PDA

View Full Version : GIẤC MỘNG ĐẠI KẾT CỦA ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI



DonRac
11-07-2008, 01:30 PM
NĂM THÁNH PHAOLÔ
GIẤC MỘNG ĐẠI KẾT CỦA ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI.

Cùng với Thượng Phụ Constantinople, Đấng kế vị Thánh Phêrô đã khai trương một Năm Thánh đặc biệt dành kính vị Tông Đồ Vĩ Đại khác, THÁNH PHAOLÔ. Mục tiêu của Người được tuyên bố: ”tạo thành sự hiệp nhất của ‘tính chất Công giáo’, Giáo Hội gồm những người Do Thái và các dân ngoại, Giáo Hội của mọi dân tộc”.

Sandro Magister

Trong một tấm hình chụp, Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI và Đức thượng phụ Constantinople Bartôlômêô I cầu nguyện trước mộ Thánh Phaolô Tông Đồ, dưới bàn thờ chính Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Đó là ngày vọng lễ kính trọng thể Hai Thánh Phêrô và Phaolô. Hai Vị cũng đồng khai trương một năm thánh dành riêng kính Thánh Phaolô Tông Đồ.
Năm Phaolô đã khởi sự ngày 28.06 và sẽ kết thúc vào ngày 29.06.2009. Năm Phaolô diễn ra nhân dịp kỷ niệm 2.000 năm sinh nhật Thánh Tông Đồ, mà các sử gia đặt vào các năm giữa 7 và 10 sau CN. Đức Thánh Cha đã thông báo Năm Thánh đặc biệt nầy lần đầu tiên cách nay một năm, ngày 28.06.2007. Sau đây là lời Người giải thích về biến cố nầy cho các tín hữu tụ họp tại quảng trường Thánh Phêrô, trước khi đọc Kinh Truyền Tin ngày lễ Thánh Phêrô và Phaolô năm nay: “Năm Thánh đặc biệt nầy sẽ lấy Roma làm trọng tâm, đặc biệt là Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành và khu phố Ba Giếng Nước (Trois Fontaines), nơi Ngài chịu tử vì đạo. Nhưng Năm Thánh sẽ bao hàm toàn thể Giáo Hội, khởi từ Tarse, thành phố nơi Thánh Phaolô sinh ra và những địa danh Phaolô khác làm thành những điểm đến hành hương, ở Thổ Nhĩ Kỳ, song cả ở Thánh Địa và Đảo Malte, nơi Thánh Tông Đồ đã xuống thuyền lên bờ sau một vụ đắm thuyền và nơi Ngài đã gieo hạt giống Phúc Âm sinh hoa trái dồi dào.
“Thực ra, tầm nhìn của Năm Phaolô chỉ có thể là hoàn vũ, vì Thánh Phaolô đã là Vị tông đồ của những ai “xa cách nhất” so với người Do Thái và “nhờ ân sủng Máu Thánh Chúa Kitô” mà trở nên “những người gần gũi” (x.Ep 2, 13). Chính vì vậy mà ngày nay vẫn như thế, trong một thế giới trở nên nhỏ bé hơn, nhưng ở đó rất nhiều người chưa gặp được Chúa Giêsu, Năm Thánh Thánh Phaolô mời gọi tất cả các Kitô-hữu trở thành những người truyền rao Phúc Âm.
“Phải luôn liên kết chiều kích hiệp nhất, được Thánh Phêrô tượng trưng, “tảng đá” trên đó Chúa Giêsu-Kitô đã xây dựng Giáo Hội, với chiều kích truyền giáo. Như phụng vụ nhấn mạnh, các đặc sủng hai Thánh Tông Đồ lãnh nhận được bổ sung cho nhau để tạo thành một Dân Chúa duy nhất, và các Kitô hữu không thể làm chứng cho Chúa Kitô thật sự, nếu họ không hiệp nhất với nhau.
* * *
HOÀN VŨ và ĐẠI KẾT.
