PDA

View Full Version : Bị thiêu sống (Brưlée vive)



littlewave
20-06-2008, 09:35 PM
Bị thiêu sống (Brưlée vive)

Hòi ức của SOUAD – Người dịch: Nguyễn Minh Hoàng

Kỳ 1: Hỏa hình
(http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=245551&ChannelID=89)Kỳ 2: Vì tôi là con gái (http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=245551&ChannelID=89)
Kỳ 3: Điều bí mật (http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=245729&ChannelID=89)



http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=247507


17 tuổi, Souad đem lòng yêu một chàng trai. Tại ngôi làng của cô, cũng như nhiều ngôi làng khác, tình dục trước hôn nhân đồng nghĩa với cái chết. Vì tội làm ô danh, gia đình cô chỉ định người anh rể thực hiện bản án.

Bị thiêu sống hết sức tàn khốc, Souad được cứu sống nhờ một phép lạ. Cô quyết định chấp nhận mọi rủi ro, thay mặt tất cả những người phụ nữ đang bị đe dọa mạng sống để lên tiếng. Hằng năm trên thế giới có hơn 5.000 trường hợp như vậy xảy ra, nhưng đa số không được biết đến.


Bị thiêu sống - Kỳ 1: Hỏa hình

Tôi nghe thấy cánh cổng đóng sập lại. Anh ta kia rồi, anh ta đang tiến lại gần. 25 năm sau, tôi vẫn thấy lại những hình ảnh đó, như thể thời gian đã ngưng lại.

Lạnh ngắt và bốc cháy

Hussein, anh rể tôi, mặc đồ bảo hộ lao động, một chiếc quần âu cũ với áo cộc tay. Anh ta đến trước mặt tôi và mỉm cười: "Chào, khỏe chứ?". Anh ta nhai một cọng cỏ trong mồm và vẫn mỉm cười: "Tôi sẽ lo cho cô”. Nụ cười đó... Anh ta nói sẽ lo cho tôi, một điều mà tôi không trông đợi. Tôi cũng mỉm cười để cảm ơn anh ta nhưng không dám nói gì.

"Bụng cô xem chừng đã khá to rồi đấy?". Tôi cúi đầu, xấu hổ không dám nhìn anh ta. Tôi cúi thấp hơn nữa, trán chạm vào đầu gối. "Cả cái vết kia trên mặt nữa. Cô cố ý bôi nước lá móng phải không?". "Không, em chỉ bôi trên tóc, em không cố ý”. "Cố ý hẳn đi rồi, để che cái vết". Tôi nhìn đống quần áo mà tôi đang vò trên đôi tay run bắn. Đó là hình ảnh bất động và rõ ràng cuối cùng. Đống quần áo tôi đang vò dở và đôi tay run lẩy bẩy của tôi.

Bất thình lình, tôi cảm thấy có cái gì đó lạnh ngắt đang chảy trên đầu tôi. Và ngay sau đó, người tôi bốc cháy. Tôi hiểu ngọn lửa do đâu và thước phim quay nhanh hơn, các hình ảnh cũng hiện ra rất nhanh. Tôi bắt đầu chạy chân đất khắp vườn, tôi đập hai tay lên tóc, gào thét thật to và cảm thấy chiếc áo của mình đang bay phấp phới phía sau lưng. Không biết lửa có bén sang áo của tôi không?

Tôi ngửi thấy mùi xăng và tôi chạy. Bị đuôi áo làm vướng chân nên tôi không chạy được những bước dài. Tôi chỉ còn biết nghe theo bản năng, nghe theo sự thúc giục của nỗi kinh hoàng, chạy xa cái sân. Tôi chạy về phía vườn vì không còn lối thoát nào khác. Nhưng sau đó tôi gần như không còn nhớ gì nữa. Tôi chỉ biết là tôi đã chạy với ngọn lửa trên người và kêu thét thật to. Tôi đã làm thế nào để chạy thoát? Anh ta có đuổi theo tôi không? Hay anh ta đứng đợi lúc tôi ngã xuống để xem tôi bị thiêu trong ngọn lửa.

Tối đen

Rõ ràng tôi đã trèo qua bước tường thấp trong vườn để chạy sang vườn hàng xóm hoặc chạy ra đường. Có mấy người phụ nữ, hình như là hai người, vậy là chắc chắn tôi đã chạy ra đường và họ cố dập tắt ngọn lửa trên người tôi. Bằng khăn trùm đầu của họ, tôi đoán như vậy.

Họ dẫn tôi ra con suối của làng và nước đổ ào lên người tôi giữa lúc tôi tiếp tục kêu thét vì kinh sợ. Tôi nghe thấy tiếng la hét của họ, những người phụ nữ đó, nhưng mắt tôi không thấy gì cả. Đầu tôi cúi gập xuống ngực, tôi cảm thấy có dòng nước lạnh đang chảy, chảy không ngừng và tôi kêu đau vì dòng nước lạnh như thiêu đốt tôi. Tôi nằm co quắp, tôi ngửi thấy mùi thịt cháy, mùi khói bốc lên. Có lẽ tôi bị ngất đi. Tôi không nhìn rõ được.

Chỉ còn vài hình ảnh mơ hồ, vài tiếng động như thể tôi đang ngồi trên chiếc xe tải nhỏ của cha tôi. Nhưng người lái không phải cha tôi. Tôi nghe thấy mấy người phụ nữ đang khóc thương cho tôi. "Tội nghiệp con bé”, "Tội nghiệp"... Họ an ủi tôi. Tôi đang nằm trên một chiếc ôtô. Tôi cảm thấy bị xóc nẩy khi xe chạy trên đường. Tôi nghe thấy tiếng rên rỉ của chính tôi.

Và rồi không nghe thấy gì nữa và rồi lại nghe có tiếng động của chiếc xe và giọng nói của mấy người phụ nữ. Tôi cảm thấy nóng rực như thể ngọn lửa vẫn đang tiếp tục cháy trên người. Tôi không sao ngẩng đầu lên được, và không thể cử động thân mình, không thể cử động hai tay, tôi đang cháy, vẫn đang cháy...

Mùi xăng từ người tôi bốc lên nồng nặc. Nghe tiếng động cơ ôtô, tiếng than khóc của mấy người phụ nữ nhưng tôi không hiểu gì cả, tôi không biết họ mang tôi đi đâu. Mỗi lần mở hé mắt, tôi chỉ thoáng thấy một mảng áo hoặc một mảng da của tôi. Nó đen sì và bốc mùi. Không còn lửa trên người nhưng tôi vẫn thấy nóng, trong tâm trí, tôi vẫn đang chạy với ngọn lửa cháy ngùn ngụt trên người.

Tôi nằm trên một cái giường trong bệnh viện, co quắp dưới lớp chăn mỏng. Một cô y tá lột áo của tôi ra. Cô ta nắm mép vải, giật mạnh và cơn đau làm tôi tê liệt. Tôi gần như không nhìn thấy gì nữa, cằm tôi như dính vào ngực và không thể ngóc đầu dậy. Hai tay tôi cũng không thể cử động. Tôi thấy đau khắp người, trên đầu, trên vai, trên lưng, trên ngực. Tôi bốc mùi.

Cô y tá không nói gì với tôi. Cô ta chỉ đến giật từng mảng da còn bám trên người tôi, áp lên đó một miếng gạc và cô ta bỏ đi. Nếu có thể làm cho tôi chết, có lẽ cô ta đã làm rồi, tôi chắc chắn như vậy. Tôi là một đứa con gái hư hỏng, nếu người ta thiêu sống tôi thì cũng bởi tại tôi là một đứa con gái không chồng mà lại có thai. Tôi đáng bị như vậy.

Tôi rất muốn được chết vì tôi xấu hổ khi thấy mình còn sống. Tôi đau đớn xiết bao. Tôi muốn được xoa dầu lên da để làm dịu vết bỏng. Tôi muốn có ai nhấc chiếc chăn mỏng đang đắp trên người để tôi nguội đi một chút. Một bác sĩ đang có mặt ở đây. Tôi nhìn thấy phần chân ông ta và vạt áo blouse trắng. Ông ta nói nhưng tôi không hiểu.

Vẫn luôn là cô y tá ấy, đến rồi đi. Tôi có thể cử động hai chân. Thỉnh thoảng, tôi nhấc chân nâng tấm chăn mỏng lên. Tôi cảm thấy phía sau lưng đau như dần, ở cạnh sườn tôi cũng thấy đau. Tôi nằm ngủ, đầu cúi gập dính sát vào ngực như lúc tôi đang bị ngọn lửa đốt cháy. Tối đen. Hôn mê. Đã bao nhiêu lâu rồi? Bao nhiêu ngày? Bao nhiêu đêm?...

Không ai muốn sờ vào tôi, không ai muốn chăm sóc tôi, không ai cho tôi ăn, không ai cho tôi uống, họ chỉ đợi tôi chết. Tôi sắp chết. Cũng tốt thôi. Có lẽ tôi đã chết rồi. Cuối cùng, tất cả đã kết thúc.



@@@@@@@@@@@@@@@


Tên tôi là Souad. Tôi sinh ra trong một ngôi làng nhỏ. Người ta bảo rằng ngôi làng ấy nằm ở một nơi nào đó trên lãnh thổ Jordan, rồi đổi thành Transjordanie và cuối cùng là Cisjordanie.

Nhưng chưa bao giờ được cắp sách đến trường nên tôi mù tịt về lịch sử đất nước mình. Chưa bao giờ tôi đi ra khỏi làng xa hơn vài cây số tính từ căn nhà cuối làng. Tôi không biết Trái đất tròn hay dẹt, cũng không có một ý niệm nào về thế giới!



Bị thiêu sống - Kỳ 2: Vì tôi là con gái


Mỗi ngày tôi phải cầu nguyện ít nhất hai lần. Tôi ê a đọc như mẹ tôi, như các chị em tôi nhưng mãi đến nhiều năm sau khi đến châu Âu tôi mới biết đến sự tồn tại của kinh Coran. Đứa em trai duy nhất của tôi - "ông vua" của cả nhà - được đi học, riêng bọn con gái thì không.

Trong gia đình, sinh con gái là một điều bất hạnh. Người vợ trước hết phải sinh con trai, ít nhất cũng phải một đứa. Con gái chỉ cần hai hoặc ba đứa để lo việc nhà, việc đồng áng và chăn gia súc. Cho đến năm 17 tuổi, tôi không được biết chuyện nào khác ngoài chuyện vì là con gái nên bản thân bị coi rẻ không bằng một con vật.

