PDA

View Full Version : Têrêxa Hài Đồng Giêsu : Hiến lễ cho tình yêu (3)



hoathuytinh
16-09-2007, 08:31 AM
3. DÂNG MÌNH CHO TÌNH YÊU

Chúng ta đã nhấn mạnh đến sự khai sinh “con đường nhỏ” của Têrêxa là bởi vì, xét theo lịch sử và theo chính bản chất, việc “dâng mình cho tình yêu xót thương” nằm gọn trong những viễn cảnh mà con đường ấy mở ra. Việc dâng mình là kết luận hợp lý của con đường ấy, là sự diễn tả bằng kinh nguyện của con đường nhỏ và là sự tận hiến để sống con đường nhỏ.

Khi muốn bé nhỏ mãi và càng lúc càng bé nhỏ hơn, trước hết Têrêxa nhằm đạt đến một sự tin cậy đầy tình con thảo : “Điều Thiên Chúa hài lòng trong tâm hồn bé nhỏ của tôi, đó là Ngài thấy tôi yêu mến sự bé nhỏ và nghèo hèn của tôi, đó là niềm hy vọng tuyệt đối mà tôi đặt nơi lòng xót thương của Ngài...” (thư 197). Chị tin cậy để cho ân sủng mặc sức hành động nơi chị, chị chỉ biết cộng tác và phó thác vào đó

Trong kinh chị dâng mình cho tình yêu xót thương, ta đâu có đọc thấy điều gì khác? “Con tự cảm thấy mình bất lực, nên lạy Chúa, con cầu xin Chúa, chính Chúa hãy là sự thánh thiện của con...” Một bên là lòng khao khát nên thánh, một bên là sự bất lực, cả hai đã được nối kết hài hòa trong sự tin cậy phó thác vào quyền năng tác động của Thiên Chúa ba lần thánh.

BỞI VÌ CHÚA ĐÃ YÊU CON

Cũng thật lạ! Hai chữ “xót thương” từ trước đến nay dường như không hề thấy trong những gì chị đã viết, bỗng nhiên từ sau ngày chị khám phá ra “Con đường nhỏ” của chị thì hai chữ ấy lại xuất hiện đầy dẫy và trở thành chủ đề cho quyển tiểu sử tự thuật mà đức vâng lời đã dạy chị khởi sự viết từ đầu năm 1895. Giờ đây, khi nói về tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, chị khẳng định: “Đặc điểm của tình yêu là sự tự hạ”. Chị nhấn mạnh nhiều đến vai trò của Đấng Chí Ái trong đời chị, đến lòng thương xót là sợi chỉ vàng xuyên suốt cuộc đời chị.

Chị viết đều đặn mỗi ngày vài trang. Thế rồi, sau mấy tháng suy niệm bằng ngòi bút trên “những sự ân cần chăm sóc Chúa Giêsu đã tặng không” cho chị suốt cả cuộc đời, cuộc đời mà “chỉ nguyên lòng xót thương Chúa đã làm nên tất cả những gì là tốt đẹp”, vào buổi sáng 9-6-1895 ấy, vào ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, Têrêxa đã được “ơn hiểu rõ hơn bao giờ hết rằng Chúa Giêsu khao khát được yêu mến biết dường nào” và thế là chị đã điên cuồng hiến mình cho tình yêu xót thương của Ngài .

Lễ xong, chị đã viết bản văn kinh dâng mình mà hai ngày sau, chị sẽ cùng với người chị ruột là Geneviève (cũng đã vào dòng kín sau khi thân phụ qua đời) cùng đọc lên trước tượng Đức trinh nữ Maria.

Chúng ta đã phân tích lời mở đầu của bản văn ấy, trong đó Têrêxa nài xin cho mình được thánh hóa toàn diện để yêu mến Chúa Giêsu và làm cho Ngài được yêu mến, chị nói rõ thêm: “chỉ nhằm mục đích duy nhất là để làm vui lòng Chúa và cứu rỗi các linh hồn”. Chị còn nhắc lại thêm hai lần rằng chị khao khát “an ủi” Chúa Giêsu vì “Trái Tim” Ngài ít được ai thông cảm. Chị muốn “để cho trào tràn nơi tâm hồn chị” tình yêu quá dạt dào của Đức Kitô.

Thế là Têrêxa đã buông mình trên những điều làm nền tảng cho sự tin cậy phó thác của chị.

