PDA

View Full Version : Quanh đất Yên Trì



caretocom
15-02-2011, 01:14 PM
Sau mấy ngày lưỡng lự, tôi quyết định khởi đầu công việc năm mới bằng cách đến thăm những người anh em của tôi.
Tôi lại tìm về xứ Yên Trì, hạt Quảng Ninh để thăm lại một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại đó. Sau Tết mà trời vẫn lạnh quá. Cái vùng đất già cỗi này luôn khiến tôi có cảnh giác lạnh hơn và...trống vắng trong lòng...
Thật may mắn là hôm nay tôi được gặp cả Cha Xứ và Cha Phụ tá, các Cụ đang tất bật với việc lên phương án cho ý tưởng xây dựng nhà thờ họ Sông Khoai. Dẫu vậy, Cha Xứ vẫn luôn quan tâm đến hoạt động của tôi trên Giáo xứ của Cụ, tôi thấy mình thật hạnh phúc và có chút..hãnh diện trong lòng . Chuyện trò một lát, Cha Xứ kêu ông Chùm Phó đến để đưa tôi đi thăm dân của Cha. Ông này đang chuẩn bị đi cấy thì "bị" triệu đến - Tôi lại làm phiền người khác rồi hik. Cũng tội cho ông này, lúc ngồi sau xe tôi thì ông cứ run lên vì lạnh. Hóa ra ông cũng chỉ mặc có vài ba cái áo có vẻ đẹp nhưng chẳng hề ấm.
Theo lịch trình thì chúng tôi sẽ đi thăm 5 gia đình. Đây là những gia đình đã được Cha Phụ tá và tôi đến thăm lần đầu từ cuối năm trước. Sau chuyến đi đó, Cha Xứ cùng Ban Hành giáo cũng đã đến thăm và hỗ trợ mỗi gia đình một chút tiền để động viên họ. Gia đình đầu tiên chúng tôi đến là nhà của một bà cụ nay đã 77 tuổi. Cụ rất yếu nhưng vẫn phải "chăm sóc" cho người con trai 42 tuổi bị tàn tật do tai nạn từ mấy năm trước. Con cháu của cụ cũng quá nghèo nên không giúp được cụ nhiều ngoài việc góp công góp sức chăm sóc người anh, người em của mình trong những ngày nằm viện. Anh con trai hiện đã có thể tập tễnh đi lại, nhưng vết thương trên đầu đã khiến anh không nói năng được như bình thường, tay anh cũng không thể cầm nắm được gì nhiều.....
http://i788.photobucket.com/albums/yy163/caretocom/IMG_0694.jpg
Những ngày lạnh giá này, cụ chỉ biết ngồi sưởi ấm trong căn bếp chật hẹp.
http://i788.photobucket.com/albums/yy163/caretocom/IMG_0702.jpg
Ngày ngày cụ vẫn "vào nhà" bằng cách...bò lên từng bậc thềm trước cửa.
http://i788.photobucket.com/albums/yy163/caretocom/IMG_0699.jpg
Ra ngõ thì chúng tôi gặp anh con trai vừa đi chơi về.

Gia đình thứ hai chúng tôi đến là gia đình của hai vợ chồng trung tuổi. Người chồng bị ảnh hưởng thần kinh nên không làm được gì giúp vợ con cả. Hàng ngày anh cứ loanh quanh khắp xóm, đến bữa lại về. Một mình người vợ lăn lộn kiếm sống nuôi người chồng bệnh tật cùng ba đứa con. Cô con gái lớn năm nay học lớp 12, hai cậu con trai đang học lớp 8. Với số tiền được giúp đỡ, chị đã sửa sang chuồng lợn và mua được một con giống. Nhìn chị tươi cười bên chú lợn con mà chúng tôi thấy hết sức mừng vui. Vậy là đã có thêm một ước mơ nho nhỏ trong lòng chị được gây dựng bởi sự quan tâm của các Cha, các bác trong BHG giáo xứ.
http://i788.photobucket.com/albums/yy163/caretocom/IMG_0705.jpg


