PDA

View Full Version : Thuật lãnh đạo



omem2207
04-05-2011, 06:48 PM
PHẦN I





BẠN MUỐN TRỞ THÀNH


NGƯỜI LÃNH ĐẠO ?






THƯ NGỎ GỞI NGƯỜI TRƯỞNG

Những bài này được soạn cho bạn với ao ước rằng bạn sẽ trở nên một Người Trưởng có phẩm chất tốt. Cố nhiên, nếu bạn là một Trưởng có phẩm chất tốt, thì công việc phục vụ của bạn sẽ hữu hiệu hơn, và các bạn trẻ mà bạn giúp sẽ đạt kết quả khả quan hơn.
Nhưng mục đích của những bài này không chỉ có thế, mục đích của chúng còn cao hơn nhiều. Mong muốn của chúng tôi là bạn vẫn sống tư cách của Người Trưởng, không chỉ trong các sinh hoạt của nhóm mình, mà ở bất cứ nơi nào bạn đặt chân đến.
Một Trưởng trước hết là một Người Lãnh Đạo. Bạn đừng tưởng chỉ những người có địa vị chức tước mới là những Người Lãnh Đạo: bất cứ ai làm việc tốt và cuốn hút người khác làm những việc tốt như mình, người đó là một Người Lãnh Đạo. Đức Giê-su Ki-tô chưa bao giờ có địa vị chức tước ở trần gian này, nhưng lại là Vị Thủ Lãnh Tối Cao của chúng ta, bạn không thấy sao ? Đất nước này đang cần nhiều Người Lãnh Đạo như thế, Giáo Hội cần những Người Lãnh Đạo như thế. Bạn phải là một nhà lãnh đạo theo gương Thầy Chí Thánh: xã hội và Giáo Hội đang cần bạn.
Nhưng tiên vàn bạn hãy nhớ rằng:
· Lãnh đạo là một nhiệm vụ khó khăn.
· Lãnh đạo là một nhiệm vụ nặng nhọc.
· Lãnh đạo là một nhiệm vụ cao quý.
LÃNH ĐẠO LÀ MỘT NHIỆM VỤ KHÓ KHĂN:
Lãnh đạo là một nhiệm vụ khó khăn, bởi vì, dù chúng ta thường xuyên học hỏi, thì kinh nghiệm bản thân vẫn là một điều không thể thiếu được.
Bạn hãy khiêm tốn và thận trọng. Không bao giờ có sẵn một giải pháp cho vấn đề bạn gặp. Dừng tưởng rằng mình có thể giải quyết mọi sự. Đừng cho rằng trước bạn chưa có ai làm gì cả, và bạn đến, thế là mọi việc sẽ trôi chảy. Lôi cuốn người khác làm một việc trái với thói quen của mình quả là khó khăn. Những ngày qua, khi bạn phải lãnh đạo, chắc bạn đã cảm nghiệm được điều đó.
LÃNH ĐẠO LÀ MỘT NHIỆM VỤ NẶNG NHỌC:
Nhiệm vụ này đòi hỏi bạn phải quên mình, sống cho người khác, sống cho lý tưởng mà bạn nhắm tới, sống cho mục đích mà bạn đeo đuổi. Hơn một lần bạn sẽ phải thức trắng đêm đen để ưu tư nghĩ ngợi...
Và điều chua chát nhất lại chính là những người mà bạn giúp đỡ vươn lên sẽ gây cho bạn những ưu phiền đó. Rồi có những giờ máu lửa mà trách nhiệm đè nặng đôi vai. Đây là một nhiệm vụ mà mọi lầm lẫn sẽ bắt bạn trả giá rất đắt. Nhưng...
LÃNH ĐẠO CÒN LÀ MỘT NHIỆM VỤ CAO QUÝ:
Vì nhiệm vụ này đòi hỏi bạn phải xứng đáng. Nó không cho phép bạn sống với trung bình chủ nghĩa. Và nếu bạn là một người có tâm huyết, nhiệm vụ này sẽ giúp bạn vượt qua chính mình, giúp bạn triển nở nhanh chóng, giúp bạn trở nên một Con Người đúng nghĩa, một Ki-tô hữu đích thật.
Nhờ bạn, một số người sẽ có đời sống tốt đẹp và phong phú hơn. Nhờ bạn, sẽ có thêm ít nhiều hạnh phúc trên quê hương này, trên thế giới này, và lý tưởng sẽ vươn lên trong lòng những người bạn gặp gỡ. Đó là điều nhiều người đang mong ước nơi bạn, và cùng với niềm mong ước đó, thân ái gởi đến bạn những bài khóa sau đây, dựa theo cuốn L’ART D’ÊTRE CHEF của Linh Mục Gaston Courtois.


TRẦN DUY NHIÊN





BÀI KHÓA 1: CÓ NIỀM TIN



I. GỢI Ý:
Một Người Trưởng, nghĩa là một thủ lãnh, muốn thành công thì phải tin tưởng vào những gì mình làm, phải tin tưởng vào những gì mình kêu gọi người khác làm. Chúng ta chỉ thành công trong việc thực hiện một dự định với điều kiện chính chúng ta là người đầu tiên tin tưởng vào mục đích mà chúng ta nhắm đến và tự tin rằng chúng ta có thể đạt được mục đích đó.
Tin tưởng vào mục đích: Đó là điều kiện tiên quyết, bởi vì Người Lãnh Đạo là người có trách nhiệm đưa một nhóm người cùng thực hiện một mục đích chung, đòi hỏi mỗi người phải vươn lên, phải phấn đấu liên tục. Chúng ta thừa hiểu rằng trong một công cuộc như thế, chúng ta sẽ gặp phải những trở ngại, những sự thiếu thông cảm, những sự ù lì của những người mà chúng ta chịu trách nhiệm. Tất cả những khó khăn đó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh: nhưng chúng ta chỉ có thể hy sinh cho một ai đó, hay cho một cái gì trổi vượt chúng ta và lôi cuốn chúng ta. Đó là quy luật tâm lý sơ đẳng.
Một Người Trưởng muốn cho cộng đoàn, cho nhóm của mình tiến bộ thì phải ý thức tính chất cao quý của công việc mà tập thể đang tiến hành; chỉ có thế, Người Trưởng mới đủ sức tiến lên và cùng đưa bạn hữu mình tiến lên.
Nhưng tin tưởng vào mục đích thôi thì chưa đủ, còn phải tin vào khả năng có thể thực hiện được mục đích đó. Dĩ nhiên, giữa “những gì có thể thực hiện được” và “thực tế” có một khoảng cách đôi khi khá lớn ( nếu không thì còn cần gì đến Người Trưởng ? ). Nhưng muốn thực hiện được một mục tiêu thì bước đầu tiên là phải tin rằng mục tiêu đó có thể biến thành hiện thực.
Một Người Trưởng không tin tưởng ở thành công là một người chắc chắn sẽ thất bại. Chỉ có những thủ lãnh hăng say mới có những quyết định táo bạo ( cố nhiên là có suy nghĩ ), và những quyết định này được thực hiện với trọn vẹn niềm tin. Kết quả là họ làm được những điều mà người khác cho là không thể làm được. Để có thể trở thành một thủ lãnh như thế, chúng ta phải khơi dậy nơi mình lòng ham thích trách nhiệm, vì tính chất cao cả của nó. Phải hun đúc lòng mình bằng những ước mơ cao quý. Người nào thấy lý tưởng của mình bị thu hẹp, người ấy dần dần đánh mất niềm tin. Người nào để niềm tin mình tiêu hao, người ấy sẽ không bao giờ là một thủ lãnh thật sự !
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Vì sao bạn muốn trở thành một Người Trưởng đích thật ? Phải chăng vì muốn thỏa mãn ý thích được ra lệnh, được tổ chức, được quyền lợi ( ít ra là về tinh thần ), và được mọi người chú ý ? Hay vì bạn muốn biến cuộc đời mình thành một cuộc đời cao đẹp và hữu ích ?
2. Nếu phải ghi lại lý tưởng của bạn trong một hai hàng trên giấy, bạn sẽ ghi như thế nào ?
3. Bạn có cảm thấy mình có khả năng sống chết cho lý tưởng đó ngay bây giờ không ?
4. Bạn có xem lời dạy: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em !” ( Ga 20, 21 ) là đèn soi cho mọi hành vi của mình khi bạn thi hành nhiệm vụ Người Trưởng không ?
5. Bạn có chọn một phương châm để sống và thường xuyên nhớ đến nó không ?
6. Bạn có dễ dàng bỏ qua khuyết điểm của mình không ?
7. Bạn có muốn nhóm mình, cộng đoàn mình, đất nước mình ngày càng tốt đẹp hơn không ? Bạn có muốn góp phần thay đổi thế giới này không ?
8. Bạn có thấy mình đủ sức làm cho thế giới này tốt hơn một tý, đẹp hơn một tý, sạch hơn một tý, hạnh phúc hơn một tý không ?
9. Bạn có tin tưởng vào những gì mình làm không ?
10. Bạn có dễ dàng bỏ cuộc hay nhụt chí không ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Vì sao có niềm tin lại là phẩm chất đầu tiên của một Người Trưởng ? Làm thế nào để giữ vững niềm tin đó ? Hãy nêu những việc làm cụ thể.
IV. RÈN LUYỆN:
Chọn một việc cụ thể đã nêu khi thảo luận và làm trong tuần.
Chọn một câu làm phương châm sống trong tuần, viết bằng nét chữ lớn và dán vào nơi thường thấy nhất, hoặc thuận tiện nhất để có thể đọc đi đọc lại nhiều lần trong ngày.
Mỗi ngày hãy chọn một việc khó hơn cái bình thường một chút và hoàn tất nó với niềm tin là mình sẽ làm được.
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
“Nếu anh em có Lòng Tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “Rời khỏi đây, qua bên kia !” thì nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.” ( Mt 17, 20 ).




BÀI KHÓA 2: LÀM CHỦ BẢN THÂN




I. GỢI Ý:
Một Trưởng muốn người khác tuân phục mình thì trước hết, người đó phải có khả năng bắt mình phải tuân phục chính mình. Nói cách khác: người ấy phải biết làm chủ bản thân. Thiếu tự chủ, không ai có thể làm chủ được sự vật, chứ đừng nói đến làm chủ con người. Người Trưởng đặc biệt phải biết: làm chủ miệng lưỡi, làm chủ thần kinh, và làm chủ trái tim của mình.
1. Người Trưởng đúng nghĩa luôn làm chủ miệng lưỡi mình:
Họ thường ít nói, không phải vì không biết ăn nói, nhưng vì họ tránh nói những điều thừa hoặc vô ích. Họ không cần phải kể lể cho mọi người những việc mình làm, hay những tâm tư tình cảm của mình. Họ hiểu rằng phải nghe nhiều và ít nói để hành động hữu hiệu.
Người khéo nói có thể tạo một ảo tưởng nào đó, nhưng khi thực hiện không đúng như điều đã nói, họ sẽ bị xét đoán nghiêm khắc. Không gì nguy hiểm cho Người Trưởng bằng việc chỉ nói để mà nói, điều này thể hiện một sự thiếu tự chủ. Một Người Trưởng như thế, không sớm thì muộn, sẽ bị các thành viên trong nhóm coi thường.
2. Người Trưởng đúng nghĩa làm chủ hệ thần kinh của mình:
Là người luôn đi đầu, nên trong giờ phút khó khăn nhất, các thành viên trong nhóm sẽ nhìn vào Người Trưởng, nhìn vào cơ bắp trên gương mặt Người Trưởng để nhận định tình hình. Chỉ cần một thoáng do dự, một mảy may sợ hãi là cả tập thể sẽ nản chí, buông xuôi, đầu hàng.
Sự trầm tĩnh của Người Trưởng chính là nơi an toàn cho mọi bước đi của nhóm. Muốn giữ được thần kinh vững chắc, Người Trưởng không có quyền để cho công việc chôn vùi mình. Một căn bệnh thường thấy nơi Người Trưởng là cái cảm giác mình còn quá nhiều việc phải làm. Hình như đó là một thứ bệnh tưởng hơn là một căn bệnh thật sự. Thật ra, điều làm cho chúng ta uể oải và bực dọc không phải là những việc chúng ta làm, mà là những việc chúng ta không thể làm được vì thiếu tiên liệu và thiếu tổ chức.
Người Trưởng phải biết sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên: việc nào quan trọng, việc nào ít quan trọng, việc nào làm trước, việc nào làm sau. Hãy dành một số thời gian bắt buộc để suy nghĩ trong yên lặng mà không ai có quyền quấy rầy. Phương cách bình tâm hay nhất là: đặt mình trong trạng thái suy niệm và cầu nguyện. Nhưng dù dùng phương cách nào đi nữa, thì yêu cầu là luôn luôn để đầu óc mình minh mẫn và tâm hồn bình thản.
3. Người Trưởng đúng nghĩa làm chủ trái tim mình:
Dĩ nhiên, Người Trưởng phải độ lượng, khả ái, thông cảm, nhưng không bao giờ có quyền để cho thiện cảm hoặc ác cảm dẫn dắt. Không bao giờ để tình cảm lên tiếng trước khi lý trí ngỏ lời, nếu không, người ấy sẽ phải cải chính, phải phân trần, từ đó, sẽ bị mọi người coi thường và uy tín cũng mất theo.
Tóm lại, muốn là một thủ lãnh đích thật thì phải biến mình thành một ông chủ chân chính, nghĩa là: làm chủ được bản thân mình.
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Bạn có phải là người mà các vị hữu trách tin cậy trao đổi khi thiết lập một kế hoạch không ?
2. Buổi sáng, bạn có thức dậy đúng giờ như đã định và ra khỏi giường ngay lập tức không ?
3. Với một người khác quan điểm với mình, bạn có khả năng ngồi nghe họ phát biểu trong vòng 10 phút mà không ngắt lời không ?
4. Bạn có khả năng tỏ ra bình tĩnh đang khi bực tức, tỏ ra khả ái khi có chuyện bất bình đối với người dưới không ?
5. Bạn có hay than van kể lể không ?
6. Bạn có bao giờ từ chối hoặc hoãn lại một thú vui chính đáng ( không xem 1 cuốn phim, đọc trễ một lá thư đang mong... ) để làm chủ ý chí và tình cảm của mình không ?
7. Khi bạn đang làm một việc gì thích thú, bạn có thể ngưng ngay mà không bực bội không ?
8. Trước khi bắt tay vào một công việc, bạn có dự kiến các trở ngại và phương thức giải quyết những trở ngại đó không ?
9. Bạn có tìm được cho mình ít ra là một cách thức để tự chủ trong những trường hợp căng thẳng không ?
10. Bạn có dành thì giờ để yên lặng, suy tư, cầu nguyện đều đặn không ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Tự chủ có thật sự cần thiết cho Người Lãnh Đạo không ? Tại sao ? Bạn nghĩ rằng mình phải làm gì để có thể phát triển phẩm chất “tự chủ” ?
IV. RÈN LUYỆN:
Mỗi sáng, bạn dự định một vài việc “hãm mình” trong ngày, để bắt thân thể mình quen phục tùng ý chí của mình ( Không nói tiếng nào suốt buổi sáng nếu không có ai hỏi gì; mỉm cười liên tục trong một giờ; nhịn hẳn một bữa ăn... )
Tìm ra 1, 2 biện pháp và tập thành thói quen để tự chủ khi gặp việc căng thẳng hay bối rối ( Im lặng và thở thật sâu; chuyển mọi bực bội vào cơ bắp; gợi lên trong đầu một hình ảnh, một kỷ niệm; đọc ngay một câu châm ngôn... )
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” ( Mc 9, 34 ).





BÀI KHÓA 3: VÔ VỊ LỢI



I. GỢI Ý:
Vô vị lợi, đúng là một yêu cầu thật cao, nhưng đó là một yêu cầu cần thiết. Dưới một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể nhắc lại câu châm ngôn của khóa trước làm nền tảng cho những suy tư hôm nay: Người Lãnh Đạo chính là người tôi tớ. Nếu thế thì người chủ chính là những người mình đang chịu trách nhiệm. Người tôi tớ đúng nghĩa không bao giờ hành động vì quyền lợi của mình, mà luôn luôn thực hiện quyền lợi của chủ !
Người Trưởng được giao nhiệm vụ là để phục vụ tập thể; đấy là người đại diện và người thi hành các quyết định vì quyền lợi của tập thể. Người Trưởng không có quyền tìm kiếm quyền lợi hoặc mưu tìm tiếng tăm cho mình. Người Trưởng đi đến đích vì đó là nnhiệm vụ chứ không phải là để chứng tỏ tài năng của mình. Người Trưởng đúng nghĩa là một người vô vị lợi. Khi Người Trưởng tìm kiếm quyền lợi cho chính mình dưới hình thức này hay hình thức khác, người đó đã phản bội tập thể.
Dĩ nhiên, với tư cách là Trưởng, người ấy có một số quyền lợi chính đáng và một số quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ. Điều đó là phải lẽ. Thế nhưng, nếu quyền hạn và quyền lợi trở nên mục đích chính yếu thì đó là điều nguy hiểm. Ai nghĩ đến mình thì quên tập thể. Ngày nào mà quyền lợi bản thân và quyền lợi tập thể không còn khớp với nhau nữa thì Người Trưởng đã phản bội tập thể. Và điều này không phải là không thể xảy ra.
Cao vọng, hiểu theo nghĩa ước mơ cao cả là một điều tốt đẹp, nó giúp mình vượt trở ngại để phục vụ tốt hơn, nhưng nó trở nên nguy hiểm nếu nó làm cho mình thỏa mãn tính hiếu thắng, có xu hướng muốn ngồi trên đầu trên cổ người khác. Người Trưởng là người tôi tớ, người phục vụ, chứ không phải là người bắt kẻ khác phục vụ mình.
Một danh nhân đã chia loài người thành 4 hạng như sau:
§ Dưới hết là hạng người muốn làm giàu.
§ Cao hơn một tý là hạng người muốn trở thành một cái gì đó.
§ Cao hơn nữa là hạng người muốn trở thành một ai đó.
§ Và trên đỉnh là hạng Người Lãnh Đạo, nghĩa là những người muốn phục vụ tập thể, lớn hay nhỏ, bằng cách quên mình.
Vô vị lợi: một đức tính có thể là khó tìm thấy một cách tinh ròng nơi mọi Người Trưởng. Nhưng đó lại là hòn đá thử vàng để biết được ai là người thủ lãnh chân chính.
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Bạn có để ý đến quyền lợi người khác trong quá trình thi hành quyền lãnh đạo không ?
2. Bạn có dễ dàng đặt mình vào chỗ người khác không ?
3. Khi tranh luận, bạn có cố gắng nhìn vấn đề dưới khía cạnh của người đối thoại không ?
4. Bạn có thích đem cái “tôi” ra trưng không ? Bạn có hay nói đến quá khứ “của bạn”, thành công “của bạn”, dự kiến “của bạn” không ?
5. Khi sự việc xảy ra đúng như bạn dự kiến, bạn có thốt ra một cách tự mãn: “Tôi đã tính trước rồi !” hoặc một câu tương tự như thế không ?
6. Bạn có bị ảnh hưởng của lời khen đến độ biết rằng lời khen ấy không hoàn toàn đúng sự thật nhưng vẫn thích nghe không ?
7. Bạn có chấp nhận phục vụ mà không cần ai biết đến không ?
8. Bạn có bao giờ giúp ai một cách vô danh không ?
9. Bạn có thường tỏ ra cho mọi người biết rằng thành công của tập thể là do công của mọi người chứ không phải công của bạn không ?
10. Khi một công việc bị thất bại, bạn có thấy ngay rằng mình chính là người duy nhất phải chịu trách nhiệm và phải trả giá không ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
“Vô vị lợi là một đức tính khó tìm thấy tinh ròng ở mọi Người Trưởng”. Nhận định này đúng hay sai ? Tại sao ?
“Con người không thể sống hoàn toàn vô vị lợi, mà chỉ có thể ngụy trang quyền lợi của mình thôi”. Bạn nghĩ sao về nhận định này ?
IV. RÈN LUYỆN:
Suốt một tuần, tìm mọi cách tránh dùng chữ “tôi” trong lời nói.
Mỗi tối, hãy xét lại công việc đã làm và động cơ đã khiến mình làm việc đó, đặc biệt là những việc làm vì người khác.
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
“Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” ( Mt 20, 28 ).




