PDA

View Full Version : LANG THANG TRÊN ĐƯỜNG



littlewave
07-07-2008, 10:29 PM
LANG THANG TRÊN ĐƯỜNG

Tuổi già, không thích (không dám thì đúng hơn) đi xe, chỉ khoái cuốc bộ. Thế là thành một lữ khách lang thang trên đường …

Lang thang trên đường thật, vì vỉa hè đã bị chiếm dụng làm chỗ đậu xe, bán hàng và … chơi ‘bài ba lá’ nữa chứ ! Đành lang thang dưới lòng đường. Chợt một tiếng còi xe chói tai, kèm theo tiếng thắng xe rít lên. Giật mình, người chao đảo, hoa cả mắt, nhưng tai vẫn còn nghe được : “Ông già mù hả ? Điếc à ?”. Định thần quay lại, chưa nhìn rõ được đối tượng vừa chửi mình, càng hoảng hơn khi nghe một giọng nói ồm ồm : “Ấy chết ! Xin lỗi, con chào thầy”. Thế là thế nào ? Rối rít xin lỗi. Lại tiếp tục… lang thang.

À, thì ra thế ! Có được một kỳ ngộ như vậy, kể cũng hiếm. Mình dốt luật giao thông đến thế sao ? Lại còn điếc không nghe được cả tiếng còi xe nữa kia (‘Điếc không sợ súng’ mà !). Tự nhiên thấy đắng miệng, hồi tưởng lại hơn 30 năm về trước, đúng vào giao điểm tháng lương của một anh giáo gàn chuyển đổi – đang từ “trị giá một tháng lương = 02 cây vàng” (lương 32.500đ/tháng; vàng 15.000đ/lượng) chuyển sang giai đoạn “trị giá một cây vàng = 300 tháng lương” (vàng 16.500đ/lượng, lương 50đ/tháng) – vay tiền mua được chiếc xích lô cà tàng (trị giá có 4 chỉ vàng thôi, nhưng nếu gom lương vào thì phải đợi khoảng 10 năm mới mua được). Ngày đi dậy, tối kiếm thêm chút cháo. Đêm nguyên tiêu (rằm tháng giêng), đang cắm cúi đạp xe, bỗng nghe tiếng hét : “Ê ! Xích lô”. Ghé xe vào thì lại nghe tiếp : “Chết, xin lỗi thầy, con cứ tưởng …”. Ơ kìa ! “Tơ với tưởng gì, bây giờ ‘Thầy giáo tháo giầy’ đạp xích lô, con là khách, mời lên xe, miễn là trả tiền đàng hoàng để thầy còn nuôi cô và các em nhỏ ở nhà. Ừ ! Cứ vậy đi !”.

Lang thang trên đường … Chẳng hiểu có ai lẩm cẩm như vậy không ? Lại nghe một tiếng nói non choẹt : “Ông ơi ! Cứu con với !”. Gì nữa đây ? Một bé gái đang oằn lưng dưới lằn roi của một phụ nữ đứng tuổi. Xin giùm cháu bé tội nghiệp, thì lại được nghe : “Ô hay ! Bận gì đến ông. Từ sáng tới giờ giao cho nó có 200 tờ vé số (!!!) mà chỉ bán được vài chục tờ, thì lấy gì đổ vào miệng, lấy gì cho tôi đi ‘họp bạn’ ? (‘họp bạn’ : đánh bài đấy !). Ông có bán hộ nó được tấm vé nào không mà đòi can với gián ?”. Hoảng hồn, quay hướng khác. Vẫn còn nghe tiếng bé khóc nức nở và lời người phụ nữ : “Đúng là cái thứ già lắm chuyện. Mày cầu cứu ai, chứ cái ngữ ấy thì …”. Thấm thía thật !

