Ðăng Nhập

View Full Version : Vụ sập đá Lèn Cờ: Nỗi đau người ở lại



hongbinh
07-04-2011, 02:06 PM
Vụ sập đá Lèn Cờ: Nỗi đau người ở lại



http://daichungvienvinhthanh.com/wp-content/uploads/2011/04/1302013572.nv_-150x150.jpg

Ai đã chứng kiến đám tang tại giáo xứ Lâm Xuyên vào chiều ngày 2/4/2011, có lẽ không cầm được nước mắt xúc động. Hàng ngàn người đã đến đưa tiễn anh Giuse Lê Văn Phúc, một trong số 18 nạn nhân thương tâm vụ sập đá tại Lèn Cờ hôm 1/4.

Anh Phúc là một nông dân trẻ và là phó chủ tịch nội vụ Hội đồng mục vụ giáo họ sở tại xứ Lâm Xuyên. Anh đã vĩnh viễn ra đi bỏ lại một hành trình dang dở, một kế hoạch gián đoạn và nỗi đau hằn sâu nơi người ở lại; không đau sao được trước gia cảnh đau thương của gia đình anh.

Đúng 2 tuần trước ngày định mệnh, anh đã phải ngậm ngùi lăn lội chặng đường dài vào Cam Ranh, Khánh Hòa để lo ma chay cho người anh ruột là Lê Văn Hạnh qua đời. Nỗi sầu chưa vơi thì lại đến lượt anh đã bỏ vợ con ra đi ở cái tuổi sung sức nhất của cuộc đời.

Gánh nặng gia đình với 7 người con thơ dại đang tuổi ăn học buộc anh phải gồng mình trong cuộc sống; kiếp nghèo buộc anh phải bươn chải trên những mảnh ruộng cằn cỗi sao cho các con được đủ ăn, đủ mặc và nhất là được học tập đầy đủ. Làm thuê công nhật thất thường, đi xa may rủi chia đôi phần mười, vì tương lai con cái thúc bách, anh đã chạy vay ngân hàng, mượn đỡ xóm làng một số tiền tậu một chiếc xe “công nông càng” chở thuê với hy vọng tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chiếc xe lăn bánh chưa đầy một năm thì “chuyến chở hàng định mệnh” đã cướp anh khỏi thế gian này. Khế ước ngân hàng vẫn còn đó, nợ hàng xóm trao lại cho vợ yếu con thơ; chiếc xe kia nay chỉ còn là những mảnh sắt vụn bẹp dí. Tổng số nợ lên đến 60 triệu đồng, một con số quá lớn đối với người dân nghèo miền quê.

Con trai trưởng của gia đình là Lê Văn Trường, đang là sinh viên năm 2 khoa Môi trường phát triển, trường Đại học Kinh tế Huế. Trường đã phải lao lực vừa học vừa làm đang khi còn có bố lo liệu. Thế mà nay không còn bố nữa, con đường để hoàn thành chương trình đại học của Trường liệu có qua được không? Thiết nghĩ, chặng đường sinh viên của Trường nếu có vượt qua thì cũng sẽ nhuốm đầy gian nan, khốn khó.

Đứa con thứ 2 là một nữ sinh xinh xắn, học giỏi của lớp 10A14 Trường THPT Yên Thành II. Tuổi học trò thơ mộng với bao ước mơ, hoài bão đã bị nước mắt tang thương làm nhạt nhòa. Liệu rằng em có còn đủ nghị lực, điều kiện để cùng bầu bạn thực hiện những ước mơ, hay phải cùng mẹ chăm lo đàn em nhỏ dại?

Đớn đau hơn cho 5 đứa nhỏ còn non nớt, chưa ý thức được về sự mất mát cũng phải cạn nước mắt cùng mẹ và anh chị. Chị vợ Thái Thị Sinh sụt rùi trong nước mắt: “Con đông như ri, không biết nuôi làm răng đây.” Bầu khí đầm ấm lâu nay “miếng cơm cha lo, giấc ngủ mẹ liệu” giờ đây sẽ ra sao? Phải chăng, những đứa trẻ sẽ trở nên nheo nhóc, gầy còm vì thiếu ăn, thiếu mặc, và ngày càng héo hon vì thiếu tình thương của người cha. Tiếng gọi “cha ơi” thật ấm áp từ nay sẽ im bặt nơi những đứa con, và đứa nhỏ cuối lại chưa một lần được gọi “tiếng cha”. Tương lai của chúng thật mập mờ, lối đi trải đầy khó khăn.