BÀI KHÓA 4: QUẢ QUYẾT VÀ KIÊN TRÌ



I. GỢI Ý:
Chọn lựa. Dĩ nhiên cần suy nghĩ, nhưng phải chọn lựa. Có nhiều người sợ hãi khi cần phải bước tới, do dự khi cần phải cương quyết. Có thể họ là những thuộc hạ tốt, nhưng không bao giờ là Người Lãnh Đạo tốt.
Một Người Trưởng trước hết là một người biết lãnh nhận trách nhiệm, và đôi khi phải quyết định dứt khoát. Trong đời sống, người ta cần giải quyết những vấn đề lớn nhỏ và giải quyết không ngừng. Đôi khi các vấn đề ấy có một tầm mức quan trọng, nhất là khi đối tượng của vấn đề là con người. Chính vì thế, trước khi quyết định, cần phải tiên liệu, cân nhắc mọi giải pháp.
Thường thì nhiều giải pháp đều có vẻ hợp lý như nhau, nhưng không có giải pháp nào tuyệt hảo. Thế là chúng ta do dự và quyết định nửa vời. Không có gì nguy hiểm cho bằng ! Một Người Trưởng do dự, thế nào cũng đi đến thất bại và làm cho các thành viên trong Nhóm chùn bước.
Bổn phận của Người Trưởng là xác định một điểm mà mọi sức lực phải tập trung vào để đạt thành công, hay thực hiện một bước tiến bộ. Một quyết định đúng lúc ( dù bất toàn ), tiếp theo là biện pháp sít sao để triển khai, luôn luôn tốt hơn là chờ đợi một giải pháp lý tưởng nhưng lại không bao giờ đem ra thực hiện. Dưới khía cạnh này, quyết định thì tốt hơn là sự chính xác. Thế nhưng, quyết định tự nó vẫn chưa đủ !
Điều quan trọng không phải là lệnh ban ra, nhưng là lệnh được chấp hành. Kết quả tùy thuộc vào sự kiên trì thực hiện hơn là biện pháp.
“Kế hoạch 1 – Biện pháp 10 – Quyết tâm 100”
Một số Trưởng hiện nay, ít nhiều còn mắc phải cái bệnh xuề xòa thiếu quả quyết ( vì không ý thức hết tầm mức nhiệm vu, hay do cả nể bạn bè ). Họ không biết này muốn gì. Những Người Trưởng chạy theo vui buồn của những người mình chịu trách nhiệm ( vốn là những phần tử chậm tiến nhưng lại to miệng ) và những Người Trưởng thay đổi quyết định như chong chóng thì làm sao có thể là thủ lãnh được ? Tại sao một số Trưởng lại dễ chán nản vì nói không ai nghe ? Lý do là những người ấy thiếu kiên trì và quả quyết.
Muốn kiên trì và quả quyết, người thủ lãnh phải tự rèn luyện những phẩm chất cơ bản: làm chủ bản thân và có một ý chí sắt thép.
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Bạn thích nhận trách nhiệm, hay là bạn sợ trách nhiệm ?
2. Khi đem một quyết định mới ra thi hành, bạn vui thích hay khổ sở ?
3. Khi có nhiều công việc phải hoàn tất, bạn có do dự lâu trước khi quyết định khởi sự một công việc nhất định không ?
4. Bạn có thường gác lại ngày mai những gì có thể làm hôm nay không ?
5. Khi phải làm một việc không lấy gì thích thú, bạn có khuynh hướng hoãn lại hay bạn khởi công một cách quả quyết ?
6. Bạn có để cho một trở ngại làm chùn bước hay vui tươi vì thấy đó là một khó khăn phải vượt qua ?
7. Bạn có thay đổi ý kiến thường xuyên không ?
8. “Người này biết mình muốn gì, và những gì người ấy muốn thì người ấy sẽ biến thành hiện thực” Người ta có thể nói về bạn như thế không ?
9. Gặp thất bại, bạn chán nản bỏ cuộc, hay sẽ bật dậy bắt đầu lại ngay ?
10. Bạn có sẵn sàng bỏ thì giờ và công sức để thực hiện cho bằng được một điều mình đã quyết định không ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
“Sống là chọn lựa, và chọn lựa là hy sinh ?” Trong nhiệm vụ làm Trưởng, bạn đã có hành động chọn lựa nào ? Bạn đã hy sinh những gì ? Có cần kiên trì và quả quyết để chọn lựa như thế chăng ?
IV. RÈN LUYỆN:
Trong một tuần, bạn hãy chuẩn bị kế hoạch cho từng ngày ( càng chi tiết càng tốt ) và cố gắng theo thời khóa biểu đó một cách khít khao.
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
“Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” ( Mt 24, 13 )