Lang thang trên đường … Khát, ghé vào một quán cóc, định làm ly trà đá. Vợ chồng chủ quán đang cho đĩa bay, ly bay vù vù. Và những ngôn ngữ không có trong từ điển tuôn ra ào ạt. Ô-rờ-lui ! Chẳng muốn nhưng vẫn cứ thấy nhớ nhớ vợ chồng ông bạn ở xóm cũ – cái xóm mang một cái tên rất ấn tượng : “xóm Cầu Sạn” – ngày nào không có đĩa bay, bát bay, không có ‘mày tao chi tớ lộn tùng phèo’ thì hình như ăn không ngon. Gọi là xóm ấn tượng vì vào buổi giao thời, mình cũng thuộc loại ‘đầu có sạn’ (có lẽ tại ở gần ‘cầu sạn’ bị sạn ở cầu chui vào đầu chăng ?), nên được mời đi chỗ khác chơi (“quy hoạch giải toả” đấy !) – nhà mất, người lang thang, ô hô !

Mới đây thôi, đi lễ ở giáo xứ nhà, Cha chính xứ khi giảng, có mời một vị luật sư còn rất trẻ lên chia sẻ. Vị ấy kể một câu chuyện có thật mà hiện vị ấy đang là luật sư thụ lý trong một vụ án ly hôn :

“Cách đây 12 năm, hồi còn học đại học, con – vị Ls tự xưng – và anh chồng trong vụ án này cùng học một khoa. Anh ấy yêu một cô sinh viên khác tôn giáo. Hai bên cha mẹ đều không đồng tình, nhất là bên nhà gái (vì họ thuộc diện ‘chính sách’ chính tông). Tuy nhiên, đôi trẻ vẫn rất khăng khít trong yêu đương. Rồi thì cô gái đi học giáo lý, trở lại đạo. Và đám cưới diễn ra suông sẻ. Sống hạnh phúc được vài năm thì sinh con, chẳng may đứa con bị chứng máu không đông. Cháu bé rất cần có một người trông nom ở liền bên suốt ngày đêm để tránh cho cháu khỏi té ngã, rất nguy hiểm. Bà nội được mời về. Rồi thì … ‘mẹ chồng nàng dâu’ cơm không lành, canh chẳng ngọt. Rồi thì … anh chồng nghe lời mẹ, hết đay nghiến lại đến đánh chửi vợ. Không ai ngờ chị vợ lại rất giỏi chịu đựng nhịn nhục, vì thương con nhỏ. Càng được nước, bà mẹ chồng và chồng càng lấn tới. Rồi thì … anh chồng làm đơn ra toà xin ly hôn. Trước thì Tổ Dân phố, sau đến Toà án và cả chúng con nữa nhiều lần hoà giải nhưng không được. Còn đang chờ Toà xử, anh ấy đã … cưới cô vợ khác”.

Kết luận, vị luật sư ấy xin cộng đoàn cầu nguyện cho anh chồng sớm tỉnh thức. Chuyện xảy ra nơi một gia đình trí thức Công giáo. Thế đấy !

Lang thang trên đường … Bắt gặp đây đó một mảnh đời éo le, một nghịch cảnh chua chát, một nỗi bi hài khó diễn tả…

Lang thang trên đường … Bắt gặp đâu đó một nhân vật ‘tai to mặt lớn, tài đức song … song’ (chưa hẳn đã ‘song toàn’), một dị nhân râu tóc bù xù cứ luôn miệng lẩm bẩm : “Quo va dis ? Thầy đi đâu ? Thầy ở đâu sao con chẳng thấy ?”. Nhiều, nhiều quá, nhiều vô số kể !

Lại lang thang trên đường … Biết làm sao đây ? Đành ngước mắt lên cao xanh : “Chúa ơi ! Sao lại thế ? Sao con bối rối quá chừng ! Chúa dậy con phải làm gì ?”. Nhưng mà, hình như mình dốt luật giao thông thật, hình như mình chưa biết ‘Đường’ Chúa đi, chưa hiểu Lời Chúa dậy. Nên chi mới chẳng biết mô tê Chúa muốn mình làm gì. Vậy đó !

