PDA

View Full Version : Phép lạ Medjugorje - Câu chuyện thứ 83



littlewave
26-06-2008, 11:15 PM
Thông Điệp Ngày 25/9/1996

“Các con thân mến,
Hôm nay, Mẹ mời gọi các con hãy dâng thánh giá của các con và những sự đau khổ của các con cho những ý chỉ của Mẹ. Hỡi các con nhỏ bé, Mẹ là Mẹ của các con và Mẹ muốn giúp các con để các con nhận được trọn vẹn hồng ân của Chúa.
Hỡi các con thân yêu, hãy dâng những nỗi thống khổ lên cho Chúa như một món quà để rồi những món quà này trở thành một đóa hoa đẹp của niềm hoan lạc. Đó là lý do tại sao các con phải cầu nguyện để có thể hiểu được rằng sự đau khổ có thể trở thành niềm vui, và cây thánh giá là con đường của hoan lạc. Cám ơn các con đã đáp lời kêu gọi của Mẹ.”

CÂU CHUYỆN THỨ 83: LẠY MẸ MARIA, MẸ CŨNG GIỐNG NHƯ CON

Mùa đông năm 1991. Tình trạng ngặt nghèo vì bà Eugenia đau quằn quại trên giường bịnh. Những cuộc thử nghiệm và chữa trị ung thư bằng điện tử đã làm cho bà mệt mỏi rã rời, nhưng cũng không làm cho bịnh ung thư phổi ngừng được. Ở trong ngôi nhà nhỏ bé nơi vùng ngoại ô Paris, các con và các cháu của bà vẫn tiếp tục sống, nhưng với bà, bà cảm thấy gần gũi Chúa nhiều hơn.

Bà Eugenia sinh ra ở Blida, thuộc nước Algeria, trong một gia đình gốc Do Thái, có nhiều giáo sĩ và giáo dân cầu nguyện. Mẹ của bà tên là Rachel, giáo dục bà trong truyền thống Do Thái, nhưng thật ra, Eugenia chỉ giữ mẫu mực mà thôi. Không có sự gì trên trái đất này làm cho bà quên được ngày Yom Kippur (Lễ truyền thống Thống hối) hay là việc thắp sáng những ngọn nến vào mỗi thứ sáu, hay chính tay bà làm những tấm bánh mì Sabát, và đặt trên bàn ăn.

Tuy nhiên, ngoài những việc đó ra, bà không muốn biết gì về một Thiên Chúa mà bà không hề biết, và Chúa lại muốn bà cầu nguyện liên lỉ, trong khi bà bận rộn với bao nhiêu công việc nhà. Bà đã phải phấn đấu để sống còn. Việc phấn đấu này không góp phần làm cho tính tình bà dễ dàng hơn. Bà luôn dạy sớm để phục vụ người khác. Bà sống ở vùng ngoại ô Paris, vì bà là một người di dân, bị người ta khinh miệt.

Tâm hồn bà đau đớn bầm dập, một trong các con trai của bà đang ở trong một trung tâm dành cho người tàn tật. Bà có nhiều chén đắng, mặc dầu con trai của bà là Paul rất lo lắng cho bà. Anh ta chăm sóc bà và chia sẻ nỗi vui buồn với mẹ.

Khí hậu tháng chạp đến, và mùa giáng sinh lại về với Paris. Bé Esther là con gái 6 tuổi của Paul, tuyên bố rằng bà nội không thể chết được vì bà sẽ bình phục. Cả gia đình đều nghĩ rằng đó là sự tưởng tượng của trẻ thơ mà thôi.
Trong góc phòng khách có để một pho tượng của Đức Mẹ Maria, vì anh Paul lấy một người vợ Công giáo tên là Eliane, sự hoà đồng tôn giáo không làm cho ai khó chịu cả.

Tuy nhiên, gần đây, tượng Đức Mẹ làm cho bà bối rối khi bà nhìn đến tượng ấy. Bà đang lo nghĩ cho Paul vì con trai bà thất nghiệp và đang đi tìm việc làm, bà bèn khóc với tượng Đức Mẹ rằng:“Lạy Đức Mẹ Maria, Mẹ cũng giống như con, Mẹ là một người Mẹ Do Thái, xin Mẹ hãy giúp con trai của con là Paul nhé!”

Và rồi bà nghe thấy một tiếng nói trong trẻo như pha lê phát lên ngay bên cạnh bà: “Đừng lo nghĩ gì cả, Mẹ sẽ ở bên cạnh con trai của con!”

Bà Eugenia quay đầu nhìn quanh, nhưng không có ai ở đấy cả. Giọng nói ấy la tiếng của một phụ nữ trẻ, thật ngọt ngào và thánh thiện vô cùng. Thế là Eugenia rất lúng túng, hạnh phúc và sợ hãi. Bà bèn chạy vào nhà bếp xem có ai ở đó không, nhưng không ai có nhà cả. Chỉ có một mình bà ở nhà thôi...

Vậy thì... chỉ có Đức Mẹ Maria nói chuyện với bà thôi. Và rồi từ nơi pho tượng lạ toát ra mùi hương thơm ngào ngạt của hoa hồng và hoa nhài. Eugenia không biết nói gì đây. Mùi hương thoang thoảng rất lâu, hễ ai bước vào nhà đều ngửi thấy mùi hương này.

Thật là may, Paul đã tìm được việc làm với chức vụ một kỹ sư thương mãi. Chiều hôm ấy, khi anh bước vào nhà, anh vui vẻ nói: “Nghe nè! thật không thể tin được. Trong buổi phỏng vấn tìm việc làm, chúng con ngửi thấy một mùi hương thơm nhẹ nhàng, mùi hương của hoa hồng và hoa nhài...Ồ, ở đây, con cũng ngửi thấy cùng một mùi hương này...Lạ nhỉ!”

Bé Esther không để sót một chi tiết nào trong câu chuyện cuả người lớn. Bé yêu thương pho tượng Đức Mẹ và có quan hệ bí mật với Đức Mẹ. Khi bé tuyên bố là bà nội Eugenia sẽ bình phục, bé biết là bé đang nói gì mà. Thế rồi, trước mùa giáng sinh năm ấy, bà Eugenia được chữa lành bịnh. Các bác sĩ không thể tìm được bịnh ung thư nơi bà nữa. Bà hoàn toàn bình phục và ăn uống trả bữa.

Một buổi tối trong tháng giêng, bà Eugenia bị xuất huyết, và cảm thấy sợ. Bà bèn cầu nguyện với Đức Mẹ Maria để xin Mẹ giúp đỡ một lần nữa. Lần này, pho tượng Đức Mẹ tự động đến trong vòng tay bà vào lúc 4:00 sáng, pho tượng cũng chảy máu luôn. Lúc ấy, bà Eugenia nghe tiếng nói thánh thiện phát ra từ pho tượng: “Con đừng sợ, không có gì nghiêm trọng đâu!”
Trên đường đến bịnh viện, bà rất sửng sốt khi nghe người chuyên viên quang tuyến nói với bà: “Đừng sợ, không có gì nghiêm trọng cả, chỉ có một chút máu chảy ra thôi!” Thứ sáu sau đó, bà Eugenia nhờ anh Paul dịch kinh Lạy Cha ra tiếng Do Thái để đến ngày Sabát, thì mọi người đều có thể cầu nguyện chung được.

Từ đó, sự thân thiện phát triển giữa Đức Mẹ Maria và bà Eugenia, tình thân này rất bí mật và mạnh mẽ, nên chỉ trong có vài ngày mà Eugenia thay đổi một cách lạ lùng. Người phụ nữ thực tế này, luôn bận bịu, và luôn làm cho đời sống kẻ khác khổ đau, thì nay đã trở thành một thiên thần của lòng kiên nhẫn, tốt lành, vui tươi. Bà cũng đã học thuộc kinh Kính mừng và cầu nguyện không ngừng nghỉ.

Bà thức giấc lúc nửa đêm và cầu nguyện sốt sắng cho đến sáng. Nay thì người đàn bà Do Thái này sẵn sàng giúp đỡ, an ủi và can thiệp. Khi có điều gì khó khăn hay đau khổ xảy đến thì bà kêu lên: “Mẹ ơi!” và thầm thì nói chuyện với Đức Mẹ Maria để xin ơn của Mẹ. Bà biết cách tâm sự với Đức Mẹ:“Lạy Mẹ, Mẹ cũng giống như con vì Mẹ cũng là Mẹ, mà còn là người Do Thái nữa.” Cũng vì thế mà Đức Mẹ Maria đành phải ban ơn cho bà.

Bà Eugenia không có một chút căn bản văn hóa gì về Ki tô giáo cả, và bà chấp nhận mọi sự như một đứa trẻ ngây thơ. Khi tôi đến thành phố nơi bà ở, bà liền đem tất cả thân nhân đến để nghe tôi nói về Medjugorje, vào tháng giêng năm 1995. Cuộc nói chuyện này làm cho gia đình bà suy nghĩ, bỗng nhiên, họ hiểu ra rằng Đức Mẹ đang giải thích về đức tin tại ngôi làng nhỏ bé của nước Nam Tư! Họ nghĩ: “Chúng ta phải đi đến đó!”

Chỉ có chị Eliane có thể đến Medjugorje được thôi, và bà Eugenia chân thành dặn dò con dâu của bà rằng:
“Ở đó, con sẽ hiểu chuyện gì xảy ra cho mẹ. Con sẽ có thể giải thích mọi sự cho mẹ khi con về đến nhà. Ồ, ước gì mẹ có thể đến được nơi ấy nhỉ!”

