PDA

View Full Version : VĂN HÓA SỢ



littlewave
23-06-2008, 02:44 PM
VĂN HÓA SỢ



Theo lời kể của thánh sử Gioan, Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ trong bối cảnh thật cụ thể và rõ ràng : "các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái". Các tông đồ đã hoảng sợ. Cũng đúng thôi, bởi vì vị thầy của mình đã bị người ta giết chết, người thủ lãnh của nhóm đã bị chính quyền kết án tử, đóng đinh vào thập giá. Hoảng sợ, tốt nhất là ở lại trong nhà, đóng kín cửa lại, không đi ra ngoài để khỏi bị ai nhìn thấy. Kẻo lỡ có người mà biết thì thiệt mạng dễ như chơi, vì những người ngoài kia cũng muốn "nhổ cỏ tận gốc". Hoặc nếu bản thân mình bị bắt thì vợ con, gia đình cũng bị liên lụy, cực khổ. Càng nghĩ càng sợ !

Nhưng khi Chúa Giêsu sống lại, hiện ra, ban lời bình an cho các tông đồ và đặc biệt khi Chúa Thánh Thần, Sự Sống Phục sinh đến trên mặt đất này thì các ông đã bỏ lại sau lưng nỗi sợ hãi mà mở tung cánh cửa, ra đi loan báo và làm chứng cho niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

Tiếc thay nỗi hoảng sợ 2000 năm trước vẫn còn kéo dài cho đến thời hậu Phục Sinh, vào lúc này và tại đây. Nỗi hoảng sợ nơi người tín hữu xứ Quảng cũng là một nét đặc biệt của vùng này.

Cách đây 2 năm, khi mời các chức việc họp bàn công việc giáo xứ, tôi rất ngạc nhiên khi có ý kiến không được gửi giấy mời vì sợ chính quyền lấy cớ gây khó khăn. Một tờ giấy chỉ là hình thức để thông tin mà người có trách nhiệm cũng sợ đến như vậy ! Chưa hết, các thánh lễ ngày thường đã nhiều năm không kéo chuông để mời gọi giáo dân đến tham dự, sự thay đổi việc kéo chuông như thế cũng sợ và cho tới ngày nay nó vẫn chưa được thực hiện. Không phải vì không có tiếng chuông đó, nên thánh lễ ngày thường của một giáo xứ chỉ vỏn vẹn có vài người đếm được trên đầu ngón tay, nhưng chính việc nuôi dưỡng đức tin không bén rễ sâu sắc và việc sống đức tin không đủ mạnh thì hậu quả như thế cũng là tất yếu. Việc tụ họp đọc kinh liên gia lúc ban đầu cũng là một nỗi hoảng sợ và ngay cả lúc này khi nhiều chỗ đã duy trì được hơn hai năm thì vẫn còn đó vài điểm vẫn tỏ vẻ e ngại, sợ sệt. Hoặc gần đây, khi tôi lên trên miền núi để học hỏi, tìm hiểu và sinh hoạt với người dân thiểu số vùng này thì giáo dân của tôi cũng sợ và tìm cách ngăn cản, có lúc còn hù dọa nữa. Còn đó rất nhiều những việc mang dáng dấp sợ hãi, từ chuyện nhỏ đến việc lớn, từ người có trách nhiệm đến giáo dân.

Hoàn cảnh xã hội còn đó những khó khăn và không thể lường trước hết được những sự việc, thì sự cảnh giác và cẩn thận vẫn hơn. Nhưng hoảng sợ đến nỗi thu mình lại, đóng kín cửa và ngồi một chỗ thì chắc chắn không đúng! Bên ngoài chưa gây khó khăn, cản trở, nhưng chính bản thân mình đã tự trói chân, bó tay, bịt miệng lại.

Nỗi hoảng sợ là một trạng thái tâm lý có tính lây lan. Người này sợ ảnh hưởng và làm cho người khác cũng hoảng sợ theo. Do vậy, tôi mới nói đó là một thứ văn hóa của người vùng này. Thứ văn hóa đó ăn sâu vào trong cách suy nghĩ và nếp sống của đàn chiên mà tôi phải lãnh nhiệm vụ dạy dỗ, chăm sóc.

Vậy đâu là con đường để giải thoát ? Tôi sẽ không tìm cách trị liệu nỗi hoảng sợ này bằng liệu pháp tâm lý. Nhưng cách hay nhất và trọn vẹn nhất là khơi dậy và củng cố niềm tin. Chính cách đó, Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn và giúp cho các tông đồ. Giáo dân của tôi vẫn đang lo sợ vì họ chưa có niềm tin. Niềm tin dường như là điều gì đó rất mơ hồ và mông lung. Hoặc đó chỉ là một mớ giáo lý, hoặc một số việc giữ đạo. Loại niềm tin đó nơi giáo dân ở đây không phải là ít. Phải khơi dậy và củng cố niềm tin ! Đó phải là niềm tin đặt vào Chúa Giêsu Kitô chịu chết và phục sinh. Không phải Chúa Giêsu phục sinh không thôi mà thiếu đi chiều kích khổ nạn. Cũng không phải Chúa chịu đau khổ mà không có sự phục sinh chiến thắng. Chúa Giêsu mà người tín hữu cột chặt và gắn bó cuộc đời chính vào chính là Đấng đã chiến thắng thế gian này như lời Ngài xác quyết : "Thầy đã thắng thế gian này". Không những Chúa Giêsu đã thắng thế gian mà còn thắng mọi thế lực thù nghịch đen tối, thắng cả sự tội và cái chết. Nhưng Đấng Phục Sinh trước đó phải trải qua con đường khổ giá mà điều này giáo dân của tôi chưa dám sống : "Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ được sống lại với Ngài". Họ hoảng sợ vì vẫn còn tiếc nuối những an toàn thế gian này đang vẽ ra. Họ hoảng sợ vì không dám chấp nhận mất đi những lợi lộc, của cải và những thứ khác thế gian ban tặng.

Chúa Thánh Thần đến sẽ đổi mới mọi sự, Ngài sẽ phá đi những pháo đài sợ hãi mà dựng nên cây thánh giá đức tin kiên vững. "Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phá tan đêm tối sợ hãi của kiếp con người. Xin Chúa giúp chúng con biết đón nhận Sự Sống Phục Sinh là Thần Khí Thánh của Chúa. Ngõ hầu, chúng con cũng can đảm bước theo và gắn chặt của đời chúng con với Chúa."

Lm Luca Lê Viết Phương dcct