PDA

View Full Version : GIÁO PHẬN BẮC NINH_TIẾNG HÁT QUAN HỌ THÂN THƯƠNG (Phần 1)



Rabouni
27-04-2011, 07:38 AM
Lược Sử
Giáo Phận Bắc Ninh

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

A. Lược Sử Giáo Phận Bắc Ninh
Năm 1659, khi Tòa Thánh thành lập giáo phận Ðàng Ngoài thì vùng đất Bắc Ninh đã có cứ điểm truyền giáo như Kẻ Roi, Kẻ Nê, Kẻ Mốt...
Năm 1679, Tòa Thánh phân chia giáo phận Ðàng Ngoài thành hai giáo phận Ðông và Tây, vùng đất Bắc Ninh thuộc giáo phận Ðông Ðàng Ngoài, lúc đó có 32 nhà thờ với 3,317 giáo hữu; năm 1712 số giáo dân đã là 4,516, được các cha dòng Tên và sau đó là các cha Ða Minh coi sóc.
Năm 1848, Ðức Piô IX chia giáo phận Ðông Ðàng Ngoài thành hai giáo phận Trung và Ðông gồm các tỉnh: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc và một phần thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang.
Ðể việc truyền giáo được phát triển, ngày 29-5-1883, Tòa Thánh thành lập giáo phận mới: Giáo phận Bắc (tức Bắc Ninh ngày nay) từ giáo phận Ðông tách ra, gồm các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Lạng Sơn, Cao Bằng, một số huyện của các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội.
Nhân sự giáo phận Bắc lúc đó có Ðức cha Antonio Colomer Lễ (làm giám mục Bắc từ 1883-1902), 17 linh mục triều, 2 linh mục dòng Ða Minh, 3 thừa sai người Tây Ban Nha, 15 đại chủng sinh, 22 tiểu chủng sinh, 50 thầy giảng, 8 chị dòng Mến Thánh Giá và 35,000 tín hữu trong 11 giáo xứ và 28 giáo họ.
Ðức cha Maximin Valasco Khâm (làm giám mục từ 1902-1925), xây dựng Ðại chủng viện Thánh Tôma tại Ðạo Ngạn và tiểu chủng viện ở Kẻ Nê.
Ngày 30-12-1913, Tòa Thánh tách một phần đất thuộc giáo phận Bắc để thành lập Phủ Doãn tông tòa Lạng Sơn.
Năm 1924, giáo phận Bắc được Tòa Thánh đổi tên gọi là giáo phận Bắc Ninh, theo địa danh nơi đặt tòa giám mục.
Năm 1925, Ðức cha Khâm qua đời, thọ 74 tuổi, Ðức cha phó Théodore Gordaliza Phúc lên kế vị (từ 1924-1931). Năm 1928, ngài thành lập xứ Bắc Kạn và năm 1930, ngài giao cho cha Millax xây nhà chung và nhà thờ Bắc Kạn. Ngài qua đời ngày 14-10-1931.
N gày 6-11-1932, Tòa Thánh bổ nhiệm thừa sai Eugène Artaraz Chỉnh làm giám mục hiệu tòa Cotenna (từ 1932-1947).
Năm 1939, giáo phận Bắc Ninh có 15 linh mục dòng Ða Minh, 66 linh mục triều, 120 thầy giảng, 20 đại chủng sinh, 66 tiểu chủng sinh, 12 nữ tu Phaolô, 118 dì phước Ða Minh, 54,807 giáo dân, 800 dự tòng trong 7 giáo hạt, 47 giáo xứ, 312 giáo họ, 210 thánh đường.
Ngày 31-12-1946, quân Pháp đến Bắc Ninh đưa Ðức cha và một số thừa sai Tây Ban Nha về Hà Nội.
Tháng 7-1947, Ðức cha đi Rôma yết kiến Ðức Thánh Cha Piô XII, sau đó về Tây Ban Nha và qua đời ngày 21-12-1947.
Ðức cha Ða Minh Hoàng Văn Ðoàn là giám mục Việt Nam đầu tiên coi sóc giáo phận Bắc Ninh (1950-1955).
Ngài lập lại Chủng viện Antôn Ninh Ðạo Ngạn (bị giải tán từ năm 1947), xây tòa giám mục, trường trung học Vinh Sơn Liêm, nhà in Chân Phước Cẩm và cử 8 cha trẻ đi du học.
Năm 1954, Giáo phận Bắc Ninh có 68 linh mục triều (8 du học), 12 linh mục dòng Ða Minh, 28 đại chủng sinh, 62 giáo xứ, 413 nhà thờ và 68,000 giáo dân.
Sau hiệp định Genève năm 1954, 47 linh mục và tất cả chủng sinh và gần 40,000 giáo dân di cư vào Nam. Ở lại giáo phận chỉ có 14 linh mục hầu hết già yếu, 12 thầy giảng, 11 dì phước Ða Minh và khoảng 30,000 giáo dân.
Năm 1955, Ðức cha bị tai nạn phải đi Hồng Kông chữa bệnh, ngài bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Văn Lộc làm Tổng đại diện, cha Ða Minh Ðịnh Huy Quảng làm cha xứ nhà thờ chính tòa.