Gia đình thứ ba là gia đình có hai cậu bé bị câm điếc bẩm sinh. Đứa lớn năm nay được 16 tuổi, đứa bé được 8 tuổi. Do hoàn cảnh khó khăn nên hai cậu bé không được học hành hay chăm sóc như những đứa trẻ tàn tật khác. Đứa lớn đã đi làm phụ vữa từ 2 năm nay... Khi đến thăm, tôi hoàn toàn bất ngờ khi bắt gặp một.."ông lão" ngồi trên giường, người này được giới thiệu là bố của hai cậu bé. Năm nay mới 42 tuổi nhưng vẻ bề ngoài của người đàn ông này khiến tôi cữ nghĩ ông ta là một ông lão ốm yếu, hom hem... Nhìn vào ngôi nhà nhỏ xíu, tôi thấy toàn...giường. Hai chiếc giường đôi cũng đã choán gần hết diện tích của ngôi nhà nhỏ.

http://i788.photobucket.com/albums/yy163/caretocom/IMG_0715.jpg

..... Sau mấy giờ đồng hồ loanh quanh trên đất Yên Trì, tôi chẳng tập trung được vào việc gì cụ thể cả. Có lẽ là do có quá nhiều hoàn cảnh khó khăn đang hiện hữu nơi đây; có lẽ do tôi không biết làm gì với những cảnh đời bất hạnh này; cũng có lẽ là do kết quả "đầu tư" chưa được như ý, chưa thấy hiệu quả như những trường hợp trước đây tôi đã làm. Trong số 5 gia đình đã được hỗ trợ, chỉ có 1 gia đình thực hiện được đúng mong muốn của tôi. Cũng may là trước khi tổ chức hoạt động, các Cha cũng đã nói trước: "Chúng ta cứ khuấy động phong trào thôi đã. Chưa thể được như ý ngay đâu con ạ"....
Dẫu vậy, có một điều khiến tôi tiếp tục nuôi hy vọng, đó là sự tham gia trực tiếp của thành viên BHG trong chuyến đi này. Sau một buổi sáng lang thang cùng tôi, ông Chùm Phó tỏ ra hết sức hào hứng và trong ông đã nảy sinh nhiều kế hoạch cho BHG cũng như cho một số hội, đoàn trong giáo xứ liên quan đến hoạt động bác ái. Mong rằng trong thời gian tới đây, thành viên của BHG, của các hội đoàn sẽ đến nhà những người anh em của mình nhiều hơn; sẽ có hội đoàn nào đó tiếp tục cái công việc "chẳng giống ai" mà tôi đang thực hiện.

Chiều nay, cùng với Cha Phụ tá, tôi sẽ tiếp tục đi thăm một số gia đình tại họ Sông Khoai, sẽ thăm lại người đàn bà bị liệt hơn 4 năm,...

..vẻ như tôi đang bị...stress hik.

Xin Chúa cho con thêm sức mạnh, niềm tin yêu để con tiếp tục đến với những người anh em của con. Amen.

Quảng Ninh, trưa ngày 15/2/2011.

batrinh
15-02-2011, 04:47 PM
LẠY ĐỨC CHÚA GIÊ SU KI TÔ ĐẤNG CỨU ĐỘ CHÚNG CON
xin thương xót những người anh chị em của chúng con và xin Ngài nâng đỡ và ban nhiều hồng ân xuống cho mọi người. Đang phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống trên thế gian này xin Ngài bổ sức cho chúng con trên con đường lữ thứ trần gian trong ĐỨC TIN
<< LẠY CHÚA NGÀI LÀ HƠI THỞ CỦA CON >>

caretocom
16-02-2011, 10:24 AM
Sau giờ nghỉ trưa, tôi cùng Cha Phụ tá khởi hành chuyến đi đến họ Sông Khoai. Trời lất phất mưa khiến hai Cha con lạnh buốt. Tôi hy vọng chuyến đi chiều nay sẽ giúp tôi bớt đi cái trạng thái distress hồi sáng.
Nhưng vẻ như tôi sẽ lại không được như ý vì qua lời giới thiệu sơ bộ của ông Chánh Trương thì những gia đình chúng tôi sắp tới thăm sẽ mang lại cho tôi và Cha Phụ tá nhiều trăn trở.