Vì một Giáo Hội “Công giáo” và “Duy Nhất”. Đó là tầm nhìn kép mà Vị Giám Mục Roma và Thượng phụ Constantinople đã muốn đem lại cho Năm Phaolô, được đồng khai trương bởi Giáo Hội La Mã và Giáo Hội Đông Phương. Trong Thánh Lễ cử hành ngày lễ kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, hai Đấng kế vị các Thánh tông đồ đã cùng nhau bước vào Đền Thờ Thánh Phêrô. Cùng nhau các Ngài tiến lên bàn thờ, đi trước các ngài là một phó tế la-tinh và một phó tế chính thống mang Sách Phúc Âm. Cùng nhau các ngài đã nghe bài Phúc Âm được hát bằng tiếng la-tinh và tiếng hy-lạp. Cùng nhau các ngài đã giảng – Đức thượng phụ giảng trước, rồi đến Đức giáo hoàng. Cùng nhau các ngài đã đọc Kinh Tin Kính, Biểu Tượng Nicê – Constantinople trong phiên bản gốc bằng tiếng Hy Lâp, như là phụng vụ các Giáo Hội Byzantin quy định. Các Ngài đã trao hôn bình an và khi kết lễ đã cùng ban phép lành cho các tín hữu. Sau gần một ngàn năm ly khai giữa Đông và Tây, một phụng vụ được đặt một cách thấy rõ thế nầy dưới dấu hiệu hiệp nhất đã được Giám Mục Roma và thượng phụ Costantinople cử hành.
Lúc nầy, các tương quan với những cộng đoàn Tin Lành vẫn còn nằm trong bóng tối. Nhưng Năm Phaolô có thể phong phú về ý nghĩa trong đối thoại với anh em Tin Lành. Các nhà tư tưởng lớn của Cải Cách - từ Luther và Calvin tới Karl Barth, Ridolph Bultmann và Paul Tillich – đã soạn thảo công phu tư duy của họ chủ yếu từ Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma. Sự cống hiến mà Năm Phaolô cũng sẽ mang đến cho đối thoại với người Do Thái không kém phần ý nghĩa. Thánh Phaolô là người Do-Thái, là một giáo sĩ Do Thái phái nghiêm nhặt. Rồi Ngài đã bị ngã ngựa, bị Chúa Kitô làm cho chói mắt trên đường đi Damas. Với Ngài, việc Ngài ăn năn trở lại với Đấng Phục Sinh không bao giờ là sự đoạn tuyệt với niềm tin nguyên thủy của Ngài và lời hứa Chúa ban cho Abraham, cũng như Giáo Ước Sinai luôn chỉ làm một với Giao Ước “mới và vĩnh viễn” được đóng ấn bởi Máu Thánh Chúa Giêsu. Trong cuốn sách “Giêsu Nazaret” của Người, Đức Joseph Ratzinger đã viết những trang đáng để ý về sự hiệp nhất nầy giữa Cựu Ước và Tân Ước.
Dưới đây người ta sẽ tìm thấy được bài giảng của Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI ngày 28.06.2008 ở Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, ngày vọng lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, trong Giờ Kinh Chiều. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha trả lời các câu hỏi: THÁNH PHAOLÔ LÀ AI? Dưới nữa, người ta sẽ tìm thấy những mối liên hệ giữa hai bài giảng của Đức Thánh Cha và của Thượng phụ Constantinople.

THÁNH PHAOLÔ LÀ AI? NGÀI NÓI GÌ VỚI TÔI NGÀY NAY?
Đức Giáo Hoàng Biển-Đức XVI
Anh Chị em quý mến,
Chúng ta tụ họp nhau nơi đây cạnh mộ Thánh Phaolô, người đã sinh ra cách nay bai ngàn năm ở Tarse, miền Cilicie, trong cái ngày nay là nước Thổ Nhĩ Kỳ. PHAOLÔ NẦY LÀ AI VẬY? Ở đền thờ Giêrusalem, đối diện với đám đông muốn giết Ngài, Ngài tự giới thiệu bằng những lời nầy :”Tôi là người Do Thái. Sinh ở Tarse trong miền Cilicie, tuy vậy tôi được nuôi dạy tại đây,trong thành phố nầy [Giêrusalem] và chính dưới chân ông Gamaliel mà tôi đã được đào tạo tuân giữ luật lệ cha ông chúng ta và tôi đã được tràn đầy nhiệt tâm của Thiên Chúa…(Cv 22,3).
Cuối hành trình cuộc đời, Ngài sẽ nói về mình: ”Cha đã được đặt làm thầy dạy các dân ngoại, trong đức tin và chân lý“ (I Tm 2,7; x. II Tm 1,11). Thầy Dân Ngoại, tông đồ và người đưa tin của Chúa Giêsu-Kitô: Ngài định nghĩa về mình như vậy khi nhìn lại quảng đời Ngài đã đi qua. Tuy thế Ngài không chỉ quay lại nhìn quá khứ. Là thầy dạy dân ngoại: cụm từ nầy mở hướng tương lai, hướng về tất cả mọi dân tộc và mọi thế hệ. Với chúng ta, Thánh Phaolô không phải là một gương mặt của quá khứ, mà chúng ta kính mừng. Ngài cũng là tôn sư của chúng ta, vị tông đồ và người truyền lệnh của Chúa Giêsu-Kitô.
Vì thế chúng ta không tụ họp nhau lại đây để suy gẫm về một câu chuyện đã qua, đã chấm dứt. Chính là hôm nay mà Thánh Phaolô muốn nói với chúng ta. Chính đó là lý do mà tôi muốn khai mạc Năm Phaolô nầy, để chúng ta nghe Ngài nói và để Ngài dạy chúng ta, ngày nay, với tư cách là tôn sư, “đức tin và chân lý”, nơi bén rễ những lý do hiệp nhất của các môn đệ Chúa Kitô.
Trong viễn cảnh nầy, nhân kỷ niệm hai ngàn năm ngày sinh của Thánh Tông Đồ, tôi muốn thắp sáng một Ngọn Lửa Phaolô đặc biệt sẽ được cháy sáng trong vòng một năm trọn trong lò lửa đặc biệt được đặt dưới cánh cổng lớn bốn mái vòm của Đền thờ nầy [Thánh Phaolô Ngoại Thành].
Để làm cho kỷ niệm ngày sinh nầy được long trọng, tôi cũng đã khánh thánh Cửa Phaolô qua đó tôi vào trong Đền Thờ nầy, cùng tiến vào có Đức thượng phụ Constantinople [..] và những chức sắc tôn giáo khác. Tôi hết sức vui mừng về tính chất đặc biệt đại kết của việc tung ra Năm Phaolô nầy, do sự hiện diện của đông đảo đại biểu và đại diện của các Giáo Hội và Cộng đoàn giáo hôi khác, mà tôi đón tiếp với hết tấm lòng rộng mở […].
* * *
Chúng ta tụ họp nhau nơi đây để suy gẫm về vị Tông Đồ vĩ đại của các dân tộc. Để biết Ngài đã là người thế nào, nhưng nhất là để biết hiện Ngài là ai và muốn nói gì với chúng ta.
Hôm nay, khi mà chúng ta khai mạc Năm Phaolô, tôi muốn chọn lựa trong chứng từ phong phú của Tân Ước ba bản văn, hé cho chúng ta diện mạo nội tâm và nét đặc trưng tính tình của Ngài.
Trong thư gửi tín hữu Galata, Ngài đã trao cho chúng ta một tuyên xưng đức tin rất cá nhân, ở đó Ngài mở rộng tâm hồn cho độc giả của tất cả mọi thời và hé cho thấy động cơ riêng tư thầm kính nhất đời Ngài. ”Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến và phó mình vì tôi” (Gl 2,10).
