PDA

View Full Version : CHỮ HOÀ



hongbinh
13-02-2011, 08:30 PM
CHỮ HOÀ


TỪ NHỮNG GỢI Ý…

Chỉ có một tinh thần hy sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau, và hòa giải với nhau. Không có gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn vàn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình.

“Đồng thời, mỗi gia đình đều luôn luôn được Thiên Chúa Chủ Tể của sự bình an, mời gọi sống kinh nghiệm tươi sáng phấn khởi của việc hoà giải, trong việc tái lập sự hiệp thông, tìm lại sự hiệp nhất. Cách riêng việc tham dự vào Bí tích Giao Hoà và bàn tiệc Mình Thánh Chúa Kitô sẽ đem lại cho gia đình Kitô hữu ơn sủng cần thiết và tinh thần trách nhiệm tương xứng để thắng vượt tất cả mọi chia rẽ và bước tới sự hiệp thông đích thực và trọn vẹn mà Thiên Chúa muốn, và như thế là đáp lại nỗi ước mong nồng nàn của Chúa là “xin cho tất cả được nên một” (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu FC, Roma 2002, số 21).

… MỘT THOÁNG SUY TƯ

Mọi người đều biết rằng, trong đời sống hôn nhân gia đình, không gì quý hơn là “niềm hạnh phúc bền vững và một nền hoà bình lâu dài”. Như một danh nhân đã phát biểu: “Tất cả kho tàng trên trái đất này đều không thể sánh bằng hạnh phúc gia đình” (Caldéron). Chính vì hạnh phúc quý giá như vậy mà người ta phải nhọc công tìm kiếm, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để có nó và phải nâng niu trân trọng nó, như “nâng trứng”, như “ hứng hoa”, mới mong nó không vuột khỏi tầm tay mình…

Nhưng trên thực tế, đã có khá nhiều người phải đau khổ, thất vọng khi đành chịu đánh mất hạnh phúc, là điều mà họ đã luôn mơ ước, tìm kiếm với bất cứ giá nào. Đó là bi kịch của con người. Quả vậy, cuối cùng thì “người ta chỉ hiểu được giá trị của hạnh phúc khi đã mất nó” (Khuyết danh). Quy luật chung vẫn là có được thì đã khó, mà giữ được mãi lại càng khó hơn gấp bội.

Bởi lẽ đó, những ai đã và đang trải qua đời sống hôn nhân gia đình đều luôn ước mơ được sống thực tại “Đôi chim trong một tổ ấm; Đôi con tim trong một lồng ngực; Hai tâm hồn trong một liên minh bền vững làm bằng yêu thương và cầu nguyện, sẽ ngày càng bền chặt, ngày càng đầy phước” (Dora Greenwell).

“Một liên minh bền vững ngày càng bền chặt” sẽ là điều chắc thực nếu trong cuộc sống hôn nhân gia đình, người ta biết sống HOÀ với nhau. Đó là dấu chỉ và biểu hiện của một tình yêu trung thực, trong sáng và sâu sắc nhất. Văn hào J.J. Rouseau đã nói một câu ngắn gọn và đầy ý nghĩa, như sau: “Định nghĩa tiếng ‘YÊU’ thật là giản dị. Nó là sự hoà hợp giữa hai tâm hồn trai và gái”.

Như vậy, để duy trì sự hoà hợp và phát triển hạnh phúc trong hôn nhân, thiết tưởng đôi bạn cần giúp nhau hiểu và áp dụng cách linh hoạt giải pháp “bốn HOÀ”, đó là: HOÀ thuận - HOÀ đồng - HOÀ hợp - HOÀ giải.

1. Hoà thuận

Trong kinh nguyện thường ngày, chúng ta vẫn cầu xin cho mọi người trong gia đình “sống hoà thuận: trên thuận dưới hoà, con cái thảo hiếu, vợ chồng thương yêu nhau…”. Sự hoà thuận là điều mong ước của mọi người trong gia đình để được sống hạnh phúc và yên bình.

Trong tương quan vợ chồng, ước mơ ấy lại càng tha thiết và mạnh mẽ hơn. Bởi vì, một khi “vợ chồng như đũa có đôi” (Tục ngữ VN), thì mối quan hệ thuận hoà luôn là một yêu cầu không thể coi nhẹ được. Nó vừa thể hiện tình yêu chân thực lại vừa đem đến hương vị ngọt ngào trong đời sống lứa đôi.

