PDA

View Full Version : Giáo lý dự tòng - Tài liệu tham khảo



AugustineTuanBao
10-03-2011, 10:06 AM
GIÁO LÝ DỰ TÒNG




PHẦN I : TIỀN DỰ TÒNG




________________________________________




BÀI DẪN NHẬP : GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT



TIẾN TRÌNH GIA NHẬP KITÔ GIÁO



(Theo từng giai đoạn)



_________

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH “MỤC VỤ DỰ TÒNG”:
v Thực hiện định hướng của Công đồng Vatican II trong Hiến chế Phụng vụ Thánh (số 66) : “Phải duyệt lại hai Nghi lễ Rửa tội người lớn, một đơn giản và một trọng thể theo tổ chức dự tòng được cải tổ lại”.
v Tiến trình “Dự tòng” phải được thực hiện trong, với nhịp sống đức tin của cộng đoàn Dân Chúa. (Sách Nghi thức gia nhập KTG của người lớn)
v Tiến trình Dự tòng phải trãi qua những “thời gian” cần thiết với các “giai đoạn phụng vụ” thích hợp để việc “gia nhập Kitô giáo” là một cuộc “lớn lên của đức tin”, một chuyển biến nội tâm và toàn bộ cuộc sống thực sự. (Sách Nghi thức gia nhập KTG của người lớn).

II. CÁC THỜI GIAN HUẤN GIÁO – SỐNG ĐẠO CỦA DỰ TÒNG VA CÁC GIAI ĐOẠN PHỤNG VỤ TƯƠNG ỨNG
Theo Sách “Nghi thức Gia nhập Kitô giáo của người lớn theo từng giai đoạn”, có thể chia tiến trình huấn giáo và sống đạo của Dự Tòng làm 4 thời gian chính sau đây :

1. THỜI TIỀN DỰ TÒNG (KHỞI GIẢNG TIN MỪNG) :Đây là thời gian khởi đầu việc trở lại, là cuộc khởi hành tiến vào con đường đức tin Kitô giáo, là cuộc “gặp gỡ” ban đầu giữa người chưa có đức tin đang muốn tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa, và Giáo Hội đang mở rộng vòng tay đón chờ. Vì thế, nội dung giáo lý của thời gian nầy là giúp giới thiệu cho người dự tòng những điểm khái quát về đức tin Kitô giáo bao gồm những mầu nhiệm chính yếu : Thiên Chúa, Đức Giêsu-Kitô, Lời mặc khải (Kinh Thánh), Giáo Hội.

v GIAI ĐOẠN PHỤNG VỤ I : Kết thúc thời gian Tiền Dự Tòng để bước vào Thời gian Dự tòng chính thức sẽ có các cử hành phụng vụ được gọi là “Giai đoạn phụng vụ I” với Nghi lễ “Tiếp nhận làm người dự tòng” làm trọng điểm.

2. THỜI DỰ TÒNG CHÍNH THỨC : Đây là thời gian dài nhất (có thể kéo dài nhiều năm), nhằm giúp các dự tòng học hỏi đạo lý và các nghi lễ liên hệ đến đương sự. Trong thời gian nầy có một số các cử hành phụng vụ thích hợp (Thuộc Giai đoạn phụng vụ I) để các dự tòng hội nhập sâu xa vào đời sống đức tin của Dân Chúa : Đó là các cử hành :
v Cử hành Lời Chúa
v Nghi lễ Trừ tà
v Nghi thức cầu phúc
v Nghi thức Xức dầu

3. THỜI CHUẨN BỊ CUỐI CÙNG : Đây là Thời gian cao điểm của tiến trình Dự tòng. Thời gian này thường bắt đầu và kéo dài suốt Mùa Chay, là lúc các người dự tòng chuẩn bị những hành trang thiêng liêng cần thiết sau cùng để được lãnh nhận các bí tích nhập đạo : Rửa tội, Thêm Sức và Mình Thánh Chúa. Thời gian nầy được đánh dấu bởi hai trọng tâm chính tương ứng với hai giai đoạn phụng vụ :

v THANH TẨY - SOI SÁNG : GIAI ĐOẠN PHỤNG VỤ II :
- Để kết thúc giai đoạn “dự tòng chính thức” và bắt đầu “Thời chuẩn bị cuối cùng” sẽ có “Nghi lễ tuyển chọn”
- Sau nghi lễ nầy, sẽ liên tiếp cử hành một loạt các nghi thức khác như là những bước tiến, những bậc thang dẫn đến các bí tích. Đó là các nghi thức :
- Ba nghi thức khảo hạch
- Nghi thức trao kinh Tin Kính – Lạy Cha
- Nghi thức Trả kinh Tin Kính
- Nghi thức Mở ra
- Nghi thức Đặt tên thánh
- Nghi thức Xức dầu Dự tòng.

v LÃNH NHẬN CÁC BÍ TÍCH NHẬP ĐẠO : GIAI ĐOẠN PHỤNG VỤ III
Chóp đỉnh của “Thời chuẩn bị cuối cùng” cũng là tiêu đích của tiến trình dự tòng đó là thời điểm các dự tòng lãnh nhận các Bí tích gia nhập Kitô giáo : Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Đây cũng được gọi là “Giai đoạn phụng vụ III”, giai đoạn phụng vụ cuối cùng trong tiến trình cử hành gia nhập Kitô giáo. Việc cử hành ba Bí tích Nhập đạo sẽ hoặc là được thực hiện trong chính đêm Vọng Phục Sinh như truyền thống lâu đời của Hội Thánh, hoặc có thể tuỳ nghi thực hiện vào một thời gian thích hợp.

4. THỜI SAU NHẬP ĐẠO : THỜI NHIỆM HUẤN :
Sau khi lãnh nhận các Bí tích nhập đạo, các dự tòng còn phải được đào sâu mầu nhiệm đức tin, tiếp cận gần gũi hơn, thân mật hơn các cử hành phụng vụ của Hội Thánh và dấn thân tích cực hơn, sâu xa hơn vào nhịp sống đức tin của Dân Chúa. Đây là thời cuối cùng, thời nhiệm huấn.

