PDA

View Full Version : THIÊN CHÚA ĐANG Ở XÓ NÀO?



chư dân
22-04-2011, 08:53 AM
Lm Richard leonard sj: Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào?

Nguyên tác Anh ngữ:
Where The Hell Is God
By Fr. Richard Leonard, SJ

Bản Việt ngữ:
do Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn dịch



Để tìm hiểu khổ đau,
và để thông phần đau khổ với các nạn nhân
trong trận động đất và sóng thần kinh hoàng
vừa xảy ra ở Nhật vào ngày 11.Mar.2011.


Để nhớ về một người bạn từng trải qua một tai nạn xe cộ.


Để nhớ về một người bạn của một người bạn đã từng trải qua bệnh bại liệt.


Để nhớ Annie.


Và cũng để dâng lời tạ ơn Chúa đã cho con được hồi phục sau tai nạn của con.







Cảm ơn chú Mai Tá đã gởi công việc này cho con.


* Tài liệu này dùng bản dịch Thánh Kinh của
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.


** Mặc dù hết sức cố gắng, nhưng với trình độ hạn hẹp,
bản Việt ngữ này chắc chắn không tránh khỏi sai sót.
Mọi góp ý hay sửa đổi xin gởi về
hanhmynguyen@gmail.com
Chân thành cảm ơn.


Cecilia Mỹ-Hạnh Nguyễn
14.Mar.2011 – dd.mmm.yyyy





Mục lục

Lời Giới Thiệu – Lm. James Martin, SJ 4
Lời Mở Đầu 6
Chương 1 12
Chương 2 17
Chương 3 22
Chương 4 30
Chương 5 xx
Chương 6 xx
Chương 7 xx
Kết xx
Bibliography xx



Lời Giới Thiệu

Lm. James Martin, SJ


Tôi đã mong đợi từ bao nhiêu năm qua mới được đọc một quyển sách như thế này.

Thật không phải là quá lời khi nói rằng quyển Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào? có thể sẽ thay đổi cách bạn nhìn cuộc đời mình. Đây là một quyển sách - như tác giả Richard Leonard có trình bày ngay trong những trang đầu - không phải nhằm mục đích lý giải theo kiểu hàn lâm viện về thần học của sự đau khổ, nhưng là một lời mời gọi chân thành đến những ai đã từng nếm mùi đau khổ trong cuộc đời – có nghĩa là, tất cả mọi người.

Anh bạn Richard Leonard của tôi là một trong những tu sĩ Dòng Tên xuất sắc nhất mà tôi được biết. Vừa có kiến thức sâu rộng, có khả năng diễn đạt rành mạch, đầy lòng trắc ẩn, và có khi vô cùng hài hước, anh Richard còn là một trong những người làm việc cần mẫn nhất. Ngoài việc sống một cuộc đời vô cùng bận rộn của một linh mục (với tất cả những tác vụ của vai trò linh mục), anh còn là một thầy giáo, một nhà văn, một giảng sư đại học. Những ai chỉ biết anh trong vai trò thầy giáo có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy anh là một linh mục thuyết giảng tài ba như thế nào trong một Thánh Lễ Chúa Nhật đầy ắp người. Còn những ai chỉ biết anh trong vai trò linh mục có thể sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra anh đã viết với những kỹ năng sắc sảo như thế nào về lãnh vực chuyên môn của anh, lãnh vực điện ảnh. (Vâng, cũng như nhiều vị học giả Dòng Tên khác, anh có bằng Tiến Sĩ). Và những ai biết về những công việc chuyên môn của anh trong ngành giáo dục thì có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng anh là một giảng sư hùng hồn như thế nào, một giảng sư luôn luôn có nhiều lời mời thỉnh giảng – từ Melbourne tới London tới Rome cho tới Los Angeles – để thuyết giảng về thật nhiều đề tài khác nhau.

Nhưng có một điều mà hầu hết mọi người đều không biết, đó là việc gia đình anh đã trải qua nhiều nỗi đau khổ sâu sắc, những nỗi đau khổ mà bạn sắp được đọc trong quyển sách này đây. Và chính đau khổ - những sự đau khổ khủng khiếp, dữ dội, cùng cực – đã thay đổi gia đình anh và thay đổi chính bản thân anh Richard. Đọc những hồi tưởng về giai đoạn đó trong cuộc đời anh sẽ thay đổi chính bản thân bạn.

Có phải câu vừa rồi có vẻ quá lố hay chăng? Thưa không. Bởi vì quyển sách này tìm hiểu vấn nạn muôn thưở của loài người: “Tại sao chúng ta bị đau khổ?”, và tìm hiểu một cách độc đáo.

Phần lớn những thảo luận về đề tài hóc búa này thường áp dụng một trong hai phương cách. Cách thứ nhất là từ một quan điểm thần học, thường là do một nhà thần học là tác giả. Nhiều quan điểm trong Cựu Ước và Tân Ước được cân nhắc cẩn thận, và câu hỏi xưa như trái đất là làm sao mà Thiên Chúa nhân lành lại có thể để xảy ra sự đau khổ được tìm hiểu kỹ lưỡng dưới ánh sáng những văn bản của các vị thánh và các nhà thần học Công Giáo. Cách thứ nhì là từ kinh nghiệm, và tác giả thường là một người nào đó ngoài giới học giả. Tác giả đó diễn tả chi tiết câu chuyện đau khổ của chính bản thân mình, hoặc sự đau khổ của một người thân yêu, hồi tưởng lại những điều đã học hỏi được từ trải nghiệm đó, và rút ra những kinh nghiệm và những bài học hầu độc giả. Quyển Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào? kết hợp một cách nhuần nhuyễn cả hai phương cách này, bởi vì anh Richard không những chỉ là một nhà thần học lỗi lạc, mà còn là người đã từng nếm trải kinh nghiệm của một sự đau khổ thay đổi cả cuộc đời.

Trong những trang sắp tới đây bạn sẽ thấy anh Richard bác bỏ những giải đáp “dễ dãi” –những sự tầm thường mà các tín hữu tốt bụng cứ hay áp đặt lên nạn nhân đau khổ, nhưng điều đó thường gây tai hại nhiều hơn là đem lại điều tốt lành. Ngay cả những tín hữu sốt sắng nhất cũng phải thối lui, và nên thối lui, trước những cái vỗ về vô nghĩa đối với sự huyền bí bao la của sự đau khổ.

Ví dụ như, khi bà tôi đang ở trong viện dưỡng lão, một trong những người bạn của bà ở viện dưỡng lão là một sơ Công Giáo lớn tuổi đang phải chịu đựng nhiều nỗi đau đớn. Một hôm, vị bề trên của sơ đến thăm sơ.

“Ôi, con đang bị đau quá”, sơ nói với vị bề trên.
“Sơ cứ nghĩ đến Chúa Giê-su trên Thập Giá”, vị bề trên trả lời.
“Nhưng mà Chúa Giê-su ở trên Thập Giá chỉ có ba tiếng thôi”, sơ buồn bã đáp lại.

Mặc dù thì dần dần bà sơ đó có thể sẽ tìm được niềm an ủi nơi sự đồng hành của một Đức Giê-su người từng biết mùi đau khổ, nhưng câu trả lời dễ dãi của vị bề trên thật chẳng giúp ích được gì cả.

Tác giả Richard Leonard biết rằng mặc dù nhiều quan niệm truyền thống có thể là đúng, nhưng mỗi một tín hữu cần phải tự đích thân mình tìm hiểu và khám phá những điều huyền bí của đau khổ, và phải tìm ra ý nghĩa cho bản thân mình giữa những cơn đau đớn, trong sự đồng hành với Thiên Chúa đấng cùng chịu đau khổ với chúng ta. Và tác giả giúp độc giả làm điều đó qua quyển sách mới xuất sắc này. Trong sự vật vã với đau khổ của chính anh, được trình bày một cách thẳng thắn và trung thực, trong việc đào sâu sự tìm hiểu về đau khổ theo các quan niệm truyền thống một cách không hề sợ hãi, tác giả dẫn dắt chúng ta vượt qua những thung lũng tối tăm đến một nơi tràn đầy ánh sáng.

Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào? Thưa ở ngay đây, trong những trang của quyển sách này - những trang sách sẽ giúp bạn tìm thấy Thiên Chúa ngay cả trong những chặng đường khó khăn nhất trong đời bạn.

_______________

Lm. JAMES MARTIN, SJ, là tác giả các quyển My Life with the Saints, Becoming Who You Are, và The Jesuit Guide to (Almost) Everything.

Lời Mở Đầu


Hầu hết các quyển sách triết học hay thần học về đề tài làm sao có thể tìm thấy Thiên Chúa, hoặc biết tìm Thiên Chúa ở đâu trong những cảnh đau khổ của con người thường có khuynh hướng khá thiên về lý thuyết, học thuật. Tôi nghĩ rằng những quyển sách đó vô cùng quan trọng, ngay cả khi tôi không đồng ý với những lập luận hay kết luận trong sách. Tôi cũng nhận thấy những bước tiến về trí năng mà những quyển sách đó đã đạt được là có phần nào hữu ích trong việc phân tích bất cứ điều gì ngoại trừ việc tìm hiểu sâu xa hơn.

Mặc dù tôi hy vọng trong sách này có những lập luận thông minh, nhưng quyển sách này không nhằm mục đích nói về lý thuyết. Tôi sẽ không đem ra xào lại những khía cạnh trong nhiều lập luận khả kính về sự đào sâu suy nghĩ trong lãnh vực mà ngày nay chúng ta gọi là theodicy – một ngành của khoa thần học chuyên bênh vực sự tốt lành và công lý của Thiên Chúa trước sự hiện diện của sự dữ. Quyển sách này ra đời từ kinh nghiệm, từ những trải nghiệm thực tế của tôi khi vật vã với một thảm kịch của gia đình, một thảm kịch đã bắt buộc tôi phải đương đầu với những câu hỏi nền tảng về việc giữ vững niềm tin vào một Thiên Chúa nhân hậu khi đối diện với sự dữ. Tôi không muốn nhận công lao chi nhiều cho quyển sách này. Đây thật ra là thuộc về một lãnh vực được gọi là thần học suy diễn. Trải bao nhiêu thế kỷ qua, những khối óc vĩ đại hơn bộ óc của tôi đã từng nghiền ngẫm suy tư những câu hỏi này và đã đạt tới những kết luận khác nhau. Tôi vui mừng về điều đó. Nhưng vấn đề là khi mà tôi cần đến sự soi sáng hướng dẫn từ những khối óc đó nhất, thì tôi lại thấy những giải đáp của họ không đủ thỏa đáng. Tôi không trách họ. Đa số những người đó đã không có được lợi điểm của những nghiên cứu đương đại về thánh kinh, thần học, khoa học, và tâm lý học để giúp họ một tay.

Ngay cả Giáo Hội nữa, Giáo Hội cũng biết là mình không thể nào quả quyết khẳng định về những vấn đề này, bởi vì khi nào mà chúng ta còn chưa xuống mồ, thì đơn giản là chúng ta không thể biết Thiên Chúa đặt ở đâu, hay làm sao có thể đặt chung Thiên Chúa trong sự đau khổ của con người. Vì vậy, tôi không cho là sách của tôi có giá trị gì hơn là giúp tôi giữ vững niềm tin vào một Thiên Chúa nhân ái trong giai đoạn mà tôi phải đi qua “thung lũng đầy nước mắt” trong “bóng tối sự chết”.

Có thể cách tốt nhất để mạo hiểm lần bước vào lãnh địa này là qua một câu chuyện. Như bà Elie Wiesel, một nạn nhân sống sót trong lò sát sinh Holocaust của Đức Quốc Xã, đã nói: “Bạn muốn biết về vương quốc bóng tối ư? Không có cách gì để diễn tả vương quốc bóng tối. Nhưng tôi sẽ kể bạn nghe một câu chuyện ... Bạn muốn biết về sự mong manh của trái tim con người ư? Không có cách gì để diễn tả sự mong manh của trái tim con người. Nhưng tôi sẽ kể bạn nghe một câu chuyện ... Bạn muốn được nghe diễn tả về điều không thể diễn tả ư? Không có cách gì để diễn tả điều không thể diễn tả. Nhưng tôi sẽ kể bạn nghe một câu chuyện.”

Vậy tôi xin bắt đầu bằng một câu chuyện.

Vào buổi sáng sớm ngày sinh nhật 25 tuổi của tôi, cha bề trên Dòng Tên ở nhà dòng mà tôi đang sống lúc đó đến giường lay tôi dậy vào bảo rằng có mẹ tôi đang chờ điện thoại. Gia đình tôi không có thói quen biểu lộ tình cảm ra ngoài. Chúng tôi không có thói quen gọi điện thoại cho nhau vào lúc rạng đông của ngày sinh nhật để chúc mừng sinh nhật nhau, nhưng khi nghe giọng của Mẹ, tôi biết ngay đây không phải là một cú điện thoại chúc mừng sinh nhật. “Chị con vừa mới bị tai nạn xe, mẹ phải đi Darwin ngay lập tức. Mẹ hy vọng là con có thể cùng đi với mẹ”. Chị tôi, Tracey, đã học nghề y tá sau khi hoàn tất chương trình trung học, và chỉ vài tháng sau khi ra trường chị đã sang Calcutta làm việc trong Nhà Dành Cho Người Hấp Hối ở Kalighat, sáng lập đầu tiên của Mẹ Tê-rê-sa. Sau sáu tháng chị trở về nhà để chăm sóc cho mẹ tôi, lúc đó không được khỏe, nhưng sau đó chị lại trở sang Ấn Độ. Mười tám tháng sau, chính phủ Ấn Độ từ chối gia hạn visa cho chị bởi vì chị chỉ là thiện nguyện viên, cho nên chị trở về Úc và vào làm việc với các sơ Dòng Đức Mẹ Thánh Tâm để giúp điều hành một trung tâm y tế dành cho người thổ dân Aboriginies ở một vùng mà lúc đó được gọi là Port Keats, nhưng nay được gọi bằng tên truyền thống của thổ dân là Wadeye. Chị tôi là một cô gái trẻ, đầy sức sống, và đầy năng lực. Chị rất vui với cộng đồng ở Port Keats không kém chi những ngày ở Ấn Độ.

Hôm trước ngày sinh nhật của tôi một hôm, chị Tracey phải đi giúp thay chỗ cho một y tá địa phương ở một thị trấn vùng sâu khác, gọi là thị trấn Adelaide River. Đó là một cộng đồng nhỏ bé người Aboriginies, da trắng, cách thủ phủ Darwin của Northern Territory khoảng một giờ về phía nam. Điều xảy ra kế tiếp là câu chuyện của chị Tracey, vậy tôi sẽ để chị kể lại theo như quyển sách của chị, “Toàn Bộ Tai Ương”.

“... Vào lúc sắp xong công việc của tôi ở Adelaide River, tôi lái xe trở lại Port Keats để nghỉ cuối tuần. Tôi chở theo Margaret, vợ của một người thợ sửa ống nước, cùng với ba đứa con của chị, vì xe chị ấy không đủ mạnh để chạy trên đường đất. Chúng tôi có một dịp cuối tuần thật vui vẻ. Trên đường quay lại, lúc gần tới Adelaide River thì chiếc xe của tôi ho mấy tiếng rồi chết máy. May mắn làm sao, chỉ một lúc không lâu sau đó có hai chiếc xe khác đi ngang qua, và họ nhận lời giúp kéo xe chúng tôi vào thị trấn.

“Chúng tôi đã nối dây đâu vào đó để kéo xe và đã bắt đầu khởi hành, nhưng trước khi tôi kịp nhận ra điều gì đã xảy ra, tôi thấy mình đang cán qua sợi dây kéo và xe tôi lạng về phía bên trái. Tôi nắm chặt tay lái để giảm bớt độ sốc khi xe đâm vào một cái cây nhỏ phía trước, và điều kế tiếp tôi nhận ra là nguyên cả chiếc xe đã bị lật úp, khiến tôi không biết chắc là mình đang nằm ở chiều nào. Tôi không thể cử động gì cả, và cảm thấy như là cả cái nóc chiếc xe đang đè xuống đầu tôi. Tuy vậy miệng và não tôi vẫn còn hoạt động, và một khi tôi xác định được là mấy đứa trẻ không bị gì và Margaret thì bị thương không nặng lắm, thì tôi cảm thấy trút được cả một gánh lo. Những người Samari nhân hậu đã nhận lời giúp kéo xe chúng tôi thì cuống quýt cả lên; một người trong số họ cúi xuống ghé tai tôi bảo rằng họ sẽ chạy vào thị trấn Adelaide River để tìm y tá. ‘Chính tôi là con nhỏ y tá khốn khổ đó đây’, tôi đáp lại, và chỉ đường cho ông ta đến địa chỉ mà người y tá thường trực ở đó vừa mới trở về.

“Nhiều tiếng sau, nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát, xe cứu thương, và người y tá, tôi được đưa ra khỏi cái đống sắt bẹp dúm đó. Tôi không cảm nhận được điều gì ngoài cơn đau khủng khiếp ở cổ. Họ đặt tôi xuống đất, gắn một chiếc vòng giữ cho cổ ổn định, và đem tôi lên một chiếc cáng trong xe cứu thương. Chỉ một cái nhìn vào những gương mặt đầy lo lắng của mọi người xung quanh cũng đủ làm tôi suy sụp tinh thần. Mặc dù tôi vẫn tỉnh táo trong suốt giai đoạn này, và bộ óc của tôi vẫn còn nhận biết là tôi không thể cảm nhận được điều gì từ vai trở xuống, nhưng cả người tôi thì cứ phản kháng lại thông tin đó.

“Đoạn đường đến Darwin vừa chậm vừa đau đớn, nhóm cấp cứu cứ khoảng hai mươi phút lại dừng xe để kiểm tra xem tôi còn những dấu hiệu của sự sống hay không. Tôi phải dọa là tôi sắp chết đến nơi nếu họ dừng lại thêm một lần nữa, khi tôi chịu không thấu cơn đau ở cổ mỗi lần xe ngừng rồi xe chạy lại. Tôi còn một điều lo lắng lớn khác là cái đau nhói phía sau đầu, và một cảm giác rất thực là có bầy kiến đang cắn da đầu tôi. Phải mất một lúc sau tôi mới thuyết phục được cô nhân viên cấp cứu là tôi không bị tổn thương sọ não chi cả, và những lời than phiền của tôi là hoàn toàn nghiêm túc. Để cho tôi khỏi nói năng lôi thôi gì thêm, cô ta bắt đầu chải nhẹ qua mái tóc của tôi, và vô cùng ngạc nhiên khi khám phá ra tới mấy con kiến xanh thật lớn trong đó. Còn nguyên nhân cơn đau phía sau đầu tôi, té ra, là do một mảnh cây sắc nhọn ghim vào. Chúng tôi vội vã trực chỉ Darwin mà không có thêm sự cố nào nữa, và tôi nằm nhoài trong chiếc cáng mà hy vọng rằng tất cả những điều này chỉ là một giấc mơ hãi hùng mà thôi.

“Tôi nhờ một nhân viên ở bệnh viện liên lạc với một người bạn của tôi ở Darwin, và ủy thác cho bạn tôi công việc gọi điện thoại cho mẹ tôi để báo tin chẳng lành”.

TTTTT

Cô Jill gọi cho mẹ tôi vào khoảng 1 giờ 30 khuya để báo tin chị Tracey bị tai nạn, và mặc dù người ta chưa biết rõ Tracey bị thương nặng đến mức nào, Mẹ của Tracey nên đến bệnh viện ngay. Phần tiếp theo sau đây là “chuyện của mẹ tôi”. Mẹ tôi góa bụa vào năm 32 tuổi. Ba tôi qua đời sau một cơn đột quỵ ở tuổi 36, và mẹ tôi trở thành người mẹ đơn độc nuôi anh tôi, lúc đó 7 tuổi, chị tôi, 5 tuổi, và tôi, 2 tuổi. Khi nhận được tin chị Tracey gặp nạn, mẹ tôi, lúc đó đang sống một mình, đã quyết định thay vì gọi điện thoại đánh thức anh Peter và tôi, mẹ nghĩ sẽ tốt hơn nếu để hai anh em tôi được ngủ yên đêm đó bởi vì không ai trong chúng tôi có thể làm được gì cho tới khi trời sáng. Mẹ không gọi cho ai cả. Bà ngồi một mình uống hết ly cà phê này tới ly cà phê khác và hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác cho tới khi trời sáng.

Tới 9 giờ sáng thì Mẹ và tôi đã ngồi trên máy bay đi Darwin. Nếu bạn đã từng chạm trán với thảm cảnh trong cuộc đời của chính bạn, thì bạn sẽ thông cảm với tâm trạng muốn chối bỏ sự thật của cả hai chúng tôi – cả mẹ và tôi đều thấy sao mà tất cả mọi sự trong chuyến bay đó đều khôi hài kinh khủng. Cả hai người đều cười nói và đùa giỡn rằng khi chúng tôi đến nơi thì sẽ thấy chị Tracey đang ngồi trên giường, đang ăn một dĩa bít-tết và uống một ly bia, và chị sẽ cười nhạo chúng tôi là có gì đâu mà hoảng hốt lên như vậy. Cái kết cục vui vẻ đó đã không diễn ra.

Khi chúng tôi đến nơi, ở phi trường có thật nhiều các sơ mặc áo dòng và đội khăn lúp, đến nỗi tôi nghĩ rằng chắc hẳn chuyến bay sau phải có đức giáo hoàng trong đó. “Khi nào chúng ta đến bệnh viện thì bác sĩ sẽ cho biết tất cả mọi sự”. Chúng tôi được dẫn đến phòng chị Tracey đang nằm, và thấy một tấm chăn dài đắp lên tậm cằm chị. Hai cánh tay chị giang ra ngoài, gác trên hai mảnh ván nối ra từ chiếc giường, và có hai cây kim khổng lồ ghim sâu vào đầu chị với những vật nặng ở phía sau chiếc giường giữ cho đầu chị nằm yên một chỗ. Từ đó về sau tôi không bao giờ có thể nhìn thập giá với cái nhìn như trước nữa.

Mẹ tôi tự dưng bỗng trở nên như quen thuộc trong bệnh viện, và bắt đầu hỏi han chị Tracey xem chị có cử động được chỗ nào không. Với hai giọt nước mắt lặng lẽ lăn ra từ khóe mắt chảy xuống hai bên đầu, chị tôi chỉ nói đơn giản: “Con là một đứa bại liệt, Mẹ à. Con bị trật đốt sống thứ 5 và bị nứt đốt sống thứ 6 và thứ 7. Bị nặng tới mức này là cùng.”

Đánh nhau hoặc bỏ chạy là hai phản ứng thường thấy khi người ta bị kích động mạnh. Chúng tôi đã chọn cách thứ hai. Chị Tracey kể lại là chị cũng không rõ giữa mẹ tôi và tôi, ai thắng ai khi vụt chạy ra khỏi cửa. Sơ chăm sóc mục vụ ở đó đã đưa chúng tôi vào một phòng riêng khác. Tôi ngồi xuống trước một cái bàn, và lần đầu tiên trong đời không thốt ra được lời nào. Mẹ tôi thì cứ giậm qua giậm lại trong phòng. Bà giận điên lên. Giận giống như khi một con sư tử con trong bầy bị giết chết thì con sư tử mẹ lồng lộn đi truy tìm cho ra thủ phạm. Trong khi giậm qua giậm lại như vậy, mẹ tôi bắt đầu đặt ra cả một loạt những câu hỏi:

Sao Chúa có thể nỡ làm cho Tracey bị như vậy?
Sao Chúa có thể nỡ gieo tai họa này cho gia đình mình?
Chúa còn muốn mẹ phải chịu đau khổ gì nữa trong cuộc đời này?
Và câu hỏi ám ảnh nhất:
Chúa đang ở cái xó nào?

Đây là những câu hỏi thật khó trả lời, nhưng mà tôi là một linh mục dòng Tên. Tôi đã cả đời học hỏi về Thiên Chúa, cho nên tôi cố gắng đưa ra một câu trả lời. Nhưng mỗi khi tôi mở miệng định nói, thì mẹ tôi lại chận họng tôi lại. Trong những tình huống tương tự thì chúng ta thường hay nổi giận với những người gần gũi mình nhất. Tôi chỉ muốn hét cho mẹ tôi nhớ rằng tôi cũng là một trong mấy con sư tử con vậy!

Nhưng không, tôi gom hết can đảm và bình tĩnh nói chuyện với mẹ tôi, có thể nói rằng đó là cuộc đàm thoại đau thương nhất và quan trọng nhất về mặt thần học trong cả cuộc đời tôi. Tôi nói với mẹ tôi rằng nếu có ai có thể chứng minh cho tôi là tối hôm qua Thiên Chúa ngồi tà tà trên thiên đàng và nghĩ rằng: “Ta cần thêm một đứa liệt chân liệt tay nữa, con nhỏ Tracey coi được lắm, vậy để ta dựng nên một vụ tai nạn xe làm cho nó bị liệt chơi” – nếu như đó thật sự là ý muốn chủ động của Thiên Chúa – thì tôi sẽ rời bỏ hàng linh mục ngay, bỏ Dòng Tên, và bỏ luôn cả giáo hội. Tôi không biết đến Thiên Chúa đó, tôi không muốn phục vụ Thiên Chúa đó, và tôi không muốn làm người đại diện cho Thiên Chúa đó trên trần thế. Thế là mẹ tôi bắt bẻ lại tôi, “Nói như vậy thì Chúa ở đâu?” Và tôi nhẹ nhàng trả lời, “Con nghĩ Chúa cũng đang đau khổ bàng hoàng như mẹ và con vậy, bởi vì một người con gái quảng đại, vị tha, đã từng đi cả nửa vòng trái đất để chăm sóc cho người nghèo, nay lại trở thành người nghèo nhất mà mình từng gặp.” Nghèo ở đây không dính líu gì đến nghèo khó về tiền bạc. Tôi đã không phải lựa chọn giữa một Thiên Chúa của tình yêu và một Thiên Chúa gây ra những điều ác độc cho chúng ta. Như một Thiên Chúa từng than khóc trước đau thương mất mát trong sách I-sai-a và như Đức Giê-su từng than khóc trước mộ người bạn thân thiết nhất trong Gio-an 11, Thiên Chúa không đứng bên ngoài nỗi đau của chúng tôi, mà là bạn đồng hành với chúng tôi trong nỗi đau đó, nâng đỡ chúng tôi bằng cánh tay của Người, chia sẻ với chúng tôi trong nỗi buồn khổ đau đớn.

Trong những tháng sau đó, tôi nhận được một số những lá thư kinh khủng đáng sợ nhất từ những người Công Giáo tốt lành nhất mà tôi được biết. Một vài thư viết rằng: “Tracey chắc chắn là đã làm chuyện gì sai trái lắm nên Chúa mới giận như vậy, cho nên nó phải chịu trừng phạt ở đời này, bởi vì đừng hòng mà giỡn mặt với Thiên Chúa!” Thư còn viết tiếp: “bây giờ thì cách duy nhất để hòa giải với Chúa là chỉ còn cách bằng lòng chấp nhận ý Chúa mà thôi.” Những người này thật sự tin rằng Chúa đã trừng phạt chúng tôi. Kể từ năm 1988 tôi đã khám phá ra rằng lối suy nghĩ này còn phổ biến hơn tôi tưởng rất nhiều. Tôi đã từng gặp gỡ những người bị bệnh ung thư, những cặp vợ chồng vô sinh, những bậc cha mẹ có con bị chết – những người này hỏi tôi họ đã làm nên nông nỗi gì mà phải gánh chịu lời nguyền mà họ nghĩ là Thiên Chúa đã giáng xuống họ như vậy? Chỉ cần nghĩ tới họ cũng đủ cho tôi muốn khóc lên được.

Một số khác viết rằng: “Sự đau khổ của Tracey là để gởi lên thiên đàng những tảng đá vinh quang để sau này dùng xây lâu đài cho Tracey khi cô ấy qua đời.” Đây là điều thường được gọi là “khi-nào-chết-thì-lên-trời-hưởng-phúc.” Tôi đâu có biết rằng trên thiên đàng, trong số các căn phòng trong ngôi nhà của Cha Trên Trời, lại có những phòng riêng được chia thành hạng nhất, hạng doanh nhân, và hạng bình dân. Và nếu sự thật là như vậy, thì thiên đàng sẽ là nơi chốn đầu tiên trong cuộc đời tôi mà tôi sẽ không xin được nâng cấp! Bởi vì nếu như để được nâng cấp từ cái chòi con ở ngay sát bên trong cổng thiên đàng lên tới những vùng hào quang sang trọng nhất ở giữa thiên đàng mà đồng nghĩa với việc phải phụ thuộc vào người khác trong việc tắm rửa, ăn uống, cử động, vệ sinh, thay quần áo mỗi ngày trong suốt hơn hai mươi năm qua, thì tôi không có khả năng chi trả cho cuộc dời nhà lên vùng giàu sang đó. Tôi nghĩ rất ít người có khả năng đó.

Sau hết, có một số thư và thiệp viết rằng: “Gia đình cha thật là có phúc lắm, vì Chúa chỉ gởi thánh giá nặng nhất cho những người có thể vác nổi mà thôi.” Lúc nào tôi cũng thích việc một số người không có cái phúc đặc biệt đó lại có thể thấy rõ ràng cái ân phúc đó nơi sự đau khổ của người khác. Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ về cái lý luận này thêm một chút. Chúng ta thường hay nghe như vậy lắm. Nếu lý luận này đúng, thì đều đặn mỗi buổi sáng, trưa, chiều, tối là tất cả chúng ta phải nên quỳ gối xuống mà cầu xin chỉ một lời này thôi: “Con yếu đuối lắm. Con yếu đuối lắm. Con yếu đuối lắm, ôi lạy Chúa. Xin đừng nghĩ là con đủ sức mạnh.” Bởi vì nếu như lý luận đó đúng và nếu Thiên Chúa nghĩ là bạn có đủ sức mạnh, thì bạn sẽ được chúc phúc bằng một cây thập giá tổ chảng.

Ngoài những lá thư trên còn có một số người tốt bụng tìm cách an ủi chúng tôi, và đưa ra ba luận điểm thường thấy mỗi khi có chuyện chẳng lành xảy ra: “Mọi sự đều là mầu nhiệm”; “Đường lối của ta không giống đường lối của ngươi”; và “Chỉ khi nào lên thiên đàng thì ta mới hiểu được chương trình của Thiên Chúa.” Những lời này có phần nào sự thật trong đó, nhưng tôi hoàn toàn không tin chúng là sự thật theo nghĩa mà một số người hiểu. Những câu này thường do những người tốt bụng dùng để nói vài điều chi đó mà họ nghĩ là có thể đem lại niềm an ủi. Điều đó không có tác dụng an ủi đối với tôi chút nào cả. Ví dụ như, mặc dù sự thật tuyệt đối là đường lối và cách suy nghĩ của Thiên Chúa thì vĩ đại vô hạn so với bất cứ những gì mà chúng ta có thể mơ tới hoặc tưởng tượng ra, nhưng nếu lôi cái đoạn I-sai-a 55 ra giữa cơn đau khổ của người khác thì thường có khuynh hướng đặt Thiên Chúa ra ngoài vòng bi kịch của nhân loại, như là một đấng thông-biết-mọi-sự nhưng lại là người bàng-quan-vô-cảm trước những khốn đốn trong cuộc đời chúng ta. Tuy thế, tôi nghĩ rằng một trong những mục đích lớn nhất của việc xuống thế làm người, của việc Thiên Chúa trở thành một con người như chúng ta qua Đức Giê-su Ki-tô, chính là vì Thiên Chúa muốn biểu lộ đường lối của Người, cách suy nghĩ của Người, muốn được loài người biết đến Người, nhất là trong những giây phút mà đôi khi chúng ta buông xuôi đầu hàng trước những nỗi tuyệt vọng cùng cực nhất. Cuộc đời, cuộc tử nạn, và sự phục sinh của Đức Giê-su chứng tỏ cho ta thấy là Thiên Chúa tự gắn mình với lịch sử nhân loại qua một cách mật thiết nhất trong tất cả mọi cách. Chúng ta không tin và không yêu mến một bản thể cao ngạo cứ luôn ẩn núp trong vòng huyền bí và rồi tự động biến mất tăm hơi vào những lúc chúng ta gặp khó khăn trên đường đời. Việc đầu thai xuống thế làm người chắc chắn cho ta thấy rằng Thiên Chúa thật tâm muốn tham dự vào cuộc phiêu du của loài người với tất cả mọi điều phức tạp và những nỗi đau khổ trong cuộc phiêu du đó.