Và nguy cơ dẫn đến sự tiêu tan hiệp thông trong gia đình chính là mối bất hoà, chia rẽ, mâu thuẫn nội bộ… ĐGH Gioan Phaolô II, trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu đã nêu rõ: “Không có gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hoà, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn vàn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình” (x. FC 21).

Ai cũng biết rằng sự bất hòa thường xuyên trong đời sống vợ chồng chẳng những đe doạ sự hiệp thông, hiệp nhất mà còn có thể dẫn đến hậu quả tai hại, đó là việc ly hôn ly dị. Vậy để giữ bầu khí sống chung êm ấm không xích mích mâu thuẫn, vợ chồng nên phấn đấu từ bỏ ý riêng, loại trừ tính ích kỷ nhỏ nhen, sự cứng cỏi ngoan cố, lòng đam mê hiếu thắng, thói tự cao tự đại… Khi có một cuộc sống hòa thuận lâu dài với nhau, họ sẽ hiểu ra rằng “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn” (Tục ngữ VN).

Hơn nữa, đôi bạn Kitô hữu còn có một phương thế sâu xa hơn, hiệu quả hơn trong việc sống kinh nghiệm hoà giải. ĐGH Gioan Phaolô II đã nhắc nhở: “Mỗi gia đình đều luôn luôn được Thiên Chúa Chủ Tể của sự bình an, mời gọi sống kinh nghiệm tươi sáng phấn khởi của việc hoà giải, trong việc tái lập sự hiệp thông, tìm lại sự hiệp nhất. Cách riêng việc tham dự vào Bí tích Giao Hoà và bàn tiệc Mình Thánh Chúa Kitô sẽ đem lại cho gia đình Kitô hữu ơn sủng cần thiết và tinh thần trách nhiệm tương xứng để thắng vượt tất cả mọi chia rẽ và bước tới sự hiệp thông đích thực và trọn vẹn mà Thiên Chúa muốn, và như thế là đáp lại nỗi ước mong nồng nàn của Chúa là “xin cho tất cả được nên một” (x. FC 21).

2. Hoà đồng

Đối với nhiều người, việc sống hòa đồng trong quan hệ vợ chồng là điều không thể thực hiện được. Người chồng thì cảm thấy “vợ phải kém mình một bậc” vì cha ông ta vẫn nói “phu xướng phụ tuỳ” (chồng định làm gì vợ cũng phải làm theo!). Chồng là người lãnh đạo trong khi vợ là kẻ thừa hành. Nhiều người chồng quen thói gia trưởng còn coi vợ như “đầy tớ, kẻ hầu người hạ”! Ngược lại, cũng có bà vợ, dựa vào một ưu thế nào đó, tỏ ra “uy quyền bà chúa” đối với chồng, như đã có câu “lệnh ông không bằng cồng bà”…

Trong bối cảnh gia đình như thế, không thể có sự hoà đồng trong tương quan vợ chồng. Bởi vì, hoà đồng hiểu một cách đơn giản, là sự sống chung hài hoà, bình đẳng, đồng đều giữa hai con người. Trong xã hội văn minh ngày nay, người ta luôn đề cao sự hoà đồng giữa chủ - tớ, giữa lãnh đạo và người cộng tác, giữa thầy và trò, giữa người giàu và kẻ nghèo, giữa người địa vị cao và người thấp kém…

Đặc biệt, trong quan hệ vợ chồng, thái độ cư xử hoà đồng sẽ là điều kiện cần thiết để đem lại niềm an vui, sự thăng tiến và tình yêu hòa hợp. Hình ảnh để minh hoạ cho sự hoà đồng giữa hai nhân tố nam nữ (vợ chồng), đó là “ta với mình tuy hai mà một”, đó là vợ/chồng như “một nửa” của nhau, như “đối tác” (partner) của nhau… Một khi hai vợ chồng sống tích cực lý tưởng hoà đồng thì không còn kẻ trên người dưới, kẻ khinh người trọng, kẻ hơn người kém, kẻ cao người thấp nữa. Họ đối xử với nhau một cách bình đẳng, kính trọng và yêu thương. Trong tình yêu chắc chắn không có “giai cấp”. Còn gì đẹp cho bằng hai hình ảnh minh họa sau đây:

“Cho dù vật đổi sao dời, chúng ta đã sống cả đời yêu nhau; cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, cùng lau giọt lệ ngậm ngùi sầu thương” (Charles Jeffreys). Và “hai tâm hồn nhưng một ý nghĩ, hai quả tim nhưng chung một nhịp đập” (Maria Lowell).

