PDA

View Full Version : Sự yếu đuối của một nhân vật đã đi vào huyền thoại



hongbinh
19-04-2011, 06:14 AM
Sự yếu đuối của một nhân vật đã đi vào huyền thoại


http://images.tienglongsuytu.multiply.com/image/3/photos/4/500x500/1/Thanh-Phero-1.jpg?et=zAuuJnMBAFsRvvsqpMnuDw&nmid=255653829


Cao điểm của Tuần Thánh là suy niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa trên Thánh giá. Vụ án Đức Giêsu quả là bi thảm, dư luận bàn tán xôn sao không những ở Giêrusalem (x. Lc 24,18) mà dư âm của nó còn tồn tại mãi mãi. Ở đây ta thấy cái dã tâm của lòng dạ con người, sự bội bạc của những người hàm ơn, nhân tình thế thái đổi thay như trở bàn tay.

Bên cạnh những ồn ào đó, người ta không thể nào quên một nhân vật cũng gây ấn tượng trong dư luận, đó là Thánh Phêrô, vị tông đồ của Chúa, người đã chối Chúa.

Thánh Phêrô, một nhân vật đã đi vào huyền thoại; một tông đồ nhiệt thành; một vị lãnh đạo khôn ngoan; một vị chủ chăn nhân từ; nhưng bên cạnh đó, chúng ta phải công nhận người là nhân vật được Thiên Chúa tuyển chọn và huấn luyện kỹ càng.

I. TÌM LẠI CHỨNG TÍCH CỦA LÒNG YÊU MẾN

1. Đền thờ Thánh Phêrô và Thánh tượng

Khi nói đến lòng sùng mộ và tôn kính Thánh Phêrô, vị tông đồ của Chúa Kitô, người ta nghĩ đến ngôi đền thờ dâng kính ngài từ thời vua Constantin năm 326. Đền thờ này tồn tại đến năm 1506 do quyết định của Đức Giáo hoàng Julio II muốn xây dựng lại. Lý do vì có một thời gian dài các Đức Giáo Hoàng gốc Pháp đã dời ngai toà Thánh Phêrô về Avignon (Pháp, từ năm 1300-1377), nên Đền thờ Thánh Phêrô bị bỏ hoang phế, và hư hại nhiều.

Ngày 18-4-1506, Đức Julio II đã nhờ mười hai vị kiến trúc sư trong số đó có nhà điêu khắc Michelangelo. Công trình này kéo dài 120 năm.

Ngày 18-11-1626, Đức Urbano VIII thánh hiến Vương cung Thánh đường này và cũng là để kỷ niệm 1.300 năm ngày thánh hiến Đền thờ Thánh Phêrô cũ do Hoàng đế Constantin xây dựng.

Diện tích xây dựng hơn rộng khoảng 22.000m2 có sức chứa 60.000 người. Và cũng tại Vương cung Thánh đường này có 2 bức tượng nổi danh:

- Bức tượng Thánh Phêrô. Ai đến hành hương Đại Thánh đường này đều cảm phục về nghệ thuật điêu khắc, về vị thánh đầy quả cảm và quắc thước. Bức tượng bằng đồng có từ thế kỷ thứ XIII, người ta ngạc nhiên vì chân phải với mũi giày của thánh tượng bị mòn nhiều vì sự tôn kính của hàng triệu tín hữu qua dòng thời gian.

- Bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi (Pieta) do vị điêu khắc gia nổi tiếng Michelangelo thực hiện. Đây có thể nói là một kiệt tác của nhà điêu khắc. Đây cũng là tác phẩm duy nhất có chữ ký của ông. Bức tượng đã bị hư hại do một kẻ điên rồ người Úc gốc Hungari đã vào đập phá. Thánh tượng bị gãy mũi và một số chi tiết khác. Các nhà nghệ thuật của Roma đã tìm cách phục chế lại.

2. Đền thờ Gallicantu và Tượng đài Non novi illum

Và ngay tại Giêrusalem, khách hành hương Thánh Địa Palestin không thể bỏ qua việc thăm viếng ngôi đền thờ được tôn kính Thánh Phêrô. Đền thờ này được xây dựng trên nền Dinh Thượng tế Caipha. Đó là Đền thờ Gallicantu (gà gáy). Trong đó, người ta thấy hai tác phẩm nghệ thuật: bức tranh Thánh Phêrô chối Thầy: “Tôi không biết người ấy là ai” (Lc 22,57) và Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Con có mến Thầy không?” (Ga 21,17).

