PDA

View Full Version : Buổi nói chuyện: “Thai nhi - Quà tặng vô giá của Thiên Chúa”



Damsan
29-01-2011, 04:32 PM
Phải bảo vệ Sự Sống, vì mỗi sinh linh là độc bản duy nhất mà Chúa đã làm nên


Cha Lê Quang Uy
“Sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm trong tất cả các khoảnh khắc của sự hiện hữu của nó, cả trong khoảnh khắc khởi đầu có trước sự sinh ra. Từ trong dạ mẹ, con người thuộc về Thiên Chúa là Đấng dò xét và thấu biết tất cả, là Đấng hình thành và tác tạo nó từ tay Ngài, đã nhìn thấy nó khi nó mới còn là một phôi nhỏ không có hình dạng xác định và đoán thấy nơi nó con người trưởng thành nó sẽ trở nên ngày mai, mà ngày giờ đã được đến và ơn gọi đã được ghi vào “sách sự sống” ( Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống – Evangelium Vitae của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, số 61 )

Hội Thánh đã minh định việc Bảo Vệ Sự Sống từ khoảnh khắc đầu tiên bào thai được hình thành. Có thể nói Sự Sống là quà tặng vô giá của Thiên Chúa, phá thai là tước đoạt quyền định đoạt của Thiên Chúa đối với Sự Sống con người. Vì thế, phá thai đích thực là một tội phạm đến Chúa và chống lại Sự Sống con người. Trong xã hội hôm nay vấn nạn phá thai là hậu quả của lối sống thực dụng, các giá trị đạo đức bị coi thường, xem nhẹ, với nhan nhản những cảnh báo về vấn nạn sống thử trước hôn nhân, tình một đêm, ngoại tình, sống buông thả...

Sau những dịp Lễ, Tết vài ba tháng là các bệnh viện, phòng khám lại tăng đột biến các ca nạo phá thai, và thật đáng lo ngại khi tỷ lệ trẻ vị thành niên nạo phá thai ngày càng cao. Bên cạnh đó, với tiến bộ của y học, lẽ ra việc siêu âm chẩn đoán thai hỗ trợ rất nhiều cho việc chữa trị và trù liệu các biện pháp điều trị sau sinh, thì nó lại là tác nhân hủy hoại Sự Sống khi bác sĩ thường dùng thuật ngữ “chấm dứt thai kỳ” để ra phán quyết giết chết bào thai nếu kết quả siêu âm có bất kỳ dấu hiệu bất lợi nào đối với thai nhi.

Trước những tiếng kêu cứu của các thai nhi vô tội bị tước đoạt mạng sống, chiều ngày 22.1.2010, Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình Tổng Giáo Phận Sàigòn đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “THAI NHI – QUÀ TẶNG VÔ GIÁ CỦA THIÊN CHÚA”, do cha Giuse Lê Quang Uy, DCCT, thuyết trình tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận, cha là người đã hết lòng dấn thân cho công tác Bảo Vệ Sự Sống từ nhiều năm qua.

Xem hình buổi nói chuyện về thai nhi

Cùng đến với buổi thuyết trình có các bạn trẻ thuộc nhóm Fiat là nhóm Bảo Vệ Sự Sống của DCCT, và đặc biệt còn có thêm bốn gia đình vợ chồng con cái chứng nhân can đảm cho công cuộc Bảo Vệ Sự Sống, đã cứu lấy chính con cái họ, cho các bé được sinh ra trong vòng tay chở che của Chúa bằng lời cầu nguyện tin tưởng và phó thác.

Mở đầu buổi thuyết trình của mình, cha Quang Uy mời gọi cộng đoàn dâng lên lời cầu nguyện xin Chúa cho mỗi người đều biết đón nhận Sự Sống như Đức Maria đã thưa Fiat: “Này con xin vâng theo ý Chúa trên đời con, để từ nơi con sự sống Chúa luôn chan hòa...”

Trong phần đầu của bài thuyết trình với tiêu đề “Hãy Chiêm Ngưỡng Sự Sống”, cộng đoàn được mời gọi nhìn ngắm quá trình hình thành của Sự Sống qua lời Kinh Thánh Cựu Ước từ Thánh Vịnh 139: “Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự”.

Sự sống con người đến từ Thiên Chúa, đã được Chúa an bài sắp đặt tuyệt vời. Bằng những hình ảnh sống động rõ nét, cộng đoàn đã được thấy rõ toàn bộ quá trình hình thành một em bé tương lai. Khởi đi từ tinh trùng, phần hùn Sự Sống của người chồng, cũng là người cha tương lai, mỗi lần gần gũi vợ chồng, có khoảng từ 200 triệu đến 500 triệu tinh trùng được bắn đi, bơi vào buồng trứng, thế nhưng chỉ duy nhất một tinh trùng lọt được vào bên trong trứng của người mẹ.