Hoà đồng là luôn tiền đề cho sự hoà hợp vậy.

3. Hoà hợp

Hoà hợp luôn là một thách thức lớn cho tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Vợ chồng, vốn rất khác biệt nhau, phải sống chung và sống trong sự hoà hợp lâu dài. Hoà hợp về tính cách, sở thích, suy nghĩ, phán đoán, quyết định, lối ứng xử, cách giao tiếp, nếp sống sinh hoạt… Theo tác giả Nguyễn Đình Xuân, thì “hoà hợp là sự chấp nhận nhau để hoà nhập với nhau, bù trừ cho nhau… là sự thông hiểu nhau, chấp nhận nhau và sống biết điều với nhau” (x. Nguyễn Đình Xuân, Tâm lý học Tình yêu Gia đình, NXB GD 1993, tr. 113).

Trong đời sống vợ chồng, có thể nói vấn đề hoà hợp là điều tối quan trọng trong việc duy trì hạnh phúc lâu dài và hôn nhân bền vững. Đa số các cặp vợ chồng đưa nhau ra toà xin ly dị đều nói một cách thẳng thắn rằng họ không thể sống hoà hợp với nhau được. Có thể là về mặt tâm lý tinh thần. Có thể về đời sống tình dục. Có thể là cách quản lý ngân sách và chi tiêu trong gia đình. Cũng có thể là trong việc giáo dục dạy dỗ con cái. Đôi khi có thể do tính chất của nghề nghiệp…

Để giải quyết vấn đề hòa hợp trong đời sống hôn nhân gia đình, người ta đã đưa ra khá nhiều quy tắc hướng dẫn đôi bạn. Theo tác giả cuốn “Cẩm nang Hạnh phúc Gia đình Kitô” thì: “Sự đổ vỡ trong hôn nhân thường xảy đến khi hai người phối ngẫu không chấp nhận vai trò của nhau. Và từ đó không đạt được sự hoà hợp trong đời sống vợ chồng. Hoà hợp và bổ túc cho nhau, đó là nguyên tắc sống nền tảng trong đời sống hôn nhân…”. Và, “bổ túc cho nhau trên hết có nghĩa là mình có những gì mà người kia không có, điều mình có ít thì người kia lại có nhiều. Sức mạnh, vẻ đẹp, sự dịu dàng của tình yêu nằm trong sự bổ túc ấy. Cả hai người trao đổi cho nhau những gì mình có, cả hai tăng cường cho nhau những gì mình có ít để từ đó giúp nhau được nên người hơn”.

Vậy để sự hoà hợp trong đời sống vợ chồng được lâu bền, hai người cần phải nhận thức sâu sắc về thực tại hôn nhân trong đó hai người đã tự nguyện sống chung với nhau một cách mật thiết, cả về tâm hồn lẫn thể xác. Và để duy trì bền vững mối quan hệ mật thiết ấy, theo các chuyên gia về tâm lý hôn nhân gia đình, có mấy nguyên tắc cơ bản sau (Thanh Thảo trích Reader’s Digest, bài “Mười điều cần thực hiện thường xuyên trong quan hệ vợ chồng”, Báo PN ngày 23-4-2003):

- Biết lắng nghe và hiểu người bạn đời.

- Bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau; trân trọng những gì đang có; giữ thái độ tế nhị nhất là khi không đồng ý đồng tình.

- Duy trì tiền đề “Chúng mình”; tuân thủ những cách làm chung (tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược).

- Nuôi dưỡng xúc cảm tự nhiên; biểu lộ công khai bản chất thầm kín; cần hiểu tình dục khác với quan hệ mật thiết…

Như vậy, mặc dù sống hòa hợp trong đời sống vợ chồng là điều khó khăn, tế nhị và phức tạp, nhưng không thể không thành hiện thực được. Vấn đề sẽ tùy thuộc phần lớn vào ý hướng tốt lành của chúng ta. Bởi xét cho cùng, chính tình yêu trung thực và nồng ấm sẽ là sức mạnh giúp vượt thắng tất cả. “Yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (Ca dao VN).

