô héo như cây không có nước. Việc lành, nhỏ hay lớn, đều là những điều làm đức tin của họ được tươi mát, là biểu tượng cụ thể cho việc thực thi đức tin, và đem lại cho họ một ý niệm rằng họ được mời gọi, không những chỉ để biết hay để thảo luận -- nhưng còn là để thực hành -- đường lối của Chúa Kitô hàng ngày. Nói và làm những điều tốt lành, họ không cảm thấy phải hy sinh mà chỉ thấy sung sướng. Làm việc thiện đem lại cho họ niềm vui: họ được lãnh nhận nhiều hơn là cho đi; họ không cảm thấy nghèo đi, mà thấy mình giầu thêm. Đó chính lại là điều khuyến khích họ làm nhiều hơn nữa.

Điều này rất hợp lý: nếu không được hài lòng về hành vi của mình, ta sẽ có ngày ngưng không làm tiếp nữa. Nơi trọng tâm của người công giáo thành công có một sự khoan dung về tinh thần --một sự hăng hái và khả năng để làm cho đời sống dễ chịu hơn, vui vẻ hơn, tốt đẹp hơn, phong phú hơn cho kẻ khác. Khi chúng ta vui lòng góp ý kiến, khuyến nhủ, vỗ về an ủi, giúp đỡ kẻ khác về vật chất hay về tinh thần, chúng ta cảm thấy đời lên hương, vì đã thay đổi được hoàn cảnh hay tâm trạng kẻ khác. Như người Hoa Kỳ nói: "We can make a difference!".

Mẹ tôi dạy tôi phải làm việc từ thiện mỗi ngày, một việc không ai nhờ làm, và không được khen thưởng. Tôi cũng học được điều này, khi gia nhập đoàn Sói Con, vì đây là tôn chỉ của đoàn. Chúng ta được dạy dỗ bởi Thầy Chí Thánh, là phải "thương người như thể thương thân". Hội đoàn nào cũng có tôn chỉ Bác Ái đứng hàng đầu. Nhưng chỉ có người công giáo thành công mới thực lòng sống theo tôn chỉ ấy.

Người công giáo thành công thấy được sự lợi ích của việc được gọi bước ra khỏi cái vỏ của họ, và được thường xuyên kêu gọi để vượt trên hết mọi giới hạn. Những nữ tu tốt lành từng dạy dỗ bao nhiêu người công giáo thành công đang vừa được khen ngợi vừa bị chỉ trích. Có thể họ không thấu hiểu sự tế nhị của đường lối phát triển của con người, nhưng họ biết rõ rằng con người có một khả năng to lớn.

Chỉ khi nào họ được lôi kéo dài ra, bị đòi hỏi phải cho đi quá mức giới hạn, quá khả năng vật chất và tinh thần, họ mới có thể trưởng thành nên một con người tốt lành biết thông cảm, biết thương người, và biết xử thế đúng mức. Nếu để cho họ tin vào khả năng hạn hẹp của họ, linh hồn họ sẽ co rút lại và khô héo đi. Nếu được khuyến khích, và đôi khi được đẩy mạnh cho cất cánh bay cao, họ sẽ mọc ra những đôi cánh lạ lùng.

Tôi làm việc trong một trường trung học, và phải điều hành một số nhân viên Hoa Kỳ không mấy ưa thích phải làm dưới quyền một anh da vàng nhỏ thó. Tôi phải hoàn thành nhiệm vụ và bổn phận của tôi, và trong khi đó tôi phải yêu thương những người này, mặc dầu họ nói xấu, dèm pha, và đâm tôi sau lưng, để tìm cách hạ bệ tôi. Điều này thật khó, nhờ đức tin, nhờ sự kiên trì qua 22 năm, tôi đã chứng tỏ cho họ thấy là có khả năng và làm việc với tôi rất dễ chịu. Tôi giúp đỡ, hướng dẫn, lo lắng cho họ và rất công bằng.

Có thể là sự khó khăn hàng ngày phải đối phó với một đứa trẻ mất dạy, hay một cha mẹ già nua, hay một người chủ khó tính, ở những chỗ mà luân lý công giáo và lương tâm không ăn nhập gì với công việc phải làm. Dù là việc gì, người công giáo thành công thấy đó là những cơ hội, dù khó khăn đến đâu, để thực hành một lối sống đã tiềm tàng trong con người của họ.

Van_Lung
15-06-2008, 06:10 PM
5 - Người công giáo thành công sống từng giây phút, ý thức những cơ hội thánh thiện:

"Trong thời buổi có nhiều sự đổi thay này, người công giáo đôi khi phải rút về mái nhà chở che của giáo hội xưa cũ để được bảo đảm trong những lúc lung lay, hay nhắm mắt lao đầu vào không gian say sưa mở rộng của những trào lưu, tư tưởng mới với những hứa hẹn và khả năng mới".

Những cải tổ trong giáo hội không xảy ra sớm sủa, theo một số người; một số người khác lại cho là đã đi quá xa. Nhiều người lại kêu gọi phải thận trọng trong việc duy trì kỷ luật trong giáo hội, trong khi vẫn gióng lên tiếng kêu gọi tự do và tin tưởng.

Nhưng người công giáo thành công nhớ đến những gì đã xẩy ra trước đó, và những gì đang nằm trước mắt, và biết rằng tất cả thực sự không có ở đó. Phải, những ký ức giúp cho chúng ta phán đoán, và niềm hy vọng thúc đẩy chúng ta tiến lên, nhưng hiện tại chỉ giống như một trang giấy trắng đang chờ đợi được viết lên. Họ biết tự chủ, biết lo lắng cho gia đình, cho sở làm, cho cộng đồng đức tin, cho thế giới trong đó họ đang sinh sống.

Người công giáo thành công là những kẻ tin mãnh liệt vào viễn ảnh họ đang cùng với Thiên Chúa tái tạo thế giới này. Họ cũng là những kẻ mơ mộng xa xôi, luôn luôn cố gắng tìm cách để hành động tốt hơn, để trực thuộc vào một giáo hội thánh thiện hơn. Một giáo hội nuôi dưỡng và nâng đỡ dân Chúa, để tạo dựng theo phương cách nhỏ bé của họ, một thế giới quan niệm vững chắc rằng không một ai trong chúng ta là một ốc đảo. Tất cả chúng ta đều tương trợ lẫn nhau.

Trung Tâm Giáo Dân Quốc Gia (NationalCenter for the Laity) đang hoạt động để giúp giáo dân thấy được sự nối kết giữa đời sống đức tin và đời sống nơi sở làm. Đây không chỉ là đem Chúa Kitô đến nơi sở làm, mà là khám phá ra được những ân sủng của Ngài đang hiện diện tại đó. Người công giáo chỉ cần sử dụng trí tưởng tượng huyền bí của họ trong việc khám phá ra Chúa trong mọi biến cố hàng ngày.

Trong những buổi hội, khi người ta tìm cách xâu xé nhau (có thể là tất cả những căng thẳng cần được trút ra ngoài hết), không có gì ngăn cản chúng ta nói một vài lời an ủi cho những ai đang cảm thấy bị tấn công nặng nề trong cuộc hội thảo. Đó là điều thật giản dị, nhưng cũng rất thâm thúy.

Van_Lung
15-06-2008, 06:11 PM
6 - Người công giáo thành công luôn luôn nhớ rằng Chúa rất khoan dung và tha thứ :

"Phải, người công giáo thành công cảm nhận được bàn tay Chúa trên lưng họ, khuyến khích họ tiến đến sự toàn hảo. Nhưng dù có khi họ cảm thấy bàn tay thúc đẩy của Chúa không mấy nhẹ nhàng, họ vẫn biết rằng Chúa vẫn còn khoan dung và tha thứ hơn nữa."

Là người công giáo không phải là một công việc lúc nhàn rỗi. Người công giáo luôn luôn bị đòi hỏi phải toàn thiện. Nhưng Thiên Chúa họ biết lại không phải là một Thượng Đế thét ra lửa, hay một người giữ sổ tính công chỉ ghi chép những thất bại của họ. Thiên Chúa của họ là đấng nhân từ khoan dung và luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Người công giáo thành công không xa lạ gì với việc tự xét mình: họ ý thức rõ ràng về những khiếm khuyết của họ, đôi khi ngay trong những lãnh vực họ cho là có nhiều ưu điểm nhất. Nhưng họ lại tin tưởng vững chắc rằng, dù cho họ có hành xử xấu xa đến đâu, thì họ cũng không bao giờ bị đầy ải xa quá tầm tay với của tình yêu và sự tha thứ của Chúa. Chúng ta không bao giờ được lìa giáo hội, vì chúng ta đang sống trong tình trạng tội lỗi. Giáo Hội chính là nơi chốn thích hợp cho những kẻ tội lỗi. Tất cả chúng ta đều là kẻ tội lỗi, chính vì vậy mà chúng ta cần quây quần bên nhau.

"Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh". Người công giáo thành công công nhận phần đầu của lời nguyện này là đúng, và mạnh dạn tin tưởng vào phần hai. Còn gì nữa? Thiên Chúa thực sự là một người cha nhân từ, liệu Ngài có cư xử kém một người cha trần thế không? Liệu Ngài có giữ con cái Ngài đã ban cho sự sống ở xa quá tầm tay, nhất là khi chúng kêu gào rằng chúng cần Ngài hết sức?

Người công giáo thành công trên trái đất này không thắc mắc như vậy. Họ tin tưởng ở sự tha thứ, và được cho phép khởi sự một cuộc đời mới. Nếu họ xin là họ sẽ được. Đối với họ, Chúa không nhớ dai những nhược điểm của họ.

Những điều cũng giúp đỡ cho công giáo thành công là đức tính bình tâm, bác ái, và khôi hài họ có về chính họ và giáo hội của họ. Ai có thể tức giận về lỗi lầm cá nhân của mình, khi biết rằng có một Thiên Chúa yêu thương họ hết mình và không bao giờ ngoảnh mặt đi?