Kể từ khoảng khắc đó, một phôi thai hình thành, khởi đầu Sự Sống của một em bé. Trong khi đó, quả là nhiệm mầu khi người phụ nữ cống hiến 500 quả trứng, còn gọi là noãn, là 500 mầm sống trong suốt cuộc đời mình, trong những lần đó sẽ có một số lần thụ thai. Tại Việt Nam, có một đôi vợ chồng Công Giáo ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đạt mức kỷ lục, với 24 lần sinh con, nuôi dạy con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, đạo đức và thành đạt !

Khi trứng đã thụ tinh, mang tất cả các dữ liệu Sự Sống căn bản của mẹ và cha, ngay từ khoảnh khắc đó, nó bắt đầu quá trình phân chia theo cấp số nhân đôi, (từ một thành 2, 2 thành 4, thành 8, 16, 32, 64,... trong từng giây phút tăng trưởng đầu đời để hình thành một cái phôi có khoảng 200 mảnh dính vào nhau), rồi từ đó phát triển thành phôi thai, thai nhi với đầy đủ bộ phận trong cơ thể con người. Quá trình phát triển của Sự Sống lần lượt được cha Quang Uy giới thiệu nối tiếp qua các hình ảnh tư liệu, khi bào thai em bé được 6 – 7 ngày tuổi, rồi 17 ngày tuổi khi bắt đầu hình thành cột sống, 26 ngày tuổi khi đã nên hình nên dạng thấy được đầu, mắt, hai tay, hai chân. Lúc em bé 4 tuần tuổi, bàn tay đã có thể nhận rõ có 5 mấu, sau này sẽ tiến triển thành 5 ngón tay. Khi em bé được 6 tuần tuổi, toàn thân dài 3cm, lúc 11 tuần tuổi dài 6cm và lúc em bé được 17 tuần tuổi (hơn 4 tháng) dài 20cm, nặng 140 – 150g. Quá trình hình thành phát triển sự sống cứ thế diễn ra đến 7 tháng rưỡi tuổi, em bé đã mang hình hài đầy đủ của một con người thực thụ. Đến ngày nở nhụy khai hoa, bé phấn đấu để trở đầu xuống, thoát ra khỏi cửa lòng mẹ để đến với môi trường sống của xã hội loài người. Khi ra đời, ngay lập tức đứa bé được đặt nằm vào lòng người mẹ, một niềm hạnh phúc bình an lạ lùng trào dâng nơi cả mẹ lẫn con...

Đã có những Sự Sống chào đời trong niềm hạnh phúc của cha mẹ, nhưng cũng có những mảnh đời được đón nhận từ bàn tay yêu thương của tha nhân và cháu bé Trần Ân Hiệp Thông, sinh năm 2003 tại Mái Ấm Giêrađô chính là thành quả đầu tiên của chương trình Bảo Vệ Sự Sống của DCCT tại Sàigòn. Hình ảnh những khuôn mặt kháu khỉnh, dễ thương với những ánh mắt tròn xoe đáng nhớ lần lượt được giới thiệu như là quà tặng vô giá của Thiên Chúa ban tặng cho loài người mà không ai có quyền ngăn cản quyền được sống của chúng. Thế nhưng, đôi lúc chỉ vì kỹ thuật siêu âm sai lầm và sự vô trách nhiệm của một số bác sĩ đã khiến cho các bà mẹ hoang mang, dẫn đến một quyết định hủy hoại Sự Sống, nôm na là tự ý xin phá thai. Một trường hợp điển hình: chị M., ở trọ phía sau Nhà Thờ Phùng Khoang, Hà Nội, chị được các bác sĩ cho biết bị chứng “giãn thận” vào thời kỳ cuối, rất trầm trọng, thế mà lại còn để cho có thai. Muốn được chữa trị thì phải hủy cái thai đi, nếu không thì sẽ chết cả mẹ lẫn con. Chị tìm đến các cha DCCT Hà Nội để xin cho phép phá thai, nhưng nhờ sự tư vấn tận tình của các cha, một bác sĩ Công Giáo khoa niệu từ Sàigòn qua điện thoại đã kê một toa thuốc hết sức đơn giản nhưng lại cứu được cả hai mẹ con. Thật ra, chỉ là chứng chướng hơi đầy bụng, chẹn lên bàng quang làm bí tiểu mấy ngày liền, thận phù lên, bây giờ uống thuốc tiêu vào, đánh hơi được, rồi đi giải, thế là không còn phù lên nữa. Thế mà, chút xíu nữa, nghe lời bác sĩ chẩn đoán sai thì sau này đã không có một cháu bé kháu khỉnh chào đời.