BÀI KHÓA 5: TINH THẦN TỔ CHỨC KỶ LUẬT



I. GỢI Ý:
Người Trưởng không bao giờ hành động một mình. Người Trưởng làm việc trong một tổ chức. Người ấy phải biết phục tùng bề trên, ít nhất là để nêu gương cho những người dưới quyền điều động của mình.
Trong các tổ chức tự nguyện, cấp trên thường nói năng nhẹ nhàng, giải quyết mọi việc trong tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm. Vì thế, nếu Trưởng nào tự giác chưa cao và tinh thần trách nhiệm chưa vững, thì người ấy sẽ thi hành mệnh lệnh một cách chiếu lệ. Từ đó xảy ra một bầu không khí chậm chạp, uể oải. Không khí này rất tai hại cho quyền lợi tập thể,nhất là trong trường hợp Người Trưởng đòi hỏi mọi người một quyết tâm cao để khắc phục một khó khăn nào đó.
Nếu tư cách đạo đức và khả năng của cấp trên sáng ngời, khiến chúng ta khâm phục, Người Trưởng sẽ vâng lệnh một cách thoải mái: đó là điều hay nhất. Nhưng cũng có trường hợp người cấp trên không hội đủ các đức tính làm chúng ta khâm phục, thì sự vâng lời cấp trên cũng vẫn là điều không thể thiếu để cho tập thể thăng tiến.
Cố nhiên, tinh thần dân chủ đòi hỏi chúng ta có bổn phận trình bày mọi khía cạnh của vấn đề để cấp trên có cái nhìn rõ ràng và chính xác trước khi quyết định. Nhưng một khi quyết định đã được ban hành, dù cho quyết định ấy có trái với ý kiến của mình, Người Trưởng cũng vẫn phải thi hành đúng mức, không bực bội, phàn nàn. Một hành vi hay lời nói làm giảm uy tín của cấp trên đầu làm giảm uy tín của Người Trưởng, đồng thời làm giảm sức bật của tập thể mình đang chịu trách nhiệm.
Thật ra, sự vâng phục không làm giảm giá trị bản thân, nhưng giúp cho mọi người thấy được chỗ đứng của mình. Khi Người Trưởng thi hành tốt một lệnh ban ra thì, dưới một khía cạnh nào đó, người ấy đã đồng hàng với người ra mệnh lệnh.
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Qua các cấp lãnh đạo, bạn có biết nhìn vào nhiệm vụ chứ không nhìn vào con người của họ không ?
2. Bạn có chống lại xu hướng chỉ trích cấp trên không ?
3. Bạn có đem nhược điểm của cấp trên ra làm đề tài vui cười không ?
4. Bạn có coi cấp trên như một người mà mình không nên gây chuyện để tránh phiền phức, hay ngược lại, như một người giúp đỡ mình làm tốt nhiệm vụ ?
5. Bạn có thấy rằng: việc nghi ngờ cấp trên sẽ làm mất đi niềm vui phục vụ, và việc phê bình cấp trên làm cho nhóm mình mất tin tưởng và nhiệt huyết không ?
6. Bạn có hiểu rằng: việc bạn vâng phục cấp trên là một cách làm tăng uy tín bạn đối với nhóm mình phụ trách không ?
7. Bạn có thể thoải mái thi hành đúng đắn một mệnh lệnh trái với sở thích và quan niệm của mình không ?
8. Khi cần truyền một mệnh lệnh, bạn đã truyền như một cái máy, hay bạn sẽ đặt mình vào vị trí của người ra lệnh.
9. Với một mệnh lệnh không đúng đắn của cấp trên, bạn có phản ứng như thế nào ?
10. Bạn có biết rằng: thiếu tinh thần tổ chức kỷ luật thường là biểu hiện của người thiếu sức mạnh tinh thần không ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
“Nghệ thuật lãnh đạo là nghệ thuật vâng lời. Ai không biết tuân lệnh, sẽ không biết ra lệnh”. Bạn hãy phân tích và bình luận tư tưởng ấy.
IV. RÈN LUYỆN:
Trong 1 tuần, bạn cố gắng không phê bình chỉ trích cấp trên, dù cho có cơ sở đi nữa. Tập vâng lời cách nhanh nhẹn, vui tươi trong mọi trường hợp.
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa... Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.( Pl 2, 6 . 8 )




BÀI KHÓA 6: TỰ TRỌNG



I. GỢI Ý:
Tinh thần tổ chức kỷ luật đối với cấp trên là bổn phận của một thủ lãnh, một Người Trưởng. Nhưng tinh thần ấy không bao giờ lại là tinh thần ve vuốt, nịnh hót, luồn cúi. Thường thường, những người quá săn đón bề trên lại là những người đòi hỏi cấp dưới một cách quá đáng. Điều này đi ngược lại với quan niệm về lãnh đạo.
Người Trưởng phải là người biết tôn trọng giá trị của con người, giá trị của bề trên cũng như giá trị của cấp dưới.
Có 2 động cơ khiến chúng ta tuân lệnh bề trên:
§ Động cơ tình cảm: Chúng ta vâng lời bề trên vì tin tưởng người ấy, vì người ấy biết làm cho chúng ta phấn khởi, hăng say. Tắt một lời, vì chúng ta thích người ấy.
§ Động cơ lý trí: Chúng ta vâng lời bề trên vì ý thức rằng nhiệm vụ của người ấy là phối hợp những cố gắng của tập thể để hướng về một mục tiêu nhất định.
Trên thực tế, 2 động cơ này không mâu thuẫn đối kháng . Tốt nhất là cả hai cùng tồn tại một lúc. Nhưng điều cần lưu ý là động cơ thứ hai phải là động cơ nền tảng và phải được đặt ưu tiên. Nếu chúng ta chỉ vâng lời bề trên vì người ấy có một nhân cách xứng đáng, thì rủi một ngày nào đó, vì một lý do khách quan, người ấy không còn như xưa, chúng ta sẽ cảm thấy mình bị lừa gạt.
Dù sao đi nữa, vâng lời một người chỉ vì nhân cách của người ấy thường là dấu hiệu cho thấy chính mình chưa có lòng tự trọng cao. Người Trưởng nào phải dựa vào nhân cách của cấp trên mới có thể vâng lệnh, người đó là một người thiếu cá tính, và sẽ dẫn đến tình trạng dựa vào uy tín người cấp trên để hành động, để quyết định. Một người như thế khó mà trưởng thành về mặt tâm lý.
Vì vậy, một Người Trưởng biết tự trọng thì sẵn sàng vâng lời cấp trên mà không cần ai thuyết phục hay vỗ về. Có như thế, Người Trưởng mới có tinh thần tự trọng. Điều này thật cần thiết, vì nếu Người Trưởng không biết tự trọng thì không thể nào mong mỏi người khác tôn trọng mình, và những người khác đó, trước tiên, chính là các thành viên trong nhóm mình chịu trách nhiệm.
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Thái độ cộng tác của bạn có khác nhau khi cấp trên có mặt và cấp trên vắng mặt không ? Nếu có, thì vì sao có sự cách biệt đó ?
2. Bạn có chăng cái khuynh hướng không muốn thi hành mệnh lệnh của người mình không ưa, thậm chí là còn muốn làm ngược lại, dù bạn không thấy lệnh ấy có gì sai ?
3. Bạn có hiểu rằng: tuân lệnh không phải là phục tùng một cách tiêu cực, nhưng là sự hợp tác tích cực với cấp trên vì quyền lợi của tập thể không ?
4. Bạn có suy nghĩ thật kỹ về một lệnh trước khi truyền nó đi, để biến nó thành một lệnh của chính mình ban ra không ?
5. Bạn có biết rằng: người tự trọng không phải là người nhiều tự ái, nhưng lại chính là người nhiều tự tin ?
6. Bạn có khuynh hướng quá nhún nhường trước bề trên, và lại quá đòi hỏi cấp dưới chăng ?
7. Khi bạn yêu cầu tập thể của mình làm tốt một nhiệm vụ thì chỉ vì bạn muốn giữ uy tín mình với bề trên hay vì bạn nghĩ đến quyền lợi tập thể ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Tại sao một con người tự trọng lại vâng lời cấp trên vì lý trí hơn là vì tình cảm ? Tại sao vâng lời một cách mù quáng thường làm giảm uy tín của mình và đem bất lợi đến cho tập thể ?
IV. RÈN LUYỆN:
Đối với cấp trên, bạn hãy giữ thái độ đúng mức, không khép nép sợ hãi; trả lời khẳng khái, nhìn thẳng vào mặt cấp trên; phát biểu chính xác, không để tình cảm dính vào.
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
Thân mẫu Đức Giê-su nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” ( Ga 2, 5 ).