Người công giáo thành công có khả năng tách ra bên ngoài đời sống để đứng nhìn con người yếu đuối của họ một cách trìu mến. Lạy Chúa tôi! Hắn có thể làm như vậy à? Nó còn làm thế nữa sao?

Người công giáo thành công có thể mỉm cười trước những lỗi lầm của mình, để sẽ hãnh diện khi họ có thể sửa đổi và vươn lên. Họ cũng nhìn giáo hội của họ với một tấm lòng bác ái. Cộng đồng các tín hữu này đã có một lịch sử đáng kính, nhưng cũng không hẳn là không có những vết hoen ố. Và cùng với cộng đồng tín hữu, giáo hội được soi sáng và được sức dầu thánh. Giáo Hội gồm có những thành phần công chính, nhưng cũng có những thành phần yếu đuối về luân lý.

Tuy nhiên, Giáo Hội công giáo, có lẽ nhiều hơn các tổ chức khác trên trái đất này, đang đứng nhiều hơn về phe những người nghèo khó và bị áp bức, đang bênh vực cho những kẻ không có tiếng nói, và luôn luôn hăng hái bảo vệ cho luân lý trong lịch sử nhân loại. Người công giáo thành công tôn kính giáo hội qua uy quyền vương giả và thấu hiểu sự hạn hẹp của giáo hội trên căn bản con người.

Van_Lung
15-06-2008, 06:11 PM
7-Người công giáo thành công tin tưởng ở việc cầu nguyện và cầu nguyện hàng ngày :

"Đời sống cầu nguyện của người công giáo thành công là cả một món ăn hổ lốn về tinh thần, nhưng dù họ áp dụng đường lối nào, người công giáo thành công cũng coi việc cầu nguyện là tối cần cho sự sống tĩnh tâm của họ".

Họ có thể là một ông công chức dạy từ 5 giờ sáng để suy niệm, trong khi cả nhà còn ngủ, hay một bà già lần hạt suốt thánh lễ, một người nghiên cứu Thánh Kinh, từng chữ từng câu, hay một người ngồi chiêm niệm trong tư thế hoa sen, với đôi mắt nhắm nghiền.

Dù họ xử dụng kinh nguyện đã in ra trên sách, lời cầu xin thì thầm, kinh Mân Côi, hay kinh cầu thinh lặng đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, xét mình, hồi tâm. Dù là một kinh cầu bên giường ngủ hay tại bàn ăn, trong khi lái xe hay ngồi trên xe điện ngầm, trong khi cho con bú hay khi đi dạo.

Cầu nguyện có nhiều hình thức. Cầu nguyện đối với người công giáo thành công cần thiết đến nỗi thiếu nó sẽ có thể gây ra một sự mất thăng bằng về thể lý.

Thiếu cầu nguyện sẽ làm cho khó lấy quyết định, khó thấy được cái gì là quan trọng và cái gì là phù phiếm, khó có thể tận hưởng những thành công trong đời, và chịu đựng những thất bại một cách can đảm. Sẽ khó có thể thực thi những hành động đòi hỏi chúng ta phải ra khỏi cái vỏ sò của mình, và tránh được việc đi vào những con đường dẫn đưa tới những ngõ cụt có thể tiên đoán trước.

Đối với người công giáo thành công, cầu nguyện ít khi là dịp để có kinh nghiệm bản thân về Thiên Chúa. Một phần là nài xin, một phần là tâm sự, một phần là ca tụng Đấng Tối Cao, và một phần là để tạ ơn. Cầu nguyện cũng có thể bao gồm rất nhiều lúc mơ màng nghĩ chuyện đâu đâu và những giai đoạn khô khan.

Vì người công giáo thành công không xa lạ gì với những khuyết điểm của mình, họ đã làm quen với đời sống cầu nguyện bất toàn và đôi khi bị cắt đoạn. Họ cố gắng cầu nguyện đều hòa, và đôi khi họ thành công. Nhiều khi họ phải công nhận rằng họ thất bại. Nhưng họ vẫn cầu nguyện, với sự tin tưởng nơi lòng khoan dung và quan tâm của Thiên Chúa.

Chỉ có một Thiên Chúa với nhiều danh hiệu khác nhau. Trong đời sống cầu nguyện của chúng ta, có nhiều mùa, nhiều mức độ. Đôi khi người công giáo thành công gần như có thể chạm đến Chúa, và được đổ tràn đầy hạnh phúc vô tả. Nhiều lúc khác, Thiên Chúa ra xa vời, và lời cầu xin của họ thật trống rỗng và khô khan.

Nhưng người công giáo thành công biết rằng khi tìm kiếm Chúa trong kinh nguyện, họ đã thực sự gặp gỡ Ngài. Chúa không đòi hỏi gì nhiều hơn là một trái tim mở rộng, và chính đó là cầu nguyện, mở lòng cho Đấng Tối Cao ở bất cứ nơi nào, bằng bất cứ phương cách nào.