Quả thật, thai nhi chính là một công trình tuyệt vời, quà tặng Sự Sống là vô giá, độc nhất vô nhị. Mỗi người là độc bản duy nhất không có gì có thể thay thế được. Thế nhưng, thảm trạng hủy hoại Sự Sống lại đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên quê hương Việt Nam chúng ta.

Tiêu đề phần hai: “Đừng Hủy Hoại Sự Sống” là lời kêu gọi khẩn thiết của những người thành tâm thiện chí và quyết Bảo Vệ Sự Sống khi thống kê cho biết mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,4 đến 2 triệu ca nạo phá thai chỉ riêng trong lãnh vực y tế công, thật ra, nếu tính thêm phá thai ở các bệnh viện tư, các phòng khám tư thì con số phải đến 3 triệu ca. Như vậy, trung bình cứ khoảng 6 giây trôi qua lại có một thai nhi bị giết chết. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), từ năm 2008, Việt Nam đã trở thành một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.

Vấn nạn phá thai lại càng bùng nổ khi xuất hiện nghề mới “cò phá thai” giúp người ta kinh doanh trên sự giết chóc thai nhi bằng những hình thức móc nối phá thai về các phòng mạch tư, phá thai ngoài giờ... Tại Hà Nội, có hàng loạt cửa tiệm phá thai, trưng bảng quảng cáo công khai trên cả một đại lộ mệnh danh là “phố phá thai”. Pháp luật các nước cấm phá thai trên 4 tháng, thậm chí có mốt số nước khi thai nhi 3 tháng tuổi đã không được quyền phá thai. Nhưng ở Việt Nam, thậm chí thai nhi đã 7, 8 tháng vẫn có nơi sẵn sàng phá bỏ, miễn là đóng khoản tiền rất cao, xem đó như một thủ thuật y khoa mà không hề bận tâm đến các sinh linh bé nhỏ có quyền được sống sắp sửa chào đời. Thảm thương thay cho y đức, cho lương tri của xã hội!

Những hình ảnh được trình chiếu gây xúc động bất ngờ và kinh hoàng cho cộng đoàn hiện diện, đó là các thai nhi bị trục ra bằng phương pháp ép phải sinh non, còn được gọi ngắn gọn là “làm Kovac”, em bé bị vỡ cả hai nhãn cầu, lại bị phỏng, xuất huyết dưới da bầm tím toàn thân.

Trước thảm cảnh những thai nhi bị phá bỏ và vất bỏ vô tội vạ, tại khu vực Sàigòn, nhóm Bảo Vệ Sự Sống Sàigòn đã trung thành từng ngày, từng ngày trong suốt 7 năm qua, thu nhặt được gần 300.000 xác thai nhi đem về, trân trọng lo liệu hậu sự, táng tro cốt vào từng viên gạch đúc sẵn, chuẩn bị xây dựng thành một tháp anh hài lớn.

Hằng ngày, các anh chị Nhóm BVSS đi nhận các thai nhi bị giết tại các điểm phá thai mang về DCCT Sàigòn đặt ở “Góc Xót Thương”. Đến khuya đến lượt các bạn trẻ thiện nguyện nhóm Fiat sẽ quy tập tất cả các túi thai nhi ấy đem về lo hậu sự ở ngoại thành. Ngoài ra, gần đây còn có thêm phong trào các bạn trẻ, cả các bà mẹ Công Giáo, tự nguyện nhận các thai nhi đã bị giết chết làm con tinh thần, đặt tên cho các cháu, nhận các cháu vào gia đình mình, rồi trò chuyện cầu nguyện với các cháu.

Còn nhớ, gần mười năm trước, chương trình Bảo Vệ Sự Sống được hình thành khi rất nhiều chị em phụ nữ đến DCCT xưng tội phá thai. Các cha hỏi tại sao biết là tội rồi mà vẫn cứ phá thì họ nói họ không còn con đường nào khác. Nhiều khi, chỉ là do lỡ lầm, không tìm được một nơi nương thân, tránh dư luận xã hội, để giữ lại em bé trong bào thai cho đến khi mẹ tròn con vuông, bước đường cùng, họ đã đành đoạn chọn giải pháp phá thai. Từ đây, các cha các thầy DCCT đã quyết định lập ra những Mái Ấm đón nhận và chăm sóc cho đến lúc “mẹ tròn con vuông”, lại dứt khoát giúp họ nuôi con chứ không đem cho con, bán con, hoặc bỏ con.

