PDA

View Full Version : Libya trước nguy cơ nội chiến



hongbinh
08-03-2011, 03:12 PM
Libya trước nguy cơ nội chiến




TT - Lực lượng nổi dậy đang cố đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng trung thành với ông Gaddafi nhằm chiếm lại nhiều thành phố ở phía đông.


http://truyenthongconggiao.org/Portals/Hinh_chung/Noi_chien.jpg


Một người đàn ông khóc trước đám tang của những người trong phe nổi dậy ở Benghazi bị lực lượng quân chính phủ ủng hộ nhà lãnh đạo Libya Gaddafi bắn chết - Ảnh: Reuters

Theo AFP, ngay hôm sau cuộc phản công của quân đội trung thành với ông Gaddafi, dưới sự hỗ trợ của máy bay và pháo hạng nặng vào thành phố Brega làm 12 người thiệt mạng, ngày 3-3 lực lượng nổi dậy đã đẩy lùi một cuộc tấn công mới bằng máy bay của không quân Libya nhằm chiếm lại thành phố này.

Cùng ngày, Reuters cho biết lực lượng của ông Gaddafi cũng đã trở lại Ras Lanuf, một thành phố sản xuất dầu mỏ khác của Libya, cách thủ đô Tripoli 600km về phía đông. “Có rất nhiều người thuộc lực lượng của ông Gaddafi đang có mặt ở Ras Lanuf, trong khi lực lượng chúng tôi đang trấn giữ Brega và al-Ugayla” - một người thuộc phe đối lập kể lại. Trong khi đó, phe nổi dậy ở thành phố Ajdabiya cho biết số người chết trong trận đụng độ đã tăng lên 14 người.

Trước đó đêm 2-3, các nhóm nổi dậy đang kiểm soát phía đông của Libya đã được trang bị súng phóng tên lửa, súng chống xe tăng và máy bay chiến đấu nhằm giữ vững hai thành phố Ajdabiya và Brega sau khi có tin các lực lượng của ông Gaddafi đang chuẩn bị quay lại tấn công hai thành phố này.

Cùng ngày 3-3, Bộ Quốc phòng Hà Lan xác nhận 3 lính thuỷ đánh bộ của nước này đã bị lực lượng của ông Gaddafi bắt giữ trong lúc tham gia đưa công dân Hà Lan lên tàu hải quân HMS Tromp rời Libya ngày 28-2. Ba binh sĩ này bị một nhóm người vũ trang bao vây và bắt họ ngay sau khi họ đáp trực thăng xuống gần thành phố Sirte - ông Otte Beeksma, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hà Lan, cho biết.

Chính phủ Hà Lan đang đàm phán với chính quyền Gaddafi về việc trả tự do cho 3 người lính này, nhưng thông tin chi tiết và danh tính của họ không được tiết lộ. “Tình hình của 3 người được bảo mật để đảm bảo đưa họ về nhà an toàn” - nhật báo De Telegraaf của Hà Lan dẫn lời Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Cùng ngày, công tố viên Luis Moreno-Ocampo thuộc Toà án hình sự quốc tế tuyên bố mở cuộc điều tra về những vi phạm nhân quyền ở Libya.

Tại Tripoli, ngày 2-3, xuất hiện trước đám đông ủng hộ mình, ông Gaddafi cảnh báo “hàng ngàn người Libya sẽ bị chết nếu Mỹ hay NATO can thiệp vào Libya”. Ông cũng đe doạ nếu lính Mỹ hay phương Tây nhảy vào Libya có nghĩa là “nhảy vào hoả ngục và biển máu”.

Trong khi đó, khả năng can thiệp quân sự vào Libya đang gây nên những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ NATO, do lo ngại phản ứng của thế giới Ảrập cũng như những khó khăn của một chiến dịch đổ bộ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Washington đang quan ngại Libya có thể rơi vào tình hình hỗn loạn và trở thành thiên đường cho hoạt động của mạng lưới Al Qaeda.