Gia đình nghèo, con đông đã đặt cho anh một trách nhiệm lớn lao. Thế nhưng, ai cũng phải giật mình khi biết thêm: anh Phúc đang hy sinh thời gian và tâm huyết đảm đương bao công việc của giáo họ, giáo xứ từ phó chủ tịch nội vụ Hội đồng mục vụ giáo họ; phó Ban ca đoàn giáo họ; là thành viên của đội nhạc hơi họ Lâm Xuyên; thành viên Gia đình Khôi Bình Giáo phận Vinh. Thật sự anh là một “con người của mọi người”. Những hình ảnh tất bật, chạy đôn chạy đáo lo công việc chung của giáo xứ vẫn còn sống động, những bước chân của anh trên công trường giáo xứ đang rõ nét. Một người hết mình vì việc chung, làm việc trọn trách nhiệm, thế mà từ nay muốn gọi tên anh lại không được nữa rồi.

Thật đau xót cho số phận và gia cảnh anh Phúc, người vợ mất chồng, những đứa con không còn cha, họ có đủ nghị lực để vượt qua đau thương và tiếp tục cuộc sống? Điều đó cần nhiều vào sự đồng cảm, đỡ nâng của chúng ta. Hơn bao giờ hết, họ đang cần đến tấm lòng sớt chia nỗi buồn, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần của chúng ta. Đó sẽ là nguồn động lực quý giá để tìm lại thế cân bằng cuộc sống của họ.

Quả thực, thật bất công, phi lý cho gia cảnh trong con mắt người đời. Tuy nhiên, với niềm tin của người Công giáo, chúng ta ý thức được rằng Chúa gọi anh đi là theo chương trình của Ngài. Chúng ta tin, Chúa sẽ giành chỗ tốt nhất cho anh và Ngài là Cha nhân lành sẽ không bỏ rơi người vợ và đoàn con của anh.
***
Sáng 4.4. 2011, linh mục Phêrô Lưu Văn Thành, quản xứ Rú Đất, phụ trách xứ Lâm Xuyên đã cùng Hội đồng mục vụ, ban Caritas hai giáo xứ đến thăm thân nhân 18 nạn nhân xấu số cùng các nạn nhân trong vụ sập đá kinh hoàng tại Lèn Cờ, xã Nam Thành, huyện Yên Thành vừa qua. Địa điểm này cách giáo xứ Lâm Xuyên chừng 2km về phía tây.


http://giaophanvinh.net/uploads/spaw/news/1302013429.nv.jpg

Đoàn đã thăm hỏi, chia sẻ và tặng quà động viên các gia đình vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Chuyến viếng thăm của đoàn đã làm dịu bớt bi sầu cho gia đình và thân quyến.

Địa chỉ gia đình anh Giuse Lê Văn Phúc:
Chị Thái Thị Sinh
xóm Lâm Thành, xã Nam Thành,
huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An

Địa chỉ linh mục phụ trách:
Lm. Phêrô Lưu Văn Thành
Nhà thờ Giáo xứ Rú Đất,
xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Đt: 0979.130.641- Email: lmpetluuvanthanh@yahoo.com
Đình Khấn

Nguồn : gpvinh

mary phuongthuy
08-04-2011, 10:29 PM
Người đàn ông hi sinh vì con
12h trưa ngày thứ 5 (7/4), những màn sương mới bắt đầu loãng đi để trời có chút ánh sáng ấm áp, con đường nhỏ lổn nhổn đất đưa chúng tôi đến với ngôi nhà của của nạn nhân Đình Phúc.
Anh Phúc sinh năm 1969, là một trong 18 người tử vong trong vụ sập mỏ đá Lèn Cờ vào ngày 1/4 tại xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Lúc này, đã quá giờ ăn trưa, nhưng trong nhà vẫn còn nháo nhác trẻ em đi lại. Trước bàn thờ của anh, chị vợ đang bế đứa con út ngẩn ngơ đứng nhìn di ảnh. Chúng tôi thắp cho anh một nén hương, cầu mong anh yên bình, ở nơi chín suốt phù hộ độ trì cho vợ con được mạnh khỏe, chăm ngoan.

http://img.news.zing.vn/img/545/t545633.jpg
Di ảnh của anh Phúc.