Vì vậy tôi rất biết ơn tất cả những người đã viết thư cho tôi sau cái tai nạn xảy ra cho chị tôi. Họ đã đánh thức cho tôi biết chúng ta thường phải nghe những loại thần học dở òm ra sao, những loại thần học không quy hướng chúng ta về với Thiên Chúa trong những giây phút khốn khổ nhất trong đời ta. Những loại thần học đó biến chúng ta thành kẻ xa lạ. Loại thần học đó, trong cả một lúc lâu, đã khiến tôi trở thành kẻ xa lạ với niềm tin vào Thiên Chúa, đấng muốn chúng ta có một cuộc thảo luận về những điều phức tạp trong đề tài làm thế nào, và ở chỗ nào, mà Thiên Chúa linh thiêng lại có thể hiện hữu trong cái thế giới trần tục mong manh của chúng ta. Vậy sau đây tôi xin trình bày bảy bước dẫn đến sự bình an tâm hồn khi chúng ta bị thử thách cám dỗ và chúng ta đầu hàng cơn cám dỗ mà đặt câu hỏi rằng: “Thiên Chúa đang ở xó nào?”

1. Thiên Chúa không trực tiếp giáng xuống chúng ta những nỗi đau đớn, khổ sở, hay bệnh tật. Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta.
2. Thiên Chúa không giáng xuống tai nạn để dạy cho chúng ta điều này điều nọ, mặc dù ta có thể học hỏi từ những tai nạn đó.
3. Thiên Chúa không chủ ý gây ra động đất, lụt lội, hạn hán, hay những thiên tai khác. Cầu nguyện là lời cầu xin Thiên Chúa biến đổi chúng ta để biến đổi thế giới.
4. Thánh ý Thiên Chúa thiên về tổng thể hơn là tiểu tiết.
5. Thiên Chúa không cần máu Đức Giê-su. Đức Giê-su không phải đến thế gian chỉ để “chết”, nhưng Thiên Chúa dùng cái chết của Đức Giê-su để tuyên bố kết thúc sự chết.
6. Thiên Chúa đã tạo dựng một thế giới dưới mức hoàn hảo, trong đó đau đớn, bệnh tật, khổ sở là những thực tế rõ ràng; nếu không thì, thế gian đã là thiên đàng. Một số những vấn đề này là do chúng ta tự tạo ra nhưng lại đổ lỗi cho Thiên Chúa.
7. Thiên Chúa không giết bỏ chúng ta.
giadinhanphong

chư dân
22-04-2011, 08:54 AM
Lm Richard Leonard SJ: Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào?

Trong một quyển sách mới sắp được ra mắt vào ngày mai tại London, linh mục Richard Leonard thuộc Dòng Tên ở Úc Châu bàn về cách chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình khi phải đối diện với đau khổ. Bằng kinh nghiệm của chính bản thân qua một thảm họa xảy ra trong gia đình, linh mục Richard sẽ trình bày phản ứng cá nhân của mình khi ngài bị cám dỗ mà đặt ra câu hỏi: ‘Thiên Chúa đang ở cái xó nào?’

Hầu hết những sách vở về đề tài làm sao có thể tìm thấy Thiên Chúa, hoặc biết tìm Thiên Chúa ở đâu trong những cảnh đau khổ của con người thường có khuynh hướng khá thiên về lý thuyết, học thuật. Tôi nghĩ rằng những quyển sách đó có tầm quan trọng lớn lao, ngay cả khi tôi không đồng ý với những lập luận hay kết luận trong sách. Tôi cũng nhận thấy những bước tiến về trí năng mà những quyển sách đó đã đạt được là có phần nào hữu ích trong việc phân tích bất cứ điều gì ngoại trừ việc tìm hiểu sâu xa hơn.

Việc tôi muốn tìm hiểu sâu xa hơn về lãnh vực này bắt nguồn từ một nguyên nhân khác. Chủ yếu thì quyển sách này không nhằm mục đích nói về lý thuyết, mặc dù tôi hy vọng những suy nghĩ của tôi trong sách có chiều sâu thông minh. Lý do tôi muốn tìm hiểu về lãnh vực này bắt nguồn từ kinh nghiệm bản thân, từ những trải nghiệm thực tế của tôi khi vật vã với một thảm kịch trong gia đình, một thảm kịch đã bắt buộc tôi phải đương đầu với việc làm sao có thể giữ vững niềm tin vào một Thiên Chúa nhân hậu khi đối diện với đau khổ.

Vào ngày 23 tháng Mười năm 1988, chị tôi, Tracey, bị một tai nạn xe khủng khiếp: chị bị trật đốt sống thứ 5 và bị nứt đốt sống thứ 6 và thứ 7. Chị bị liệt cả tay lẫn chân trong 23 năm qua. Tracey là một trong những người tốt lành nhất mà tôi được biết; lúc xảy ra tai nạn, khi đó dù chỉ mới 28 tuổi, chị đã từng sống ba năm ở Calcutta để giúp chăm sóc những người nghèo nhất trong số những người nghèo tại Nhà Dành Cho Người Hấp Hối do Mẹ Tê-rê-sa sáng lập. Sau đó chị Tracey trở về Úc và làm việc với các sơ dòng Đức Mẹ Thánh Tâm, giúp điều hành một trung tâm y tế dành cho người thổ dân Aboriginies ở Port Keats. Chính ở một nơi gần Port Keats mà tai nạn đã xảy ra.

Trong vòng mười hai tiếng sau khi mẹ tôi hay tin chị tôi bị nạn, nơi một căn phòng ở bệnh viện ở Darwin, mẹ tôi đã đặt câu hỏi: ‘Thiên Chúa đang ở cái xó nào?’

Trong những tháng sau đó, tôi nhận được một số những lá thư kinh khủng đáng sợ nhất từ những người Công Giáo tốt lành nhất mà tôi được biết. Một vài thư viết rằng: ‘Tracey chắc chắn là đã làm chuyện gì sai trái lắm nên Chúa mới giận như vậy, cho nên nó phải chịu trừng phạt ở đời này.’ Những người này thật sự tin rằng Chúa đã trừng phạt chúng tôi. Kể từ năm 1988 tôi đã khám phá ra rằng lối suy nghĩ này còn phổ biến hơn tôi tưởng rất nhiều. Tôi đã từng gặp gỡ những người bị bệnh ung thư, những cặp vợ chồng vô sinh, những bậc cha mẹ có con bị chết – tất cả những người này đều hỏi tôi họ đã làm nên nông nỗi gì mà phải gánh chịu lời nguyền mà họ nghĩ là Thiên Chúa đã giáng xuống họ như vậy.

Một số khác viết rằng: ‘Sự đau khổ của Tracey là để gởi lên thiên đàng những tảng đá vinh quang để sau này dùng xây lâu đài cho Tracey khi cô ấy qua đời.’ Đây là điều thường được gọi là ‘khi-nào-chết-thì-lên-trời-hưởng-phúc.’ Tôi đâu có biết rằng trên thiên đàng, trong số các căn phòng trong ngôi nhà của Cha Trên Trời, lại có những phòng riêng được chia thành hạng nhất, hạng doanh nhân, và hạng bình dân. Rồi lại có một số thư và thiệp viết rằng: ‘Gia đình cha thật là có phúc lắm, vì Chúa chỉ gởi thánh giá nặng nhất cho những người có thể vác nổi mà thôi.’ Lúc nào tôi cũng thấy lạ lùng làm sao khi một số người không có cái phúc đặc biệt đó lại có thể thấy rõ ràng cái ân phúc đó nơi sự đau khổ của người khác. Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ về cái lý luận này thêm một chút. Chúng ta thường hay nghe như vậy lắm. Nếu lý luận này đúng, thì đều đặn mỗi buổi sáng, trưa, chiều, tối là tất cả chúng ta phải nên quỳ gối xuống mà cầu xin chỉ một lời này thôi: ‘Con yếu đuối lắm. Con yếu đuối lắm. Con yếu đuối lắm, ôi lạy Chúa. Xin đừng nghĩ là con đủ sức mạnh.’

Ngoài những lá thư trên còn có một số người tốt bụng tìm cách an ủi chúng tôi, và đưa ra ba luận điểm thường thấy mỗi khi có chuyện chẳng lành xảy ra: ‘Mọi sự đều là mầu nhiệm’; và dẫn chứng đoạn I-sai-a 55 ‘Đường lối của ta không giống đường lối của ngươi’; và ‘Chỉ khi nào lên thiên đàng thì ta mới hiểu được chương trình của Thiên Chúa.’ Những lời này có phần nào sự thật trong đó, nhưng tôi nghĩ một trong những lý do của việc Thiên Chúa xuống thế làm người chính là vì Thiên Chúa muốn biểu lộ đường lối và tư tưởng của Người, muốn được loài người biết đến, nhất là trong những giây phút mà đôi khi chúng ta buông xuôi đầu hàng trước những nỗi tuyệt vọng cùng cực nhất. Chúng ta không tin và không yêu mến một bản thể cao ngạo cứ luôn ẩn núp trong vòng huyền bí và rồi tự động biến mất tăm hơi vào những lúc chúng ta gặp khó khăn trên đường đời. Việc đầu thai xuống thế làm người chắc chắn cho ta thấy rằng Thiên Chúa thật tâm muốn tham dự vào cuộc phiêu du của loài người với tất cả mọi điều phức tạp và những nỗi đau khổ trong cuộc phiêu du đó.

23 năm sau tôi rất biết ơn tất cả những người đã viết thư cho tôi sau tai nạn xảy ra cho chị tôi. Họ đã đánh thức cho tôi biết chúng ta thường phải nghe những loại thần học dở òm ra sao, những loại thần học không quy hướng chúng ta về với Thiên Chúa trong những giây phút khốn khổ nhất trong đời ta. Những loại thần học đó biến chúng ta thành kẻ xa lạ. Loại thần học đó, trong cả một lúc lâu, đã khiến tôi trở thành kẻ xa lạ với niềm tin vào Thiên Chúa, đấng muốn chúng ta có một cuộc thảo luận về những điều phức tạp trong đề tài làm thế nào, và ở chỗ nào, mà Thiên Chúa linh thiêng lại có thể hiện hữu trong cái thế giới trần tục mong manh của chúng ta. Vậy sau đây tôi xin trình bày những bước dẫn đến sự bình an tâm hồn khi chúng ta bị thử thách cám dỗ và chúng ta đầu hàng cơn cám dỗ mà đặt câu hỏi rằng: ‘Thiên Chúa đang ở xó nào?’

Khi đụng chạm đến bất cứ điều gì trong đề tài này là chúng ta đã đi vào một lãnh vực được gọi là thần học suy diễn. Trải bao nhiêu thế kỷ qua, những khối óc vĩ đại hơn bộ óc của tôi đã từng nghiền ngẫm suy tư những câu hỏi này và đã đạt tới những kết luận khác nhau. Tôi vui mừng về điều đó. Nhưng vấn đề là khi mà tôi cần đến sự soi sáng hướng dẫn từ những khối óc đó nhất, thì tôi lại thấy những giải đáp của họ không đủ thỏa đáng. Tôi không trách họ. Đa số những người đó đã không có được lợi điểm của những nghiên cứu đương đại về thánh kinh, thần học, khoa học, và tâm lý học để giúp họ một tay.

Ngay cả Giáo Hội nữa, Giáo Hội cũng biết là mình không thể nào quả quyết khẳng định về những vấn đề này, bởi vì khi nào mà chúng ta còn chưa xuống mồ, thì đơn giản là chúng ta không thể biết Thiên Chúa đặt ở đâu, hay làm sao có thể đặt chung Thiên Chúa trong sự đau khổ của con người. Vì vậy, tôi không cho là sách của tôi có giá trị gì hơn là giúp tôi giữ vững niềm tin vào một Thiên Chúa nhân ái trong giai đoạn mà tôi phải đi qua ‘thung lũng đầy nước mắt’ trong ‘bóng tối sự chết’.

Thiên Chúa không trực tiếp giáng xuống hay chủ tâm gây ra đau đớn, khổ ải, và bệnh tật. Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta, ít nhất là không trừng phạt chúng ta khi còn ở đời này. Tôi vững tin điều này bởi vì trong đoạn 1 Ga 1:5 chúng ta được bảo rằng: ‘Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào.’ – vì vậy những sự chết chóc và hủy diệt thì không thể nào có trong bản chất và hành động của Thiên Chúa. Thứ đến, bất kể ta hiểu về những hình ảnh khác nhau của Thiên Chúa trong Cựu Ước ra sao, qua Đức Giê-su trong Tân Ước Thiên Chúa đã tỏ ra là thiên về sự sống, chứ không phải chết chóc, thiên về sự tạo dựng, chứ không phải sự hủy diệt, thiên về sự tha thứ, chứ không phải sự báo thù, thiên về sự hàn gắn, chứ không phải sự đau khổ. Có một điều khác biệt lớn lao giữa việc Thiên Chúa để cho sự dữ xảy ra và việc Thiên Chúa giáng những sự dữ đó xuống đầu chúng ta. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào mắt những người đề cao và ủng hộ hình ảnh một Thiên Chúa độc tài và độc ác.

Thiên Chúa không giáng xuống tai nạn để dạy cho chúng ta điều này điều nọ, mặc dù ta có thể học hỏi từ những tai nạn đó. Chúng ta không cần phải trách móc Thiên Chúa đã trực tiếp gây ra đau khổ cho chúng ta, nhằm để cho chúng ta có thể lật ngược sự đau khổ đó và lợi dụng tình cảnh đó mà làm một điều gì tốt đẹp. Cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời của nhân loại là một động lực mạnh mẽ, nhưng tôi nghĩ rằng bình an tâm hồn là ở chỗ ta nhận biết được rằng mỗi giây mỗi phút trong mỗi ngày thì Thiên Chúa đều đang thực hiện những gì Người đã thực hiện vào ngày Thứ Sáu Tử Nạn, không phải nhằm để cho phép sự dữ, sự chết, và sự hủy diệt được có tiếng nói sau cùng, mà là để nâng cao sự nhạy bén kỳ diệu của nhân loại, và qua quyền năng của ân sủng tuyệt vời, khiến chúng ta có thể ứng phó cách tốt nhất trong cả những tình huống tệ hại nhất, và làm cho ánh sáng và sự sống có tiếng nói sau cùng. Ngày Chúa Nhật Phục Sinh là lời đáp trả của Thiên Chúa cho ngày Thứ Sáu Tử Nạn: sự sống vươn lên từ cõi chết.

Thiên Chúa không chủ ý gây ra động đất, lụt lội, hạn hán, hay những thiên tai khác: xin mọi người vui lòng ngưng cầu trời cho mưa xuống được không? Nếu như Thiên Chúa là người trực tiếp điều khiển khí hậu, thì có vẻ Người thật là một nhà khí tượng yếu kém. Khi người ta hỏi: ‘tại sao động đất và sóng thần xảy ra?’, tôi nghĩ cách tốt nhất là chúng ta cứ giải thích cho họ biết sự thật đơn giản theo môn địa vật lý: ‘Đó là do có sự di chuyển của vỏ địa cầu, gây ra những cơn sóng lớn.’ Ở đàng sau cái khái niệm về một-nhà-khí-tượng-ở-trên-trời thì không phải là Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Ki-tô, mà là thần Zeus, và tôi nghĩ chúng ta cần phải cẩn thận khi nghĩ rằng lời cầu xin nguyện ước của chúng ta là để làm gì. Lời cầu xin nguyện ước của chúng ta không thể thay đổi một Thiên Chúa bất biến (Gc 1), mà là để xin Thiên Chúa bất biến của chúng ta thay đổi chúng ta và từ đó thay đổi thế giới.

Thánh ý Thiên Chúa thiên về tổng thể hơn là tiểu tiết. Tôi tha thiết tin tưởng vào thánh ý Thiên Chúa. Chỉ là thường thì tôi nghĩ là thánh ý Thiên Chúa hay được khám phá trong toàn cảnh bức tranh hơn là trong các đường nét tiểu tiết. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa muốn tôi thực hành những đức tính thần học là đức tin, đức cậy, và đức mến (1 Cr 13). Bằng thời gian và không gian, bằng bản chất và ơn phúc Chúa ban cho tôi, tôi cộng tác với Thiên Chúa để tận dụng những khả năng của tôi, ngay cả khi điều đó bao gồm việc phải làm những chuyện khó khăn, gian khổ, hy sinh. Sự đáp lời này không phải là do lòng sợ hãi hay do bị cưỡng bách, nhưng là do tình yêu và ước muốn. Tôi nghĩ chúng ta phải nên rất cẩn thận khi nói về thánh ý Thiên Chúa bằng những câu đại loại như: ‘Nhưng nhờ vào ơn Chúa mà tôi dấn thân lên đường.’ Thế còn những người không có ơn gọi như vậy thì sao? Chẳng lẽ Thiên Chúa không quan tâm gì đến họ hay sao?

Thiên Chúa không cần máu Đức Giê-su. Đức Giê-su không phải đến thế gian chỉ để “chết”, nhưng Thiên Chúa dùng cái chết của Đức Giê-su để tuyên bố kết thúc sự chết. Đây là lãnh vực thần học về ‘hy sinh chịu đựng’: nếu như chính Đức Giê-su mà còn phải chịu đựng đau khổ, thì quý vị cũng vậy. Mặc dù tôi có được biết về các nghiên cứu của thánh Phao-lô ở Rô-ma, thánh Clement ở Alexandria, thánh Anselm ở Canterbury, và sau này là thánh John Calvin về thần học cứu chuộc, tôi không thể nào vững tâm mà chấp nhận rằng Thiên Chúa hoàn hảo của tình yêu lại có thể đã gài bẫy cho loài người sa ngã trong Tội Nguyên Tổ, rồi lại nổi giận với con người đến nỗi chỉ có cái chết bi thảm của đứa con trai hoàn hảo của Người mới có thể hàn gắn lại mối quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người. Đây không phải là cách duy nhất để tìm hiểu về Tuần Thánh. Trong suốt chiều dài lịch sử giáo hội Công Giáo, câu hỏi thường dằn vặt tâm trí các tín hữu dường như là câu ‘Tại sao Đức Giê-su phải chết?’ Tôi cho rằng đó là cách đặt sai vấn đề. Đúng ra phải hỏi là ‘Tại sao Đức Giê-su lại bị giết?’ – và câu hỏi này đặt những đau khổ của Đức Giê-su trong những ngày cuối cùng ở thế gian, và cái chết của Người, vào một khía cạnh hoàn toàn mới mẻ. Đức Giê-su không đơn giản là đến thế gian để chết, và không chỉ đến thế gian để chịu chết mà thôi. Trái lại, Đức Giê-su đến thế gian để sống. Nhưng vì hậu quả của việc Người đã sống cuộc đời mình một cách dũng cảm và cấp tiến, và vì tình yêu mà Người dành cho cả nhân loại, Người đã là một mối đe dọa cho giới lãnh đạo về chính trị, xã hội, và tôn giáo vào thời đó, đến nỗi họ xử tử Người. Nhưng Thiên Chúa đã chiến thắng trong ngày Thứ Sáu Tử Nạn: Chúa Nhật Phục Sinh.

Thiên Chúa đã tạo dựng một thế giới dưới mức hoàn hảo, trong đó đau đớn, bệnh tật, khổ sở là những thực tế rõ ràng; nếu không thì, thế gian đã là thiên đàng. Một số những vấn đề này là do chúng ta tự tạo ra nhưng lại đổ lỗi cho Thiên Chúa. Tôi không còn đếm xuể những người đã từng nói với tôi, ‘Con không thể nào tin vào một Thiên Chúa đấng để cho những nạn đói xảy ra.’ Tôi cho là Thiên Chúa cũng đang băn khoăn tự hỏi tại sao chúng ta để cho nạn đói xảy ra. Thiên Chúa chịu trách nhiệm trong việc làm cho thế giới triển nở, mà trong sự triển nở đó những tác động của sự dữ luân lý và sự dữ thể lý có thể tạo ra những điều bất công nghịch lý. Nhưng đó không phải là trách nhiệm của Thiên Chúa bởi vì chính chúng ta đã không có can đảm quyết định chọn lựa những điều khó khăn – những chọn lựa mà lẽ ra đã giúp biến đổi thế giới thành một nơi công bình hơn và hợp lý hơn cho tất cả mọi người. Với sự ương ngạnh cứng đầu này, cũng không phải là điều ngạc nhiên khi chúng ta tìm một vật tế thần linh thiêng để đem đổ gánh nặng tội lỗi về sự thiếu ý chí đấu tranh chính trị cũng như thiếu tính đoàn kết tương thân tương ái trong xã hội của chúng ta.

Thiên Chúa không giết bỏ chúng ta. Trong vai trò tín hữu Công Giáo, tạ ơn Chúa, ít nhất là từ thập niên 60, chúng ta đã không còn chính thức đọc các văn bản thánh kinh theo nghĩa đen cho đến khi ta đọc những đoạn về việc Thiên Chúa biết ‘từng sợi tóc trên đầu chúng ta’ và biết ‘cả cuộc đời ta từ trước khi lọt lòng mẹ’ (Gr 1:5; Gl 1:15-16; Cn 16:33; và Mt 10:30). Và rồi chúng ta trở thành những người chạy theo trào lưu chính thống. Mỗi khi đến viện dưỡng lão tôi thường hay được hỏi là ‘Thưa Cha, sao Chúa vẫn chưa chịu gọi Bà con về?’ và tôi trả lời ‘vì Bà con vẫn chưa chịu tắt thở.’ Dĩ nhiên là tôi không thật sự nói như vậy – tôi biết giữ tế nhị trong mục vụ nên không nói, nhưng tôi muốn nói như vậy lắm. Động từ ‘gọi về’ diễn tả thật rõ về những gì mà ta cho rằng đang xảy ra ở đây. Tại sao Chúa lại muốn ‘gọi’ một em bé hai tuổi về thiên đàng hơn là muốn ‘để lại’ đứa bé trong vòng tay yêu thương của cha mẹ? Tương phản với điều này, tôi nghĩ đó là điều hoàn toàn thích hợp khi tin rằng cuộc đời, từ lúc trong lòng mẹ đến lúc vào viện dưỡng lão, không phải là một gang tấc thời gian đã được Thiên Chúa định đoạt sẵn từ trước, mà là cơ thể chúng ta sẽ sống cho tới khi nó không còn có thể hoạt động được nữa, vì bất cứ lý do tự nhiên gì hay tai nạn gì. Thiên Chúa không phải là một yếu tố chủ động trong tiến trình này, nhưng, một lần nữa, chịu trách nhiệm trong việc tạo ra chúng ta không có tính trường sinh bất tử. Và rồi, khi cơ thể chúng ta chết, linh hồn ta sẽ bắt đầu chuyến hành trình cuối cùng về nhà Cha.

Một số người có thể nghĩ là những lập luận thần học được phác họa trên đây đã mô tả Thiên Chúa như là một kẻ xa lạ và xa cách. Tôi không cần phải nghĩ là Thiên Chúa phải là nguyên nhân trực tiếp của tất cả mọi việc trong đời tôi để tôi có thể có một niềm tin mạnh mẽ và sống động vào một Thiên Chúa gần gũi thân thuộc. Thật vậy, tôi tha thiết tin tưởng vào tình yêu và sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa. Dù cho chúng ta có nghĩ rằng Thiên Chúa thật xa cách với những nỗi phức tạp rắc rối trong đời ta, nhưng suy nghĩ đó không đẩy Thiên Chúa ra xa khỏi những thăng trầm trong cuộc sống, sự đau khổ, và cái chết của chúng ta. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi được mời vào cuộc đời chúng ta ở bất cứ mức độ nào mà ta muốn. Đức Ki-tô gặp gỡ chúng ta bất kể ta đang ở nơi đâu, ôm ấp và nâng đỡ ta khi đường đời ta gặp gai góc, và giúp ta tìm thấy con đường đi tới, ngay cả trong chuyến hành trình, và đặc biệt là trong chuyến hành trình vào ngày cuối cùng của cuộc cuối đời khi ta tìm đường về nhà Cha.

25.Mar.2011
Nguồn: Thinking Faith – The Online Journal of the British Jesuits
Bản dịch : Cecilia Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

chư dân
22-04-2011, 08:56 AM
Lm Richard leonard sj: Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào? (Chương Một)

Chương Một
_____________________________________

Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta.


Thiên Chúa không trực tiếp giáng xuống hay chủ tâm gây ra đau đớn, chết chóc, khổ sở, và bệnh tật. Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta bằng những sự chẳng lành.

Tôi đã dần dần nhận ra rằng một số người tin vào một Thiên Chúa tàn bạo. Khái niệm hiện đại thông thường về những cá nhân chuyên chế độc tài tàn bạo là họ là những kẻ thống trị độc đoán chuyên duy trì quyền lực của mình bằng cách gieo rắc sợ hãi, chết chóc, tra tấn, và đàn áp. Cũng dễ hiểu, vì đa số quần chúng không dám phản kháng nhà độc tài, không những chỉ vì nỗi khiếp sợ của họ, mà còn vì công việc chính của họ chỉ là cố gắng tồn tại dưới chế độ độc tài đó.

Những người viết thư cho tôi và bảo rằng chị tôi phải bị Thiên Chúa trừng phạt vì những tội lỗi của chị hay vì đó là cách để chị xứng đáng được hưởng thiên đàng, đều tin vào một Thiên Chúa độc tài tàn bạo. Chị Tracey vẫn luôn là một trong số những người tốt lành và quảng đại nhất mà tôi từng biết. Cái ý tưởng cho rằng cuộc đời là chỉ nhằm tồn tại dưới chế độ độc tài đó thật ra lại rất phổ biến trong sự tưởng tượng của đại chúng, phổ biến đến mức chúng ta khó mà tin được. Ý tưởng đó chỉ lộ bộ mặt xấu xa của nó khi chúng ta lỡ làm hoặc lỡ nói điều gì mà đáng lẽ chúng ta không nên làm hay nói, và rồi nó làm ta bị vấp chân té ngã. Ta có thể nghĩ rằng Thiên Chúa chắc hẳn là đang tức thời giáng xuống một cú đánh để cho chúng ta tỉnh thức. Ý tưởng này cho rằng Thiên Chúa chỉ khoan thứ những hành vi sai trái đến một mức nào đó mà thôi, nhưng sau mức đó thì phải ra tay chấm dứt những sự lộn xộn bằng cách nhắc cho chúng ta nhớ ai là chủ nhân uy quyền ở đây. Vấp chân té ngã là một chuyện, nhưng bị bại liệt toàn thân lại là một chuyện hoàn toàn khác hẳn.

Ý tưởng này ẩn núp phía sau những lá thư dây chuyền từng gây xáo trộn một thời, những thư này mang lốt là “lời hướng dẫn cầu nguyện” với thánh Jude, “hy vọng cho người tuyệt vọng”, theo đó nếu như chúng ta thực hành đúng y như những chỉ thị vô lý đó, thì Thiên Chúa sẽ ban những điều mà ta xin. Nếu như lời cầu xin của chúng ta không được nhậm lời, thì có nghĩa là chúng ta chắc hẳn đã bỏ sót một bước nào đó, và đôi khi lá thư dây chuyền đó còn đe dọa là bất cứ những gì làm sai lệch với toa đã kê thì sẽ phải hứng chịu sự trừng phạt từ cơn giận của Thiên Chúa. Đa số chúng ta không xem trọng những điều này chi cả; mà chúng ta cũng không nên xem trọng những điều này, bởi vì nó biến Thiên Chúa thành một loại chủ nhân gánh xiệc, trong tay vung vẩy cái roi thần thông để khiến chúng ta nhảy xuyên qua mấy cái vòng mà làm xiếc. Và trong một sự mâu thuẫn kỳ quặc nhất, nó cũng có thể có nghĩa là chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ nhảy bật lên và sẽ hành động theo ý ta muốn một khi ta đã hoàn thành những đòi hỏi của cái lá thư dây chuyền đó. Xin nói rõ ở đây, chúng ta không cần phải viết ra lời cầu nguyện tới chín lần và đem đặt lời nguyện đó ở chín nhà thờ khác nhau, hay phải chuyển email đó cho chín người thì Thiên Chúa mới lắng nghe lời ta xin, hoặc mới tận tâm cứu xét lời cầu xin của ta.

Một số người nói rằng cái ý tưởng một Thiên Chúa trực tiếp hay chủ tâm giáng xuống những điều đau đớn, chết chóc, khổ ải, và bệnh tật chính là “hình ảnh Thiên Chúa trong Cựu Ước”. Mặc dù tất cả chúng ta đều biết có những đoạn trong Cựu Ước đã nhấn mạnh hình ảnh đó – chẳng hạn như đầu trẻ thơ bị dập vào đá, kẻ thù bị tiêu diệt tan tành, và Thiên Chúa xuống tay giết hại tất cả các trưởng nam trong cả một quốc gia – nhưng nếu nhìn theo tổng thể dưới sự hiểu biết rõ ràng và cân nhắc cẩn thận về phong tục thời xưa, thì Cựu Ước là một bài trường ca phức tạp về tình yêu cứu chuộc, và về việc Thiên Chúa muốn chúng ta được sống, chứ không phải chết.

Thiên Chúa trong hình ảnh một kẻ độc tài là một giải đáp đầy sợ hãi nhưng gọn ghẽ cho những nỗi đau đớn sâu thẳm trong cuộc đời một số người. Sự khổ ải phải từ một nơi nào đó mà đến chứ, và mỗi khi có người vô tội bị đau khổ, thì những người khác kết luận là sự đau khổ là do Thiên Chúa trực tiếp giáng xuống. Tôi dùng chữ trực tiếp ở đây một cách cố ý. Tôi tin là Thiên Chúa phải chịu trách nhiệm một phần nào về những sự dữ luân lý và thể lý trên thế giới, nhưng chỉ gián tiếp mà thôi. Tôi tưởng tượng là Thiên Chúa lẽ ra đã có thể tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn thế giới này, nhưng tôi không thể đoan chắc cho lắm. Nếu như Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta một khả năng có ý chí tự do, thậm chí tự do đến mức chúng ta có thể chối bỏ Thiên Chúa, và nếu như chính vì sự tự do này mà chúng ta chọn lựa những điều tai hại, thì có lẽ thế giới này tốt đẹp được như vậy là cùng. Dù sao đi nữa, thì chúng ta phải sống trong thế giới này như thực tại của nó.

Do đó tôi bác bỏ khái niệm Thiên Chúa là một kẻ thống trị độc đoán chuyên duy trì quyền lực của mình bằng cách gieo rắc sợ hãi, chết chóc, tra tấn, và đàn áp, chính yếu là vì tôi không thể thấy những điều này nơi con người và nơi hành động của Đức Giê-su, mà cũng vì tôi không thể nào mà thật lòng yêu mến một Thiên Chúa như vậy. Đảo ngược lời của thánh Gio-an trong 1 Ga 1, “lòng sợ hãi giết chết tình yêu”, tôi muốn có “lòng kính sợ Thiên Chúa” trong ý nghĩa cổ điển nhất là biết tỏ lòng tôn kính trước Thánh Nhan Thiên Chúa, biết ngưỡng phục sự hiện diện và những kỳ công do Thiên Chúa tạo dựng, nhưng tôi cũng muốn đáp trả tình yêu của Thiên Chúa bằng cách dâng lại tình yêu của tôi. Và để làm được như vậy thì tôi không thể bị sợ hãi.