Khung cảnh tại đây ghi lại biến cố sám hối của vụ tông đồ cả, nên rất thuận tiện cho việc xưng tội. Nhiều đoàn hành hương đã đến đây để cử hành nghi thức sám hối và giao hoà với Chúa.

Trong cuốn “Kẻ đi tìm” của cha Nguyễn Tầm Thường (trang 179) có ghi lại hình ảnh các bạn trẻ hành hương đang chuẩn bị xưng tội. Nơi họ ngồi là sân dinh Caipha, gần tượng đài điêu khắc Thánh Phêrô và cô đầy tớ viên thượng tế. Ngài đang giơ tay phân bua: Tôi không biết người ấy là ai (Non novi illum). Tượng đài này bằng đồng, nơi đây ta thấy ngoài các nhân vật chính là Thánh Phêrô, cô đầy tớ và hai nhân chứng khác, có cả sự chứng kiến của chú gà gáy ở trên trụ cao. Các bạn trẻ ngồi tại sân này để xét mình, vì chính tại đây là nơi Thánh Phêrô đã ngồi sưởi và chối Thầy (cách đây 2.000 năm).

II. SỰ KIỆN PHÊRÔ CHỐI THẦY

1. Vụ việc

Theo các sách Tin Mừng, Thánh Phêrô cũng theo Thánh Gioan vào dinh thượng tế Caipha. Người đầy tớ gái của thượng tế đi tới, thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc và nói:

- Cả bác nữa, bác cũng cùng ở với ông người Nazareth, ông Giêsu đó chứ gì.

Ông liền chối:

- Tôi chẳng biết, chẳng hay cô muốn nói chi.

Tin Mừng kể tiếp, rồi bỏ đi ra phía tiền đường, lúc đó có tiếng gà gáy lần thứ nhất. Người đầy tớ gái thấy ông lại nói với những người đứng đó:

- Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy. Nhưng ông Phêrô lại chối.

Qua đoạn văn trên, người ta thấy sau khi chối lần thứ nhất xong, ông không còn ngồi chỗ đó nữa. Ông đi ra phía cổng. Chối lần thứ nhất khi ông ngồi ở giữa sân, có nghĩa là còn gần Chúa. Bây giờ bỏ ra ngoài xa hơn. Đây là biểu tượng cho sự xa cách thiêng liêng. Lại nữa, lúc ông chối lần thứ hai còn có một số người hiện diện, lần này xa hơn, nặng hơn vì ông chối Chúa công khai.

Một lát sau những người đứng đó lại nói với ông:

- Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Galilê.

Nhưng Phêrô liền thốt lên những lời độc địa mà thề:

- “Tôi thề là không hề biết người mà các ông nói đó. Ngay lúc đó gà gáy lần thứ hai” (Mc 14,70-72).

Xét 3 lần chối Chúa của Phêrô, người đọc thấy rõ hơn tiến triển của 3 lần khác nhau. Ba lần chối như 3 nấc thang sa xuống sâu, sâu hơn nữa. Giờ đây nhìn lại đời mình, ta thấy thảm cảnh bi đát của thân phận con người. Đã bao lần vấp ngã rồi lại trỗi dậy.

2. Phêrô khóc lóc thảm thiết

Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay gà chưa kịp gáy, anh đã chối Thầy ba lần và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,61)[1]. Điều tinh tế là phải nhìn nhận trong lời Phúc Âm này không phải gà gáy làm cho ông khóc mà là cái nhìn của Chúa. Ông khóc lóc thảm thiết vì cái nhìn của Chúa. Nếu Chúa nhìn mà Phêrô không nhìn cũng chẳng gặp. Do đó, ta phải hiểu cái nhìn của Chúa mà Luca tường thuật là cái nhìn trong cõi lòng của hai người.

