PDA

View Full Version : Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Ông thủ tướng nghe cô gái nhỏ



littlewave
09-07-2008, 10:25 PM
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Ông thủ tướng nghe cô gái nhỏ

1. Hãy đến nguồn nước

Bài thánh ca “Hãy đến nguồn nước” (Come to the water) quen thuộc đã được tỉnh dòng Phanxicô Úc châu chọn làm khẩu hiệu cho cuộc tập họp giới trẻ của Dòng khắp năm châu tại bãi biển Bondi vào ngày 16 tới.

Hai ký giả Cartherine Smibert và Anthony Barich của Zenit.org ngày 7 tháng Bẩy tường thuật rằng linh mục nhạc rap của Phong Trào Franciscan Friar of the Renewal là cha Stan Fortuna, cùng nhiều nhạc sĩ khác, sẽ có mặt. Đức hồng y Wilfred Napier của Durban, Nam Phi, một tu sĩ Dòng, sẽ nói chuyện về sức mạnh của phép rửa trong việc hiệp nhất Kitô hữu. The God Squad, một câu lạc bộ xe gắn máy liên giáo phái, cũng sẽ có mặt trong biến cố trên. Cả chủ tịch tại tiểu bang New South Wales của Phong Trào là Dave Hansen cũng sẽ trình bầy chứng tá của anh về việc anh đã trở lại đạo Công Giáo ra sao sau khi gặp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lúc Ngài tới thăm Úc năm 1986

Cha phó giám tỉnh Dòng là linh mục Paul Smith hy vọng biến cố này sẽ cổ vũ cho sự hiệp nhất Kitô giáo và tăng cường đức tin giới trẻ bằng cách đến với nhau nhân danh công lý và hòa bình, trong khi chào đón các cộng đồng Do thái giáo và Hồi giáo địa phương. Cha cho hay: “Chúng tôi hy vọng giới trẻ cảm nghiệm được những dị biệt trong nền văn hóa Phanxicô, trong khi cử hành tính hiệp nhất hết sức đặc biệt của nền linh đạo này”.

Trước biến cố ở Sydney, các cha Dòng Phanxicô cũng đứng ra tổ chức buổi Gặp Mặt Giới Trẻ Quốc Tế năm 2008 tại Brisbane, Australia. Điều hiệp viên WYD của Dòng, là Ben Galea, cho hay anh đang mong tới ngày được gặp, tại Brisbane, các bạn khác từng cùng theo một con đường Phanxicô như anh. Cả hai biến cố trên đều chú tâm vào chủ đề: “Thánh Phanxicô: Chiêm niệm để Hành động – Hôm qua, Hôm nay và Ngày mai”

2. Cái nhìn số lượng

Hãng CNA, ngày 8 tháng Bẩy cho hay: trùng với cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô tại Sydney, Văn Phòng Thống Kê Trung Ương của Giáo Hội đã công bố các con số thống kê về sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo tại Úc.

Theo các dữ liệu này, 27.56% (5,704,000) dân Úc theo Công Giáo, biến Đạo Công Giáo thành tôn giáo lớn nhất ở nước này. Tuy nhiên, trong khi số người Công Giáo gia tăng 125,260 người giữa các năm 2001 và 2006, thì tỷ lệ so với tổng số dân của họ lại giảm đôi chút. Phục vụ số người Công giáo trên, có 1,390 giáo xứ, 63 giám mục, 3,125 linh mục, 7,950 tu sĩ, 40 thành viên giáo dân của các tu hội đời và 8,192 giáo lý viên. Các tiểu chủng sinh chỉ là 83, nhưng số đại chủng sinh lại là 244 người.

Nền giáo dục Công giáo cũng có mặt tại nước này. Có tất cả 736,288 học sinh và sinh viên đang theo học tại 2,252 trường Công giáo, từ mẫu giáo tới đại học.

Các định chế khác cũng hoạt động tích cực tại Úc: 58 bệnh viện, 5 bệnh xá, 407 nhà cho người già và người khuyết tật, 164 viện mồ côi và nhà trẻ, 210 trung tâm cố vấn gia đình và các vấn đề phò sự sống, 480 trung tâm giáo dục và cải tạo xã hội, và 24 định chế thuộc các loại khác.

3. Cái nhìn tinh thần

Hãng CWNews cùng ngày lại có cái nhìn tinh thần về nước Úc. Theo Hãng này, Úc, nước đăng cai cử hành ngày WYD năm nay, là một trong các nước bị thế tục hóa từ đầu đến chân nhiều nhất trên thế giới, căn cứ vào một cuộc thăm dò của Qũy Bertelsmann bên Đức. Cuộc nghiên cứu này được đăng tải trong một câu truyện trên tờ Christian Post cho thấy đa số người Úc (52%) thỉnh thoảng lắm mới đi hay không bao giờ tham dự một buổi phụng vụ tại nhà thờ, 31% không tin Thiên Chúa, và 28% tự coi mình vô tôn giáo.

Tuy nhiên, giám đốc cuộc điều tra của Bertelsmann, một cuộc điều tra 21,000 người trưởng thành, thấy rằng trong các tuần lễ gần xát WYD, giới trẻ Úc tỏ ra một sức sống tôn giáo rất mạnh.

4. Truyện cô gái nhỏ

Nhận định trên đây được tờ Daily Telegraph Ngày 4 tháng 7 xác nhận qua câu truyện của Carla Mascarenhas: Gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã thay đổi đời tôi.

Khi đi tham dự WYD tại Cologne năm 2005, tôi vừa tròn 20 tuổi. Lúc ấy tôi vẫn còn loay hoay đi tìm cho mình một giáo hội. Tuy được rửa tội trong Đạo Công Giáo, và có đi nhà thờ nhưng tôi thấy nhiều phần trong giáo huấn làm tôi bối rối, nhất là vấn đề vô ngộ của đức giáo hoàng, vấn đề ngừa thai, phá thai và đồng tính luyến ái.

Ngồi nghĩ lại, mới thấy sở dĩ tôi đi nhà thờ là vì con bạn thân nó cứ nài nỉ, tuy nhiên cho đến lúc này, tôi không có chi ân hận về việc đó. Tôi đã có được nhiều giây phút trân qúy, nhưng giây phút thay đổi đời tôi chính là Thánh Lễ bế mạc do đức giáo hoàng chủ tế.

Điều lạ là tôi được chọn vào số những người đứng trên khán đài với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Hãy tưởng tượng tôi đã cảm nhận ra sao về Ngài, tôi nghĩ cũng giống như đi dự một bữa tiệc đêm sau khi đã chửi vào mặt chủ nhà. Quả là lúng túng. Nhưng lúc chúc bình an, Đức Giáo Hoàng nhìn thẳng vào mắt tôi.

Chính cái tích tắc ấy, tôi thấy Ngài và tôi biết Ngài thấy tôi. Tôi thấy cả một trời yêu thương đối với Ngài mà vì những cảm tình bất thiện cảm đối với các giáo huấn của Giáo Hội, tôi cho là chính Chúa đã đánh động tôi.

Giây phút ấy không thay đổi cách cảm nhận của tôi về các giáo huấn của Giáo Hội, nhưng nó mang lại cho tôi một khích lệ để tự lên đường đi tìm sự thật.

Các hiệu quả do các WYD trong quá khứ thât là sâu sắc. Một người bạn của tôi quê ở Canberra, vốn ghiền ma túy và rượu chè, bị cha mẹ ép phải đi tham dự WYD tại Rome như một hình phạt vào năm 2000. Anh ta lang thang chung quanh Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, buồn chán và xác tín rằng Kitô Giáo quả là sai lầm, cho đến khi anh ta đụng phải một tượng chịu nạn đơn giản. Anh ta tâm sự: “Trong lúc ngắm nhìn Chúa Giêsu trên thánh giá, tôi cảm thấy Người nói với tôi từ bên trong rằng Người đã chết cho tôi. Ngay lúc ấy, cảm nghiệm của tôi về sự hiện diện của Chúa Giêsu mạnh đến nỗi trong tôi chẳng còn chỗ nào để hoài nghi tình yêu của Người nữa”. Mấy năm sau, anh ta gia nhập một chủng viện.