Cho tới hôm nay, Mái Ấm Giêrađô ở quận Bình Thạnh, đã hoạt động được tám năm, đã có ba khoảng bốn trăm cháu bé được sinh ra ở đó. Kế đó là các Mái Ấm Sarnelli, Mái Ấm Fiat tiếp tục được lập ra ở quận Gò Vấp. Bên cạnh đó, nhóm Bảo Vệ Sự Sống đầu tiên được hình thành gồm các anh chị em giáo dân, được tập huấn về tâm lý, về luân lý, nhất là về đức tin để có thể vào tận các điểm phá thai, tiếp cận, trò chuyện và thuyết phục những người sắp phá thai, giúp họ trở về nhà hoặc đưa họ về các Mái Ấm chờ ngày sinh nở.

Tiêu đề phần thứ ba, cũng là phần cuối của nài thuyết trình, cha Quang Uy đề nghị là... “Phải Bảo Vệ Sự Sống”, một lời mời gọi cấp thiết đối với mọi người thiện chí, nhất là các Kitô hữu.

Ngoài các lý do đưa đến phá thai gắn liền với các hậu quả xã hội như: lỡ lầm, ngoại tình, bị cưỡng hiếp, vỡ kế hoạch, nghèo… thì không ngờ vẫn còn những nguyên do đẩy người ta đến thảm kịch phá thai từ kết quả siêu âm chẩn đoán và các loại xét nghiệm y khoa khác. Đáng lẽ người ta phải nỗ lực can thiệp để kịp thời chữa trị các trục trặc, dị tật, bệnh hoạn nơi các thai nhi, hoặc dự liệu các giải pháp sẽ điều trị sau này khi các em đã chào đời. Thế nhưng đớn đau thay, trong thực tế không hoàn toàn là như vậy… đã có rất nhiều cháu bé không được phép sinh ra!

Trong thực tế, đã có rất nhiều trường hợp các bác sĩ vội vàng đưa ra các kết luận thiếu cơ sở, cẩu thả, vô tội vạ, gây choáng váng tuyệt vọng cho cha mẹ của thai nhi, rằng thai nhi bị: Hội chứng Down, bệnh tim bẩm sinh, không có hộp sọ, úng thủy não, sứt môi hở hàm ếch, đa dị tật, quái thai do thai phụ đang hóa trị, xạ trị, bị thiểu ối, mới bị cúm Rubella, trót uống thuốc trụ sinh, thuốc sổ lãi, hoặc sinh mổ em bé trước đó nay lại có thai sớm, để rồi họ yêu cầu các bà mẹ “chấm dứt thai kỳ” càng sớm càng tốt !

Chị Maria Nguyễn Thị Phương Thu cùng gia đình đến với buổi thuyết trình với tư cách là nhân chứng cho những sai lầm trong chẩn đoán của nhiều bác sĩ ở nhiều nơi khác nhau, nhờ vào lòng tin và tín thác vào Thiên Chúa mà con trai của chị đã được chào đời trong nỗi vui mừng của gia đình và người thân.

Chị Phương Thu cho hay khi có thai gần 3 tháng thì nhiễm cúm Rubella, bác sĩ yêu cầu xét nghiệm nếu dương tính bắt buộc phải bỏ thai. Khi xét nghiệm thì 90% dương tính, bác sĩ yêu cầu phá thai nhưng chị từ chối. Khi tìm đến DCCT, chị được các cha khuyên tuyệt đối không được bỏ thai, các cha và cộng đoàn sẽ giúp cầu nguyện. Chị đã lo sợ con sẽ bị dị tật, nhưng người chồng, anh Giuse Ngô Quốc Tuấn đã lập luận rằng cả ngàn người cầu nguyện thì ắt Chúa... phải nhận lời, còn mẹ chị thì khuyên con gái cứ giữ thai, nếu có chuyện gì bà sẽ nuôi. Mỗi tối anh chị lại đến Nhà Thờ Kỳ Đồng để cầu nguyện, suốt thời gian dài chị chỉ cầu nguyện: “Xin cho con của con được lành lặn”. Cuối cùng, chị đã sinh ra một cháu bé kháu khỉnh lành lặn, đặt tên là bé... Giuse Ngô Quang Kiệt. Chị chia sẻ kinh nghiệm: nếu ai gặp khó khăn gì cứ đến cầu nguyện với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Giêrađô, đấng bảo trợ cho các bà mẹ mang thai, các ngài sẽ cứu.

