PDA

View Full Version : Thấy người mà nghĩ đến ta



moopa
03-04-2011, 03:33 PM
Thấy người mà nghĩ đến ta
Trầm Thiên Thu (http://tgpsaigon.net/category/t%C3%A1c-gi%E1%BA%A3/tr%E1%BA%A7m-thi%C3%AAn-thu)

T3, 22/03/2011 - 08:57
http://tgpsaigon.net/sites/default/files/imagecache/main_img/sites/default/files/vannam33/pray_for_japan_1.jpg




CHUYỆN BUỒN
Thứ Sáu, 11/3/2011, là một “điểm đen” kinh hoàng của người Nhật: Vừa Động đất vừa Sóng thần. Biết bao gia đình tang thương vì mất người thân và trắng tay. Nhiều thành phố và làng mạc bị xóa sổ trên bản đồ. Tất cả chỉ còn là hoang tàn và bình địa. Thật là thảm họa!
Dù là một nước có khoa học kỹ thuật cao và là cường quốc thứ ba trên thế giới, Nhật Bản vẫn phải “bó tay” trước cơn giận dữ của thiên nhiên – chính xác phải gọi là Tạo Hóa hay Hóa Công, đơn giản và bình dân gọi là Ông Trời, dù bạn là duy tâm hay duy vật. Điều đó cho thấy rằng, dù con người có giỏi đến mức nào thì vẫn chỉ là “không” trước thiên nhiên. Các nước đều có cách dự báo về thời tiết, bão lũ, động đất, sóng thần,… Thế nhưng ngay cả chuyện đơn giản nhất là dự báo thời tiết về nắng mưa mà con người vẫn không thể nào đoán chính xác. Có chăng là “Ngày nắng, đêm không mưa… Có lúc có mây… Có thể có gió to… Nhiệt độ từ Xo đến Yo…”. Rất mơ hồ! Tất nhiên, con người hoàn toàn không “qua mặt” được thiên nhiên. Điển hình như các vụ gần đây: Sóng thần ở Thái Lan, bão Katrina ở Mỹ, mới đây nhất là “nỗi kinh hoàng” ở Nhật Bản.
Thổ dân Úc có loại vũ khí Boomerang (liệng đi rồi nó lại quay về mình), còn người Việt ta có câu: “Gậy ông đập lưng ông”. Có những chuyện như vậy mà người ta “không ngờ”, vẫn tưởng là mình tài giỏi hoặc đổ lỗi là do thiên tai, không dám nhận là nhân tai. Chính những tiến bộ của con người lại làm hại môi trường. Nối tiếp các tai hại khác như hiệu ứng Domino vậy. Nào là hệ sinh thái hư hại, môi trường ô nhiễm, nào là băng tan chảy, bão lũ mạnh hơn, triều cường năm trước cao hơn năm sau, mưa nắng thất thường – quá thất thường chứ không như nhận xét quá ư bình thường của thi sĩ Nguyễn Bính: “Nắng mưa là bệnh của trời”. Cái “bệnh” này không còn tại Trời mà tại con người! Cũng may bây giờ con người cũng đang dần “sáng mắt” và nhận lỗi về mình là thủ phạm tàn phá thiên nhiên, như chặt phá rừng, để cố gắng trồng rừng và bảo vệ rừng,…
Rồi lò phản ứng hạt nhân do chính con người tạo ra và rất hãnh diện về thành tựu đó thì bây giờ chính “chủ nhân” của nó lại sợ nó “thở mạnh”, ảnh hưởng không chỉ những người trong chu vi 30km mà còn ảnh hưởng khí độc xa hơn nhiều. Chủ nhân lại sợ vật mình tạo ra. Thật ngược đời và nực cười! Với người Nhật, có 4 điều lớn để họ sợ: Động đất (地震 – jishin), Sấm chớp (雷 – kaminari), Hỏa hoạn (火事 – kaji) và Người Cha (親父 – oyaji). Chỉ có 4 “đối tượng” này mới đủ uy bắt họ chịu đựng đau khổ mà khó có thể ngăn chặn. Hai trái bom nguyên tử bị Mỹ thả mà họ không sợ. Trong 4 thứ họ sợ nhất, có 2 thứ thuộc quyền thiên nhiên, chiếm 50%: Động đất và Sấm chớp. Còn chúng ta sợ gì? Có tâm phục khẩu phục?
CHUYỆN VUI
Ngay khi trẻ em Tokyo biết đi, chúng được cung cấp mũ bảo hiểm (防災頭巾 – bōsai zukin) để tránh lửa và mảnh vỡ rơi xuống bất ngờ, và đeo một ba lô nhỏ chứa lương thực khẩn cấp, một chai nước, một chiếc khăn và các đồ dùng cá nhân cần thiết khác. Khi chúng trưởng thành, chúng biết rằng một chủ nhân tốt luôn luôn cấp loại mũ này cho các nhân viên. Vì SỢ mà người ta cần AN TOÀN. Trong Nhật ngữ, chữ An Toàn (無事 – buji) được ghép bởi 2 chữ là mu (無 – không có gì) và koto (事 – điều bất ngờ), nghĩa là “không có gì bất ngờ”. Nhưng một người Nhật là Kaori Shoji lại khẳng định: “Không có gì bất ngờ: Đó là tình trạng chúng ta phải trả giá!”.
