PDA

View Full Version : Linh Mục Cũng Là Con Người



bekinhcan0612
21-03-2011, 10:13 AM
Linh Mục Cũng Là Con Người

Linh Mục Cũng Là Con Người

Linh mục cũng là con người", người ta thường nhắc lại điều hiển nhiên này khi muốn thông cảm hay biện minh cho những yếu đuối, lỗi lầm của linh mục. Nhưng tôi muốn nói tới điều hiển nhiên này ở đây như một đòi hỏi đối với người linh mục và như một thứ nguyên tắc cư xử thường ngày của linh mục.

Linh Mục Không Phải Bậc Siêu Phàm.

Trước hết, nói "linh mục cũng là con người" có nghĩa rõ ràng linh mục không phải là bậc siêu phàm. Dĩ nhiên nhìn theo quan điểm đức tin, thiên chức linh mục thật vô cùng cao cả vì linh mục được hành động nhân danh Ðức Kitô là vị Thủ Lãnh của Hội Thánh để tiếp tục công trình cứu độ của Người (x. Sắc lệnh về linh mục, số 2), nhưng thiên chức ấy là một trọng trách và một ân huệ được trao ban cho một con người trước sau vẫn chỉ là người, và không thay đổi gì nơi con người tự nhiên của họ, không bứt họ ra khỏi thân phận phàm nhân. Ý thức về chức vụ mình, người linh mục phải tự nhiên cảm thấy mình bất xứng và sợ hãi. Tất nhiên, chức vụ cao cả đòi hỏi nơi người linh mục một đời sống thiêng liêng và luân lý rất cao, nhưng đó là chuyện khác. Bằng những lời lẽ thật hùng hồn, thánh Gioan Kim Khẩu đã phác vẽ chân dung người linh mục như sau:

"Hỡi linh mục, ngài là ai?
Ngài không phải bởi ngài, vì ngài bởi hư vô,
Ngài không phải cho ngài, vì ngài là trung gian dẫn tới Thiên Chúa,
Ngài không thuộc về ngài, vì ngài phải sống cho một mình Thiên Chúa,
Ngài không phải là của ngài, vì ngài là tôi tớ của mọi người,
Ngài không phải là ngài, vì ngài là một Kitô khác.
Thế thì ngài là gì vậy? Chẳng là gì cả nhưng lại là tất cả!"

Nhà hùng biện và cũng là nhà thần học Gioan Kim Khẩu diễn tả sự cao cả của linh mục thật tài tình nhưng không mảy may dành cho linh mục một chỗ nào để tự mãn, tự kiêu. Nhìn từ bản thân ông, ông chẳng là gì cả ("hư vô"), nhưng nhìn từ sứ mạng và ân huệ của Thiên Chúa ban cho, thì ông lại là " tất cả"!

Công Ðồng Vatican II nhắc nhở các linh mục: "Công việc của Thiên Chúa mà Chúa Thánh Thần tuyển chọn các linh mục để hoàn thành, vượt quá mọi năng lực và tầm mức khôn ngoan nhân loại, vì Thiên Chúa đã lựa chọn những gì yếu hèn trong thế gian để bêu xấu những gì mạnh mẽ (1 Cr 1,27). Vậy ý thức những sự hèn yếu của mình, thừa tác viên chân chính của Chúa Kitô phải khiêm hạ làm việc..." (Sl về linh mục, số 15). Khiêm nhường là một nhân đức rất được Công Ðồng nhấn mạnh khi nói về chức vụ và đời sống linh mục.

Gần Gũi Với Mọi Người.

Linh mục cũng là con người, điều đó cũng bao hàm rằng ông không ở bên trên hay bên ngoài đồng loại, trái lại phải sống gần gũi với mọi người. Nhắc lại tư tưởng của thánh Phaolô, Sắc lệnh về Linh Mục viết: "Các linh mục Tân Ước được tuyển chọn ngay giữa Dân Chúa, nhưng không phải để tách biệt khỏi họ hoặc bất cứ một người nào mà để tận hiến làm công việc Chúa giao phó. Các ngài không thể là thừa tác viên của Chúa Kitô nếu không là chứng nhân và là người ban phát một đời sống khác đời sống thế tục; tuy nhiên các ngài không thể phục vụ nhân loại nếu lại sống xa cuộc sống và những hoàn cảnh của nhân loại" (số 3). Ngày xưa, người ta quen nhấn mạnh tới sự tách biệt với thế nhân và thế sự. Ngay từ thời còn ở tiểu chủng viện, người tu sinh đã phải tỏ ra "khác" với bạn bè cùng trang lứa "ở đời" trong cách ăn mặc, đi đứng, nói năng; trong nhà thờ, anh ta có chỗ ngồi dành riêng; gia đình không còn để anh ta làm những công việc chân bùn, tay lấm như thể điều đó không xứng đáng với bậc "nhà thầy"; nhiều nơi không cho chủng sinh về nhà ăn tết vì cho rằng chủng sinh nên xa lánh những chỗ vui chơi, hội hè, đình đám... Tôi nhớ năm 1953 khi chủng viện Phanxicô Vinh bị đóng cửa, tôi và các bạn phải về nhà chờ đợi. Sau vài tháng, tôi bắt đầu vác cày, vác cuốc ra đồng làm việc giúp mẹ tôi. Hồi đó, tôi lấy làm xấu hổ, phải có một quyết tâm mạnh mẽ lắm mới thắng vượt được. Bạn bè tôi trong xóm, ai cũng vừa tỏ ra thán phục vừa lấy làm thương hại cho tôi khi thấy tôi cũng phải lấm lem và khó nhọc như họ. Vào khoảng 1958-59, nhiều người vẫn còn "chê" dòng Phanxicô chúng tôi quá "cấp tiến" khi chủng sinh chúng tôi mặc quần cụt, áo mai-ô chơi banh.

