PDA

View Full Version : Sách giáo lý mới cho giới trẻ



MatTheu Dang Dinh Quyet
09-02-2011, 09:10 AM
Sách giáo lý mới cho giới trẻCập nhật: 08/02/2011 07:56 (GMT +7)

Sách giáo lý mới cho giới trẻ
GP Hải Phòng / WHĐ (8.2.2011) – Chuẩn bị cho Ngày Quốc tế Giới Trẻ ở Madrid, ngày 4 tháng 4 “Youcat” sẽ ấn hành một triệu bản giáo lý dành cho người trẻ bằng mười ba thứ tiếng với lời đề tựa của Đức Thánh Cha Bênêđcitô XVI.
Dự án này khai sinh ở Áo, do Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng giám mục Vienna đề xướng. ĐHY Schönborn năm nay 66 tuổi, là một trong những thành viên trẻ nhất của Hồng Y đoàn. Theo yêu cầu của Đức Thánh Cha, ĐHY muốn đáp ứng một thách thức khó khăn: thích nghi sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo cho giới trẻ, - là những người “cùng mặc quần jean, nghe cùng một thứ âm nhạc, có cùng ý tưởng. Đối với họ, thế giới là một quốc gia.”
Do đó phát sinh từ “Youcat”. Từ tiếng Anh viết tắt này chỉ sách giáo lý mới cho những người trẻ (Youth Catechism of the Catholic Church – chú thích của người dịch), gồm 300 trang được soạn thảo đặc biệt cho giới trẻ, và một phần do chính người trẻ tham gia biên soạn. Trong thực tế, dự án do các nhà thần học người Áo soạn thảo phải sửa lại hai lần, với nhiều nhóm giới trẻ trong các trại hè.
Sách sẽ được phát hành ngày 4 tháng 4, trước tiên trong bảy thứ tiếng (Đức, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ba Lan) và sau đó là các thứ tiếng khác, bao gồm cả tiếng Hoa và tiếng Ả Rập. Từ ngữ và hình ảnh diễn đạt cũng được thiết kế đặc biệt cho đối tượng này,” Đức Hồng y Schönborn khẳng định.
Tuy nhiên, cấu trúc của sách vẫn gồm bốn phần thông thường: tuyên xưng đức tin, các bí tích, đời sống đức tin trong Chúa Kitô; kinh nguyện Kitô giáo. Toàn bộ được sắp xếp thành các câu hỏi-thưa. Sách được bao gồm trong ba lô cho người tham dự Ngày Quốc tế Giới Trẻ và theo thói quen đọc sách mới của thế hệ Z (thế hệ sinh trong khoảng từ năm 1990 đến năm 2000, chú thích của người dịch), sẽ được đọc theo từng đoạn.
Ở Ý, nhà xuất bản Citta Nuova đã thiết kế bìa với hai màu màu vàng trắng là màu của Đức Giáo Hoàng. Đức Hồng y Angelo Scola, thượng phụ Tòa Venice sẽ giám sát ấn bản này.
Trên tất cả, lời tựa do Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết. Lời tựa này rất quan trọng vì nó mang phong cách của các bài phát biểu của ngài trong Ngày Quốc tế Giới Trẻ tại Madrid. Lạc quan, dựa trên niềm hy vọng Kitô giáo, nhưng lại âu lo về tương lai gần của các thế hệ trẻ, Đức Thánh Cha mời họ mở “quyển sách đặc biệt” này - mà ngài giải thích đó là quyển sách có khả năng nói với mọi người “công nhân cũng như công chức, người châu Âu cũng như người châu Mỹ, người châu Phi cũng như châu Á, có học thức hay không, già hay trẻ.”
ĐTC thừa nhận đây là thách đố về mặt thiêng liêng khi cuốn sách “không đưa ra các giải pháp dễ dãi, nhưng đòi hỏi các con sống đời sống mới.” Sau cuộc khủng hoảng về lạm dụng tình dục, Đức Thánh Cha ý thức rõ ràng rằng “tội lỗi đã xâm nhập từ bên trong, và thậm chí ngay trong lòng Giáo Hội.” Tuy nhiên, ngài xin các người trẻ: “Đừng xem đây như một cái cớ để chạy trốn khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa: chúng con cũng là thân thể của Chúa Kitô, là Giáo Hội!”
ĐTC cho thấy ngài tin vào giới trẻ như thế nào: “Một số người nói với cha rằng giáo lý không còn thu hút giới trẻ ngày nay nữa. Nhưng cha không đồng ý, và cha chắc chắn là mình đúng. Giới trẻ ngày nay không hề hời hợt, trái với những gì người ta tố cáo; họ muốn biết cuộc sống thực sự là gì. Một cuốn tiểu thuyết trinh thám hấp dẫn vì nó miêu tả những người khác chúng ta, nhưng cuộc sống ấy có thể là cuộc sống của chúng ta. Sách ấy rất hấp dẫn vì nó nói về số phận của chúng ta, và nó liên quan đến hầu như tất cả chúng ta.”
Và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đưa ra lời mời gọi cấp bách: “Đó là lý do tại sao cha mời chúng con say mê và kiên trì học hỏi giáo lý. Hãy hy sinh thời gian để học giáo lý! Hãy thinh lặng nghiền ngẫm giáo lý trong phòng, hãy cùng nhau đọc giáo lý, lập nhóm để học hỏi và trao đổi với nhau trên mạng internet. ĐTC viết theo phong cách của người cha: “Chúng con phải biết điều chúng con tin, phải hiểu biết đức tin thực sự bằng sự chính xác của một chuyên gia tin học hiểu hệ thống vận hành chiếc máy tính của mình; hay một nhạc sĩ biết bản dàn bè của mình.”
Trước những khó khăn hiện nay về đức tin, ĐTC nhận thấy có cùng mối nguy cơ như những thế hệ trước đã gặp: “Đúng vậy, chúng con phải bắt rễ sâu trong đức tin hơn cha mẹ của chúng con, để có sức chống lại và biết quyết định trước những thách đố và cám dỗ ngày nay.”
Cuối cùng, ĐTC dùng mực tàu vẽ nên một bức tranh của thế giới đương đại, đưa ra lời kêu gọi cuối cùng với người trẻ: “Các con cần Chúa trợ giúp, nếu các con không muốn đức tin của mình bốc hơi như giọt sương dưới ánh mặt trời; nếu các con không muốn sa chước cám dỗ của chủ nghĩa tiêu thụ, nếu các con không muốn tình yêu chết đuối trong làn sóng khiêu dâm, nếu các con không muốn phản bội những người yếu đuối và những nạn nhân của bất công và bạo lực.”

TGM Hải Phòng (Theo hdgmvietnam.org)