4. Hoà giải

Điều hiển nhiên là trong đời sống vợ chồng rất mà khó tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn, xung khắc này nọ. Bởi vì “chồng chén bát còn có lúc xô” hay “chén bát còn có lúc xô xát, huống chi vợ chồng” (Tục ngữ VN). Do đó vấn đề cốt lõi trong đời sống vợ chồng không phải là tránh mâu thuẫn nhưng là cách giải quyết những va chạm xung khắc. Đó là con đường hoà giải.

Tuỳ theo tính cách, kinh nghiệm, trình độ và bối cảnh sống của mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng, mà ta có những giải pháp riêng biệt. Tuy nhiên, một cách chung nhất, vẫn có những giải pháp cơ bản đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của nhiều người. Đây là một số ý kiến:

- “Một sự nhịn chín sự lành” (Tục ngữ VN).

- Giữ mình để không bao giờ là người gây chiến trước; luôn làm chủ lời ăn tiếng nói, thái độ và các phản ứng của mình; không biến chuyện nhỏ thành lớn…

- Nếu lỡ có tranh cãi thì “hãy nhường cho chồng (hay vợ) bạn thắng trong cuộc tranh cãi, nếu cần có người thắng” (Khuyết danh).

- Trân trọng những khác biệt của nhau; luôn tâm niệm “tương kính như tân” (Thành ngữ VN).

- Rộng lượng, bao dung, tha thứ; hai người phải chứng minh người này luôn cần thiết cho người kia; luôn biết lắng nghe và cảm thông nhau.

- “Trong tình yêu, niềm khoái lạc nhất là lúc làm lành với nhau sau khi cãi vã” (Alfred Musset).

… PHÚT DỪNG CHÂN (bạn có đồng ý không?)

“Người ta có thể buồn một mình, nhưng để vui phải có hai người” (Elbert Hubbard).

“Trận chiến dũng cảm nhất, tôi chưa từng thấy ở đâu trên bản đồ thế giới, mà tôi chỉ gặp giữa vợ chồng với nhau” (Joaquin Miller).

… ĐỘNG NÃO (thảo luận vấn đề của chúng ta)

- “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Anh/chị hãy cho biết câu tục ngữ trên muốn nói gì? Theo anh/chị, những nguyên nhân thông thường gây bất hoà trong đời sống vợ chồng là gì? Và hãy đề xuất giải pháp cho từng nguyên nhân?

- Anh/chị nghĩ gì về câu nói sau đây: “Chính sự bình đẳng mới có thể làm cho tình yêu vững bền” (G.E. Lessing).


St
Truyenthongconggiao

Maria_khanhhoa
13-02-2011, 11:12 PM
Cầu Mong cho con xứng đáng với cái tên Hoà của mình


Maria _ Lê Thị Hòa

hongbinh
14-02-2011, 06:14 AM
HÀI HOÀ


1. Sự quan sát

Khi đi học hội hoạ, thầy giáo đòi hỏi các học sinh làm bài tập mỗi ngày. Bài tập đầu tiên là quan sát một vật chung quanh và vẽ lại hình ảnh của vật đó. Một chi tiết rất kỳ thú trong bài học vẽ là không chỉ vẽ sự vật một lần, mà phải thực tập vẽ đúng 100 lần cùng một vật đó qua những khía cạnh khác nhau. Thực hành ban đầu thật khó những dần dà với sự kiên nhẫn, các học sinh đã học được một bài học rất trân qúi. Mọi vật thể mà chúng ta xem thế mà không phải thế. Có muôn vàn cách diễn tả một vật thể qua nhiều góc độ. Góc độ của ánh sáng, góc độ của không gian, góc độ của thời gian và ảnh hưởng của các vật chung quanh.

Cái nhìn của không gian một chiều, hai chiều và ba chiều khác nhau rất nhiều. Nếu chúng ta để tâm quan sát cảnh vật chung quanh, thật lạ lùng của sự khác biệt này. Mỗi một thụ tạo và sự hình thành của một thụ tạo khác nhau nhưng rất hài hoà với nhau. Triêu triệu lá rừng, không có lá nào giống lá nào. Ngàn triệu bông hoa, không có hoa nào giống hoa nào một trăm phần trăm. Đôi khi chúng ta nói giống nhau như đúc, nhưng đúc cùng khuôn cũng chẳng thể giống nhau hoàn toàn. Nếu có sự giống nhau hoàn toàn chúng ta đâu cần lựa chọn khi mua hàng.