omem2207
04-05-2011, 06:50 PM
BÀI KHÓA 7: TINH THẦN ĐOÀN KẾT



I. GỢI Ý:
Muốn thành công, Người Trưởng phải có tinh thần đoàn kết. Có đoàn kết mới phát huy được trí lực và ý chí tập thể. Khi các Trưởng thiếu đoàn kết thì cả tập thể đâm ra lục đục, bởi vì có 2 trường hợp có thể xảy ra:
§ Tập thể sẽ chia làm 2 phe để ủng hộ người này mà chống lại người kia, và những gì phe này xây dựng thì phe kia đạp đổ.
§ Cả tập thể sẽ coi thường cả Trưởng nhóm vì thấy họ không đủ tư cách lãnh đạo.
Giữ tinh thần đoàn kết, đó là vấn đề sống chết. Trong lời nguyện hiến tế, Đức Giê-su đã xem sự hiệp nhất là yếu tố căn bản của các tông đồ, nghĩa là nhóm những Người Trưởng mà Người để lại trong thế gian. Người đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta...” ( Ga 17, 11 ).
Chúng ta không ngây thơ đến độ tưởng rằng: gìn giữ sự đoàn kết giữa các Trưởng là một điều dễ dàng, nhất là khi đoàn kết mà vẫn phải thẳng thắn đấu tranh, phê bình.
Các Trưởng đều là những người có cá tính, và vì vậy, họ dễ va chạm nhau. Biết như thế, mỗi Trưởng phải biết thông cảm với người khác, phải biết đứng vào chỗ của bạn mình để xem xét vấn đề. Chỉ có thế thì lời phê bình góp ý mới thật sự là một phương tiện giúp nhau cùng tiến bộ.
Tuy nhiên, thông cảm không phải là xuề xòa, ba phải, bỏ qua những hạn chế của nhau. Nếu thiếu đấu tranh thẳng thắn thì không thể có đoàn kết thật sự. Sự dối trá luôn luôn làm hỏng tinh thần đoàn kết, vì nó làm cho các Trưởng đâm ra nghi ngại nhau. Thế nhưng, phải thắng thắn trong tinh thần yêu thương và cởi mở, nghĩa là không bao giờ lên án Người Trưởng khác.
Các Trưởng trong cùng một tập thể đều cùng nhắm một mục tiêu mà phấn đấu. Vì vậy, những điều khác biệt phần nhiều chỉ là khác biệt về hình thức hơn là về nội dung. Chỉ cần nhắc lại cho nhau mục tiêu ấy là mọi chuyện sẽ được giải tỏa dễ dàng.
Đối với các Trưởng trong các nhóm Tin Mừng ( Giảng Dạy Giáo Lý, Chia Sẻ Lời Chúa, Tông Đồ Bác Ái... ), mục tiêu thật rõ: làm cho hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô trở nên rõ nét hơn trong lòng mọi người.
Ý thức liên tục như thế, các Trưởng sẽ biết đấu tranh thẳng thắn và cởi mở. Có được tinh thần thẳng thắn và cởi mở thì các Trưởng sẽ là một khối đoàn kết. Và đoàn kết là sức mạnh !
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Bạn có đặt mình vào cương vị người khác dễ dàng không ?
2. Bạn có cố gắng nhìn vào các ưu điểm của mọi người chung quanh hơn là xăm xoi những nhược điểm của họ ?
3. Bạn có chấp nhận dễ dàng là: người khác có quyền suy nghĩ không giống như bạn không ?
4. Khi tranh luận, bạn có cố gắng tìm hiểu lý lẽ của người đối thoại không ?
5. Bạn có nghĩ rằng: khi có một sự bất đồng, thì đương nhiên phải có người hoàn toàn đúng và có người hoàn toàn sai không ?
6. Khi tranh luận, giọng nói của bạn có gắt gỏng không ?
7. Bạn có biết rằng: làm cho ai đó đóng cửa miệng, thì cũng làm cho họ đóng cửa lòng không ?
8. Khi có một mối bất hòa với một Trưởng khác, bạn có nghĩ rằng mình phải là người đi bước trước, và phải giải tỏa ngay trong vòng 24 giờ không ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Tinh thần đoàn kết đòi hỏi bạn từ bỏ cá tính hay sẽ giúp bạn triển nở những cá tính tốt ?
IV. RÈN LUYỆN:
Trong tuần này, bạn hãy tìm đến một Trưởng mà mình thấy ít thông cảm nhất để trao đổi và đấu tranh trong tinh thần đặt mình vào cương vị người ấy.
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
“Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy thương yêu nhau” ( Ga 15, 17 ).