Các đôi vợ chồng đang hạnh phúc với những niềm vui đón nhận đứa con của mình, thế nhưng đến lúc siêu âm hay có kết quả xét nghiệm thì nhận được tới tấp những lời phán quyết thai nhi phải bị hủy đi. Trong vòng 3 năm qua, các nhóm Bảo Vệ Sự Sống ở DCCT Sàigòn, Hà Nội và Huế cùng các nơi khác đã gặp phải ba bốn trăm trường hợp như thế, không biết còn bao nhiêu người không có chỗ để hỏi, để nhờ cậy tư vấn. Con số phá thai hiện nay không phải tăng lên chỉ do những người lỡ lầm phá thai mà còn do những người bị đánh lừa mà phá thai.

Siêu âm, xét nghiệm đáng lẽ ra để phục vụ Sự Sống con người thì nhiều người lại tận dụng những phương pháp đó để hủy hoại Sự Sống con người. Những lời khuyên ngược đời của các bác sĩ khi siêu âm cho ra kết quả bất lợi: “Vì nhân đạo hãy chấm dứt sự sống của thai nhi càng sớm càng tốt, đừng để nó sinh ra làm gánh nặng cho gia đình, cho xã hội”.

Anh chị Huy Chương và Anh Thư làm chứng rằng khi chị mang thai được 5 tháng, khi đi siêu âm bác sĩ bảo là bị thiểu ối nặng 3/11, khi nhập viện theo dõi, bác sĩ bảo phải chấm dứt thai kỳ ngay vì để lâu thai nhi có thể bị dị tật, mất tim thai và ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và con. Muốn giữ lại bào thai, bác sĩ khám thai buộc phải viết cam kết tự chịu trách nhiệm nếu bất trắc xảy ra. Anh chị chỉ biết cầu nguyện với ý nghĩ: “Dù sao cũng là con của mình, lỡ như em bé có dị tật cũng là con của mình”. Họ cầu nguyện để cầu xin Chúa ban cho mọi sự lành.

Bào thai lớn dần đến 7 tháng, bác sĩ ngạc nhiên vì dù thiếu nước ối nhưng vẫn phát triển bình thường, đến 8 tháng thì “mổ bắt con”, cho bé ra đời sớm, và kết quả, chẳng thấy bé có bất kỳ dị tật nào. Hiện nay bé Hồng Ân đã được 6 tuổi, có thêm bé em tên là Khánh Ân và người mẹ can đảm ấy lại đang chuẩn bị sinh bé thứ ba, chị quyết tâm sẽ không đi siêu âm nữa và chỉ kiên trì cầu nguyện trong phó thác.

Rõ ràng trẻ sinh ra nếu có bị khuyết tật thì các em không phải là gánh nặng cho xã hội khi mà cha mẹ biết chấp nhận sự thật, biết dạy dỗ, yêu thương, đùm bọc nâng đỡ, tạo nghị lực sống cho các em để các em biết cách hòa vào nhịp sống của xã hội. Sự giúp đỡ về vật chất đối với người khuyết tật là cần thiết nhưng quan trọng hơn là giúp đỡ về tinh thần. Chính sự kỳ thị của xã hội đối với người khuyết tật đã đẩy nhiều người ra bên lề của cuộc sống.

Cần tôn trọng người khuyết tật trong tình tương thân tương ái để tạo điều kiện cho họ phát triển chứ không phải bằng sự thương hại như lời Chúa Giêsu đã dạy cho mọi Kitô hữu: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” ( Lc 14, 12 – 14 )

Nhiều người khuyết tật đã đóng góp cho cuộc sống một cách mạnh mẽ và thuyết phục hơn so với rất nhiều người. Cộng đoàn tham dự buổi thuyết trình đã được cha Quang Uy mời xem các video clip ngắn về em Nick Vujicic, sinh ngày 4.12.1982, tại Melbourne, Úc, chỉ có 4 mẩu chân tay cụt ngủn, nhưng bé đã lớn lên, mạnh khỏe, ngoan ngoãn, dễ thương trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và mọi người. Nay anh Nick Vujicic đã là vận động viên bóng rổ, bơi lội, lướt ván, nhào lộn, lại là diễn giả lừng danh đi khắp nơi nói chuyện với sinh viên về nghị lực sống hữu ích cho đời...