“Một trong những quan ngại lớn nhất của Mỹ là Libya sẽ trở thành một Somalia thứ hai”. Ý tưởng về một vùng cấm bay trên bầu trời Libya hiện đang “lan truyền” trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng chưa có một đề nghị chính thức mở cuộc thảo luận về vấn đề này được đưa ra, như đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cho biết.

Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã có cuộc trao đổi với ông Gaddafi về đề nghị gửi một phái đoàn hòa bình quốc tế đến Libya để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này.

MỸ LOAN

Biên giới Libya: Hoảng loạn và tuyệt vọng

TT - Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cho biết trong vòng mười ngày qua, hơn 140.000 người đã ồ ạt từ Libya di tản sang Ai Cập và Tunisia. Tình trạng bạo lực và hỗn loạn đang gia tăng ở khu vực biên giới. Hàng chục ngàn người cần giúp đỡ khẩn cấp.


http://truyenthongconggiao.org/Portals/Hinh_chung/Noi_chien.jpg

Người nhập cư Bangladesh leo lên một bờ tường gần cổng biên giới Libya - Tusinia để thoát khỏi Libya ngày 2-3 - Ảnh: Reuters

Trên biên giới Ai Cập - Libya

Khu vực cấm giữa các đồn kiểm soát biên giới Libya - Ai Cập chìm trong biển người chen chúc, xô đẩy, tranh nhau chạy khỏi Libya để vào Ai Cập. Do cuộc biến động diễn ra quá nhanh ở Libya, lực lượng hỗ trợ quốc tế đã không kịp chuẩn bị và đáp ứng nhu cầu sơ tán khỏi Libya của hơn 10.000 lao động, phần lớn không có thị thực quá cảnh và chẳng có tiền mua vé máy bay hồi hương. 69.000 người đã vượt biên giới Libya tràn sang Ai Cập trong 10 ngày qua, chủ yếu là người Ai Cập. Khoảng 60.000 người Ai Cập trong số 78.000 người di tản đã nhanh chóng lên các chuyến xe do quân đội tăng cường và được đưa trở về nhà.

Gần 3.000 người nằm ngủ vật vờ tại khu vực biên giới Ai Cập hôm 1-3. Báo New York Times mô tả hơn 700 lao động người Bangladesh đã nằm ngồi la liệt khu vực nhập cảnh và xuất cảnh ở Ai Cập cả một tuần. Sàn nhà đầy thùng cactông, mền, gói bánh và hành lý. Công nhân đến từ Thái Lan, Philippines, tiểu vùng Sahara ở châu Phi co ro trong những cái mền quấn chặt quanh người để cố giữ ấm và ngủ co quắp giữa đống đồ đạc trong thời tiết giá lạnh.

174 lao động Bangladesh đã được máy bay của Liên Hiệp Quốc đưa về Dhaka, thủ đô Bangladesh. Tuy nhiên, nhà ga sân bay vẫn nêm chật người. Thức ăn vô cùng khan hiếm, điều kiện vệ sinh nghèo nàn và nhiều người nữa vẫn tiếp tục đổ về.

“Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra” - Jahidul Islam, 24 tuổi, làm việc tại một nhà máy điện của Hyundai gần Benghazi, Libya và kiếm được khoảng 3.000 USD/năm, nói. Anh đã chạy khỏi Libya sau khi trại của mình bị một nhóm vũ trang tấn công. Anh cho biết anh và những người khác đều bị đói.

Một điều phối viên khẩn cấp của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) đang liên lạc để thu xếp thị thực cho các lao động Bangladesh suốt 3 ngày đêm. Tờ khai thị thực nhập cảnh viết tay đang chồng chất lên nhau chờ được cơ quan lãnh sự Ai Cập cho phép. Chính phủ Ai Cập chỉ giải quyết nhập cảnh trong trường hợp người di tản có sẵn vé máy bay. IOM đã trở thành một văn phòng vé máy bay bất đắc dĩ khi liên tục tìm kiếm chỗ trống trên các chuyến bay đi Guinea và Mali từ Ai Cập.