BÀI KHÓA 8: UY QUYỀN



I. GỢI Ý:
Người Trưởng luôn ở vị thế phải ra lệnh, hay ít ra là phải truyền lệnh, nghĩa là xác định cho mọi người trong tập thể vị trí và công việc mình phải làm để biến tập thể thành một khối thống nhất, hướng về một mục tiêu nhất định.
Điều này không phải dễ, vì Người Trưởng trong nhiều trường hợp cũng chỉ là một thành viên của tập thể và không có gì trổi vượt trên người khác. Vả lại, ra lệnh là đòi hỏi người ta hành động, mà hành động có nghĩa là tập thể phải bỏ thêm công sức.
Ra lệnh là đòi hỏi mọi người vượt qua chính mình, đòi hỏi người khác đi ngược với cái quy luật lười biếng thụ động luôn luôn tiềm tàng trong mỗing. Đòi hỏi như thế thật khó. Nhiệm vụ của Người Trưởng là tạo một bầu khí thuận lợi để cho mỗi người có thể đóng góp hết sức mình. Một thủ lãnh có tài chính là người mà chỉ sự hiện diện của mình đã đủ cho mọi người cùng tiến lên.
Đừng tưởng các thành viên trong nhóm có thể đồng tình với một Người Trưởng xuề xòa ba phải. Cố nhiên, có một số người sẽ lạm dụng, nhưng rồi sau đó lại phê phán khắt khe và chỉ trích Người Trưởng không biết tổ chức và qquản lý. Người Trưởng quá dễ dãi, để cho tập thể sa sút, sẽ không bao giờ nhận được cảm tình thật sự của các thành viên trong tập thể, nhưng chỉ là sự coi thường. Những thành viên tích cực nhất dần dần cũng sẽ đâm ra tiêu cực, vì không ai còn muốn góp sức vào một tập thể mà ai muốn làm gì thì làm.
Sự cứng rắn của một Trưởng là một đảm bảo, và là một động lực cho các thành viên có tinh thần, đồng thời cũng là một sức ép đối với những thành viên tiêu cực mà bất cứ tập thể nào cũng có, không nhiều thì ít. Những người này chỉ mong cho Người Trưởng chùn bước là họ buông xuôi ngay.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Một Trưởng yêu cầu cao nhiều khi có lợi cho tập thể hơn, vì tránh cho tập thể những vấp váp nặng nề trong chuyện lớn. Nhiều Trưởng có những điều kiện bẩm sinh như vóc dáng, nét mặt, giọng nói, dễ làm cho tập thể sẵn sàng nghe lời. Tuy nhiên, bất cứ Trưởng nào cũng có thể tự rèn luyện cho mình các phầm chất tạo uy tín.
Một Người Trưởng càng xác tín vào mục đích mà mình đang hướng dẫn tập thể đạt tới, thì uy quyền mình càng gia tăng. Uy quyền Người Trưởng gia tăng thì không hề phương hại đến cá tính từng thành viên trong tập thể, nhưng ngược lại, có thể giúp mỗi người mau trưởng thành hơn, vì đã được tập luyện để quên mình mà cống hiến cho tập thể, nghĩa là cho tha nhân.
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Bạn có biết rằng: uy quyền không nằm trong nghệ thuật truyền lệnh, mà là nơi nghệ thuật làm cho người khác thi hành lệnh không ?
2. Bạn có sợ hãi việc phải ra lệnh, hoặc ngược lại, bạn có thích ra lệnh để mà ra lệnh không ?
3. Trước khi ra lệnh, bạn có cân nhắc để thấy 2 điều: một là lệnh ấy cần thiết; hai là những người nhận lệnh có khả năng thực hiện được ?
4. Bạn có phải là loại Trưởng chuyên năn nỉ tập thể thi hành một lệnh, hoặc ngược lại, tỏ ra vênh váo vì có người phải thi hành lệnh mình ?
5. Khi ban hành một lệnh, bạn có quyết tâm theo dõi để lệnh đó được thi hành không ?
6. Bạn có hiểu rằng: Người Trưởng không có quyền đánh mất uy thế của mình, và có bổn phận làm cho người khác tôn trọng uy thế đó không ?
7. Bạn có tôn trọng nguyên tắc: “Một mệnh lệnh đưa ra phải ngắn gọn, nhưng rõ ràng và đầy đủ” ?
8. Khi ban hành lệnh, bạn có phân công người chịu trách nhiệm thi hành, nói rõ yêu cầu và thời hạn không ?
9. Khi chưa chắc người thừa hành đã hiểu lệnh, bạn có yêu cầu họ nhắc lại lệnh không ?
10. Khi tập thể không tôn trọng uy quyền của bạn, bạn có nghĩ rằng bạn có lỗi đối với tập thể không ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Muốn có uy tín và uy quyền, Người Trưởng phải có những điều kiện gì ?
IV. RÈN LUYỆN:
Nhiều lần trong ngày, khi làm một việc, hay bảo người khác làm một việc, bạn hãy trả lời thật nhanh những câu hỏi sau đây: Ai ? Cái gì ? Ở đâu ? Lúc nào ? Thế nào ? Tưởng tượng ra một số lệnh phải truyền, rồi viết lại thành một nội dung ngắn gọn nhất, nhưng đầy đủ và rõ ràng.
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
“Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” ( Mt 7, 28 – 29 ).





BÀI KHÓA 9: CÔNG MINH



I. GỢI Ý:
Khi một Người Trưởng đã có uy thế, thì các thành viên sẽ đòi hỏi được đánh giá một cách công minh. Chỉ cần một sự bất công nhỏ là uy thế của Người Trưởng có nguy cơ sụp đổ ngay.
Công minh là biết tuyên dương hay phê bình chính xác, là hiểu được sự cố gắng của mỗi người, và nếu cần, hiểu được nguyên do đã làm cho một người nào đó không thể tiến thêm được nữa.
Công minh là không thiên vị bất cứ trường hợp nào, là đánh giá theo sự kiện chứ không theo tình cảm. Công minh là tôn trọng quyền hạn mà mình đã được giao phó. Công minh là không quy trách nhiệm cho người khác khi mọi việc không xảy ra một cách tốt đẹp, nhất là khi người thừa hành đã nỗ lực thực hiện mệnh lệnh vượt khả năng, hoặc người ấy thực hiện không đạt yêu cầu chính vì lệnh của mình ban ra không chính xác.
Cuối cùng, công minh là trung thực, là thực hiện thật tốt những gì mình đòi hỏi người khác làm, là không dành về mình một quyền lợi vật chất hay tinh thần trên công sức của người khác.
Người Trưởng cần phải công minh. Thiếu công minh, sẽ mất cả uy tín lẫn uy quyền, và bao nhiêu phẩm chất khác cũng bị tập thể quên đi.
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Bạn có thường bênh vực cho thành viên khi gặp bất công không ?
2. Bạn có thích làm nổi bật những thành tựu của thành viên mình không ?
3. Bạn có ghê tởm sự giả dối không ?
4. Khi bạn có một khuyết điểm, hay phạm phải một sai lầm, bạn có nhìn nhận dễ dàng, hay bạn tìm cách chối quanh ?
5. Bạn có trọng chữ Tín không ?
6. Bạn có bao giờ tha thứ cho bản thân một lỗi lầm mà mình lại đi khiển trách người khác không ?
7. Khi gặp thất bại, bạn nhận lấy trách nhiệm, hay bạn sẽ đổ lỗi cho người khác, hoặc đổ tại hoàn cảnh ?
8. Có bao giờ bạn thiên vị vì cảm tình riêng, hay vì cả nể không ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Bạn hiểu sự công minh như thế nào ? Đối với bạn, sự công minh có tầm quan trọng như thế nào trong các phẩm chất của Người Trưởng ?
IV. RÈN LUYỆN:
Hãy ghi lại những hạn chế trong khi trả lời những câu hỏi tự kiểm, và tìm biện pháp xóa bỏ những hạn chế đó cho đến khi dứt hẳn.
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
“Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ !” ( Mt 5, 37 )










