PDA

View Full Version : Bánh giầy trong ngày thứ Năm Tuần Thánh



Caohuong
21-04-2011, 04:52 AM
Đặc ngữ Công Giáo: Bánh giầy trong ngày thứ Năm tuần thánh tại Việt Nam.

Vào ngày thứ Năm tuần thánh tại các giáo xứ có nghi thức vị Giám Mục hay Linh Mục rửa chân cho giáo dân. Nghi thức này diễn lại việc Chúa Giêsu rửa chân cho 12 môn đệ. Vị Linh Mục hay Giám Mục tượng trưng cho Chúa Giêsu, 12 giáo dân được rửa chân tượng trưng 12 tông đồ. Tại một số giáo phận miền Bắc, sau khi các tông đồ đã được rửa chân, mỗi vị được tặng một đồng bánh giầy. Việc tặng bánh không phải là nghi thức phụng vụ chính thức của Giáo Hội mà chỉ thấy diễn ra tại một số giáo phận miền Bắc trước 1954. Vậy tập tục này xuất phát từ đâu, mang ý nghiã gì?

Theo Cựu Ước, lễ Vượt Qua hay lễ Quá Hải, là lễ kỷ niệm biến cố dân Do Thái thoát ách nô lệ Ai Cập. Trong lễ này, dân Do Thái có tập tục ăn thịt chiên với bánh không men. Chúa Giêsu đã giữ tập tục này và đã rửa chân cho các môn đệ trước khi nhập tiệc.

Khi giáo dân Việt Nam chưa có sách Sấm Truyền tức sách mà ngày nay ta gọi là Kinh Thánh, thì nội dung chuyện Chúa mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ được các nhà thừa sai diễn giải trong sách Giảng Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu. Các nhà thừa sai quảng diễn như sau:

“Khi mặt trời chưa lặn thì Đức Chúa Giêsu giết con chiên vì phép xưa dậy kẻ cả làm việc ấy. Khi Người cầm con chiên thì ngửa mặt lên mà rằng: Con đội ơn đức Chúa Cha, rầy Con giữ phép đức Chúa Cha dậy giết con chiên này. Đến mai Con cũng sẽ vâng phép đức Chúa Cha mà để cho kẻ khác giết con trên Thánh Giá cho thiên hạ được khỏi tội…. Đến khi con chiên nướng đã chín thì đức Chúa Giêsu cùng mười hai đầy tớ ăn làm một và Người phán rằng: Xưa nay Thầy trông ăn mừng lễ này cùng chúng con trước ngày chịu nạn rầy đã đượcc thì Thầy mừng, ăn thịt chiên đoạn, lại ăn rau diếp đắng“(Ngắm và Giảng Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu. Ấn bản Dân Chúa Hoa Kỳ 1980, trang 35).

Để thể hiện bữa tiệc ăn thịt chiên trong lễ Vượt Qua, các xứ đạo ngày xưa làm một con chiên bằng xôi nếp, lấy bông gòn dính vào thân chiên tượng trưng cho lông chiên. Sau đó, chiên được đem thui, được xẻ ra và chia cho mỗi vị được rửa chân một điã xôi. Điã xôi tượng trưng cho thịt chiên.

Về sau, theo các cụ cao niên, thấy việc thui lông chiên làm xôi bị đen nên các cụ đã đơn giản nghi lễ, không làm con chiên bằng xôi nếp nữa mà làm sẵn thành bánh giầy. Bánh giầy là một thứ bánh làm bằng xôi nếp được giã nhiễn.

Sau nghi thức rửa chân, vị chủ tế trao tặng mỗi tông đồ được rửa chân một đồng bánh dầy. Điã xôi hay bánh giầy đều có ý nghiã tượng trưng cho thịt chiên trong lễ Vượt Qua của người Do Thái..
Nguyễn Long Thao
nguồn:http://vietcatholic.com/News/Html/89212.htm