Trên biên giới Tunisia - Libya

Hàng ngàn lao động Việt Nam, Ai Cập, Tunisia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh mắc kẹt tại biên giới giữa Libya và Tunisia ở Ras Adjir đang “khẩn thiết cần thực phẩm, nước sạch và chỗ ở”, người phát ngôn Jemini Pandya của IOM cho biết.

Khu vực biên giới giữa Tunisia và Libya rất hỗn loạn với khoảng 75.000 người chạy loạn trong 10 ngày qua đổ về, vượt quá khả năng tiếp nhận và giải quyết của đất nước này. Firos Kaya, đại diện UNHCR, mô tả đây là “vấn đề nhân đạo khẩn cấp”.

Tình hình đã đến mức khủng hoảng và hỗn loạn đã diễn ra. Hôm 2-3, lực lượng bảo vệ biên giới đã phải bắn chỉ thiên nhiều lần liên tục khi đám đông người tị nạn tìm cách trèo qua tường. Họ đã bị lực lượng bảo vệ biên giới dùng gậy đánh túi bụi để ngăn cản.

1.500 căn lều có sức chứa 12.000 người đã được dựng lên. Ngày 3-3 sẽ có thêm hai máy bay tiếp tế lều và các vật phẩm khác cho khoảng 10.000 người.

Người phát ngôn UNHCR, bà Melissa Fleming, nói: “Hàng ngàn người chờ đợi ở phía biên giới Libya để được vào Tunisia. Nhiều người trong số họ đã chờ từ 3 ngày nay. Họ phải ngủ ngoài trời trong cái lạnh thấu xương của mùa đông”. UNHCR đang đặc biệt lo ngại về tình trạng của hàng ngàn người tị nạn thường và tị nạn chính trị bị kẹt bên trong Libya. Họ chủ yếu đến từ Iraq, Palestine, Somalia, Sudan, Eritrea và đã sống tại Libya trong thời gian dài. Giờ đây họ tha thiết muốn rời khỏi Libya.

Một trong số họ đã nhắn tin cho nhân viên UNHCR tại Libya mô tả tình trạng sợ hãi mà ông ta và gia đình đang phải trả qua: “Chúng tôi bị người dân địa phương tấn công. Họ không muốn thấy người da đen. Chúng tôi cần được giúp đỡ. Xin cứu giúp chúng tôi... Nhà chúng tôi bị đốt cháy. Mười người Somalia bị giết tại Libya trong 7 ngày qua. Tại sao không ai quan tâm đến người di dân Somalia tại Libya? Chúng tôi là nạn nhân của kỳ thị và bị bóc lột thậm tệ”.

Theo bà Fleming, những người tị nạn và di dân từ tiểu vùng Sahara - châu Phi đặc biệt dễ bị ngược đãi. Người lao động bỏ đi vì các công ty ở Libya đã đóng cửa, khiến họ bị kẹt. Một số chạy trốn trong sợ hãi. Một số bị đe dọa và đánh đập vì phe nổi dậy ở Libya tưởng họ là lính đánh thuê châu Phi.


Thái Lan: hỗ trợ lao động từ Libya trở về

Các công nhân Thái trở về đã yêu cầu được chính phủ giúp đỡ tìm kiếm việc làm với Bộ Lao động. Họ cũng yêu cầu chính phủ đổi số tiền dinar của Libya sang tiền baht của Thái vì trong lúc chạy loạn khẩn cấp khỏi Libya không ai có thời gian để đổi tiền. Chính phủ đã chấp thuận lập một quỹ khẩn cấp với số tiền 343 triệu baht để hỗ trợ những công dân Thái trở về nước. Trong đó 330 triệu baht được dành riêng để bù đắp thiệt hại cho những công nhân phải trở về và hiện chưa có việc làm. 13 triệu baht còn lại dành cho chi phí đưa lao động về nước.

Ít nhất 20.000 người lao động Thái làm việc ở Libya sẽ được quỹ này hỗ trợ. Mỗi người sẽ nhận một khoản tiền tối đa 15.000 baht.