BÀI KHÓA 10: TẾ NHỊ



I. GỢI Ý:
Đối tượng hành động của một Trưởng không phải là cái máy, nhưng là con người, với tình cảm, ý chí, lòng tự trọng...
Vì thế, bổn phận của Người Trưởng là biết rõ từng người trong tập thể mình chịu trách nhiệm, không những biết tên tuổi, chỗ ở, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, mà còn phải biết cả tính tình, khả năng, xu hướn của họ, và nếu có thể, biết tâm tư tình cảm và những mối liên hệ của họ. Điều này không phải là một chuyện quá khó, nhưng nhiều khi Người Trưởng không làm vì nghĩ rằng nó không quan trọng.
Mặt khác, khi biết rõ về một người nào đó, thì Người Trưởng lại tỏ ra “thông cảm” quá mức, nghĩa là quá dè dặt, cả nể, và không dám yêu cầu cao.
Cả hai thái độ nói trên, hoặc không muốn biết gì, hoặc biết rồi lại không muốn đòi hỏi mẩy may, đều chẳng phải là thái độ tế nhị. Người tế nhị luôn luôn tôn trọng phẩm giá của từng thành viên trong nhóm, nhưng không vì thế mà mình trở nên yếu hèn, không dám phê bình, không dám đặt yêu cầu cao.
Người tế nhị là người biết thuyết phục mà không lớn tiếng, biết phê bình mà không nhục mạ.
Các Trưởng của các tập thể tự nguyện thường rơi vào một trong 2 thái cực sau:
§ Một là: nêu lên các khuyết điểm của thành viên, nhưng liền sau đó, kể ra cả chục lý do để biện bạch và bênh vực, đến độ các khuyết điểm ấy hầu như trở thành các ưu điểm !
§ Hai là: phê bình một cách hằn học những mặt còn hạn chế của thành viên, khiến lòng tự ái của họ bị tổn thương.
Trong cả 2 trường hợp ấy, Người Trưởng đều thiếu tế nhị. Người Trưởng là người có lý lại có tình. Tế nhị là phẩm chất của một người tự tin và tin tưởng vào mục đích của mình. Thiếu tự tin, Người Trưởng xử sự như một người hèn nhát chứ không phải là một người tế nhị.
Người Trưởng tế nhị là người biết tạo ra bầu khí phấn khởi để cùng nhau thăng tiến, để mọi người góp sức vào việc chung. Mọi hành vi khiến cho bầu khí ấy mất đi đều là hành vi thiếu tế nhị. Người Trưởng tế nhị biết dùng lý trí để cưỡng bách và đồng thời, dùng tình cảm để kêu gọi, như thế, Người Trưởng vừa được kính trọng, vừa được mến thương.
Tóm lại, Người Trưởng tế nhị là người mà các thành viên cảm thấy giá trị của họ được nâng cao khi cùng cộng tác trong một việc chung.
Người Trưởng thường bị phân vân khi thấy cần làm phật ý mích lòng một thành viên và bảo vệ cho nỗ lực chung của tập thể. Người Trưởng tế nhị cần tôn trọng nguyên tắc sau đây: Sự tế nhị đối với mọi người có thể cho phép mình làm tổn thương người đã cản trở công việc chung trong ý hướng muốn giúp cho bản thân người ấy thăng tiến.
Thế nhưng Người Trưởng không có quyền gây tổn thương cho ai vì lý do cá nhân của mình, hoặc không được gây tổn thương một cách vô ích. Xét cho cùng, chúng ta chỉ có quyền làm đau lòng một người để khuyết điểm của người ấy không gây đau lòng cho nhiều người khác, chứ không bao giờ chúng ta có quyền làm tổn thương một ai cốt cho công việc được diễn ra vừa ý mình.
II. CÂU HỎI TỰ KIỂM:
1. Bạn có cân nhắc kỹ càng những cung cách đối xử với tập thể, để các thành viên đồng thời vừa giữ được tinh thần hăng say, lại vừa giữ được tinh thần kỷ luật không ?
2. Lời ăn tiếng nói của bạn có nhã nhặn không ?
3. Khi có một thành viên làm hỏng việc tập thể, bạn có muốn “trả thù” cho hả giận, hay bạn muốn giúp đỡ để người ấy tiến lên cùng với tập thể ?
4. Bạn có đủ uy tín khiến cho mọi lời tuyên dương của bạn là một sự động viên, và mỗi lời phê bình của bạn là một kích thích làm cho người khác vươn lên không ?
5. Khi phê bình ai, bạn có thái độ hằn học, hay bạn vẫn trầm tĩnh nhưng dứt khoát ?
6. Không một thành viên bị khó khăn, đau ốm, tai nạn, hoặc gia đình có tang, bạn có chạy ngay đến với người đó không ?
III. ĐỀ TÀI THẢO LUẬN:
Hãy nêu lên một vài trường hợp cụ thể để chứng minh rằng: tế nhị không phải là xuề xòa, buông thả.
Tế nhị có đi ngược lại với uy quyền không ? Tại sao ?
IV. RÈN LUYỆN:
Tưởng tượng một trường hợp cụ thể mà bạn phải phê bình một ai đó. Bạn hãy phê bình vào máy cát-xét, sau đó tự đặt mình vào cương vị của người được phê bình để nghe lại băng cát-xét, suy nghĩ xem cách cư xử ấy có làm cho bạn tiến bộ không ? Rút kinh nghiệm cho những dịp bạn cần động viên các thành viên của nhóm mình chịu trách nhiệm.
V. PHƯƠNG CHÂM SỐNG:
“Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy !” ( Lc 6, 31 ).

omem2207
04-05-2011, 06:55 PM
bài post chưa xong omem2207 đang bận việc nên sẽ post đầy đủ trong thời gian sớm nhất


nguồn: tài liệu giáo lý viên


( Xin biết ơn Trưởng Hồ Hiền Hòa là người bảo huynh đã ân cần cung cấp tài liệu )