1- Tình yêu Chúa Cha dành cho chúng ta đến nỗi đã ban Ngài cho chúng ta: “Các kho tàng vô tận trong công đức của Ngài là của con. Con hân hoan dâng những kho tàng và công đức ấy lên Chúa”. Cũng trong cùng một động tác ấy, Têrêxa dâng lên cả của Mẹ Maria , của các thiên thần và các thánh.

2- Lời Chúa Giêsu hứa sẽ nhận lời chúng ta (Ga 16,23).

3- Những khao khát mãnh liệt đang có nơi chị, là dấu chỉ báo trước một ngày kia chị sẽ được no thỏa.

Thế rồi Têrêxa đã gói ghém lại lời khẩn xin được ơn nên thánh ở phần đầu: “với lòng cậy trông phó thác, con nài xin Chúa đến chiếm lấy linh hồn con”. Chiếm hữu trọn vẹn, như một tấm bánh nhỏ tương tự bánh Thánh Thể đã trở nên Mình Thánh Chúa Ki tô. Chị là một tấm bánh nhỏ nhưng sự yếu đuối và những bất toàn sẽ được ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa thiêu hủy và chuyển hóa.

GÓP MẶT

Mãi cuối thửa vườn sâu kín nhất,

Một bông hường nở chẳng ai hay.

Thế mà bạn có ngờ không nhỉ

Khắp mặt địa cầu đã đổi thay.

Bông nhỏ đã làm thay đổi cả,

Chỉ vì trong lặng lẽ yêu thương,

Bông nhỏ hoàn thành giấc mơ lạ,

Chúa mơ trên những đóa hoa hường.

Georges Chopiney T.T.T. dịch.

TAY TRẮNG

Tiếp đến, Têrêxa hướng mặt nhìn lên trời. Chị tạ ơn Chúa: vì đã chịu đau khổ ở đời này như Chúa Giê su, chị hy vọng sẽ được nên giống Ngài trong vinh quang. Tuy nhiên, mặc dù chị vẫn mong chờ một ngày kia sẽ vui hưởng sự hiện diện vinh quang của Chúa, ở đời này chị muốn làm việc chỉ nguyên vì yêu mến Chúa mà thôi, chứ không phải để làm cho bản thân mình được thêm phong phú. Chị quả quyết: “nếu con có làm việc lành phúc đức thì không phải là để được phần thưởng thiên đàng.”

(Têrêxa khước từ thái độ chiếm hữu nhưng chị không phủ nhận rằng khi được lòng yêu mến thúc đẩy, mọi hành vi tốt lành của chúng ta đều có giá trị trong Đức Ki tô, bởi lẽ Đức Kitô muốn những ơn riêng Ngài ban cho ta phải được chúng ta tích cực góp phần làm cho nổi rõ lên. Thế nhưng, vì quá khát khao dâng hiến Têrêxa không muốn giữ lại một chút gì, chị trao tặng tất cả cho Hội Thánh và các linh hồn nơi luyện ngục, như chị đã nói ở phần đầu kinh dâng mình).

Rồi sau đó, Têrêxa thốt lên gần như một lời khấn nghèo khó về mặt tâm linh: “Khi cuộc sống về chiều, con sẽ ra trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng: bởi lẽ, lạy Chúa, con không xin Chúa đếm những việc con làm...”. Mọi cố gắng của chúng ta thật bất toán biêt mấy và đầy dẫy tì ố. Têrêxa đã khám phá ra điều ấy từ lâu: những động lực tốt lành và những động lực ích kỷ thường dễ dính chùm với nhau, lẫn lộn vào nhau...Nhưng nhất là Têrêxa được thúc đẩy bởi nỗi khao khát và hơn nữa còn bởi cả một ý chí mãnh liệt (“con muốn”,... “con không hề muốn...”) muốn làm tất cả mọi sự để tôn vinh tình yêu cứu độ của Chúa Ki tô. Chị muốn là một bài ca tinh tuyền, một tấm gương trong suốt phản chiếu lòng xót thương của Ngài. Ơn gọi của chị là tán dương lòng xót thương ấy, là tôn kính lòng xót thương ấy cách đặc biệt. Không phải chính chị sẽ tạo lấy cho mình một chỗ trên trời hoặc tự kết lấy cho mình triều thiên vinh hiển: Chính Chúa Giê su sẽ là ngai tòa duy nhất của chị. “Mọi lời ngợi khen của con đều qui về Chúa, ôi lạy Đấng Chí Ái của con.”