HỒNG VÂN

(tổng hợp từ news.com.au, theglobeandmail.com, Bangkok Post, NYT)

Lao động Việt Nam ở Libya: Chạy loạn trong tiếng súng

TT - 6g35 ngày 1-3 (giờ Ai Cập), chuyến chuyên cơ Boeing (324 ghế) số hiệu VN-A151 của Vietnam Airlines hạ cánh xuống sân bay Cairo. Cùng theo chuyến chuyên cơ, phóng viên Tuổi Trẻ có bài ghi nhận về tình hình di tản người lao động VN tại khu vực này.


http://truyenthongconggiao.org/Portals/Hinh_chung/LDVN.jpg

Ông Nguyễn Việt Hải, đại diện Công ty Amco-Vinamex, nói chuyện với lao động VN tại sân bay Cairo - Ảnh: Lê Nam

Chuyến bay VN-A151 có nhiệm vụ đưa lao động VN ở Libya về nước, trên máy bay có mang theo hơn 9 tấn hàng hỗ trợ các lao động VN đang kẹt ở Ai Cập và một số nước láng giềng xung quanh Libya.

Chỉ sợ không ra khỏi Libya

Sân bay quốc tế Cairo không tấp nập như chúng tôi tưởng. Tại sảnh 1 của ga đi, chúng tôi gặp Tùng (quê Sóc Sơn, Hà Nội) đang hối hả chuẩn bị bước vào khu vực soi chiếu để làm thủ tục lên máy bay. Tùng làm việc cho Công ty Amco-Vinamex, anh cho biết sắp được công ty đưa về. “Tôi sắp về nhà rồi, vui quá nhưng cũng còn mấy anh em nữa đang còn kẹt lại” - Tùng tâm sự.

Theo lời chỉ dẫn của Tùng, chúng tôi tìm xuống phòng chờ nằm âm dưới đất của sân bay quốc tế Cairo, nơi đang còn lại 160 lao động VN của Công ty Amco-Vinamex đang chờ được đưa về VN. Một trong 3 nhân viên an ninh người Ai Cập cao to, vạm vỡ tay cầm súng chặn chúng tôi lại ngay cửa, yêu cầu không được vào, không chụp hình. Năn nỉ mãi chúng tôi mới được phép ngồi ngay sau lưng dãy ghế của nhóm bảo vệ để nói chuyện với các lao động VN.

Anh Vương Văn Thắng (36 tuổi, ở huyện Ứng Hoà, Hà Nội) đang ngồi sạc điện thoại, cho biết đoàn của anh có 375 lao động rời Qubbah (Libya) qua Ai Cập trên những chiếc xe tải nặng vào sáng sớm 24-2. Mấy trăm người ngồi trên xe mà lòng như lửa đốt, chỉ sợ không ra khỏi Lybia, ở đâu cũng nghe tiếng súng nổ. “Chẳng may có loạt đạn lạc nào vào đoàn xe thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, chúng tôi chỉ nhìn nhau thầm cầu khấn tai qua nạn khỏi” - anh Thắng nói.

Trong chuyến chạy loạn, các lao động chỉ kịp mang theo những đồ dùng cần thiết và một ít lương thực. Đoàn xe chạy đến tối 24-2 thì tới cửa khẩu Sallouml (biên giới Ai Cập - Libya). “Ngoài đoàn chúng tôi, ở đó còn cả một biển người đang chờ qua biên giới” - anh Phạm Văn Hùng (40 tuổi, quê Thái Bình) kể. Theo anh Hùng, tất cả mọi người trải đồ ra nằm trên lề đường chờ người của đại sứ quán đến đón. Lương thực chỉ còn chút ít, một số anh em có tiền đi tìm mua đồ ăn nhưng chẳng mua được gì, đành phải chia nhau vài thứ còn lại. Sáng 25-2, người của đại sứ quán tới và mang theo đồ ăn. Do chưa có xe nên đoàn người lao động VN phải ở lại một đêm nữa ở biên giới Ai Cập - Libya. Ngày 26-2 mới có xe buýt chở tới sân bay quốc tế Cairo.