Việc tường thuật về WYD của giới truyền thông từng bị bóp méo nhiều lắm, ấy mới chỉ là nhận xét khiêm tốn. Nào là giao thông tắc nghẽn, an ninh vô tiền khóang hậu, các huấn luyện viên đua ngựa bất mãn, ngân sách khổng lồ người chịu thuế phải tài trợ…Thực ra, còn gì tệ hơn thế nữa không?

Nhưng tôi tin WYD không những sẽ tái lên sinh lực cho Giáo Hội Công Giáo tại Úc mà còn cả cách người Úc nhìn tôn giáo nữa, vuợt trên những kiểu ‘vơ đũa cả nắm’ (stereotypes) hết sức vô ý thức. Dĩ nhiên WYD sẽ gây nên một số bất tiện cho Sydney. Nhưng đó không phải là câu truyện duy nhất cần phải kể

5. Truyện ông thủ tướng

Ông Kevin Rudd, tân thủ tướng Úc, hình như có đọc câu truyện của Carla, nên đã có thái độ sau đây, được Hãng AAP thuật lại ngày 8 thàng Bẩy. Theo Hãng này, Thủ tướng Kevin Rudd đã thúc giục nghiệp đoàn hoả xa, tổ chức đang đe doạ đình công vào dịp Đức Giáo Hoàng viếng Sydney, rằng họ nên đối xử một cách kính trọng đối với Ngài.

Trước khi lên đường qua Nhật gặp gỡ các lãnh tụ của G8, Ông Rudd cho hay: “Bỏ qua tính cách hợp lệ của hành động kỹ nghệ, tôi nghĩ điều quan trọng đối với mọi người dân Úc, trong đó có các nghiệp đoàn, là phải tỏ lòng kính trọng đối với cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Ngài là vị khách được chào mừng ở Úc. Úc được vinh dự có Đức Thánh Cha đến với chúng ta, nên mọi người dân Úc, trong đó có những người thuộc nghiệp đoàn đặc thù này, phải tỏ lòng kính trọng Ngài”.

6. Truyện nghiệp đoàn

Có lẽ nghiệp đoàn hỏa xa bị Carla thuyết phục nhiều hơn là lời của Thủ Tướng Rudd. Nên theo tin Hãng CWNews ngày 8 tháng Bẩy, họ đã quyết định hủy bỏ cuộc đình công mà họ dọa sẽ cho tiến hành đúng vào ngày giới trẻ thế giới chào mừng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tại Barangaroo.

Sau cuộc họp với bộ trưởng vận chuyển của tiểu bang là ông John Watkins, các lãnh tụ nghiệp đoàn này tuyên bố rằng họ sẽ không cho tiến hành cuộc đình công 24 giờ đe doạ sẽ xẩy ra vào ngày nói trên. Các viên chức nghiệp đoàn cho hay: chính phủ đã đưa ra các nhượng bộ đối với yêu sách tăng lương của họ.

7. Truyện người nước ngoài

Chris Docherty, một người Anh, nhân dịp này, kể lại kinh nghiệm tham dự WYD trước đây của anh.

Một ngày kia, tôi thức giấc giữa một cánh đồng bên ngoài Rome, lạnh cóng, mệt nhoài và lạ lẫm. Tôi ngủ không ngon và chẳng được bao nhiêu. Vừa bò ra khỏi túi ngủ, tôi thấy một quang cảnh làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn của tôi đối với giáo hội và trần gian.

Người là người. Ở khắp nơi, từ chân trời này qua chân trời kia trong một vòng tròn vây kín. Hai triệu con người cắm trại ngoài trời trong một cánh đồng bao la thuộc phạm vi Trường Đại Học Tor Vergata, ngoại ô Rome vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2000.