AugustineTuanBao
10-03-2011, 10:08 AM
BÀI I : DẤU HIỆU KITÔ HỮU



___________

I. KHAI MẠC :
v Lắng nghe Tin Mừng Gioan 1, 9-12.
v Yên lặng một lát.
v Chào thăm và điểm danh, ghi danh…
v Giới thiệu nội dung giáo lý sẽ triễn khai.

II. NỘI DUNG GIÁO LÝ : Giới thiệu các dấu chỉ khái quát liên quan đến niềm tin Kitô giáo.

1. Dấu Thánh Giá :
v Cử điệu : Dùng bàn tay phải đặt lên trán, trên ngực và lần lượt trên vai trái rồi phải. Đó chính là dấu hiệu Thánh Giá.
v Lời đọc kèm theo : Nhân Danh Cha (trên trán), và Con (trên ngực), và Thánh Thần (Trên vai trái và phải). Amen.
v Ý nghĩa :
- Đây là lời kinh-tuyên xưng đức tin ngắn nhất của người Kitô hữu. Lời kinh nầy phát xuất từ mệnh lệnh của Chúa Kitô truyền cho các môn đệ khi Ngài sắp từ giã các ông về trời : “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Tin mừng Matthêo, 28,19)
- Đây là lời tuyên xưng một mầu nhiệm trung tâm của niềm tin Kitô giáo về Thiên Chúa : Mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi Vị : Thiên Chúa của người Kitô hữu là Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi : Cha, Con, và Thánh Thần.
- Đây cũng là sự tưởng niệm cuộc tử nạn-phục sinh của Chúa Giêsu-Kitô với dấu chỉ Thánh Giá được vẽ lên trán, ngực, hai vai. Thánh Giá là dấu chỉ Chúa Giêsu-Kitô chịu chết và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Làm dấu Thánh Giá là cách biểu lộ thuộc về Chúa Kitô, thuộc đoàn Dân được cứu chuộc nhờ bí tích Rửa tội nhân danh Ba Ngôi Cha, Con, Thánh Thần.
2. Amen : Là một từ thuộc ngôn ngữ Do thái thuở xưa thời Chúa Giê-su, hàm chứa nội dung nầy : Tin thật như vậy, tin chắc như thế, đúng như vậy, xin được như vậy. Amen được đọc lên sau mọi lời nguyện của Kitô hữu như một lời tuyên xưng và trông cậy, một lời vinh tụng ngợi khen, một thái độ trông cậy, tán thành, xác tín.

3. Nguồn Gốc Và Tên Của Đạo :
v Nguồn gốc : Đạo mà chúng ta đang theo học giáo lý để chuẩn bị gia nhập phát xuất từ một nhân vật đã xuất hiện trong lịch sử nhân loại cách đây hơn 2000 năm : Đức Giêsu-Kitô. Chính năm sinh của Ngài đã được nhân loại đồng tình chấp nhận làm cột mốc phân đôi lịch sử nhân loại.
v Tên gọi :
- Kitô giáo : Tên gọi chính xác nhất vì căn cứ trên chính tên của Đấng Sáng lập : Giêsu-Kitô. Tên nầy, còn được phát âm theo một cách khác : Cơ-đốc giáo (Cơ đốc = Kitô = Christus = Le Christ = Christianisme)
- Công giáo : Tên gọi của cộng đoàn Kitô giáo hiệp thông với Đức Giáo Hoàng ở Rôma để phân biệt với các cộng đoàn Kitô giáo đã ly khai khỏi Giáo Hội mẹ như Anh Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành. Công Giáo còn là tên gọi để nhấn mạnh đặc tính phổ quát của Hội Thánh Chúa Kitô (Công giáo = Catholique – Katholikos = Phổ quát)

III. SINH HOẠT : Tập hát bài “Lạy Chúa xin ban”
IV. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC :




BÀI II : ĐẶC ĐIỂM CỦA KITÔ GIÁO



____________

I. KHAI MẠC :- Dấu Thánh Giá, hát : Lạy Chúa xin ban.
- Nghe Tin mừng : Ga 1,35-39.
- Điểm danh, ghi danh
- Giới thiêu nội dung giáo lý :

II. NỘI DUNG GIÁO LÝ : Giới thiệu vài khía cạnh đặc thù của Kitô giáo
v Kitô giáo : Tôn giáo đòi hỏi tính cộng đoàn (Giáo hội tính)
v Kitô giáo : Gặp gỡ và qui tụ chung quanh một Đấng đang sống : Đức Giêsu-Kitô.
v Kitô giáo : Tôn giáo mặc khải.

A/. KITÔ GIÁO : TÔN GIÁO ĐÒI HỎI TÍNH CỘNG ĐOÀN :
v Kitô giáo : Cộng đoàn của những người tin vào Đức Kitô phục sinh qui tụ lại chung quanh Ngài. Cộng đoàn qui tụ lại đó được gọi là GIÁO HỘI hay HỘI THÁNH.
v Giáo Hội phát xuất từ ý định của Thiên Chúa khi Ngài “triệu tập” dân Ít-ra-en để chuẩn bị cho “cuổc triệu tập chính thức” với Chúa Giêsu-Kitô để làm nên Giáo Hội. (Giáo Hội = Eckletos = Ecclesia = Cuộc triệu tập)
v Đặc tính cốt yếu của Kitô giáo, vì thế, mang tính cộng đoàn, tập họp. Chỉ có thể là Kitô hữu khi được hội nhập vào cộng đoàn, hiệp thông với cộng đoàn, sinh hoạt trong cộng đoàn.
v Chính trong, nhờ và với cộng đoàn, niềm tin Kitô giáo được cử hành, biểu lộ và phát triễn.
v Mọi hình thức tách biệt, ly khai khỏi cộng đoàn sẽ dẫn tới việc cắt đứt, huỷ hoại, khô héo niềm tin.