Cũng nên ghi nhận rằng lời nguyện của Têrêxa quả là lời nguyện của một hiền thê. “Đấng Chí Ái” của Têrêxa là Đấng Cứu Độ và là Đức Phu Quân của chị, Đấng mà chị muốn an ủi trái tim Ngài, Đấng mà chị muốn “yêu”, muốn “hiến mình” cho Ngài, muốn hiến mình một cách liên lỉ, “cứ mỗi nhịp tim, con sẽ lặp lại việc dâng mình này”. Đó chính là Chúa Giê su, Đấng mà Chúa Cha ban cho chị, Đấng mà chị luôn cảm thấy được Ngài yêu mến. Đó chính là Chúa Giê su, có trái tim “ứa tràn”, mà chị được vùng vẫy thỏa thích trong những “đợt sóng dịu dàng vô tận của trái tim ấy”. Đó chính là Chúa Giê su mà chị hy vọng một ngày kia sẽ vui hưởng sự kết hợp đời đời với Ngài trên trời, sẽ được mặt giáp mặt với Ngài đời đời và không ngừng nhắc đi nhắc đi nhắc lại tình chị yêu Ngài...

Để ý, ta cũng thấy Têrêxa có một trái tim “đầy yêu mến và nhạy cảm”! Tình yêu mãnh liệt của Đức Kitô khiến trái tim ấy rộn rã tươi vui không gì làm khô tắt được. Chị sẽ hét lên: “Ôi Chúa Giêsu, chỉ mới ao ước yêu mến Chúa mà đã ngọt ngào đến như vậy, thì khi được thật sự chiếm hữu và tận hưởng tình yêu Chúa, còn hoan lạc biết chừng nào”?. “Tâm hồn tôi được vững mạnh bởi Đấng mà tôi hằng muốn chỉ yêu mến Ngài mà thôi. Tôi sung sướng nhận ra rằng khi trái tim yêu Chúa thì nó đang lớn lên và có thể trao tặng cho những kẻ mình yêu mến nhiều tình âu yếm hơn là khi nó chỉ biết tự khép lại với một tình yêu ích kỷ và cằn cỗi.”

MỖI NHỊP ĐẬP TIM TÔI

Chúa Giêsu sẽ là sự “công chính” của chị, Chúa Giêsu sẽ là sự “thánh thiện” của chị. Dường như trong những lời khấn nguyện của Têrêxa, ta nghe vọng lại điều thánh Phaolô quả quyết: Đức Kitô “đã trở nên sự khôn ngoan, sự công chính, sự thánh thiện và sự cứu chuộc cho chúng ta” (1Cr 1, 30 ).

Têrêxa đã đạt tới giây phút quyết liệt của sự dâng hiến. Chị nhảy vào trong tình âu yếm vô tận là tình yêu sẽ thực hiện giấc mơ thánh thiện của chị: “Để được sống trong một tác động yêu mến trọn hảo, con xin tự hiến...” Têrêxa nhắm đến một tình yêu hoàn thiện, vì chị mong hoàn tất “cách tuyệt hảo” những ao ước của Đấng Chí Ái và yêu mến như thế trong một tác động... Chỉ một tác động thôi! Để yêu mến liên lỉ. Từ sáng tới tối, từ tối tới sáng, cả ngày và đêm. Tôi ngủ nhưng lòng tôi vẫn thức.

Têrêxa giao cho trái tim chị sứ mạng “lặp lại việc dâng mình này nơi từng nhịp đập”. Têrêxa đã ủy thác cho trái tim chị. Thế là trong mọi giây phút, Têrêxa sẽ luôn tỉnh thức, sẽ luôn đậu trên trái tim của Chúa Giêsu, Đấng hằng khao khát chúng ta biết mấy!

Têrêxa hiến mình bằng cách nài xin Chúa “liên lỉ thiêu hủy” chị bằng lửa yêu mến của Ngài, và nài xin Chúa “để cho tuôn trào những ngọn sóng lai láng của tình yêu mến vô biên vô tận chất chứa nơi Ngài”. Như thể một dòng thác, hay một đại dương ngập lút một vỏ sò, đầy ắp nó để mở nó ra đến vô tận.