Tôi tin rằng, không thể nào mà có bất cứ ai trong chúng ta lại có thể thật lòng yêu mến một Thiên Chúa mà ta thật sự tin là sẽ giết hại con cái chúng ta, giáng bệnh ung thư cho chúng ta, làm cho chúng ta bị vô sinh, và dàn dựng tai nạn xe cộ để trả đũa chúng ta. Ngay cả trong ý nghĩa của những điều này, thì Thiên Chúa có vẻ như là một ông thần tầm thường, một kẻ độc tài nhỏ mọn, một kẻ có lẽ là cần phải theo học một khóa dạy kềm chế cơn nóng giận để may ra biết cách hướng những nguồn cảm xúc tức giận dữ dội đó vào những gì có tính xây dựng, thay vì hủy diệt. Hơn nữa, nếu như Thiên Chúa chủ tâm giáng tai họa xuống đầu chúng ta, thì bạn phải nghĩ là Người sẽ bắt đầu từ những kẻ tội lỗi tệ hại nhất mới phải chứ, nhưng mà sự thật thì hình như không bao giờ là như vậy.

Vâng, tại sao tôi có thể quả quyết như vậy là Thiên Chúa tự bản chất không phải là hủy diệt giết chóc? Trước hết, trong câu 1 Ga 1:5 chúng ta được bảo rằng “Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào.” Tôi không muốn bị kết án là mắc bệnh “sính trích dẫn” – một loại bệnh tôn giáo mà một số Ki-tô hữu mắc phải, khi họ nghĩ rằng chỉ cần dùng một đoạn thánh kinh đơn lẻ trông có vẻ như phù hợp với lập luận của họ là họ có thể thắng cuộc tranh luận. Nếu đọc trong toàn bộ bối cảnh, thì đoạn 1 Ga 1:5 thật ra là một bài giảng về ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa đang bừng tỏ nơi Đức Giê-su và qua Đức Giê-su. Có thể là được viết cho giáo hội ở Ê-phê-sô vào hậu bán thế kỷ thứ nhất, đoạn này có vẻ là một phản biện đối với một tà thuyết vào thời đó, rằng Đức Giê-su chỉ là một hữu thể tâm linh hơn là một hữu thể bằng xương bằng thịt. Thánh Gio-an đã phải vất vả mà giải thích cho dân chúng rằng Đức Giê-su là ánh sáng của Thiên Chúa nơi trần gian qua tình yêu tận hiến của Người cho chúng ta, và rằng những ai muốn bước đi trong ánh sáng này thì phải thương yêu tha nhân như Đức Giê-su đã thương yêu chúng ta.

Trong bối cảnh này, chúng ta có thể thấy tại sao mà căn bệnh ung thư, tai nạn xe cộ, cái chết của con cái, bị góa chồng hay bị mất bất cứ những ai mà ta thương yêu, là những điều thuộc về bóng tối – những điều mà không thể nào có một chỗ đứng nơi Thiên Chúa. Chúng không thể nào là một phần trong những vũ khí đạn dược mà Thiên Chúa dùng để thử thách chúng ta, để gieo rắc đau khổ cho chúng ta hầu xem coi chúng ta chịu đựng ra sao. Chúng ta được thánh Phao-lô và các vị tác giả Tân Ước khác bảo đi bảo lại là sự chết chóc và sự hủy diệt là hậu quả của sự rối loạn trật tự, vì thế chúng không thể nào là một phần của chính sự sáng, hay của tình yêu thuần khiết. Cái lối suy nghĩ cho rằng bóng tối thật sự có ngự trị nơi Thiên Chúa đã ăn lan vào những cuộc đối thoại hằng ngày của chúng ta. Cứ nghĩ xem chúng ta đã từng nghe biết bao nhiêu lần những câu đại loại như: “Thôi, canh bạc cuộc đời tôi là như thế, nay tôi chỉ có cách chịu như vậy thôi”. Đôi khi thì “canh bạc đó” bao gồm cái chết của một người thân yêu, lớn lên trong một gia đình đổ vỡ hay bất hòa, hay mang trọng bệnh trong người. Trong bất cứ trường hợp nào, thì sự so sánh cuộc đời như một canh bạc đều có những điều hạn chế, thế nhưng tôi lại thích tìm hiểu xem những tín hữu Ki-tô giáo khi dùng sự so sánh này thì họ nghĩ ai là người chủ sòng đang chia bài trong canh bạc. Trong hầu hết mọi trường hợp đó chính là Thiên Chúa, ở đây được cho là đang chủ động chia những lá bài xấu cho những người chơi bài không may mắn và không nghi ngờ chi cả trong cái ván bài đầy những chuyện ngẫu nhiên của cuộc đời. Nếu như chúng ta phải dùng tới lối so sánh này, thì ít nhất chúng ta có thể nói rằng cuộc đời mới chính là người chia bài và cuộc đời có nhiều sự tình cờ hơn bất cứ ai trong chúng ta có thể dám tưởng tượng ra. Nhưng thật đáng mừng là, thay vì thấy rằng Thiên Chúa đang ngồi trong chiếc ghế của người chia bài, Người thật ra đang ở về phía chúng ta, với tất cả những ý nghĩa của câu này, Người đang đồng hành với chúng ta trong canh bạc cuộc đời.

Lý do thứ hai khiến tôi vững tâm như vậy về việc Thiên Chúa tự bản chất không phải là giết chóc, là chúng ta biết rõ bản chất và hành động của Đức Giê-su. Mặc cho những hình ảnh khác nhau về Thiên Chúa trong Cựu Ước, chúng ta là một dân của lời giao ước mới, và do đó chúng ta giải thích Thiên Chúa của Cựu Ước trong ánh sáng của Tân Ước. Trong Thánh Kinh chúng ta thấy Lời của Thiên Chúa và Khôn Ngoan của Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Giê-su thì luôn luôn là thiên về sự sống, chứ không phải chết chóc, thiên về sự tạo dựng, chứ không phải sự hủy diệt, thiên về sự hàn gắn, chứ không phải sự đau khổ. Và trong Tân Ước không có một trang nào mà chúng ta có thể thấy Đức Giê-su tước đoạt bất cứ điều gì của bất cứ người nào. Không ai tìm đến Người với một cái chân đau mà lại phải bị khiêng đi về bởi vì Người đã đánh què luôn cái chân bên kia cho cân bằng. Người có thể đã nổi giận một cách chính đáng với những người buôn bán trong đền thờ, trong câu chuyện mà chúng ta được kể là Người đã đuổi họ ra khỏi đền thờ, nhưng chúng ta đâu có được kể là Người đã vung roi đánh đuổi họ cách vô tội vạ. Đức Giê-su dĩ nhiên là đã đụng độ với những người Pha-ri-sêu, người Xa-đốc, Nhóm Quá Khích, và những kinh sư luật sĩ, nhưng Người không bao giờ thù hận họ. Người đã không xóa sổ họ vì những điều sai trái của họ. Ngay cả những người La-mã, lúc bấy giờ là kẻ thù của dân Ít-ra-en, cũng được đối xử không bằng cách gì khác hơn là bằng sự tôn trọng, và một người La-mã còn được khen ngợi vì đức tin của ông ta nữa. Ngay cả trong thời đại ngày nay, Đức Giê-su đối đầu với chúng ta, thách thức chúng ta, và bảo chúng ta phải vác thập giá của mình và chịu đựng những gánh nặng trong đời mình, nhưng điều đó hoàn toàn khác hẳn với việc nói rằng chính tay Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần đã gởi thập giá và đã đặt gánh nặng lên vai chúng ta.

Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, là Ki-tô hữu, chúng ta không tin rằng khi Đức Giê-su hành xử bằng tình yêu thương và lòng nhân hậu, thì Người chỉ là giả bộ đóng kịch mà thôi, hay đúng ra, chỉ là giả vờ mang một bộ mặt của loài người để che đậy bộ mặt đầy hận thù hung ác của Chúa Cha ở trên trời. Thật vậy, chúng ta tin rằng thấy Đức Giê-su hành xử làm sao thì cũng chính là thấy rõ ràng Thiên Chúa hành xử như vậy, bởi vì “Tự sức mình thì tôi không thể làm được gì cả”, và “Đức Chúa Cha và tôi là một”. Vì thế nếu Đức Giê-su không có ý làm hại chúng ta, thì Thiên Chúa cũng vậy.

Điều này không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua hay xem thường những đoạn Tân Ước cứng rắn nói về công lý và phán xét. Tôi tha thiết vững tin vào công lý của Thiên Chúa. Bất kỳ những ai nghiêm túc tin vào sự tự do của ý chí đều phải tin vào công lý của Thiên Chúa. Nhưng cũng nên phân biệt giữa phán xét và kết án. Ngày nay, chúng ta cứ hay nghe người ta nói “chúng ta không nên xét đoán người khác”. Một số người còn thậm chí nghĩ rằng đức tính không-xét-đoán là một đặc tính của Ki-tô hữu, bởi vì, họ cho là, “Đức Giê-su chẳng bao giờ xét đoán ai cả”. Tôi cũng không biết họ đang đọc Thánh Kinh của ai nữa, nhưng chắc chắn đó không phải là Thánh Kinh của thánh Mát-thêu, thánh Mác-cô, thánh Lu-ca, hay thánh Gio-an. Điều quả quyết của họ là một điều sai lầm trong hầu như tất cả mọi khía cạnh. Khi chúng ta nghe người khác nói “đừng xét đoán”, ta có thể đoán chừng ý thật sự mà họ muốn nói là “đừng lên án”, nhưng giữa xét đoán và lên án thì có sự khác xa cả một trời một vực. Làm việc xét đoán có nghĩa là làm một sự lượng định. Không có một trang nào trong Tân Ước mà trong đó Đức Giê-su lại không xét đoán hành động của con người, nhưng Người không bao giờ lên án họ. Người phụ nữ bị kết tội ngoại tình trong đoạn Gio-an 8 là một trong những mẩu chuyện phổ biến nhất khi nói về việc xét đoán / lên án. “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người phụ nữ đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Và Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Song song với câu chuyện này là việc truyền thống Ki-tô giáo tin rằng một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần là ơn biết suy xét khôn ngoan. Có phải là điều kỳ quặc hay không nếu như Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn biết suy xét khôn ngoan để rồi chúng ta không bao giờ được phép vận dụng ơn đó.

Chính trong ánh sáng của một Đức Giê-su xét đoán nhưng không kết án này, mà tôi đọc về những văn bản thường đầy vẻ tiên báo về công lý của Thiên Chúa. Tôi tin rằng, nếu chúng ta cảm thấy như bị kết án vì những điều ta đã nói hay đã làm, thì đó là vì chúng ta đã tự kết án chính mình, chứ không phải vì Thiên Chúa ra tay trừng phạt chúng ta. Thánh Gio-an bảo rằng ngay cả những khi chúng ta cảm thấy mình bị lạc hướng trong bóng tối của những hành động xấu xa nhất của mình, thì tình yêu cứu chuộc của Đức Ki-tô là luôn luôn dành sẵn cho ta, luôn luôn mời gọi chúng ta bước ra khỏi bóng tối và tiến vào ánh sáng của Người. Việc kết án có thể là đặc quyền của Thiên Chúa mà thôi – Thiên Chúa Đấng trông thấy hết mọi sự, thông biết hết mọi sự, và thương yêu hết mọi người – nhưng cứ theo cung cách của Đức Giê-su, thì sự phán xét của Thiên Chúa sẽ đầy lòng xót thương, bởi vì tất cả mọi sự sẽ được phơi bày, kể cả những bối cảnh và những lý do cho những hành động sai trái của chúng ta.

Tôi muốn kết thúc chương thứ nhất này bằng cách liên kết một câu chuyện với việc chúng ta sai lầm như thế nào khi cứ khăng khăng giữ lấy cái ý tưởng là Thiên Chúa trực tiếp giáng đau khổ, chết chóc và dùng bệnh tật để trừng phạt chúng ta trong cuộc đời ở trần thế này.

Vào năm 1986, tôi được nghe một nhà truyền giáo giảng rằng Thiên Chúa gieo bệnh HIV / AIDS để trừng phạt những người đồng tính luyến ái. Quả thật, nhà truyền giáo đó tuyên bố là, Thiên Chúa giết hại người đồng tính luyến ái vì họ là những kẻ đáng ghê tởm. Điều này có thể là không được các nhà lãnh đạo giáo hội và các tín hữu khác nói thẳng ra như vậy, nhưng lại được diễn tả qua những cung giọng nhẹ nhàng hơn, và cho đến ngày nay vẫn còn được một số người tin. Dĩ nhiên, cái lối bình luận như vậy, thì cho thấy rõ về người bình luận hơn là về Thiên Chúa. Đối với những người này thì có vẻ như tình yêu và sự tốt lành của Thiên Chúa là có giới hạn, và sự đồng tính luyến ái đã làm cạn kiệt lòng kiên nhẫn khoan dung của Thiên Chúa. Lối suy nghĩ này là sai lầm vào thời điểm đó, và cũng sai lầm vào thời điểm hiện tại, không những bởi vì không có ai mà bị đứng ngoài vòng tình yêu và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mà còn bởi vì có vô số bằng chứng trong Thánh Kinh là Thiên Chúa dành một tình yêu đặc biệt cho những người bị bất cứ xã hội nào ruồng bỏ hay khinh bỉ, hay những người bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Thiên Chúa của chúng ta có vẻ thương nhất là những kẻ tội lỗi. Trong bối cảnh này, thì đó là một sự hoàn toàn chối bỏ những chứng từ trong thánh kinh nếu như chúng ta cứ khư khư cho rằng Thiên Chúa chẳng những ghét bỏ những kẻ, mà do nhiều nguyên do khác nhau, cần đến sự hiện diện của Người nhất, mà Người lại còn tức giận họ đến mức dùng bệnh tật để giết bỏ họ. Đó là Thiên Chúa theo kiểu Nazis.

Nhưng những gì diễn ra kể từ năm 1986 đã thật sự phủ nhận sự phi lý của điều quả quyết vào thời đó. Bi thảm làm sao và xôn xao làm sao, khi tổ chức Liên Hiệp Quốc giờ đây đã báo cáo là 49 phần trăm tổng số những người trên thế giới đang sống với bệnh HIV / AIDS là những phụ nữ và trẻ em ở vùng nam Sahara Phi Châu. Đa số những phụ nữ này đã bị truyền bệnh qua những quan hệ dị tính luyến ái, hoặc đã truyền bệnh cho đứa con họ đang mang trong bụng. Họ đã làm nên nông nỗi gì mà phải bị “trừng phạt” bằng cách này, hay họ chỉ là những kẻ bị lãnh đạn lạc trong cuộc chiến của Thiên Chúa với những người đồng tính? Nếu vậy thì, sự khát máu của Thiên Chúa quả là không có giới hạn gì cả. Số lượng người chết cứ mãi tiếp tục gia tăng.

Có một điều khác biệt lớn lao giữa việc Thiên Chúa để cho sự dữ xảy ra và việc Thiên Chúa giáng những sự dữ đó xuống đầu chúng ta. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào mắt những người đề cao và ủng hộ hình ảnh một Thiên Chúa độc tài và độc ác. Thay cho hình ảnh đó, chúng ta hãy bám víu vào Thiên Chúa, Đấng mà nơi Người không có bóng tối, Đấng được tỏ lộ qua Đức Giê-su Ki-tô người đã dẹp tan tất cả những hình thức chuyên chế tàn bạo, người không những đồng hành với chúng ta trong những cơn đau đớn, khổ ải, chết chóc, và bệnh tật, mà còn đi tìm lại chúng ta trong những lúc ta bị lạc lối mịt mờ phương hướng nhất, và dẫn đưa ta về lại mái gia đình.

chư dân
22-04-2011, 08:57 AM
Lm Richard leonard sj: Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào? (Chương Hai)

Chương Hai
_____________________________________

Chúng ta trưởng thành từ đau khổ, nhưng đau khổ
không phải được giáng xuống để khiến ta trưởng thành.


Thiên Chúa không giáng xuống tai nạn để dạy cho chúng ta điều này điều nọ, mặc dù ta có thể học hỏi từ những tai nạn đó.

Lúc mà mẹ tôi và tôi đang đứng trong căn phòng đó ở bệnh viện, chúng tôi không cách gì mà ngờ được là cuộc đời chúng tôi đang sắp sửa bị thay đổi nhiều đến mức nào – mà thay đổi nhiều nhất, và đau thương nhất, là cuộc đời của chị tôi. Một lần nữa, xin để chính lời chị kể về câu chuyện của chị.

“Bây giờ tôi là một kẻ bại liệt, và tôi không biết là có bao giờ tôi có thể chấp nhận được điều đó hay không.

“Bốn ngày sau khi tai nạn xảy ra, tôi được chuyển sang Khoa Điều Trị Tổn Thương Cột Sống ở Bệnh Viện Princess Alexandra ở Brisbane. Chính ở nơi đây mà tôi nhận ra thực tế phũ phàng. Giờ đây tôi có hai cái kẹp kim loại xiên vào hộp sọ, hai cái kẹp này được nối với nhau bằng một mảnh kim loại hình chữ U, và mảnh kim loại này được nối với một sợi dây và một cái cần trục gắn ở đầu giường. Sợi dây kéo dài xuống một cái túi đựng những vật nặng ở dưới đất, túi này có tác dụng kéo giãn những cái xương bị gãy của tôi. Cổ tôi sưng to gấp bốn lần bình thường, nhìn giống như trong một bộ phim kinh dị. Ngoài những điều này ra, tất cả những gì tôi có thể trưng ra để diễn tả mức độ chấn thương trên cả người tôi chỉ là một vết trầy nhỏ xíu trên trán.

“Các bác sĩ ở đây là những chuyên gia chữa trị tổn thương cột sống, họ đều có một lối nói an ủi vỗ về giống nhau. Tôi bị tổn thương toàn bộ đốt sống thứ 6 và 7, và hậu quả là bị mất toàn bộ cảm giác và cử động từ ngực trở xuống, kể cả bàng quang và ruột già. Tôi cũng bị mất cảm giác và cử động của một số cơ bắp ở cánh tay, và hai bàn tay tôi thì hoàn toàn mất cảm giác và bất khiển dụng. ...

“Ít nhất là một trăm lần một ngày tôi đã cố gắng rà soát trong tâm trí để tìm hiểu xem mình có thể có cảm giác ở đâu hay cử động ở đâu hay không. Tôi tập trung toàn bộ con người mình và kiểm tra cơ thể mình từ đầu đến chân. Hành trình này là cả một chuyến nhào lên lộn xuống của những cảm xúc hy vọng và thất vọng não nề, nhưng nó giống như một thứ thuốc ghiền mà tôi không thể sống mà thiếu nó được. Tôi có cảm giác ở đầu và hai vai, và cái khoản 10 phần trăm này của cơ thể tôi luôn kêu gào đòi hỏi 100 phầm trăm sự chú ý của tôi. Một việc đơn giản như hỉ mũi cũng phải cần đến sự giúp đỡ của người khác mà cũng không bao giờ được hoàn toàn như ý. Một bộ da đầu ngứa ngáy hình như lúc nào cũng bám sát lấy tôi, và có lúc tôi có cảm tưởng như mình đang nằm trên một ổ kiến. Tôi sợ nhất là khi có một con muỗi kêu vo ve; tiếng kêu điếc tai đặc biệt của nó cứ vang dội trong đầu tôi. Có nhiều lúc cánh tay tôi đã giơ lên trong một phản xạ tự động để đuổi cái kẻ thù vo ve kia, nhưng rồi lại bị rơi phịch xuống trúng ngay những miếng kim loại trên đầu tôi, và thế là lại làm cho tôi bị đau thêm. Dần dần thì tôi học được, theo cách của nhà bác học Pavlov, là một số điều bực bội thì tốt hơn hết là nên bỏ qua thì hơn.

“Một khía cạnh quan trọng khác của cuộc đời nằm bẹp trên giường là thời gian. Tôi có quá nhiều thời gian để mà suy nghĩ. Những câu hỏi thông thường như ‘Tại sao?’ và ‘Nếu như?’ chiếm phần lớn sự suy nghĩ của tôi. Vì một lý do nào đó, tôi đã được xức dầu bệnh nhân tới ba lần kể từ khi bị tai nạn. Việc xức dầu này được gọi là sự ‘chúc lành cho bệnh nhân’. Đây không phải nghi lễ tiễn đưa cuối cùng, nhưng chỉ là một cách khá phổ biến trong đạo Công Giáo được dùng mỗi khi có ai gặp chuyện chẳng lành. Tôi cũng được cái vinh dự mờ ảo là được nghe hết tất cả những lời sáo rỗng rập y khuôn theo trong sách vở về sự đau khổ và về chương trình của Thiên Chúa. Đây lại là thêm một trong số những hậu quả của việc không có khả năng tự mình cử động – đó là tôi cũng không có luôn cái khả năng trốn tránh những vị khách không mời mà đến.

“Tôi suy nghĩ về tất cả những người mà tôi đã từng gặp và đã từng chăm sóc trong những năm qua, và hàng trăm người mà tôi đã chứng kiến lúc họ lìa đời. Tôi không sợ cái chết và trong nhiều phương diện lại còn mừng nếu như cái chết đến với tôi. Nhiều lúc khi viết lại lịch sử, tôi chỉ muốn bảo đảm rằng cái tai nạn đó đã đem lại cái chết cho xong. Đây chỉ là một sự nghĩ ngợi vô ích nhưng lại an ủi tôi một cách lạ lùng. Điều ngạc nhiên lớn lao trong những lần tôi nằm nghĩ ngợi đó, là số lượng những người mà tôi sẽ chẳng hề muốn được đổi chỗ với họ. Giờ đây tôi đã biết phần nào thông cảm với những hình hài biến dạng của người bệnh phong cùi, nhưng mặc dù nhiều người cùi vẫn có thể cử động được, tôi không thể nào mà mong được đổi bệnh bại liệt với bệnh phong cùi. Một nhóm khác mà tôi không muốn đổi chỗ là những người nghèo khổ bần cùng ở Calcutta. Sống một cuộc đời chỉ tồn tại lây lất qua ngày thì không phải là cuộc đời mà tôi muốn sống. Nhóm cuối cùng là những người thổ dân Aborigines. Tôi nghĩ là tôi sẽ không thể nào sống nổi trong xã hội này, làm một người thổ dân da đen, mà lại không nổi bạo loạn lên để chống lại những sự kỳ thị nhỏ nhặt, chứ đừng nói chi tới những điều kỳ thị lớn lao. Tôi ngồi trong xe lăn thì an toàn hơn nhiều, và vì thế không cần phải nổi loạn cho người Aborigines.

“Những tù nhân của trại tù địa phương ở Boggo Road không ngờ rằng họ đã cung cấp không những sự giải trí mà còn khơi ý tưởng cho chúng tôi – đám bệnh nhân ở Khoa Điều Trị Tổn Thương Cột Sống. Cứ mỗi lần có một cuộc tù nhân vượt ngục, thì chúng tôi lại kéo ra hành lang mà cổ vũ cho họ. Cơ hội thoát ra khỏi song sắt ngục tù của họ coi vậy mà cao hơn chúng tôi nhiều, và cho dù không phải lần nào họ cũng vượt ngục thành công, nhưng ít nhất họ cũng đã cố tìm cách bỏ trốn. Chính thái độ đó đã mở ra một khung cửa nhỏ trong tâm trí tôi. Cuộc đời sẽ vẫn cứ tiếp diễn và biết đâu cuộc phiêu du của tôi vẫn chưa phải là đã đến đường cùng.”

T T T T T

Cuộc “phiêu du” đó chỉ mới bắt đầu thôi. Chúng ta không cần phải trực tiếp trách móc Thiên Chúa đã gây ra đau khổ cho chúng ta, nhằm để cho chúng ta có thể lật ngược sự đau khổ đó và lợi dụng tình cảnh đó mà làm một điều gì tốt đẹp. Cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời của nhân loại là một động lực mạnh mẽ. Tuy nhiên, tai nạn của chị Tracey, tự chính bản chất của nó, lại là một điều vô nghĩa. Đó chỉ là một sự việc tình cờ ngẫu nhiên, kết hợp giữa việc ở sai nơi sai lúc và thế là kết quả thảm khốc nhất xảy ra. Tôi cố ý dùng chữ kết quả ở đây, bởi vì vào hôm sau ngày xảy ra tai nạn, khi chúng tôi đến Darwin, giả sử nếu như các bác sĩ đã bảo chúng tôi rằng, “Trong khi quý vị đang trên đường đến đây thì chị và con gái của quý vị đã qua đời vì những chấn thương trong tai nạn, nhưng chúng tôi muốn trình bày cho quý vị được rõ là, nếu như cô ấy sống, thì cô ấy sẽ bị bại liệt cả tứ chi,” thì có lẽ chúng tôi đã chấp nhận cái chết như một điều an ủi trong thảm kịch. “Ai mà có thể ngờ chính Tracey, chứ không phải ai khác, lại trở thành tứ chi bại liệt?” “Nếu bị như vậy thì Tracey làm sao mà chịu đựng cho nổi?” “Nếu bị như vậy thì chính chúng ta làm sao mà chịu đựng cho nổi?” Đó là những câu hỏi mà tôi có thể tưởng tượng ra là tôi sẽ hỏi trong cơn tuyệt vọng và đau khổ của tôi.

Nhưng cuộc phiêu du chỉ mới bắt đầu cho tất cả chúng tôi. Mặc dù tai nạn đó đã luôn ám ảnh tôi kể từ lúc đó, nhưng so với cả gia đình thì tôi là người ít bị ảnh hưởng nhất từ tai nạn của chị tôi. Tôi sống xa thành phố và xa tiểu bang nơi gia đình tôi sinh sống. Cuộc sống của mẹ tôi bị thay đổi hoàn toàn. Lúc đó mẹ tôi 56 tuổi, và trong cả mấy chục năm sau đó, bà trở thành người tận tụy hết lòng chăm sóc chị tôi quanh năm suốt tháng. Anh tôi, Peter, và vợ anh, cùng với các con của anh chị sống gần nhà mẹ tôi; họ luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ chị tôi. Chị Tracey trước đó đã đính hôn, nhưng sau tai nạn thì hôn lễ đã không tiến hành. Trong giai đoạn đầu sau khi tai nạn xảy ra, có nhiều lần chị Tracey đã xin chúng tôi để cho chị chết theo kiểu an tử. Chúng tôi đã thấy được tấm lòng tận tâm đến cùng của một số người thân trong gia đình và bạn bè.

Tôi nghĩ, có lẽ vì chán ngấy cảnh vô công rỗi việc, nên hai năm sau ngày xảy ra tai nạn, chị Tracey quyết định viết về câu chuyện đời chị trong những ngày ở Calcutta. Chỉ có một người mẹ mới có thể cất giữ cẩn thận trên gác nhà tất cả những thư từ mà chị Tracey đã gởi về từ Ấn Độ trong những năm tháng đó. Những lá thư này trở thành căn bản cho chị Tracey ngồi hàng giờ bấm bàn phím máy điện toán bằng hai cái que nối ra từ hai ngón trỏ của chị, để từ những mẩu chuyện nhỏ đó mà thêu dệt thành những câu chuyện dài hơn. Công việc đó chậm chạp lắm. Đến cuối năm đó thì chị làm xong được 11 trang. Chị gởi mấy trang đó cho tôi để xin góp ý “từ những người bạn văn chương của em”. Một trong những người bạn của tôi là nhà văn Úc nổi tiếng, Thea Astley. Anh của Thea – anh Philip, là một tu sĩ dòng Tên. Chị Thea mặc dù có thể là một nhà cầm bút tinh tế, với nhiều giải thưởng văn chương cao nhất của nước Úc để làm bằng chứng, nhưng cách nói chuyện của chị thì thẳng thừng và trần tục lắm. Chị gọi điện thoại cho tôi và bảo: “Bà chị của ông thiệt là một tay kể chuyện cừ khôi ha. Bả có nền tảng cho một cuốn sách ra trò đó.” Tôi sắp xếp cho hai người phụ nữ ăn-nói-thẳng-thừng này liên lạc với nhau, và họ trở thành bạn thân, y như tôi đã đoán. Máy điện toán đã làm một cuộc cách mạng cho người tàn tật, chỉ trong vòng năm đó chị Tracey có một chương trình điện toán có thể nhận ra tiếng nói, và chị có thể đọc vào máy. Với chị Thea đứng đàng sau làm cố vấn cho chị Tracey, bốn năm sau quyển sách Toàn Bộ Tai Ương được xuất bản, cống hiến cho độc giả những câu chuyện về cuộc đời chị khi ở Calcutta và ở Northern Territory. Được vào tới những vòng chung kết cho thể loại tác phẩm mới trong vài cuộc thi viết văn trong năm đó, tác phẩm của chị Tracey có ảnh hưởng lớn nhất đối với những người trẻ thích phiêu lưu, những người đang dự tính trở thành thiện nguyện viên, và những người mang bệnh bán thân bất toại hay bị bại liệt cả toàn thân.

Vậy nói một cách nào đó, chị Tracey đã biến một tai nạn vô nghĩa thành một tác phẩm có ý nghĩa, và đã rất rộng rãi cống hiến những gì còn sót lại mà chị có thể cống hiến – câu chuyện của chị, tính hài hước, sự khôn ngoan, và những trải nghiệm của chị. Nhờ ơn Chúa, chúng ta cũng được học hỏi thêm nhiều bài học lớn về chính bản thân chúng ta, về những người xung quanh ta, và về sự bấp bênh tạm bợ của cuộc đời. Nhưng tôi cũng đã học được từ tai nạn này là biết cảm nhận tâm tình tạ ơn mỗi khi tôi nhảy từng hai nấc một lên cầu thang, tự tay lo ăn uống cho bản thân, tự mình làm việc tắm rửa mà không cần ai trợ giúp, hay có thể tự chính mình sử dụng nhà vệ sinh. Trong những giây phút thật bình thường trần tục đó của con người, tôi tạ ơn Chúa, bởi vì tôi đã khám phá ra rằng ngay cả cái nhà vệ sinh cũng có thể là nơi để cầu nguyện.

Tôi là người lúc nào cũng cứ hay xông xáo hoạt bát, nhưng mấy năm trước có một cha bề trên ở dòng Tên hỏi thăm về kiểu sống bận rộn của tôi. “Tại sao mà Cha lúc nào cũng cứ chạy tới chạy lui lăng xăng như vậy?” – ngài hỏi tôi. Không nghĩ ngợi gì cả, tôi nhìn ngài, nước mắt dâng trào và trả lời rằng: “Thưa Cha bởi vì con có thể.”

Một trong những bài học lớn nhất mà cả nhà tôi đã dần dần học được trong đau thương, là chịu đựng với những giới hạn của người tàn tật. Tôi là loại người sẽ chặn đầu bạn trong bãi đậu xe nếu như tôi thấy bạn đi đứng bình thường bước ra khỏi chiếc xe không có dán nhãn “tàn tật” mà lại đậu vào chỗ dành cho người tàn tật chỉ vì chỗ đó gần mấy tiệm bán hàng. Cũng có những khách sạn có phòng tắm riêng cho người tàn tật nhưng những người tàn tật nặng nhất thì lại không ai có thể sử dụng được cái phòng đó. Gia đình tôi đã từng đến ăn tối ở các nhà hàng đắt tiền, họ tính tiền chị tôi bằng giá với những người khác, trong khi lối đi duy nhất để người tàn tật có thể vào nhà hàng là bằng chiếc thang máy chở hàng hóa vương vãi những mảnh bắp cải, và sau đó băng ngang qua khu rửa chén trong nhà bếp. Rồi trong hầu hết những tòa nhà dành cho công chúng thì nhiệt độ cứ luôn lạnh buốt, rồi cách mà người ta la lối lớn tiếng với những người ngồi xe lăn mà họ không hề quen biết, họ cứ cho rằng hễ ai ngồi trong xe lăn thì tai cũng bị điếc và não cũng bị liệt, rồi còn những kiến trúc sư tân thời cứ thích ngăn chặn mấy đứa trẻ trượt ba-te bằng cách lót đá cuội đầy vỉa hè. Cứ thử mà ngồi xe lăn đi qua mấy cái vỉa hè đó xem sao.

Tuy nhiên, cái ơn lớn nhất mà những trải nghiệm đáng buồn này đã đem lại cho tôi, là biết cảm thông sâu sắc hơn với những ai đang tuyệt vọng trong đau khổ, hay những ai đang cảm thấy bị Thiên Chúa và bị cuộc đời bỏ rơi. Tôi đã rơi xuống tận những khoảnh khắc đó, và đã hơn một lần đặt câu hỏi, “Thiên Chúa đang ở xó nào?” Cái khoảnh khắc đó đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời linh mục của tôi một cách tốt đẹp hơn.

Nếu như, với tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, có một điều chi tốt đẹp có thể vươn lên từ thảm họa, thì điều này cũng không thể thay đổi bản chất của biến cố kinh khủng đã xảy ra. Điều này không có nghĩa là ý định của Thiên Chúa là muốn chúng ta trưởng thành từ hậu quả của một biến cố kinh hoàng. Nếu mà điều đó là sự thật, thì ta có thể lập luận như sau: bởi vì việc nghiên cứu thời nay về di truyền học đã được hưởng những thành quả to lớn từ những cuộc thử nghiệm độc ác do ông bác sĩ Nazi Josef Mengele thực hiện trên 1500 cặp song sinh, cho nên việc áp dụng tốt lành những khám phá của ông bác sĩ đó vào việc phân tích những yếu tố di truyền của loài người, hay việc tìm ra thuốc chữa những căn bệnh nan y từ những phân tích đó, có nghĩa là Thiên Chúa muốn những cuộc thử nghiệm ác độc đó diễn ra để cho về sau này điều lành có thể được vươn lên từ sự dữ. Tôi không thấy có bất cứ ai lập luận theo kiểu như vậy. Quả thật, cũng là điều dễ hiểu khi có những điều xầm xì về luân lý đạo đức trong một số thành phần thuộc giới khoa học gia về việc sử dụng kết quả nghiên cứu thu thập được từ những cuộc thí nghiệm độc ác.

Tuy nhiên, việc nhìn lại và điều chỉnh mức độ khủng khiếp của những biến cố kinh hoàng sau khi có những điều lành xảy ra về sau, thì vẫn luôn diễn ra ở tầm mức cá nhân và gia đình. Người ta sẽ nói rằng, “Thôi, cứ nhìn những gì tốt đẹp xảy ra kể từ dạo đó, thì giờ đây tôi đã hiểu tại sao Chúa cất đi chồng tôi, hay con tôi, hay tại sao tôi bị ung thư nhũ hoa, hay tại sao mà tai nạn đó đã xảy ra.” Trái lại, tôi cho rằng bình an tâm hồn là ở chỗ ta nhận biết được rằng mỗi giây mỗi phút trong mỗi ngày thì Thiên Chúa đều đang thực hiện những gì Người đã thực hiện vào ngày Thứ Sáu Tử Nạn, không phải nhằm để cho phép sự dữ, sự chết, và sự hủy diệt được có tiếng nói sau cùng, mà là để nâng cao sự nhạy bén kỳ diệu của nhân loại, và qua quyền năng của ân sủng tuyệt vời, khiến chúng ta có thể ứng phó cách tốt nhất trong cả những tình huống tệ hại nhất, và làm cho ánh sáng và sự sống có tiếng nói sau cùng. Ngày Chúa Nhật Phục Sinh là lời đáp trả của Thiên Chúa cho ngày Thứ Sáu Tử Nạn: sự sống vươn lên từ cõi chết.

chư dân
22-04-2011, 08:59 AM
Lm Richard Leonard sj: Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào? (Chương Ba)

Chương Ba

Và giờ đây hãy xét về hình tượng Thiên Chúa –
Người Chuyên Lo Chuyện Thời Tiết.
Chúng ta có thể ngưng cầu trời cho mưa xuống được không?


Thiên Chúa không chủ ý gây ra động đất, lụt lội, hạn hán, hay những thiên tai khác.

Từ xưa các triết học gia đã phân chia những sự dữ khác nhau thành nhiều thể loại khác nhau, nếu chỉ kể ba thể loại chính mà thôi thì có: sự dữ thể lý, sự dữ luân lý, và sự dữ siêu nhiên. Sự dữ thể lý là loại mà chúng ta vừa đọc trong những trang vừa qua, một loại sự dữ mà thậm chí không cần có sự hiện diện của một ý định độc ác – không giống như một vụ giết người – thì một điều chẳng lành gì đó xảy đến cho cơ thể của chúng ta, cho hoàn cảnh mà ta đang sống, hay cho sự tự do cá nhân hoặc tự do xã hội của ta. Khi sự dữ thể lý xảy ra thì phần lớn mọi người thường băn khoăn tự hỏi là Thiên Chúa đang ở đâu.

Sự dữ luân lý là thể loại mà có lẽ chúng ta thường được nghe nhắc đến nhiều hơn bất cứ những thể loại nào khác. Đây là sự dữ gây ra từ hậu quả của những lựa chọn và những hành động của con người. Trong thần học Công Giáo, tình trạng tôi có mang tội về phần cá nhân tôi hay không do những sự dữ luân lý mà tôi đã chọn, hoặc tương tự, xã hội có mang tội hay không, là tùy thuộc vào việc tôi đã tự do đến mức nào, chủ tâm đến mức nào, và sáng suốt đến mức nào khi quyết định chọn lựa điều đó. Đây là điểm mà chúng ta bàn về tội lỗi, về lương tâm có hiểu biết đầy đủ, và luân lý đạo đức. Có một số điều trùng lặp giữa sự dữ thể lý và sự dữ luân lý. Trong khi sự dữ luân lý có thể có một hậu quả thể lý rất thực, nhưng nguyên nhân của nó không phải là từ thế giới bên ngoài – thế giới mà chúng ta không thể điều khiển hay kềm chế, nhưng là từ chính trong quá trình chọn lựa của con người – quá trình mà chúng ta có thể điều khiển và kềm chế.

Các chuẩn mực luân lý không nhất thiết phải mang tính tôn giáo. Mỗi xã hội loài người đều thiết lập những biên giới cho cách hành động, cách quuyết định chọn lựa, và định ra hình phạt cho những kẻ vi phạm luật lệ. Tất cả mọi luật lệ dân sự đều chứa đựng những chuẩn mực luân lý căn bản đã được xã hội chấp nhận, và có nhiều người không-có-tôn-giáo nhưng lại có những chuẩn mực luân lý rất cao về phương diện dân sự và phương diện nhân bản, mà họ dựa vào đó làm điểm tham chiếu khi sống cuộc đời họ. Mục đích chính của tôn giáo và của luân lý là để không phải chỉ đơn giản giải thích việc người ta phải sống như thế nào cho phải lẽ, mà còn để đặt luân lý vào trong bối cảnh của những câu hỏi tại sao, và, thật vậy, cả những câu hỏi nơi đâu nữa – chúng ta từ nơi đâu mà đến, tại sao chúng ta sống ở thế gian này, và chúng ta đang đi về nơi đâu. Tôn giáo không phải là nhằm thuần túy nói về luân lý; đúng hơn, và quan trọng hơn, tôn giáo là nhằm cung cấp ý nghĩa và sự liên kết chặt chẽ cho lý do tại sao chúng ta sống cách mà ta đang sống.

Sự dữ siêu nhiên là thể loại nói về sự chạm trán giữa điều lành và điều dữ trên một bình diện có tính vũ trụ bao la hơn. Đây là những gì huyền bí trong ý nghĩa phong phú nhất của nó, trong đó con người cố gắng tìm hiểu xem sự dữ đã khởi nguyên như thế nào, có phải thế giới này là thế giới tốt đẹp nhất có thể được tạo dựng hay chăng, và tại sao Thiên Chúa dường như là cho phép đau khổ xảy ra. Những câu chuyện về ông A-đam và bà E-và, Vườn Địa Đàng, Tội Nguyên Tổ, có thể là những câu chuyện huyền bí sâu sắc nhất, trong đó mẩu chuyện đơn giản được dùng để giải thích những câu hỏi hóc búa nhất. Một cách giải thích về một thể loại sự dữ lại nảy ra thêm nhiều câu hỏi về những thể loại kia, như chúng ta sẽ thấy sau đây.

Nước Úc hiện nay đang sống trong một nạn hạn hán kéo dài nhất mà đa số dân chúng chưa từng trải qua. Thật là đau lòng biết bao khi nhìn thấy những con sông khô cạn trơ đáy, những đàn cừu đàn bò phải bị giết hại vì không còn cỏ cho chúng, những nông gia phải rời bỏ trang trại mà nhiều thế hệ trong gia tộc họ đã sinh sống và làm việc ở đó trong bao năm qua. Tỷ lệ tự tử gia tăng trong thời gian hạn hán, tỷ lệ ly dị cũng gia tăng, và, khi dân chúng rời đi nơi khác để tìm kiếm công ăn việc làm, thì các thị trấn nhỏ bé và các cộng đồng vùng sâu đã trở nên bị cô lập, thậm chí một số nơi đang trở thành những thị trấn chết. Sự dữ có lẽ là chữ đao to búa lớn nếu dùng để diễn tả hậu quả của trận hạn hán, nhưng chỉ có người nào chưa từng bị trận hạn kỳ này trực tiếp ảnh hưởng đến thì họ mới nghĩ về nó bằng những chữ nhẹ nhàng hơn.

Vấn đề của tôi trong trận hạn hán này là phản ứng của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Trong bao nhiêu năm qua, trong hầu hết tất cả các nhà thờ ở Úc Châu, mọi người đều đã và đang “cầu trời cho mưa xuống.” Trong các giáo phận bị hạn nặng nhất, đức giám mục địa phương ở đó lại còn có thể tổ chức những “Thánh Lễ cầu mưa” trong nhà thờ chính tòa. Ở một mức độ nào đó, đây là điều hoàn toàn thích hợp, vì điều này tuyên bố qua ý nghĩa tượng trưng của nó, rằng Thiên Chúa muốn hòa mình vào tất cả mọi phần trong đời sống chúng ta, và đứng bên cạnh chung vai sát cánh với chúng ta trong tất cả những niềm vui hay những nỗi buồn khổ lo lắng. Ngay cả trong một trận hạn, Thiên Chúa muốn chúng ta liệt kê ra những thứ mà ta cần. Những dịp này là dịp nức nở của trái tim. Chúng có thể là những dịp phụng vụ dành cho việc than van, dành cho việc diễn tả nỗi đau chung của cả cộng đồng. Sự lo ngại của tôi được khơi dậy bởi vì những dịp phụng vụ này rất hiếm khi nói lên những điều này, mà lại gợi ra thêm nhiều câu hỏi về vai trò mà chúng ta cho là Thiên Chúa đang đóng trong trận hạn hán mấy năm qua.

Trong một thánh lễ mà tôi tham dự ở một nhà thờ chính tòa miền quê, một vị giám mục có học cao bắt đầu bài giảng về trận hạn. Ngài có đầy lòng thương cảm cho các con chiên của mình đang vất vả mưu sinh nơi vùng quê khô hạn. Nhưng đến khi ngài nói: “Chúng ta không biết vì sao mà Thiên Chúa đã giáng xuống trận hạn này, nhưng chúng ta phải vừa cầu khẩn Người cho mưa rơi, vừa sống đời mình sao cho xứng đáng với lòng nhân hậu của Người,” thì tôi có thể thấy rằng sự dữ thể lý và sự dữ luân lý đã gặp nhau. Tôi thật kinh ngạc vì vị giám mục tốt lành này lại liên kết cuộc đời chúng ta với chuyện thời tiết. Thần học dường như đã chẳng tiến bộ được bao nhiêu kể từ câu chuyện về ông Nô-ê trong sách Sáng Thế (St 6-9), ngoại trừ việc ngày nay Thiên Chúa lại muốn dạy chúng ta một bài học này bài học nọ bằng cách không thèm cho chút mưa nào cả, thay vì gieo xuống cả một trận đại hồng thủy như ngày xưa.

Không có điều chi nghi ngờ về việc cả Cựu Ước lẫn Tân Ước và truyền thống của giáo hội đều nhấn mạnh đến sự cầu xin liên lỉ cho những ý nguyện cụ thể, ngay cả ý nguyện cầu cho mưa rơi hay cầu cho mưa đừng rơi (Gc 5:17-18). Vấn đề là ở chỗ những tư tưởng này là của những người sống ở thời kỳ bán khai không biết gì đến khoa học, họ nghĩ rằng mưa rơi xuống từ những cái cửa sổ trên trời, những cái cửa mà Thiên Chúa đóng hay mở thất thường tùy theo Người đang vui hay buồn. Cuộc đối thoại giữa khoa học và tôn giáo cũng phải nên ảnh hưởng đến cách mà chúng ta cầu nguyện.

Phần đầu trong câu nói của vị giám mục là đặc biệt trục trặc. Ngài không chỉ giảng giải về một cảnh huống xưa cũ, mà còn không toàn vẹn: “Chúng ta không biết vì sao Thiên Chúa lại tạo dựng nên một thế giới mà trong đó những trận hạn hán tai hại nặng nề như vầy lại có thể xảy ra.” Ngài còn đi xa hơn nữa, và nhiều vị khác cũng vậy. Cái ý tưởng rằng Thiên Chúa ngồi ung dung trên trời và chủ tâm giáng một trận hạn dai dẳng xuống trên nước Úc đã làm tôi băn khoăn. Chúng ta cứ luôn đặt Thiên Chúa vào vai trò của một nhà-khí-tượng-vĩ-đại-ở-trên-trời. Nhất là các cô dâu sắp làm đám cưới. Tôi không còn đếm xuể con số những cô dâu – mà tôi làm lễ cưới cho họ – đã xin tôi cầu nguyện cho một ngày cưới đẹp trời. Ngoại trừ lý do nếu trời nắng đẹp thì dễ dàng cho các vị khách tham dự đám cưới, và có nhiều cảnh cho anh thợ chụp hình chọn lựa, tôi không nghĩ rằng chuyện trời nắng, trời mưa, hay mưa đá là có quan trọng chút mảy may nào trong ngày cưới, hay cả trong bất kỳ ngày lễ quan trọng nào khác. Tôi nghĩ Thiên Chúa còn phải lo nhiều chuyện trọng đại hơn, ít nhất thì tôi mong là như vậy. Ở đây sự băn khoăn của tôi bị nhân lên gấp đôi. Ki-tô giáo có đôi khi chỉ trích những tôn giáo duy linh khác khi họ tổ chức những buổi lễ lạc long trọng để dâng lời cầu xin mưa nắng của họ lên các vị thần lo chuyện nắng mưa. Tôi không thấy có gì khác biệt chi mấy giữa một cuốn phim Hollywood về một ông pháp sư Chinook vừa nhảy múa vòng quanh một cái bệ cúng vừa kêu gào xin các vị thần “cho mưa, cho mưa, cho mưa” với một vị giám mục tổ chức một “Thánh Lễ cầu mưa” trong nhà thờ chính tòa của ngài. Một loại thần học giống nhau có thể được thấy trong cả hai tình huống – nếu như ta cầu nguyện đủ lâu dài và đủ tha thiết hay thay đổi lối sống của ta, thì Thiên Chúa sẽ nguôi giận và sẽ cho mưa xuống. Vấn đề của tôi là, chúng ta cho rằng Thiên Chúa đang làm gì ở trên trời? Phải chăng Thiên Chúa đang ngồi trên đó mà nói rằng: “Không, ta sẽ không cho mưa xuống, đi chỗ khác, đi chết khô chết héo đi.” Dĩ nhiên là không phải như vậy! Tôi không chấp nhận việc chúng ta có thể tụ tập lại để dâng Thánh Lễ cầu xin Chúa cho chúng ta được mạnh mẽ hơn trước cảnh hạn hán đang xảy ra. Sách Lễ Công Giáo có soạn đủ các Thánh Lễ khác nhau cho đủ loại các dịp đau buồn tuyệt vọng khác nhau. Những phần này trong Sách Lễ có thể dễ dàng được dùng như một phần than van trong phụng vụ khi chúng ta tụ họp lại để than khóc van xin những điều ta cần với một Thiên Chúa Đấng đã hiện diện sẵn ở đó cho chúng ta, hiểu biết những gì ta cần, và cùng than khóc với chúng ta. Trong việc này thì các tác giả thánh vịnh đã diễn tả những điều vô cùng đắc dụng.

Xin nói rõ là chúng ta có thể và phải nên cầu nguyện về chuyện nước nôi, chuyện quả đất, và chuyện môi trường. Nếu như chúng ta thật sự phò sự sống, thì chúng ta không thể nào mà không quan tâm đến môi trường và hành tinh này. Chúng ta cũng thậm chí có thể có những Thánh Lễ trong đó ta cầu nguyện cho được ơn biết làm những người quản gia tốt nhất trong khả năng của ta cho công trình tạo dựng của Thiên Chúa, nhưng đây là nói rộng ra rất nhiều so với thánh lễ cầu mưa. Điều này lại đặt ra một điểm sinh tử khác: khi tham dự một cuộc cầu nguyện liên lỉ để cầu xin điều gì đó, thì chúng ta nghĩ là mình đang làm gì – lời cầu nguyện của chúng ta sẽ thay đổi Thiên Chúa hay chăng? hay sẽ thay đổi chúng ta? hay là cả hai? Vào buổi sáng ngày 26 tháng Mười Hai năm 2004, hai trận động đất ngầm đã xảy ra dưới đáy Ấn Độ dương, đo được 9,1 và 9,3 độ trên địa chấn kế Richter, và đã gây ra trận sóng thần đổ ập vào bờ biển các nước Indonesia, Sri Lanka, India, và Thailand. Người ta ước tính có đến khoảng 283.100 người bị thiệt mạng chỉ trong ngày hôm đó. Buổi tối hôm đó trên làn sóng radio ở Úc Châu có một chương trình trực thoại để thính giả có thể gọi vào bày tỏ phản ứng của họ trước những sự kiện khủng khiếp vừa mới xảy ra trong ngày. Hầu hết những thính giả gọi vào đều bày tỏ sự kinh hoàng và lòng thương cảm của họ đến các nạn nhân. Nhiều người hứa sẽ làm tất cả những gì họ có thể làm để trợ giúp cho công tác cứu trợ nạn nhân. Thế nhưng tôi sửng sốt khi nghe một người gọi vào, xưng là “một nhà giảng đạo Công Giáo”, và nói: “Đó, thấy chưa, quý vị phải nhận thấy là mấy người Muslims đó đáng bị như vậy lắm, nếu Chúa mà nói Người sẽ bảo vệ dân Người, thì Chúa không nói đùa đâu.” Kiểu nói này cũng giống như loại thần học kinh khủng đã cho rằng biến cố ngày 11 tháng 9 ở Mỹ là do Thiên Chúa giáng xuống để trừng phạt tội lỗi, để làm một cú đánh cho nước Mỹ thức tỉnh mà quay về với Đức Ki-tô.

Nếu bỏ công phân tích lời phát biểu của vị thính giả trên đây một cách nghiêm túc hơn mức độ xứng đáng dành cho lời phát biểu đó, thì chúng ta phải thắc mắc là vị thính giả đó nghĩ sao về cái sự thật là những vùng ở Sri Lanka bị nhấn chìm trong biển nước trong ngày hôm đó lại là vùng mà người Công Giáo chiếm đa số. Cứ như là hàng chục ngàn nạn nhân thảm thương này chỉ đơn giản là bị trúng đạn lạc trong cuộc báo thù đẫm máu của Thiên Chúa mà thôi.

Vậy khi con cháu chúng ta đặt câu hỏi rằng: “Tại sao trận sóng thần đó xảy ra?”, thì tôi nghĩ cách tốt nhất là chúng ta cứ giải thích cho mấy đứa trẻ biết sự thật đơn giản theo môn địa vật lý: “Đó là do có sự di chuyển của vỏ địa cầu, gây ra những cơn sóng lớn.” Nếu chúng ta muốn giải thích kỹ hơn một chút, ta có thể bảo bọn trẻ rằng một trong những lý do mà con số người bị thiệt mạng trong ngày hôm đó cao tới mức như vậy, là bởi vì mặc cho những nước nghèo ở vùng Vòng Đai Ấn Độ dương đã từ lâu xin xỏ các nước giàu có trên thế giới giúp họ thiết lập hệ thống báo động sóng thần, lời xin xỏ đó đã không được đáp ứng. Nếu như hệ thống báo động sóng thần đã được thiết lập vào thời điểm đó, thì mặc dù sự thiệt mạng của một số người có thể là không thể tránh khỏi, nhưng số lượng thời gian vài tiếng đồng hồ kể từ lúc động đất xảy ra đến lúc sóng thần đổ ập vào bờ có nghĩa là một cuộc di tản khổng lồ đáng lẽ đã có thể diễn ra và đáng lẽ đã có thể cứu được nhiều mạng người. Những nước nghèo đó giờ đây đã có hệ thống báo động này.

Và tại sao hạn hán xảy ra? Với tất cả lòng kính trọng dành cho vị giám mục nói trên, tôi không tin rằng Thiên Chúa đang chủ động gieo rắc hạn hán để bắt tôi phải cầu khẩn nài xin sốt sắng hơn, hay để răn đe cho tôi biết sửa mình mà sống cho đàng hoàng hơn. Trái lại, tôi cho rằng có thể là khí hậu trái đất được lặp đi lặp lại qua các chu kỳ kéo dài nhiều năm, những chu kỳ mà loài người chưa có phương tiện để đo lường hay chưa thu thập đủ dữ kiện để dựa vào đó mà tiên liệu, cho đến thời điểm hiện tại. Có thể hạn hán là do các tia lửa từ mặt trời phóng ra mà chúng ta không cách nào kiểm soát hay ngăn chặn được. Cũng có thể là ở một số quốc gia nào đó, loài người đã chọn sai vùng đất để tụ họp nhau mà sống, hay đã chọn sai loại mùa màng để mà gieo trồng, hay đã không làm những người quản gia biết giữ gìn chu đáo quả địa cầu ở bình diện địa phương cũng như trên bình diện toàn cầu. Tình huống tệ hại nhất là hạn hán là do sự kết hợp của tất cả các yếu tố nêu trên mà ra. Dù sao đi nữa, thì giờ đây chúng ta đã biết là trái đất rất đỗi mong manh hơn ta tưởng, và rất đỗi chênh vênh, rất đỗi tinh tế hơn ta tưởng rất nhiều. Trái đất luôn không ngừng tiến triển, ngay trong lúc này, theo nghĩa đen, trái đất đang rên rỉ trong một cơn chuyển dạ sinh con. Vậy thì, có phải cái hành tinh rất bấp bênh này là hành tinh tốt nhất mà Thiên Chúa đã có thể sáng tạo ra hay chăng? Chúng ta không thể biết. Hành tinh này là như vậy, và mỗi ngày nó đem lại cho chúng ta những thách đố về việc chúng ta thấy vai trò của mình là gì trong toàn bộ trật tự tạo dựng, về việc chúng ta tương tác ra sao với tất cả những sinh vật khác trong mối quan hệ hỗ tương nhằm kiến tạo tương lai cho cái thế giới đã được trao vào tay ta để gìn giữ. Thiên Chúa đồng hành với chúng ta, hướng dẫn, truyền dạy chúng ta về những hậu quả của lòng tham lam quá mức, của việc không biết chọn những quyết định khôn ngoan hơn khi mà hậu quả của những quyết định ngu ngốc, kể cả những quyết định về thời tiết và khí hậu, đang trừng trừng nhìn ngay vào mặt chúng ta.

Vậy nếu như tôi không nên cầu nguyện cho trời mưa, hay cho một ngày đám cưới đẹp trời, thì tại sao tôi lại phải cầu nguyện để làm chi?

Tôi nghĩ một số khá lớn Ki-tô hữu không hẳn là đang cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su Ki-tô, mà là đang cầu nguyện với thần Dớt – Zeus. Không phải là họ chủ tâm cầu nguyện với ông thần Hy-lạp của người vô tín ngưỡng này; chỉ là cái cách mà họ cầu nguyện khiến cho tôi phải kết luận là một số người tin vào một ông thần tương tự như kiểu thần Zeus, mà không chỉ vì thần Zeus là vị thần chuyên lo về chuyện thời tiết trên núi Olympus mà thôi. Trong huyền thoại Hy-lạp, thần Zeus cai quản bầu trời và sai khiến sấm sét, cai quản tất cả các vị thần khác, là người cai trị trên đỉnh Olympus – nơi cư ngụ của các vị thần linh. Thần Zeus không phải là một ông thần dễ tính. Mặc dù có lúc thì vị thần này có thể cũng tốt bụng và nhân hậu, nhưng thần Zeus lại nổi tiếng về tính khí khó chịu thất thường. Khi thần Zeus mà nổi cơn giận lên, thì ông giết chóc, đả thương, trừng trị, và đem tra tấn những vị thần và những người trần khác bằng đủ mọi cực hình ghê gớm. Sống với thần Zeus thì không biết đâu mà lường. Một trong những bài học mà người trần và các vị thần ít quyền phép hơn thần Zeus đã nhanh chóng học được là nếu muốn sống yên ổn thì phải làm đẹp lòng ông thần Zeus. Đối với tất cả các vị thần Hy-lạp khác, thì lời cầu nguyện và vật hiến tế là những lễ vật hay được dùng để dâng cúng. Tuy nhiên, trong trường hợp thần Zeus, thì lễ vật dâng cúng là trâu bò sát tế – trâu bò thời đó là những lễ vật có giá trị kinh tế khổng lồ. Mức độ dâng cúng nhiều ít bao nhiêu và mức độ cầu nguyện lâu dài bao lâu thì dường như tỷ lệ thuận với việc người dâng cúng mong được thần Zeus cứu xét lời cầu xin tới mức nào, mong được thần Zeus thay đổi ý định như thế nào, hay mong được thần Zeus đối xử với họ tốt lành ra sao. Thật thảm thương, có cả một số bằng chứng khảo cổ cho thấy người ta đã đi xa tới mức dùng chính con người làm vật hiến tế để mong xoa dịu cơn giận của vị thần vĩ đại nhất trong số các vị thần này.

Một cách đúng đắn, ngay từ những thế kỷ đầu tiên của lịch sử giáo hội, Thiên Chúa của chúng ta đã khác biệt hơn tất cả những vị thần linh trước đó – khác hẳn thần Zeus. Dựa vào nền tảng của Do-thái giáo, chúng ta tuyên xưng rằng:

Thiên Chúa là duy nhất;§
Thiên Chúa có§ tính vĩnh hằng: Người không bao giờ lụi tàn;
Thiên Chúa có tính bất biến:§ Người không bao giờ đổi dời;
Thiên Chúa tự mình mà có: Người không do bất§ kỳ một hữu thể nào khác tạo ra, Người là hữu thể đầu tiên;
Thiên Chúa có§ tính siêu việt: chúng ta được dựng nên từ hình ảnh Người, không phải Người từ hình ảnh chúng ta;
Thiên Chúa có quyền năng tuyệt đối: quyền năng của Người§ là vô biên;
Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi: ở đâu cũng có sự hiện diện§ của Thiên Chúa;
Thiên Chúa toàn trí toàn thức: Người thông biết mọi§ sự;
Thiên Chúa thánh thiện tuyệt mỹ: Người hoàn hảo trong tình§ yêu.

Luận thuyết truyền thống của đạo Công Giáo về tính không-đổi-dời khẳng định rằng Thiên Chúa, tự bản chất của Người, là bất biến. Trong cách mà một số người nói về Thiên Chúa, chúng ta có cảm tưởng là họ cho rằng Thiên Chúa có thể thay đổi nếu như Người muốn thay đổi, bởi vì Người có quyền năng vô biên. Bản chất bất biến của Thiên Chúa là điều tối quan trọng cho mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, và cho sự yên ổn trong tâm trí chúng ta. Điều này ảnh hưởng đến việc cầu xin nguyện ước.

Tôi nói riêng về việc cầu xin nguyện ước trong sự hiểu rõ là lời cầu nguyện của chúng ta thường có khuynh hướng nghiêng theo các thể loại trong thánh vịnh. Ngoài việc cầu xin Thiên Chúa ban cho một điều gì đó, lời cầu nguyện của chúng ta cũng có thể than van về hoàn cảnh mà ta đang phải chịu đựng, nghĩa là, than khóc trong đau khổ; lời cầu nguyện đó cũng có thể là lời tạ ơn và ngợi khen; khẳng định niềm tin tưởng phó thác của chúng ta; ca tụng ơn cứu độ dành cho chúng ta; hay đơn giản là chiêm ngắm sự hiện diện của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hình thức thông thường nhất của những lời mà con người thưa với Thiên Chúa, là cầu xin cho một điều gì đó xảy ra cho một ai đó ở một nơi nào đó. Và tôi tin rằng tất cả những lễ vật hy sinh và những lời nguyện xin trên cả thế giới đều không thể thay đổi Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa muốn như vậy.

Nếu vậy thì lời cầu xin nguyện ước của chúng ta là để làm gì? Tại sao phải mất công cầu nguyện với Thiên Chúa làm chi nếu như Thiên Chúa có tính bất biến? Khi cầu nguyện, chúng ta xin Thiên Chúa thánh thiện, yêu thương, và bất biến của chúng ta ban ơn biến đổi chúng ta, và qua đó mà biến đổi thế giới. Không như thần Zeus, Thiên Chúa thật sự của Ki-tô giáo không thể có hôm thì thức dậy với một tâm trạng quạu quọ và một tính khí thất thường. Đối với người thường thì chúng ta hầu như không thể nào mà có một mối quan hệ thương yêu vững bền với một con người thay đổi thất thường, vậy thì mối quan hệ của ta với Thiên Chúa lại càng nhiều rủi ro hơn biết bao nhiêu nếu như Thiên Chúa có tính tình vui buồn thất thường (trong ý nghĩa cổ điển của chữ thất thường), hay có tính luôn bạ đâu hay đấy? Đức Giê-su, Lời của Đức Chúa Cha cho thế giới, luôn thể hiện tính mạnh mẽ và không thay đổi. Và về bản chất của Thiên Chúa, thánh Gia-cô-bê Tông Đồ nói: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1:17).

Điều này làm nhẹ cả một gánh nặng trong cuộc đời đức tin và trong lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta không cần phải băn khoăn lo âu về cơn giận rất có lý của Thiên Chúa, ít nhất là trong cuộc đời dưới thế này, để rồi phải e sợ là Thiên Chúa sẽ giết hại, đả thương, trừng phạt, hay tra tấn chúng ta. Nhưng bạn sẽ được tha tội nếu bạn dám nghĩ như vậy, cứ theo như cách mà một số người nói về Thiên Chúa, và cách cầu nguyện mà một số người trong chúng ta đã được dạy dỗ. Dường như là việc cầu nguyện chỉ toàn là nhằm để xin xỏ, hay ra lệnh cho Thiên Chúa phải làm gì, phải thay đổi ý Người đã định, phải cho mưa xuống khi mà có thể là Người không muốn làm như vậy. Tôi tin rằng vai trò của việc cầu nguyện quan trọng trong đời chúng ta đến nỗi tôi muốn tất cả chúng ta phải đoan chắc là ta biết rõ ta đang cầu nguyện với ai, và ta có thể mong chờ điều gì từ việc cầu nguyện đó. Nếu như Thiên Chúa không thể thay đổi do lời cầu nguyện của chúng ta, thì chúng ta có thể thay đổi, và phải nên thay đổi.

Trong khoa thần học, chúng ta nói về việc Thiên Chúa trút chính mình qua Đức Giê-su và nhờ Đức Giê-su cho thế giới và để cứu chuộc thế giới. Kenosis – trút bỏ (Pl 2:7) – là một từ Hy-lạp hoa mỹ để diễn tả hành động này. Thiên Chúa trút hết cả chính mình để yêu thương chúng ta và gìn giữ chúng ta trong từng giây phút của mỗi ngày. Trong việc này thì Thiên Chúa không thể nào mà làm hơn được nữa. Có đáp lại cái ơn nghĩa mà ta đã không làm gì để xứng đáng được lãnh nhận đó hay không, là tùy thuộc vào chúng ta, và việc cầu nguyện chính là để đáp lại điều đó. Việc cầu nguyện mời gọi ân phúc tuyệt vời của Thiên Chúa biến đổi, hình thành, uốn nắn, hàn gắn, và soi sáng chúng ta. Điều này diễn ra không những chỉ trong lời cầu nguyện cá nhân, mà còn trong lời cầu nguyện chung của chúng ta. Tất cả các việc phụng vụ thuộc đủ mọi hình thức và nghi thức không phải là nhằm để cho sức mạnh của một đám đông người kêu gọi một-Thiên-Chúa-có-thể-thay-đổi dẹp bỏ một điều cụ thể gì đó mà Người đã định trước. Làm như thế thì đó sẽ chỉ là một cuộc biểu tình chính trị. Không, phụng vụ là nơi mà chúng ta kết hợp lời nguyện cá nhân với lời nguyện của những người đang tụ họp nơi thánh đường, và với cả toàn thể thế giới, để cầu xin Thiên Chúa biến đổi chúng ta, để cho chúng ta có thể phản chiếu rõ hơn dung nhan từ ái của Người, và qua đó mà biến đổi thế giới.

Ở đây, có thể đó là điều thật lạ lùng khi tôi nói rằng Thiên Chúa không thay đổi bản chất và không thể thay đổi bản chất, mà lại có thể biến đổi trái tim con người. Tuy nhiên, tôi không tin rằng Thiên Chúa có khả năng biến đổi quả tim con người nếu như quả tim đó không muốn được biến đổi. Ơn phúc được xây dựng trên nền tảng bản chất; ơn phúc không xóa sạch bản chất. Chúng ta được mời gọi thay đổi nhờ vào ơn phúc của Thiên Chúa, chứ không bị ép buộc phải thay đổi. Không thiếu gì những ví dụ về việc những người ngay lành lại có những quyết định chọn lựa sai lầm như thế nào, và những người độc ác làm những chuyện độc ác ra sao, để chúng ta có thể thấy rằng sự tự do của chúng ta là món quà lớn nhất do Thiên Chúa ban cho, mà cũng chính là món quà nguy hiểm nhất.

Nếu có khi nào bạn muốn biết một cộng đoàn nào đó đang cầu nguyện với ai, và họ nghĩ cầu nguyện có nghĩa là gì, thì hãy lắng nghe phần lời nguyện tín hữu của họ, lời “nguyện xin” của họ. Phần lớn các lời cầu nguyện đều cầu xin Thiên Chúa làm một việc gì đó theo một cách để cho chúng ta được thoát khỏi lưới. “Lạy Chúa, xin nâng đỡ kẻ nghèo, xin ban hòa bình, xin ban của ăn cho người đói.” Chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn cho hết tất cả những điều này được xảy ra, và có khi thì ơn phúc của Người thấm nhuần vào chúng ta trong một cách mà chúng ta coi nước uống là một ơn phúc, hay chúng ta biết chia sẻ với người nghèo, và biết kiến tạo hòa bình. Vậy chúng ta hãy cẩn thận mà xin những điều ta muốn xin; một loại thần học sáng suốt hơn – loại thần học biết nhận ra rằng Thiên Chúa là bất biến, Thiên Chúa biết ta cần điều gì trước khi ta mở miệng nói ra những điều đó, và Thiên Chúa vui mừng khi ta biết viện cầu đến quyền năng của Người để biến đổi thế giới. Trở lại với ví dụ của tôi ở đoạn trước về chuyện khí tượng, tôi không nghĩ rằng chúng ta nên cầu xin Chúa cho mưa xuống, nhưng dĩ nhiên tôi nghĩ rằng chúng ta nên quỳ gối mỗi sáng, trưa, chiều, tối mà cầu nguyện về chuyện nước uống.

“Lạy Chúa, trên mảnh đất khô cằn này, nơi mà chúng con biết nước thật sự là một ơn phúc quý giá biết chừng nào, xin cho chúng con biết để ý xem chúng con đã dùng nước phí phạm ra sao. Xin giúp chúng con biết bảo tồn nước trong kỳ hạn hán mà chúng con đang trải qua lần này, hay kỳ hạn hán mà chúng con biết là có thể sắp sửa sẽ xảy ra. Xin cho chúng con có không những chỉ đủ nước cho nhu cầu của chúng con, mà còn đủ để chia sẻ với những người vẫn thường không có chi để uống. Chúng con cầu xin Chúa.”

Bởi vì theo lời Đức Giáo Hoàng Benedict trong tông thư đầu tiên của ngài, “Đã đến lúc cần phải nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc cầu nguyện trước việc chủ nghĩa duy hoạt động và chủ nghĩa tục hóa đang gia tăng nơi nhiều Ki-tô hữu đang tham gia những công việc từ thiện. Rõ ràng là, người Ki-tô hữu khi cầu nguyện không cho rằng mình có thể thay đổi chương trình của Thiên Chúa hoặc có thể sửa đổi lại những gì mà Thiên Chúa đã tiên định. Nói đúng hơn, người đó mong tìm một cuộc hội kiến với Đức Chúa Cha của Đức Giê-su Ki-tô, để cầu xin rằng Thiên Chúa cùng với niềm an ủi của Chúa Thánh Thần sẽ hiện diện với anh ta và trong công việc của anh ta” (Deus Caritas Est # 37 – Thiên Chúa Là Tình Yêu # 37)

Và ước chi đoàn dân Chúa sẽ thưa “Amen.”

chư dân
22-04-2011, 09:00 AM
Lm Richard Leonard sj: Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào?

Chương 4

Chúng ta được mời gọi tự nguyện đáp lại tình yêu của Thiên Chúa,
chứ không bị ép buộc hay bị nhồi sọ.


Thánh ý Thiên Chúa thiên về tổng thể hơn là tiểu tiết.

Tôi tha thiết tin tưởng vào thánh ý Thiên Chúa. Chỉ là thường thì thánh ý Thiên Chúa hay được khám phá trong toàn cảnh bức tranh hơn là trong các đường nét tiểu tiết. Tôi cho rằng Thiên Chúa thuộc loại thiên về tổng thể. Tôi xin được giải thích như sau.

Suốt thời đi học tôi luôn được theo học ở các trường Công Giáo. Bọn học trò chúng tôi rất thường hay cầu nguyện về chuyện thánh ý của Thiên Chúa. Điều này lại càng đúng hơn khi các cha linh hướng về ơn gọi đến trường để hỏi xem chúng tôi có ai được ơn gọi đi làm linh mục hay làm tu sĩ hay không. Vào những dịp đó, trong đám học trò sẽ có một số đứa thành khẩn cầu nguyện là: “Chúa ơi xin Chúa đừng gọi con đi làm linh mục.” “Xin đừng bắt con đi làm ma-sơ.” “Xin đừng đẩy con đi làm tu sĩ.” Cái cách mà ơn gọi của Thiên Chúa được giải thích cho chúng tôi là, đầu tiên thì Chúa gọi bạn, và nếu bạn nghe tiếng gọi đó, hay cảm nhận được lời gọi đó, thì bạn phải đáp lại, nếu không thì Chúa sẽ giận lắm và bạn sẽ bị khốn đốn lắm, bởi vì bất kể điều gì mà bạn chọn để làm trong đời, thì điều đó cũng không phải điều mà trước đó Chúa đã mời gọi bạn làm. Trong giới Công Giáo, lối suy nghĩ này hầu như chỉ được áp dụng riêng cho những ơn gọi vào vai trò thánh hiến trong giáo hội. Thật lạ lùng là cách nghĩ đó không bao giờ được áp dụng cho những ơn gọi sống đời độc thân hay sống đời hôn nhân.

Cách giải thích đó về ơn gọi thì thật là hạn chế. Người đáp tiếng gọi dường như không có tự do gì mấy khi đáp lại lời mời. Họ được gọi, và thế là thế, họ phải đáp lại, cho dù trong lòng có muốn hay không. Tôi nghĩ tôi đã từng gặp các linh mục và các tu sĩ sống ơn gọi theo kiểu này. Họ tưởng là làm ơn cho Chúa nhiều lắm khi gia nhập vào hàng ngũ tu sĩ, nhưng kể từ đó lại luôn tỏ ra buồn khổ không có lối thoát. Nhưng bởi vì Chúa đã gọi họ, vậy họ còn có thể làm gì khác hơn được? Chẳng may thay, họ lại đem trút sự buồn khổ đó lên không biết bao nhiêu là những trẻ em hay những người lớn mà họ phụ trách mục vụ, lên cả những người linh mục hay những tu sĩ tội nghiệp cùng sống trong nhà dòng với họ. Họ thật sự muốn được ở một nơi nào khác, được làm một việc gì khác, và được làm một người nào khác. Khi chứng kiến những tai hại mà cách sống ơn gọi của họ đã gây ra, tôi nghĩ chẳng thà họ đi nơi khác, làm việc khác, hay làm người khác, thì hơn.

Sâu thẳm tận đáy lòng, bạn phải thật sự mong muốn được thành hôn với người bạn đời của mình, hay phải thật sự mong muốn sống đời độc thân suốt cả đời, hay thật lòng muốn làm ma-sơ, hay làm tu sĩ, hay làm linh mục. Thánh Ignatius Loyola, vị sáng lập dòng Tên, từng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa hoạt động trong những ước muốn của chúng ta, và thánh hóa những ước muốn đó. Nếu như chúng ta không thích những ơn gọi mà chúng ta đang suy xét tìm hiểu, thì chúng ta sẽ cảm thấy phiền muộn khổ sở lắm, và tôi không hiểu làm sao mà Thiên Chúa có thể lấy đó làm điều vui mừng cho được, hay làm sao mà chúng ta có thể an tâm là mình đã chọn đúng con đường cho được. Thật là điều khó tin, nhưng tôi đã gặp một số các tu sĩ và các linh mục xuất sắc – những người này nói rằng họ đã chẳng bao giờ muốn đi tu cả, và đáng lẽ đã chẳng bao giờ chọn con đường đi tu, vậy mà sự thật là, những tác vụ của họ đã chứng tỏ họ là những tu sĩ ưu tú. Bất kể vì lý do phức tạp gì đi chăng nữa, và với tất cả lòng quý trọng của tôi đối với họ, tôi nghĩ rằng họ có thể là đang tự lừa dối mình, và rằng tự thẳm sâu trong bản thể của họ, họ thật sự muốn được làm một tu sĩ hay một linh mục. Họ đã chọn đúng đường của mình.

Ngay cả trong câu chuyện truyền tin, Đức Ma-ri-a không hề bị bắt buộc phải nói tiếng “xin vâng” với vị sứ thần báo tin. Mặc dù có ơn vô nhiễm nguyên tội, nhưng nếu như Đức Ma-ri-a không có quyền tự do để chọn “bằng lòng” hay “không bằng lòng”, thì tiếng “xin vâng” đó không có nghĩa lý gì cả. Nếu không có quyền tự do chọn lựa, thì Đức Ma-ri-a đã là nạn nhân của Thiên Chúa, chứ không phải là gương mẫu cho chúng ta trong việc cộng tác với Thiên Chúa, ngay cả khi tiếng “xin vâng” đó đã làm Mẹ mất hết tất cả mọi sự. Tiếng xin vâng của chúng ta đôi khi cũng gây ra những mất mát tương tự.

Tương tự như vậy, nếu như cô dâu chú rể không được tự do và không chủ tâm khi chọn nhau làm vợ chồng, thì giáo hội tuyên bố rằng cuộc hôn nhân của họ là bất thành sự. Sử dụng quyền tự do chọn lựa và hiểu biết mình đang chọn lựa điều gì, với hết khả năng của ta, là điều quan trọng chính yếu trong đặc tính của hôn nhân. Nếu như điều này là đúng với ơn gọi sống đời hôn nhân, thì nó cũng đúng với tất cả những ơn gọi khác của cuộc đời. Có thể điều đó không dễ dàng chi cả. Chúng ta có thể sẽ phải vất vả với nó. Nhưng thực tế là chúng ta phải chọn nó, và trong quá trình tìm hiểu suy xét xem ta thật sự muốn gì, mong ước điều gì, thì chúng ta khám phá ra thánh ý Thiên Chúa. Nếu chúng ta bị ép buộc, hay bị sợ hãi mà không dám chọn những con đường khác, mà thật vậy nếu như chúng ta không có con đường nào khác để chọn, thì chúng ta sẽ không phải là đang thực hiện một sự lựa chọn tự do và chủ ý, và thế là sự đáp ứng lời mời gọi của chúng ta bị mất giá trị.

Vì vậy, ở một mức độ nào đó, tôi không nghĩ rằng Thiên Chúa bận tâm chi cả về việc tôi là một tu sĩ dòng Tên hay là một linh mục. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa muốn tôi thực hành những đức tính thần học là đức tin, đức cậy, và đức mến (1 Cr 13), và, hơn thế nữa, Người muốn mỗi một người chúng ta đều phải áp dụng hoa quả của Chúa Thánh Thần trong tất cả mọi việc ta làm: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5:22). Lời kêu gọi này là không phải chỉ dành cho tôi, mà là cho tất cả con cái của Thiên Chúa ở khắp mọi nơi; đó là lý do tại sao một chiều kích không thể tránh khỏi trong đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa là phải kiến tạo hòa bình. Chúng ta có thể thấy thấp thoáng sự hình thành vương quốc của Thiên Chúa ở đời này, cũng như ở đời sau, bằng cách xây dựng một cộng đồng trong đó tất cả mọi người có thể thể hiện được hết những tiềm năng của họ trong việc sống cuộc đời xứng đáng với ơn gọi thực thi đức tin, đức cậy, và đức mến. Không có một khuôn vàng thước ngọc nhất định nào đã được đúc sẵn trên trời cho cuộc đời của tôi. Bằng thời gian và không gian, bằng bản chất và ơn phúc Chúa ban cho tôi, tôi cộng tác với Thiên Chúa để tận dụng những khả năng của tôi, ngay cả khi điều đó bao gồm việc phải làm những chuyện khó khăn, gian khổ, hay hy sinh. Sự đáp lời này không phải là do lòng sợ hãi hay do bị cưỡng bách, nhưng là do tình yêu và lòng ao ước.

Thử thách lớn nhất của những đề xướng cho rằng ý định của Thiên Chúa là khuôn vàng thước ngọc cho cuộc đời mỗi cá nhân, và quả thật cũng cho tất cả mọi sinh linh, thì thường không được thể hiện nơi cuộc đời của đa số chúng ta, mà được thể hiện nơi cuộc đời những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Bất kể tôi có thể lo âu khắc khoải đến mấy đi chăng nữa về những gì mà tôi dùng ơn phúc Chúa ban để chọn lựa những quyết định trong đời tôi, vậy còn một đứa bé mới sinh ra chỉ có vài tiếng đã bị chết yểu vì suy dinh dưỡng thì sao? Hay những thai nhi đã được hai-mươi-tám-tuần nhưng, giờ đây, ở một số quốc gia, có thể bị trục phá một cách hợp pháp, thì sao? Cái danh sách này có thể kể hoài kể mãi cũng không hết. Có bất cứ trường hợp nào trong những hoàn cảnh thảm thương này lại là ý định chủ tâm, cụ thể, mà Thiên Chúa dành cho những người anh chị em của chúng ta hay chăng?

Trên một mức độ thế tục hơn, đôi khi chúng ta nghe người ta nói như sau khi họ chỉ suýt chút nữa là bị tai nạn: “Nhưng nếu không nhờ ơn Chúa che chở, thì suýt chút nữa tôi đã bị dính vào tai nạn đó rồi.” Hay nói cách khác, lần này thì ý Chúa chưa muốn cho tôi bị tai nạn. Nhưng vấn đề của tôi với cách nói này không phải là vì một người nào đó tránh thoát được tai nạn, mà đúng hơn là vì những điều mà ta nói về những người đáng thương không tránh thoát được tai nạn. Có vẻ như chúng ta đang nói rằng chính là ý Chúa đã muốn cho họ bị dính vào tai ương đó. Cũng xin thưa với bạn, tôi đang nhớ lại câu chuyện một linh mục dòng Tên trọng tuổi một hôm suýt bị xe cán. Đêm hôm đó, khi kể lại câu chuyện thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc của mình cho các bạn đồng tu trong dòng Tên, vị linh mục kết luận câu chuyện may mắn đó bằng một câu nói với giọng không có gì là mỉa mai hay có ẩn ý gì bên trong: “Nhưng nếu không nhờ ơn Chúa che chở thì tối nay tôi đã ở trên thiên đàng rồi.”

Do đó, ta có thể thấy rằng, cách mà ta nghĩ về bản chất của Thiên Chúa sẽ ảnh hưởng đến việc ta hiểu thánh ý Chúa ra sao. Nếu chúng ta tin vào thần Zeus, thì chúng ta cứ luôn phải làm điều này điều nọ để mong đẹp lòng thần Zeus. Hơn nữa, nếu chúng ta thấy Thiên Chúa là một ông thần độc tài như đã trình bày trong chương một, thì việc không thực hiện những ý chỉ cụ thể của nhà độc tài sẽ kết thúc bằng sự đau đớn khổ sở, không chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau nữa. Nhà độc tài đó biết hết tất cả mọi sự, ngay cả những điều không-thể-biết, và vì thế điều chúng ta phải làm là tìm hiểu xem nhà độc tài đó biết gì về tương lai của chúng ta và cứ thế mà làm theo. Loại thần học này được thể hiện nơi câu chuyện của một vị linh mục dòng Tên bị té xe đạp và bị gãy xương đòn gánh ở vai. Cái xương bị gãy đó cần phải được ráp lại, và trong khi vị linh mục đang chuẩn bị chờ giải phẫu, có một sơ mang Mình Thánh Chúa đến cho ngài. Sau khi trao Mình Thánh xong, sơ nói: “Thưa Cha, rõ ràng đó là ý Chúa muốn cho Cha được bớt bận rộn và được nghỉ ngơi cho thật khỏe.” Và vị linh mục dòng Tên đó đã đáp lại như sau: “Thưa Sơ, nếu quả thiệt như vậy, thì tôi rất mừng là Chúa đã không nghĩ tôi cần một kỳ nghỉ sabbat dài hạn.”

Nếu như đức tin, đức cậy, và đức mến đánh dấu ý chỉ của Thiên Chúa trong toàn cảnh bức tranh, và nếu như Thiên Chúa và tôi phải cùng nhau đi tìm những chi tiết nhỏ nhặt trong đó, thì cái công việc phân định là phải do tôi tự làm. Từ những điều mà tôi đọc được về tiến trình phân định của thánh Ignatius trong quyển sách Linh Thao của ngài, qua những lá thư của ngài, và qua những văn bản khác, sau đây là mười hai điểm hiện đại được luận ra từ sự khôn ngoan muôn thưở của thánh nhân.

1. Hãy tin vào những chuyện tầm thường, những điều bình thường, những điều xảy ra hằng ngày. Hãy sống ngay tại đây và ngay lúc này. Nhiều lúc chúng ta sống trong một quá khứ chưa qua lành lặn hay trong một tương lai chưa tới, trong khi Thiên Chúa lại ở sờ sờ ngay trước mắt ta, ngay tại đây và ngay lúc này. Điều lành khiến chúng ta ứng phó với cuộc sống thường nhật của mình theo như chính thực tại của nó – chứ không phải như cuộc sống mà ta mong muốn hay mơ tưởng – và qua đó mà nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta cứ thường hay tìm kiếm Thiên Chúa nơi những gì phi thường hay ngoạn mục, nhưng Thiên Chúa lại chỉ được tìm thấy trong những giây phút bình lặng và trần tục, Người đến với chúng ta qua những người nghèo khổ, những người không mảnh áo che thân, những kẻ bị tù đày giam cầm, hay những kẻ bị đói khát. Chúng ta cần phải dè chừng những niềm an ủi giả tạo. “Người tốt cũng có thể là kẻ thù của người tốt hơn”. Chúng ta vừa hay bị tấn công vào những nhược điểm của mình, lại vừa hay bị quyến rũ bởi những thứ thuốc phiện của cuộc sống văn minh (ma túy, rượu chè, lang chạ phóng túng, làm việc quá độ, cờ bạc, kỹ thuật hiện đại, mua sắm hoang phí), những thứ này không bao giờ xóa bỏ được những nỗi đau khổ của cuộc đời nhưng chỉ là tạm thời che đậy ảnh hưởng của những sự đau khổ đó mà thôi.

2. Đừng quyết định điều gì trong lúc ta không được khỏe hay tâm thần không được vui; hãy chờ đến khi nỗi buồn đã qua hay sức khỏe đã hồi phục. Đôi khi chúng ta có những quyết định tệ hại nhất khi đang bị đè nặng dưới áp lực. Bao giờ cũng vậy, tốt hơn là chúng ta nên chờ khi cơn khủng hoảng đã qua, và rồi trong những khung cảnh bình lặng hơn mới đem cân nhắc tất cả các lựa chọn của mình.

3. Hãy nghi ngờ những điều “gấp gáp”. Đôi khi ta phải nhanh chóng quyết định một chuyện lớn lao. Nấn ná một ít lâu, bao lâu cũng được, thì bao giờ cũng giúp tìm ra cách hành xử tốt nhất. Điều lành giúp ta nhận ra các khía cạnh của vấn đề và thứ tự ưu tiên khi giải quyết các vấn đề. Ta cần phải đặc biệt thận trọng khi quyết định những vấn đề có tính cách thay đổi cả cuộc đời, mà quyết định này lại đi ngược với một quyết định khác đã được cân nhắc kỹ lưỡng trong một thời điểm bình an thanh thản của tâm hồn.

4. Hãy có đủ khiêm tốn để biết lắng nghe một cách khôn ngoan những lời khuyên bảo khôn ngoan. Ta không phải là những “viên đá hay ốc đảo” hoạt động riêng lẻ một mình. Ta cần đến trí khôn ngoan của gia đình, của những bạn bè thân tín nhất, của giáo hội, và đôi khi của các nhà chuyên môn để soi sáng lương tâm ta và giúp ta có những quyết định sáng suốt nhất trước mặt Thiên Chúa. Nên nhớ rằng chữ obedience – vâng phục, là từ chữ obedire trong tiếng Hy-lạp mà ra, có nghĩa là “lắng nghe”. Nếu ta muốn hằng luôn vâng phục sự ngự trị của Thiên Chúa trong thế giới và trong cuộc đời ta, thì ta phải nên học cách biết thật sự lắng nghe, trong tất cả mọi hình thức của sự lắng nghe, bởi vì ta tin rằng Thiên Chúa lắng nghe ta và nghe thấy tiếng ta.

5. Bao giờ cũng có những kiểu mẫu hoạt động nhất định của điều lành và điều dữ trong cuộc đời ta. Đôi khi ta nghĩ rằng một điều gì đó đã “tự nhiên mà ra.” Đôi khi có thể đúng là như vậy, nhưng thường thì những điều lành điều dữ bám lấy cuộc đời ta đều có lịch sử và bối cảnh của chúng. Ta phải tự rèn luyện mình để biết nhận ra những dấu hiệu của cả điều lành lẫn điều dữ, điều gì lành thì trau dồi thêm, còn điều gì dữ thì nhận thấy những hứa hẹn hảo huyền của nó và hiểu rằng điều dữ sẽ dẫn ta đến ngõ cụt ra sao. Việc tự vấn lương tâm mỗi ngày giúp chúng ta nhận ra đường lối của Chúa Thánh Thần.

6. Có thể nói bảng tóm tắt hay nhất về điều lành điều dữ là của tác giả Patrick O’Sullivan, SJ, trong quyển Cầu Nguyện và Các Mối Liên Hệ: Giữ Mối Liên Kết, Theo Cách của Thánh Ignatio. Tác giả đưa ra những mô tả gọn gàng dưới đây về những đặc điểm của điều lành và điều dữ.


Dấu chỉ của Điều Dữ

Dấu chỉ của Điều Lành

Mất cảm thức về giá trị bản thân. Ta tự hạ giá chính mình và nghĩ (hay ngay cả nói) về chúng ta trong những cách thức mà chúng ta không bao giờ mơ tới việc nói về người khác như vậy.

Hy vọng khô héo và dần dần lụi tàn; ánh sáng tắt ngấm. Có một cảm giác bị mắc kẹt, trói buộc, không biết đi về đâu, bị vướng vào một cái vòng luẩn quẩn, rơi xuống một vực thẳm đen tối.



Có một cảm giác nặng nề thấm vào người; chúng ta cảm thấy bị sức nặng đè nén. Chúng ta sa vào chủ nghĩa hoài nghi (ta không thể thấy bất cứ điều gì tốt nơi bất cứ ai cả), hay lòng tự thương hại chính mình.

Một sự thắc mắc trong tâm trí làm cho chúng ta cứ phải băn khoăn lo nghĩ, và rốt cuộc làm cho chúng ta bị rối trí. Ta thấy mình cứ luôn suy đi nghĩ lại về những việc đã xảy ra, hoặc dồn hết tâm trí để giải quyết vấn đề gì đó – nhưng cuối cùng lại cảm thấy kiệt sức rã rời hơn trước lúc bắt đầu.


Chúng ta dễ dàng bị cuốn vào những mối tương tác tiêu cực với người khác, những mối tương tác tiêu cực đó dần dà biến cấp thành việc đổ lỗi lẫn nhau, và dẫn đến thái độ “Tôi đúng, anh sai.” “Một số người giữ mãi trong tim xác chết của những mối quan hệ cũ, họ bị nghiện với sự tổn thương như một cách khẳng định căn tính.”



Khi nghĩ về những tội lỗi và những lần sa ngã của mình, chúng ta cảm thấy xấu hổ về bản thân, và cứ giữ mãi cảm nhận đó.

Có cảm thức rõ ràng về giá trị bản thân – một lòng tự tin mới được bừng lên trở lại.




Hy vọng bừng sống lại; chúng ta tin Đức Giê-su đang ở cùng chúng ta, bất kể mọi sự. Có một cảm giác rõ ràng về sự chuyển động thay đổi: “Chuyện này không nhất thiết là phải tệ hại đến mức như vậy. Tôi muốn làm một điều gì đó để thay đổi chuyện này, và tôi có thể thay đổi chuyện này.”

Có một gánh nặng được trút khỏi chúng ta; ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn, cảm thấy được giải thoát. Lòng thương cảm của chúng ta gia tăng, và ta biết dễ nhận ra những nhu cầu của người khác hơn.

Một sự thắc mắc trong tâm trí được kèm theo lòng xác tín và sự minh bạch rõ ràng. Chúng ta được hướng đến việc mang những điều lo âu của mình vào mối liên hệ với Đức Giê-su, và biết chú tâm vào mối liên hệ đó hơn là vào vấn đề làm ta lo âu. Chúng ta cởi mở bày tỏ hơn là chôn kín vấn đề. Chúng ta bày tỏ những vấn đề ảnh hưởng đến tâm trí ta.

Cần phải giả thiết rằng mỗi một Ki-tô hữu tốt lành đều có lòng sẵn sàng diễn đạt lời nói của người khác theo nghĩa tốt lành, hơn là vội kết luận lời người ta là sai lầm. (Không ai trong chúng ta độc quyền nắm giữ sự thật). Chúng ta được hướng đến việc buông bỏ và quên đi những vết thương lòng, và có thể cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con những thái độ đúng đắn để con trở thành loại người mà Chúa muốn con trở thành.”

Sự nhận biết tội lỗi luôn luôn có pha lẫn sắc hy vọng trong đó, và dẫn đưa chúng ta trở về với mối quan hệ với Đức Giê-su, và với những người khác.

Tác giả Patrick O’Sullivan kết luận: “Cách của sự dữ là tách rời chúng ta khỏi các mối quan hệ; cách của điều lành là dẫn đưa chúng ta đến những tầng mức sâu sắc hơn trong các mối quan hệ”. Hễ chúng ta chú tâm tới điều gì, thì điều đó tô màu cho tất cả những lãnh vực khác trong đời ta. Nếu ta nghiêng về sự tiêu cực, thì sự tiêu cực sẽ lan tràn; nếu ta hướng tới ‘ơn nghĩa Chúa’ (chính là điều ban sự sống), thì ơn nghĩa sẽ lan tràn.”

Tiếp tục phần mười hai điểm hiện đại được luận ra từ sự khôn ngoan muôn thưở của thánh Ignatius.

7. Nếu ta lỡ một lần quyết định sai lầm, thì ngay lần sau ta sẽ có một quyết định đúng đắn hoặc đúng đắn hơn. Sự dữ luôn thuyết phục chúng ta rằng ta bị mắc kẹt và không có cách gì thoát ra được, làm trí nhớ chúng ta bị lu mờ để chúng ta cứ lặp đi lặp lại những hành động có tính hủy diệt mặc dù những hành động đó không bao giờ giúp ích được gì cả; sự dữ biến chúng ta thành kẻ xa lạ, nó không giúp ta đương đầu với tình trạng của chúng ta. Một quyển nhật ký có thể hữu ích, qua đó chúng ta nhìn lại cuộc đời mình và những lỗi lầm đã tái đi tái lại với sự cảm thông và lòng can đảm. Đối với những điều phân định lớn lao hơn, chúng ta có thể thảo ra các danh sách trên một trang giấy, với những điều thiên về A, những điều thiên về B, những điều nghịch với A, và những điều nghịch với B. Tiến trình này không nhằm chú trọng đến việc danh sách nào dài hơn, nhưng để xem coi tâm trí của chúng ta hướng về bên nào nhiều hơn.

8. Điều lành nối kết chúng ta và giải thoát chúng ta để ta có thể tung ra hết ra ngoài bất cứ những gì mà ta chôn kín trong bóng tối. Điều dữ chia rẽ, ngăn cách, và nhốt chặt chúng ta trong nỗi sợ hãi. Mỗi khi chúng ta thẳng thắn trung thực với những người mà ta yêu mến và tin cậy, thì điều lành đang hoạt động. Không có bất cứ điều gì mà ta đã từng làm, đang làm, hay sẽ làm, mà lại có thể làm cho Thiên Chúa ngừng yêu thương ta. Không có bất cứ điều gì mà Thiên Chúa lại không thể tha thứ hay hàn gắn, nhưng chính chúng ta phải tự bắt đầu với việc thừa nhận mình là ai và mình đã làm những gì. Và sau đó thì bất cứ điều gì hay tất cả mọi sự đều khả dĩ.

9. Chúa Thánh Thần luôn luôn hiện diện khi một cộng đồng có lòng tin vào Thiên Chúa tụ họp lại với nhau. Trong cộng đồng đó, chúng ta khám phá rằng ta không phải là người duy nhất đã từng phải quyết định chọn lựa một điều gì đó, hay chúng ta không phải là những người đầu tiên phải đương đầu với những vấn đề tương tự.

10. Hãy dùng cả khối óc lẫn quả tim khi đối thoại – chúng ta cần cả hai. Một số tín hữu nghĩ rằng niềm tin Ki-tô giáo chỉ toàn là về chuyện trí não mà thôi. Và trong khi khoa thần học có một truyền thống trí năng đáng tôn trọng, và việc suy nghĩ sáng suốt cũng là một điều rất quan trọng, nhưng cái đầu của chúng ta phải liên kết hài hòa với cuộc sống tình cảm và linh cảm tự nhiên của ta. Khi óc và tim chúng ta hòa quyện với nhau, thì chúng ta có cơ hội đặt chân tay của mình vào những nơi mà ta có thể thực hiện được những điều tốt nhất cho một số đông người nhất. Đầu óc chúng ta có thể ươm đầy những giấc mơ, một số những giấc mơ đó rất tốt đẹp. Trong tim ta và trong lòng ta có thể chất chứa đầy những niềm khao khát. Bên nào sẽ dần dần mất sức hấp dẫn theo thời gian? Những nỗi khao khát sâu thẳm nhất trong lòng ta là gì? Những điều này có thể được đem đối chiếu với với các nhân đức bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ mà chúng ta được mời gọi thực thi trong cuộc sống (Gl 5:22). Nếu những dấu hiệu này hiện hữu, thì rất có khả năng là Chúa Thánh Thần cũng hiện hữu.