Cánh cổng cuộc đời

Ngôi làng của chúng tôi rất đẹp và rất xanh, có rất nhiều quả vả, nho, nhiều loại trái cây, chanh và rất nhiều cây ôliu. Một mình cha tôi sở hữu phân nửa những thửa đất trồng trọt trong làng. Ông không giàu nhưng có của ăn của để. Ngôi nhà rất to được làm bằng đá, ngoài cùng là lớp tường bao quanh với một cánh cổng sắt màu xám. Cánh cổng ấy là biểu tượng của sự giam cầm đối với chị em chúng tôi. Một khi đã vào bên trong, cánh cổng đó sẽ được đóng lại nhằm ngăn không cho chúng tôi ra ngoài.

Từ ngoài có thể đi vào qua cánh cổng ấy, nhưng bên trong không được đi ra. Em trai tôi, trái lại, lúc nào cũng được tự do, tự do như gió: tự do đến rạp xem phim, đi ra đi vào qua cánh cổng ấy, muốn làm gì cũng được. Tôi thường nhìn cánh cổng ấy, cánh cổng sắt đáng nguyền rủa và tự nhủ: "Không bao giờ mình có thể bước qua đấy để đi ra ngoài, không bao giờ".

Mua sắm ở ngoài thì mẹ đi cùng cha tôi, mua cho mỗi đứa con gái một cái áo và dù thích hay không, chúng tôi vẫn phải mặc. Các chị tôi và tôi, ngay đến mẹ tôi nữa chẳng ai có quyền nói đi nói lại một câu nào, chỉ có thế hoặc không có gì cả. Đó là thứ áo dài, tay ngắn bằng vải cotton xám, đôi khi là màu trắng và rất hiếm khi có loại màu đen. Thứ vải này mặc vào rất nóng và làm da khó chịu như bị kim châm. Cổ áo khá cao và kín mít.

Nhưng tùy theo mùa bắt buộc phải mặc thêm một chiếc áo sơmi hay áo ghilê dài tay. Mặc thêm như thế thường rất nóng, nóng đến phát ngột nhưng bắt buộc phải có tay dài. Để lộ một phần cánh tay hay một phần chân, hay tệ hơn nữa là để hở một phần vai và ngực là một điều sỉ nhục. Lúc nào chúng tôi cũng đi chân trần, không bao giờ đi giày, ngoại trừ những phụ nữ có chồng.

Tôi bắt đầu lao động chân tay năm lên tám hay chín tuổi. Ngay từ sáng sớm, tôi ra chuồng cừu, cho hai ngón tay vào mồm "hoét" lên một tiếng để gọi đàn cừu tập họp lại, rồi tôi đi cùng chị Kainat lớn hơn tôi độ một tuổi. Con gái không được đi ra khỏi nhà một mình hoặc với một đứa em gái nhỏ tuổi hơn. Phải có chị gái lớn tuổi đi kèm để bảo đảm.

Hai chị em chúng tôi cùng lùa đàn cừu và dê ra đồng cỏ nằm cách làng chừng 15 phút đi bộ. Chúng tôi đi nhanh, mặt cúi gằm xuống cho đến lúc qua khỏi nếp nhà cuối làng. Khi ra đến đồng cỏ chúng tôi thoải mái kể chuyện tếu, thậm chí còn cười ngặt nghẽo với nhau. Chúng tôi nói với nhau chuyện ăn phomat, ăn một quả dưa hấu, trông coi mấy con cừu.

Khi đàn cừu nằm tụ lại thành vòng tròn để ngủ thì chúng tôi cũng chui vào chỗ bóng râm, liều lĩnh chấp nhận rủi ro. Nếu lỡ để con vật ấy lẻn vào phá vườn rau của nhà ai, hoặc chúng tôi về đến chuồng cừu muộn chừng vài phút là sẽ được ăn một trận đòn chí tử bằng thắt lưng da.

Nếu đẻ con gái

Cha tôi. Ông ngồi chễm chệ trước nhà như một ông vua ngồi trước cung điện với mảnh khăn ô vuông trắng đỏ che kín chiếc đầu hói lơ thơ vài sợi tóc màu hung. Ông mang thắt lưng da và đặt cây gậy trên đùi. Tôi còn nhìn thấy rõ ông ngồi đấy, dáng nhỏ bé và dữ tợn, vừa cởi chiếc thắt lưng da vừa quát: "Sao lại để cừu chạy rông như thế hả?". Ông túm lấy tóc tôi, giật mạnh làm tôi ngã xuống đất và lôi tôi xềnh xệch vào nhà bếp.

Trong khi tôi còn quì gối chưa đứng lên được thì ông đánh. Ông kéo mạnh bím tóc tôi như muốn rứt nó ra, rồi ông cắt tóc tôi bằng chiếc kéo to chuyên dùng cắt lông cừu. Tôi không còn tóc nữa. Càng khóc, càng kêu, càng van xin chỉ tổ bị ăn thêm mấy cái đá. Đó là lỗi của tôi. Ngày nào chúng tôi cũng bị đánh, bất kể bằng thắt lưng da hay bằng gậy. Một ngày không bị đánh là một ngày không bình thường.

Trong làng, nhà nào cũng như thế, đó là luật của những người đàn ông. Hằng ngày ở trong những ngôi nhà đều xảy ra những vụ đàn bà con gái bị đánh đập, văng vẳng tiếng kêu khóc. Việc đàn bà con gái bị đánh đập, bị cạo đầu và bị trói vào thanh rào trong chuồng cừu là chuyện bình thường. Không có cách sống nào khác.

Nhiều lúc tôi nhìn thằng em trai tôi, thằng em trai mà cả nhà đều yêu quí và thầm nghĩ: "Nó có gì hơn chứ? Cũng từ một bụng mẹ chui ra như mình thôi". Tôi không có câu trả lời. Mọi thứ phải như thế thôi. Chúng tôi phải phục vụ nó như đã phục vụ cha tôi, phục vụ bằng cách vừa quì gối vừa cúi rạp đầu.

Tôi cũng không quên câu nói quen thuộc của mẹ tôi: "Tao sinh được 14 đứa, nhưng chỉ bảy đứa còn sống". Một hôm, tôi đã hiểu tại sao. Tôi trông thấy mẹ tôi nằm dưới đất, trên tấm da cừu. Bà đang sinh em bé và dì Salima đang ngồi bên cạnh, trên chiếc gối nệm. Tôi nghe có tiếng kêu của mẹ và của đứa bé. Và mẹ tôi nhanh tay vơ tấm da cừu trùm lên đứa bé để nó chết ngạt. Bà quì trên đầu gối và tôi nhìn thấy đứa bé động đậy dưới tấm da cừu.
Nhưng sau đó thì hết, không còn gì nữa. Tôi không còn biết chuyện gì xảy ra tiếp theo sau, đứa bé đã chết, chỉ thế thôi và tôi sợ đến rụng rời. Tôi trông thấy bà làm việc đó một lần, rồi hai, ba lần. Tôi cũng nghe chị Noura nói với mẹ: "Nếu đẻ con gái, con cũng sẽ làm như mẹ”.

Trong làng tôi nếu phải chọn giữa một đứa con gái và một con bò cái thì đàn ông sẽ chọn con bò cái. Cha tôi thường nhắc đi nhắc lại: "Bò cái cho sữa và sinh ra bò con. Người ta làm gì với sữa và bò con? Họ đem chúng đi bán và mang tiền về nhà. Cừu cho len.

Có len, người ta đem đi bán và mang tiền về nhà. Cừu cái lớn lên và đẻ ra cừu con rồi chúng lại cho sữa để làm phomat. Có phomat, người ta đem bán. Nhưng một đứa con gái thì sao? Đối với gia đình nó giúp được gì nào? Chẳng gì cả! Một con bò cái hay một con cừu bao giờ cũng tốt hơn một đứa con gái".



@@@@@@@@@@@@@@@


Trừ hai đứa em gái còn bé quá chưa thể nghĩ đến chuyện lấy chồng, ở nhà chỉ còn lại chị Kainat và tôi. Tôi luôn hi vọng vào việc lấy chồng, được đi cùng một người đàn ông đến một nơi nào đó, được thoát khỏi sự đàn áp hung bạo của cha tôi.


Bị thiêu sống - Kỳ 3: Điều bí mật


Mẹ tôi bảo: "Bố thằng Faiez đã đến nhà ta để hỏi mày cho con trai lão. Nhưng lúc này chưa thể bàn đến việc đám cưới được. Phải chờ chị mày xong đã”.

Hẹn hò

Faiez làm việc trong thành phố, ở đối diện nhà chúng tôi phía bên kia đường. Nhà ấy không có con gái, vì thế không cần phải xây tường bao xung quanh mà chỉ có một hàng rào rất đẹp và cổng không bao giờ khóa. Tường nhà màu hồng và chiếc ôtô lúc nào cũng đỗ trước cửa nhà có màu ghi.

Tôi bắt đầu rình mò chiếc ôtô để được trông thấy Faiez. Vị trí quan sát tốt nhất là trên sân thượng, nơi tôi vẫn lên giũ tấm thảm lông cừu, hái nho, và phơi quần áo. Phải mất mấy ngày tôi mới biết được là anh đi làm vào khoảng bảy giờ sáng, lúc ấy tôi rất dễ tìm ra một việc gì đó để làm trên sân thượng.

Lần đầu tiên nhìn thấy anh, tôi đã gặp may. Tôi nhanh tay cọ rửa chuồng gia súc rồi đi lấy bó cỏ thật khô mang về cho con cừu cái đang bị ốm và sắp trở dạ. Tôi đang đứng cách đấy hai, ba bước với bó rơm trong tay thì anh bước ra. Trông cũng lịch sự như cậu tôi, mặc âu phục, đi giày buộc dây rất đẹp với hai màu đen và nâu nhạt, tay xách cặp đựng giấy tờ, tóc thật đen, nước da ngăm và điệu bộ oai vệ.

Tôi cúi đầu, giấu mặt trong đống rơm. Tôi lắng nghe tiếng bước chân anh cho đến lúc anh ra đến ôtô, rồi tiếng cửa xe đóng sầm lại, tiếng máy nổ và tiếng lốp lăn sỏi nghe lạo xạo. Tôi chỉ dám ngẩng đầu lên khi chiếc xe đã đi xa và đợi cho đến khi nó khuất hẳn. Tôi nghe tim đập rộn ràng trong lồng ngực, hai chân run run. Và tôi tự nhủ: "Mình muốn có người đàn ông ấy làm chồng. Mình muốn anh ấy, mình muốn anh ấy".