“Anh ấy hiền lắm, vợ chồng cưới nhau năm 1989 nhưng rất hiếm khi mắng vợ, con. Hôm biết anh mất, cả xóm ai cũng thương” – chị Thái Thị Sinh, vợ anh Phúc kể.
Đất Nam thành vốn ruộng ít, nhà 9 miệng ăn nhưng chỉ có 2,7 sào ruộng. Để có tiền lo cho con ăn học, 4 năm trước anh chị đã phải chạy vạy khắp nơi để mua một chiếc xe công nông càng đi chở đá, chở cát thuê.

http://img.news.zing.vn/img/545/t545634.jpg

Bố ra đi để lại nỗi đau khôn nguôi trong tái tim người vợ và 7 đứa con
.http://img.news.zing.vn/img/545/t545635.jpg

Căn nhà trống trải, cũ kỹ, cả bố mẹ, con cái chia nhau ở trong hai căn phòng nhỏ, mỗi phòng một giường.
Sau này, khi mỏ đá Lèn Cờ khai thác, hằng ngày anh Phúc chạy xe lên đó chở đá về cho người ta. Ngày khấm khá thì được vài trăm, ngày ít thì 50.000-70.000 đồng, bình thường, 5-6 giờ chiều là anh về, nhưng cũng có hôm 9-10h tối mới xong việc. Lao lực là thế, nhưng hè vừa qua khi đứa con trai đầu lòng học ở Huế điện về xin bố mẹ cho ở lại hè để làm thêm kiếm tiền thì anh nhất định không đồng ý.
"Anh bảo hè thì về nhà chứ mải làm quá rồi quên học là không được. Anh dù có vất vả đến đâu cũng phải lo cho con học hành tử tế. Anh không chết được đâu"- chị Sinh kể.
Thế nhưng, buổi sáng định mệnh ngày 1/4 đã khiến lời nói của anh không còn đúng nữa, anh đã mãi mãi ra đi cùng với những nạn nhân xấu số khác nơi mảnh đất nghèo khó này.
“Sáng sớm đó 2 đứa út nó quấy, thương vợ, thế là anh ấy bảo đưa bé Hà đây anh bồng cho một đứa. Anh bồng con bé một lúc rồi ra đi làm, ai ngờ lại đi mãi” - chị Sinh nói, nước mắt tuôn rơi theo hình ảnh cuối cùng của người chồng.
7 đứa con ngoan không bố
Đối diện với tôi trong buổi trưa đó là 7 đứa trẻ xinh và vô cùng ngoan ngoãn. Chị Sinh và những người bà con xung quanh bảo cậu út là giống bố nhất, rồi bảo cậu bé cười cho mọi người thấy giống không, thế là cậu bé cười tươi rói. Xung quanh, mọi người vừa hồ hởi, vừa tự hào, vừa đau xót.
“Bình thường cứ đến chiều nghe tiếng xe càng là 3 đứa nhỏ chạy ra cổng gọi bố. Giờ, không kể chiều mà bất kỳ lúc nào, có tiếng xe càng là tụi nó cứ chạy ào ra, nhưng có thấy đâu, mắt cứ ngơ ngác thế, nhìn tội nghiệp lắm cô” – chị Sinh kể.

http://img.news.zing.vn/img/545/t545636.jpg
Cậu bé được cả gia đình tự hào là giống bố nhất mới 12 tháng tuổi.

3 đứa út của chị Sinh và anh Phúc, cháu bé nhất mới 12 tháng tuổi, tiếp theo là 3 tuổi, 5 tuổi. Cháu thứ 4 đang học lớp 4, cháu thứ 3 học lớp 7, cô bé Lê Thị Lan học lớp 10 và anh cả Lê Văn Trường đang là sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Kinh tế Huế.

http://img.news.zing.vn/img/545/t545637.jpghttp://img.news.zing.vn/img/545/t545638.jpg
Hai đứa trẻ áp út trong gia đình 9 người, nay còn 8. Ánh mắt trẻ thơ trong veo nhưng thẳm buồn.