Mọi hành động của Phaolô xxuất phát từ đó. Đức tin của Ngài là cái cảm nghiệm được Chúa Giêsu Kitô yêu thương theo cách hoàn toàn cá nhân. Đó là ý thức về sự việc rằng Chúa Kitô đã đương đầu với cái chết không phải vì một cái gì vô danh, mà là để yêu Ngài, Phaolô, và rằng vì là Đấng đã Phục Sinh, Chúa Giêsu Kitô luôn yêu thương Ngài và vì thế luôn trao ban mình vì Ngài. Đức tin của Phaolô, đó là bị đánh động bởi tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, một tình yêu làm đảo lộn tận đáy con người và biến đổi nó. Đức tin của Ngài không phải là một giả thuyết, một quan điểm về Thiên Chúa và về thế giới. Đó là tác động của tình yêu Thiên Chúa trên tâm hồn Ngài. Như vậy, chính đức tin nầy là tình yêu đối với Chúa Giêsu-Kitô.
Phaolô thường được giới thiệu như là một con người chiến đấu vận dụng các từ ngữ như những lưỡi gươm. Tóm lại, Ngài đã chiến đấu kiên vững trong đời tông đồ của Ngài. Ngài đã không tìm một sự hài hoà hời hợt. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, chính Ngài đã nói: ” Chúng tôi đã rao giảng Tin Mừng của Chúa với hết lòng tin cậy trước mặt anh em, giữa một cuộc chiến vất vả…Anh em biết rõ, chúng tôi chưa bao giờ có một lời nịnh nọt anh em” (I Tx 1, 2.5). Ngài có một quan điểm quá cao về chân lý để chấp nhận hy sinh nó cho một chiến thắng hời hợt. Phaolô đánh giá rằng chân lý mà Ngài đã biết được khi gặp Đấng Phục Sinh xứng đáng để Ngài chiến đấu, bị bách hại và chịu hy sinh đau khổ vì nó. Tuy nhiên, cái thúc đảy Ngài sâu xa nhất, lại chính là tình yêu của Chúa Giêsu Kitô và ước ao truyền tình yêu nầy cho những người khác. Phaolô đã bị ghi dấu bởi một tình yêu vĩ đại, giải thích mọi hành động và sự chịu đau khổ của Ngài. Những khái niệm nền tảng của việc Ngài loan báo chỉ có thể được hiểu trong nhãn quan nầy.
Chúng ta hãy tập trung vào một trong những từ khóa: tự do. Khi đã cảm nhận được Chúa Kitô yêu thương Ngài hoàn toàn, Ngài đã mở to đôi mắt trên chân lý và trên con đường sự hiện hữu của con người. Kinh nghiệm nầy bao trùm tất cả mọi sự. Thánh Phaolô tự do với tư cách là một người được thiên Chúa yêu thương, có khả năng vì Chúa mà yêu thương với Chúa. Tình yêu nầy từ nay là “luật lệ” cho cuộc đời Ngài và chính vì lý do nầy, đó là sự tự do của cuộc đời Ngài. Chính trách nhiệm tình yêu khiến Ngài nói năng và hành động. Tự do và trách nhiệm ở đây không thể tách rời nhau được. Phaolô tự do chính vì Ngài ở trong trách nhiệm tình yêu, Ngài sống hoàn toàn trong trách nhiệm của tình yêu nầy và không đánh mất tự do như là một cái cớ để lạm dụng và ích kỷ chính bởi vì Ngài yêu. Chính trong tinh thần ấy mà Thánh Augustinô đã nói lên một câu sau đó nỗi tiếng: “Dilige et quod vis fac”(x. I Ga 7, 7 – 8), hãy yêu và làm những gì bạn muốn. Ai yêu Chúa Kitô như Phaolô yêu Chúa, sẽ có thể làm những gì người ấy muốn, vì tình yêu của người ấy kết hiệp với ý muốn của Chúa Kitô và vì thế kết hiệp với ý muốn của Thiên Chúa, bởi vì ý muốn người ấy ăn rễ trong chân lý và bởi vì ý chí của người ấy không chỉ còn đơn thuần là ý chí của riêng mình, nắm giữ cái tôi tự quyết, nhưng thâm nhập vào tự do của Thiên Chúa, Đấng chỉ đường cho người ấy đi theo.