Trong đường hướng chung của Công Ðồng Vatican II muốn đưa Giáo Hội xích lại với thế giới, não trạng xa cách trên đã dần dần thay đổi với chủ trương gọi là hội nhập hay vào đời. Mặc dù đã có những lạm dụng tất nhiên khó tránh, nhưng chủ trương trên là đúng và đã mang lại những kết quả tốt đẹp. Ngày nay chắc không còn ai lấy làm chướng khi thấy một linh mục cuốc đất, cày ruộng, gặt lúa, hay đá banh, hò hát với đám thanh thiếu niên v.v. Dĩ nhiên một sự "xa cách" nào đó vẫn là cần thiết vì hòa mình không có nghĩa là đồng hóa mình với mọi người. Nguyên về phương diện tâm lý xã hội mà thôi, điều đó đã là bình thường, chẳng hạn một thầy giáo không thể "xả láng" với đám học sinh trẻ của mình; một người lớn tuổi tự nhiên có tác phong và cách ăn nói khác với người trẻ... Sự xa cách hay gần gũi không cốt ở những cái bề ngoài, nhưng tùy thuộc chủ yếu vào một thái độ bên trong: cởi mở, cảm thông, sẵn sàng chia sẻ. Như Ðức Giêsu Mục Tử, linh mục phải có cõi lòng tràn đầy thương xót và có khả năng hiệp thông với mọi người, hiểu biết các vấn đề, các khát vọng của con người hầu có thể mang tới cho họ ánh sáng và sự sống của Chúa.

Trau Dồi Các Ðức Tính Nhân Bản.

Là người như mọi người, linh mục cũng phải cố gắng trau dồi nhân cách mình, tập luyện những đức tính nhân bản mà một người nắm chức vụ như ông không thể thiếu. Ở đây, cũng lại Công Ðồng Vatican II cảm thấy cần có một hướng dẫn. Trong Sắc Lệnh về Ðào Tạo Linh Mục (Optatam Totius), Công Ðồng dạy: việc giáo dục trong chủng viện phải nhằm huấn luyện cho các chủng sinh đạt tới một mức trưởng thành nhân bản khả đáng, được biểu lộ qua tính cương trực, khả năng quyết định chín chắn, óc phê phán, làm chủ mình, quả cảm và "nói chung phải biết quí chuộng những đức tính mà người đời thường quí chuộng... như thành thực, công bằng, trung tín, lịch thiệp, khiêm tốn và bác ái trong ngôn từ".(số 11). Những điều trên được lặp lại một phần và bổ túc thêm trong Sắc lệnh về Linh Mục (Presbyterorum Ordinis), số 3: từ tâm, thành thực, dũng cảm, kiên nhẫn, công bằng, lịch thiệp, "và những đức tính khác mà thánh Phaolô khuyên nhủ", như chân thật, trong sạch, danh thơm tiếng tốt, đức hạnh.

Việc Công Ðồng nhắc đi nhắc lại như thế chắc chắn là có lý do. Không phải là ngày xưa việc đào tạo linh mục không đếm xỉa gì tới khía cạnh nhân bản, nhưng chắc chắn là người ta chú trọng nhiều hơn đến các nhân đức Kitô giáo. Theo một quan niệm phổ biến thời trước, người ta đề cao siêu nhiên và coi nhẹ tự nhiên, thậm chí có khi còn đối chọi siêu nhiên và tự nhiên, đạo và đời, chuyện "thiêng liêng" và chuyện trần thế. Ðạo đức, sốt sắng là đủ cả rồi! Ngày nay, Giáo Hội nhấn mạnh tới sự hòa hợp và chủ trương một đời sống đạo nhập thể theo mẫu mực của Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, đã đảm nhận trần thế để cứu chuộc nó từ bên trong. Vì thế, chúng ta không còn ngạc niên khi nghe những lời nhắc nhủ linh mục như sau: "Nhờ đời sống thân hữu và huynh đệ giữa các linh mục với nhau và với những người khác, các ngài có thể biết cách thẩm định và vun trồng những giá trị nhân bản và quí mến các tạo vật tốt lành như những ân phúc của Thiên Chúa" (Sl về linh mục, số 17).

Từ những điều trên đây, người linh mục chúng ta có thể kiểm điểm lại bản thân về một số điểm. Tôi lấy một thí dụ: cách thức chúng ta cư xử với giáo dân. Trong văn hóa Việt Nam ta, kính trên nhường dưới là một đòi buộc. Nhưng đôi khi vì linh mục chúng ta đương nhiên được quí trọng trong xã hội, nên ta dễ dàng "coi thường" người già cả, cao niên đáng bậc cha ông chúng ta, coi họ "chỉ là" cấp dưới, là giáo dân, là con chiên.

Tất cả những suy nghĩ trong bài này nhắm trước tiên tới giới linh mục chúng tôi, nhưng thiết tưởng người giáo dân không những cũng nên biết mà hơn nữa nên giúp chúng tôi thực hiện cho đúng ý của Hội Thánh, bằng những cách cư xử thích hợp. Chẳng hạn, tuy phải kính trọng, nhưng không nên khép nép, sợ sệt hay quá "suy tôn" các linh mục. Người ta quen nói: linh mục thế nào thi con chiên thế ấy, nhưng cũng có thể nói ngược lại con chiên thế nào thì linh mục thế ấy.

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô