PDA

View Full Version : CÓ CHÚA Ở BÊN CẠNH



Van_Lung
22-06-2008, 12:37 PM
CÓ CHÚA Ở BÊN CẠNH


Khi sai các Tông đồ đi rao giảng, Chúa Giêsu đã xác định được tình huống cam go đối với các ngài mà rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu” (Mt 10,16).

Một khi nhận diện ra những thủ đoạn tinh vi giả nhân giả nghĩa của nhóm Pharisêu cùng với những lời nói ngon ngọt “có vẻ công chính trước mặt thiên hạ”, nhưng tâm địa thì “toàn là giả hình và gian ác” (Mt 23,28), Chúa Giêsu đã thấu hiểu những lo âu sợ hãi của những người được sai đi, khi phải đương đầu với sức mạnh của giới lãnh đạo tôn giáo.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà chấp nhận sống âm thầm kín đáo, dậm chân tại chỗ, hoặc buông xuôi, hoặc tháo lui trước sự dữ do sự đạo đức giả của những người “Pharisêu đã bắt đầu căm giận, vặn hỏi nhằm gài bẫy để xem có bắt được Người nói gì sai chăng” (Lc 11,53). Chúa Giêsu đã khích lệ và dạy bảo các môn đệ phải can đảm lên và đừng sợ trước “men Pharisêu” ấy. Lời giáo huấn của Người rất hiện thực, và cụ thể để làm thay đổi não trạng cố hữu của họ, theo cảm nghiệm của tôi, Chúa Giêsu đã mời gọi các Tông đồ hãy tin tưởng vào tình yêu quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa là Cha, và hãy can đảm dấn thân làm chứng nhân cho Ngài nhờ vào sức mạnh quyền năng của Ngôi Lời, như các ngài đã chứng kiến các phép lạ khi ở và cùng đồng hành với Người.

Đối với những người bệnh hoạn tật nguyền trong thân xác, chỉ cần một lời truyền của Chúa Giêsu cũng đủ làm thay đổi hiện trạng tồi tệ trước mắt, để rồi sau đó, những người đau khổ này tiếp tục sống lành mạnh. Quả thật, những hành động đầy ắp yêu thương này của Người minh chứng cho lời xác tín: “Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn nuôn vàn chim sẻ” (Mt 10,31). Thế thì, với những người mang mầm bệnh “men Pharisêu” trong tâm hồn ắt cũng sẽ có thể được lời của Người làm thay đổi, như Người đã khẳng định: “Thật ra, không có gì che giấu mà không được tỏ lộ, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết” (Mt 10,26).

Tin vào sức mạnh quyền năng của Lời thôi thì chưa đủ, còn phải suy đi nghĩ lại những lời Người nói khi thời gian vắng lặng “lúc đêm hôm” để cảm nghiệm mầu nhiệm của chân lý, tức một dạng thức của cầu nguyện. Ngoài ra, các môn đệ cũng cần phải bàn bạc “rỉ tai” nhau, cùng chia sẻ trao đổi với nhau để rồi cùng nhau đoàn kết ra đi loan báo Tin Mừng cho nhiều người khác, đồng nghĩa với cụm từ “lên mái nhà rao giảng”. Tâm tình này đã được tác giả thư Do Thái quả quyết: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loại thụ tạo nào mà không hiện ra trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,12-13).

Từ cảm nghiệm những bước đi cụ thể cần phải có để rao giảng mà Chúa Giêsu giáo huấn các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, tôi nhớ lại lời truyền dạy của Thánh Phaolô với ông Timôthê. Ngài viết trong thư như sau:
“Phần anh, anh hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc...
Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên người công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành...

Tôi khuyên nhủ anh: hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thới người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh” (2 Tm 3,14-17; 14,1-5).

Khi chiêm ngắm những giáo huấn của Chúa Giêsu và của Vị Tông đồ Dân ngoại, tôi dễ dàng nhận ra trong xã hội hiện nay vẫn còn có nhiều vấn nạn cần phải tin tưởng vào sức mạnh quyền năng của Lời Chúa, phải ra sức cầu nguyện, phải lắng nghe nhau và cùng nhau ra đi làm chứng nhân cho Chúa.

