PDA

View Full Version : Dự án "Cần Câu Cho Người Khuyết Tật"



hieuthao
01-03-2011, 09:40 AM
DỰ ÁN CẦN CÂU CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Táo bạo và nhân văn
Thứ tư, 16/02/2011 10 giờ 33 GMT+7http://www.baocantho.com.vn/img_post/2561/71.jpg

Khách hàng hay đến ủng hộ gian hàng vé số của anh Quảng.


“Từ lâu, vé số và người khuyết tật (NKT) đã gắn bó cùng nhau. Để sự gắn bó này bền chặt hơn, tôi đã nảy sinh ý tưởng mở gian hàng vé số nhỏ cho NKT bán ở căng tin hoặc lối đi nơi bãi đậu xe các cơ quan, doanh nghiệp lớn. Tôi đã thí điểm dự án trong 1 tháng và đặt tên là dự án “Cần câu cho NKT”. Hiệu quả rất đáng phấn khởi, 3 trong số 4 NKT đã có thu nhập trên 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng, được hòa nhập cộng đồng”- anh Trần Quốc Cường, người xây dựng dự án tâm tình.

Tự nuôi thân, hòa nhập cộng đồng

Đến chợ Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, nhiều người thường ghé bàn vé số của anh Nguyễn Văn Quảng, bị khuyết tật 2 chân để mua ủng hộ. Anh Quảng kể: “Nhờ bà con tiểu thương và người đi chợ ủng hộ, mỗi ngày tôi bán được 70 đến 100 tờ vé số, thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng. Vợ tôi phụ bán thịt trong chợ, mỗi tháng cũng được 600.000 đồng. Khi vợ tôi mua thức ăn, rau quả, bà con tiểu thương cũng bán giá rẻ, nhờ đó, cuộc sống vợ chồng tôi và đứa con 4 tuổi tạm ổn. Tôi rất cảm ơn anh Cường và Ban quản lý chợ Hưng Lợi đã tạo điều kiện cho tôi có chỗ ngồi ở chợ bán vé số, giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”.

Trước đây, vợ chồng anh Quảng sống cùng cha mẹ già ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Anh Quảng là thợ điện, vợ đi làm mướn. Công việc lúc có lúc không, thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 1 triệu đồng, vợ chồng anh phải trông chờ sự giúp đỡ của người thân. Khi nghe anh Cường và đại diện Hội Chữ thập đỏ xã tìm đến nhà rủ lên TP Cần Thơ bán vé số, anh Quảng cũng lo lắm, vì anh chưa bao giờ đi ra khỏi tỉnh Sóc Trăng. Anh Quảng cười nói: “Lúc ấy, vợ chồng tôi khổ quá, đành liều một phen, đi theo anh Cường xem có đổi đời không?”.

Không riêng gì anh Quảng mà chị Nga, anh Hải trước đây nghèo khó, sống phụ thuộc vào người thân nhưng từ khi tham gia dự án, họ đã có cuộc sống ổn định. Trong thời gian thí điểm 1 tháng, anh Cường đã thuyết phục 4 đơn vị là Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam, Cà phê Hợp Phố đường 30 Tháng 4, chợ Hưng Lợi và Ẩm thực gia đình Ngân Giang cho NKT đến đặt bàn bán vé số trong khuôn viên. Sau đó, anh Cường liên hệ với Hội Chữ thập đỏ nhờ giới thiệu NKT, rồi đến nhà nắm tình hình và vận động NKT tham gia dự án. Anh Trần Quốc Cường cho biết: “Dự án sẽ giúp NKT chỗ bán vé số, vốn, bàn ghế, dù, đồng phục, bảng tên. Ngoài ra, hằng ngày có người đem vé số đến nơi cho bán và lấy số thừa trả lại mà NKT vẫn hưởng hoa hồng bằng với những người bán khác: 10% số tiền bán được”. Hơn thế nữa, NKT còn được làm việc trong một môi trường hòa nhập với cộng đồng.

Nhân rộng mô hình

Sau 1 tháng thí điểm, anh Cường cùng các cộng sự đã lấy ý kiến thăm dò các đơn vị mà NKT đến đặt bàn bán vé số. Tất cả đều đồng tình với việc cho NKT đặt bàn bán vé số trong khuôn viên đơn vị. Ông Nguyễn Ngọc Út, Trưởng phòng Tổ chức Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam, cho biết: “Lòng trắc ẩn, tôi nghĩ là ai cũng có. Nhưng do công việc và cuộc sống bận rộn, đôi khi mình lướt qua. Khi anh Cường đến đề nghị chúng tôi tham gia dự án, tôi đã đồng ý ngay. Tôi cảm ơn dự án, vì đây là cầu nối giúp chúng tôi có thể giúp đỡ người có hoàn cảnh không may. Tôi mong dự án được nhân rộng để giúp nhiều NKT có việc làm, ổn định cuộc sống”.

Để thực hiện thí điểm dự án, anh Cường đã thuyết phục gia đình cho mượn 40 triệu đồng. Số tiền này anh dùng để thành lập Công ty TNHH MTV DV Cầu Nối, liên hệ với các đơn vị, mua bàn ghế, dù lộng... Mỗi tấm vé số bán được, anh Cường sẽ thu 3% của đại lý vé số để làm quỹ duy trì dự án. Cường nói: “Với thành công bước đầu, chúng tôi sẽ tiếp tục đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp, công ty, chợ, để xin cho NKT được đặt bàn bán vé số”.

Ông Phan Đức Long, Hội NKT TP Cần Thơ, người có thâm niên gắn bó với cộng đồng NKT, nhận xét: “Đây là một dự án hay và rất táo bạo. Hiện nay, đa phần NKT có trình độ học vấn thấp, thất nghiệp, sống phụ thuộc vào người thân. Dự án góp phần giúp nhiều NKT có việc làm nuôi sống bản thân và hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho xã hội”. Hiện nay, nguồn tiền để duy trì dự án đã cạn, anh Cường đang chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm ngân hàng vay vốn để dự án tiếp tục hoạt động. Anh cho biết: “Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đồng ý cho NKT đặt bàn bán vé số trong khuôn viên nhưng cái khó là vốn để lấy vé số cho NKT bán”.

Tuy được xã hội, Nhà nước quan tâm nhưng NKT vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, đại đa số vẫn phải phụ thuộc vào người thân. Nhiều doanh nghiệp, công ty muốn giúp NKT nhưng vướng phải một số khó khăn về điều kiện làm việc cho NKT. Dự án “Cần câu cho NKT” vừa giúp NKT có việc làm, hòa nhập cộng đồng mà doanh nghiệp hoàn thành trách nhiệm xã hội của mình. Một cán bộ ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ tâm đắc: “Dự án này rất có ý nghĩa, tôi mong các doanh nghiệp, công ty giúp đỡ cho NKT được đặt bàn vé số, ổn định cuộc sống”.


Bài, ảnh: HUỆ HOA

Nguồn: http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=77&id=74283

hieuthao
10-03-2011, 09:49 AM
“Cần câu” cho người khuyết tật

Thứ Bảy, 05/03/2011 22:35
Với kỳ vọng giúp nhiều người kém may mắn có công ăn việc làm và hòa nhập cộng đồng, chàng trai 28 tuổi Trần Quốc Cường đã bỏ học, nghỉ làm để thực hiện dự án “Cần câu cho người khuyết tật”


Từ lâu, Trần Quốc Cường đã “chết tên” Cường... “cần câu”. Dự án “Cần câu cho người khuyết tật (NKT)” được anh thực hiện thí điểm từ ngày 15-12-2010. Đây là ý tưởng mở các quầy vé số cho NKT bán ở trụ sở những doanh nghiệp (DN), nhà hàng, quán ăn… Thoạt nghe thì thật đơn giản nhưng khi thực hiện lại không dễ chút nào.

http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/03/05/8-9-chan-1.jpg
Cường “cần câu” thăm quầy vé số của chị Nguyễn Thị Lan ở quán cà phê Hợp Phố - Cần Thơ


Bất bình và đồng cảm

Cường “cần câu” nhớ mãi ngày nọ, khi anh còn làm việc cho một công ty thủy sản, có đoàn khách nước ngoài đến tham quan DN. Cán bộ công ty vội vã đưa một NKT vào... giấu trong tủ chứa đồ vì sợ “ảnh hưởng đến bộ mặt DN”! Bất bình với cách hành xử của DN và đồng cảm với nỗi đau của NKT, Cường quyết định nghỉ làm, về Cần Thơ tìm nhiều mô hình để giúp họ nhưng vẫn không có kết quả.

“Một lần đi ngang KCN Trà Nóc lúc công nhân tan ca, tôi thấy rất nhiều người xúm xít mua vé số dạo. Từ đó, tôi nghĩ đến việc xin DN cho mở quầy vé số để NKT vào bán” - Cường nhớ lại. Nghĩ là làm, anh về nhà viết dự án “Cần câu cho NKT” và trong vòng 3 tháng đã đi “chào hàng” tại nhiều DN, nhà hàng, quán ăn... ở Cần Thơ.

Cường ngậm ngùi: “Bước đầu rất khó khăn, ít chủ DN, quán xá nào chấp nhận cho NKT ngồi bán vé số chỗ họ. Có DN mới nghe tôi giới thiệu còn đuổi thẳng, không thèm xem qua dự án”. Kiên trì mãi, Cường cũng tìm được 4 nơi đồng ý cho NKT đến bán vé số trước cổng.

Không chỉ thế, tìm được NKT chịu vào bán vé số cũng không hề đơn giản. Ban đầu, Cường thuyết phục được 2 NKT bán vé số dạo vào quán cà phê Hợp Phố và quán ẩm thực Ngân Giang ở quận Ninh Kiều - TP Cần Thơ ngồi bán. “Nhưng họ lại lấy vé số bên ngoài vô bán, còn vé số tôi giao thì để một bên. Qua tìm hiểu, tôi biết được nếu bán vé số bên ngoài, họ hưởng huê hồng 1.200 đồng/tờ; còn bán theo dự án thì chỉ được 1.000 đồng/tờ. Bởi lẽ, trong dự án, tôi đề ra quy định trích 200 đồng/tờ để làm kinh phí duy trì hoạt động, sắm sửa bàn ghế, đồng phục, dù… cho NKT. Vậy là lần đó, tôi phải “ôm” hàng đống vé số không bán được, trị giá hơn 1 triệu đồng” - Cường kể.