Muốn có sự hài hoà trong môi trường cũng như trong cách xử thế, chúng ta phải chấp nhận có sự khác biệt và đối nghịch. Người ta chế tạo máy móc bao giờ cũng có hai bộ phận trọng yếu là phát động và chặn đứng, Trong xe hơi, cái phát động làm cho tốc lực mạnh nhưng kề bên có cái thắng để kềm chế tốc lực; nhờ đó tránh được mọi nguy hiểm có thể xảy ra. Hai bộ phận mâu thuẫn ở bên nhau nhưng thực sự là bổ túc cho nhau. Trong xã hội, chúng ta đang sống cũng cần có các thứ đối lập như là lưỡng đảng, đa đảng, nhờ đó có sự kiềm chế và phát triển vững vàng. Như vậy dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải chấp nhận đối lập, chứ đừng tìm để tiêu diệt.

2. Sự khác biệt

Chúng ta suy về mầu nhiệm của sự sáng tạo. Thiên Chúa sáng tạo mọi sự từ hư vô. Mọi sự vật được sinh ra hoàn toàn mới. Thụ tạo nào cũng có hai giống, giống đực và giống cái, có âm và dương. Loài người có nam có nữ. Âm dương hoà hợp, trời đất giao hoà. Đây chính là nguồn mầu nhiệm của sự truyền sinh. Truyền sinh là sự lặp đi lặp lại cùng một phương thức nhưng kết quả là một sự sống mới hoàn toàn. Mỗi vật sinh ra dù qua các phương tiện can thiệp của con người và khoa học thế nào đi nữa, nó đều có một sự sống mới khác biệt. Chúng ta quan sát mỗi độ Đông về, mọi cây cối lá rụng trơ trụi. Xuân đến, các cây cối đâm mầm non và hoa lá bắt đầu sinh chồi nẩy lộc. Mỗi một chiếc lá, một bông hoa đều là kỳ công của Thiên Chúa sáng tạo. Chúng là thụ tạo hoàn toàn mới trong không gian và thời gian.

Vạn vật khác biệt nhưng luôn hài hoà với nhau tạo ra một cảnh sống thiên nhiên tuyệt vời. Nhất là vào mùa Thu, khi đi qua những cánh rừng, chúng ta mới cảm nhận được vẻ đẹp hài hoà và sự hùng vĩ của thụ tạo. Hình như Đấng Sáng Tạo vẫn luôn chăm sóc thiên nhiên từ những côn trùng nhỏ bé, những đàn chim bay lượn và những cánh hoa nhỏ cho đượm thêm màu sắc. Có những nơi bốn mùa thay đổi, cho dù chẳng bao giờ có dấu chân của con người đặt tới. Cảnh thể vẫn có đó, vẫn thay đổi mùa này sang mùa khác và vẫn phát triển năm này qua năm kia. Chúng ta tự hỏi công trình sáng tạo đó để ai nhìn ngắm, ai chăm sóc và ai đã làm cho nên hình nên dạng. Phải chăng chính là Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo và tiếp tục công trình của Ngài cho đến tận cùng.

3. Phát triển

Con người cao quý hơn mọi loài, vì con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Chúa. Nhìn quanh, chúng ta thấy có biết bao loại người khác biệt từ màu da, tiếng nói, văn hoá, niềm tin, tôn giáo, ý thức hệ và có nhiều truyền thống khác nhau. Càng có nhiều khác biệt thì kiến thức của con người càng đa dạng. Chính sự đa dạng làm nên lịch sử văn minh của nhân loại. Kho tàng văn hoá đến từ những khả năng khác biệt. Tuy khác biệt về mọi lĩnh vực hiểu biết nhưng con người có thể trao đổi, cảm thông và bổ túc cho nhau nên hoàn hảo. Nhìn xã hội văn minh với những phát minh khoa học vượt bậc, đó là kết quả công khó của biết bao nhiêu đời người. Bao nhiêu chất xám suy tư và phát minh đã góp phần trong việc kiến tạo nền khoa học kỹ thuật tân tiến ngày nay.

