PDA

View Full Version : Mùa Chay



omem2207
26-04-2011, 10:15 AM
Mùa Chay, người Pháp gọi là Ca-rêm ( Carême ), một từ ngữ xuất phát từ nguyên ngữ La-tinh: Qua-đra-giê-di-mô ( Quadragesimo ) có nghĩa là “40 ngày”.
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, “40 ngày” là một thời gian khá dài Thiên Chúa dùng để thanh luyện con người; và về phía con người, đó là thời gian để tìm về với Chúa ( x. Sáng Thế 7, 12; 1 Vua 19, 8 ). Đến thời Tân Ước, Đức Giê-su cũng đã được Thần Khí dẫn vào hoang địa, ăn chay suốt 40 ngày ( x. Lc 1, 1 – 2 ).
Thời Giáo Hội tiên khởi, Mùa Chay bắt đầu từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, nhưng vì người Công Giáo muốn ăn chay kiêng thịt cho trọn vẹn 40 ngày, nên Giáo Hội nới thêm về trước 4 ngày nữa để Mùa Chay bắt đầu từ ngày thứ tư Lễ Tro.
Riêng người Mỹ, hay nói chung là những người gốc Ăng-lô-xắc-xông ( Anglo-saxon ) gọi Mùa Chay là Len-tơ ( Lent ), một từ ngữ xuất phát bởi nguyên ngữ Len-tân ( Lencten ), nghĩa là mùa Xuân, mùa của những ngày bắt đầu dài thêm ra ( Len-tơ-ninh – Lengthening ), mùa mà sự sống vạn vật bắt đầu chuyển dịch, dần dần thức tỉnh sau những ngày Đông giá rét chết khô.
Giáo Hội đã thống nhất trên toàn cầu chọn những ngày chuẩn bị đón Xuân này làm Mùa Chay, để tới khi mừng Đại Lễ Phục Sinh, thì vừa khớp với ngày thiên nhiên cũng như được hồi sinh bừng tỉnh, muôn hoa khoe sắc và muôn chim rộn rã hát ca.
Rất tiếc là khi đạo vào Việt-nam nói riêng, châu Á nói chung, Mùa Chay lại thường đến sau ngày Tết, bắt đầu những ngày mùa Hè oi bức và chuyển mưa, đâm ra chúng ta không thấy rõ lắm hiện tượng hồi sinh của thiên nhiên như ứng với niềm vui Đức Giê-su Phục Sinh.
Còn lý do người Việt chúng ta gọi tên Mùa Chay, có lẽ là vì chúng ta quá chú trọng đến việc ăn chay, một việc đạo đức đã có sẵn trong lòng dân Việt ngay cả trước khi các cha thừa sai ngoại quốc đến nước ta để truyền đạo. Thế nhưng, ăn chay chỉ là một trong các việc đạo đức mà Giáo Hội mời gọi các Ki-tô hữu thực hành trong mùa này.
Thật vậy, Giáo Hội mời gọi chúng ta dùng mùa này để hướng đến 2 trọng tâm sâu xa:
§ Trước tiên là mỗi người chúng ta hãy thành tâm sám hối mà quay trở về cùng Thiên Chúa ( Mê-ta-nôi-i-a – Metanoða ) để sống kết hiệp thân mật với Thiên Chúa hơn. Chả thế mà một số nhà Thần Học Phụng Vụ Việt-nam đã đề nghị thay tên Mùa Chay bằng Mùa của Hối Nhân.
§ Đồng thời, cả cộng đoàn cùng nhau ráo riết chuẩn bị cho những anh chị em dự tòng sẽ được nhận lãnh các Bí Tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể trong đêm vọng Phục Sinh. Đặc biệt vào Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay, Giáo Hội chọn áo lễ màu hồng để diễn tả niềm vui của bà mẹ được đón tiếp thêm những đứa con thân yêu của mình xin gia nhập. Do vậy, có thể nói Mùa Chay cũng là Mùa của Dự Tòng.
Để có được tinh thần sốt sắng theo 2 trọng tâm trên, Giáo Hội đã tuyên đọc bài Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu ( Mt 6, 1 – 6; 16 – 18 ) trong ngày thứ tư Lễ Tro, để nhắc nhở chúng ta 3 việc đạo đức cần thực hành trong Mùa Chay, đó là: Ăn chay ( x.Mt 6, 1 – 4 ); Bố thí ( x.Mt 6, 5 – 6 ); Cầu nguyện ( x. Mt 6, 16 – 18 )
Trong thực tế, phải nói là người Công Giáo Việt-nam chỉ nhớ có ăn chay mà thường quên bẵng đi hai điều kia. Bố thí chính là chia sẻ cuộc sống với tha nhân, đặc biệt là người nghèo.Còn cầu nguyện chính là lắng nghe tiếng Chúa và đáp trả.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hưởng được một Mùa Xuân thiêng liêng, mùa mà chúng con sẽ nối dài con tim mình đến với tha nhân, mùa mà chúng con sẽ kéo dài phút cầu nguyện với Chúa, mùa mà chúng con sẽ từ bỏ không chỉ tội lỗi, mà còn cả những gì không cần thiết, để lòng chúng con được thênh thang nhẹ nhõm đón nhận lấy Thiên Chúa và tha nhân trong cuộc đời. A-men.




Theo DAILY BREAD