* * *
Trong việc tìm kiếm diện mạo bên trong của thánh Phaolô, tôi muốn nhắc lại bây giờ điều mà Chúa Kitô Phục Sinh đã nói với Ngài trên đường Damas. Thoạt tiên Chúa Giêsu hỏi Ngài: ”Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?”. Phaolô hỏi lại: ”Lạy Chúa, Ngài là ai?” và Chúa Kitô trả lời: ”Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,4s). Bằng việc bắt bớ Giáo Hội, Phaolô bắt bớ chính Chúa Giêsu. “Ngươi đang bắt bớ Ta”: Chúa Giêsu đồng hoá mình với Giáo Hội như một chủ thể duy nhất. Trong tiếng kêu lên của Đấng Phục Sinh, Đấng đã biến đổi cuộc đời của Saolô, cuối cùng tập trung tất cả giáo lý về Giáo Hội như là Thân Thể Chúa Kitô. Chúa Giêsu không rút lui lên trời mà bỏ lại trên trái đất một đoàn lũ môn đệ làm cho “chính nghĩa” của Người tiến tới. Giáo Hội không phải là một đoàn hội tìm cách thúc đẩy một chính nghĩa nào đó. Không phải là vấn đề một chính nghĩa, mà là con người của Chúa Giêsu Kitô, Đấng sau khi sống lại vẫn còn là “nhục thể”. Người bằng “xương bằng thịt” (Lc 24,39), như Đấng Phục Sinh khẳng định điều ấy với các môn đệ vốn đã tưởng Người là một con ma. Người có một thân thể. Ngừơi hiện diện bằng con người ở trong Giáo Hội của người, “Thủ Lãnh và Thân Thể” hình thành một chủ thể duy nhất, theo lời Thánh Augustinô. “Anh em không biết thân thể anh em là chi thể của Chúa Kitô ư?”, Thánh Phaolô đã viết như thế cho tín hữu Côrintô (I Cor 5,15). Và Ngài viết thêm : ”Cũng như theo sách Sáng Thế, người nam và người nữ trở nên một xác thịt, cũng thế Chúa Kitô trở nên một tinh thần duy nhất với những kẻ theo Người, nghĩa là nên một chủ thể duy nhất trong một thế giới mới của sự phục sinh” (x. I Cor 6,16)
Trong tất cả những điều ấy lộ rõ mầu nhiệm Thánh Thể, nơi mà Chúa Kitô liên lĩ trao ban Mình Người và làm cho chúng ta nên Thân Thể Người. “Bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông hiệp với thân thể Chúa Kitô đó sao? Bởi vì chỉ có một bánh, cho hết mọi người chúng ta, cho nên chúng ta làm thành một thân thể mà thôi, cho dù chúng ta đông đúc, bởi vì tất cả chúng ta đều dự phần vào tấm bánh duy nhất nầy” (I Cor 10,16). Hôm nay chúng ta lãnh nhận những lời nầy không chỉ từ Thánh Phaolô, nhưng là từ chính Chúa Giêsu: Làm sao các ngươi đã có thể xé rách Thân Thể của Ta? Trước nhan Chúa Giêsu, những lời nầy đồng thời cũng trở thành một đòi hỏi cấp bách: Xin hãy làm cho chúng con ra thoát khỏi tất cả những chia cắt nầy. Xin hãy làm ngày hôm nay lần nữa trở nên hiện thực. Chỉ có một bánh duy nhất, chúng ta chỉ thành một thân thể duy nhất, dù chúng ta đông đảo. Với Phaolô, đoạn nói về Giáo Hội như là Thân Thể của Chúa Kitô không phải là một so sánh nào đó. Điều nầy vượt xa hơn thế. “Tại sao ngươi bắt bớ Ta?”. Chúa Kitô không ngừng lôi kéo chúng ta vào trong Thân Thể Người. Người xây dựng Thân Thể Người từ trung tâm Thánh Thể, mà đối với Phaolô là trung tâm sự hiện hữu của Kitô giáo mà vì đó tất cả mọi người, cũng như mỗi môt người trong chúng ta, có thể cảm nghiệm nó theo một cách hoàn toàn cá nhân. Chúa yêu thương tôi và trao ban mình vì tôi.