Nhưng làm thế nào? Làm thế nào để van xin anh đích thân đến xin cha tôi quyết định cho làm lễ cưới? Trước tiên phải nói với anh như nào? Con gái không được nói chuyện với con trai. Cũng không được nhìn thẳng vào mặt người ta. Không được tìm cách đến gần. Dù người đàn ông ấy có muốn hỏi mình làm vợ chăng nữa thì anh ta cũng không phải là người có quyền quyết định. Người có quyền quyết định là cha tôi, bao giờ cũng là ông ấy và ông ấy sẽ giết tôi nếu biết tôi đã dềnh dàng ôm bó rơm đứng lại một phút trên đường để lôi kéo sự chú ý của Faiez.

Dạo ấy đang là mùa xuân, hình như tôi chỉ khoảng mười bảy tuổi. Sau này tôi mới biết trên giấy tờ tuổi thật sự của tôi là mười chín. Tôi đã "chín" kể từ lần có kinh nguyệt đầu tiên và đến tuổi lấy chồng từ ba hay bốn mùa lễ Ramadan trước. Đến ngày đi lấy chồng, tôi sẽ trở thành một người phụ nữ. Faiez chắc chắn nhiều tuổi hơn tôi, nhưng đó lại là điều tốt. Tôi chờ đợi anh mang lại cho tôi sự an toàn. Assad, em trai tôi, lấy vợ quá sớm là một cô gái cùng tuổi, nhỡ không may cô ta không sinh được con trai cho nó thì một ngày nào đó, nó sẽ phải cần đến một cô vợ khác.

Tôi nghe tiếng bước chân của Faiez trên lớp sỏi rải đường. Tôi đạp tấm da cừu lên gờ sân thượng, Faiez ngước mắt nhìn lên. Anh quan sát tôi, và tôi biết là anh đã hiểu. Không một dấu hiệu, một lời cũng không, anh lên ôtô và nổ máy chạy. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi chỉ kéo dài trong khoảng thời gian vừa đủ để ăn một quả ô liu, một cảm xúc không thể nào quên.

Ngày hôm sau, liều lĩnh và bạo dạn hơn, tôi vờ đuổi bắt một con dê để có cớ đi qua nhà anh. Faiez mỉm cười với tôi. Lúc ấy, ôtô không chạy ngay, do vậy tôi biết anh nhìn thấy tôi lùa đàn dê đi về phía cánh đồng cỏ. Buổi sáng không khí mát mẻ hơn nên tôi có dịp mặc chiếc áo len màu đỏ, chiếc áo mới duy nhất của tôi, có hàng cúc cài từ rốn đến cổ khiến tôi trông có vẻ xinh hơn. Nếu tôi có thể đứng giữa đàn cừu nhảy múa thì có lẽ tôi đã nhảy múa rồi. Cuộc gặp gỡ thứ hai kéo dài lâu hơn vì lúc rời khỏi làng, khi khẽ quay đầu nhìn lại, tôi trông thấy chiếc ôtô vẫn chưa khởi động.

Tôi không thể đi xa hơn những tín hiệu đó. Giờ thì đến lượt anh...

"Tôi đang sống"

Ngày hôm sau mẹ tôi vắng nhà, bà đi cùng cha tôi vào thành phố, em trai tôi đang ở với vợ nó và chị Kainat bận dọn chuồng gia súc và chăm sóc hai đứa em. Chỉ mình tôi đi cắt cỏ cho đàn thỏ. Đi bộ được mười lăm phút, tôi trông thấy Faiez xuất hiện trước mặt tôi. Anh đã kín đáo đi theo tôi và chào tôi. Cuộc gặp gỡ bất ngờ này làm tôi hoảng sợ. Tôi cảm thấy xấu hổ, tôi nhìn xuống chân, tôi vò vò chiếc áo dài và rứt hàng cúc trên áo khoác, tôi không biết phải nói gì. Faiez đứng trong một tư thế ung dung, ngậm một cọng lúa xanh giữa hai hàm răng và hỏi tôi:

- Tại sao em chưa lấy chồng?

- Tôi còn phải tìm người đàn ông thích hợp với tôi và phải đợi chị tôi lấy chồng trước.

- Cha em có nói gì với em không?

- Ông có bảo tôi là cách đây khá lâu, cha anh có đến gặp ông.

- Em sống ở nhà có tốt không?

- Nếu bắt gặp tôi đứng với anh như thế này, cha tôi sẽ đánh tôi ngay.

- Em có muốn chúng mình lấy nhau không?

- Nhưng phải đợi cho chị tôi lấy chồng trước đã.

- Em sợ à?

- Phải, tôi sợ. Cha tôi… ông ấy dữ lắm. Nguy hiểm cả cho anh nữa đấy. Ông ấy có thể đánh tôi và cả anh nữa đấy.

Faiez vẫn ngồi bình thản đằng sau bờ đất, còn tôi nhanh tay cắt cỏ. Có vẻ như anh đang ngồi chờ tôi dù biết rõ là tôi không thể đi cùng anh về làng.

- Anh hãy cứ ngồi lại đây để tôi đi về một mình.

Và tôi đi nhanh về nhà. Chưa bao giờ tôi cảm thấy sung sướng đến thế. Được ở cạnh anh, đứng gần anh, dù chỉ trong vài phút, quả là điều tuyệt vời. Tôi cảm nhận được niềm vui lan tỏa khắp cơ thể, mặc dù lúc ấy tôi không thể xác định rõ ràng. Tôi quá ngây thơ và tuy tôi được giáo dục không hơn một con dê nhưng cảm giác tuyệt vời ấy, đó là cảm giác tự do của trái tim và của thể xác tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi là một con người vì tôi đã tự quyết định làm những điều cần làm. Tôi đang sống. Tôi không tuân lệnh cha tôi cũng như bất cứ ai khác. Tôi sẽ không vâng lời.

(còn tiếp)

littlewave
06-07-2008, 12:19 PM
Trước đây, tôi không ý được mình là một con người, có tư duy, có tình cảm. Tôi biết sợ, biết khát khi trời nóng, biết đau đớn và tủi nhục khi bị buộc như một con vật trong chuồng gia súc và bị đánh đập đến mức lưng không còn cảm giác.



Bị thiêu sống - Kỳ 4: Bản án tử hình


Cuộc hẹn hò đầu tiên của tôi với Faiez trên cánh đồng lúa mì xanh mướt đã giúp tôi, lần đầu tiên trong đời, nhận thức được mình là ai. Một đứa con gái đang nóng lòng được gặp lại anh, yêu anh và quyết định trở thành vợ anh.

Chuyện xảy ra

Hôm sau, cũng trên con đường ấy, anh chờ tôi đi ngang qua trên đường ra đồng. "Ngoài anh ra, em có để mắt đến những cậu con trai khác không?". "Không, không bao giờ". "Em có muốn anh đến thưa với cha em để được cưới em không?". Nghe câu ấy tôi chỉ muốn quì xuống hôn chân anh. Tôi muốn anh đi ngay lập tức, ngay trong giây phút ấy, chỉ muốn anh chạy đi yêu cầu gia đình mang ngay vàng và đồ trang sức đến cho tôi và chuẩn bị một lễ cưới thật to.

Nhiều ngày trôi qua, mặt trời mọc rồi lặn và sáng nào, chiều nào tôi cũng lên sân thượng ngóng đợi anh ra hiệu. Bây giờ thì tôi chắc chắn anh đã yêu tôi. Lần hẹn vừa rồi anh không đến. Tôi đã đợi rất lâu, hơn mười lăm phút, dù biết có thể về nhà muộn, có thể bị cha tôi bắt gặp. Tôi vừa lo lắng vừa khổ sở nhưng lần hẹn sau thì anh đến.

Tôi trông thấy anh từ xa, anh ra hiệu bảo tôi trốn ở cuối cánh đồng, đằng sau ụ đất, nơi không ai có thể nhìn thấy chúng tôi vì cỏ mọc rất cao. "Hôm ấy tại sao anh không đến?". "Anh có đến, nhưng anh đứng đằng xa để xem em có gặp người nào khác hay không". "Mắt em không nhìn sang phải cũng không nhìn sang trái. Em nói thật". "Bây giờ thì anh biết rồi. Anh đã gặp cha em. Ít lâu nữa thôi chúng mình sẽ cưới nhau".

Sau lần hẹn thứ hai, anh đã đến gặp cha tôi. Và dù ngày cưới chưa được ấn định chính xác nhưng thế nào tôi cũng đi lấy chồng trước cuối năm.

Hôm ấy trời đẹp và nắng nóng. Faiez bước lại gần tôi, thật gần. Tôi nhắm mắt lại, tôi cảm thấy hơi sợ. Tôi thấy anh đặt tay lên sau cổ tôi và anh hôn lên môi tôi. Tôi vội đẩy anh ra và không nói gì nhưng phản ứng của tôi có nghĩa: "Coi chừng đấy. Không được đi xa hơn". Anh đi về trước. Tôi đợi anh đi khá xa mới bước ra và về nhà như thường lệ nhưng lần này thấy căng thẳng hơn. Nụ hôn ấy, nụ hôn đầu tiên trong đời đã làm tâm trí tôi xáo trộn.

Và ngày hôm sau, khi nhìn thấy anh đi đến gần chỗ tôi đang nấp, tim tôi run lên. Tôi linh cảm sắp có chuyện gì đó xảy ra. Tôi ngóng anh đến từ phía bên phải nhưng Faiez đến từ phía khác, đầy bất ngờ. Anh cẩn thận không để ai trông thấy, anh bảo vệ tôi. Anh đẹp quá. Anh mặc một cái quần bó sát từ thắt lưng đến đầu gối nhưng ống rộng. Chiếc áo chui đầu của anh màu trắng, dài tay, cổ chữ V để hở đám lông ngực. Tôi thấy anh rất lịch sự, vô cùng sang trọng bên cạnh tôi.

Tôi đã nghe lời anh, tôi không mặc chiếc áo len màu đỏ để không bị nhìn thấy từ xa. Chiếc áo dài của tôi màu xám, chiếc saroual của tôi cũng xám. Tôi che mái tóc bằng một chiếc trùm trắng, nhưng tôi vẫn tiếc cái áo gilê màu đỏ, tôi vẫn muốn mình đẹp hơn.