Con người khởi đi từ cuộc sống đơn sơ và chất phác. Bắt đầu họ dùng sức lao động bằng tay chân và sức người. Đối diện với những khó khăn, con người đã biết dùng lý trí và khả năng để khắc phục. Từ những phấn đấu cụ thể đến những phát minh tân tiến. Cộng tác với nhau dưới mọi hình thức, con người có được những kỹ thuật cao siêu và vượt bậc. Không có loài thụ tạo hữu hình nào vượt trên khả năng của con người. Nếu con người không có những cống hiến chung, không biết cho đi và chia sẻ thì khả năng của con người sẽ bị đóng khung hạn hẹp và không thể phát triển tốt được. Các nhà khoa học, bác học, toán học, hoá học, vật lý học đã góp phần vào sự phát triển kỹ thuật khoa học. Các nhà tư tưởng học, triết học, thần học, tâm lý học, ngôn ngữ học đã góp phần vào sự hướng dẫn đời sống tâm linh của con người. Tinh thần và vật chất không thể tách rời. Các khoa học ngày càng phát triển, con người càng văn minh, các nhu cầu đòi hỏi càng cao và sự tiến bộ càng nhanh.

4. Phán đoán

Những suy tư và hiểu biết của con người còn rất thiển cận và giới hạn. Có nhiều người suy tư trong cách nhìn hạn hẹp của mình để phán đoán. Nên sự phán đoán thường lệch lạc hoặc thiếu phân tích đúng đắn đã gây ra biết bao hiểu lầm và xung khắc. Trong một vấn đề được trình bày, mỗi người sẽ nhìn ở những khía cạnh khác nhau trong những môi trường khác nhau. Muốn thấu tỏ quan điểm của người khác, chúng ta cần học hiểu thấu đáo vấn đề. Trên bề nổi trình bày, đôi khi còn có những ý ẩn giấu bên trong. Đôi khi chúng ta bị rơi vào cách lấy bụng ta suy bụng người hoặc là bị thiên kiến. Chân lý thật bao la, mỗi người được chia sẻ một phần nào của chân, thiện, mỹ. Chúng ta hãy tôn trọng những quan điểm mà đôi khi họ không cùng bên lề với chúng ta.

Truyện kể có cô bé vâng lời bà nội đi quét nhà, quét xong, đến thưa với nội là cháu đã quét sạch. Bà nội liền nói: Có thật là cháu quét sạch không? Để bà xem lại. Thế rồi bà đi vòng quanh xem xét, bà trở lại nói với cháu: Nhà chưa sạch, chỗ nào cũng còn đầy bụi, cháu hãy quét lại cho sạch. Cháu gái vâng lời, lần này cô bé quét kỹ hơn. Sau khi bà xem lại, bà bảo rằng vẫn chưa sạch, chỗ nào cũng còn đầy bụi. Cô bé nhỏ lại vâng lời đi quét lại nữa. Bà nội xem xét xong cũng nói như trước. Cuối cùng cô bé phát giác ra rằng đôi kính đeo mắt của bà nội dính đầy bụi đất, vì thế mà chỗ nào bà nội cũng thấy đầy bụi cả. Ngạn ngữ Tây phương nói rằng: Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Có nghĩa là phải suy nghĩ thật kỹ trước khi phát biểu. Khi phát biểu, chúng ta chịu trách nhiệm về những lời của chúng ta. Quân tử nhất ngôn. Lời nói của những người có uy tín, như những vị đại diện chính phủ, đại diện tôn giáo, đại diện cho các nhóm hội, càng phải cẩn thận hơn nữa. Một lời nói có thể ảnh hưởng đến cả một dân tộc hay một tôn giáo. Lời nói có thể xây dựng hoà bình mà cũng có thể gây chiến tranh. Kinh nghiệm cho thấy chỉ vì một câu phát biểu của một vị lãnh đạo, đôi khi bị hiểu lầm nên đã mất bao nhiêu bút mực, bao nhiêu bài viết để giãi bày và biết bao nỗ lực để hoà giải.

Nói tóm lại, nhìn sự hài hoà trong vũ trụ, chúng ta nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Con người xã hội cũng cần có sự hài hoà để dựng xây một xã hội tốt đẹp. Khả năng và tài trí là món quà của Thượng Đế ban chung cho con người. Không ai có thể giữ làm của riêng nhưng phải cùng chia sẻ và đóng góp vào ích lợi chung. Nền văn minh chúng ta đang thừa hưởng chính là những hoa quả của các tiền nhân để lại. Chúng ta dùng những kỹ thuật hiện có để phát triển thêm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ước chi mỗi người chúng ta đều góp phần làm cho xã hội mỗi ngày một tốt đẹp, thăng tiến và hài hoà. Hài hoà đưa dẫn chúng ta đến hoà giải và hoà hợp trong tình yêu.


Lm. Giuse Trần Việt Hùng