Một mẫu gương người khuyết tật khác là anh Tony Melendez, sinh ngày 9.1.1962, tại Nicaragua, là nhạc sĩ, tự mình chơi đàn guitar chỉ với đôi bàn chân tài hoa, anh đã hát các bài Thánh Ca ngợi khen Chúa do chính anh sáng tác. Anh đã được giới trẻ chọn làm người hát chính trong buổi nghênh đón Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khi ngài đến thăm Hoa Kỳ năm 1987.

Trong số những nhân chứng sống động trong cuộc đời còn có anh Peter Longstaff, sinh 1961, người Anh, bẩm sinh đã cụt cả đôi tay, anh đã trở thành họa sĩ nổi tiếng nhờ đôi bàn chân cầm cọ vẽ điêu luyện, sáng tác các bức tranh tuyệt vời.

Dẫu có là một bào thai dị tật, sinh ra một em bé dị tật đi nữa thì đó cũng là Sự Sống của Thiên Chúa và bản thân Sự Sống ấy chắc chắn mang một sứ mạng mà Thiên Chúa gởi gắm trong cuộc đời, có khi sứ điệp của con người ấy đem đến cho thế giới hôm nay lại còn mạnh mẽ hùng hồn hơn cả sứ điệp của những con người bình thường như chúng ta.

Chị Khuê có ba đứa con trai nhưng có đến hai cháu bé đã từng bị các bác sĩ bảo phải bỏ thai. Chị là một y tá lâu năm nên có kiến thức y khoa khá đầy đủ, khi mang thai đứa thứ nhì mà không biết có thai, chị đã uống thuốc tẩy giun là loại thuốc chống chỉ định của người mang thai, có thể dẫn đến dị tật cho thai nhi. Cùng lúc chị lại bị tai nạn xe cộ, phải uống thêm một số thuốc đặc trị và kháng sinh mạnh. Chị đã cầu nguyện trong sự hoang mang nhưng khi cháu bé ra đời thì bé lại lanh lẹ và phát triển hoàn toàn bình thường.

Chị chia sẻ thêm với các bạn trẻ và các bà mẹ sắp sinh con, rằng dù cho hoàn cảnh có thế nào đi nữa thì cần phải tuyệt đối trông cậy vào Chúa. Khi mang thai đứa con thứ ba, gia đình chị trong hoàn cảnh đổ vỡ, tinh thần chị khủng hoảng, chịu không nổi dẫn đến tình trạng chị mất ngủ thường xuyên trong giai đoạn đầu thai kỳ, chị đã hoang mang không biết có nên giữ đứa con này không. Đã vậy, đến lúc đi khám thai thì bác sĩ yêu cầu thử xem thai nhi có bị hội chứng Down hay không bằng việc chọc ối xét nghiệm gen, may quá, chị đã dứt khoát từ chối vì biết chọc ối rất dễ gây tổn thương, thậm chí tử vong cho thai nhi một cách oan ức.

Chị Khuê đã rất buồn chán, tuyệt vọng vô cùng, nhưng luôn cầu nguyện cùng Chúa bằng tình cảm chân thật: “Chúa ơi, con sợ Chúa chứ không yêu Chúa nhiều, nhưng con không thể nào dám quyết định bỏ thai vì Sự Sống là của Chúa, Chúa ban xuống, Chúa quyết định, con không được quyền quyết định”. Trong đau khổ, chị đã suy nghĩ rằng dù sao đi nữa, con mình cũng là con người chứ có phải là con vật nào đâu ! Ơn Chúa, chị đã sinh ra một em bé bình thường, lại còn lanh lẹ mạnh khỏe hơn cả hai đứa anh trai của bé.

Anh Phương – Chị Ly là một trường hợp chứng tá cho việc đón nhận đứa con khuyết tật như là món quà quý giá mà Thiên Chúa trao ban. Chị Ly có thai 5 tháng, siêu âm 3D, bác sĩ cho biết bé trai bị sứt môi cả hai bên, sau này sẽ khó khăn khi trông bé, bé sẽ không tự mình bú sữa được, bé sẽ suy dinh dưỡng, bệnh tật liên miên, thậm chí sẽ phải lấy bệnh viện là nhà.

Hai vợ chồng tuyệt vọng chỉ biết nhìn nhau, đã định phải đành đoạn loại bỏ cháu bé. May là có người bạn học của anh ngày xưa là thầy Phong, đang tu DCCT, đã nhắn nếu có đi phá thai thì nhớ trước đó hãy ghé qua gặp cha Quang Uy. Và cha đã khuyên giữ lại bào thai, lại liều lĩnh bảo đảm rằng nếu sinh ra mà bị dị tật không nuôi nổi thì cha nhận nuôi! Và anh chị đã quyết định giữ lại. Đến khi sinh con ra quả là bé có bị sứt môi thật, nhưng qua một cuộc phẫu thuật, khuôn mặt bé đã trở lại bình thường, chị khẳng định là nhận được Ơn Chúa. Chị tâm sự rằng khi có đứa con khuyết tật, trẻ còn cần mình yêu thương chăm sóc hơn, dẫu bé không xinh đẹp như bao trẻ khác nhưng bé đã biết nói lời yêu thương với mẹ với cha.