Giờ đây ta hiểu tại sao Têrêxa lại dâng mình “làm lễ vật hy sinh cho ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa” (tức là hy lễ toàn thiêu). Chị là lễ vật hy sinh vì được hiến sinh cho một sức mạnh cao hơn. Têrêxa biết rằng, một cách thụ động nhưng đầy sự thuận tình, chị sẽ để cho tình âu yếm vô tận trào tuôn trên chị. Chị là lễ vật hy sinh bởi lẽ, mặc dù chị hoàn toàn tự hiến, sự hiến dâng của chị được đón nhận hay không là tùy ý muốn của Đấng Chí Ái. Chị là lễ vật hy sinh, bởi lẽ chị ao ước mình sẽ không kháng cự chút nào trước sự chiếm đoạt của Thiên Chúa, không để cho bất cứ điều gì ngăn cản sự chiếm đoạt ấy. Chị nhấn mạnh: “con cầu khẩn Chúa cất hết tự do nơi con đi để con khỏi làm phiền lòng Chúa”, để tất cả đều dẫn đến sự sống chứ đừng dẫn đến sự chết, ngoại trừ sự chết đi cho lòng ích kỷ, ngõ hầu chị được “trở nên người chứng đạo cho tình yêu ấy”, để rồi cuối cùng chị được chết vì tình yêu và sống bằng tình yêu, “đời đời được ngắm nhìn Thiên Chúa, diện đối diện”. Ngày nay mấy chữ “lễ vật hy sinh” có vẻ đã xưa cũ, nhưng thực tại mà Têrêxa nhắm tới vân luôn tuyệt diệu.

Ta hãy dừng lại thêm một chút trước chữ “hiến dâng” (“con dâng mình...”). Từ ngữ này cho thấy Têrêxa vô cùng kính trọng quyền tự do của Thiên Chúa, vì một cách chung cuộc và hoàn toàn do ân sủng miễn phí của Ngài, Ngài sẽ đón nhận lễ vật hiến dâng. Đó là lý do tại sao Têrêxa khiêm nhường “nài xin” và thiết tha “khẩn nguyện”. Chị hoàn toàn ý thức rằng tất cả đều do Thiên Chúa ban, đồng thời cũng có nghĩa là chị đang trông cậy, đang “tin tưởng” và hơn nữa còn tin tưởng đến độ “chắc chắn”.

Chúng ta sẽ sai lầm lớn nếu quá nhấn mạnh đến sự hiến mình của Têrêxa như thể đó là chìa khóa để hiểu kinh dâng mình của chị thánh. Đối với chị, điều quan trọng là chính Thiên Chúa đã tự trao tặng bản thân Ngài Cho ta và Têrêxa khi dâng mình cho Thiên Chúa là đã mở lòng ra để đón nhận sự trao tặng ấy của Thiên Chúa. Chị muốn để trái tim Thiên Chúa được tự do hành động. Chính Thiên Chúa khao khát làm cho các con cái Ngài được no thỏa. Chính Ngài đã có sáng kiến đi bước trước: “Vì Chúa đã yêu con đến nỗi trao ban Con Một của Chúa cho chúng con...”.

Têrêxa đã thăm dò Trái tim Thiên Chúa và đã hiểu tất cả. Với một sự ngây ngất thánh thiện, chị đã lao mình vào trong Đấng Vô Cùng. Chắc hẳn việc dâng mình đầy quảng đại ấy cũng là một sự trao hiến. Đây là sự trao hiến trọn vẹn, đầy đủ, Têrêxa trút cả toàn thân vào Đấng không trừ lại gì. Bốn lần chị thốt lên “con khao khát” và năm lần “con muốn”. Nhưng cách riêng ở đây còn có sự cảm thụ, sự mau mắn đón nhận, đón nhận nhiều hơn, đón nhận Thiên Chúa. Nếu có nơi Têrêxa sẽ viết: “yêu là cho đi tất cả và cho đi chính mình”, thì ở đây chị lại ngầm ý nói rằng: “yêu là đón nhận tất cả và đón nhận chính mình, đang khi đón nhận chính Thiên Chúa đang tự thông ban chính mình Ngài cho ta”.

“Ôi Chúa Giêsu,
niềm vui của con là được yêu mến Chúa”

(Còn tiếp)

Trích: www.GhPhuYen.com