Chúa đã ngoái lại nhìn Phêrô, xin Chúa cũng ngoái nhìn chúng con. Chúng con yếu đuối và tội lỗi chồng chất, sa đi ngã lại… Nếu Chúa không nhìn chúng con, chúng con vẫn dầm dề trong hố thẳm tội lỗi. Chúa nhìn con, giúp con nhận ra thân phận yếu đuối và bất lực. Lúc này, chúng con như “con thú tật nguyền”, không thể trỗi dậy được nếu không nhận được sức mạnh từ tình thương của Chúa.

Phêrô đã ra ngoài khóc lóc thảm thiết.

Phải ra ngoài, ra khỏi tình trạng yếu đuối ươn hèn của mình. Ra ngoài cái tôi cố chấp của mình. Ra khỏi vũng lầy êm ái của tội lỗi… tôi mới nhận ra thân phận yếu đuối mỏng giòn của mình. Khóc cho thân phận con người được dựng nên bằng bùn đất, khóc cho sự yếu đuối vì bị mang “vết bẩn của bùn đất”. Charle Péquy đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con bằng bùn đất thì xin Ngài cũng đừng ngạc nhiên vì cuộc đời con đã lấm bụi trần”.

III. TẠI SAO PHÊRÔ YẾU ĐUỐI VÀ VẤP NGÃ NHƯ THẾ MÀ CHÚA LẠI TRAO GIÁO HỘI CHO PHÊRÔ

Khởi đi từ những cung cách sống của người môn đệ đáng yêu này, thế nhưng trước khi trao Giáo Hội cho ngài, Chúa Giêsu cũng đòi Phêrô phải trải qua quá trình tu luyện bản thân và qua những trải nghiệm cần thiết.

1. Từ bỏ mọi sự để theo Chúa

Thánh Phêrô đã có cái gì để mà từ bỏ? Xưa nay chúng ta vẫn nghĩ ông là dân chài thuộc vào loại “khố rách áo ôm”, sản nghiệp của ông là cái ghe nhỏ, và mấy thước lưới cá đánh bắt ở ven bờ hồ Tibêriat. Nhưng qua kết quả khảo cổ làm cho chúng ta ngạc nhiên. Các nhà khảo cổ đã khai quật lên và khám phá ra cơ ngơi của Thánh Phêrô. Ngôi nhà của Thánh Phêrô kế bên hồ Tibêriat, một tòa nhà vĩ đại đến nỗi nhìn vào chúng ta cũng phải giật mình.

Theo các chuyên viên về khảo cổ thì Thánh Phêrô là người giàu có, có những đội thuyền có gia sản, sự nghiệp và ngay cả có người yêu, đó là người vợ của ngài. Đối với Phêrô, theo Chúa là từ bỏ. Từ bỏ những gì mà thế gian gắn bó gia sản, của cải, danh vọng, cả tình yêu chính đáng để theo Chúa. Sự từ bỏ này đưa Phêrô tới hồng phúc lớn lao đó là lòng yêu mến Chúa Giêsu. Từ bỏ để yêu mến.

Phêrô luôn luôn phải từ bỏ. Nếu được phép nhìn lại môi trường hoạt động Chúa Giêsu ở vùng Galilê, hay nói đúng hơn ở loanh quanh vùng Caphacnaum, vậy Chúa ăn ở chỗ nào? Rất có thể là Chúa ở nhà ông Phêrô, nơi tiếp đón Chúa Giêsu và các môn đệ trong giai đoạn đầu của cuộc đời công khai. Cho nên nhìn vào cuộc đời của vị tông đồ cả chỉ là từ bỏ, liên lỉ từ bỏ, từ bỏ mỗi ngày.

2. Lòng yêu mến đậm đà

Ta có thể nói điểm nổi bật nơi Phêrô là lòng yêu mến Chúa và nhất là sự nhiệt thành trong mọi công việc của Chúa và của anh em. Hơn ai hết, Phêrô đã là người được Chúa tuyển chọn vào số những người đầu tiên. Bài trắc nghiệm đầu tiên dành cho các môn đệ, chính Phêrô đã thay mặt anh em để trả bài: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Ông cũng là một trong ba môn đệ được Chúa thương mến (Phêrô, Gioan và Giacôbê). Những ông này được chứng kiến phép lạ con gái ông thủ từ Dairô (x. Mc 15,21-43), trong biến cố biến hình ở núi Tabor (x. Mt 17,1-9) và tại vườn Cây Dầu ba ông đã được Chúa kéo riêng ra một nơi để cầu nguyện (x. Mt 25,37).