Trong một buổi chia sẻ của nhóm khuyết tật sau Lễ Phục Sinh, chị Cúc, một tình nguyện viên đến giúp và đồng hành với các anh chị em khuyết tật, đã chia sẻ tâm tình như một lời chứng với cộng đoàn nhỏ bé hầu giúp nhau vững tiến trong đời sống đức tin. Chị Cúc là một bổn đạo mới và chị đã mạnh dạn nói lên những thử thách rất thực của chị như sau:
- Tuần qua, tôi rất buồn bực khi phải nghe lại những chì chiết, mắng mỏ của người thân yêu trong gia đình, đã nhiều đời theo đạo Phật, của tôi. Mọi người nhìn xoáy vào tôi và rồi mỉa mai: “Thời văn minh hiện đại trong thế giới hội nhập toàn cầu này, làm gì có chuyện người chết sống lại cơ chứ! Thế mà cái con Cúc nhà mình, nó lại lao vào với niềm tin phục sinh hoang đường đến như thế! Chỉ có tình yêu mù quáng với cái thằng người yêu chết tiệt của nó mới làm cho nó ra nông nỗi thế này! Nếu năm nay nó vẫn chưa từ bỏ thập giá của nó, chúng ta vẫn tiếp tục coi nó như một người xa lạ và phó mặc cho đồng đạo của nó cưu mang!”... Chị ngừng lại với nỗi chịu đựng cay đắng trên khoé mắt, rồi chị thổn thức:
- Trước những lời nói đay nghiến của gia đình, tôi chỉ còn biết về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Đây là kinh nghiệm đã lâu của tôi, vì cách đây 7 năm, khi tôi đến với lớp giáo lý tân tòng được khoảng gần một năm để tìm hiểu về đạo Công giáo, do người yêu của tôi mời gọi. Nhưng sau đó, người tình này đã bất ngờ chia tay để sống với một người con gái khác. Lúc này, tôi như người điên loạn vì vừa bị phản bội, lại vừa bị cả nhà lên án. Sau hơn 3 tháng mòn mỏi như người mất hồn, cha giáo cùng anh chị em trong lớp giáo lý đã khuyên nhủ và nhất là tha thiết cầu nguyện cho tôi vượt qua được giai đoạn khủng hoảng. Mọi người trong lớp đã ân cần an ủi sẻ chia tâm tình và đã vực tôi tiếp tục đứng lên. Trước những thử thách quá lớn này, tôi đã được Chúa mở lòng để rồi tôi đã vui mừng đón nhận bí tích Thánh Tẩy vào mùa Phục Sinh năm ấy... Nói tới đây, chị đã phần nào tươi tắn hơn và nở một nụ cười thanh thản hơn. Chị tiếp:
- Hôm nay chia sẻ ra đây kinh nghiệm này với anh chị em để chúng ta thấy rằng hành trình đức tin của tôi cũng như của anh chị em là một chuỗi những lo âu, sợ hãi từ nội tâm cho đến những phiền muộn từ gia đình, bè bạn và xã hội. Nhưng nhờ vào những lời cầu nguyện cũng như những nghĩa cử thân ái của những người đã tin vào Chúa, và từ đó, đã truyền sang cho tôi sức sống mới. Đến lúc này, sau nhiều năm, dù chưa lập gia đình, nhưng tôi đã sống vững tin vào Chúa nhờ chuyên chăm lắng nghe Lời Chúa, rồi cầu nguyện và nhất là nhờ vào cộng đòan đức tin đã nâng đỡ. Từ đó, tôi tin rằng những lời nói xiên xỏ kia của gia đình, đến một ngày nào đó, qua lời nguyện xin tha thiết của tôi, qua sự kiên trì nhẫn nại âm thầm của tôi, và nhờ sự hiệp thông của anh chị em trong nhóm, sẽ không còn tái diễn nữa, vì không có gì mà Chúa không làm được. Nguyện xin Chúa chúc lành cho chúng con!
Nhờ lắng nghe được tiếng Chúa qua Lời của Ngài, qua những giáo huấn của các thánh và qua những biến cố cuộc đời của những tín hữu chung quanh, tôi nguyện khắc ghi kinh nghiệm sống của Thánh Phaolô để dâng lên Chúa lời chúc tụng:
Lạy Chúa là Cha yêu thương của chúng con,
Hành trình đức tin của chúng con luôn có những thử thách làm chúng con lo âu, sợ hãi. Nhưng chúng con tin rằng “có Chúa đứng bên cạnh, Người sẽ ban sức mạnh cho chúng con”. Để nhờ vào quyền năng của Người mà việc rao giảng của chúng con mới nên hoàn thiện.
Xin giải thoát chúng con khỏi tính cao ngạo để chúng con luôn sống trong tình yêu quan phòng kỳ diệu của Ngài.
Chúc tụng Chúa vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. Amen.




Chúa Nhật 12 TN, ngày 22-6-2008


Phêrô Vũ Văn Quí CVK64


Email: peterquivu@gmail.com (peterquivu@gmail.com)


http://v2.hdgmvietnam.org