Hôm biết tin bố mất, trong cơn bàng hoàng, Trường đã bắt xe về để kịp đưa tang bố. Giờ đây, em lại phải chuẩn bị vào trường để tiếp tục học.
“Trước khi bố mất thì mỗi tháng bố mẹ gửi vào cho em một triệu. Em ở trọ, cái gì cũng cần tiền nên chừng ấy là không đủ, mà nhà mình nghèo em cũng muốn làm gì đó để đỡ đần bố mẹ nên em còn đi bưng bê ở các quán cà phê, làm gia sư” – Trường kể về cuộc sống của cậu anh cả của 6 đứa em.
Dẫu biết rằng trong lúc đau thương mất mát này, mẹ sẽ rất cần một chàng trai cứng cỏi như em ở bên cạnh, thế nhưng, cậu bé vẫn dự định sẽ quay trở lại trường học vào đầu tuần tới. Bởi, Trường hiểu rằng, phải nén đau thương để không làm bố thất vọng, để các em còn có chỗ dựa trong tương lai.
Ngồi bên Trường là cô em thứ 2, Lê Thị Lan, hiện học lớp 10A14, trường THPT Yên Thành 2. Lan có gương mặt tròn, đôi mắt đen và nụ cười duyên với hai chiếc răng khểnh. Những ngày vừa qua, trong nỗi đau mất bố, Lan vẫn phải mạnh mẽ để đảm đương việc nhà. Em nấu ăn, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, chăm lo cho các em. Đến ngày hôm nay, Lan không khóc nữa, thỉnh thoảng em cười, nụ cười tươi tắn như xua đi chút bi lụy của ngôi nhà có tang.
Trong suốt cuộc trò chuyện, có những lúc, tôi như thắt lòng lại khi nhìn cảnh cô em gái học lớp 10 tựa mặt lên vai cậu anh cả. Thỉnh thoảng, cậu bé lại cầm tay em gái, kỹ những ngón tay xem trong mấy ngày vừa qua, vì phải lo nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa mà tay em có bị sao không. Có lẽ, sự dịu dàng này sẽ giúp các em vơi đi nỗi đau để tiếp tục đối mặt với cuộc sống.
http://img.news.zing.vn/img/545/t545639.jpg
Dựa vào vai anh để vơi bớt những mệt mỏi, đau thương.

http://img.news.zing.vn/img/545/t545641.jpg

Đại diện Quỹ VNIF trao tiền cho mẹ con chị Thái Thị Sinh.Trước hoàn cảnh của gia đình anh Phúc-chị Sinh, đại diện Quỹ từ thiện song hành cùng Zing, Quỹ Cộng đồng Người Sử dụng Internet Việt Nam (VNIF) đã trao một triệu đồng tiền mặt.
Tuy nhiên, với gánh nặng các con ăn học, gia đình chị vẫn rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Độc giả có lòng hảo tâm xin giúp gia đình theo địa chỉ:
Thái Thị Sinh, xóm Lâm Thành, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, số điện thoại: 01672514033.
Hoặc theo chương trình Xoa dịu tiếng khóc Lèn Cờ của Quỹ VNIF, chuyển khoản tại địa chỉ: Quỹ từ thiện Cộng đồng Người Sử dụng Internet Việt Nam, số tài khoản: 81162829, ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu – Chi nhánh Kỳ Hòa, địa chỉ 109, đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10, TP HCM, vui lòng ghi rõ thông tin: hỗ trợ gia đình chị Thái Thị Sinh lúc chuyển tiền.


Thủy Nguyên
Theo Bưu Điện Việt Nam

Maria_khanhhoa
09-04-2011, 12:08 AM
ôi ! đau lòng quá đi.

xin Chúa luôn ở cùng gia đình cô Sinh, ban thêm sức lực cho cô và các con để vượt qua nỗi đau và sự mất mát to lớn này.
:77: