PDA

View Full Version : Bí Tích Thêm Sức - Giáo lý Hội Thánh dạy gì?



AugustineTuanBao
09-03-2011, 08:31 PM
GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO
là sống Bí tích Thêm sức hay thể hiện
tư cách là Kitô hữu trưởng thành của mình

VÀO ĐỀ
Bí Tích Thêm Sức đi liền sau Bí Tích Thánh Tẩy trong ba Bí Tích Khai Tâm Ki-tô giáo. Nếu Bí Tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta trở thành Ki-tô thì Bí Tích Thêm Sức làm cho các Ki-tô hữu thành Ki-tô hữu trưởng thành. Nếu Bí Tích Thánh Tẩy nói lên mối liên hệ của người “được thanh tẩy” với Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, thì Bí Tích Thêm Sức nói lên mối liên hệ của người “được thêm sức” với Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa.
Bài này sẽ trình bày về Bí Tích Thêm Sức và cách gia đình Công giáo sống Bí Tích ấy.

TRÌNH BÀY
1. Giáo lý Hội Thánh dạy gì về Bí Tích Thêm Sức?
1.1 Bí Tích Thêm Sức là một trong ba Bí Tích Khai Tâm Ki-tô giáo:
Ba Bí Tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể là những Bí Tích Khai Tâm đặt nền tảng cho đời sống Ki-tô hữu. “Nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, con người được tham dự vào bản tính Thiên Chúa. Tương tự như việc sinh ra, lớn lên và bảo tồn trong đời sống tự nhiên, người tín hữu được tái sinh trong đời sống mới nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, được củng cố nhờ nhờ Bí Tích Thêm Sức và nhận lấy bánh ban sự sống đời đời trong Bí Tích Thánh Thể. Như vậy, nhờ các Bí Tích Khai Tâm Ki-tô giáo, họ được hiệp thông sâu xa hơn vào đời sống thần linh và càng tiến tới Đức Mến hoàn hảo” (1).
1.2 Bí Tích Thêm Sức làm cho các Ki-tô hữu thành các Ki-tô hữu trưởng thành:
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo lấy lại lời của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Đồng Va-ti-can II (2) dạy về Bí Tích Thêm Sức như sau: “Nhờ ơn Bí Tích Thêm Sức, các tín hữu gắn bó với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần; do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm, như những chứng nhân đích thực của Chúa Ki-tô” (3).
1.3 Hiệu quả hay ân sủng của Bí Tích Thêm Sức:
Hiệu quả của Bí Tích Thêm Sức là người tín hữu được nhận Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt, như ngày xưa các Tông Đồ đã nhận được trong ngày lễ Ngũ Tuần (4).


Với hiệu quả này, Bí Tích Thêm Sức tăng trưởng và đào sâu Ơn Bí Tích Thánh Tẩy:

giúp chúng ta đi sâu vào tình nghĩa tử thiêng liêng cho phép chúng ta gọi Thiên Chúa là “Áp-ba, lạy Cha” (Rm 8,15).
gia tăng các ơn Chúa Thánh Thần trong chúng ta.
cho chúng ta liên kết trọn vẹn hơn với Hội Thánh;
ban Sức Mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần để chúng ta truyền bá và bảo vệ Đức Tin bằng lời nói và hành động như những nhân chứng đích thực của Chúa Ki-tô, để anh dũng tuyên xưng danh thánh Chúa Ki-tô và không bao giờ hổ thẹn vì thập giá (5).

1.4 Chúa Thánh Thần và người Ki-tô hữu được Ơn Thêm Sức:
Theo giáo lý Thánh Kinh thì Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng đã hoạt động tích cực trong Công Trình Tạo Dựng và Cứu Độ của Thiên Chúa Ngôi Cha và Ngôi Con, và Thánh Hóa là Công Cuộc riêng của Người. Vì thế với các Ki-tô hữu, Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa, là Trạng Sư Bào Chữa và Bênh Vực, là Thày Dạy và là Đấng Soi Sáng Hướng Dẫn. Chúa Thánh Thần còn là Đấng ban 7 Ơn: Ơn Khôn Ngoan, Ơn Hiểu Biết, Ơn (biết) Lo liệu, Ơn Can Đảm, Ơn Kính Sợ Thiên Chúa, Ơn Sức Mạnh và Ơn Sốt Sáng. Hơn nữa mọi tâm hồn Ki-tô hữu trở thành Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.
2. Gia đình Công giáo sống Bí Tích Thêm Sức và thể hiện tư cách là Ki-tô hữu trưởng thành bằng nhiều cách khác nhau như:
2.1 Đi sâu vào tình nghĩa tử thiêng liêng với Thiên Chúa là Cha
Giống như người càng trưởng thành thì càng có mối tương quan sâu sắc, hiểu biết hơn với cha mẹ là đấng bậc sinh thành dưỡng dục mình, người Ki-tô hữu trưởng thành càng phải có mối tương quan mật thiết, hiểu biết và sâu sắc hơn với Thiên Chúa là Cha là Mẹ mình. Ơn gọi làm con Thiên Chúa là một ơn vô cùng trọng đại mà những người được thanh tẩy và thêm sức nhận được từ Thiên Chúa là Cha, là Tình Yêu.
Thế mà trong cuộc sống cá nhân và gia đình, ít khi, ít người chúng ta thể hiện tấm lòng biết ơn và trân trọng đối với ơn huệ cao trọng này; ít khi, ít người chúng ta quan tâm đến việc tăng cường tình nghĩa tử thiêng liêng với Thiên Chúa là Cha.
2.2 Gia tăng các Ơn của Chúa Thánh Thần
Theo truyền thống Công giáo, Chúa Thánh Thần là Đấng ban 7 ơn cho các tín hữu. Các ơn như hạt giống được gieo vào lòng người Ki-tô hữu khi linh mục dội nước và xức dầu cho người ấy. Nhưng hạt giống chỉ nẩy mẩm thành cây khi tâm hồn và cuộc sống của chúng ta là mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ và khi chúng ta chịu khó vun sới, tưới tắm cho mảnh đất và hạt giống ấy. Nếu chúng ta không bỏ công sức và thời gian để đầu tư cho việc học hỏi giáo lý, thánh kinh… thì ơn hiều biết và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần cũng chẳng có điều kiện phát huy. Nếu chúng ta không chịu rèn luyện và thực hành thì ơn can đảm và sức mạnh cũng chẳng có đất dụng võ! Ơn Chúa Thánh Thần chỉ gia tăng được trong tâm hồn và cuộc sống của cá nhân và gia đình chúng ta khi cá nhân và gia đình chúng ta rèn luyện và thực hành các ơn ấy.
Nhìn vào đời sống nhiều cá nhân và gia đình Ki-tô hữu Việt Nam, chúng ta có chẳng thấy nổi bật 7 ơn của Chúa Thánh Thần hay chúng ta chỉ thấy sự khôn ngoan tính toán theo cách thế gian?
2.3 Liên kết trọn vẹn hơn với Hội Thánh
Nếu nhờ Bí Tích Thánh Tẩy mà mọi người Ki-tô hữu trở thành chi thể của Thân Mình mầu nhiệm Chúa Ki-tô là Giáo Hội thì nhờ Bí Tích Thêm Sức mọi người Ki-tô hữu phải là thành phần tích cực và trưởng thành của Hội Thánh. Đặc điểm của người trưởng thành là nhận thức sâu sắc và dấn thân tự nguyện. Thế nhưng thực tế Giáo Hội lại là cảnh trái ngược: đại đa số giáo dân là những người u mê, hững hờ và thụ động trong việc Đạo, nhất là trong sứ mạng làm chứng và loan báo Tin Mừng, biến đổi xã hội.
2.4 Có sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần
Thật buồn khi phải tự hỏi trong các Ki-tô hữu (hiểu là giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) chúng ta có được mấy ai có sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần? Nhiều người trong Giáo Hội Việt Nam, kể cả trong hàng ngũ lãnh đạo, còn sợ nghe nói tới Chúa Thánh Thần thì làm sao mà dám nhắc tới hay mong đợi những ơn đặc biệt của Thánh Thần Thiên Chúa. Nhưng Giáo Lý Hội Thánh thì rành rành ra đó, ai dám chối bỏ hay nghi ngờ? Và chắc chắn Chúa Thánh Thần cũng không chịu bó tay trước những “giới hạn” mà con người đặt ra cho Thiên Chúa! Phong Trào Thánh Linh Đặc Sủng (Charism Movement) là một bằng chứng hùng hồn về hoạt động khôn lường của Chúa Thánh Thần trong thế giới của chúng ta ngày nay. Trong ngôn ngữ của Phong Trào thánh thiện này, chúng ta sẽ nghe nhắc đi nhắc lại những cách nói độc đáo và riêng biệt như “Sống Suy Phục Thánh Linh”, “Phép Rửa và Phép Xức Dầu của Thánh Thần”, “Cuộc sống Mới trong Thánh Thần” v.v…(6)

KẾT LUẬN
Trong Đạo cũng như ngoài đời, giữa lý thuyết và thực tế bao giờ cũng có một khoảng cách. Riêng trong lãnh vực tôn giáo và tâm linh, càng suy nghĩ và đi sâu vào các ngóc ngách của đời sống đức tin của mỗi người và mỗi gia đình Công giáo, chúng ta càng khám phá ra những khoảng cách “khó san bằng” mà nhiều khi chúng ta chẳng hề ý thức. Do đó muốn cho đời sống đức tin được phát triển chúng ta rất cần những bài biên soạn có tính nghiên cứu, những khóa học và những buổi sinh hoạt chuyên đề. Vì thế mà chúng ta rất cần học hỏi, tìm hiểu thêm.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Chú thích:
(1) x. ĐGH Phao-lô VI, Tông hiến “Tham dự đời sống thần linh”; x. OICA tiền chú 1-2; GLHT CG số 1212.
(2) Lumen Gentium, 11
(3) x. GLHTCG số 1285.
(4) x. GLHTCG số 1302. Đọc lại Cv 2,1-13.
(5) x. GLHTCG số 1303.