B/. KITÔ GIÁO ; CUỘC QUI TỤ CHUNG QUANH ĐỨC KITÔ :
v Kitô giáo : Không bao giờ là một “tưởng niệm đơn thuần một nhân vật đã khuất”, hay chỉ là thực thi một số lý thuyết của một Đấng đã qua đời để lại ; Kitô giáo cốt yếu đó là qui tụ, gặp gỡ một Đấng Đang Sống, một Ngôi Vị đang hiện diện : Đức KITÔ PHỤC SINH
v Đức Giêsu-Kitô phục sinh chính là trung tâm của niềm tin Kitô giáo.
v Biến cố Đức Giêsu-Kitô đã chiếm một vị trí nhất định trong lịc sử loài người :
- Ngay sinh của Ngài đã được nhân loại chọn làm cột mốc để phân chia lịch sử : (Lịch công nguyên, Dương lịch : B.C = Before Christ : Để xác định các năm trước Công Nguyên hay trước Chúa Kitô ; A.D = Annus Domini : Để xác định các năm từ Chúa Kitô đến nay)
- Ngày sống lại của Ngài đã biến “Ngày Thứ Nhất trong tuần” thành “Ngày Chúa Nhật”
v Mọi cuộc cử hành phụng vụ Kitô giáo hôm nay là để “tưởng niệm-tái diễn” các hành vi cứu độ của Đức Giêsu-Kitô để tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi con người.

C/. KITÔ GIÁO : TÔN GIÁO DỰA TRÊN MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA :
v Các chân lý, tín điều của Kitô giáo không do trí óc của con người nhưng phát xuất từ “SỰ MẶC KHẢI” của Thiên Chúa.
v Thiên Chúa mặc khải có nghĩa là Thiên Chúa yêu thương tỏ lộ những huyền nhiệm về bản thân Ngài, về các ý định và hành vi cứu độ của Ngài, về huyền nhiệm vũ trụ và con người để con người biết và tin.
v Thiên Chúa mặc khải bằng nhiều cách :
- Bằng con đường cảm nghiệm phổ thông qua vũ trụ vạn vật, qua tiếng nói lương tâm, qua lý trí tự nhiên…
- Bằng con đường “chuyển tải trung gian” Lời mặc khải qua các Ngôn sứ được tuyển chọn và ban ơn linh hứng.
- Bằng con đường “phát ngôn và chứng nhân trực tiếp” qua chính Người Con Một, tức Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể-làm người, Đức Giêsu-Kitô, Vị “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
v Việc thực hành niềm tin Kitô giáo đích thực đó là không ngừng nỗ lực Tin, đón nhận và thực thi Lời mặc khải của Thiên Chúa (Lời Chúa).

III. SINH HOẠT : ĐỌC VÀ TÌM HIỂU KHÁI QUÁT KINH TIN :
v Ý nghĩa tổng quát : Bảng tóm 5 mầu nhiệm cơ bản :
1. Tin có Một Đức Chúa Trời.
2. Tin Đức Trời là Đấng Thưởng phạt, công minh vô cùng.
3. Tin Đức Chúa Trời có Ba Ngôi : Cha, Con, Thánh Thần.
4. Tin Ngôi Thứ Hai ra đời làm người, Đức Giêsu-Kitô.
5. Tin Ngôi Thứ Hai, Đức Giêsu-Kitô chịu chết, sống lại để cứu chuộc loài người.
v Tập đọc chung Kinh Tin Thật :
Lạy Chúa con, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng Thưởng phạt vô cùng. Con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ. Bấy nhiêu điều ấy cùng các điều Hội Thánh dạy thì con tin vững vàng. Vì Chúa là Đấng Thông minh và chân thật vô cùng đã phán truyền cho Hội Thánh. Amen.

IV. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC :
v Im lặng một lát.
v Đọc chung kinh TIN.


____________



BÀI III : KINH THÁNH, LỜI THIÊN CHÚA

I. KHAI MẠC :- Dấu Thánh Giá, hát : Lạy Chúa xin ban.
- Nghe Tin mừng : Ga 3,16-17.
- Điểm danh, ghi danh
- Giới thiêu nội dung giáo lý :

II. NỘI DUNG GIÁO LÝ : KINH THÁNH của người Kitô hữu

v Mọi chân lý đức tin đều bắt nguồn từ kho tàng MẶC KHẢI của Thiên Chúa.Một phần Lời Mặc Khải của Thiên Chúa được các Thánh Ký (Người được ơn Linh hứng để ghi chép Kinh Thánh) chép thành sách gọi là sách Kinh Thánh.
v Kinh thánh gồm 2 phần, với 73 tác phẩm.
v Kinh thánh là lẽ sống của người Kitô hữu

A/. CHÂN LÝ ĐỨC TIN PHÁT XUẤT TỪ LỜI MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA :

v Đức tin Kitô giáo dựa trên Lời Mặc Khải của Thiên Chúa. Một phần Lời Mặc khải đó được ghi chép trong một Bộ Sách gọi là Kinh Thánh.
v Tác giả duy nhất của Kinh Thánh là chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã kêu gọi, lựa chọn một số người và ban cho họ ơn Linh hứng, để họ trung thành ghi chép và chuyển tải sứ điệp Lời Ngài. Những vị chép Lời mặc khải đó được gọi là Các Thánh Ký.

B/. KINH THÁNH, SÁCH GIAO ƯỚC :
v Sách Kinh Thánh (hoặc Thánh Kinh), còn được gọi là Sách Giáo ước. Vì Thánh Kinh ghi lại những lời ước hẹn, cam kết của Thiên Chúa với Dân Ngài để qua những lời “Giao ước” đó, họ nhận biết về Ngài và các ý định yêu thương của Ngài, nhất là nhận biết chương trình cứu độ mà Ngài thực hiện trong Con Một Ngài là Đức Kitô.
v Sách Kinh Thánh gồm có hai phần : CỰU ƯỚC và TÂN ƯỚC. Thánh kinh cựu ước và Tân ước khác nhau trong những điểm căn bản nầy :
- Thời điểm ghi chép : Thánh kinh Cựu ước có trước thời Chúa Giê-su, là Sách Thánh của Đạo Do Thái, được ghi chép trong khoảng từ năm 1200 đến năm 100 trước Công nguyên. Tân ước được ghi chép vào hậu bán thế kỷ 1 sau Công nguyên.
- Nội dung chứa đựng : Thánh Kinh Cựu Ước gồm có 46 tác phẩm, chứa đựng các giáo huấn cao siêu về Thiên Chúa, con người và mầu nhiệm cứu độ của Ngài với “chủ đích là chuẩn bị cho ngày xuất hiện của Đấng Cứu Thế”. Trong khi đó, Tân Ước chỉ có 27 tác phẩm, tập chú vào mầu nhiệm Chúa Giêsu-Kitô, Đấng đã đến để kiện toàn Giao ước bằng cuộc Tử nạn, phục sinh, ban Thánh Thần và thiết lập Hội Thánh. Trong toàn bộ Kinh Thánh, 4 cuốn Tin Mừng của Tân ước chiếm vị trí cao cả và quan trọng nhất, vì tập chú vào cuộc đời và sứ điệp của chính Chúa Giêsu, là “Lời Nhập Thể”, là “Mặc khải tối hậu” của Thiên Chúa.

C/. KINH THÁNH TRONG NHỊP SỐNG ĐỨC TIN

v Lời Chúa luôn là sức mạnh và quyền năng để nâng đỡ và tăng cường đời sống Hội Thánh, ban sức mạnh đức tin, làm lương thực linh hồn, ánh sáng soi, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho Dân Chúa.
v Người Kitô hữu luôn dùng Thánh Kinh để đọc kinh, cầu nguyện, học hỏi, thành tâm lắng nghe, và nỗ lực thực hành; vì kinh nguyện phải đi đôi với Lời Chúa thì sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người mới sinh động và trọn hảo. Trong khi đó, nếu được Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn thì mọi việc làm của chúng ta sẽ được thành tựu như ý Chúa.

III. SINH HOẠT : TẬP CẦU NGUYỆN ĐƠN SƠ VỚI LỜI CHÚA
v Cầm trí, yên lặng một lát và thưa với Chúa một lời nguyện tắt : “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”, (hoặc một lời khác như : “Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài”, “Lạy Chúa xin dạy con cầu nguyện”, “Lạy Chúa xin soi lòng mở trí cho con”…)
v Đọc chậm rãi một đoạn Kinh Thánh (đọc lại một lần nữa). Dừng lại ở một câu nào tâm đắc nhất, nhắc đi nhắc lại câu đó nhiều lần và tự hỏi : Chúa muốn nói điều gì với con đây ? Yên lặng để lắng nghe một lát.
v Cho dù cảm có nhận được tiếng Chúa hay không, vẫn dâng lên Ngài một Lời tạ ơn : Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa, vì Chúa đã ban Lời hằng sống cho con (Hoặc : Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, vì Chúa đã dạy bảo con…). Xong đó đọc một kinh Lạy Cha kết thúc.

IV. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC :
v Im lặng một lát.
v Đọc chung kinh TIN.


________




BÀI IV : THIÊN CHÚA CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

I. KHAI MẠC :- Dấu Thánh Giá, hát : Lạy Chúa xin ban.
- Nghe Tin mừng : Mt 6,26.
- Điểm danh, ghi danh
- Giới thiêu nội dung giáo lý :

II. NỘI DUNG GIÁO LÝ : GIỚI THIỆU CHÂN DUNG THIÊN CHÚA CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
v Thiên Chúa Đấng Quyền năng đang hiện diện
v Thiên Chúa là Người Cha yêu thương.
v Thiên Chúa là cộng đồng Tình yêu Ba Ngôi Vị
A/. THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG QUYỀN NĂNG

Qua Lời mặc khải trong Kinh Thánh, đặc biệt trong Cựu ước, chúng ta tin rằng :
- Chỉ có một Thiên Chúa độc nhất, chân thật
- Ngài là Đấng Thánh, Toàn năng, hằng hữu.
- Ngài giàu lòng xót thương, ban ơn cứu độ.

B/. THIÊN CHÚA NGƯỜI CHA YÊU THƯƠNG
Tuy nhiên, chỉ với Đức Giêsu-Kitô, chân dung của một Thiên Chúa là Cha yêu thương mới được khắc hoạ rõ nét qua chính Lời Ngài, đời Ngài. Người Kitô hữu tôn thờ, cầu nguyện, gặp gỡ một Thiên Chúa trong tư thế của một người con thảo hiền, kính yêu và xác tín vào Đấng Thiên Chúa giàu lòng nhân ái, rất mực khoan dung và hay tha thứ.

C/. THIÊN CHÚA LÀ CỘNG ĐỒNG TÌNH YÊU BA NGÔI VỊ

v Bản chất sâu xa của Thiên Chúa chính là TÌNH YÊU. Đó là tình yêu trao ban, tình yêu tự hiến, tình yêu thần hoá.
v Tình yêu cũng chính là ý nghĩa cuối cùng để cắt nghĩa huyền nhiệm một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi : Cha, Con, Thánh Thần. Quả thật Thiên Chúa Ba Ngôi đó là một “cộng đồng tình yêu”, hiệp nhất tuyệt đối và vĩnh hằng. Huyền nhiệm “Một Thiên Chúa Ba Ngôi Vị” cũng chính là cốt lõi của đức tin Kitô giáo. Thiên Chúa của người Kitô hữu là Thiên Chúa Ba Ngôi.
v Cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, và học biết sống yêu thương như Thiên Chúa đó chính là lẽ sống, là đường đi, là niềm tin của người Kitô hữu.

III. SINH HOẠT : Tập đọc kinh Lạy Cha chung.
Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện Danh cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

IV. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC :
v Yên lặng một lát.
v Đọc chung kinh Lạy Cha.

AugustineTuanBao
10-03-2011, 10:08 AM
BÀI V : ĐỨC GIÊSU-KITÔ, THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI



I. KHAI MẠC :- Dấu Thánh Giá, hát : Lạy Chúa xin ban.
- Nghe Tin mừng : Ga1, 14.
- Điểm danh, ghi danh
- Giới thiêu nội dung giáo lý :

II. NỘI DUNG GIÁO LÝ : Giới thiệu ĐỨC GIÊSU-KITÔ
(Đọc thêm bài 10 : Giêsu, Đấng Cứu Thế trong sách “Ta là ánh sáng trần gian, giáo lý dự tòng, trang 30)

v 4 Sách Tin mừng là những chỉ dẫn cốt yếu và cần thiết để học biết Chúa Giêsu-Kitô.
v Tin mừng trình bày cuộc đời Chúa Giêsu-Kitô.