Lại tiếp tục lang thang trên con đường vô định… đi tìm cái ‘chẳng hiểu’ ! Thấy chập chờn vô vàn tư tưởng trong đầu óc, nhưng không phân định được đâu ra đâu. Làm sao bây giờ ? Còn tiếp tục lang thang trên đường … , còn tiếp tục gặp, gặp nhiều nữa … Đúng là những ‘kỳ ngộ’ mà chẳng phải do ‘kỳ duyên’. Ồ ! Nhưng mà, chẳng lẽ cứ mãi là một ‘lang-thang-sĩ’, một ‘lang-thang-khách’ bất đắc dĩ không tìm được quán trọ ? Làm sao bây giờ ?

Ừ, ấy thế ! Ai bảo làm “ông già vừa mù, vừa điếc, lại vừa lẩm cẩm lắm chuyện” mần chi cho khổ ? Lại còn cằn nhằn không tìm được quán trọ. Giật thót mình khi nghe văng vẳng bên tai câu nói của Thầy Chí Thánh “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Đến thế nữa cơ ư ? “Thầy ơi Thầy ! Thầy không có chỗ tựa đầu, còn con, con là một kẻ lang thang không nơi quán trọ. Thầy dậy con phải làm gì ? Ôi ! Xin Thầy tìm cho con một quán trọ, và nhất là chỉ cho con biết Con Đường…”. Cố ru mình trong một niềm tin ấm áp có được một người Thầy ‘đồng cảnh ngộ’.

Phải công nhận cái tiềm thức của mình nó cũng gớm thật, từ câu chuyện lang thang trên đường liên tưởng tới cảnh không tìm được quán trọ, để gợi nhớ đến cảnh mất nhà, và Lời Thầy “không có chỗ tựa đầu”, rồi cuối cùng là liên tưởng tới những tên ‘đầu có sạn’ đi cải tạo về ‘được phép’ đăng ký ‘tạm trú’ nơi chính căn nhà của mình, ấy thế là “nhà mình mình khách trọ; nước mình mình tù nhân” (“ngã gia ngã vi khách, ngã quốc ngã lưu nhân”). Vậy đó !

Hết muốn chơi với cái anh tiềm thức lắm chuyện này, nhưng chẳng hiểu sao vẫn cứ tiếp tục nghe văng vẳng bên tai bản nhạc xưa “Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói. Trút tâm tư vào đêm vắng canh dài. Quãng đời tôi tàu đêm vắng không người vẫn lặng trôi. Tôi là người tha hương đi bốn phương…”. Ôi chao ! Đến gác bút mất thôi. Tại sao nhà của mình, mình đang ở mà lại không được thường trú ? Tại sao mình đang ở chính quê hương mình mà mình lại có cảm tưởng tha hương ?

Rồi cũng chẳng hiểu sao tự nhiên lại nhớ đến một vị cán bộ cao cấp trong ngành giáo dục nhận định về những biến cố không thể nào quên : “Tất cả mọi sự rồi sẽ qua đi”. Đúng thế thật, St Peterbourg thành Leningrad, rồi chỉ thoáng chốc lại trở về với St Peterbourg; ngày mai, ngày mốt chỉ cần một cái sát-na thôi (“sát-na : chớp mắt” – tiếng nhà Phật), đã trở thành hôm qua, hôm kia; và vì thế mới có quá khứ, vị lai được chứ ! Vui hay buồn rồi cũng lui vào dĩ vãng. Có dĩ vãng mới có cái để mà nhớ. Thoáng trong đầu một câu nói không nhớ xuất xứ : “Nhớ lại quá khứ với tâm tình biết ơn, sống trong hiện tại với lòng nhiệt thành, và hướng nhìn tương lai với sự vững tin”.

Ừ ! Một cuộc đời dài lắm cũng chỉ trăm năm, hệt một con tàu khởi từ ga đầu tiên, qua nhiều ga, và dừng lại hẳn ở ga cuối cùng. Ga nào đi qua mà chẳng để lại dấu ấn bản thân kẻ lữ hành ? Đấy, những mùa xuân vùn vụt “bóng câu cửa sổ”, cũng chẳng khác bao nhiêu. Chẳng hiểu lữ khách có để lại dấu ấn nào nơi xuân hồng hay không, nhưng chắc một điều dáng xuân dù chỉ “thoáng qua trong giấc mộng” (“Mộng chiều xuân”) cũng vẫn hằn in một vết trong tâm hồn lữ nhân.