Để giảm bớt căng thẳng, tôi đề nghị Cha Phụ tá tới thăm người phụ nữ bị liệt trước tiên. Bởi tôi vẫn nợ chị lời hứa sẽ đưa Cha tới thăm chị.
http://i788.photobucket.com/albums/yy163/caretocom/IMG_0724.jpg
Khi tới nhà, vẫn là hình hài nhỏ thó nằm co ro trên giường. Gương mặt chị có vẻ mệt mỏi hơn. Thoáng thấy tôi cùng ông Chánh đến chơi, chị cười gượng và nói là chị đang bị mệt quá. Được ông Chánh giới thiệu là có Cha tới thăm, gương mặt chị bừng tỉnh. Chị co người ngồi dậy nhưng chỉ được nửa chừng thì chị lại nằm vật xuống một cách đau đớn. Cha cùng ông Chánh tiến lại và hỏi thăm sức khỏe của chị. Sau một hồi, có vẻ tỉnh hơn thì chị cương quyết ngồi dậy để được nói chuyện với Cha. Chị cho biết thêm là chị hiện đang mắc bệnh viêm đa khớp, tiểu đường, cao huyết áp,... Nghe chị kể bệnh, nét mặt Cha Phụ tá cứ chùng xuống.
Khi được hỏi về việc đi nhà thờ hay việc cầu nguyện hàng ngày thì chị thưa với Cha một cách hết sức say sưa. Chị kể về những ngày chị còn khỏe, về những ngày chị phụ trách lớp đồng nhi.... Mới đây thôi, khi biết Cha tổ chức Lễ Rước đầu năm, chị đã cố lết ra khỏi nhà để được thấy đoàn Rước. Chị kêu chị em cô bé hàng xóm qua dìu chi ra đến đầu ngõ để đợi đoàn Rước. Với vẻ rất tiếc nuối, chị nói: "Con cố nghển mặt lên để được nhìn thấy Chúa khi Chúa đi ngang qua con. Nhưng vì con nhỏ bé quá, mà Chúa ở trên kiệu cao nên con không được thấy Chúa. Con tiếc lắm...". Hết thảy chúng tôi đều hết sức xúc động với tâm tình của chị.
Trước khi ra về, Cha Phụ tá chúc phúc lành và cầu nguyện cho chị được mạnh khỏe trong năm mới.

Ra đến ngoài đường, Cha liền nói: "Đố cậu thấy được cái gì hay hay ở đây". Tôi thoáng giật mình vì chưa hiểu ý Cha cũng như chưa dứt dòng suy tư về người phụ nữ vừa gặp. Hóa ra, ngoài đường có mấy người phụ nữ, tay xách đồ ăn, tay xách túi...hình nhân thế mạng cùng vàng mã. Cha Phụ tá nói đùa: Ở cái đất này, không dễ mà biết nhà nào theo tôn giáo nào đâu!. Nhân dịp đầu năm, một số gia đình ở đây làm lễ giải hạn đầu năm. Chẳng hề có sư có thầy nào, mà toàn mấy ông mấy bà biết răm ba câu cúng, sắm được bộ áo nâu cùng chiếc mõ...thế là đi cúng giải hạn cho bàn dân thiên hạ :D.
Trong vùng này, có tới 80% là dân Công giáo. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, mới 8 năm nay mới có Linh mục về quản sau gần 50 năm vắng bóng chủ chăn nên "việc đạo nghĩa ở vùng này còn nhiều điều phải làm quá".
Quanh co một hồi, chúng tôi dừng xe bên một ngôi nhà nhỏ. Theo lời ông Chánh thì đây là nhà của một người phụ nữ trẻ bị điếc do di chứng của hậu sản, chồng chị mất năm trước. Hiện chị sống cùng cậu con trai đang học lớp 2.
http://i788.photobucket.com/albums/yy163/caretocom/IMG_0719.jpg
Hằng ngày, chị tần tảo nuôi con bằng việc đan rổ, rá bằng tre. Hôm nào khỏe mạnh thì chị cũng làm được mỗi ngày 1 chiếc. Giá bán 1 chiếc rổ/rá là...10.000đ. Tiền nguyên liệu tính sơ sơ cũng hết khoảng 6.000đ/chiếc. Nhưng có nhiều lần, đang ngồi đan rổ thì chị...ngã lăn ra sân vì đau đầu. Hàng xóm thấy thì chạy qua để bế chị vào nhà. Những ngày đó thì chị cũng chẳng làm được gì.
http://i788.photobucket.com/albums/yy163/caretocom/IMG_0722.jpg
Đi quanh nhà thì tôi có thấy một đàn gà nho nhỏ và có 2 chị gà mái đang ấp trứng :). Thấy tôi lò dò bên ổ gà, chị nhanh nhảu nói: "Lấy trứng nhá", rồi nhanh tay với vào trong ổ gà. Chị tưởng tôi muốn lấy trứng gà nên chị định lấy cả ổ trứng gà đang ấp để cho tôi :)). Mặc dù không nghe được, nhưng chị rất đon đả cười nói với tôi. Chị cho biết là mỗi năm chị cũng thu về được...500.000đ tiền bán gà. Nhưng năm vừa rồi, do lạnh quá nên lũ gà của chị chết gần hết. Chị đang gây giống lại.
Sau khi Cha chúc phúc cho mẹ con chị, chúng tôi tiếp tục lên đường đến thăm một trường hợp được cho là đặc biệt hơn cả.