Từ Medjugorje về, Elaine đem một pho tượng Đức Mẹ để tặng cho bà Eugenia, bà bèn để pho tượng trong phòng riêng. Bà dọn chiếc giường để có thể đối diện với pho tượng Đức Mẹ. Bà cảm thấy Đức Mẹ hiện diện, và bà tâm sự với Đức Mẹ. Từ đó, bao nhiêu là ân huệ và ơn lành đổ tràn đầy xuống cho gia đình bà. Vào mỗi buổi tối, bà Eugenia khuyên các con cháu rằng: “Nào, chúng ta hãy cầu nguyện nhé!” Và rồi cả gia đình quỳ xuống trước mặt pho tượng Đức Mẹ ở Medjugorje và cầu nguyện chuỗi Mân côi cho những ý chỉ của Nữ Vương Hòa Bình. Thường thì bà Eugenia hay nói ra những ý nghĩ đến trong đầu bà, bà cũng không dấu diếm mối tương quan với Đức Mẹ Maria. Bà thường kêu lên:“Đức Mẹ kià, Đức Mẹ kia kià, các con có thấy Đức Mẹ không?”

Nói về Medjugorje, Eugenia hiểu rõ được một bí nhiệm mới cho bà, đó là quả phúc của sự đau khổ. Cuối cùng, nếu ý nghĩa của chữ “Maria” trong ngôn ngữ Do thái là ”đại dương hương thơm”, nó còn có nghĩa là “đại dương cay đắng” nữa, phải không? Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội và Trái Tim Đau Khổ của Đức Mẹ tỏ lộ dần dần cho Eugenia biết, Trái Tim từ mẫu của Mẹ yêu thương toàn nhân loại tội lỗi và đau khổ. Còn bà, bà thường chú tâm lo lắng cho con cái, bây giờ bà mong muốn cứu mỗi người trên trái đất, và khi đề cập về Đức Mẹ Maria, bà thường nói: “Đức Mẹ Maria đã đau khổ nhiều hơn tôi nữa!” Thập tự giá làm cho bà thích thú. Điều này làm cho bà nhớ lại người con trai khác của bà, cũng bị đóng đinh và nhục mạ.

Rồi bà bị bịnh ung thư phổi trở lại, với lá phổi bên kia, nhưng bà chịu đựng cơn đau một cách khác. Bà thường phải ở trong lều có oxygen, và bà chịu đựng sự đau đớn một cách anh dũng. Bà không bao giờ than van! Trái lại, mặt bà đổi khác. Khi gia đình vây chung quanh bà, bà thường hay hát bài: “Lạy Chúa Giêsu Hài đồng, Chúa là Vua của tình yêu, Con trông cậy nơi Chúa, con xin dâng trái tim con cho Chúa, xin hãy đến và ngự trong tim con, xin hãy luôn giữ con bên cạnh Chúa!”

Hàng xóm và bạn hữu thường đến thăm bà rồi ra về với một niềm vui vì họ đã nhìn thấy ánh sáng trong bà. Ngay cả những vị linh mục đến thăm bà cũng nói rằng: “Xin bà cầu nguyện cho tôi và giáo xứ của tôi!”Bà hứa cầu nguyện cho mọi người, nên ai cũng bình an, dồi dào ân sủng và một và vẻ đẹp trong nội tâm.

Ngày 5 tháng 6 năm 1996, bà Eugenia từ giã cõi đời, vào tuổi 81. Bà được chôn cất theo truyền thống Do Thái, nhưng còn có những kinh Lạy Cha, Kính mừng và những kinh dành cho Chúa Giêsu Hài đồng nữa.

Hai trái tim của hai bà mẹ gặp nhau, thông cảm, yêu thương. Và đó cũng là nội dung của câu chuyện này.

*Chú thích của sơ Emmanuel:

1. Bé Esther được rửa tội và cũng được đầy ơn lành như bà nội của bé. Bé sẽ tiết lộ những bí mật về chính bé vào một ngày gần đây. Tôi nghĩ mình không phản bội lòng tin tưởng khi nói rằng Đức Mẹ đem lại cho bé một sự pha trộn giữa niềm hy vọng và sự tử đạo, vì khi Đức Mẹ hiện ra với đứa bé 6 tuổi này, Mẹ đã tín thác sứ mệnh cao cả này cho bé: “Mẹ dạy cho con đọc chuỗi Mân côi, bây giờ con hãy vào trường dạy cho các bạn của con đọc kinh nhé.”

Bé Esther đã nghe lời Đức Mẹ dạy, nhưng rồi bé bị “đóng đinh” vì bị lũ bạn chế nhạo, cha mẹ bạn lên án, và các thầy cô giáo kết tội đủ điều. Phải chăng một đứa con của gia đình di dân đã dám làm cách mạng trong một trường học công lập không? Vì các trường công lập đã hãnh diện là họ đuổi Chúa ra khỏi học đường rồi.

Đức Mẹ khóc và nói với Esther rằng: “Nếu họ biết Mẹ thương yêu họ nhiều như thế nào. Con hãy nói cho họ! Các trẻ thơ nên cầu nguyện cho nước Pháp!”

Tuy nhiên, một số trẻ thơ tin Esther và đã lập một nhóm nhỏ cầu nguyện chuỗi Mân côi. Nhóm này vẫn còn hoạt động và trực thuộc giáo xứ địa phương.

Kim Hà (memaria.org)