Chúng tôi ngồi dưới đất, anh hôn tôi. Anh đặt tay lên đùi tôi, tôi không để cho anh làm như vậy. Anh giận. Anh trở nên dữ tợn khi nhìn thẳng vào hai mắt tôi: "Tại sao em không thích? Cứ để mặc anh!". Faiez đã làm cái anh muốn trong im lặng… Anh nâng cằm tôi lên và nói: "Anh yêu em". "Em cũng yêu anh".

Faiez và tôi còn gặp nhau hai lần nữa. Tôi vẫn sợ nhưng luôn tin tưởng. Tôi mơ đến một ngày không xa, ngày mà tôi không còn phải chăn cừu và dê, ngày mà tôi không phải vào chuồng gia súc dọn phân. Anh sắp đến, anh yêu tôi và khi anh đứng dậy ra về, tôi sẽ nói với anh như đã nói trong hai lần gặp trước: "Đừng bỏ em anh nhé!".

Chính tai tôi nghe

Tôi thấy người không còn như trước, tôi không muốn làm việc, tôi không muốn thức dậy. Chu kỳ tự nhiên của tôi đã thay đổi. Tôi nhất định phải gặp anh để nói cho anh biết. Lại một lần hẹn hò, và khi tôi nói, khuôn mặt anh trở nên trắng bệch.

Sáng hôm sau, khi tôi lên sân thượng thì chiếc ôtô của Faiez đã đi mất. Tôi đợi cho đến đêm. Faiez không về. Chiếc ôtô không còn đậu trước nhà anh, các cửa sổ cũng đóng im ỉm. Đêm đêm, tôi nằm dưới tấm da cừu, hai tay ôm bụng, lắng nghe từng tiếng động nhỏ trong bóng tối. Ngày mai anh sẽ đến, ngày mai anh không đến; anh ấy sẽ cứu mình, anh ấy bỏ rơi mình… Khúc nhạc cứ vang mãi trong đầu tôi.

Một hôm, trong lúc tôi đang giặt quần áo thì cha tôi tiến đến. Tôi nghe tiếng chân ông bước khập khiễng sau lưng và tiếng gậy khua lộc cộc trên mặt sân. Ông dừng lại sau lưng, tôi không dám đứng lên: "Tao chắc là mày đã có thai rồi".

Tôi sợ đến nỗi đã nhặt một hòn đá to và tự đập vào bụng với hi vọng mọi việc sẽ lại đâu vào đấy. Những ngày sau cũng thế, tôi đập vào bụng tôi bằng bất cứ vật gì có trong tay và bất cứ khi nào có thể. Cho đến giờ, kỷ niệm đó vẫn còn nhức nhối trong tôi. Tôi đã cố tự nhủ rằng hồi ấy mình ngu dốt, nhưng quả thật là một cơn ác mộng tội lỗi mỗi khi nghĩ đến việc tôi đã cầm hòn đá đập vào bụng mình để đứa con của chính mình không thể tồn tại nữa.

Tôi bị giữ lại trong nhà và chỉ được làm những việc nội trợ. Mẹ tôi bảo: "Mày không được ra khỏi cửa! Mày không đi chăn cừu nữa! Mày cũng không đi lấy cỏ khô”. Tôi có thể thoát ra theo lối sân sau, băng qua các mảnh vườn, nhưng để đi đâu? Tôi chưa bao giờ đi xe khách một mình, tôi không có tiền, hơn nữa, dù trong trường hợp nào, bác tài xế cũng không cho tôi bước lên xe.

Có lẽ tôi đã có mang đến tháng thứ năm. Tôi thấy cái thai trong bụng đang quẫy đạp và tôi lao vào tường như một con điên. Tôi không nói dối được nữa, không giấu được cái bụng to vượt mặt và đôi vú đã thâm quầng. Tôi không còn lối thoát.

Một buổi tối, lại có một cuộc họp mới trong gia đình. Có cha mẹ tôi, chị Noura và anh Hussein, chồng chị. Em trai tôi, Assad, không có mặt vì vợ nó sắp sinh con. Tôi đứng sau bức tường rình nghe.

Mẹ tôi bảo Hussein: "Việc này không thể sai Assad làm được. Nó không đủ khả năng và nó còn ít tuổi quá”. "Tôi sẽ giải quyết!". Đến lượt cha tôi lên tiếng: "Nếu có làm, anh phải làm thật chu đáo. Anh định thế nào?". "Cha mẹ đừng lo, tôi sẽ có cách". Mẹ tôi lại nói: "Anh phải giải quyết nó cho tôi, nhưng phải dứt điểm một lần cho xong". Hussein bảo: "Cha mẹ cứ đi. Hai người không nên có mặt ở đấy. Khi cha mẹ về, mọi việc sẽ êm xuôi". Bản án tử hình đã được cha mẹ, anh chị tôi quyết định như thế, ngắn gọn, bình thản, dứt khoát.

Chính tai tôi đã nghe bản án tử hình dành cho mình.


@@@@@@@@@@@@@@@

Hôm sau, mẹ bảo: "Đã đến lúc mày phải mang quần áo ra giặt rồi đấy. Tao và cha mày phải đi lên thành phố đây". Tôi biết những gì sẽ xảy ra.



Bị thiêu sống - Kỳ 5: Chết và sống


Hỏa hình. Ngọn lửa. Tối đen. Ác mộng. Đau đớn. Tôi hôn mê. Mùi hôi thối tràn khắp gian phòng. Tôi không biết các vết bỏng lan rộng đến đâu nhưng rõ là không có ai sát trùng.

Thêm một liều thuốc độc

Cha tôi đến với cây gậy. Ông đang nổi giận, đập gậy xuống đất, muốn biết ai đã làm tôi có thai, ai đã đưa tôi vào đây và sự việc xảy ra như thế nào. Hai mắt ông đỏ ngầu. Ông khóc, người đàn ông già cả ấy, nhưng ông vẫn làm tôi sợ với cây gậy của ông và tôi không thể trả lời ông được. Tôi sắp ngủ, hay sắp chết, hoặc sắp thức dậy, cha tôi vẫn ngồi đó rồi không thấy ông đâu nữa. Nhưng tôi không nằm mơ, giọng nói của ông vẫn còn vang trong đầu tôi: "Nói đi!".

Tôi nghe thấy có ai đang đi vào, tôi nhìn thấy hai bàn chân trần, cái áo dài màu đen, một dáng người nhỏ nhắn như tôi, mảnh khảnh, gần như là gầy guộc. Không phải cô y tá mà là mẹ tôi. Bà làm tôi sợ. Bà ngồi trên ghế đẩu, tay ôm giỏ xách. Và bà bắt đầu sụt sùi khóc, khịt mũi, vừa lấy khăn mùi xoa lau nước mắt vừa lắc lắc đầu. Bà khóc vì buồn phiền và hổ thẹn. Bà khóc cho chính bà và cho cả gia đình. Tôi nhìn thấy nỗi căm hận hằn rõ trong mắt bà.

"Nhìn tao đây, con ơi... Thế này thì tao không thể đưa mày về nhà được nữa rồi, mày không thể về sống ở nhà nữa rồi. Mày đã nhìn thấy mày rồi chứ?". Bà nhăn mặt, bậm môi và khóc to hơn. "Nghe tao này, con ơi, nghe này. Tao rất muốn mày chết, mày nên chết đi là hơn. Em trai mày vẫn còn trẻ, mày mà không chết thì nó sẽ gặp rắc rối".

Có lẽ bà đã lấy cái cốc từ trong giỏ, rót cái gì đấy vào trong khi tôi mải khóc. "Nếu mày không uống cái này thì em trai mày sẽ gặp rắc rối ngay. Cảnh sát đã đến nhà ta. Uống đi con... Mẹ đưa cho mày uống đấy". Không bao giờ tôi quên được cái cốc to ấy, đầy đến tận miệng. Trong ly là một thứ nước trong veo. "Cứ uống đi, như thế em trai mày sẽ không gặp lôi thôi. Như thế là tốt hơn cả. Tốt cho mày, cho tao, cho cả em mày nữa".

Rồi bà khóc. Tôi cũng khóc. Tôi cố nhấc tay lên nhưng không được. Mẹ tôi luồn tay đỡ dưới đầu tôi, bà nâng đầu tôi về phía cái cốc. Cho đến lúc đó, tôi chưa được ai cho uống gì cả. Bà đưa cái cốc to ấy ghé sát miệng tôi. Tôi định ít nhất cũng nhúng môi vào vì tôi khát nước quá. Tôi cố ngước cằm lên nhưng không thể. Đột nhiên, ông bác sĩ bước vào và mẹ tôi giật bắn người. Ông ta giằng lấy cái cốc, đặt mạnh xuống và quát lên thật to: "Không được!".

Đứa bé

Tôi nằm trong bóng tối mịt mùng. Một cơn đau kỳ lạ như nhát dao đâm vào bụng, hai chân tôi run lẩy bẩy. Tôi cố nhỏm dậy nhưng không được. Tôi thấy có cái gì vương vướng giữa hai đùi. Tôi cố sức gỡ cái vật đang làm tôi hoảng hốt. Tôi đưa hai chân sờ soạng trong bóng tối. Tôi từ từ đẩy nó xuống lớp chăn mỏng, rồi tôi nằm bất động, mệt lả vì gắng sức. Tôi khép hai chân lại và cảm thấy da đùi mình đang chạm vào người đứa bé. Nó hơi ngọ nguậy. Tôi nín thở hồi hộp. Làm thế nào mà nó ra nhanh thế? Vừa thấy như có nhát dao đâm vào bụng là nó đã ở đây rồi? Tôi buồn ngủ, nhưng không thể được, đứa trẻ không tự chui ra mà không báo trước. Tôi đang trải qua một cơn ác mộng.

Nhưng tôi không nằm mơ vì tôi đã cảm nhận được nó, giữa hai đầu gối tôi, chạm vào da chân tôi. Hai chân tôi không bị bỏng, tôi cảm nhận mọi thứ qua lớp da ở đùi và chân. Tôi không dám cử động thêm, rồi tôi giơ một chân lên giống như giơ một bàn tay để vuốt nhẹ. Một cái đầu bé tí và hai cánh tay đang quơ quơ yếu ớt. Ông bác sĩ bước vào, cúi xuống, giở tấm chăn mỏng. Và ông mang đứa bé đi, thậm chí không để tôi nhìn thấy nó.