“Về nhà rồi”

Khi chúng tôi đến sân bay Cairo cũng là lúc anh Nguyễn Thành Nam, cán bộ của Vietnam Airlines, đưa 200 lao động ra cầu thang máy bay để về nước. Qua lời anh Nam kể lại, vừa đến chân cầu thang máy bay, toàn bộ lao động VN vỡ oà niềm vui, nhiều người nhảy nhót tưng bừng, có người còn hét vang: “Về nhà rồi!”.

Nói chuyện với những lao động VN chưa có suất bay, ông Nguyễn Việt Hải - đại diện Công ty Amco-Vinamex - thông báo: “Sáng nay đã có 209 người về nước, 160 anh em còn lại yên tâm nghỉ ngơi, ráng chịu cực một ngày nữa sẽ có máy bay đưa tất cả về nước trong ngày mai (2-3). Tôi sẽ ở lại đây sát cánh cùng anh em đến khi nào người lao động cuối cùng được lên máy bay”.

Tại sân bay Cairo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng - trưởng đoàn công tác - cho biết tất cả nhân viên đại sứ quán đã được phân công đến các điểm biên giới với Libya hoặc ra các sân bay để đón lao động VN. Ông Hưng nói mẹ của đại sứ VN tại Ai Cập Phạm Sỹ Tam vừa mất hôm 28-2, nhưng ông Tam vẫn phải ở lại để xử lý các vấn đề của người lao động VN. Đoàn công tác đặc biệt cũng sẽ cử người sang Malta đón các lao động VN ở đây.

LÊ NAM (từ Cairo, Ai Cập)

500 lao động ra khỏi vùng nguy hiểm

Tổng rà soát lao động VN tại Oman và Bahrain

Chiều 1-3, ông Nguyễn Lương Trào, chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động VN, cho biết 500 lao động VN bị đối tác bỏ rơi kẹt lại ở vùng chiến sự Tripoli (Libya) và bị cướp hết lương thực, thực phẩm đã được di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm để di tản sang Thổ Nhĩ Kỳ. Dự kiến hôm nay số lao động này về tới VN.

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, chuyến chuyên cơ của Vietnam Airlines chở 318 người hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào 23g ngày 1-3. Trước đó, có khoảng 50 lao động về đến sân bay Nội Bài và 18 lao động về tới sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Như vậy tính đến hết ngày 1-3, gần 1.500 lao động VN đã được đưa về nước qua đường hàng không. Dự kiến ngày 2 và 3-3 sẽ có thêm 1.000 lao động về nước.

Cũng trong ngày 1-3, có 9.189 lao động VN di tản ra khỏi Libya, đến các nước láng giềng như Ai Cập, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia... Ngoài ra, khoảng 700 người tiếp cận biên giới Tunisia và Algeria, 300 người ở biên giới Ai Cập. Khoảng 1.000 lao động còn kẹt lại hải cảng Benghazi (Libya), 1.000 lao động khác còn kẹt lại Tripoli và khu vực phía nam Libya.

Đại sứ VN Nguyễn Quang Khai tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cho biết tình hình ở Oman và Bahrain không phức tạp như Libya nhưng cũng đã có bạo động. Trong khi đó tại hai nước này có khoảng 1.000 lao động VN (chừng 800 người ở Oman, 200 người tại Bahrain). “Con số lao động cụ thể và do doanh nghiệp nào đưa đi thì sứ quán không biết, họ không báo cáo cũng như đăng ký với sứ quán. Chúng tôi đã điện về cho Ban chỉ huy giải quyết tình hình công dân VN tại Trung Đông và Bắc Phi chỉ thị cho các doanh nghiệp báo cáo đầy đủ số lượng lao động, khu vực làm việc ở hai nước này” - đại sứ Khai cho biết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cục đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Bahrain và Oman thực hiện gấp việc rà soát tổng số lao động đã đưa đi, đồng thời chỉ đạo các cán bộ đại diện tại Bahrain và Oman khuyến cáo người lao động tránh những địa điểm có biểu tình...

HỒ VĂN - MINH QUANG



Nguồn: TTO