Trước đó khoảng hơn một giờ đồng hồ tại nhà Tiệc Ly, chính Chúa đã hứa cầu nguyện cho Phêrô: “Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,31-32).

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô đến ba lần câu hỏi “con có yêu mến Thầy không” (Ga 21,15-17). Phêrô xác định cả ba lần, càng về cuối càng cương quyết hơn. Ba lần chối Chúa đi từ nhẹ đến chối nặng thì hôm này ba lần xác định tình yêu từ nông đến sâu. Ông đã có kinh nghiệm sống chung với Chúa, cùng ăn cùng uống, cùng chứng kiến những phép lạ, cùng rong ruổi bước theo Chúa. Những năm tháng tuyệt vời được nghe Chúa nói, được chứng kiến việc Chúa làm, được Chúa sai đi rao giảng Nước Trời. Bỏ lại tất cả mọi sự để theo tiếng Chúa mời gọi.

Với ba lần đáp lại, Chúa trao phó sứ mạng lớn lao: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,17). Cuối cùng Ngài nói với Phêrô: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19). Phêrô chờ đợi lời mời gọi đó và lập tức lên đường theo Chúa, viết nên những trang sử hào hùng của Giáo Hội sơ khai.

Nhìn lại cuộc đời của Phêrô tôi thấy một điều rất rõ là trong trái tim của ông lúc nào cũng yêu Chúa. Ông để Chúa mắng mà không bao giờ giận, ngay khi Chúa bảo ông là Satan ông cũng không giận. Cả khi vì sợ hãi yếu đuối mà chối Chúa, ông vẫn yêu mến Chúa. Và chính vì vậy Chúa đã đón nhận ông.

3. Người được tuyển chọn phải vượt qua những thử thách

Tác giả thư gửi Do Thái đã mô tả Chúa Giêsu: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Quả thực, “Đức Kitô là Vị Thượng Tế biết cảm thương những yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15).

Chúa muốn Phêrô, người môn đệ thân tín của Ngài, phải đặt chân của mình vào vết chân của Chúa. Môn đệ không lớn hơn Thầy, phải chấp nhận thử thách và gian khổ. Như Chúa đã nói với hai môn đệ trên đường Emmau: “Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26). Qua việc yếu đuối và vấp ngã, chứng tỏ Chúa muốn Phêrô trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,29-30).

Trong một số trường hợp, Ngài muốn các tông đồ phải vượt qua vinh quang phù phiếm. Sau biến cố hoá bánh ra nhiều, mọi người hân hoan phấn chấn muốn tôn Chúa làm vua và dĩ nhiên các tông đồ cũng rất thích thú. Đọc được ý tưởng đó, Chúa yêu cầu các môn đệ chèo thuyền sang bên kia bờ hồ, còn Chúa lên núi cầu nguyện. Chính đêm đó các ông đã gặp sóng gió bão táp, chính Ngài đã hiện diện với các ông. Chính Phêrô khẩn nài: “Nếu phải là Ngài thì xin cho con được đi trên mặt nước… Cứ việc”, ông đã đi trên mặt nước nhưng thấy gió mạnh ông sợ và la lên: “Xin cứu con với”. Chúa trách ông: “Sao mà kém tin thế, sao lại hoài nghi” (Mt 14,17-21).

Dưới mái trường của Chúa Giêsu, không có ngày ra trường. Người môn đệ mãi mãi là người môn đệ. Kinh nghiệm của Phêrô soi sáng cho chúng ta để rồi trong cuộc sống của mình, dù có thành đạt đến mức nào đi nữa, dù có nổi tiếng đến mức nào đi nữa thì mình vẫn đi sau Chúa theo con đường từ bỏ và vác thập giá như Ngài.

Trong bài giảng về Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ bỏ Chúa vì họ nghe chói tai quá. Chúa nói với các Tông đồ: “Còn các con có bỏ Thầy không?” Phêrô đã mạnh dạn trả lời: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, Thầy mới có lời ban sự sống” (Ga 6,68).