Điều kỳ diệu

Một hôm, có ai đó bước vào phòng tôi giữa lúc tôi đang mê loạn trong cơn ác mộng. Một bàn tay phụ nữ như cái bóng lướt trên mặt tôi. Một giọng phụ nữ với cách phát âm khá kỳ cục nói với tôi bằng tiếng Ả Rập: "Tôi sẽ giúp cô. Cô hãy tin ở tôi, tôi sẽ giúp cô. Cô có nghe tôi nói không?". Tôi đáp "Có”.

Jacqueline đã ở Trung Đông bảy năm để làm việc cho một tổ chức nhân đạo, tổ chức Terre des Hommes. Cô đi khắp các bệnh viện, tìm những trẻ em bị bỏ rơi, bị khuyết tật hoặc suy dinh dưỡng, cộng tác với CICR, Hội Chữ thập đỏ quốc tế và nhiều tổ chức khác có nhiệm vụ cứu trợ cho người Palestine và người Israel. Một hôm, Jacqueline nghe một nhóm phụ nữ nói chuyện với nhau: "Trong làng có một đứa con gái hư thân mất nết bị cha mẹ tìm cách thiêu chết. Nghe nói con bé đã được đưa vào bệnh viện và sắp chết". Jacqueline đến ngay bệnh viện và gặp tôi. Cô đi tìm giám đốc để phản ảnh việc tôi không được chăm sóc, cô đi tìm y tá, bác sĩ. Cô được những lời khuyên: "Đừng dây vào những chuyện như thế làm gì. Cô ta sắp chết rồi". Và cô đã gặp được một bác sĩ trẻ người Palestine mà cô gọi là phép lạ.

Những ngày sau đó tôi được người ta bôi thuốc mỡ, được lau rửa sạch sẽ hơn. Và cô hỏi: "Souad này, em phải trả lời cho chị biết vì chị muốn làm một điều gì đó cho em. Nếu chúng ta tìm được một lối thoát, nếu chị có thể mang em đi nơi khác, liệu em có bằng lòng đi cùng chị hay không?". "Em bằng lòng, bằng lòng. Em sẽ đi với chị. Nhưng chị định đi đâu?". "Đi đến một đất nước khác, chị chưa biết là nước nào, nhưng đó sẽ là một nơi mà chúng ta không còn phải nghe nói đến những chuyện như thế này nữa". "Vâng, nhưng chị biết đấy, cha mẹ em...". "Chị sẽ đến gặp cha mẹ em. Chúng ta sẽ gặp. Em đồng ý chứ? Em có lòng tin chứ?". "Vâng. Cảm ơn chị”.

Với Jacqueline, đến đây rất mạo hiểm. Mọi người muốn tôi phải chết bởi nếu tôi không chết, danh dự của họ sẽ bị hoen ố, mãi mãi không rửa được và gia đình tôi sẽ bị cả làng khai trừ. Gia đình tôi sẽ phải dời đi nơi khác trong nhục nhã. Tôi khó lòng thoát chết. Vượt qua nỗi sợ hãi, Jaqueline và bác sĩ Hassan đã nhiều lần tìm đến làng để gặp cha mẹ tôi, thuyết phục họ bằng việc tôi sắp chết: "Nếu cô ấy chết tại đây, mọi chuyện sẽ không ổn. Ngay cả chết trong bệnh viện chăng nữa thì vẫn không tiện cho bác đâu. Nhưng chúng cháu có thể mang cô ấy đi thật xa, đến một nước nào đó. Và như thế, tất cả sẽ kết thúc, bác có thể nói với mọi người trong làng là cô ấy đã chết. Cô ấy sẽ chết ở một đất nước khác và nhà ta sẽ không bao giờ nghe nói đến cô ấy nữa".

Cha mẹ tôi bắt cô phải hứa là không bao giờ để họ phải thấy lại cô con gái nữa! Không bao giờ nữa ư? "Không! Không bao giờ nữa! Không đời nào!". Và họ đã đồng ý đến cơ quan cấp giấy tờ căn cước và xuất nhập cảnh.

Jaqueline còn làm một điều kỳ diệu nữa là tìm lại bé Marouan cho tôi. Cuối cùng, chiếc cáng của tôi đã được đưa lên máy bay. Tôi có thể ngắm nhìn khuôn mặt bé xíu, dài, ngăm đen nhưng rất xinh của con trai với cái mũ vải mềm màu trắng đội trên đầu. Tôi đã mất khái niệm thời gian và có cảm tưởng nó chỉ mới được ba tuần tuổi, trong khi Marouan đã được hai tháng tuổi. Chị Jacqueline bảo rằng chúng tôi sẽ đến Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 20-12.


@@@@@@@@@@@@@@@

Hai chữ Thụy Sĩ không có ý nghĩa gì đối với tôi. Tôi vẫn nghe nói tất cả những nơi nằm ngoài ranh giới của làng tôi đều là xứ sở của kẻ thù. Vậy mà tôi lại đến sống trên vùng đất của kẻ thù nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng bởi chị Jacqueline cũng ở đó.



Bị thiêu sống - Kỳ 6: Phía sau ngọn lửa


Những người xung quanh, trong bệnh viện này, không hề biết câu chuyện của tôi. Tôi là một bệnh nhân bị bỏng nặng, đó là điều duy nhất quan trọng ở đây. Tôi đã được chăm sóc rất dịu dàng và được bác sĩ làm cho tất cả những gì tốt nhất.

Học sống

Tôi bắt đầu tập đứng thẳng, tập đi trong hành lang bệnh viện, tập sử dụng hai bàn tay và tập khám phá thế giới mới. Do tôi không biết đọc cũng không biết viết, ngay đến chữ Ả Rập, nên tôi tự thu mình trong sự im lặng, mãi cho đến khi tôi hiểu được một vài từ cơ bản.

Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên khi tôi đi từ phòng mình đến thăm Marouan trong phòng trẻ, chính là sự tự do của các cô gái ở đây. Có hai cô y tá đi cùng tôi. Cả hai đều trang điểm, làm tóc, mặc váy ngắn và nói chuyện với đàn ông. Tôi tự nhủ: "Họ nói chuyện với đàn ông. Họ chết mất!". Tôi bị sốc đến mức đã tìm cách nói với chị Jacqueline: "Chị xem cô gái ở đằng kia, cô ta đang nói chuyện với một người đàn ông! Họ sẽ giết cô ta mất".

Vừa nói tôi vừa giơ tay làm cử chỉ như bị chặt đầu. "Không phải thế đâu. Chúng ta đang ở Thụy Sĩ, mọi thứ không giống như ở đất nước của em, không ai chặt đầu cô ta cả, ở đây, đó là chuyện hoàn toàn bình thường", Jacqueline nói. "Nhưng chị nhìn xem, hai chân cô ta để hở ra trước mắt mọi người", "Không sao, cũng bình thường thôi mà, cô ta mặc áo blouse để đi làm", "Còn hai mắt cô ta nữa. Kẻ mắt như thế là tội nặng lắm phải không chị?", "Không đâu, ở đây phụ nữ đều trang điểm, họ đi chơi, họ có quyền có bạn trai. Em đang ở đây chứ không phải ở đất nước em, em đang ở Thụy Sĩ”. Tôi không tài nào hiểu được.

Tôi đã nghĩ: "Mình sẽ không còn gặp cô gái này được nữa. Vì cô ta thế nào cũng chết". Nhưng ngày hôm sau tôi vẫn thấy cô. Tôi tự nhủ: "Cảm ơn trời, cô ta vẫn còn sống. Cô ấy vẫn mặc áo blouse trắng như hôm trước, người ta nhìn thấy chân cô ấy, vậy là họ nói thật, không phải vì thế mà người ta phải chết".

Khi Marouan vừa tròn năm tuổi cũng là lúc tôi ký các giấy tờ đồng ý cho gia đình đã tiếp nhận chúng tôi nhận nó làm con nuôi. Tôi đã tiến bộ được đôi chút trong ngôn ngữ - vẫn chưa biết đọc, biết viết nhưng biết rõ những việc mình làm. Tôi là một người mẹ bị suy nhược tinh thần, nếu ở với tôi, nó sẽ phải luôn gánh chịu nỗi đau của tôi, cả sự hận thù của gia đình tôi ở Cisjordanie.

Tôi không có tiền, tôi ốm đau, phải đi tị nạn, buộc phải sống quãng đời còn lại với một lý lịch giả mạo. Và tôi phải học lại tất cả. Về mặt pháp lý, tôi đã chết ở Cisjordanie và Marouan không hề tồn tại ở đó. Nó đã được sinh ra ở đây, giống như tôi, vào ngày 20-12. Tôi đã hai mươi tư tuổi. Tôi phải làm việc, tôi phải sống tự lập, và tôi phải trở thành người lớn. Tôi đi làm ở một trang trại, rồi chuyển sang một nhà máy. Tôi học sử dụng máy vi tính và tôi đã gặp Antonio.

Lễ cưới mà tôi chờ đợi từ lâu được tổ chức khi tôi sắp bước sang tuổi ba mươi. Antonio đã sẵn sàng, anh có địa vị khá hơn và chúng tôi có thể rời gian phòng nhỏ để dọn đến một căn hộ lớn. Và anh cũng muốn có một đứa con. Đó là lễ cưới đầu tiên của tôi, chiếc váy cưới đầu tiên của tôi và đôi giày đẹp đầu tiên của tôi. Một chiếc váy dài bằng da, một chiếc áo sơmi bằng da, một chiếc áo vest cùng bộ bằng da và một đôi giày cao gót. Tất cả đều là màu trắng và bằng da thuộc, mềm mại và rất đắt tiền. Tôi thích được cảm nhận sự mềm mại ấy trên da thịt mình. Mỗi lần như thế tôi có cảm giác được thay đổi làn da.

Những bé gái hiện ra ở chân trời. Laetitia, rồi hai năm sau là Nadia. Chúng tôi mừng không tả xiết. Tôi thầm thì nói chuyện với nó ngay từ khi nó còn nằm trong bụng tôi. Tôi tự hào khoe bụng cho mọi người nhìn thấy và tôi mặc loại quần áo bó sát người. Tôi muốn cho mọi người biết tôi sắp có con, muốn cho mọi người trông thấy chiếc nhẫn cưới. Trái ngược hẳn với những gì mà tôi đã trải qua trong lần đầu tiên.

Lửa vẫn nóng

Còn bé tí xíu nhưng một hôm Laetitia vuốt ve bàn tay tôi và hỏi: "Cái gì đây hả mẹ? Mẹ bị đau à? Vết gì thế mẹ?", "Ừ, mẹ bị đau đấy. Nhưng chờ khi nào con lớn hơn, mẹ sẽ giải thích". Từ đấy nó tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện đó nữa. Tôi vén tay áo cho nó nhìn thấy, mỗi ngày một chút. Tôi không muốn làm nó bị sốc, không muốn làm nó ghê sợ nên chỉ cho xem từng ít một. Rồi nó sờ vào cánh tay tôi, khi đó hình như nó đã lên năm: Gì đây hở mẹ? Mẹ đã bị đốt đấy. Cái gì đã đốt mẹ? Người ta đốt. Người ấy ác quá! Phải, ác lắm. Thế bố có đốt được người ấy như người ấy đã đốt mẹ không?...

Rồi đến lượt Nadia. Nadia phản ứng theo một cách khác. Hai mẹ con đang ngồi bên cạnh nhau, nó thở dài. Sao lại thở dài, con gái? Con cũng không biết nữa, chỉ như thế thôi. Trong lòng muốn một cái gì mà không được thì mới thở dài. Con muốn nói gì với mẹ nhưng lại không dám nói? Hai vành tai mẹ bé tí xíu! Do mẹ biếng ăn nên mới bị như thế phải không? Không phải, con ạ. Tai mẹ bé tí xíu như thế là vì mẹ bị người ta đốt đấy…

Ban đêm, tôi hay gặp ác mộng và gương mặt anh rể tôi xuất hiện. Tôi thấy anh ta đi vòng quanh tôi và tôi nghe tiếng anh ta nói: "Tôi sẽ lo cho cô”. Suốt đời tôi luôn cảm thấy mình đang bị thiêu đốt. Suốt đời tôi sẽ phải lẩn trốn, phải mặc áo tay dài trong khi tôi luôn mơ ước được mặc những chiếc áo tay ngắn, phải mặc sơmi cài kín cổ trong khi vẫn mơ đến những kiểu áo hở cổ như những người phụ nữ khác. Những người phụ nữ ấy được tự do. Tôi bị cầm tù ngay trong chính làn da của tôi, ngay cả khi tôi tự do bước đi trong cùng một thành phố tự do ấy.

Tôi sợ những chiếc gương. Tôi suy sụp tinh thần khi người ta xây bể bơi trong khu tập thể của chúng tôi. Tôi sợ lửa đến nỗi chỉ một ngọn lửa nhỏ cũng đủ làm tôi sững sờ. Tôi dõi theo từng cử chỉ của Antonio khi anh bật lửa châm thuốc lá, tôi chờ đến lúc que diêm tắt hoặc ngọn lửa của chiếc bật lửa biến mất. Tôi ít xem truyền hình, sợ phải nhìn thấy lại một ai đó hay một vật gì đang cháy. Tôi không cho các con đốt nến. Ở nhà mọi vật dụng đều dùng điện. Tôi cũng không muốn nhìn thấy lửa trong bếp hay ở nơi nào khác. Nhưng một hôm, có người đã đùa với que diêm và cười trước mặt tôi để biểu diễn một trò lạ. Anh ta đổ cồn lên ngón tay và anh ta châm lửa. Da trên ngón tay không bị cháy, đó chỉ là một trò đùa. Tôi đứng bật dậy, vừa sợ và giận sôi lên: "Anh đi nơi khác mà làm trò! Tôi đã từng bị thiêu rồi. Anh không hiểu bị thiêu là thế nào đâu!".

Tôi sợ tất cả những gì nóng. Lửa, nước nóng, lò nấu, bếp điện, xoong chảo, bình pha cà phê lúc nào cũng cắm điện, chiếc vô tuyến có thể bị bắt lửa, những phích điện tiếp xúc kém, máy hút bụi, những mẩu thuốc lá bỏ quên, đủ thứ… Các con tôi cũng trở nên khiếp sợ, bất bình thường vì tôi. Nếu tôi có mặt ở nhà thì tôi không muốn chúng dùng đến bếp, không muốn chúng đun nước nấu mì hoặc pha trà.

Tôi biết tôi đang làm xáo trộn cuộc sống của người khác.


@@@@@@@@@@@@@@@

Nhưng để có hạnh phúc mới, với Souad, thật gian nan. Buổi tối phải tắt đèn. Buổi sáng đi nhanh vào phòng tắm, chốt chặt cửa và chỉ ló mặt ra khi đã trùm áo choàng tắm kín mít từ đầu đến chân. Cứ như thế trong suốt một thời gian dài.



Bị thiêu sống - Kỳ 7: Xây dựng một ngôi nhà


Tôi sống với những nỗi sợ hãi ngày này qua đêm khác. Chồng tôi vốn kiên nhẫn nhưng thỉnh thoảng anh ấy cũng đâm nản trước nỗi sợ vô lý của tôi. Tôi tự trấn tĩnh mình, tự nhắc đi nhắc lại những chông gai tôi đã vượt qua để sắp xếp lại cuộc đời mình: một người chồng, một mái ấm gia đình.

Chồng tôi

Thỉnh thoảng, tôi ngồi ngoài hiên một quán cà phê, quần áo kín mít, mùa đông cũng như mùa hè, và nhìn mọi người qua lại. Những phụ nữ mặc váy ngắn hoặc áo cổ rộng, phô tay và chân ra trước đám đàn ông. Cho đến một hôm, tôi nhìn thấy từ cửa sổ phòng tôi, một chiếc ôtô và một người đàn ông ngồi bên trong mà tôi chỉ nhìn thấy tay và đầu gối của anh. Antonio có một chiếc ôtô màu đỏ. Tôi đứng bên cửa sổ cho đến lúc không nhìn thấy nó nữa... Rồi tôi đóng cửa sổ lại.

Tôi đã tìm gặp anh, tôi đã nói chuyện với anh, tôi biết anh có một người bạn gái mà tôi cũng quen biết, thế là tôi chờ đợi. Ban đầu, chúng tôi là bạn của nhau. Cũng phải mất ít nhất hai năm rưỡi hoặc ba năm thì tình bạn mới chuyển thành một cái gì khác. Tôi yêu anh, nhưng còn anh, tôi không biết anh nghĩ gì về tôi. Tôi không dám hỏi nhưng tôi làm tất cả để anh yêu tôi, để giữ anh. Tôi muốn cho anh tất cả, muốn phục vụ anh, nâng niu anh, cho anh ăn, làm mọi thứ để được anh giữ lại bên mình, như những người phụ nữ ở Cisjordanie vẫn làm.

Ban đầu, chúng tôi sống với nhau mà không tổ chức đám cưới và tôi phải mất một thời gian mới quen dần. Muốn cởi quần áo, tôi phải tắt đèn, chỉ thắp nến. Buổi sáng, tôi đi nhanh vào phòng tắm, chốt chặt cửa và chỉ ló mặt ra khi đã trùm áo choàng tắm kín mít từ đầu đến chân. Mãi đến bây giờ, tôi vẫn còn ngượng ngùng, khó chịu. Những vết sẹo của tôi.

Để bắt đầu, chúng tôi dọn đến sống chung trong một phòng nhỏ thuê ngoài thành phố. Cả hai chúng tôi đều đi làm. Tôi đợi anh ngỏ lời cầu hôn nhưng anh không đả động đến chuyện này. Tôi mơ ước có một chiếc nhẫn, một lễ cưới, và tôi làm cho Antonio tất cả những gì mà mẹ đã làm cho cha, tất cả những gì mà phụ nữ trong làng tôi làm cho chồng họ.

Buổi sáng, tôi thức dậy lúc 5 giờ để rửa chân và chải tóc cho anh, để đưa quần áo sạch và là thẳng nếp cho anh, để nhìn anh đi làm, đưa tay vẫy và gửi một nụ hôn qua cửa sổ. Buổi tối, tôi chờ anh với bữa cơm được chuẩn bị sẵn sàng. Chờ đến tận nửa đêm, 1 giờ sáng, nếu thấy cần, để được ngồi ăn cùng anh. Dù đói tôi vẫn chờ như tôi từng thấy những phụ nữ ở làng tôi làm như vậy. Chỉ khác một điều là tôi đã chọn anh, người đàn ông ấy, chứ không bị ai áp đặt và tôi yêu anh.

Những chuyện này dường như khiến anh ngạc nhiên. Người đàn ông phương Tây không quen với những chuyện tận tụy như thế. Anh bảo tôi: "Thật tuyệt vời! Anh cảm ơn em". Nhưng Antonio - một người đàn ông phương Tây - chưa muốn lấy vợ và chưa muốn có con. Còn tôi, tôi rất muốn. Anh chưa sẵn sàng. Tôi tôn trọng những suy nghĩ của anh và đợi đến khi nào anh thật sẵn sàng. Tôi đợi như thế gần bảy năm.

Antonio biết tôi có một đứa con và biết chuyện nó đã được gia đình khác nhận nuôi. Tôi đã kể cho anh nghe những gì anh cần biết về đời tôi, giải thích cho anh hiểu nguyên nhân những vết sẹo. Antonio cho rằng tôi đã chọn được giải pháp tốt nhất cho con trai mình.

Lễ cưới cuối cùng cũng đã diễn ra.

Marouan

Tôi muốn quên Marouan vì tôi chắc chắn nó sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn tôi. Nó được đi học, nó có bố mẹ, anh em, chị em và nó nhất định sẽ hạnh phúc. Nhưng nó vẫn ở đó, được giấu kín trong một góc tâm trí tôi. Marouan đã trở thành người lớn, từ 20 năm nay tôi không gặp lại nó lần nào, và nó biết tôi đã lấy chồng và nó có mấy đứa em gái hiện đang ở một nơi nào đó. Nhưng Laetitia và Nadia lại không biết chúng có một người anh trai.

Lần cuối cùng tôi gặp nó, nó khoảng 15 tuổi, nó còn chơi đùa với các em nó một lúc. Cuộc trao đổi giữa chúng tôi chỉ giới hạn trong vài câu thông thường và vô vị: "Chào Marouan, cháu ổn chứ?", "Cũng ổn, thế còn cô?". Phải tiếp cận Marouan bằng cách nào? Tôi sẽ gọi điện thoại cho nó, nhưng tôi sẽ tự giới thiệu như thế nào? Mẹ ư? Và phải làm gì khi đứng trước mặt nó? Bắt tay nó? Ôm hôn nó? Nhưng nếu nó đã quên tôi thì sao? Nó có quyền quên, bởi chính tôi đã "quên" nó.

