PDA

View Full Version : CHÚA NHẬT THỨ I MÙA CHAY NĂM A (13 tháng 3/2011)



vũng_nước
08-03-2011, 04:07 AM
CHÚA NHẬT THỨ I MÙA CHAY NĂM A

BÀI ĐỌC I: St 2, 7-9; 3, 1-7
"Nguyên tổ được tạo thành, và phạm tội".

Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa lập một vườn tại Eđen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa cho từ đất mọc lên mọi thứ cây trông đẹp, ăn ngon, với cây sự sống ở giữa vườn, và cây biết thiện ác. Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi dã thú mà Thiên Chúa tạo thành. Nó nói với người nữ rằng: "Có phải Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn mọi thứ cây trong vườn?" Người nữ nói với con rắn: "Chúng tôi được ăn trái cây trong vườn; nhưng trái cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa bảo: 'Các ngươi đừng ăn, đừng động tới nó, nếu không sẽ phải chết'". Rắn bảo người nữ: "Không, các ngươi không chết đâu! Nhưng Thiên Chúa biết rằng ngày nào các ngươi ăn trái ấy, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ biết thiện ác như thần thánh". Người nữ thấy trái cây đẹp mắt, ngon lành và thèm ăn để nên thông minh. Bà hái trái cây ăn, rồi lại cho chồng, người chồng cũng ăn. Mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 5-6a. 12-13. 14 và 17
Đáp: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa (x. c. 3a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác.
2) Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn. Con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa.
3) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.
4) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, để miệng con sẽ loan truyền lời ca khen.

BÀI ĐỌC II: Rm 5, 12-19
"Chỗ mà tội lỗi đã đầy tràn, thì ân sủng đã đầy dàn dụa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội ở trần gian. Nhưng nếu không có luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Ađam đến thời Môsê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Ađam đã phạm. Ađam là hình ảnh Đấng sẽ tới. Nhưng sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Đức Giêsu Kitô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế. Đó là lời Chúa.

Hoặc bài vắn này: Rm 5, 12. 17-19

Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Đức Giêsu Kitô.

Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế. Đó là lời Chúa.

CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Mt 4, 4b
Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

PHÚC ÂM: Mt 4, 1-11
"Chúa Giêsu nhịn ăn bốn mươi ngày đêm, và chịu cám dỗ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói. Và tên cám dỗ đến gần, nói với Người rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh". Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: 'Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra'". Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên Thành thánh, và đặt Người trên góc tường Đền thờ, rồi nói với Người rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá". Chúa Giêsu đáp: "Cũng có lời chép rằng: 'Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi'". Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi". Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: 'Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài'". Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người. Đó là lời Chúa.



http://suyniem.com/pics/jesus/kito2.jpg


http://suyniem.com/Tin Mung HN/cn1mcnamA.mp3


SUY NIỆM TIN MỪNG
NHÌN VÀO CÁM DỖ

Nhìn vào các thứ có sức cám dỗ thường thấy hấp dẫn hơn là những thứ người ta cho là nghiêm chỉnh, đứng đắn, đạo đức hoặc ngay lành! Bởi những thứ giúp hướng về điều tốt lành thường đòi buộc con người phải từ bỏ chính mình, còn những thứ có sức cám dỗ thì để họ tự do theo bản năng và sở thích, có khi hết sức bất chính.

Theo giáo lý Công giáo, chúng ta có thể định nghĩa cám dỗ là khuynh hướng lôi cuốn con người vào tội lỗi. Cám dỗ đến trước khi ta phạm tội. Những khuynh hướng căn bản được quy về thế gian, xác thịt và ma quỷ. Thế gian có thể là người hay tạo vật làm ta xa Chúa bằng những ảnh hưởng của chúng trên đời sống mình. Thí dụ sống với một người không thích đạo và thường hay chống đối đạo, ta sẽ dần dần bị họ lôi cuốn. Xác thịt là những dục vọng nội tâm sẵn sàng đưa con người về điều xấu và tội. Có bảy khunh hướng chính gọi là các tính xấu: kiêu ngạo, tham lam, mê dâm dục, nóng giận, mê ăn uống, ghen ghét và lười biếng. Khi bị các tính xấu ấy điều khiển, con người sẽ lẫn lộn giữa tốt và xấu, và thường xem điều xấu là điều tốt để hành động. Lương tâm lúc đó sẽ lệch lạc và dần dần trở thành lương tâm chết. Ma quỷ là Satan và các thần xấu có sức làm con người bất tuân luật Chúa và ghét Chúa. Adam và Eva sa ngã trong Cựu Ước là trường hợp điển hình của ma quỷ cám dỗ. Tuy nhiên, đừng gán ghép và lẫn lộn người ta với ma quỷ, vì ma quỷ có sức mạnh hơn con người rất nhiều.

Nhìn vào cám dỗ là nhìn thấy rõ sức hấp dẫn của những điều xấu để ta trốn tránh và chống lại. Chúng ẩn núp trong những dịp tội bề ngoài được ngụy trang rất hữu lý và tài tình. Thí dụ một buổi liên hoan chiều Thứ Bảy; để rồi sau khi say sưa nhảy nhót, con người sẽ rơi vào khuynh hướng lười biếng không muốn thức dậy đi Lễ Ngày Chúa Nhật. Tình yêu là cái gì tuyệt đẹp và thiêng liêng cao cả; nhưng khi con người đi đến tình trạng yêu mù quáng, sẽ lẫn lộn giữa ranh giới của tình yêu và xác thịt, và thường coi đam mê xác thịt là tình yêu! Ngoài ra, con người cũng dễ bị cám dỗ thần thánh hóa những thực tại vật chất hay tự nhiên với những thực tại thánh thiêng, nhất là Thiên Chúa; để từ đó dễ rơi vào tình trạng mê tín dị đoan. Suy nghĩ về cám dỗ cũng đồng thời luôn cảnh tỉnh mình trước sự mù quáng của mình với các nhu cầu rất cần thiết ngay trong đời sống. Các nhu cầu ấy thường hay chiếm điạ vị độc tôn để đưa chúng ta đến chỗ chỉ phục vụ cho mình. Chúa Kitô đã làm ngược lại tất cả các cám dỗ. Gương Chúa Kitô cho thấy rằng con người không thể tránh khỏi các cám dỗ; vì các cám dỗ luôn là những dịp thử thách giúp con người lập công trước mặt Chúa và nên hoàn thiện.

Lm. Raphael Xuân Nguyên