Hai triệu con người. Ba lần dân số Glasgow, nơi tôi sinh sống. Hai mươi buổi hòa nhạc Glastonbury đặt cạnh nhau. Hai triệu con người ấy, nằm trong lều và túi ngủ của họ, phủ kín mảnh đất trải dài đến chỗ không còn nhìn được nữa, về đủ mọi hướng. Quả là một khung cảnh chỉ có trong Thánh Kinh, một khung cảnh thúc đẩy tôi nghĩ lại mọi cảm nghiệm sống của mình và mọi xàng xẩy tôi dùng để xem sét lại các cảm nghiệm kia. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người như thế trong đời. Trong suốt những năm tháng thi hành thừa tác vụ giới trẻ, nói ba hoa chích chòe đủ chuyện về “Giáo Hội” và “Dân Thiên Chúa” hay “giới trẻ khắp thế giới”, nhưng chưa bao giờ tôi được tận mắt thấy những điều ấy theo nghĩa đen như bây giờ.

Nó thay đổi tôi y như các phi hành gia của Apollo đã thay đổi nhờ nhìn thấy toàn bộ hành tinh trái đất đang lơ lửng trong không gian ngay trước mặt họ khi họ nhìn trở lui từ khung cửa con tầu vũ trụ đang tiến về Mặt Trăng của mình. Thế giới quả “đầy sự cao cả của Thiên Chúa”. Quả tình, hàng triệu người trẻ, những người kính yêu Thiên Chúa và sống thực phúc âm, họ đang ở kia ngay trước mắt tôi, một hình ảnh vẫn còn in đậm nơi võng mạc mình.

Docherty còn kể thêm:

Khi tham dự WYD lần đầu vào năm 1997, tôi hơi khó chịu về việc người ta quá tập chú vào con người của Đức Giáo Hoàng. Tôi sợ người ta chỉ muốn được thấy Đức Thánh Cha mà ít lưu ý, thậm chí còn thù nghịch, sứ điệp của Ngài. Nhìn trở lui, chính tôi đã phóng chiếu một vài nỗi sợ và thiên kiến của mình lên họ. Chính tôi đã có nhiều vấn nạn và nghi ngại về giáo huấn của Giáo Hội. Đức Giáo Hòang Gioan Phaolô II cũng bị tôi cho là hàm hồ: một đàng là quán quân nhân quyền khắp thế giới, một đàng lại kiểm duyệt gắt gao các quyền ấy ngay trong lòng Giáo Hội…

Các kinh nghiệm lúc ấy ở Paris và sau này ở Rome, Toronto và Cologne đã thay đổi tôi. Tôi hết sức cảm động nhìn thấy khuôn dung người đàn ông già nua này, say sưa chia sẻ đức tin của mình với lớp người trẻ, biến mình sẵn sàng dành cho họ và dành trọn các tài nguyên của Giáo Hội cho cuộc đối thoại đức tin, đức cậy và đức mến. Tôi nhận ra rằng muốn trưởng thành trọn vẹn trong đức tin, tôi cần phải bước vào cuộc đối thoại đó với Giáo Hội, hơn là để nó thoát khỏi tay mình.

Tôi vẫn giữ trong mình hình ảnh lâu bền của chiếc la bàn nam châm. Khi phải chọn hướng đi cho đời, có thể ta không luôn đi về hướng Bắc, nơi cha mẹ và các linh mục muốn ta đi, nhưng ta cần phải biết hướng Bắc ở đâu để đi theo hướng mình muốn…

Đối với Docherty, trọng điểm Ngày Giới Trẻ Thế Giới không phải ở Sydney mà ở trong mỗi người chúng ta. Cộng đồng giáo xứ mong muốn ta trở về, được Chúa Thánh Thần canh tân và tăng thêm năng lực để phục vụ dân Chúa. Ta đã đi một vòng thế giới để rồi trở về với chính bản thân mình, y như thi sĩ T.S. Eliot từng viết:


Ta không ngừng khám phá

Và tận cùng mọi khám phá

Ta quay về điểm bắt đầu

Và như thấy nơi ấy lần thứ nhất.


Vũ Văn An