Cuối cùng, mọi việc tự nó diễn ra mà không cần ai sắp đặt. Marouan đã gọi điện thoại đến nhà. Tôi chuẩn bị đối mặt với con trai tôi, tôi biết những gì đang chờ đợi tôi. Câu hỏi sẽ là: "Tại sao người ta lại nhận con làm con nuôi lúc con chỉ mới năm tuổi. Tại sao mẹ không giữ con ở lại với mẹ? Mẹ giải thích cho con biết đi". Con phố hẹp. Nó đến từ trung tâm thành phố, tôi đi từ phía nhà ga. Dù nó có lẫn trong hàng ngàn người, tôi vẫn nhận ra nó.

Trong đầu tôi, nó vẫn còn là một đứa trẻ, nhưng một chàng thanh niên đang mỉm cười với tôi. Hai chân tôi như sắp khuyu xuống, hai bàn tay tôi bắt đầu run và tim tôi thì đập rộn ràng. Nó rất cao, nó phải cúi thật thấp để hôn tôi một cách bình thường như thể nó chỉ mới xa tôi ngày hôm qua. Tôi cũng hôn lại nó. Tôi nói luôn: "Marouan này, con có thể gọi mẹ là mẹ, là Souad, là em gái, chị gái, con cứ gọi theo ý muốn của con. Nếu Thượng đế sắp đặt như thế thì chúng ta sẽ làm quen với nhau".

Chúng tôi ngồi vào bàn ăn và tôi cứ nhìn nó chằm chằm. Nó giống hệt cha đẻ của nó. Nó đơn giản và thẳng thắn. "Hãy cho con biết mẹ đã bị thiêu sống như thế nào?", "Con không biết gì về việc ấy ư?", "Không. Không ai nói gì với con về chuyện đó”.

Tôi giải thích mọi chuyện và tôi nhận thấy khi tôi nói đến đâu ánh mắt của Marouan cũng thay đổi theo đến đấy. Khi tôi nói đến đoạn ngọn lửa bắt đầu bốc cháy trên người tôi, Marouan bỏ điếu thuốc mà nó định châm xuống. "Lúc đó con đang nằm trong bụng mẹ?", "Phải, lúc ấy con đang ở trong bụng mẹ. Mẹ đã một mình sinh ra con. Lúc sinh con, mẹ không hay biết gì vì những vết bỏng đã khiến mẹ đau đớn cùng cực. Mẹ nhìn thấy con, con đang nằm giữa hai chân mẹ. Sau đó con biến mất. Rồi bác Jacqueline đi tìm con để đưa con lên máy bay cùng với mẹ. Hai mẹ con đã sống bên nhau suốt chín tháng trong bệnh viện và sau đó, con được giao cho bố mẹ nuôi", "Chính vì con nên mẹ bị thiêu sống phải không?", "Không, không phải vì con. Không phải vậy! Chỉ do phong tục của đất nước chúng ta. Ở đó, đàn ông làm ra luật pháp. Con có giận mẹ về việc mẹ đã sinh thêm các em không?". "Có thêm em gái như thế thật tuyệt vời. Con cũng muốn được gặp các em".

Tôi muốn nói: "Marouan ạ, mẹ đã sợ đến nỗi mẹ đã đập mạnh vào bụng". Liệu nó có hiểu và tha lỗi cho tôi không? Và cả con gái tôi nữa? Liệu khi gặp, cả ba đứa chúng nó sẽ phán xét tôi như thế nào? Tâm trí tôi bị xáo trộn đến nỗi suốt đêm tôi không ngủ được. Một lần nữa, tôi lại thấy ngọn lửa bốc cháy trên người và tôi chạy khắp vườn như một con điên.

Antonio để mặc tôi tự xoay xở trong lúc này, anh không muốn can thiệp, nhưng anh thấy rõ là tôi không ổn. "Em đã nói với các con chưa?". "Chưa. Để đến mai. Em sẽ cùng chúng nó ăn tối với Marouan. Lúc ấy em sẽ chọn thời điểm thích hợp để nói cho chúng biết. Nhưng em sợ lắm, Antonio". "Em sẽ làm được thôi. Giờ thì em không rút lui được đâu". Vào 3g57 sáng, tôi nhận được tin nhắn của Marouan: "Tin nhắn này chỉ để nói với mẹ là con vẫn khỏe, con hôn mẹ. Hẹn sáng mai, mẹ nhé!". Nó khiến tôi bật khóc.


@@@@@@@@@@@@@@@

Jacqueline đề nghị tôi đứng ra làm chứng. Tôi nợ chị một cuộc đời và chị cùng Tổ chức Surgir cần có một nhân chứng để lay động công chúng về tội ác.



Bị thiêu sống - Kỳ 8: Nhân chứng sống


Tôi có dịp gặp những cô gái đến từ các nước xa xôi, giống như tôi. Người ta phải giấu họ.

Có những cô gái đã trốn thoát nhưng lại bị bắt lại ở nước ngoài và phải chết. Tôi không gặp người phụ nữ nào bị thiêu sống, vì không ai trong số đó còn sống.

Tôi vẫn phải luôn ẩn mình, tôi không thể nói tên và để lộ khuôn mặt. Tôi chỉ có thể lên tiếng, đó là vũ khí duy nhất mà tôi có.

Đây - những vết sẹo của tôi

Chị Jacqueline đề nghị tôi đứng ra làm chứng. Tôi nợ chị một cuộc đời và chị cùng Tổ chức Surgir cần có một nhân chứng sống để lay động công chúng trước tội ác vì danh dự.

Ngồi trên bục gỗ, trước những người phụ nữ xa lạ, một chiếc bàn nhỏ có đặt micro với Jacqueline bên cạnh, tôi kể lại câu chuyện của tôi. Cử tọa đặt câu hỏi: "Tại sao bà lại bị người ấy thiêu sống? Bà đã làm điều gì sai trái phải không? Hắn đã thiêu sống bà chỉ vì bà đã nói chuyện với một người đàn ông ư?...". Một phụ nữ ngồi dưới đứng lên: "Souad, khuôn mặt chị rất đẹp, tôi không thấy có vết sẹo nào cả?".

"Thưa bà, tôi biết thế nào bà cũng sẽ hỏi câu ấy, tôi đã sẵn sàng trả lời. Tôi sẽ cho bà nhìn thấy những vết sẹo của tôi", tôi đáp. Tôi đứng lên, trước mặt tất cả mọi người và tôi cởi áo khoác. Ở trong tôi mặc một chiếc áo rộng cổ và ngắn tay. Tôi cho mọi người xem hai cánh tay và phần lưng. Và người phụ nữ ấy bật khóc. Một vài người đàn ông đang có mặt trở nên lúng túng.

Lúc cho cử tọa xem những vết sẹo ấy, tôi có cảm tưởng mình là một loại quái thú được đem trưng bày trong hội chợ. Nhưng tôi không cảm thấy khó chịu, tôi phải cho họ hiểu: tôi là một nhân chứng sống. Những tội ác bảo toàn danh dự không chỉ có ở Jordan hay Cisjordanie mà còn ở khắp vùng Trung Đông, Ấn Độ, Pakistan... Rất ít nạn nhân may mắn thoát chết. Khi nói về cuộc đời bất hạnh của chính mình, thỉnh thoảng tôi loay hoay mãi không tìm được từ để diễn tả cho thật chính xác, nhưng khi nói về số phận của những người khác, tôi lại sôi nổi hẳn lên, thao thao một mạch không ai ngăn lại được:

"Thưa ông, người phụ nữ ở đó không có cuộc sống. Nhiều cô gái bị đánh đập, bị ngược đãi, bị siết cổ, bị thiêu sống. Đối với chúng tôi, đó là chuyện hết sức bình thường. Mẹ tôi đã định đầu độc tôi để "hoàn tất" công việc của anh rể tôi và đối với bà như thế là bình thường, nó đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của bà. Đó là chuyện bình thường đối với chúng tôi, những người phụ nữ. Những con bò cái hay đàn cừu, như cha tôi thường nói, còn được coi trọng hơn phụ nữ. Nếu không muốn chết thì phải im miệng, phục tùng, cúi mình chịu nhục, phải còn trinh khi về nhà chồng và phải sinh được con trai.

Trước đây, nếu như tôi không gặp người đàn ông đó thì cuộc đời tôi có lẽ cũng như vậy. Các con tôi có lẽ sẽ giống như tôi và cháu chắt tôi sau này có lẽ sẽ giống các con tôi. Nếu như tôi còn sống ở đó, có lẽ tôi đã trở nên bình thường, như mẹ tôi, người đã từng bóp chết những đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Có thể tôi sẽ giết con gái tôi, có thể tôi sẽ để cho người ta thiêu sống nó. Điều may mắn lớn nhất của những đứa con gái là không được sinh ra!...

Và nếu có ai đó xuất hiện trong một ngôi làng, trong một thôn xóm, để ngăn không cho họ giết hại người khác, dù người ấy có mang theo một khẩu tiểu liên đi nữa, nhưng nếu chỉ đi một mình, họ sẽ bị mười người bao vây, nếu đi mười người, chúng sẽ kéo đến cả trăm. Nếu có vị quan tòa nào kết án một tên giết người vì danh dự, xem hắn như một kẻ giết người tầm thường, thì vị quan tòa ấy sẽ không bao giờ có thể đi ra phố, ông ta sẽ không bao giờ sống trong làng được nữa, ông ta phải bỏ trốn vì xấu hổ, vì đã trừng phạt một anh hùng...".

Jacqueline và Tổ chức Surgir

Hôm nay và trong những năm sắp tới, vai trò của tôi là tiếp tục giúp đỡ những cô gái như Souad. Công việc sẽ còn dài, phức tạp, cam go và cần phải có tiền, bao giờ cũng vậy. Tổ chức của chúng tôi có tên Surgir bởi vì phải xông lên kịp lúc để giúp những phụ nữ ấy thoát chết. Chúng tôi làm việc ở bất cứ nơi nào trên thế giới, ở Afghanistan, cũng như ở Morocco hay Tchad.

Ở khắp những nơi chúng tôi có thể can thiệp khẩn cấp, một sự khẩn cấp được tiến hành chậm chạp. Người ta thông báo hằng năm có hơn 6.000 trường hợp giết người vì danh dự và đằng sau con số này còn ẩn giấu biết bao vụ tự tử, tai nạn... không được thống kê.