Cặp chứng tá cuối cùng, anh Hoàng – chị Thảo là hai thành viên kỳ cựu của nhóm Bảo Vệ Sự Sống DCCT Sàigòn. Vượt qua bao khó khăn trắc trở, với lời hiệp ý cầu nguyện của mọi người thân quen, cuối cùng anh chị đã được đến với nhau. Khi đám cưới rồi, chị phát hiện bị ung thư, cùng lúc với việc làm ăn phá sản, nợ nần chồng chất. Đã vậy, khi em bé được 8 tuần tuổi rồi chị mới biết mình có thai, lại đang trong giai đoạn dùng thuốc đặc trị ung thư. Các bác sĩ bệnh viện đã yêu cầu phải bỏ thai, nếu giữ lại, em bé sinh ra sẽ là quái thai, còn người mẹ cũng sẽ chết vì chữa trị ung thư quá trễ.

Thế mà đến khi sinh bé ra, chị nhìn con, vuốt ve sờ nắn chân tay con thì thấy bé hoàn toàn bình thường lành lặn. Còn chính chị, các bác sĩ khám lại và kinh ngạc: không còn bất cứ một tế bào ung thư nào! Chị nhớ đã từng cầu nguyện với Chúa: “Nếu Chúa gởi đến những gì tốt đẹp, đương nhiên là con xin đón nhận. Mà nếu Chúa có gởi đến những gì không tốt đẹp thì con cũng vẫn xin đón nhận”. Chị đưa ra lời nhắn nhủ tha thiết bằng cảm nghiệm của mình: “Mọi người dù nghèo hay giàu, Chúa đều lo lắng và giúp đỡ. Hãy cầu nguyện và đặt tất cả Lòng Tin vào Chúa”.

Sau hằng loạt chứng tá sống động nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng có một điệp khúc lặp đi lặp lại: mang thai – đến khám bác sĩ – siêu âm, xét nghiệm – phát hiện hoặc nghi ngờ có bất thường nào đó – những phán quyết lập lờ, lấp lửng: có nguy cơ thế này, có khả năng thế kia – kết luận “thôi thì vì nhân đạo” nên… sau đó là sự sụp đổ, khủng hoảng.

Nếu như không có lòng tin, không có chỗ dựa, không có lời khuyên bảo của ai đó thì thai phụ sẽ ngậm ngùi đành đoạn bỏ đứa bé, nghĩ rằng đó là giải pháp tốt nhất. Nếu gặp một Linh Mục, một Nữ Tu hay một bác sĩ vừa giỏi vừa nhân đức thì sẽ được tư vấn hỗ trợ. Thế nhưng thai phụ và gia đình vẫn nơm nớp lo sợ mặc dù đã không nguôi tín thác. Khi sinh em bé, gần như hầu hết các trường hợp đều bình thường, chỉ một vài trường hợp đứa bé bị dị tật, nhưng người mẹ đã tín thác vào Chúa, người cha đã chấp nhận hoàn cảnh dẫu bi đát, nên gia đình bé vẫn đón nhận bé trong niềm vui và sau đó tích cực chữa trị cho bé với sự trợ giúp của mọi người.

Xã hội hôm nay đang có những bi kịch đẫm nước mắt như thế với chuỗi điệp khúc tương tự như thế, nên mỗi người chúng ta cần nỗ lực làm chứng và nỗ lực giúp đỡ những anh chị em đang gặp hoàn cảnh tương tự để họ vững tin và tín thác vào Chúa mà can đảm vượt qua hoàn cảnh éo le trắc trở này.

Đỉnh cao của những chứng nhân dám chấp nhận tín thác vào Chúa để bảo vệ sinh linh bé nhỏ mình đang cưu mang chính là nữ bác sĩ Gianna Molla, sinh 4.10.1922, mất 28.4.1962, thọ 40 tuổi. Bà bị ung thư tử cung, đã hy sinh chính mạng sống mình cho đứa con thứ tư, bé trai Pierluigi Molla được sinh ra. Bà được tôn phong Chân Phúc ngày 24.4.1994 và được tuyên Thánh ngày 16.5.2004. Chồng bà, ông Pietro Molla đã được dự Lễ tuyên Thánh cho người vợ yêu dấu và quả cảm của mình, cũng vừa qua đời ngày 3.4.2010.