Không tìm được NKT thực hiện thí điểm dự án, Cường liên hệ với Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hữu, huyện Châu Thành - Hậu Giang và được giới thiệu 2 người. Những người này cũng e dè trước dự án mà anh trình bày. “Tôi khẳng định với họ, nếu bán vé số theo dự án mà thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/tháng, tôi sẽ móc tiền túi bù lỗ. Họ nghe theo và đến nay vẫn theo dự án, thu nhập rất ổn định” - Cường hồ hởi.

Thay đổi nhiều cảnh đời

Với dự án “cần câu”, NKT sẽ được hỗ trợ chỗ bán vé số, vốn, bàn ghế, dù, đồng phục, bảng tên... Ông Nguyễn Ngọc Út, Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam – KCN Trà Nóc, xúc động: “Khi Cường đến giới thiệu “cần câu cho NKT”, tôi và ban giám đốc đều thấy đây là một dự án rất thiết thực nên đã đồng ý để NKT vào bán vé số trước cổng công ty”.

Khi buôn bán tại những quán cà phê, quán ăn, NKT còn được chủ quán nhiệt tình giúp đỡ. Anh Đặng Văn Nam, quản lý quán cà phê Hợp Phố, cho biết: “Ban đầu, chúng tôi để một chị ngồi bán vé số trước quán. Trưa nắng, sợ chị ấy mệt, chúng tôi đã cho dời bàn vé số vào gần chỗ căng-tin cho mát. Quán còn bao cơm trưa và nước uống miễn phí cho chị”.

Qua gần 2 tháng ngồi bán vé số ở bãi đậu xe của chợ Hưng Lợi – TP Cần Thơ, anh Nguyễn Văn Quảng đã bớt được nỗi lo về thu nhập bấp bênh. Anh phấn khởi: “Mỗi ngày, tôi bán khoảng 100 tờ, kiếm được 100.000 đồng, đủ lo cho cuộc sống của 3 người trong gia đình, con cái lại được đi học. Với những NKT như chúng tôi thì khó có DN nào nhận vào với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng”.

Chị Nguyễn Thị Lan, ngụ huyện Phụng Hiệp - Hậu Giang, được bố trí bán vé số ở quán cà phê Hợp Phố. Sắp tới, bạn trai của chị cũng sẽ được dự án hỗ trợ vào bán tại một quán ở Cần Thơ. Lan khoe: “Vào bán ở quán, tôi được nhiều anh chị ở đây giúp đỡ. Khi bạn trai đi bán, chúng tôi sẽ dành dụm tiền để tính chuyện cưới xin”. May mắn nhất có lẽ là anh Võ Văn Hái, bán vé số trước cổng Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam. Hằng ngày, anh chỉ bán đến 12 giờ là hết vé số, thu nhập 100.000-120.000 đồng lại được DN bao cơm trưa…

Cường “cần câu” khẳng định: “NKT bán vé số theo dự án sẽ có thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng. Sắp tới, có 2 quán nước nữa chấp nhận cho NKT vào bán vé số”. Cường cho biết có gần 60 DN, công ty tại Cần Thơ đồng ý thực hiện dự án nhưng do kinh phí còn hạn hẹp nên anh chưa tạo được “cần câu” cho nhiều NKT.


Hàng chục người có thu nhập ổn định

Đang học Trường Trung cấp GTVT miền Nam, Cường nghỉ ngang đi làm, sau đó trở lại học tiếp. Lúc này, vì đeo đuổi dự án “Cần câu cho NKT”, không chỉ nghỉ làm, anh còn một lần nữa nghỉ học. Để có tư cách pháp nhân, Cường lập Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Cầu Nối ở quận Ninh Kiều - TP Cần Thơ. “Nói công ty cho oai chứ thực ra tôi chỉ thuê nhà trọ đặt vài bộ bàn ghế. Ông chủ nhà cũng biết mình giúp NKT nên cho mượn địa chỉ nhà để đăng ký” - Cường ngượng ngùng. Để có vốn thực hiện dự án cho NKT, Cường phải về quê ở Sóc Trăng nài nỉ hai chị cho mượn gần 40 triệu đồng.

Tính đến nay, “cần câu” của Cường đã giúp hàng chục NKT có việc làm và thu nhập ổn định nhờ những tờ vé số. Ông Phan Đức Long, Hội NKT TP Cần Thơ, tâm đắc: “Nếu mô hình này được nhân rộng cả nước thì nhiều NKT có điều kiện xóa đói giảm nghèo, bớt gánh nặng cho xã hội”.




Bài và ảnh: CA LINH

Nguồn: http://nld.com.vn/2011030510084421p0c1002/can-cau-cho-nguoi-khuyet-tat.htm (http://nld.com.vn/2011030510084421p0c1002/can-cau-cho-nguoi-khuyet-tat.htm)