11. Không có việc gì làm cho vương quốc mai sau lại là việc tầm thường nhỏ mọn, không thích hợp, hay không đem lại kết quả gì. Chúng ta có thể lầm tưởng rằng những cử chỉ ân cần tử tế tương đối nhỏ nhặt hàng ngày thì không đáng kể chi mấy trong tiến trình tâm linh. Sai. Nếu như trong bất kỳ một ngày nào mà trên thế giới có nhiều hành động xấu xa hơn những hành động nhân ái, thì trái đất sẽ là một nơi không ai sống nổi. Những cử chỉ ân cần đơn giản và vị tha có thể là không được ai biết tới, nhưng chúng thay đổi thế giới bằng cách khiến cho tình yêu của Đức Ki-tô được xuyên nhập vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

12. Lòng trung tín là một trong những ơn cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần. Ngay cả khi đối diện với sự chống đối và khi có những chọn lựa khác, giữ vững lòng trung tín là một hành động cao thượng của tình yêu. Tuy nhiên khi nói như vậy, Tin Mừng mời gọi chúng ta “từ bỏ chính mình”, chứ không phải “tự giết chính mình”. Chẳng hạn như, thánh ý Thiên Chúa không bao giờ muốn cho ta phải sống mãi trong một mối quan hệ có tính bạo động về mặt thể lý, tâm lý, hay tâm linh. Thánh Ignatius khuyến khích chúng ta tưởng tượng rằng mình đang khuyên bảo người bạn thân nhất của mình về vấn đề mà mình đang phân định. Mình sẽ khuyên bạn điều gì? Hoặc theo cách khác, thì hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang ở trên giường bệnh chờ chết. Khi đó chúng ta sẽ mong ước là mình đáng lẽ đã phải chọn điều gì khi nhìn lại đời mình? Ước chi đó sẽ là những điều đầy yêu thương, trung tín, và đầy niềm hy vọng.

Việc phân định từ tấm lòng yêu mến được tóm tắt một cách tuyệt diệu như sau trong một trong những câu trích dẫn mà tôi thích nhất, được cho là của một vị cựu giám đốc dòng Tên, Cha Pedro Arrupe, SJ:

“Không có gì hữu ích hơn việc tìm thấy Thiên Chúa, nghĩa là, hơn việc ngã vào tình yêu một cách tuyệt đối, vĩnh viễn. Điều gì làm bạn yêu mến, điều gì chiếm hữu tâm trí của bạn, thì điều đó ảnh hưởng đến tất cả mọi sự khác. Điều đó sẽ quyết định việc gì sẽ khiến bạn hăng hái chỗi dậy ra khỏi giường vào mỗi buổi sáng, việc gì sẽ chiếm giờ tiêu khiển của bạn vào những buổi tối, những ngày nghỉ cuối tuần bạn sẽ sử dụng ra sao, bạn sẽ đọc về những điều gì, bạn sẽ giao du với những ai, điều gì làm tim bạn tan vỡ, và điều gì khiến bạn kinh ngạc với niềm vui sướng lẫn tâm tình tạ ơn. Hãy ngã vào tình yêu, hãy ở lại trong tình yêu, và tình yêu sẽ quyết định tất cả.”

Lm Richard Leonard sj
Bản dịch: Cecilia Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

chư dân
22-04-2011, 09:02 AM
Lm Richard Leonard sj: Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào ? –

Chương 5



Chương Năm
_____________________________________
Nếu như Thiên Chúa đã thật sự hại
chính đứa con yêu dấu duy nhất của mình như vậy,
thì có thể tôi bị như thế là vẫn còn nhẹ lắm.
Thiên Chúa không cần máu Đức Giê-su. Đức Giê-su không phải đến thế gian chỉ để “chết”, nhưng Thiên Chúa dùng cái chết của Đức Giê-su để tuyên bố kết thúc sự chết.
Tôi kinh ngạc biết bao khi một số Ki-tô hữu lại có thể tin tưởng một cách mạnh mẽ và lại còn đi nói với người khác một cách chắc nịch là Thiên Chúa đã giáng xuống cho họ những nỗi đau đớn, hủy diệt, và chết chóc, trong khi có biết bao nhiêu bằng chứng là chúng ta tin vào một Thiên Chúa không muốn liên quan gì tới sự chết hay những gì dính dáng tới sự chết. Thiên Chúa muốn chúng ta được sống, được tự do, và được tràn đầy niềm vui.
Chúng ta phải nên cẩn thận về những gì mà ta ca hát. Các bài hát tâm linh và các bài thánh ca không phải chỉ là những phần phụng vụ nhằm để khỏa lấp khoảng trống thời gian, hay để đệm cho một cuộc rước kiệu, hay để ép cho những người điếc nhạc phải hát theo. Thánh nhạc chất chứa tính thần học. Chúng ta hát những văn bản thánh kinh hay những văn bản được thi hóa về một niềm tin căn bản của Ki-tô Giáo nhằm mục đích củng cố đức tin của chúng ta. Việc dệt nhạc vào những văn bản đó làm cho chúng trở nên phổ biến và dễ thuộc dễ nhớ. Đó là lý do tại sao chúng có thể rất quan trọng và rất công hiệu, nhưng lại cũng rất nguy hiểm.
Ví dụ như hãy xem bài “The Man God Chose – Người Được Chúa Chọn”, một bài hát tâm linh đã từng nổi tiếng một thời. Người được Chúa chọn ở đây là Đức Giê-su. Đó là một bài theo thể dân ca rất dễ hát và dễ được ưa chuộng, và trong bài có nhiều tình cảm rất xứng hợp. Nhưng điều trục trặc với bài hát này là tác giả, với tất cả lòng chân thật, đã không ngờ rằng mình đang bắt một nhịp cầu hiện đại cho một tà giáo cổ xưa, và giờ đây cả cộng đoàn đang đứng trong nhà thờ mà say sưa hát bài đó. Bài hát này là lối viết tân thời từ một số văn bản của ông Phao-lô thành Samosata và ông Theodotus thành Byzantium, những người này cho rằng Đức Giê-su được Thiên Chúa tuyển chọn hay nhận làm con nuôi vào lúc lãnh nhận phép rửa tội, và, bởi vì Người đã sống cuộc đời làm người gương mẫu ở trần gian, cho nên Người được xác nhận là Con Thiên Chúa vào lúc bị đóng đinh trên thập giá. Lối suy nghĩ này bị bác bỏ vào cuối thế kỷ thứ ba. Thiên Chúa không tuyển chọn hay nhận Đức Giê-su làm con nuôi. Chúng ta tin rằng Lời của Thiên Chúa và Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã hóa thân thành nhục thể nơi Đức Giê-su Nazareth ngay từ khoảnh khắc Người đầu thai nhập thế.
Tất cả các bài thánh ca đều rất quan trọng, nhưng có một phiên khúc của một bài thánh ca đặc biệt có nhiều trục trặc hơn đa số các bài khác. Bài “How Great Thou Art – Kỳ Công Tay Người Vĩ Đại Dường Bao” luôn đạt vị trí một trong năm bài thánh ca đứng đầu bảng trong hầu hết các cuộc thống kê về những bài thánh ca được yêu chuộng nhất ở các nước nói tiếng Anh. Đầu tiên do nhà giảng đạo giáo dân người Thụy-sĩ, thuộc đạo Lutheran, và sau này là nghị sĩ, ông Carl Gustav Boberg sáng tác vào năm 1885, bài “O Store Gud” (O Great God) sau đó đã được ông Stuart Hine chuyển dịch sang tiếng Anh. Ông Hine là một nhà truyền giáo người Anh ở Ukraine, nơi ông đã học được bài hát này bằng tiếng Nga. Vào năm 1939, ông Hine trở lại nước Anh và sang năm sau đó ông đã phát hành phiên bản đầu tiên của bài thánh ca mà ngày nay chúng ta gọi là “How Great Thou Art”. Danh tiếng quốc tế của bài hát có thể nói là nhờ vào cuộc luân diễn thuyết pháp của ông Billy Graham tại London vào năm 1954, trong khoảng thời gian đó bài hát được hát đi hát lại trong các thánh đường, được phát thanh và được truyền hình tới một số lượng khán thính giả lên đến mấy triệu người. Danh tiếng bài hát đã không bị ảnh hưởng bởi sự kiện bài hát này chính là bài hát chủ đề và là tựa đề của cuốn album nổi tiếng đoạt giải Grammy của Elvis Presley vào năm 1967.
Gốc gác Tin-Lành của bài hát này là điều hệ trọng. Trước hết xin nhắc lại đôi dòng lịch sử. Dựa vào những nghiên cứu trước đó của thánh Clement thành Alexandria, thánh Anselm thành Canterbury – một tu sĩ dòng Benedict vào thế kỷ thứ 11 – đã vật lộn với câu hỏi tại sao Thiên Chúa lại đến thế gian trong tư cách một người phàm như chúng ta. Trong luận thuyết nổi tiếng của mình, Cur Deus Homo (Tại Sao Thiên Chúa Trở Thành Phàm Nhân), thánh nhân đã khai triển một lý thuyết rằng Đức Giê-su đã đến thế gian để làm người thế chỗ cho chúng ta. Chúng ta là những kẻ đã làm Thiên Chúa nổi giận, nhưng thay vì hy sinh hết thảy chúng ta, Thiên Chúa đã sai Đức Giê-su đến để thay chỗ chúng ta khi hiến dâng chính mạng sống mình cho Đức Chúa Cha như một sự đền bồi cho tội lỗi của chúng ta. Đức Giê-su đã nộp số tiền chuộc mà Thiên Chúa đã đòi hỏi để trả tự do cho chúng ta.
Cách suy nghĩ này đặt nặng nền tảng vào thánh Phao-lô, người mà trong nhiều trường hợp đã gọi Đức Ki-tô là Đấng Cứu Chuộc của nhân loại. Thuật ngữ redemption – “cứu chuộc” theo nghĩa đen có nghĩa là “chuộc lại”. Từ ngữ này phát sinh từ tập tục của thời xa xưa, vào thưở đó có hai loại nô lệ – một loại bị sinh ra trong vòng nô lệ, hoặc bị ép buộc vào vòng nô lệ, thường là phải làm nô lệ suốt cả đời, còn một loại thì phải trả một món nợ hay đền bồi một tội phạm bằng cách làm nô lệ, thường là chỉ trong một khoảng thời gian nào đó mà thôi. Loại nô lệ thứ hai này có thể được trả tự do khi có ai đó trả nợ thay cho họ, hoặc món tiền chuộc do chủ nô định ra được thanh toán thay cho họ. Sau đó thì họ có thể sẽ trở thành nô lệ của người đã mua họ, hoặc được trả tự do hoàn toàn.
Thánh Phao-lô đã đưa cách tỷ dụ này vào thần học Ki-tô Giáo để diễn tả việc chúng ta, những người bị vướng vào vòng nô lệ do những hành động có tính hủy diệt của chúng ta, đã được ban một người đến giải phóng chúng ta, là Đức Ki-tô đấng đã đến một thế giới tội lỗi, tự hiến mình để gánh chịu những bạo động trong thế giới đó, và đã chịu chết, nhằm mục đích đem lại tự do cho chúng ta. Trong sự rõ ràng nhất của nó, khái niệm Đức Ki-tô là Đấng Cứu Thế cho ta thấy rằng chúng ta không còn phải sống cách sống hủy diệt nữa. Giờ đây đã được chuộc lại bằng tình yêu của Đức Ki-tô, chúng ta không còn là nô lệ nữa, mà là bạn của Đức Ki-tô; thật vậy, nhờ công cuộc cứu chuộc của Đức Ki-tô chúng ta đã được đón nhận vào gia đình của Thiên Chúa.
Các nhà Cải Cách Tin-Lành đã nắm bắt những tư tưởng về sự thay chỗ này, và gán cho chúng một ý nghĩa mới mang nhiều màu sắc thánh kinh hơn. Dựa vào một quan điểm cứng rắn hơn và theo nghĩa đen hơn về vai trò của Tội Nguyên Tổ của ông A-đam và bà E-và, John Calvin cho rằng, bởi vì những tổ tiên đầu tiên của loài người trong Sáng Thế Ký đã nổi loạn chống lại Thiên Chúa, cho nên toàn bộ bản chất nhân loại của chúng ta đã vĩnh viễn bị hư hoại. Chúng ta không có thể làm được điều gì để xoay chuyển tình thế đó. Thiên Chúa đã vô cùng tức giận chúng ta, nhưng với thời gian và với lòng thương xót của Người, cho dù chúng ta không xứng đáng, nhưng Người đã quyết định cứu chúng ta. Tuy nhiên, bởi vì con người không thể làm được gì để tự cứu mình, cho nên để xoa dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đối với ông A-đam và bà E-và cũng như với lòng vô ơn của toàn thể nhân loại về sau, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã phải mặc lấy xác phàm của chúng ta, phải thế chỗ cho chúng ta, và hiến dâng hy lễ là chính mạng sống của Người, qua cuộc đau khổ và cuộc tử nạn của Người, để làm lễ vật đền bồi cho tội tổ tông truyền và những tội lỗi mà chúng ta vẫn đang tiếp tục gây ra. Đây là điều thường được gọi là “thần học xoa dịu” bởi vì chính nhờ vào cái chết thảm khốc của Đức Giê-su mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa được xoa dịu. Phải thừa nhận rằng một số yếu tố của loại thần học xoa dịu này cũng đã lan vào thần học Công Giáo, mặc dù người Công Giáo chúng ta chưa bao giờ tin là nhân loại đã hoàn toàn bị hư hoại hay bị suy đồi, hoặc là Thiên Chúa đã chỉ có một cách duy nhất để làm nguôi cơn thịnh nộ của mình.
Có rất nhiều thư viện viết về những điều vừa được trình bày trong các đoạn trên, nhưng trong mục đích của chương sách này, thì phần tóm tắt không-trọn-vẹn như trên xin được coi như là tạm đủ.
Trong một hình thức sắc nét hơn, loại thần học xoa dịu này được diễn tả trung thực đầy đủ qua phiên khúc thứ ba của bài “How Great Thou Art”:
When I think that God his Son not sparing
Sent him to die, I scarce can take it in.
That on the Cross my burden gladly bearing,
He bled and died to take away my sin.
(Khi tôi suy ngắm về việc Thiên Chúa, đến cả Con Một mà cũng không tha
Đã sai con mình đến chỗ chết, thì tôi không thể nào hiểu nổi.
Rằng trên Thập Giá gánh nặng tội lỗi của tôi Người đã vui lòng mang lấy,
Đã chảy hết máu và đã chết để xóa tội lỗi của tôi.)
Tại sao điều này lại vô cùng hệ trọng? Thưa, bởi vì nếu chúng ta cứ tiếp tục hát những bài thánh ca kiểu này, thì một số người có thể hiểu rằng những lời đó là sự thật, họ có thể sẽ thuộc lòng và sẽ nhớ những lời đó, và sẽ muốn hát những lời đó trong những lễ rửa tội, hôn lễ, tang lễ, và những dịp lễ lạc khác. Và đúng là họ muốn như vậy. Nhưng bài thánh ca này chỉ diễn tả một phần rất hạn chế về cái sự thật mà nó đang cố gắng diễn đạt cho rõ ràng, và điều ám chỉ trong bài hát này về việc Thiên Chúa có thể được tìm thấy ở đâu trong sự đau khổ của con người không thể bị xem nhẹ. Thánh ý Thiên Chúa dành cho Đức Giê-su ảnh hưởng đến tất cả những gì mà chúng ta nghĩ là cách thức mà Thiên Chúa đối xử với chúng ta. Nếu như Thiên Chúa của chúng ta muốn nhìn thấy sự đau khổ, và muốn giáng đau khổ xuống, thậm chí còn an bài cả một cái chết ghê rợn cho chính đứa con trai yêu quý duy nhất của mình, thì tại sao chúng ta lại có thể kêu ca phàn nàn khi bị bệnh tật, bị mất một đứa con, hay bị trở thành kẻ bại liệt toàn thân? Chúng ta bị như vậy cũng còn là nhẹ lắm so với những gì mà ta cho rằng Thiên Chúa muốn Đức Giê-su phải gánh chịu.
Đối với Ki-tô hữu, mầu nhiệm phục sinh – bao gồm cuộc đời, cuộc tử nạn, và sự sống lại của Đức Giê-su – là khuôn mẫu chủ yếu mà theo đó niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa được thiết lập. Đó là một câu chuyện trọng tâm qua đó chúng ta giải thích nguồn gốc của mình, ý nghĩa cuộc đời mình, và cùng đích của cuộc đời mình. Bài thánh ca này nói về mầu nhiệm phục sinh này, và tôi không thể nào mà hiểu nổi là Thiên Chúa chỉ đơn giản là sai Đức Giê-su đi “chết”, mà lại chết một cái chết đẫm máu rùng rợn. Nếu như điều đó hoàn toàn là sự thật, thì tại sao Thiên Chúa lại không dùng tới cách như trong câu chuyện thần học bất công phi lý nhất trong Tân Ước – sự tàn sát những trẻ thơ vô tội (Mt 2:13-23)? Nếu như Đức Giê-su bị vua Hê-rô-đê giết hại vào năm lên hai tuổi, thì có phải là Thiên Chúa đã được máu tế lễ một cách gọn gàng hơn và sớm sủa hơn hay không.
Còn nếu không thì, nếu như tất cả những gì mà Thiên Chúa muốn là máu tế lễ vẹn toàn (nghe tương tự như thần Zeus ở đây) của Con duy nhất của mình nhằm mục đích cho nguôi cơn thịnh nộ của mình, thì tại sao Đức Giê-su đã không rời bỏ Na-da-rét, lên Ga-li-lê gây rối lung tung (như Người đã làm), và rồi tiến thẳng vào Giê-ru-sa-lem gây hấn với tất cả mọi người để được đóng đinh vào một thời điểm sớm hơn? Làm như vậy thì cũng không khó vào lúc đó. Nếu như Đức Giê-su chỉ đơn thuần là bị sai đến “để chết”, vậy thì ý nghĩa của những năm ẩn mình của Người là gì?, và ý nghĩa của giai đoạn giảng dạy công khai của Người là gì? Những giai đoạn đó không phải là để dành cho Thiên Chúa, mà là cho chúng ta.
Sự thật đơn giản là phiên khúc thứ ba của bài thánh ca được yêu thích này là sai. Đức Giê-su không đến thế gian chỉ để chết. Trái lại, Đức Giê-su đến thế gian để sống. Nhưng vì hậu quả của việc Người đã sống cuộc đời mình một cách dũng cảm và cấp tiến, và vì tình yêu mà Người dành cho cả nhân loại, Người đã là một mối đe dọa cho giới lãnh đạo về chính trị, xã hội, và tôn giáo vào thời đó, đến nỗi họ xử tử Người. Tôi nghĩ, đây là một cách dễ hiểu hơn cho chúng ta tìm hiểu ý nghĩa những điều tiên đoán về cuộc tử nạn. Đức Giê-su không phải là một loại đồng bóng; Người là một bản thể nhân loại thật sự và là một bản thể nhân loại trọn vẹn, và vì thế Người có tri thức nhưng tri thức đó có giới hạn. Bản tính linh thiêng thật sự và vẹn toàn của Người không thể xóa bỏ bản tính nhân loại của Người, nếu không thì Người đã chỉ là đóng kịch nhập vai nhân loại mà thôi. Bản tính linh thiêng của Người được nhìn thấy trong, và qua cách sống luôn yêu thương, luôn công bằng, đầy lòng hy sinh mà Người đã sống trong những phạm vi và giới hạn của bản tính nhân loại của Người.
Nhiều người trong số những người can đảm nhất về mặt luân lý đạo đức trong lịch sử biết rằng cuộc sống cá nhân và tự do cá nhân của họ bị đe dọa vì những điều họ nói hoặc cách họ sống. Họ có thể là không biết trước rằng mình sẽ bị xử tử hay bị giết hại hay bị ám sát, nhưng họ có thể thấy những dấu chỉ của thời đại họ rõ đến mức họ có thể đoán được là sẽ có những hậu quả nghiêm trọng cho sự tự do mà họ đang thể hiện, cái sự tự do đã lôi kéo những người khác đến với họ. Đôi khi họ nói ra hoặc viết ra về những cái giá mà họ phải trả cho những quan điểm của mình. Về phần này, họ phản ánh gương Đức Giê-su Ki-tô. Các thánh tử đạo của chúng ta không phải là phiên bản Ki-tô Giáo của những kẻ ôm bom tự sát. Họ không đi tìm đến cái chết theo một nghĩa chủ động nào cả. Điều đó sẽ là sự phản bội cùng cực đối với món quà sự sống của Thiên Chúa. Tuy nhiên, họ biết rằng họ có thể sẽ phải chết do hậu quả của việc sống chứng nhân cho niềm tin của họ và việc đòi hỏi công lý, cái công lý tất yếu xuất phát từ niềm tin đó. Trong cuộc sống và cái chết của họ, họ đã theo khuôn mẫu của Đức Giê-su. Người đã không đi tìm cái chết chỉ đơn thuần để mà chết, nhưng Người sẽ không chịu sống và không thể sống trong bất cứ cách nào khác hơn là sống tin tưởng, sống hy vọng, và sống với lòng nhân ái thương yêu. Trong thời đại của Người, và trong thời đại của chính chúng ta, đó là một điều đe dọa lớn lao đối với những kẻ mà nền tảng quyền lực của họ được xây dựng trên những giá trị đi ngược lại với những phẩm chất đó. Thế giới ngày nay tiếp tục lặng im và đẩy ra ngoài lề những người sống theo các giá trị và phẩm hạnh Ki-tô Giáo, cũng như ngày xưa Đức Giê-su đã bị đẩy ra ngoài lề một cách cùng tận qua việc bị đóng đinh. Nhưng Thiên Chúa đã có tiếng nói sau cùng trước cái chết của Đức Giê-su: Sự Sống.
Trong phần lớn chiều dài lịch sử giáo hội Công Giáo, câu hỏi thường dằn vặt tâm trí các tín hữu dường như là câu “Tại sao Đức Giê-su phải chết?” Tôi cho rằng đó là cách đặt sai vấn đề. Đúng ra phải hỏi là “Tại sao Đức Giê-su lại bị giết?” – và câu hỏi này đặt những đau khổ của Đức Giê-su trong những ngày cuối cùng ở thế gian, và cái chết của Người, vào một khía cạnh hoàn toàn mới mẻ.
Đây là lý do vì sao chúng ta có thể đứng trước thập giá và lắng nghe lời Đức Giê-su trong Tin Mừng của thánh Gio-an: “Tôi đến để anh em được sống, và sống cách sung mãn”. Cuộc sống đó không phải là về người Con hoàn hảo của Thiên Chúa Cha hoàn hảo đang dâng hiến một của lễ hoàn hảo để hòa giải chúng ta với Thiên Chúa, và nhờ đó mà cứu chuộc chúng ta. Cuộc sống đó chính là sự sống nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa được đổ tràn trề xuống cho thế giới qua Đức Ki-tô nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa của chúng ta không thiên về sự chết, mà là thiên về sự sống. Tất cả mọi sự trong Tân Ước đều chúng tỏ điều này, ngay cả những câu chuyện tiên tri nghiêm trọng về ngày sau hết, những câu chuyện đầy những dấu ấn của một vị thầy giảng sinh động đang phóng bút vẽ những nét to lớn trên một bức tranh lớn nhất trong tất cả các bức tranh. Đức Giê-su không có chủ ý muốn chúng ta hiểu biểu tượng này theo nghĩa đen. Tôi đoán chừng là ngày phán xét sẽ thật sự không phải là một cuộc lùa chung các con chiên con cừu lại với nhau. Tuy nhiên, bài học đàng sau biểu tượng này là một bài học thật sự đáng cho chúng ta học hỏi. Tình yêu và lòng xót thương của Thiên Chúa cuối cùng thì sẽ để cho công lý được thực thi. Người sẽ nghe tiếng kêu khóc của kẻ nghèo và trong đời sau chúng ta sẽ được hỏi xem mình đã làm được những gì hay đã thiếu sót những điều gì trong đời này.
Trong bối cảnh này chúng ta cần xem lại một đoạn thánh kinh khác. Một số người trích dẫn lời Đức Giê-su trong vườn dầu rằng: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26:42) hoặc “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18:11) để làm bằng chứng xác quyết là Thiên Chúa muốn và ngay cả cần Đức Giê-su phải chịu đau đớn và phải chết. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào việc chúng ta cho rằng ý định của Chúa Cha hay chén mà Chúa Cha dành cho Đức Giê-su là điều gì. Nếu điều đó là, như trong bài thánh ca đó, “để chết”, thì điều đó quả thật là rõ ràng và xác quyết. Tuy nhiên, nếu, như đã lập luận ở trên, ý định của Thiên Chúa là chúng ta phải sống tin tưởng, hy vọng, thương yêu, thì lời cầu nguyện của Đức Giê-su là nhằm để xin Đức Chúa Cha ban thêm sức mạnh và lòng can đảm cho Chúa Con được vững tâm trên “Con Đường”, để nói lên Sự Thật và để là Sự Thật, và để làm chứng cho Sự Sống, ngay cả khi phải trả giá bằng mạng sống của chính mình. Một cuộc đời đầy những điều tốt đẹp rõ ràng như vậy thì không bao giờ là điều dễ dàng; cuộc đời đó luôn luôn bao hàm chén đắng của khổ đau. Trong trình thuật vườn dầu, chúng ta thấy Đức Giê-su dần dần nhận ra kết cục bi thảm sắp sửa xảy đến với mình, và vật vã đau khổ để rồi cuối cùng nắm được sức mạnh để đối đầu trực diện với cái chết, với sự hủy diệt, và tội lỗi. Nỗi thống khổ của Đức Giê-su trước vận mạng của mình là một phản ứng hoàn toàn theo bản tính con người, một phản ứng đem lại niềm an ủi cho chúng ta khi ta đối diện với những đau khổ của chính chúng ta.
Vai trò của Đức Chúa Cha trong bối cảnh đồng hành với Con mình trong suốt cuộc thử thách cam go và những nỗi đau buồn trong vườn cây dầu có thể được thấy nơi hình ảnh một sĩ quan quân đội tốt lành và công minh. Một người bạn thân của tôi, người đã từng dẫn quân tham chiến ở Afghanistan, đã nói: “Tôi thương binh sĩ của tôi đến nỗi tôi không bao giờ muốn đưa ai ra trận để chết. Tôi đã ra trận với lính của tôi chỉ cốt để tất cả chúng tôi có thể phục vụ cho một mục đích cao cả là giải phóng dân Afghanistan khỏi chết độ độc tài và đem lại cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn hẳn bất cứ điều gì mà họ từng biết. Khoảng thời gian ngay trước lúc chúng tôi hành quân ra trận theo chương trình đã định sẵn là khoảng thời gian nhiều lo lắng nhất, khi đó bất kỳ một nam hay nữ quân nhân can trường nào cũng đầy lòng hoài nghi và chỉ mong ước sao họ đang ở bất cứ nơi nào khác ngoài nơi đó. Nhưng vượt trên những nỗi lo lắng hoài nghi đó là lòng quyết tâm giữ vững tâm trí vào nhiệm vụ, quyết tâm giải phóng dân Afghanistan, những người thuộc loại nghèo nhất trên thế giới, những người mà chúng tôi được gởi đến để phục vụ. Lòng tin tưởng vào chính nghĩa của cuộc chiến khiến cho chúng tôi có thể vượt qua những nỗi lo lắng sợ hãi nhất, có thể nhìn thẳng mặt tử thần, để bảo đảm là sự dữ không có được tiếng nói sau cùng. Tính cho đến lúc này, những giây phút tệ hại nhất trong đời tôi là những lúc tan trận quay về căn cứ mà bị mất bất cứ binh sĩ nào. Tôi có thể buồn không nguôi một thời gian thật lâu, và chỉ được an ủi với ý nghĩ rằng những binh sĩ đó, cũng như tôi, đã hết lòng với sứ mạng của mình, và với lòng tin tưởng rằng cái chết của họ không phải là vô ích, mà là để góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.” Trong bối cảnh này, chén đắng đau khổ của Đức Giê-su không phải là do Thiên Chúa áp đặt từ ngoại tại, nhưng là hệ quả của việc giải phóng chúng ta khỏi sự độc tài, mang lại cho chúng ta cuộc sống viên mãn ở đời này và đời sau, và bảo đảm là sự dữ đã không bao giờ, và sẽ không bao giờ, có tiếng nói sau cùng.
Và hãy nghĩ xem chúng ta đã làm gì với thập giá của Đức Ki-tô. Ngày nay có nhiều người đeo những cây thập giá nho nhỏ làm bằng vàng, bạc, hay bạch kim trên người. Những cây thập giá đó lúc lắc lủng lẳng trên cổ ta hay đu đưa tòn ten dưới tai ta. Tôi thầm nghĩ, nếu như dân La-mã ngày xưa mà có chiếc ghế điện thay vì thập giá, thì ngày nay chúng ta có đeo lủng lẳng tòn ten những chiếc ghế điện nho nhỏ bằng vàng, bạc, hay bạch kim ở cổ, hay ở tai ta hay không. Hơn nữa, thay vì bắt đầu những buổi cầu nguyện của chúng ta bằng cách làm dấu thánh giá, chúng ta có thể giả như đang nắm lấy ai đó đang ngồi trên ghế điện và bắt đầu buổi cầu nguyện bằng tiếng “Szszszsz”. Cái hình ảnh hiện đại đầy khiêu khích này gợi cho chúng ta nhớ đến điều mà thánh Phao-lô gọi là xấu xa hay “điên rồ” của thập giá (1 Cr 1:18-26). Thập giá của Đức Ki-tô không phải là một món đồ trang sức thời thượng, cho dù Madona hay Eminem có đeo tới bao nhiêu cái đi chăng nữa. Việc chiêm ngắm thập giá vẫn phải nên làm chúng ta hụt một nhịp thở, không những chỉ vì thập giá chứng tỏ cho ta thấy Đức Giê-su sẵn sàng đi xa đến mức nào trong việc thiết lập triều đại công chính và yêu thương của Người trong thế giới này, mà còn vì thập giá biểu lộ cái giá mà tất cả chúng ta phải trả khi bước theo Đường của Người, khi nói lên Sự Thật của Người, và khi sống Sự Sống của Người. Ngày nay điều này vẫn là một điều cấp tiến và đáng sợ không khác chi việc nó đã từng là điều cấp tiến và đáng sợ vào thế kỷ thứ nhất. Đối với những ai trong chúng ta đang vác thập giá, và đối với tất cả những người đang vác thập giá, chúng ta muốn đáp lại câu hỏi của Đức Ki-tô, “Con sẽ bằng lòng chịu đựng đến mức nào vì tình yêu khi vác thập giá theo Thầy?” bằng chính câu trả lời mà Người đã đáp lời Đức Chúa Cha, và đáp lời chúng ta, rằng: “Con sẽ chịu đựng đến cùng. Con sẽ chu toàn mọi sự, bất kể phải trả giá ra sao.”
Có đôi lúc khi chúng ta đặt câu hỏi “Thiên Chúa đang ở cái xó nào?” thì một số Ki-tô hữu sẽ tránh né việc trả lời câu hỏi đó và chỉ đơn giản là bảo chúng ta “thôi cứ phó dâng lên cho Chúa đi”. Khi nói như vậy họ có ý bảo rằng: “Thôi, Thiên Chúa đã muốn Đức Giê-su phải chịu một cái chết dày vò đau đớn như thế, vậy thì anh chị cũng phải thấy trong sự đau khổ mà Thiên Chúa đã trao cho anh chị cùng một chén đắng mà Thiên Chúa đã trao cho Đức Giê-su.” Những tư tưởng này đã thịnh hành không bao lâu về trước, rằng chúng ta phải “dâng lên” những nỗi đau khổ của chúng ta để cứu các linh hồn trong luyện ngục, hay cứu linh hồn những người đã sống cuộc đời mà chúng ta cho rằng đã xúc phạm tới Thiên Chúa. Sự băn khoăn của tôi không phải là về việc Đức Giê-su đã chịu đau khổ và chúng ta cũng vậy, nhưng khi tìm hiểu về ơn cứu độ thì hình ảnh của Thiên Chúa mà ta tìm thấy là thứ hình ảnh gì nếu được diễn tả bằng một loại khế ước thương mại trong việc giao nộp một món tiền chuộc mạng, hay một Thiên Chúa đầy thịnh nộ chỉ biết nguôi giận qua cách chúng ta “dâng lên” những khổ ải, bệnh tật, đau đớn của chúng ta, những điều mà chính Thiên Chúa đã giáng xuống.
Một phương cách truyền thống khác để tìm hiểu sự đau khổ của chúng ta là nói rằng trong việc “dâng lên” những điều đau khổ, chúng ta tự nguyện liên kết đau khổ của chúng ta với đau khổ của Đức Giê-su, để từ đó mà sự đau khổ trở nên có đôi chút ý nghĩa nào đó. Nếu như suy nghĩ của tôi về nguyên nhân Đức Giê-su bị đau khổ là đúng, thì chúng ta có thể dùng phương cách truyền thống đó nhưng với một sự khác biệt quan trọng. Thay cho lòng tin tưởng được ám chỉ trong đó, rằng sự đau khổ là nhằm để xoa dịu một Thiên Chúa cứ luôn cần phải được xoa dịu, luôn cần phải được vuốt giận – một quan điểm rất khó chứng minh bởi vì hiến lễ của Đức Giê-su là chỉ một lần duy nhất mà thôi – tôi tìm thấy ý nghĩa trong sự đau khổ của tôi qua việc giữ vững niềm tin vào Con Đường, Sự Thật, Sự Sống của Đức Giê-su, khi mà tất cả mọi linh cảm trong tôi đều bảo tôi phải vứt đi niềm tin ấy mà bỏ chạy. Ở đây chúng ta tìm thấy Thiên Chúa trong vườn Ghết-sê-ma-ni của tôi, Thiên Chúa đó đang khiến cho tôi dám đối đầu với cái chết, sự hủy diệt, và tội lỗi một cách trực diện, và giờ đây tôi đã vững lòng tin, qua trải nghiệm của Đức Giê-su, là sự sống của Thiên Chúa sẽ có tiếng nói sau cùng.
Tôi thích lối sắp xếp sáng tạo và gợi suy nghĩ trong bài hát “How Great Thou Art – Kỳ Công Tay Người Vĩ Đại Dường Bao”. Tôi rất vui mừng cất cao tiếng hát về những đoạn chúng ta lang thang qua những cánh rừng rậm hay rừng thưa và ngợi khen “tất cả những kỳ công tay Người đã tạo nên”. Và trong phiên khúc cuối cùng, tôi hát lớn hơn hết thảy mọi người trong đoạn “Khi Đức Ki-tô đến trong những lời chúc tụng ngợi khen và dẫn đưa tôi về nhà, thì linh hồn tôi sẽ tràn ngập niềm vui sướng biết là bao.” Chỉ có phiên khúc thứ ba là trục trặc thôi. Bởi vì tôi xem trọng loại thần học bình dân, nên tôi không thể hát và sẽ không hát cái phiên khúc thứ ba đó, vì rằng tôi hy vọng là phiên khúc đó, và hình ảnh Thiên Chúa khát máu trong phiên khúc đó, không phải là sự thật. Quả thật, điều làm cho Thiên Chúa cao cả chính là điều Người không muốn dính dáng gì tới sự chết.
Bản Việt Ngữ: Cecilia nguyễn Thị Mỹ hạnh

chư dân
22-04-2011, 09:04 AM
Lm Richard Leonard sj: Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào?

Chương 6

“Chúng ta đã tạo ra thế giới như vậy.”
Thiên Chúa đã tạo dựng một thế giới dưới mức hoàn hảo, trong đó đau đớn, bệnh tật, khổ sở là những thực tế rõ ràng; nếu không thì, thế gian đã là thiên đàng. Một số những vấn đề này là do chúng ta tự tạo ra nhưng lại đổ lỗi cho Thiên Chúa.
Tựa đề của chương này là lấy từ vở ca nhạc kịch lừng danh của Robert Bolt được dựng theo cuốn phim The Mission. Mẩu đối thoại cuối cùng trong phim là của vị đặc sứ tòa thánh, Hồng Y Altamirano. Sau khi đã cho phép lực lượng xâm lăng Bồ-đào-nha và Tây-ban-nha được xâm chiếm các cơ sở dòng Tên trên các thác nước và bắt giữ nhiều người Guarani làm nô lệ, Hồng Y Altamirano giờ đây đã nhận ra tầm mức của sự hủy diệt gây ra từ hậu quả của cái quyết định mà ông đã tự do chọn lựa. Ông Hontar, đại sứ Bồ-đào-nha, an ủi hồng y Altamirano rằng: “Chúng ta phải xuôi chiều theo thế giới này, thưa Đức Hồng Y. Thế giới này là như vậy đó thôi.” Và Hồng Y Altamirano đáp rằng: “Không, thưa ông Hontar. Chúng ta đã tạo ra thế giới như vậy … chính tôi đã tạo ra thế giới như vậy.”
Ở phần trước quyển sách này có nhận xét là các triết gia và thần học gia thường hay phân chia những sự dữ khác nhau thành nhiều thể loại khác nhau: thể lý, luân lý, và siêu nhiên. Những sự phân chia này có tầm quan trọng đúng đắn trong giới học thuật, nhưng không có ý nghĩa chi mấy đối với những người bình dân ngoài đường phố. Sự dữ hiện hữu, và ít nhất thì Thiên Chúa đã cho phép nó hiện hữu. Từ xưa bao giờ cũng có những trùng lặp lẫn nhau giữa các thể loại này, nhưng chưa bao giờ trùng lặp nhiều như ngày nay. Với sự hỗ trợ của các ngành khoa học và truyền thông, chúng ta đang thấy được tầm mức của việc cuộc đời của chúng ta ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào, và ảnh hưởng đến thế giới được tạo dựng ra sao. Vẫn còn một số người, thường là người vô thần, cho là: “Tất cả quý vị đều tin vào một Thiên Chúa của tình yêu, vậy mà vẫn có những nạn đói kém và những cuộc chiến tranh. Tôi sẽ tin vào Thiên Chúa của quý vị khi nào những điều này chấm dứt.” Ở đoạn sau tôi sẽ trở lại với việc Thiên Chúa phải chịu phần nào trách nhiệm về một thế giới như thế này, nhưng trong đoạn này tôi muốn nói về sự trùng lặp giữa sự dữ luân lý và sự dữ thể lý. Nạn đói là một ví dụ rõ rệt nhất.
Cứ mỗi khi xảy ra một nạn đói kém trên thế giới, thì một số người sẽ nói rằng: “Làm sao mà Chúa lại có thể để cho việc đó xảy ra?” Đôi khi chính chúng ta cũng nghĩ giống như vậy. Các con số thống kê về nạn đói thì thật là kinh khủng. Chúng ta có đủ lương thực trên thế giới để nuôi sống một số lượng ước tính lên tới 6,7 tỷ người đang sống trên hành tinh này. Vậy thì việc sản xuất lương thực không phải là vấn đề. Vấn đề là nằm ở việc phân phối lương thực, công cụ sản xuất lương thực, và tình hình chính trị và xã hội ở những nơi mà đa số con người sinh sống. Tổ chức Liên Hiệp Quốc nói rằng có 5,5 tỷ người sống ở những nơi mà tổ chức Ngân Hàng Thế Giới xếp vào loại “các nước đang phát triển”, nghĩa là, vào khoảng 82 phần trăm của gia đình nhân loại. Ngân Hàng Thế Giới nói rằng có ít nhất 80 phần trăm tổng số nhân loại đang sống ở mức 10 Mỹ-kim một ngày hay ít hơn, và rằng tổ chức G-20, bao gồm hai mươi quốc gia giàu có nhất trên thế giới, chiếm hữu ba phần tư tổng số tài sản trên toàn thế giới.
Không thể nào mà có những con số đáng tin cậy tuyệt đối, nhưng trong một thế giới mà chúng ta có thể nuôi sống tất cả mọi người, tổ chức UNICEF ước lượng mỗi ngày có 16 ngàn trẻ em bị chết vì đói. Con số đó có nghĩa là cứ mỗi phút trong một ngày thì có 11 trẻ em chết đói. Và con số này chưa kể tới người lớn. Trong bối cảnh này, chúng ta có thể thấy sự dữ luân lý đã lấn ranh sang sự dữ thể lý ra sao, không chỉ theo nghĩa thời tiết mà thôi. Đa số các trận đói kém ngày nay không còn đơn thuần là do hạn hán hay lụt lội gây ra. Tổ chức Lương Thực và Nông Nghiệp Thế Giới nói rằng sự nghèo khó nói chung, sự thiếu dân chủ, các trận nội chiến, sự giao dịch bất công trong thị trường quốc tế đều là những yếu tố dẫn đến các nạn đói, không kém chi các yếu tố thời tiết, nếu không muốn nói là còn hơn các yếu tố thời tiết. Cho nên, khi người ta hỏi, “Tại sao Thiên Chúa lại để cho nạn đói xảy ra, tại sao Thiên Chúa lại để cho con người bị chết đói?” thì tôi tưởng tượng rằng Thiên Chúa đang lắc đầu mà trả lời đầy nước mắt là, “Tại sao các con lại để cho nạn đói xảy ra, tại sao các con lại để cho anh em đồng loại bị chết đói?” Trong đa số các quốc gia giàu có trên thế giới, các cuộc tranh cử đều nhằm vào việc cải thiện kinh tế, nhưng những người sở hữu ít nhất thì rất hiếm khi được nhắc tới. Trong số chúng ta có ai nhớ được một ứng cử viên nào mà được đắc cử hay không đắc cử do chính sách của người đó về việc phát triển thế giới thứ ba hay không? Lần cuối cùng mà chúng ta được nghe một bài diễn văn chính trị quan trọng hay một cuộc biện luận tranh cử về việc có bất cứ đảng phái chính trị nào sẽ làm điều gì cho 80 phần trăm dân số thế giới, những người tuy không có lá phiếu trong các cuộc bầu cử của chúng ta, nhưng sự sống chết của họ lại có thể phần nào tùy thuộc vào kết quả những cuộc bầu cử đó, là vào lúc nào? Có khi nào chúng ta đã đặt câu hỏi xem các vị dân biểu của mình có những chính sách gì nhằm giúp chấm dứt cảnh nghèo đói nói chung, chấm dứt sự thiếu dân chủ, chấm dứt nội chiến, chấm dứt sự giao dịch bất công trong thị trường quốc tế, cho tất cả con cái Thiên Chúa, hay chưa?
Ở điểm này Thiên Chúa đã bị biến thành cái bia đỡ đạn thật tiện lợi, nhưng rõ ràng là trái banh đang ở trong sân chúng ta. Trong một thế giới mà tất cả mọi người đều có thể được no đủ, thì tại sao lại có người bị chết đói? Chúng ta đã chọn cho thế giới trở nên như vậy. Quả thật, một số nhà kinh tế học làm việc trong lãnh vực này đã thất vọng mà đi đến mức nói rằng khối G-20 cần làm cho thế giới trở nên như vậy và đã tổ chức thị trường quốc tế theo chiều hướng đó. Bất kể những nguyên nhân chi tiết là gì, sự dữ ở đây là do con người tạo ra, và chúng ta sẽ phải trả lời trước mặt Thiên Chúa về điều đó. Và vì do sự tiếp cận dễ dàng với nhiều hình thức truyền thông khác nhau, chúng ta sẽ không thể nào mà thưa với Thiên Chúa rằng ta không biết gì về tầm mức của vấn đề hay không biết gì về sự đồng lõa của chúng ta trong đó. Sự không hiểu biết không thể làm lý do biện hộ cho chúng ta. Tương tự, điều đó cũng đúng với những ví dụ khác nữa: sự thoái hóa môi trường, sự căng thẳng của từng cá nhân và của cả xã hội, sự thiếu hành động để chấm dứt chiến tranh. Chúng ta chọn để cho thế giới trở nên như vậy, và rồi đổ lỗi cho Thiên Chúa về những hậu quả tiêu cực gây ra từ những quyết định của chính chúng ta.
Dĩ nhiên, trong truyền thống Ki-tô Giáo, chúng ta thường hay được nhắc nhở về bổn phận của mình đối với người nghèo, với anh chị em đồng loại, và bổn phận đóng góp cho các hội từ thiện. Tôi biết trong nhiều gia đình Công Giáo, các tổ chức Công Giáo, và ngay cả trong hàng giáo sĩ, việc đọc kinh tạ ơn trước bữa ăn đã đang dần dần không còn được thực hiện. Tôi nghĩ đó là một điều đáng tiếc. Tôi thường hay được mời đến các gia đình dùng cơm tối, và khi người đầu bếp mời những người lớn trong nhà ngồi vào bàn, thì đám trẻ trong nhà đã ngồi xuống và đã bắt đầu ăn uống trước khi người lớn kịp ngồi. Trước cảnh này, người mẹ hoặc người cha trong gia đình sẽ nói, “Các con đợi một chút, Cha sắp đọc kinh đó.” Đứa con 16 tuổi ngẩng lên và nói: “Sao mình lại phải đọc kinh? Nhà mình có bao giờ đọc kinh đâu. Tại sao mình lại bày đặt đọc kinh khi có mặt ông cha ở đây?” Tôi không bao giờ ngại ngùng chút nào rằng sự có mặt của tôi đã nhắc cho người khác nhớ cái việc mà tôi nghĩ là chúng ta phải nên làm trước mỗi bữa ăn: dâng lời cảm tạ vì những của ăn trên bàn và cầu xin rằng năng lượng từ của ăn đó sẽ giúp chúng ta có sức mạnh biến đổi thế giới thành một nơi công bình hơn cho tất cả mọi người ở tất cả mọi nơi. Đó là lời nhắc nhở mỗi ngày ba lần rằng chúng ta đang tạo dựng cái thế giới thực tại này đây.
Truyền thống thứ hai của chúng ta là đóng góp tiền của cho hội từ thiện, nhất là các hội từ thiện Công Giáo chuyên hoạt động để xóa bỏ gánh nặng nghèo đói qua những giá trị tương tự như những giá trị làm động lực trong đời sống chúng ta. Những hội từ thiện Công Giáo tốt nhất, chẳng hạn như hội Caritas, sử dụng số tiền quyên góp vào việc hành chánh ít nhất, và ủy thác cho các địa phương công việc chọn lựa những quyết định tốt nhất và minh bạch nhất về việc sử dụng tiền quyên góp vào việc gì, và bằng cách nào. Việc phát triển và thực thi đức bác ái Công Giáo không phải là những công việc phụ trội không bắt buộc trong đời chúng ta, theo kiểu thích thì làm không thích thì thôi. Đức bác ái này nhìn nhận là bổn phận quảng đại đóng góp của chúng ta phải gia tăng với những ơn phúc mà ta được lãnh nhận.
Mặc dù vậy, nhưng đó vẫn là sự thật rằng Thiên Chúa phải gánh phần nào trách nhiệm về cái thế giới mà ta đang sống. Thiên Chúa đã cho phép những sự dữ xảy ra. Như đã trình bày ở phần trước, tôi không quan tâm chi mấy đến những suy diễn về việc có phải đây là cái thế giới tốt đẹp nhất có thể được tạo dựng hay chăng. Đây là thế giới mà ta có, và tôi chấp nhận nó như một nơi chốn mà trong đó chúng ta sử dụng ý chí tự do của chúng ta để kiến tạo nó thành một thế giới tốt nhất mà ta có thể có. Bằng những sự lựa chọn của chúng ta, ta có thể biến nó thành tốt đẹp hơn, hay để mặc cho nó ngày càng suy đồi. Nhưng ở đây tôi muốn đưa ra một luận điểm. Một số người nói về thế giới với những lời lẽ khiến cho tôi phải kết luận là họ muốn thế giới này hoàn hảo. Ít nhất là trong thần học Công Giáo, thì thế giới hoàn hảo đó đã là thiên đàng,
Và rồi, trong cái thế giới dưới mức hoàn hảo này, chúng ta sử dụng ý chí tự do của mình mà, như ta đã biết qua những kinh nghiệm bản thân và xã hội, có thể là con dao hai lưỡi nơi những gì mà nó đem lại cho ta, cho những người khác, và cho toàn thể thế giới. Ý chí tự do là một ơn phúc trọng yếu đối với nhân loại bởi vì nếu như Thiên Chúa một bên ban cho ta ý chí tự do, và bên kia thì tạo ra một thế giới hoàn hảo để ta vận dụng ý chí tự do đó, thì có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ được thấy thành quả của những sự chọn lựa đúng đắn của mình, hay hậu quả của những chọn lựa sai lầm. Và điều này dẫn tôi đến quyền năng của Thiên Chúa, hay nói chính xác hơn, cách thức mà Thiên Chúa có thể sử dụng quyền năng đó trên thế giới.
Giờ đây chúng ta hãy xem xét những điều này: khoa thần học truyền thống cho rằng Thiên Chúa là duy nhất, không đổi dời, không do bất cứ một hữu thể nào khác tạo thành, có tính siêu việt, có quyền năng tuyệt đối, thông biết mọi sự, hiện diện ở khắp mọi nơi, thánh thiện và yêu thương hết thảy mọi loài mọi vật. Tôi công nhận tất cả những điều này, nhưng hai điều sau cùng thì tôi muốn sống chết gì cũng phải bảo vệ trong bất cứ cuộc tranh luận nào về sự dữ.
Nếu như Thiên Chúa bỏ đi ngủ một giấc hay làm một chuyến du lịch đi xa khỏi thế giới, như một số nhà thần học Do-thái cho là trường hợp đã xảy ra trong giai đoạn 1939 – 1945, thì chúng ta thật sẽ gặp rắc rối ghê gớm lắm. Điều này có nghĩa là thế giới sẽ sa vào tình trạng rơi tự do hết một lúc lâu, và điều đó cũng có thể giải thích việc tại sao mà vào ngày 23 tháng Mười năm 1998, Thiên Chúa đã ngủ gục trên tay lái bánh xe thế giới, trong khi chị tôi đang tỉnh táo trước tay lái chiếc xe của chị. Tôi không thể tưởng tượng được là điều đó lại là sự thật. Nếu vậy thì Thiên Chúa có vẻ lười biếng hay lơ là quá đi mất. Tôi cần phải bám víu vào sự thật là Thiên Chúa luôn luôn hiện diện với chúng ta như một người đồng hành trong những thăng trầm của cuộc sống và cái chết. Đây chính là tín lý Công Giáo về việc đầu thai làm người. Thiên Chúa muốn gần gũi chăm lo cho chúng ta đến nỗi, và cũng để cho chúng ta được yêu thương và được gìn giữ khỏi sự dữ và khỏi chính chúng ta, Người đã trở nên một với chúng ta trong thân xác phàm nhân. Trên thế giới chỉ có Ki-tô Giáo là tôn giáo duy nhất đã khẳng định sự thật phi thường này.
Yếu tố thứ hai trong bản chất của Thiên Chúa mà tôi nghĩ là chúng ta cần phải nhấn mạnh trong cuộc thảo luận này là sự thánh thiện và tình thương yêu của Thiên Chúa. Chúng ta đã thử tìm hiểu điều này trong chương một, nhưng Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô không có một bộ mặt xấu xa, thù hằn, đen tối. “Thiên Chúa là tình yêu”, thánh Gio-an bảo chúng ta như thế. Tình yêu định nghĩa bản chất của Thiên Chúa, tình yêu được diễn tả bằng một hình thức nhân thể nơi con người của Đức Giê-su, và tình yêu được sống động trong những hoạt động luôn tiếp diễn của Đức Chúa Thánh Thần, đấng là nguồn linh hứng cho những hoạt động, những cân nhắc lựa chọn, và những công trình của tình yêu nơi chúng ta.
Vì vậy, đấng Thiên Chúa duy nhất đó, đấng mà như chúng ta đã thấy trong phần trước, phải có tính không-đổi-dời – nếu không thì chúng ta sẽ không thể nào mà biết mình đang đứng ở đâu – phải không do bất cứ một hữu thể hay một quyền năng nào khác tạo nên, và phải có tính siêu việt. Điều này đưa chúng ta đến quyền năng và tri thức của Thiên Chúa. Tôi không có vấn đề gì khi nhìn nhận rằng Thiên Chúa, tự chính mình Người, là quyền năng tuyệt đối và thông biết mọi sự. Quả thật, tôi cần Thiên Chúa đích xác là như vậy. Chứ nếu mà có một Thiên Chúa có khuyết điểm trong những điều này thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Chứ nếu mà Thiên Chúa không phải là như vậy, thì tôi nghĩ là tôi sẽ muốn đánh đổi Thiên Chúa đó để lấy một kiểu mẫu Thiên Chúa khác, thuộc đời mới hơn và hoàn hảo hơn. Vấn đề không phải là ở khả năng thông biết mọi sự và quyền năng biến hóa của Thiên Chúa, mà là ở chỗ quyền năng và trí năng của Thiên Chúa được sử dụng ra sao đối với thế giới, đối với chúng ta, và trong việc này thì tôi thấy mình đi khác hướng với những lập luận truyền thống về tri thức của Thiên Chúa, hay việc Thiên Chúa toàn trí toàn thức và quyền phép vô biên.
Có hai cách mà tôi thấy giúp ích cho việc tìm hiểu Thiên Chúa có thể biết những gì và có thể làm những gì. Cách thứ nhất là chấp nhận rằng Thiên Chúa không biết những gì không-thể-biết, và không làm được những gì không-thể-làm. Nếu như có điều gì ngoài tầm hiểu biết hoặc ngoài tầm thực hiện, thì phải chăng điều đó đúng đối với Thiên Chúa cũng như đối với chúng ta? Trong những cuộc tranh luận phổ thông, người ta sẽ nhanh chóng đáp lại giả thuyết đó rằng: “Nhưng Thiên Chúa là Thiên Chúa. Người thông biết mọi sự và có thể làm bất cứ việc gì”. Nếu đó là sự thật, thì những gì không-thể-biết là có-thể-biết, ít nhất là đối với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã chọn không chia sẻ điều Người biết ngay cả với những người có vẻ là cần biết nhất; và những gì không-thể-làm là có-thể-làm, ít nhất là đối với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã quyết định không hành động gì cả, ngay cả khi sự thụ động của Người đem lại những hậu quả tai hại cho chính những người tin tưởng vào sự hiện diện và tình yêu của Người. Nếu không thì thay vào đó, có những điều mà Thiên Chúa không biết và không thể làm bởi vì Thiên Chúa đã muốn chọn như vậy. Tôi công nhận rằng đây là một điều đi xa khỏi tín điều truyền thống của Ki-tô Giáo về bản chất của Thiên Chúa. Nhưng tôi thấy có vẻ như cách diễn tả của thần học truyền thống đã phải đánh đổi đi mất một phần nào lòng quan tâm và tình yêu thương của Thiên Chúa, và có thể phần nào mất đi cả sự hiện diện của Thiên Chúa nữa, chỉ để có thể duy trì luận điểm về quyền năng vô biên và trí năng vô biên của Thiên Chúa – vậy tôi xin nêu lên một ví dụ của loài người để chứng minh tính khả dĩ trong lý luận của tôi.
Với nguy cơ nhân hóa Thiên Chúa, nghĩa là, cho rằng Thiên Chúa có hình thể và bản chất giống như loài người, ví dụ của tôi là về cha hay mẹ của một thiếu niên. Một người cha hay người mẹ yêu thương của một thiếu niên 17 tuổi rất có thể là muốn che chở đứa con trai hay con gái của mình khỏi những sự đau khổ buồn phiền có thể xảy đến trong đời bằng cách tìm biết hết tất cả mọi sự đang diễn ra trong cuộc đời đứa con của mình và bằng cách liên tục can thiệp ngay vào đời con mình mỗi khi thấp thoáng có dấu hiệu gì không ổn. Mặc dù là những bậc cha mẹ này có thể là có vẻ rất yêu thương con cái và luôn hiện diện trong đời con mình, nhưng thường thì, đứa con của họ sẽ thiếu chín chắn khi nó trải qua giai đoạn cuối của thời kỳ trưởng thành, thiếu sự chuẩn bị để làm người trưởng thành do những sự kềm chế chặt chẽ ngột ngạt dù là với thiện ý của cha mẹ. Sự trưởng thành của đứa con đó sẽ bị chặn đứng. Thực tế là, ít nhất trong xã hội Tây phương, trong mối quan hệ yêu thương giữa cha mẹ và con cái ở độ tuổi thiếu niên, sẽ có lúc tới một mốc điểm thời gian mà lúc đó cha mẹ phải để cho con cái tự quyết định chuyện của chúng, phải không biết hết thảy những gì đang diễn ra trong đời con mình, và phải ngưng can thiệp mỗi khi có dấu hiệu gì không ổn. Việc này có thể là khó khăn và thậm chí là rất đau lòng cho các bậc cha mẹ, nhưng quyết định giới hạn quyền năng và giới hạn những gì cha mẹ biết thì không phải là do ác ý, hay có nghĩa là cha mẹ không còn quan tâm tới con cái nữa, nhưng thật ra là hoàn toàn ngược lại – bởi vì cha mẹ quan tâm lo lắng cho con cái đến mức họ chấp nhận là những người trẻ tuổi cần biết rằng chúng được cha mẹ hỗ trợ và có cha mẹ đồng hành trên bước đường thám hiểm thế giới của riêng chúng.
Nếu điều này là đúng cho những người cha người mẹ yêu thương con cái bậc nhất trên trần gian này, thì tại sao nó lại không thể đúng cho mối quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa? Từ xa xưa thần học đã chấp nhận rằng Thiên Chúa xem chúng ta là những người trưởng thành, rằng chúng ta không phải là những con búp bê, là những món đồ chơi của Thiên Chúa. Vì vậy, khi đối xử với chúng ta, và khi nâng đỡ chúng ta đạt đến khả năng tột đỉnh của ta, Thiên Chúa có thể thông biết mọi sự, nhưng lại chọn không biết, và có thể luôn can thiệp vào mọi sự, nhưng lại chọn không can thiệp. Những giới hạn về tri thức và quyền năng do chính Thiên Chúa tự áp đặt này, không phải là do ác ý, nhưng là do tình yêu dành cho chúng ta và do mong ước của Thiên Chúa muốn thấy chúng ta được trưởng thành.
Nếu như điều này là đúng trong thế giới siêu nhiên, vậy nó có thể được áp dụng vào mối quan hệ với Thiên Chúa trong thế giới vật chất hay không?
Khoảng một thời gian trước đây, Học Viện Khoa Học Giáo Hoàng ở Rô-ma đã mời nhà vật lý lý thuyết người Anh, giáo sư Stephen Hawking, đến diễn thuyết tại hội nghị thường niên của viện tại Vatican. Do lãnh vực chuyên môn của giáo sư Hawking là ngành vũ trụ học và trọng lực lượng tử, ông là người đã nghiền ngẫm nhiều hơn hầu hết mọi người về trật tự của vũ trụ. Theo chính ông thừa nhận, ông không phải là một tín đồ Ki-tô Giáo cổ điển. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng Reuters, giáo sư Hawking nói rằng ông “không phải là người theo tôn giáo trong ý nghĩa thông thường … Tôi tin là vũ trụ vận hành theo những định luật của khoa học. Những định luật này có thể là do Thiên Chúa an bài, nhưng Thiên Chúa không can thiệp vào để phá vỡ những luật đã định.” Khi văn bản của cuộc phỏng vấn này được phát hành vào khoảng thời gian giáo sư Hawking đến Vatican, một blogger đã diễn tả một quan điểm được phổ biến rộng rãi khi đáp lại quan điểm của giáo sư Hawking: “Nếu như Thiên Chúa có quyền năng để định ra những luật đó, thì chắc hẳn là Người cũng có quyền năng tương tự để phá bỏ chúng. Có nghĩa là, Thiên Chúa vượt lên trên những định luật đó.” Vâng, trong một ý nghĩa nào đó, tôi cho rằng bạn có thể lý luận là Thiên Chúa có thể làm như vậy, nhưng tại sao Thiên Chúa lại an bài những định luật vật lý làm chi để rồi cứ luôn phá bỏ những định luật đó? Điều đó có thể có nghĩa là Thiên Chúa cứ bạ đâu thì chế ra luật đó, tới đâu hay tới đó, nhưng điều đó chẳng gieo vào lòng chúng ta chút tin tưởng gì vào Thiên Chúa. Chúng ta bị biến thành một trò thí nghiệm tới thí nghiệm lui. Thần học truyền thống tin rằng Thiên Chúa có thể làm bất cứ điều gì không đi ngược lại với bản chất của Người – chẳng hạn như phạm tội, và không có tính mâu thuẫn – chẳng hạn như tạo ra một tảng đá mà Thiên Chúa không nâng lên nổi. Song song với việc này là, nếu như Thiên Chúa có thể định ra luật và rồi có thể phá luật, vậy thì, trong một khía cạnh nào đó, tôi ước chi Thiên Chúa đã phá bỏ thật nhiều luật, đã nhúng tay can thiệp để cho hết thảy những người vô tội không còn phải chịu đau khổ từ những sự dữ thể lý. Người blogger đó đã nhanh nhảu bênh vực cho quyền năng của Thiên Chúa nhưng lại làm giảm nhẹ tình yêu và bản chất bất biến của Thiên Chúa.
Bất kể Thiên Chúa có thể làm điều gì, quan điểm của giáo sư Hawking là một quan điểm hợp lý căn cứ theo những cấu trúc vật lý có thể phỏng đoán được của vũ trụ mà chúng ta đã có khả năng khám phá được từ trước đến nay. Tuy nhiên, để làm cho vị blogger trên đây được vui lòng, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa có thể phá luật, nhưng Người đã chọn không làm như vậy. Sự tự chế này, dĩ nhiên, lại là một rẽ hướng khác đi xa khỏi thần học truyền thống nhưng không nhất thiết phải là một dấu chỉ của sự yếu đuối của Thiên Chúa, mà là một biểu lộ của một sức mạnh kinh ngạc. Thiên Chúa không cần phải khoe khoang. Người không cần sự chấp thuận của chúng ta. Và dường như là quyền năng của Thiên Chúa vĩ đại đến mức – và cũng có thể tình liên đới của Thiên Chúa với chúng ta bền chặt đến mức – Người đồng hành với chúng ta trong chặng đường hữu hạn này với một tình yêu chín chắn dành cho chúng ta, Người chọn không biết mọi sự và không can thiệp vào mọi sự.
Vậy còn những phép lạ thì sao?
Rằng những phép lạ thật sự có xảy ra là điều ngoài vòng tranh cãi, nhất là trong những lãnh vực bệnh tật được chữa lành về mặt thể lý, tâm lý, và tâm linh. Trong tín lý Ki-tô Giáo, người tín hữu được đòi buộc phải tin rằng phép lạ thật sự có xảy ra, và rằng tác giả của phép lạ là Thiên Chúa. Cũng giống như nhiều Ki-tô hữu đang cùng bước trên đường lữ hành mà tôi được quen biết, tôi cũng có cùng niềm tin và cùng niềm quan tâm đúng mức vào các phép lạ giống như họ. Tuy nhiên, tôi không tin rằng phép lạ xảy đến từ ngoại tại. Tôi tin rằng Thiên Chúa biến hóa phép lạ từ nội tại con người. Tôi không có một ý niệm nào về việc Thiên Chúa “xẹt” người ta bằng một quyền năng lạ lùng huyền diệu. Một ý tưởng như vậy có thể giáng cấp Thiên Chúa xuống ngang hàng với một ảo thuật gia đang thu phục lòng ngưỡng mộ của một đám khán giả bị mê hoặc trong phù phép và chỉ mong chờ được xem thấy màn ảo thuật kỳ diệu kế tiếp. Một trong những điều trục trặc với khuôn mẫu này là, những người xứng đáng được ban phép lạ nhất mà tôi biết, chẳng hạn như chị tôi, thì lại dường như không bao giờ được gọi lên cái sân khấu linh thiêng kỳ diệu đó. Tôi còn bác bỏ “khuôn mẫu ảo thuật” này vì lý do tôi không thể tìm thấy khuôn mẫu đó nơi những hành động của Đức Giê-su. “Niềm tin vào các dấu lạ” trong Tin Mừng của thánh Gio-an được xem là loại đức tin yếu kém hơn hết. Nếu phép lạ chỉ đơn giản là một vấn đề về quyền năng của Thiên Chúa, vậy thì tại sao Đức Giê-su đã không thể thực hiện phép lạ bất cứ vào lúc nào và bất cứ ở nơi đâu? Các tác giả thánh kinh thường giải thích nguyên do là vì người ta “thiếu lòng tin” – thế nhưng chính sự thiếu lòng tin này mới khiến có các điều kiện tiên quyết khác để cho phép lạ xảy ra.
Ngành khoa họa nghiên cứu não bộ hiện đại chỉ mới bắt đầu có những am hiểu sơ khởi về những tính chất tổng quát của não bộ, và về tiềm năng hồi phục của nó sau khi bị tổn thương. Tôi nghĩ rằng phép lạ xảy ra khi một số các tiềm năng hồi phục này được não bộ tiết vào cơ thể. Đối với một số người, việc lãnh nhận phép xức dầu bệnh nhân và việc đặt tay lên người làm mở khóa cho những tiềm năng này. Đối với một số người khác, đó có thể là một cuộc hành hương đến một nơi thánh thiêng, một ý nguyện cá nhân hay một lời chuyển cầu, hay lòng sùng kính một vị thánh. Hoặc đối với một số người theo thế tục hơn mà tôi được biết họ đã từng trải qua một phép lạ, đó là một cuộc thay đổi hoàn toàn cách sống, cách ăn uống, và thực hành phương pháp thiền định. Điều này có thể phần nào giải thích tại sao Đức Giê-su có thể làm một số phép lạ này mà lại không thể làm những phép lạ khác, và tại sao, khi ở Bết-xai-đa, Đức Giê-su đã phải làm tới lần thứ hai mới chữa hẳn cho người đàn ông bị mù bẩm sinh. Thậm chí đối với một số người thì một cuộc gặp gỡ Đức Giê-su hay một cái chạm vào áo Người cũng không đủ để phép lạ xảy ra, trong khi đối với một số người khác thì chỉ cần có lòng ao ước từ chủ của họ hay bạn của họ là đã đủ hiệu quả cho họ thay đổi khỏe mạnh trở lại. Bởi vì Ki-tô hữu sẵn sàng chấp nhận rằng sự tiến hóa của não bộ con người là một trong những thành tựu lớn nhất của Thiên Chúa, cho nên Thiên Chúa, trong tất cả mọi khía cạnh, chính là tác giả của những phép lạ kỳ diệu. Vậy thì chỉ còn câu hỏi là phép lạ của Thiên Chúa từ đâu mà đến. Phép lạ không chỉ đến từ ngoại tại. Tác giả Brian Doyle, trong phần “Grace Notes – Luận Bàn Phép Lạ” trong quyển sách “Leaping: Revelations and Epiphanies” của ông, đã nắm bắt những ý tưởng tương tự: “Chúng ta cho rằng phép lạ xảy đến cứ như một chiếc xe cứu thương, một kiểu giao hàng vừa-kịp-lúc, một kỵ binh thần thánh vô hình đang phóng lên một ngọn đồi hiểm trở, một điệu nhạc jazz phóng ra từ cái loa lóng lánh của đấng tạo hóa, nhưng có thể là phép lạ đang sống trong người chúng ta và được khởi động bởi những căn bệnh thần kinh. Có thể là chúng ta có đầy phép lạ trong người. Có thể là chúng ta đầy ắp những phép lạ trong người.”
Phép lạ thật sự có xảy ra, nhưng tôi nghĩ các nhà viết cốt truyện cho cuốn phim Bruce Almighty đã được linh hứng khi họ đặt những lời sau đây vào miệng Thiên Chúa: “Làm rẽ nước trong chén súp của con không phải là phép lạ đâu, Bruce à, đó chỉ là một trò ảo thuật thôi. Một bà mẹ đơn chiếc đang phải đầu tắt mặt tối làm việc hai ca, mà vẫn kiếm ra thì giờ chở đứa con trai đi dợt banh, đó mới là một phép lạ. Một đứa trẻ mới lớn biết nói ‘không’ với ma túy và biết chọn con đường học vấn, đó mới là một phép lạ. Người ta cứ muốn Ta làm mọi sự cho họ. Điều mà họ không nhận ra là chính họ có cái năng lực đó. Con muốn thấy một phép lạ phải không, con trai của Ta? Vậy thì con hãy làm phép lạ đi.”
Trong vấn đề này, cũng như trong hầu hết mọi vấn đề khác, tất cả đều tùy thuộc vào cách chúng ta nhận ra các dấu chỉ. Lấy một ví dụ như trong câu chuyện dã tưởng rằng có một dạo kia, vào nhiều thế kỷ trước, khi vị giáo hoàng thời đó quyết định là tất cả mọi người Do-thái phải rời khỏi thành Rô-ma. Dĩ nhiên, cộng đồng Do-thái bùng lên chống đối. Thế là vị giáo hoàng đặt một điều kiện. Ngài sẽ có một cuộc tranh luận về tôn giáo với một thành viên trong cộng đồng người Do-thái. Nếu người đó thắng, thì người Do-thái được ở lại Rô-ma. Còn nếu giáo hoàng thắng, thì người Do-thái phải ra đi. Cộng đồng Do-thái thấy là họ không có con đường nào khác để chọn lựa. Nhưng vấn đề là không ai chịu đứng ra tranh luận với vị giáo hoàng kia. Người tình nguyện duy nhất là một người nghèo, chất phác, già nua tên là Moishe vẫn thường giữ việc mở cửa giảng đường vào mỗi tối thứ Sáu. Vì không quen nhiều lời, ông Moishe chỉ xin thêm một điều kiện trong cuộc tranh luận là không bên nào được phép mở miệng nói. Vị giáo hoàng bằng lòng.
Đến ngày diễn ra cuộc tranh luận, Moishe và vị giáo hoàng ngồi đối diện với nhau. Giáo hoàng giơ lên một cánh tay và đưa ra ba ngón tay. Ông Moishe nhìn giáo hoàng và đưa ra một ngón tay. Giáo hoàng quơ bàn tay thành một vòng quanh đầu mình. Moishe trỏ xuống mặt đất chỗ ông đang ngồi. Giáo hoàng lấy ra một miếng bánh mì và một ly rượu. Ông Moishe lấy ra một trái táo.
Giáo hoàng đứng dậy và nói: “Ta chịu thua. Người này giỏi quá. Dân Do-thái có thể ở lại Rô-ma.”
Sau đó, vị giáo hoàng giải thích chuyện gì đã diễn ra: “Ta giơ ba ngón tay tượng trưng cho Chúa Trời Ba Ngôi. Hắn đáp lại bằng một ngón tay để nhắc Ta rằng chúng ta đều tin tưởng vào cùng một Thiên Chúa. Rồi Ta quơ tay xung quanh đầu để nói rằng Thiên Chúa luôn ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Hắn đáp lại bằng cách trỏ xuống đất, ý nói Thiên Chúa đang hiện diện ở ngay đó. Ta đem ra một miếng bánh và một ly rượu để nói rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta phép Thánh Thể. Hắn đem ra một trái táo để nhắc ta về Tội Nguyên Tổ. Ta làm sao hắn cũng có cách đáp lại được. Vậy Ta còn đố gì được nữa?”
Trong khi đó, ông Moishe giải thích cho các học giả Do-thái làm thế nào mà ông đã thắng cuộc tranh luận không-thể-thắng đó. Ông nói: “Ờ, đầu tiên thì giáo hoàng nói dân Do-thái có ba ngày để cuốn gói ra khỏi thành Rô-ma. Tui nói ổng là không một người nào chịu đi đâu cả. Rồi ổng nói là thành Rô-ma sẽ sạch bóng dân Do-thái. Tui nói ổng là dân tụi mình vẫn cứ ở ngay đây.” “Rồi sau đó ông làm sao mà kết thúc cuộc tranh luận đó?”, các vị thầy giảng hỏi ông Moishe. Ông Moishe đáp: “Tui đâu có biết. Thiệt là kỳ lạ hết sức: ổng đem đồ ăn trưa của ổng ra, thì tui cũng đem đồ ăn trưa của tui ra!”
Vậy thì, điều hệ trọng là phải nhận ra các dấu chỉ thời đại trong cái thế giới kém hoàn hảo của chúng ta với một cách nhìn phân định đúng đắn xem trách nhiệm thuộc về ai. Có nhiều người phải chịu trách nhiệm lắm. Thiên Chúa chịu trách nhiệm về việc cho phép cái thế giới này được tiến hóa, mà trong sự tiến hóa đó những tác động của sự dữ luân lý và sự dữ thể lý có thể tạo ra những điều bất công phi lý. Nhưng Thiên Chúa không chịu trách nhiệm trong việc chúng ta đã gạt bỏ những quyết định khó khăn – những quyết định mà lẽ ra đã giúp biến đổi thế giới thành một nơi công bình hơn và hợp lý hơn cho tất cả mọi người. Chúng ta vẫn cứ mãi không chịu hành xử như trong một gia đình của Thiên Chúa. Trước sự bướng bỉnh ương ngạnh này, không có chi ngạc nhiên khi chúng ta đi tìm một đấng thần thánh để đem đổ gánh nặng tội lỗi về sự thiếu ý chí đấu tranh chính trị cũng như thiếu tình đoàn kết tương thân tương ái trong xã hội của chúng ta.
“Chúng ta đã tạo ra thế giới như vậy … chính tôi đã tạo ra thế giới như vậy.”

