PDA

View Full Version : GLV và Những Đức Tính Cần Thiết



AugustineTuanBao
18-03-2011, 06:04 PM
Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi ” (GI 2,20). Công việc huấn giáo được ủy thác cho Giáo lý viên có nguồn gốc và chủ đích vừa tự nhiên vừa siêu nhiên, nên nó đòi hỏi Giáo lý viên nhiều đức tính nhân bản và siêu nhiên.

I. ĐỨC TÍNH NHÂN BẢN:
Là người của Chúa, Giáo lý viên trước tiên phải là người của mọi người, là anh chị em giữa các anh chị em học viên.
Trau dồi các đức tính nhân bản, vì thế, là yếu tố cần thiết giúp Giáo lý viên nên dụng cụ và đạt kết quả cao:
1. Hiền lành:
Giáo lý viên là người rao giảng lời Chúa, loan truyền sứ điệp của Chúa, nên phải mặc lấy sự hiền lành và khiêm hạ của Chúa Kitô (x. Mt 14,29). Đây là một đức tính có sức thuyết phục cao. Kẻ hiền lành thì biết:
Nhẫn nại và hy vọng: Nóng nảy và cau có dễ làm trẻ khiếp đảm, đóng cửa lòng và như thế chúng sẽ không thích học. Bấy giờ Giáo lý viên dạy ai?
Cảm thông: Chúa Giêsu hiền lành và biết cảm thông với Phêrô nóng nảy, với Giakêu và Mađalêna tội lỗi. Giáo lý viên cần biết cảm thông với học viên dại khờ, dốt, yếu kém … chúng cần những người cha, người mẹ, người anh, người chị dịu hiền và mau tha thứ.
Dễ tha thứ: Giáo lý viên hiền lành dễ thấy cái hay, cái đẹp cũng như cái dở cái xấu nơi trẻ. Chính nhờ biết dễ tha thứ mà Giáo lý viên có thể cứu sống và vớt lên những ai đang bị chết đuối.
2. Quảng đại phục vụ và hy sinh:
Đã là “thợ”, là “dụng cụ” thì phải làm việc. Chúng ta phải biết cho đi và cho mãi: cho thời giờ, cho sức khỏe, cho khả năng …
Có quảng đại, Giáo lý viên không ngần ngại hy sinh, bỏ mình vác thập giá của đời Giáo lý viên. Quả thật, học tập, soạn bài, giảng bài, chữa bài, giúp các em sống đức tin, … đòi hỏi nhiều công sức, phải đầu tư hết chất xám của mình. Thánh Gioan Bosco nói: “Nếu vì lợi ích của các linh hồn, tôi sẳn sàng hy sinh đến liều lĩnh”.
3. Lịch sự:
Người có đức tính nhân bản là người biết lịch sự: đón nhận trẻ như quà Chúa trao gửi, coi trẻ như những nhân vị cần được phát triển, nhìn chúng như “hình ảnh” tuyệt vời của Thiên Chúa, Giáo lý viên phải biết “kính trọng” chúng và đối xử tế nhị.
Học viên của chúng ta dù ở lứa tuổi nào, dù thuộc thành phần giai cấp nào trong xã hội, đều phải được các Giáo lý viên kính trọng đúng mức và đối xử niềm nở.
Vì thế, từ cách nói năng, đến tác phong, Giáo lý viên phải đàng hoàng, lịch thiệp: ăn nói bừa bãi với trẻ, ăn mặc lượm thượm, dơ bẩn … chứng tỏ chúng ta coi thường trẻ, bất kính đối với chúng. Trái lại, trẻ em dễ bị thu hút và ham thích đến nghe, học với người xứng danh hiệu thầy, cô, anh, chị của chúng.
4. Vui vẻ:
Đối với các học viên, nhất là đối với các trẻ nhỏ. Giáo lý viên phải tỏ lộ một niềm vui tươi (giảng tin vui, tin mừng chứ không phải giảng tin buồn!)