Ở Jordan - và đây chỉ là một ví dụ - cũng như ở phần lớn các nước khác, có một đạo luật qui định rằng bất cứ vụ giết người nào liên quan đến tội ác vì lợi ích chung sẽ bị phạt tù. Nhưng bên cạnh đạo luật đó, hai điều khoản nhỏ 97 và 98 chỉ rõ rằng các quan tòa sẽ khoan dung đối với những kẻ giết người vì danh dự. Án phạt thường từ 6 tháng đến 2 năm tù giam. Những kẻ bị phạt tù, nhiều khi còn được xem là anh hùng, thường không phải ngồi tù đến hết hạn. Nhiều liên đoàn luật sư địa phương đang đấu tranh đòi sửa đổi những điều khoản đó.

Chúng tôi làm việc với những hội phụ nữ địa phương từ nhiều năm nay, họ đã xây dựng những chương trình phòng chống bạo lực và bảo vệ những phụ nữ nạn nhân của bạo hành trong đất nước họ. Từng bước từng bước, mọi việc đã tiến triển. Phụ nữ Iran đã đạt được tiến bộ trong lĩnh vực quyền công dân. Phụ nữ Trung Đông đã biết đến sự tồn tại của những đạo luật có liên quan đến nữ giới và đem lại cho họ quyền lợi. Các nghị viện đã bị tác động, một vài đạo luật đã được sửa đổi.

Dần dần các nhà chức trách cũng thừa nhận đó là tội ác. Ở Trung Đông, ngành pháp y của nhiều nước đã cung cấp thông tin về số lượng các trường hợp thu thập được, và các hiệp hội địa phương điều tra về những trường hợp bạo hành, nghiên cứu những lý do lịch sử và hiện tại khiến người ta mãi duy trì những hủ tục đó. Dù ở Pakistan, nước có số nạn nhân đông nhất, hay Trung Đông hay Thổ Nhĩ Kỳ, điều quan trọng là phải đẩy lùi những tập tục đã được truyền lại một cách mù quáng đó.

Cách đây không lâu, những nhà cầm quyền đã công khai bày tỏ ý kiến về những tội ác ấy, cho rằng "đó không phải là tội ác bảo toàn danh dự mà là sự ô danh". Các giáo sĩ Hồi giáo và Thiên Chúa giáo cũng luôn nói rằng "tội ác bảo toàn danh dự" là khái niệm hoàn toàn xa lạ với Kinh Coran và Kinh Thánh. Chúng tôi không bao giờ nản lòng hay nhụt chí. Tổ chức Surgir có thói quen đi gõ cửa tất cả các ngôi nhà, mặc cho có bị xua đuổi. Nhưng đôi khi chúng tôi cũng đạt được kết quả tốt.

Một cuốn sách

Một hôm Jacqueline bảo tôi:

- Em sẽ làm được một việc có ích cho nhiều người phụ nữ khác nếu chúng ta viết một quyển sách kể về cuộc đời của em.

- Một quyển sách? Nhưng em chỉ mới biết viết thôi.

- Nhưng em nói được...

Tôi không biết rằng người ta có thể "nói" ra một quyển sách...


@@@@@@@@@@@@@@@

Toàn bộ ký ức của Souad đã được lật lại trong những kỳ báo qua, nhưng vẫn còn một điều sâu kín.



Bị thiêu sống - Kỳ 9: Hy vọng lớn nhất


"Mẹ lên nói trên đài phát thanh, hay quá!". Phản ứng của Laetitia vừa làm tôi yên tâm vừa khiến tôi lo lắng. Đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện trước một lượng khán giả đông đảo như vậy. Sau khi nghe buổi phát sóng, Laetitia phản ứng dữ dội: "Bây giờ mẹ mặc ngay quần áo và lấy vali đi. Chúng ta ra sân bay và đến làng của mẹ. Chúng ta sẽ lấy diêm và sẽ thiêu họ như họ từng làm với mẹ”.

Trả thù trong mơ

Laetitia đã được một bác sĩ tâm lý điều trị trong vòng sáu tháng, nhưng một hôm nó nói với tôi: "Mẹ biết không, chính mẹ mới là vị bác sĩ tâm lý của con. Con rất may mắn được nói mọi điều với mẹ, từ A đến Z. Mẹ đã trả lời tất cả những câu hỏi của con. Vậy nên con không còn muốn đến ngôi làng ấy nữa". Bản thân tôi cũng đã có lúc mơ đến một vụ trả thù không thể có. Tôi thấy mình trở về làng, được che giấu và được bảo vệ cho đến khi gặp được em trai tôi. Chẳng khác nào một thước phim đang quay trong đầu tôi. Tôi đi đến trước nhà nó và tôi nói:

- Assad, em còn nhớ chị chứ? Em thấy đấy, chị vẫn còn sống! Hãy nhìn kỹ những vết sẹo của chị. Đó là do anh rể Hussein đã thiêu sống chị, nhưng chị vẫn còn sống!

- Em còn nhớ em gái Hanan của chị không? Em đã làm gì với nó? Em đã ném nó cho chó xé xác phải không? Còn vợ của em? Cô ấy vẫn khỏe chứ? Tại sao chị lại bị thiêu sống đúng vào ngày cô ấy sinh con trai. Hồi đó chị đang có thai, có cần phải thiêu sống cả đứa con trai của chị không? Hãy nói cho chị biết tại sao em không làm gì để giúp chị, chính em, em là đứa em trai duy nhất máu mủ của chị kia mà!

- Giới thiệu với em Marouan, con trai chị! Nó ra đời sớm hơn dự tính hai tháng tại bệnh viện thành phố, nhưng nó cao to, đẹp trai và rất khỏe! Em nhìn nó mà xem!

- Còn Hussein? Anh ta đã già hay chết rồi? Chị mong anh ta còn sống nhưng mù lòa hay bại liệt để thấy chị vẫn còn sống và đứng trước mặt anh ta! Chị hi vọng ngày trước chị đau đớn bao nhiêu thì bây giờ anh ta cũng phải đau đớn bấy nhiêu!

- Còn cha và mẹ thì thế nào? Cả hai đã chết rồi ư? Em hãy nói cho chị biết họ được chôn ở đâu để chị đến nguyền rủa trước nấm mồ của họ!...

Tôi thường mơ giấc mơ báo thù đó. Nó khiến tôi trở nên độc ác như họ. Tôi có ý định giết người như họ! Tất cả bọn họ đều tưởng tôi đã chết nên tôi rất muốn họ nhìn thấy tôi còn sống!

Tôi nói với Marouan quyết định đưa câu chuyện của chúng tôi vào một quyển sách. "Như thế sẽ giống như một tập ảnh lưu niệm của gia đình, và là một lời chứng về tội ác bảo toàn danh dự" - tôi nói.

- Một ngày nào đó con sẽ về đó.

- Về để tìm gì hả con? Trả thù? Đổ máu? Con được sinh ra ở đấy, nhưng con không hiểu những người đàn ông ở đấy. Chính mẹ cũng mơ ước được trở về, chính mẹ cũng căm thù. Mẹ cho rằng sẽ được nhẹ lòng nếu được cùng con trở về ngôi làng đó và nói to: "Mọi người hãy nhìn đây. Nó là Marouan, con trai của tôi! Chúng tôi bị thiêu sống, nhưng chúng tôi không chết! Hãy nhìn xem nó đẹp trai, khỏe mạnh và thông minh ra sao!".

- Con chỉ muốn gặp lại bố con! Con muốn biết tại sao ông ấy lại bỏ rơi mẹ, trong khi ông ấy biết những gì sẽ xảy đến với mẹ.

- Có lẽ thế. Nhưng con sẽ hiểu rõ hơn khi mẹ kể lại trong một quyển sách. Mẹ sẽ kể tất cả những gì con chưa biết, tất cả những gì người khác chưa biết. Vì có rất ít người được sống sót, và trong số đó, nhiều phụ nữ đang phải trốn tránh và còn phải trốn tránh lâu hơn nữa. Họ đã sống trong sợ hãi và vẫn đang phải sống trong sợ hãi. Mẹ có thể làm chứng cho họ.

- Mẹ có sợ không?

- Một chút con à.

Không thể thù ghét quê hương

Tôi sợ rằng trong tương lai, chuyện của tôi sẽ đè nặng lên các con. Chúng sợ cho tôi và tôi cũng sợ cho chúng. Tôi đợi đến lúc chúng đủ chín chắn để hiểu tất cả những gì mà tôi chưa nói: quãng đời trước đây của tôi với đầy đủ chi tiết, người đàn ông mà tôi muốn lấy làm chồng, cha của Marouan. Tôi rất sợ phải tiết lộ những điều này, sợ hơn tất cả những lần ra làm chứng mà mọi người có thể đòi hỏi ở tôi. Tôi phải giúp chúng để chúng không thù ghét đất nước mà tôi đã sinh ra, và đó cũng là một nửa quê hương của chúng.

Chúng hoàn toàn không biết về những chuyện đã xảy ra ở đó. Làm thế nào để ngăn chúng không thù ghét con người ở đó? Đất nước đó rất đẹp. Ở Cisjordanie, phụ nữ đang tranh đấu để có một đạo luật không phải là đạo luật của đàn ông. Nhưng đàn ông mới là những người biểu quyết các đạo luật.

Tôi sợ các con tôi, đặc biệt là Marouan, phải sống với một mong muốn báo thù. Sợ thói hung bạo, vốn được truyền từ thế hệ đàn ông này sang thế hệ đàn ông khác, sẽ để lại dấu vết, dù rất nhỏ, trong tâm trí nó. Nó cũng phải xây một ngôi nhà, bằng từng viên gạch một. Một cuốn sách sẽ rất có ý nghĩa trong việc xây một ngôi nhà.

Tôi đã nhận được bức thư của con trai viết bằng nét chữ tròn trịa rất đẹp. Bức thư lại một lần nữa làm tôi khóc. "Mẹ. Sau cả quãng thời gian dài sống cô đơn, không có mẹ ở bên, cuối cùng được gặp lại mẹ. Và mặc dù có bao chuyện đã xảy ra, nhưng được gặp lại mẹ, con cảm thấy có thêm hi vọng về một cuộc đời mới. Con nghĩ đến mẹ, nghĩ đến lòng can đảm của mẹ. Cảm ơn mẹ đã cho chúng con quyển sách ấy. Nó tiếp thêm can đảm cho con trong cuộc đời. Con yêu mẹ, mẹ ạ.

Con của mẹ, Marouan".

Tôi hy vọng quyển sách này sẽ đến mọi miền thế giới, nó sẽ đến tận Cisjordanie và những người đàn ông ở đó sẽ không đốt bỏ cuốn sách này.

Cảm ơn.

Souad - (Một nơi nào đó ở châu Âu)



THE END