Có một số chi tiết quan trọng đối với thai phụ cần lưu ý là: một số bác sĩ bây giờ thường bảo là lần thứ nhất sinh mổ thì lần thứ hai cũng phải sinh mổ, và nếu đã sinh mổ hai lần rồi thì không được sinh con lần thứ ba, có nguy cơ... vỡ vết mổ và tử vong, thôi phá thai đi cho chắc ăn. Đây là một cách giải thích không đúng sự thật vì theo các bác sĩ có uy tín và kinh nghiệm dày dạn cho biết: vết mổ quá 12 tháng là vết mổ cũ. Thường người phụ nữ phải ít nhất 6 tháng sau khi sinh mới lại có thể thụ thai, cộng thêm 9 tháng mang thai nữa là 15 tháng, vết mổ cũ đã hoàn toàn lành lặn, không thể có nguy cơ vỡ vết mổ mà chết được!

Bên cạnh đó, đừng nghĩ người mẹ nếu như đang mắc một căn bệnh nào đó mà lại mang thai thì sẽ nhanh chóng bị thai nhi làm cho kiệt sức mà chết, nhưng ngược lại, bào thai sẽ giúp cải thiện, tăng cường sức khoẻ cho người mẹ để người mẹ có thể cưu mang bào thai thật tốt. Nhiều trường hợp người mẹ đang mang bệnh nan y, khi mang thai và sinh con xong thì không ngờ lại hết bệnh, khỏe mạnh hẳn ra.

Sinh con là nói một lời Xin Vâng để Sự Sống của Thiên Chúa được đổ tràn vào trong lòng mình và Sự Sống ấy lớn lên thành một Sự Sống con người. Và khi em bé được sinh ra, bé được vinh dự mang lấy một sứ điệp của Thiên Chúa muốn gửi đến cho mọi người.

Thế nên, trong Buổi Canh Thức cầu nguyện cho các thai nhi tại quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: “Mỗi một sinh linh luôn xứng đáng được đón nhận với sự tôn trọng và tình yêu, không thể bị đối xử như một món đồ người ta có trong tay và muốn làm gì thì làm”.

Ngài cũng bày tỏ thái độ của Hội Thánh, rằng: “Hội Thánh lo lắng cho Sự Sống vừa được hình thành, rất mong manh và bị đe dọa trước lòng ích kỷ của người lớn và những lương tri đã bị lu mờ”.

Kết thúc buổi thuyết trình, cha Quang Uy mời mọi người cùng cầu nguyện đặc biệt với 10 kinh Mai Khôi dâng Mẹ Maria kèm theo 10 ý nguyện Bảo Vệ Sự Sống đặc biệt dành cho chị em phụ nữ và gia đình mình. Trong đó, lời cầu thứ mười là Xin Mẹ Maria hãy tác động ảnh hưởng trên các cán bộ làm việc Nhà Nước, các Đại Biểu Quốc Hội, để họ có thể thay đổi nhận thức, sửa lại các đạo luật kế hoạch hóa dân số, thôi không để cho tự do phá thai nữa...

Dưới đây là các số điện thoại sẵn sàng trợ giúp tư vấn:

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT, điện thoại: 0903.340.914

Lm. NGUYỄN HỒNG PHƯỚC, DCCT, điện thoại: 0907.990.895

Bs. NGUYỄN CHÂU HÀ, điện thoại: 0983.054.320

Bs. NGUYỄN LAN HẢI, điện thoại: 0908.159.507

Cô TRẦN THỊ LIỄU, Nhóm BVSS Sàigòn, điện thoại: 0938.813.496

Bà TRẦN THỊ HƯỜNG, Nhóm BVSS Hà Nội, điện thoại: 0945.728.084

Và những phòng khám Công Giáo đáng tin cậy để các thai phụ có thể tìm đến:

BỆNH VIỆN THÁNH MẪU, 25/2 Bành Văn Trân, P. 7, Q. Tân Bình, điện thoại: 08.38.652.225 – 39.706.970

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA XÓM MỚI, 32/10/A13 Phạm Văn Chiêu, Q. Gò Vấp, điện thoại: 08.37.260.776

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA THIÊN PHƯỚC, 269 Điện Biên Phủ, P. 7, Q. 3, điện thoại: 08.39.330.002 – 39.330.003

Sàigòn, những ngày giáp Tết Tân Mão,

Tạ Ân Phúc