Chúa muốn chọn Phêrô là người đại diện Chúa ở trần gian. Ngài cũng muốn cho ông được đồng hình đồng dạng với Thầy, phải có kinh nghiệm đau khổ, phải trải qua những thử thách, cả những lúc vấp ngã, cả những lúc liều lĩnh và suy nghĩ theo cung cách của người thế gian. Ông đã bị Chúa mắng (x. Mc 16,19). Chúa đã cho ông gặp sóng gió bão táp (x. Ga 6,9) và cả những lúc yếu lòng tin và sợ hãi để ông hoàn toàn tín thác vào Chúa.

Chúa không lầm khi gọi Phêrô, Chúa không sợ khi trao cả Giáo Hội cho Phêrô. Chúa tin tưởng khi trao quyền cho Phêrô: chăn dắt chiên con, chiên mẹ cho Thầy… Vì Chúa đã cho Phêrô những trải nghiệm khắc nghiệt của cuộc sống, những thử thách đức tin, những cám dỗ về quyền lực và muốn ông trở thành người phục vụ khiêm tốn.

[1] Nếu đọc bản văn đối chiếu ở Mc 14,70-72 cho chúng ta thêm một chi tiết nữa trước khi Phêrô chối lần thứ ba thì ông thấy tiếng gà gáy lần thứ hai.


Đaminh Đinh Viết Tiên, OP
Nguồn: Đaminh VN

JosKhaiNguyen
19-04-2011, 01:12 PM
Thánh Phêrô thật là yếu đuối nếu không nói là hèn hạ,vừa mới tuyên xưng đó,mới mạnh mẽ đó."dù cho mọi người có bỏ Thầy,thì con cũng không bao giờ như thế".Ấy vậy mà,Phêrô lại sợ những lời nói của các cô gái trong hội đường,mà ta biết là thời đó lời nói của phụ nữ chẳng ai thèm để ý tới,vì phụ nữa thời Chúa Giêsu là lớp thấp kém nhất trong xã hội.Thế mà Thánh Nhân lại khăng khăng chối Thầy mình chỉ vì các cô gái:"cả ông nữa,ông cũng là người đi cùng ông Giêsu ấy".
Ôi!!lúc này Thánh Nhân chẳng còn biết đâu là đúng sai nữa,cứ mặc nhiên mà chối Thầy,cho tới khi nghe tiếng gà gáy...thì mọi việc đã xảy ra rồi.Ngài khóc lóc thảm thiết cho tội lỗi của mình,cho sự hèn yếu của mình,nếu Giuđa đã phạm tội bán Thầy,thì Thánh Nhân cũng phạm cái tội chối Thầy cũng cùng 1 loại với nhau cả thôi.Nhưng nếu Thánh Nhân cũng xử sự nông nổi như Giuđa thì có lẽ,Giáo Hội ta sẽ không có trụ cột là Ngài rồi.Và cái tuyệt vời ở Thánh Nhân là đã hối hận,đã cầu xin Chúa tha thứ tội lỗi và Ngài dùng lòng nhiệt thành,sự trung thành của mình mà sửa đổi bản thân mình.Khác hẳn với Giuđa,ông cũng biết lỗi đấy,cũng hối hận đấy,nhưng ông lại không biết cậy dựa vào sự tha thứ của Thầy mình,mà bỏ ra đi làm theo lời ma quỷ Kinh Thánh chép lại:"Ông ra đi tự tử".
Thánh Phêrô đã không như thế,Ngài đã biết cậy dựa vào lòng tha thứ và sự yêu thương của Chúa để tiếp tục sống,và cống hiến cuộc đời mình cho Chúa,bằng chứng là Ngài đã thành đá tảng trụ cột của Giáo Hội,là vị Giáo Hoàng tiên khởi trong lịch sử Giáo Hội.
Mỗi người chúng ta,trong tâm tình Tuần Thánh này,cũng hãy biết thống hối,quay về với Chúa và cậy dựa vào sự tha thứ không bờ bến của Thiên Chúa mà thay đổi cuộc đời mình,như Thánh Phêrô thuở xưa vậy.