Đó là trường hợp một người phụ nữ bị mắc chứng down. Chị đang sống cùng người cha già cùng cô....con gái của chị.
Theo lời kể của người cha khắc khổ, trong một lần cùng tụi trẻ trong xóm lên đồi kiếm củi, chị bị lạc và bị một kẻ nào đó hãm hại. Sau lần đó, chị đã sinh ra một cô gon gái khá kháu khỉnh. Vậy là người cha già vừa phải chăm lo cho người con dại, vừa phải chăm cho đứa cháu tội nghiệp trong nghèo khó. Đến nay, cô cháu gái cũng đã được 7 tuổi và đang học lớp 1.
http://i788.photobucket.com/albums/yy163/caretocom/IMG_0729.jpg
Nhìn vào ngôi nhà, tôi hết sức bàng hoàng bởi những "vật dụng", những bộ quần áo treo trong nhà. Tất cả đều gần như rách nát, bụi bặm. Có một chiếc giường siêu vẹo được buộc chằng chịt bởi các loại dây. Còn trong góc nhà, tôi không biết miêu tả thế nào cho đúng. Cha Phụ tá nói: "Gọi đó là Ổ mới đúng". Quả thực, tôi không dám chụp lại những hình ảnh này.
...
Với tâm trạng trĩu nặng, chúng tôi tiếp tục đến thăm một xóm nhỏ nữa.
Đứng giữa xóm nhỏ, tôi và Cha Phụ tá không biết nói gì. Chúng tôi tưởng mình vừa lạc vào một làng quê nghèo đói ở vùng xa tít nào kia. Chúng tôi đều không ngờ lại bắt gặp cảnh nghèo đói này ngay chính giữa vùng đồng bằng màu mỡ với vô số cơ hội phát triển. Vẻ như những cơ hội làm giàu hay cơ hội thoát nghèo đã thuộc về thế giới khác. Ở cái xóm con con này, nhà nào cũng nghèo khó như nhau.
Hai Cha con cùng vào thăm mấy gia đình này mà tôi chẳng nhớ là mình đã nghe thấy gì, mình đã nhìn thấy gì. Chỉ biết rằng, sự hiện diện của Cha đã khiến hết thảy mọi người đều mừng vui. Những người chúng tôi gặp đều rạng rỡ, hồ hởi kể chuyện của mình. Chẳng thấy ai kêu khổ, than nghèo....

Rời khỏi họ Sông Khoai, tôi và Cha Phụ tá cứ lẳng lặng chẳng nói một lời. Tôi biết, Cha còn nặng gánh lắm. Cha chịu trách nhiệm coi sóc dân của Cha. Sống đời Linh mục nhưng Cha vẫn luôn phải bộn bề lo toan kế sinh nhai cho cái đại gia đình của Cha. Tôi lại nhớ đến câu nói của người đàn bà bị liệt: "Con cố nghển mặt lên để được nhìn thấy Chúa khi Chúa đi ngang qua con. Nhưng vì con nhỏ bé quá, mà Chúa ở trên kiệu cao nên con không được thấy Chúa. Con tiếc lắm...".
.....
...
.