Ồ, mà lạ lắm ! Tại sao lại có con đường ấy, hành trình ấy ? Sao lại có con tàu, sân ga, quang cảnh v.v… và v.v… ? Và còn những mùa xuân nữa kìa. Ai chẳng biết đó là do bàn tay Đấng Tạo Hoá, nhưng chẳng lẽ lại không có những dấu ấn của con người ? Đâu hẳn xuân, hạ, thu, đông chỉ là sản phẩm của thiên nhiên mà quên đi Đấng Tạo Hoá và đám con cháu Adam + Eva.

Phải vậy thôi. Nên chi cứ qua một ga là nhớ đến bao người trước đó đã đi qua và để lại những dấu vết khó phai mờ. Và “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua” (Xuân Diệu) thì khỏi nói, tất nhiên ! Xuân đã chẳng đang qua đó hay sao ? Mùa Xuân nào cũng nằm trong mùa Chay. Mùa Chay cũng sắp trở thành dĩ vãng rồi đó. Nhưng liệu những thử thách nghiệt ngã, những chông gai bén nhọn trong Mùa-Chay-cuộc-đời có thực sự trui rèn cho cái đầu óc còn nặng nề trì trệ biết trở về với tâm tình sám hối, để chúng – những thử thách chông gai ấy – trở thành những dấu ấn nơi những sân ga đã kinh qua, hay chưa ?

Để lại dấu ấn ư ? Có được như vậy, thì mới biết được cái chân giá trị của dĩ vãng, để mà “Nhớ lại quá khứ với tâm tình biết ơn ”. Như thế thì chẳng lẽ cứ mãi là một lang-thang-khách chỉ biết thụ hưởng và hưởng thụ. Khi đã nhớ về quá khứ với tâm tình sám hối và biết ơn, thì mới có hy vọng “sống trong hiện tại với lòng nhiệt thành ” đổi mới con người của mình. Xắn tay áo lên chứ ! Và với một trái tim bỏng cháy thể hiện ra hành động. Sám hối và canh tân không chỉ là ‘treo’ hoặc ‘hô’ khẩu hiệu, mà phải thực sự dấn thân (nhấn chìm cái tôi xuống), biến nó thành hành động cụ thể bằng tất cả nhiệt tâm, nhiệt hujyết trong “sự vững tin hướng nhìn tương lai”.

Nhưng liệu đã vững tin ở tương lai chưa ? Chỉ có thể sống một cách nhiệt thành trong hiện tại với biết bao nhiêu nghịch cảnh éo le hằn sâu trong tâm thức, và thật sự vững tin hướng về sân ga cuối cùng. Ở đó, sẽ gặp lại tất cả anh chị em đã tới trước và đang trong vòng tay Đấng Chí Tôn, Chí Thánh, bởi chính đó mới thực sự là Mùa-Xuân-Phục-Sinh-vĩnh-cửu. Cái sân ga cuối cùng ấy, cái mùa Xuân vĩnh cửu ấy sẽ không bao giờ qua đi, mình sẽ cùng với nó trở thành bất diệt.

Đúng quá đi chứ ! Tuy nhiên, cũng đừng quên Người Thầy “đồng cảnh ngộ” và đồng hành với mình trong “Sáu mươi (tám mươi ? một trăm ?) năm cuộc đời” ấy sẽ yêu cầu mình phải trả lẽ : “Ngày xưa Ta đói ngươi có cho Ta ăn, Ta khát ngươi có cho Ta uống, Ta là khách lạ ngưoi có tiếp rước, Ta trần truồng ngươi có cho Ta mặc, Ta ngồi tù ngươi có đến hỏi thăm” (Mt 25, 35-36) hay không nhỉ ? Chắc chắn lúc ấy sẽ không còn và không thể là một anh giáo gàn “vừa già, vừa mù, vừa điếc, vừa dốt luật giao thông lại vừa lắm chuyện” lang thang trên con đường vô định được nữa đâu ! Ôi chao ! Lạy Chúa tôi ! Lạy Thiên Chúa của tôi. Amen.

Jm. Lam Thy Đinh Văn Diệm (MLCN)