Ðức cha Phêrô Khuất Văn Tạo (Giám mục Hải Phòng) làm giám quản tông tòa giáo phận Bắc Ninh từ 1956-1963. Thời gian này, ngài chỉ về kinh lý và ban phép Thêm Sức được hai lần vào cuối năm 1956 và đầu năm 1957.
Năm 1963, Tòa Thánh bổ nhiệm cha Phaolô Phạm Ðình Tụng, Giám đốc Tiểu chủng viện Gioan Hà Nội, làm giám mục Bắc Ninh. Ngài thụ phong giám mục ngày 15-8-1963, về nhận giáo phận ngày lễ Ðức Mẹ Mân Côi 5-10-1963.
Trong hoàn cảnh rất ít linh mục, Ðức cha đã xây dựng củng cố Ban Hành Giáo, sáng lập Tu hội Ðức Mẹ Hiệp Nhất, sửa và cho in Kinh bản Gáo phận Bắc Ninh, cổ vũ lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa. Tổ chức và kỷ niệm Bach Chu Niên giáo phận (1883-1983). Sau đó, Ðức cha được thuyên chuyển về Tổng Giáo Phận Hà Nội (1994) và vinh thăng Hồng Y ngày 26-11-1994.
Từ năm 1994 Ðức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến coi sóc giáo phận.
B. Ðịa Lý và Dân Số
Ranh giới: Giáo phận Bắc Ninh nằm trên địa bàn 5 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; 3 huyện thuộc Thành Phố Hà Nội và một số xã, huyện thuộc các tỉnh: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương.
Tổng dân số địa phương khoảng 6,909,296 người, có khoảng 123,090 giáo dân công giáo, sinh sống trên diện tích là 24,600 km2.
Dân cư vùng đồng bằng và trung du đa số sinh sống bằng nghề nông. Vùng thượng du ngoài nghề nông là chủ yếu, còn có thêm phụ thu nhờ lâm sản.
Một số sông lớn chảy trên địa bàn giáp phận là: sông Ðuống, sông Hồng, sông Thái Bình, sông Lô, sông Gầm, sông Cả, sông Ðáy Trên, sông Cầu, sông Công, sông Cà Lỗ, sông Thương, sông Lục Nam.
Sắc tộc Trên địa bàn giáo phận, miền thượng du có một số đồng bào dân tộc ít người như: Sán Dìu, H'Mông, Dao, Mèo, Cao Lan, Hoa, Tày, Nùng sinh sống.
C. Các hoạt động đặc biệt của giáo phận
- Phục hồi các giáo xứ và giáo họ:
Sau cuộc di cư ồ ạt vào Nam của hơn 40,000 giáo dân và gần 50 linh mục của giáo phận Bắc Ninh năm 1954, chỉ còn lại 14 linh mục già yếu, nhiều giáo xứ, họ đạo chỉ còn lẻ tẻ một vài gia đình. Ðiển hình như nhà xứ Ngăm Giáo chỉ còn 3 người, nhà xứ họ Phượng Mao chỉ còn 7 người. Từ sau năm 1975, một số giáo dân đi làm ăn xa đã trở về quê cũ sinh sống. Do đất chật người đông, bà con lương dân chung quanh đã di chuyển đến làm ăn sinh sống tại các giáo xứ, giáo họ có nhà bỏ trống. Sau nhiều năm, nhờ ảnh hưởng đời sống tốt lành của người Công Giáo, nhiều lương dân gia nhập đạo, số tín hữu gia tăng, nhiều thánh đường đã được tu sửa lại và các sinh hoạt tôn giáo được phục hồi.
- Ði tìm giáo dân và quy tụ thành họ đạo:
Trong thập niên 1960, nhiều người từ những vùng đất chật người đông như Thái Bình, Nam Ðịnh... đã đến khai hoang lập nghiệp tại các vùng xa xôi hẻo lánh thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang... (vùng đất thuộc giáo phận Bắc Ninh) trong đó có nhiều gia đình Công giáo. Cả vùng rừng núi rộng lớn đó mấy chục năm không có linh mục phục vụ giáo dân, thỉnh thoảng mới có người về quê cũ để giữ luật Giáo Hội, nhiều người đức tin phai nhạt, ngăn trở hôn nhân gia tăng. Vì thế, việc tìm kiếm giáo dân luôn là vấn đề bức xúc của giáo phận Bắc Ninh.
Từ thập niên 1990, việc đi lại dễ dàng hơn, nhiều tông đồ giáo dân đã được sai đi, âm thầm len lỏi tìm kiếm từng người, từng gia đình, dạy giáo lý, giúp họ cầu nguyện, quy tụ thành những nhóm và đưa về tháo gỡ những ngăn trở hôn nhân, tổ chức thành họ đạo.
- Huấn luyện tông đồ giáo dân:
Vì địa bàn của giáo phận rộng lớn, địa hình phức tạp (đặc biệt ở miền núi), linh mục lại quá ít, làm sao có thể quy tụ được giáo dân. Vì vậy, việc thành lập Huynh đoàn Ða Minh giáo dân, Gia Trưởng, Bà Mẹ Công Giáo, ca đoàn, giới trẻ, giáo lý viên, Thiếu Nhi Thánh Thể, là khâu quan trọng của giáo phận. Ban Hành Giáo được huấn luyện để trở nên những cộng sự viên tích cực và trung thành trong việc quản lý nhà thờ, đất đai và tài sản của giáo xứ. Ðược cha xứ trao quyền, Ban Hành Giáo chủ sự việc suy tôn Lời Chúa ngày Chủ Nhật và lễ trọng trong nhà thờ, rửa tội cho trẻ sơ sinh, điều tra hôn phối, đôn đốc viêc học giáo lý, trao Mình Thánh cho bệnh nhân... Các đoàn thể Công Giáo được đào tạo để trở nên nòng cốt trong việc cầu nguyện tại nhà thờ và gia đình, trong việc học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa, bài trừ những tệ nạn xã hội, nâng cao trình độ văn hóa, xây dựng nếp sống phù hợp với Tin Mừng và tham gia vào việc truyền giáo tại địa phương mình.
Mối dây liên kết giữa các giáo hạt, giáo xứ, giáo họ cũng như sự gắn bó mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận được duy trì và phát triển để cùng hướng tới lời cầu của Ðức Kitô: "Xin cho mọi người nên một".
- Ðào tạo ơn gọi linh mục, tu sĩ:
Cánh đồng truyền giáo của giáo phận mênh mông trên địa bàn 24,600 km2, với số dân gần 7 triệu người, mà chỉ có 120,000 giáo dân. Giáo phận rất ít linh mục, nam nữ tu sĩ. Do vậy việc cổ vũ và đào tạo ơn gọi làm linh mục và tu sĩ là một mối quan tâm của giáo phận.
- Việc xây dựng nhà thờ:
Giáo dân Bắc Ninh gặp nhiều gian khổ, song vẫn còn duy trì được đức tin cho đến ngày hôm nay một phần lớn là nhờ vào việc cầu nguyện chung, suy tôn Lời Chúa và dạy giáo lý tại nhà thờ. Vì thế nhà thờ rất cần thiết để giúp họ đạo sống động.
Trải qua nhiều biến động thời cuộc từ năm 1947, nhiều nhà thờ trong giáo phận bị tiêu thổ kháng chiến, bị chiến tranh tàn phá, bị thời gian, bão lụt hủy hoại. Cho đến nay, đã xây lại và làm mới được 56 nhà thờ và nhà nguyện, nhưng trong giáo phận vẫn còn gần trăm nhà thờ xuống cấp nặng và 76 họ đạo chưa có nhà thờ.
Ðây là mối quan tâm lớn của mọi thành phần Dân Chúa giáp phận Bắc Ninh.
- Hội nhập văn hóa:
Bắc Ninh là nơi có truyền thống Dân Ca Quan Họ trong các lễ hội. Những làn điệu quan họ đã ngấm vào máu thịt quần chúng. Việc dùng những làn điệu dân ca để suy niệm Lời Chúa trong các buổi cầu nguyện, giới thiệu và phổ biến Tin Mừng bằng hình thức văn nghệ đã mang lại những kết quả bước đầu. "Dâng Hoa Thánh Tâm" đã được dệt ý Thánh Vịnh vào làn điệu quan họ, Hoạt cảnh "Mười cô trinh nữ" (x. Mt. 25,1-13) trở nên sinh động hơn, thấm nhập vào lòng người sâu xa hơn khi được ca vang với làn điệu Quan Họ. Ðó là kết quả ban đầu của hội nhập văn hóa trong giáo phận.
D. Một số đặc sắc của Giáo Phận:
- Nhà thờ chính toà: Khởi công xây dựng năm 1889, hoàn thành năm 1982, trùng tu năm 1990. Tòa Thánh ban đặc ân vĩnh viễn được hành hương để lãnh ơn Toàn Xá. Ðịa điểm: Thị xã Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh.
- Cổng Tả thành Bắc Ninh: Nơi hành quyết nhiều vị tử đạo, đặc biệt có 100 vị "đầu mục" và "thứ mục" bị hành quyết bằng cách chôn sống tại đây năm 1862. Ðịa điểm: thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

(dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)

myfatherisjesu
17-08-2011, 10:23 PM
Cám ơn Em gái nhiều nha, Em tinh tế lắm anh đã vào D.d lâu như vậy mà không viết được bài nào để giới thiệu hình ảnh cuả Giáo phận mình lên! GP Bắc Ninh thân yêu, nơi bốn anh em ta đã có quá nhiều kỉ niệm thân yêu, tạ ơn Chuá, tạ ơn Đức Cha, tạ ơn Giáo phận!