Tuy nhiên, sau “dư chấn” và “dư âm” của nỗi kinh hoàng đó, người Nhật lại chứng tỏ có bản lĩnh và có văn hóa: Tự trọng, ý thức cao, xử sự nhân bản. Cả thế giới phải thán phục khi thấy những con người tang thương ấy lại lặng lẽ, không kêu than, không đòi hỏi, biết nhường nhịn nhau, không hỗn loạn, vẫn trật tự và chấp nhận đứng chờ đến lượt mình dù mình đang đói khát, không ích kỷ, không tham lam đi “hôi của”. Ngay cả một em bé mới 9 tuổi, được một cảnh sát người Nhật gốc Việt cho nhận phần cứu trợ riêng, em thẳng thắn từ chối và để làm của chung. Thật là có giáo dục, thật là cao thượng dù em còn rất nhỏ và em có quyền nhận phần đó. Tại các cây xăng, cửa hàng, tiệm bánh,… cũng không hề xảy ra xô lấn, tranh giành hoặc cãi cọ. Mỗi người bằng lòng với những gì mình được mua hoặc nhận. Các nơi khác cũng vẫn an ninh, không xảy ra trộm cướp gì.
Người Nhật sau nỗi kinh hoàng vẫn thản nhiên như không có chuyện gì. Họ thật là kiên cường, can đảm và có sức chịu đựng cao. Người Nhật có tiếng về khoa học kỹ thuật, làm giàu bằng chính sức lực mình, có tinh thần dân tộc và đoàn kết cao, và nay thế giới còn khâm phục họ về lòng tự trọng đầy nhân bản. Một đất nước có những người dân như vậy thì sẽ dễ “đứng dậy” từ những đống xà bần tang thương kia. Thấy người mà PHẢI suy nghĩ về chính mình!
VĨ NGÔN
Từ những chuyện vui buồn của xứ sở Mặt Trời, có những bài học thực tế và sống động cho chúng ta về nhiều phương diện – từ tang thương tới yêu thương, từ Tham-Sân-Si tới hy sinh chịu đựng, từ giáo dục tới nhân cách, từ ý chí tới hành động, từ con người tới xã hội, từ khiêm nhường tới kiêu ngạo,… Bác học Pythagore đã nhận định: “Đừng thấy bóng mình to mà tưởng mình vĩ đại”.
Cuộc đời luôn có những điều bất ngờ, vui buồn lẫn lộn, mà thường thì buồn nhiều hơn vui. Những cái ta có mà lại không thuộc về ta, vì chỉ gặp một tai họa nào đó – động đất, sóng thần, hỏa hoạn, bão lụt, tai nạn, bệnh tật,… và nhất là chết, thì tất cả đều trở thành vô nghĩa. Ai cũng biết chắc chắn một điều: Chết là tay trắng. Thế nhưng người ta vẫn tranh giành nhau từ li từng tí, không chịu thua bao giờ, thậm chí còn chiếm đoạt của người khác làm của mình, như người Việt ta có kiểu nói: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Nói thì dễ, nhưng làm thì khó, phải can đảm lắm thì người ta mới dám sống chính trực. Lachausser nói: “Nghĩ đúng, nói đúng, vậy cũng chưa đúng, mà còn phải làm đúng”.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống (Ga 14,6). Những gì chúng con sở hữu đều do Ngài yêu thương trao ban. Tất cả là Hồng ân (Rm 4,16). Xin giúp chúng con là những tôi trung biết khôn ngoan quản lý và sử dụng tài sản để không chỉ ích lợi cho chính cuộc sống của chúng con, mà đặc biệt là làm vinh danh Chúa. Chúng con có làm được gì thì cũng là nhờ Ơn Chúa (1 Cr 15,10). Xin giúp chúng con luôn tâm niệm: “Lạy Chúa, chúng con tín thác vào Ngài!”.
http://tgpsaigon.net/

Rosa thiem
03-04-2011, 08:21 PM
Cám ơn bạn nhiều!.bài viết rất hay và thuyết phục!.mến chúc bạn nhiều niềm vui và ơn chúa trong cuộc sống!