A/. 4 SÁCH TIN MỪNG : CHỨNG TỪ VỀ CHÚA GIÊSU
v Muốn biết rõ về Chúa Giêsu, trước hết phải thành tâm đọc và lắng nghe các sách TIN MỪNG. Đó là 4 cuốn sách đầu tiên trong bộ Kinh thánh Tân ước, với nội dung cốt yếu là cuộc đời và sứ điệp Chúa Giêsu, từ lúc Ngài giáng sinh làm người đến khi Ngài hoàn tất sứ mệnh trần thế, lên trời ngự trên cõi vinh quang.
v Bốn tác giả cũng là 4 tên gọi của các sách Tin Mừng đó là :
- Matthêô : Nhân viên thuế vụ trở thành sứ đồ.
- Marcô : Một môn đệ trẻ ở Giêrusalem.
- Luca : Y, sĩ, bạn đường của Thánh Phaolô
- Gioan : Vị Sứ đồ được Chúa Giêsu thương mến đặc biệt.
v Ngoài các sách Tin mừng, còn có các tư liệu mặc khải khác của Tân ước cũng như Cựu ước là những chỉ dẫn cần thiết về Chúa Giêsu. Cũng có những chứng cứ ngoài Kitô giáo chứng thực về Chúa Giêsu như Sử gia Tacite (năm 115 A.C)

B/. CÁC TIN MỪNG TRÌNH BÀY MẦU NHIỆM CHÚA GIÊSU

v Toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu là một mầu nhiệm sâu thẳm, vĩ đại hướng về 3 mục tiêu chính :
- Mặc khải Chúa Cha : “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9)
- Để cứu chuộc con người : “Con Người đến…để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
- Để qui tụ muôn người tiến về hiệp thông với Thiên Chúa : “Và không chỉ thay cho dân mà thôi nhưng còn để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).
v Tin mừng trình bày cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu diễn ra qua các mầu nhiệm chính :
a/. Các mầu nhiệm thời thơ ấu và ẩn dật :
- Mầu nhiệm Giáng Sinh : Truyền tin, Thăm viếng, Giáng Sinh
- Các biến cố trong thời thơ ấu :
v Cắt bì vào ngày thứ tám sau khi sinh
v Các đạo sĩ đến kính viếng
v Dâng Chúa vào đền thờ
v Di tản sang Ai Cập và Hê-rô-đê tàn sát trẻ thơ.
v Lạc trong đền thờ khi lên 12 tuổi

b/. Các mầu nhiệm cuộc đời công khai :
v Khai mạc : Chịu phép rửa, ăn chay 40 đêm ngày và chịu cám dỗ.
v Rao giảng Nước Thiên Chúa : bằng lời nói, việc làm, dấu lạ.
v Chọn “nhóm Mười Hai” làm nền tảng Hội Thánh
v Hiển dung trên núi Ta-bo và loan báo cuộc khổ nạn-phục sinh.
v Lên Giêrusalem lập Bí tích Thánh Thể và hoàn tất cuộc sống tại thế qua cuộc khổ nạn – phục sinh- lên trời.

III. SINH HOẠT : Tập hát bài “Chúa Kitô là Đường”
IV. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC :
v Yên lặng một lát.
v Đọc chung kinh Lạy Cha, hát bài “Chúa Kitô là Đường”


________________





BÀI VI : GIỚI THIỆU HỘI THÁNH CHÚA KITÔ

I. KHAI MẠC :- Dấu Thánh Giá, hát : Lạy Chúa xin ban.
- Nghe Tin mừng : Ga17, 11.
- Điểm danh, ghi danh
- Giới thiêu nội dung giáo lý :

II. NỘI DUNG GIÁO LÝ : Giới thiệu HỘI THÁNH

v Định nghĩa về Hội Thánh
v Nguồn gốc của Hội Thánh
v Đặc tính của Hội Thánh

A/. ĐỊNH NGHĨA VỀ HỘI THÁNH :
v Công đồng Vatican II : “Hội Thánh là cộng đoàn của những kẻ được Chúa Cha tuyển chọn trong Chúa Kitô, để nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cộng đoàn đó làm nên một Dân Tộc hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa”
v Định nghĩa thông thường : Hội Thánh là đoàn Dân Mới của Thiên Chúa, hiệp nhất với nhau trong niềm tin vào Chúa Ki-tô và được tái sinh nhờ phép Rửa Tội.

B/. NGUỒN GỐC HỘI THÁNH : Hội Thánh bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi :
v Chúa Cha muốn qui tụ mọi người trong Chúa Kitô (Ep 1,4.5.10)
v Chúa Kitô đã thiết lập Hội Thánh trên trần gian qua việc Nhập Thể, cái chết và sự sống lại của Người (Ga 19,34;12,32)
v Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh chính thức hình thành, sống và tăng trưởng (Cv 2,1-40 ; Ep 4,11).

C/. ĐẶC TÍNH CỦA HỘI THÁNH :

v Các đặc tính thuộc Tín điều để tuyên xưng : "Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền".
- Duy nhất : Một đức tin, một nền Phụng vụ, một cơ cấu lãnh đạo và điều hành trên nền “Đá Tảng Phêrô”.
- Thánh thiện : Đức Kitô là nguồn mạch sự thánh thiện và Chúa Thánh Thần luôn gìn giữ, thánh hóa qua các phương thế thánh (Bí tích) đã đem lại nhiều hoa trái thánh thiện. Tuy nhiên, “Hội Thánh vì ôm ấp những kẻ tội lỗi trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa luôn phải thanh tẩy” (Hc HT 8).
- Công Giáo : Cho mọi người, mọi thời đại mọi nền văn hóa.
- Tông truyền : Kế thừa liền lạc và trọn vẹn di sản Đức tin và giáo lý từ Các Tông Đồ được thể hiện qua vai trò các vị Chủ chăn kế vị Thánh Phêrô, qua Giám mục đoàn kế vị các Thánh Tông đồ, qua hàng Tư tế thánh được trao ban bí tích Truyền Chức kể từ Các Tông đồ.

v Đặc tính thuộc phạm vi lãnh đạo, gia nhập :
- Một Chủ Chăn : Chỉ một mình Chúa Ki-tô là người chăn chiên hướng dẫn Hội Thánh; nhưng Ngài đã chọn thánh Phê-rô và các Tông đồ khác giúp Ngài hướng dẫn Hội Thánh trên trần gian. Hiện nay, người kế vị Thánh Phêrô là Đức Giáo Hoàng ở Rô-ma và các Đức Giám mục trên toàn thế giới. (ĐGH hiện nay là Đức Bênêđictô XVI và ĐGM giáo phận Qui nhơn là Đức Cha Phê-rô Nguyễn Soạn).
- Một đoàn chiên : Tất cả mọi người không trừ ai gia nhập vào Hội Thánh thì được thuộc về Thiên Chúa, trở nên chi thể trong Thân Mình Đức Ki-tô. Nếu trung thành giữ trọn ơn nầy thì sẽ được ơn cứu rỗi.

III. SINH HOẠT : Tập đọc kinh Tin Kính (Các Tông Đồ)

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu-Kitô là Con Một Đức Cha cùng là Chúa chúng tôi. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria đồng trinh. Chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác. Xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chét mà sống lại. Lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế nầy, các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội, tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

IV. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC :
v Yên lặng một lát.
v Đọc chung kinh Tin Kính.



_______________________





NGHI LỄ TIẾP NHẬN LÀM NGƯỜI DỰ TÒNG


(Giai đoạn Phụng vụ I)
Lưu ý :
v Cử hành trong Thánh lễ
v Có các dự tòng và người bảo lãnh tham dự



I. NGHI THỨC ĐẦU LỄ :

v Đoàn Dự tòng và người bảo lãnh tập trung ở tiền đường nhà thờ hay một nơi thích hợp trong nhà thờ.
v Chủ tế tiến ra trong khi cộng đoàn hát Ca nhập lễ.



LỜI KHUYÊN NHỦ
v Chủ tế khai mạc, chào và bày tỏ lời khuyên nhủ :…
v Chủ tế mời các dự tòng và người bảo lãnh tiến lên. (Trong khi tiến lên, có thể hát 1 bài thích hợp)



LỜI ĐỐI THOẠI
v Khi đến trươc câu lơn cung thánh (hoặc một nơi thích hợp), Chủ tế đứng trước các dự tòng (sắp hàng ngang), xướng tên các dự tòng. Khi nghe xướng tên mình, các dự tòng thưa : Có mặt.
v Khi xướng tên xong, Chủ tế hỏi chung : Quí ông bà (anh, chị) xin gì cùng Hội Thánh Chúa. ?
v Dự tòng : Thưa con xin đức tin.
v Chủ tế : Đức tin sinh ơn ích gì cho (quí…)
v Dự tòng : Thưa, đức tin đem lại cho con sự sống đời đời.


LỜI ƯNG THUẬN DẦU TIÊN
v Chủ tế hỏi lời ưng thuận đầu tiên : (Chủ tế có thể tuỳ nghi soạn 1 lời thích hợp và dự tòng sẽ trả lời bằng 1 câu thích hợp) hoặc như sau : Anh chị em đã có được một thời gian gặp gỡ niềm tin Kitô giáo với những nét chính yếu trong nội dung đức tin nầy. Thời gian qua, cũng là dịp để quí ông bà anh chị hướng tâm hồn lên Đấng Tạo Hoá, là Thiên Chúa yêu thương, là Người Cha vẫn khát khao mong đợi những đứa con tìm về cội nguồn chân thiện mỹ. Trong cuộc hành trình của niềm tin mà quí… vừa khởi sự cũng là cơ hội để mỗi người chúng ta cùng với cộng đoàn Dân Chúa uốn nắn lại cuộc đời sao cho đúng hướng, trau dồi lương tâm cho trong sáng và thanh lọc cuộc sống sao cho đạo đức tốt lành hơn. Chính Đức Kitô là con đường, là sự khai mở, là ánh sáng giúp quí….tìm được những ý nghĩa cao quí nầy. Nhờ sức mạnh của Thần Khí Đức Kitô tác động và dẫn bước, chắc chắn quí…đã tìm thấy ý nghĩa đích thực và mục tiêu chắc chắn của cuộc đời hôm nay và vĩnh cửu.
Vậy, trong tinh thần hiệp thông huynh đệ, tôi muốn nhân danh cộng đoàn hỏi quí…. rằng : hôm nay, quí…..đã sẵn sàng bước đi trên con đường của Đức Kitô chưa ?
v Dự tòng : Chúng con sẵn sàng bước đi trên con đường của Chúa Kitô.
v Chủ tế : (Quay về phía những người bảo lãnh) hỏi : Là những người bảo lãnh và giới thiệu các dự tòng nầy với cộng đoàn Dân Chúa, quí… có sẵn lòng giúp những người nầy tìm gặp và bước theo Chúa Kitô không ?
v Những người bảo lãnh : Chúng con sẵn lòng giúp họ
v Chủ tế : (Chắp tay đọc lời nguyện) : Lạy Chúa Cha nhân từ, chúng con cảm tạ Chúa vì những tôi tớ Chúa đây, nhờ ơn Chúa kêu gọi thúc đẩy bằng nhiều cách, họ đã tìm kiếm Chúa, và hôm nay trước mặt chúng con, họ đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. Vậy lạy Chúa, mọi người chúng con ngợi khen và chúc tụng Chúa.
v Cộng đoàn : Lạy Chúa, chúng con ngợi khen và chúc tụng Chúa.



LÀM DẤU THÁNH GIÁ NƠI TRÁN

v Chủ tế : Vậy anh chị em thân mến, bây giờ xin mời anh chị em hãy đến cùng với người bảo lãnh để lãnh nhận dấu chỉ địa vị mới của anh chị em
v (Chủ tế dùng ngón tay cái ghi dấu Thánh Giá trên trán các dự tòng) và đọc : (Quí…) hãy nhận lấy dấu thánh giá trên trán : chính Chúa Kitô dùng dấu yêu thương của Người mà bảo vệ (quí….). Giờ đây, quí…hãy học biết và bước theo Người.
v Sau khi chủ tế ghi xong, người bảo lãnh, giáo lý viên…tuỳ nghi ghi dấu thánh giá trên trán các dự tòng.
v Xong nghi thức trên, chủ tế mời các dự tòng vào nhà thờ hoặc một nơi thuận tiện : Xin mời quí (…) tiến vào thánh đường để cùng với cộng đoàn Dân Chúa tham dự bàn tiệc Lời Chúa.



II. NGHI THỨC SAU BÀI GIẢNG



v Sau bài giảng, các dự tòng lên sắp hàng trước câu lơn cung thánh. Chủ tế đến trước họ.
v Chuẩn bị sách Phúc âm (Nếu có thể, chuẩn bị các Thánh giá nhỏ nếu có trao thánh giá tiếp theo)



TRAO SÁCH PHÚC ÂM



v Chủ tế : Quí (…) hãy nhận lấy sách Phúc âm của Đức Giêsu-Kitô Con Thiên Chúa (Kính cẩn trao sách Phúc âm cho các người Dự tòng).
v Dự tòng : Con xin lãnh nhận.


(Nếu có thể, sau đó trao thánh giá cho dự tòng)





LỜI NGUYỆN CHO CÁC DỰ TÒNG



v Chủ tế : Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện cho các anh chị em dự tòng
1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các anh chị em dự tòng càng ngày càng học biết và yêu mến Chúa nhiều hơn.
2. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các anh chị em dự tòng luôn tìm thấy tình bác ái huynh đệ và sự khích lệ nâng đỡ của cộng đoàn Dân chúa trong cuộc hành trình đức tin.
3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các anh chị em dự tòng nhiều sự khôn ngoan và tình yêu của Chúa Thánh Thần để luôn can đảm vượt qua mọi thử thách và nhiệt thành bước đi trên con đường của Chúa Kitô.