Sự vui vẻ, vui tính sẽ làm cho lớp học chan chứa ánh sáng, bầu khí trong lành, tươi mát, khí thế hưng phấn, ham học … Ai cũng thế, nhất là trẻ em, đều thích thầy cô hiền và vui. Trước khi đến với các em, Giáo lý viên phải gạt bỏ mọi ưu tư, buồn tủi riêng tư. Gương mặt và thái độ biểu lộ một niềm vui chân thành và thanh thoát.
II. ĐỨC TÍNH SIÊU NHIÊN:
Giáo lý viên là “thợ được sai”, là “dụng cụ” được dùng, nên tất cả thành quả và hy vọng đều đặt trọn trong tay Chúa, dưới tác động của Chúa Thánh Thần.
Giáo lý vì thế cần cắm rễ sâu trong Thiên Chúa và không ngừng vươn lên trong ân sủng.
Đức tin sống động.
Đức cậy vững vàng.
Đức mến nồng nàn.
1. Giáo lý viên phải có một ĐỨC TIN sống động . Thực vậy, chỉ ai có kinh nghiệm bản thân về Thiên Chúa, mới có thể đưa anh em mình đến với Thiên Chúa. Một kiến thức chuyên môn của viên kỷ sư không nhất thiết phải ăn khớp với hạnh kiểm của ông. Nhưng trái lại, một Giáo lý viên không thể truyền đạt giáo ly, nếu không sống chính điều mình truyền dạy, bởi vì giáo lý không phải là một kiến thức suông, mà là một SỨC SỐNG. Lời Chúa mà Giáo lý viên truyền dạy không phải là văn tự chết trong sách, nhưng được thấm nhập vào cuộc đời của người giảng, và nhờ ơn thánh, trở nên sống động để đến với người nghe. Trước khi là thầy dại, Giáo lý viên phải là chứng nhân đã. Vì thế, Giáo lý viên luôn cầu xin Chúa gia tăng đức tin cho mình qua việc cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa, năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và nỗ lực sống điều mình tuyên xưng.
2. Giáo lý viên là tác nhân dụng cụ của Thiên Chúa để Lời Chúa đến với học viên. Vì thế, Giáo lý viên không dựa vào sức mình mà hết lòng CẬY TRÔNG vào ơn thánh Chúa trong viêc giảng dạy. Chắc rằng việc giảng dạy giáo lý đôi lúc dễ khô khan, học viên khó tiếp thu, tỏ ra bướng bỉnh, cũng như có những trở ngại trên đường phục vụ. Nhưng trong cậy vào Đấng sẽ hoàn tất những điều Người đã khởi sự, Giáo lý viên sử dụng tất cả những năng lực hèn kém của mình, họ tin chắc Lời Chúa sẽ không trở lại mà không sinh hoa kết quả. Do đấy, Giáo lý viên có được niềm vui chân chính. Đức cậy tỏa chiếu niềm vui này là một chứng từ và sức cuốn hút mạnh mẽ các học viên giáo lý. Giáo lý viên củng cố Đức Trông cậy ngày thêm vững mạnh nhờ chuyên cần đọc suy niệm Lời Chúa, lắng nghe và hành động theo sức tác động của Chúa Thánh Thần, rèn luyện ý chí nhờ việc chiêm ngắm và noi gương Tổ phụ Abraham, Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh.
3. Khi đáp lại lời mời gọi của chủ chăn góp phần vào việc huấn giáo, chắc chắn các Giáo lý viên đã có một LÒNG MẾN . Tin Mừng tình yêu mà Giáo lý viên được ủy thác dạy dỗ sẽ trở nên cụ thể khi Giáo lý viên trau dồi và thể hiện lòng mến. Mà lòng mến thì hiền hậu và kiên nhẫn, hết lòng bao dung, hết lòng tin cậy, chịu đựng mọi sự (x. 1 Cr 13,4-7). Giáo dục là công việc của cõi lòng, huống nữa đây lại là giáo dục đức tin, Giáo lý viên sẽ phải gia tăng lòng mến đến thế nào! Chính lòng mến ấy sẽ thôi thúc Giáo lý viên tìm cách học hỏi thêm, tìm các phương tiện có được trong tay để làm cho công việc huấn giáo được hữu hiệu (x. 2 Cr 5,14). Giáo lý viên tăng cường lòng mến nhờ chìm sâu trong cầu nguyện với Lời Chúa để Chúa Thánh Thần đốt lên ngọn lửa tình mến trong tâm hồn. Nhờ đó, Giáo lý viên luôn được thôi thúc bởi lòng trắc ẩn của Chúa Kitô: “Ta chạnh lòng thương đám đông này” (Mt 15,32) để dấn thân không mỏi mệt cho công cuộc huấn giáo, “ khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng ” (1 Cr 9,16).
III. HÀNH TRANG CỦA GIÁO LÝ VIÊN:
Với sứ mệnh cao cả và khó khăn, Giáo lý viên chỉ có thể thực hiện công việc huấn giáo khi có sẳn một số hành trang cần thiết. Đó là:
1. Tinh thần hăng say truyền giáo.
Tức là khát vọng loan báo Tin Mừng, thiết tha muốn cứu các linh hồn để mở rộng Nước Chúa. Vì thế, phải sẵn sàng sống tận hiến cho Chúa để dấn thân phục vụ cách quảng đại, không ích kỷ, cầu lợi, không sợ khó, sợ khổ.
2. Am hiểu giáo lý.
Không ai cho cái mình không có. Muốn truyền giảng Lời Chúa, cần phải am hiều Lời Chúa và tích cực sống Lời Chúa mỗi ngày. Điều đó đòi hỏi ta vừa dạy, vừa học và tiếp tục học suốt đời.
3. Biết trình bày Giáo lý.
Phải biết trình bày giáo lý thế nào để cho người nghe ham thích và muốn gặp gỡ Chúa, yêu mến Chúa. Điều này đòi hỏi Giáo lý viên phải biết những phương pháp truyền đạt phù hợp với tâm lý và trình độ lĩnh hội của người học, tức là sư phạm giáo lý.
4. Sống gương mẫu.
“ Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo ”. Giáo lý viên không chỉ rao giảng bằng lời nói nhưng cần phải rao giảng bằng chính cuộc sống làm chứng của mình. Chính Giáo lý viên phải dám để cho Lời Chúa phê phán và biến đổi đời sống mình. Nói một đàng làm một nẻo là giả hình.
5. Ý thức sứ mạng của mình.
Giáo lý viên cần biết rõ tầm quan trọng của việc dạy giáo lý và cách thực hiện.
Sứ mạng Giáo lý viên là sứ mạng chính thức được Chúa Giêsu trao cho qua Hội Thánh, cụ thể là qua cha xứ.
Sứ mạng Giáo lý viên cao cả vì là việc của chính Chúa Giêsu đã lãnh nhận nơi Chúa Cha và đã làm để cứu chuộc nhân loại. Dạy giáo lý là tham dự vào sứ mạng của Chúa Giêsu: Loan báo Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người.
Sứ mạng Giáo lý viên là sứ mạng siêu nhiên. Trong sinh hoạt, Giáo lý viên không tìm vinh dự, tiếng khen, an ủi và nâng đỡ vật chất: có hay không cũng cứ làm.
Vì việc dạy giáo lý là việc của Chúa. Chính Chúa là phần thưởng của Giáo lý viên.
Vì nguồn gốc sứ mạng là do Chúa Giêsu trao cho: “ Như Cha Ta đã sai Ta thì Ta cũng sai các con ” (Ga 20,21).
Vì mục đích việc dạy giáo lý là loan báo Tin Mừng cho mọi người lãnh ơn cứu chuộc, để họ được sống hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa ngay ở đời này và đời sau. Hội Thánh sinh ra và nuôi dưỡng các tín hữu, Giáo lý viên là thành phần của Hội Thánh, giúp Hội Thánh sinh ra và nuôi dưỡng đời sống đức tin của con cái mình.