* * *
Tôi muốn kết luận bằng một trong những câu cuối cùng của Thánh Phaolô. Ngài đang ở tù. Ngài sắp chết và Ngài cổ vũ Thánh Timôtê. “Hãy chịu đau khổ với Cha vì Tin Mừng” (II Tm 1,8). Câu nói nầy, giống như môt di chúc ở cuối hành trình của Vị Tông Đồ, đưa chúng ta trở về thời kỳ ban đầu cuộc truyền giáo của Ngài. Trong khi sau cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, Phaolô bị mù và đang ở nhà Ngài ở Damas, thì Anania được giao đi đến tìm kẻ bắt bớ đáng gờm và đặt tay trên anh ta để cho anh ta được sáng mắt lại. Sau khi đã phản đối rằng anh chàng Saolô nầy là một kẻ lùng bắt các Kitô hữu rất hiểm ác, Anania đã nhận được câu trả lời nầy: người nầy phải đem Danh Ta đến trước các dân tộc và các vua chúa; “chính Ta sẽ chỉ cho anh ta tất cả những gì anh ta sẽ phải chịu đau khổ vì Danh Ta” (Cv 9,15). Nhiệm vụ loan báo Chúa Kitô và lời kêu gọi chiu đau khổ vì Người liên kết với nhau không thể tách rời được. Lời kêu gọi dạy dỗ các dân tộc vừa cùng lúc và tự bản chất là một lời kêu gọi chịu đau khổ hiệp cùng Chúa Kitô, Đấng đã chuộc lại chúng ta bằng chính cuộc Khổ Nạn của Người.
Trong một thế giới mà lời nói dối đầy quyền uy, thì chân lý phải trả bằng cái giá chịu đau khổ. Những ai muốn tránh né đau khổ, đẩy nó xa khỏi mình, thì cũng đẩy chính sự sống và sự vĩ đại của sự sống xa khỏi mình. Người ấy không thể là một người phục vụ chân lý và vì thế không thể là người phục vụ đức tin. Không có tình yêu nào mà không phải chịu đau khổ, mà không đau khổ từ bỏ chính mình, biến đổi và thanh luyện cái tôi để có được sự tự do thật sự. Nơi nào không có gì đáng để cho ta chịu đau khổ, thì đời sống mất giá trị của nó. Bí Tích Thánh Thể - trung tâm Kitô giáo của chúng ta - đặt trên nền tảng hy lễ của Chúa Giêsu vì chúng ta. Nó sinh ra từ đau khổ vì tình yêu, tìm thấy đỉnh điểm ở trong Thánh Giá. Chúng ta sống nhờ vào tình yêu trao hiến nầy. Tình yêu ấy ban cho ta lòng can đảm và sức mạnh để chịu đau khổ với Chúa Kitô và vì Người trên thế gian nầy, biết rằng chính nhờ đó mà cuộc đời chúng ta trở nên lớn, trưởng thành và thật sự.
Dưới ánh sáng tất cả các thư của thánh Phaolô, chúng ta nhìn thấy lời tiên tri cho Anania được thực hiện thế nào trong hành trình của vị Tôn Sư Dân Ngoại khi đươc kêu gọi: ”Ta sẽ chỉ cho anh ta thấy tất cả những gì anh ta sẽ phải chịu đau khổ vì Danh Ta”. Sự đau khổ của Ngài làm cho Ngài đáng tin với tư cách là Thầy dạy chân lý, không tìm mưu ích cho mình, không tìm vinh quang, thoả mãn cá nhân của mình, nhưng dấn thân cho Đấng đã yêu thương chúng ta và đã trao ban cho hết thảy mọi người chúng ta”
Giờ đây chúng ta hãy cảm tạ Đức Chúa đã gọi Thánh Phaolô và đã làm cho Ngài nên một ánh sáng cho dân ngoại, một tôn sư cho hết thảy chúng ta và chúng ta hãy cầu xin Đức Chúa: Ngày nay cũng thế, xin hãy ban cho chúng con những chứng nhân sự Phục Sinh của Chúa, được tình yêu Chúa đánh động và có khả năng đem đến cho thời đại chúng con ánh sáng Phúc Âm.
Lạy Thánh Phaolô, xin cầu cho chúng con. Amen!

BTGH chuyển ngữ