chư dân
22-04-2011, 09:06 AM
Lm Richard Leonard sj: Thiên Chúa Đang Ở Xó Nào?

Chương 7

Khi giờ của bạn đã điểm, thì giờ của bạn đã điểm, bạn không được thêm một giây nào
cả.

Thiên Chúa không giết bỏ chúng ta.

Chắc là trên trán tôi có khắc hàng chữ kẻ ngoại đạo hay sao mà hễ cứ mỗi lần tôi đi ra các trung tâm thương mại và đang mải miết với công việc của tôi thì y như rằng tôi lại bị níu kéo bởi những anh chị em Ki-tô hữu cực đoan của chúng ta. Thường thì hầu như mỗi bận như vậy, họ đều tiến lại gần tôi và hỏi rằng:

“Chào anh, anh có dâng cuộc đời anh cho Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ của anh chưa?”

“À, nói thật ra thì tôi đã dâng rồi.” “Anh có biết nói nhiều thứ tiếng hay không?” “Tôi biết, nhưng tôi không nói.”

“Anh có biết những đòi hỏi của việc sống theo gương Đức Giê-su hay không?”

“Nghe đây, anh bạn, tôi nghĩ là đức khó nghèo, đức khiết tịnh, và đức vâng lời vì Đức Giê-su suốt cả cuộc đời là một câu trả lời khá là đúng hướng cho anh đó.”

Mặc dù vậy, trong khi nói như trên, tôi nhớ về ngày tuyên khấn của tôi ở Dòng Tên khi một người bạn thân, trong lúc đang nhìn ngắm khung cảnh nơi sắp diễn ra lễ tuyên khấn – khu nhà dòng tráng lệ ở St. Ignatius College, Sydney – đã bảo tôi: “Nếu khó nghèo mà là như vầy, thì tao muốn thấy coi khiết tịnh ra sao.”

Trở lại khu thương mại nơi mà giờ đây tôi đang muốn bắt chuyện với mấy người kia.

“Anh có vui lòng cho tôi hỏi vài câu hay không?”

“Dĩ nhiên rồi.”

“Anh có tin là tất cả mọi chi tiết trong Sách Thánh đều hoàn toàn là sự thật từng li từng chữ theo nghĩa đen hay không?”

“Amen, tin chứ” là câu trả lời người ta thường nói mà không thèm suy nghĩ gì đến câu hỏi.

“Ờ, nếu vậy thì, may ra anh có thể giúp tôi. Thế giới được tạo dựng trong bảy ngày hay chỉ trong một ngày mà thôi – hai chương đầu trong Sáng Thế Ký có hai câu trả lời khác nhau. Sứ thần truyền tin đã đến gặp cô Ma-ri-a hay gặp ông Giu-se? Đức Giê-su đã lên Giê-ru-sa-lem một lần hay nhiều lần? Bài giảng trên núi là ở trên núi hay trên bình nguyên? Có bốn mối phúc thật hay tám mối? Có mười điều răn trong Kinh Lạy Cha, hay chỉ có năm mà thôi? Những lời cuối cùng của Đức Giê-su là gì – trong bốn bộ Tin Mừng có tới ba lời khác nhau? Vào buổi sáng Phục Sinh, Đức Giê-su hiện ra với ông Phê-rô trước, hay hiện ra với bà Ma-ri-a Mác-đa-la trước? Và việc thăng thiên và lễ Hiện Xuống xảy ra vào lúc nào – trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh hay bốn mươi ngày sau đó?”

Tới mức này thì thường là người trưởng nhóm đã tiến đến chúng tôi và đề nghị rằng, “thôi anh đi đi bởi vì mình không nên đặt câu hỏi về Lời Chúa, mình chỉ nên sống Lời Chúa thôi.” Và điều đó, gói gọn ghẽ trong một cái vỏ đậu, chính là một trong những vấn đề.

Trong vai trò tín hữu Công Giáo, tạ ơn Chúa, ít nhất là từ thập niên 60, chúng ta đã chính thức không còn đọc các văn bản thánh kinh theo nghĩa đen nữa. Chúng ta không phải là những người cực đoan tin theo từng chữ một trong Sách Thánh. Đó là, cho đến khi ta đọc những đoạn về việc Thiên Chúa biết “từng sợi tóc trên đầu chúng ta” và biết “cả cuộc đời ta từ trước khi lọt lòng mẹ” (Gr 1:5; Gl 1:15-16; Cn 16:33; và Mt 10:30). Và rồi chúng ta trở thành những kẻ cực đoan. Trong hình thức nguyên thủy của chúng, những đoạn này là những ví dụ lâm ly bi đát của thánh kinh về lòng quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa cho từng người một. Nhưng ngày nay thì ta không hiểu theo cách như vậy. Các đoạn này được dùng để giải thích ý tưởng là Thiên Chúa biết và định ra những năm, tháng, tuần, ngày, giờ, phút, giây của mỗi cuộc đời.

Mỗi khi đến viện dưỡng lão tôi thường hay được hỏi là “Thưa Cha, sao Chúa vẫn chưa chịu gọi Bà con về?” và tôi muốn trả lời là “vì Bà con vẫn chưa chịu tắt thở.” Nếu dùng các môn thể thao cricket hay baseball làm tỷ dụ, ta có thể nói là “Thôi, Bà con đã có những chặng đường dài tốt đẹp rồi.” Dùng câu này thì khá hợp tình hợp cảnh khi mà người mới qua đời là người đã cao tuổi. Nhưng cũng câu đó, thì hàm ý biết ơn lại hoàn toàn biến mất khi tôi đang an ủi những người cha mẹ vừa mất một đứa con ở bất kỳ độ tuổi nào, nhất là khi đứa bé chết non trong bụng mẹ, hay khi một đứa bé bị chết trong tuổi ấu nhi. Không một người cha người mẹ nào đáng bị trải qua thảm cảnh phải đem chôn đứa con của mình.

Những nỗi đau đớn hằn sâu rõ nét nhất mà tôi từng chứng kiến là khi một đứa trẻ bị mắc bệnh trầm trọng, hay lúc đứa trẻ vừa mới qua đời. Lúc đó cha mẹ đứa trẻ sẽ hỏi một cách đau khổ rằng, “Chúa đang ở cái xó nào?” Và những câu trả lời “Mọi sự đều là mầu nhiệm”, hay “Đường lối của ta không giống đường lối thế gian”, hay “Chắc là Chúa đang cần thêm một thiên thần trên thiên đàng đó thôi” thì không an ủi được gì cả. Tôi không tin là những câu đó đã từng an ủi được ai cả. Tôi có quen biết những bậc cha mẹ có trình độ học vấn cao, những người này đã ngưng sống đời sống đức tin của họ bởi vì không ai có thể giúp họ tìm ra một ý nghĩa hữu lý nào cho cuộc đời và cái chết của con cái họ, ngoài cách bảo họ rằng “Chúng ta sẽ hiểu lý do khi nào lên thiên đàng, khi đó Chúa sẽ lau khô hết những dòng lệ của chúng ta.” Mặc dù chúng ta tin điều đó là đúng, và tin là có một chiều kích huyền bí trong tất cả mọi sự đau khổ, nhưng cách nói cái chết là một mầu nhiệm thì không giải thoát chúng ta khỏi việc áp dụng trí thông minh và khả năng lý luận của mình để đồ đoán những câu trả lời rõ ràng hơn. Và mặc dù một số những phản ứng này có thể là không đưa đến hết tất cả những câu trả lời cho những câu hỏi của ta, nhưng các phản ứng đó vẫn có thể đem lại nhiều an ủi hơn là những sự rập khuôn tầm thường mà hiện tại vẫn hay được dùng làm lời an ủi trong Ki-tô Giáo.

Cũng xin thưa rằng, Thiên Chúa không cần phải có thiên thần trên thiên đàng. Trong khoa thần học chúng ta tin rằng Thiên Chúa là độc lập. Thiên Chúa không cần bất cứ điều chi cả, và vì thế Người không có nhu cầu lấy mạng các trẻ thơ con cái của chúng ta, dù chúng có xinh đẹp ngây thơ như thiên thần hay không. Điều lý thú về Ki-tô Giáo là chúng ta tin rằng Thiên Chúa muốn có chúng ta. Đó là lý do tại sao nhân loại được tạo ra. Tôi giả thiết là, cũng có thể lý luận là Thiên Chúa muốn có một số hữu thể nhân loại nào đó tới mức Thiên Chúa đem họ trở về trời nhanh hơn, sớm hơn, so với tiêu chuẩn của chúng ta. Nhiều Ki-tô hữu thuần thành tin vào điều này, nhưng đây là một câu rất khó mà đem ra nói trước cảnh cha mẹ bị mất con. Cái đấng Thiên Chúa độc tài đó đã trở lại, những gì mà đấng Thiên Chúa đó ước muốn có thể tàn phá cuộc đời chúng ta. Tôi không có vấn đề gì với kiểu nói “chuyến hành trình” rất thường được dùng trong ngôn ngữ tang chế của chúng ta ngày nay, nhưng tôi tránh thật xa những cách nói như “Chúa cất về” hay “Chúa gọi về” mỗi khi có người qua đời. Tôi nghĩ nói như vậy thì không giúp ích được gì vì những cách nói đó có thể làm hạ giá tình yêu và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Tại sao Chúa lại muốn “gọi” một em bé hai tuổi về thiên đàng hơn là muốn “để lại” đứa bé trong vòng tay yêu thương của cha mẹ? Và nếu như Thiên Chúa cứ muốn “gọi”, muốn lấy đi những đứa con cái mà ta yêu thương bằng cách làm cho chúng bị chết, vậy thì tại sao Thiên Chúa không gọi luôn những đứa trẻ mà từ lúc còn rất nhỏ tuổi đã bị hành hạ về mặt thể xác hoặc bị xâm phạm tình dục do chính cha mẹ và gia đình tội lỗi của chúng, hay gọi luôn những em bé mồ côi đứng bám vào thành nôi với hai cánh tay giang rộng mà không có ai đến ôm ấp vỗ về hoặc nhận các em làm con nuôi?

Tương phản với điều này, tôi nghĩ là thật vô cùng thích đáng để tin rằng cuộc đời – từ lúc trong lòng mẹ cho đến lúc vào viện dưỡng lão – không phải là một gang tấc thời gian đã được Thiên Chúa định đoạt sẵn từ trước, mà là cơ thể chúng ta sẽ sống cho tới khi nó không còn có thể hoạt động được nữa, vì bất cứ lý do tự nhiên gì hay tai nạn gì. Thiên Chúa không phải là một yếu tố chủ động trong tiến trình này, nhưng, một lần nữa, chịu trách nhiệm trong việc tạo ra loài người chúng ta không có tính trường sinh bất tử. Trong thần học cổ điển, nếu không tin như vậy thì chỉ còn có cách cho rằng chúng ta đã được tạo dựng là một bản thể tâm linh không có thể xác, hay là một thiên thần. Nhưng mà nếu vậy thì tôi sẽ không còn là tôi nữa.

Do đó, khi thể xác chúng ta chết, linh hồn hay tâm linh của chúng ta sẽ bắt đầu chuyến hành trình cuối cùng về nhà Cha. Chúng ta rất nên ngưng lại một chút ở đây để ngẫm nghĩ xem thành phần nào trong bản thể của chúng ta sẽ thực hiện chuyến hành trình này, phần nào sẽ còn tồn tại sau khi ta chết. Rõ ràng là, nếu chúng ta không thể biết rõ là Thiên Chúa có thể đặt vào đâu trong cái thế giới nhiều khi rất ác độc này, thì bản chất của linh hồn cũng là đối tượng của sự suy diễn.

Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là, trong khi cái khái niệm thiêng liêng về một linh hồn và việc sử dụng khái niệm đó trong ngôn ngữ tôn giáo đã dần dần suy giảm, nhưng thuật ngữ linh hồn vẫn luôn được nhắc tới trong các cuộc đối thoại thông thường. Nhiều người không-tôn-giáo vẫn hay sử dụng cái thuật ngữ nặng tính tôn giáo bậc nhất đó để nói về một người khác. Chúng ta thường được nghe là có những người cô đơn ra sao, buồn khổ ra sao, hay lạc mất hồn phách ra sao. Hay cũng có thể nói rằng ai đó có một “tâm hồn cao đẹp”, hay một khúc nhạc nào đó, một bức tranh nào đó, hay một tác phẩm nghệ thuật nào đó đã “khuấy động hồn tôi”. Chúng ta diễn tả loại nhạc jazz trầm buồn là “chạm thấu tâm hồn”, và khi có ai gặp nạn cần cấp cứu thì chúng ta vẫn kêu cứu bằng tín hiệu SOS – “save our souls – xin cứu linh hồn chúng tôi”. Những cách sử dụng thuật ngữ này đã khẳng định giáo huấn của thánh Thomas Aquinas là linh hồn làm nên bản tính loài người của chúng ta và phân biệt chúng ta với những loài động vật khác. Hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều tin vào linh hồn hay một khái niệm tương tự – một điều gì đó tồn tại chứ không bị tiêu tan như thân xác khi chết.

Tôi đã đạt tới một quan niệm là, bất kể những tính chất gì khác mà linh hồn có thể có, ký ức là một thành phần chặt chẽ của linh hồn. Ký ức của chúng ta tồn tại sau khi chết.

Tôi đã từng làm nhiều lễ an táng cho những người mắc bệnh Alzheimer (một loại bệnh mất trí nhớ của người cao niên). Đó là những đám tang rất buồn bã vì gia đình người chết hầu như đều nói rằng họ đã “mất” người thân yêu từ nhiều tháng hay nhiều năm trước chứ không phải đợi đến lúc đó. Tại sao? Bởi vì người thân yêu của họ đã dần dần, dần dần không thể nhớ được ai hay không thể nhớ điều chi cả. Chúng ta tin vào việc chăm sóc cho thân xác con người từ lúc còn trong lòng mẹ cho đến lúc xuống đáy mồ bởi vì chúng ta tin rằng phẩm giá con người phải luôn luôn được tôn trọng. Ngày nay có những giả thuyết cho rằng thậm chí những ký ức về hoàn cảnh khi ta được thụ thai hay những ký ức lúc ta chào đời cũng có thể có ảnh hưởng đến cách sống của chúng ta sau này. Cũng rõ ràng là ngay cả khi người ta trông dường như là bị mất trí nhớ, hay đang bị hôn mê bất tỉnh, người ta vẫn có thể nhận biết được một số sự việc trong tiềm thức sâu thẳm của họ. Chẳng hạn như, tôi vô cùng ngạc nhiên khi những người mắc bệnh Alzheimer không thể nhớ ra họ là ai hay họ đang ở đâu, nhưng vẫn có khả năng kiến tạo những câu nói hoàn toàn đúng văn phạm bằng tiếng mẹ đẻ của họ, và có khi bằng cả những ngôn ngữ khác mà họ đã học được trong đời. Ngôn ngữ là một sự vận dụng trí nhớ sâu sắc, ngay cả khi ý nghĩa của những câu nói đó có thể rất là khó hiểu.

Ký ức, như một trong những yếu tố cấu tạo thành linh hồn tôi, có nghĩa là đến khi tôi gặp Thiên Chúa diện đối diện, tôi sẽ nhớ ra tôi là ai và tôi đã sống như thế nào, và Thiên Chúa sẽ nhận ra tôi. Đó là cũng là một niềm an ủi cho chúng ta khi nghĩ rằng chúng ta có thể sẽ lại được đoàn tụ với những người lìa đời trước chúng ta mà ta đã từng yêu thương ở trần gian, bởi vì chúng ta sẽ nhớ ra và sẽ nhận ra nhau.

Còn về việc thế giới ở đời sau sẽ như thế nào, nếu như tôi đã can đảm đến mức dám suy luận về việc giữ vững đức tin khi đối diện với đau khổ, và về bản chất của một linh hồn, thì tôi cũng sẽ đánh liều mà suy luận luôn về ba điều của ngày sau cuối.

Cách nay không lâu, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã gây ngạc nhiên cho một số người khi đưa ra ý kiến là thiên đàng, địa ngục, và luyện ngục có thể không phải là những nơi chốn mà ta trải qua thời gian, nhưng có thể là những cuộc trải nghiệm mà ta trải qua hay vượt qua. Tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng nói đúng, không những chỉ vì thời gian và không gian là các yếu tố của thế giới kém hoàn hảo này, chứ không phải của thế giới ở đời sau, mà còn vì điều này mở ra những ý tưởng thú vị về việc những cuộc trải nghiệm đó là như thế nào, và truyền thống Công Giáo thật phong phú ra sao trong vấn đề này.

Khi tôi nghĩ về cuộc sống đời sau có thể sẽ như thế nào, tôi liên tưởng đến dụ ngôn tuyệt vời về lòng nhân hậu của Thiên Chúa trong Luca 15:11-24, dụ ngôn Người Con Hoang Đàng. Đó là một đứa con trai người Do-thái đã phạm hai trong số những tội nặng nhất mà nó có thể phạm: nó phung phá tan hoang phần gia tài được thừa hưởng từ tổ tiên, rồi lâm vào cảnh túng thiếu khốn cùng đến nỗi muốn ăn cả những thứ heo ăn. Rồi nó quyết định trở về nhà mà tạ lỗi với cha mình. Tôi nghĩ rằng chuyến trở về nhà đó cũng giống như cái chết của tất cả chúng ta – chuyến hành trình cuối cùng. Hình ảnh này được gợi lên thật rõ nét trong nghi thức rước Mình Thánh Chúa lần sau hết dành cho những người đang hấp hối, được gọi là Viaticum, mà theo nghĩa đen chính là của ăn đàng – lương thực cho cuộc hành trình.

Trở lại câu chuyện dụ ngôn, người cha ra ngõ trông ngóng suốt cả ngày, và mỗi ngày đều như vậy, để mong thấy bất cứ dấu hiệu gì là đứa con đã trở về. Tôi nghĩ điểm rất đáng lưu ý ở đây là người cha đã không đi tìm con và đã không nắm đầu nó mà lôi về nhà. Đứa con phải tự mình bước trên con đường trở về nhà, cũng tương tự như những gì sẽ diễn ra khi chúng ta qua đời. Chúng ta bắt đầu chuyến hành trình cuối cùng về nhà. Và khi người cha vô cùng nhân hậu này thấy đứa con của mình, ông vội vã chạy đến, ôm hôn nó, và ra lệnh dọn tiệc mừng nó trở về, mà tất cả những việc này diễn ra ngay cả trước khi đứa con kịp nói xong câu tạ tội mà nó đã nhẩm đi nhẩm lại trong đầu. Đó chắc chắn phải là thiên đàng. Đối với một số người đã cố gắng hết sức mình, mặc dù có khi thất bại, nhưng ít nhất chúng ta cũng biết giữ những điều đúng đắn căn bản, thì Thiên Chúa – đấng biết rõ tim ta và đã đồng hành với ta khi ta đang lê bước dưới những gánh nặng khó khăn trong cuộc đời – thậm chí cũng không cần tới một lời tạ tội. Chúng ta được chào đón về lại nhà.

Tuy nhiên, đối với một số người khác, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa có thể sẽ rất đau đớn cho chính người đó bởi vì, như tôi đã trình bày trong quyển sách này, Thiên Chúa rất xem trọng những chọn lựa tự do của chúng ta. Vì vậy khi Người Cha Nhân Hậu thấy bóng dáng một số người trong chúng ta, Người sẽ vội vã chạy đến để gặp chúng ta, nhưng khi chúng ta được đối diện với ngay chính tình yêu, thì chúng ta sẽ nhớ lại những lần mà chúng ta đã tự do và cố tình có những hành động hủy diệt đối với chính bản thân mình, với người khác, hay với thế giới. Vào thời khắc đó, chúng ta sẽ được cho phép để nói cho xong câu tạ tội đã được nhẩm đi nhẩm lại, mà cầu xin, và quả thật trong một vài trường hợp, mà khẩn khoản nài van sự tha thứ. Chúng ta sẽ phải trả giá thật đắt cho những gì mình đã phạm, bởi vì đó sẽ là lúc thật quyết liệt, và vì Thiên Chúa cũng phải trả giá khi tha thứ cho chúng ta. Nhưng bởi vì Đức Chúa Cha là đấng đầy lòng nhân hậu và đầy lòng xót thương, nên chúng ta sẽ được tẩy rửa, hay thanh luyện, trong tình yêu. Những điểm tương đồng với cách lập luận này cũng được thấy trong lời Đức Giáo Hoàng Benedict: “Ngày nay chúng ta cứ quen với lối suy nghĩ là: Tội lỗi là cái gì chứ? Thiên Chúa vô cùng cao cả, Người thấu hiểu chúng ta, cho nên tội lỗi không là gì đáng kể cả, cuối cùng thì Thiên Chúa cũng sẽ tha thứ cho hết tất cả mọi người ... Đó là một niềm hy vọng tốt đẹp. Nhưng cũng có công lý, và cũng có sự kết tội. Những ai đã từng gây tổn hại cho người khác hay cho quả đất thì không thể được lập tức ngồi ngay vào bàn tiệc của Thiên Chúa chung với những nạn nhân của họ.”

Sau hết, tôi nghĩ có thể một số người trong chúng ta trong chuyến hành trình về lại nhà, Đức Chúa Cha sẽ vội vã chạy đến gặp chúng ta, nhưng khi chúng ta đối diện với ngay chính tình yêu, ta sẽ lặp lại điều mà ta đã tự do và cố ý chọn lựa để làm trong suốt cả đời ta – ta sẽ từ chối tình yêu của Thiên Chúa và sẽ ngoảnh mặt bỏ đi – đó là tội trọng nhất trong tất cả mọi tội lỗi, tội mà rõ ràng là phản ánh cách ta đã sống cuộc đời trần gian của mình. Đó chắc chắn phải là địa ngục – vực thẳm – khi đã thấy dung nhan Thiên Chúa, của chính tình yêu, mà lại ngoảnh mặt bỏ đi bởi vì chúng ta đã bao giờ cũng ngoảnh mặt bỏ đi. Và Đức Chúa Cha sẽ đau lòng mà chấp nhận sự lựa chọn của chúng ta, ngay cả khi điều lựa chọn đó là từ chối tình yêu của Người. Như Đức Giáo Hoàng nói: “... cuộc phán xét sau cùng của Thiên Chúa chính là điều sẽ bảo đảm công lý. ... Chúng ta phải đặc biệt nhấn mạnh rằng tội lỗi có khả năng hủy diệt chính người phạm tội, và vì thế cũng hủy diệt những phần khác trong thế giới.” Nhưng cũng như đức giáo hoàng, tôi không cho rằng có đông người trong nhóm cuối cùng này. “Có thể là không có quá nhiều người đã hoàn toàn tự hủy diệt mình như vậy, những người vĩnh viễn không thể hoán cải, không còn bất cứ chút yếu tố nào để tình yêu của Thiên Chúa có thể ngự vào, không còn có một chút khả năng nào để yêu thương. Đó sẽ là địa ngục.”

Đây là lý do tại sao tôi không tin là Thiên Chúa giết bỏ chúng ta, mà tin là dù cho sự chết có đau lòng cách mấy, chúng ta biết rằng ta sẽ gặp lại anh chị em của mình, và tin là theo niềm hy vọng Ki-tô Giáo thì cuộc chia ly của chúng ta không nhất thiết phải là một sự “vĩnh biệt”, mà là một sự “hẹn gặp lại ngày sau”.

Lm Richard Leonard sj
Bản tiếng Việt: Cecilia Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

hết
giadinhanphong.blogshot.com