v Chủ tế kết thúc : (Chủ tế giơ hai tay về phía dự tòng và đọc) : Chúng ta hãy cầu nguyện.
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương đón nhận những lời cầu xin tha thiết của chúng con và tuôn đổ muôn ơn cần thiết để những anh chị em dự tòng của chúng con đây được đầy tràn niềm vui ơn cứu độ và hăng hái tiến bước về giếng nước tái sinh để cùng với các tín hữu Chúa sống cuộc đời phong phú hôm nay và mai ngày được hưởng phúc trường sinh trong Nước Chúa. Chúng con…
v Cộng đoàn : Amen.
Lưu ý :
v Sau đó hoặc giải tán các dự tòng hoặc vì lý do chính đáng, để họ ở lại tham dự Thánh lễ.
v Cộng đoàn tiếp tục dâng Thánh Lễ với “Lời nguyện giáo dân của Thánh lễ hôm ấy, kinh Tin kính nếu có, rồi đến phần dâng của lễ.



~~~000~~~





MỘT SỐ BÀI HÁT
1. Lạy Chúa xin ban :
ĐK. Lạy Chúa xin ban xuống trên chúng con Thần Trí Tác Tạo của Chúa, Người đổi mới tâm can, đổi mới muôn lòng.
1. Người sẽ ban cho chúng con nhớ lại Lời Hằng sống Chúa truyền ban
2. Người sẽ ghi trong trái tim chính lề luật tình mến Chúa truyền ban.

2. Gặp gỡ Đức Kitô :
ĐK : Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Kitô, chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ Đức Kitô, nảy sinh tình đệ huynh.
1. Nguồn suối nếu bế tắc thì giòng sông mau cạn khô. Tình yêu không Kitô ôi tình yêu sao cằn cỗi. Vì Chúa chính nguồn suối, nguồn yêu thương vô biên. Biển yêu thương nối liền hoang đảo giữa đại dương.
2. Cuộc sống kiếp lữ khách, lộ trình xa ôi thật xa. Đường nguy nan phong ba, đơn độc sức hơi kiệt ngã. Kìa bỗng Chúa hiện đến, nhẹ nâng tay con lên, ủi an như mẹ hiền, chính Ngài là Chúa bình yên.

3. Tâm tình dâng hiến
ĐK: Biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền, hồng ân Chúa cao vời, Chúa đã làm cho con.
1. Thương con từ ngàn xưa, một tình yêu chan chứa, và chọn con đi làm đuốc sáng chiếu soi trần gian. Cho con say tình mến, và này con xin đến, một đời trung trinh làm muối đất ướp cho mặn đời.

4. Hành trang người trẻ
ĐK : Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời. Lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng. Cùng với lớp sóng người hành hương về nhà Chúa đi, về nhà Chúa đi.
1. Hành trang con mang theo đầy đau buồn của thế giới. Hành trang con mang theo trào căm hờn của dân nghèo. Về đây xin dâng Cha trong lo âu. đưa hai tay muốn chung xây thế giới mới.
2. Hành trang con mang theo là Tin Mừng cho thế giới. Hành trang con mang theo là khắc khoải của tâm hồn. Về đây xin dâng Cha bao hăng say, đưa hai tay muốn tung gieo ánh sáng mới.

5. Tình yêu Thiên Chúa
ĐK: Tình yêu Thiên Chúa như trăng như sao, đưa con lên cao ôi nào biết lấy chi báo đền ? Chúa dắt dìu con đi qua đêm đen cho con ca khen tình yêu Chúa ôi như đại dương. Tình yêu Thiên Chúa chói sáng khắp chốn, gội sạch tội đời, ôi tình Chúa sao quá cao vời ! Con quyết trọn đời dâng hiến xác thân, loan báo thiên ân cho khắp nhân trần.
1. Người đã thương con từ thủa xa xôi chưa có bầu trời. Nào ai có biết con đã từ đâu sinh đến trong đời. Chúa đã thương con nên có đôi môi con ca ngàn khúc hát vang lên ngợi khen.
2. Trời đất bao la dành hết cho ta đâu có tình cờ. Tình yêu Thiên Chúa đã tác tạo nên sông núi trên đời. Trong gió lên khơi, trong tiếng mưa rơi, nghe như là tiếng Chúa trong tim mọi người.
3. Ngày tháng hôm nay, và mãi tương lai, Chúa biết từng ngày. Đời con đang sống dẫu có đổi thay, tay Chúa an bài. Mưa gió miên man, hay nắng hân hoan, môi luôn tràn tiếng hát tâm tư bình an.
4. Nhìn ngước lên cao, ngàn ánh trăng sao, tinh tú dạt dào. Nào ai dám nói đất thấp trời cao, Chúa ở nơi nào ? Chúa ở bên con, dẫu có xa xôi như đôi hình với bóng theo nhau mọi nơi.


6. Đâu có tình yêu thương
ĐK: Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi là đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan nguồn vui.
1. Nài xin tha thiết Thượng Đế muôn tình lân ái xin hãy đổ đầy linh hồn tình yêu thiết tha. Yêu Chúa hết lòng hết sức hết cả trí khôn, cùng yêu anh em như Chúa mến yêu chúng con.
2. Nguyện xin Thiên Chúa đoàn kết muôn người một ý. Xin hãy duy trì trí lòng hòa hợp mến yêu. Diệt tan căm thù chia rẽ oán hờn ghét ghen. Gìn giữ Đức Ái: yêu Chúa mến thương anh em.

7. Trông cậy chúa
1. Con vẫn trông cậy Chúa, lòng con tin tưởng nơi Ngài. Con hy vọng vào Ngài, đời con nương bóng Chúa thôi. Con xin trao về Chúa niềm tin và ước mơ này, được quên đi những lo âu, tìm vui theo bước chân Cha.
ĐK: Con vẫn trông cậy Chúa, khác nào em bé ngủ yên trong tay mẹ hiền bên lời yêu mến. Tình Chúa mãi mãi theo con, cho tâm hồn dù trong mưa gió mãi mãi bình yên, mãi mãi bình yên.
2. Giữa tháng năm đời sống nhiều khi mưa đổ bên trời. Đam mê nặng lòng người, niềm đau khơi nước mắt rơi. Những ánh sao còn đó, còn tin yêu ngước lên trời, tình thương Thiên Chúa muôn nơi, ngàn năm soi ấm tin vui.
3. Nếu Chúa không gọi nắng thì hoa đâu nở trong vườn. Con không tựa vào Ngài đời con như lá úa phai. Yêu đuối trong cuộc sống, đời con tay trắng hư không, đường đi sông núi mênh mông, làm sao qua hết long đong.

8. Kinh hòa bình
Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

9. Lắng nghe Lời chúa
1. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con lúc lẻ loi. Xin cho con cất tiếng lên trả lời và vâng nghe theo Chúa. Xin cho con biết thân thưa: 'Lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi ?'
ĐK: Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.
2. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong cuộc sống. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài từng theo bước đời con. Xin cho con biết sẵn sàng chờ đợi và vâng nghe theo Chúa. Xin cho con biết sẵn sàng thực lành Lời Chúa đã truyền ban.

10. Cầu cho cha mẹ 6
1. Cảm tạ Chúa đã ban cho con ngàn ngày vui một mái gia đình, cho con an bình nhờ tay cha mẹ. Dạt dào dòng sữa thơm từ vành môi, ngọt ngào ngào từng bữa cơm lành tràn vui, nước mắt mồ hôi những ngày tháng trôi. Thương con nắng mưa dãi dầu đẹp màu ân nghĩa biển sâu.
ĐK: Nguyện cầu Chúa xuống ơn cho mẹ cha, dù cuộc sống khó khăn hơn ngày qua, Chúa theo đường xa giúp cho mẹ cha, trung kiên niềm tin thiết tha.
2. Nguyện cầu Chúa dẫn đưa con thơ, dạy lòng con đền đáp ân tình, luôn yêu gia đình và thương cha mẹ. Vì đời này có bao ngày dần qua, một ngày nào đó không còn mẹ cha, có nhớ tình sâu, biết đền đáp đâu. Xin cho những ai còn cha mẹ, vẹn tròn nghĩa hiếu tình son.

11. CON RA ĐỜI
1. Con ra đời có mẹ cha, là trời cao biển lớn bao la. Từng ngày qua giữa tuổi ngọc ngà, con là nụ hoa bé nhỏ ngọc ngà. Nhờ công cha, nhờ nghĩa mẹ, con khôn lớn trong muôn lời ca.
ĐK. Xin ơn trên đổ xuống muôn nhà, giúp mẹ cha ngày tháng an hoà. Bao nhọc nhằn sinh trái đơm hoa. Xin cho con ở giữa gia đình, sống làm sao đền đáp ân tình, ơn biển trời ghi khắc trong tim.
2. Nuôi con bằng sửa tình yêu và dạy con bằng tiếng thương yêu. Là nụ hoa bé nhỏ dại khờ, con nhờ mẹ cha mới trở nên người, bàn tay cha, dòng sửa mẹ, xin ghi khắc không bao giờ quên.

12. Ngày xưa
1. Ngày xưa khi hoa nở miền Cana, khi đôi lứa (í-a) chung đường, Chúa đã nâng ly rượu nồng, Ngài nâng nâng ly rượu chúc hôn, Ngài say theo men của cuộc đời, Ngài chung vui với người vui, Ngài ban ơn thiêng với tình người, Ngài thánh hóa đời lứa đôi.
ĐK. Nguyện xin Giêsu thương mến cho duyên tình mãi nở hoa, nguyện xin Giêsu đến trong nhà cho đời hòa tiếng ca.
2. Nhiều khi xem hoa nở chờ trăng lên nương tay sẻ đón lời ru hời, Chúa đã vui trong phận người, Ngài vui trong thân phận chúng con, Ngài xem muôn hoa thắm vườn, Ngài nghe tiếng hát mẹ cha, Ngài ba mươi năm sống thuận hòa, và thấy nghĩa tình thiết tha.
3. Tình yêu xin muôn thuở đẹp lung linh, trăm năm mãi có ta có mình, dắt dìu nhau trên đường tình, dìu nhau trên con đường mến yêu, dù khi an vui lúc ngậm ngùi, tình luôn son sắt đẹp tươi, niềm tin linh thiêng giữa dòng đời, là gió giúp thuyền lướt trôi.


__________



Lm. Giuse Trương Đình Hiền