PDA

View Full Version : Đọc truyện lúc 0 giờ



anhhuongtho
11-05-2011, 07:24 AM
ĐỌC TRUYỆN LÚC 0 GIỜ



Có thể nói giữa thời đại @ này, khi ngôn ngữ “chát” đang được nhiều người có ý kiến nên thẩm định và đưa vào trong từ điển thì việc cổ vũ cho vấn đề giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt lại đang có xu hướng bị quên lãng. Người ta bắt đầu đổ xô đi đọc những gì nhanh nhạy nhất, “hót” nhất đang được mọi người quan tâm. Báo lá cải dường như đang lên ngôi trên nhiều Website, các diễn đàn để bàn luận những chuyện phiếm, tán gẫu nhiều hơn bàn về vấn đề làm thế nào để nâng cao đời sống đạo đức và giữ gìn gia phong. Chính khi đó, “GÁNH ĐỜI MẸ”, một tác phẩm không của riêng ai, một tác phẩm của những người không chuyên trong việc cầm bút nhưng lại là tác phẩm chân thực như cơm áo gạo tiền hàng ngày của cuộc sống con người đã ra mắt bạn đọc.

Cũng giống như một vườn hoa có nhiều chủng loại, mỗi loài có một đặc trưng riêng, màu sắc riêng, cuốn “Gánh Đời Mẹ” như một bản hợp xướng của một ca đoàn mang tính tuyển lựa nơi giáo xứ nào đó. Mỗi người ca một giọng khác nhau nhưng đều đi theo một ca khúc chung.

Viết về Mẹ không phải là đề tài mới lạ nhưng cái lạ của cuốn sách nằm ở tính chân thực, nó ghi lại những kỷ niệm có thực của nhiều mảnh đời khác nhau.

Nghèo và khổ. Cái chữ ấy dường như cứ bám riết lấy cuộc sống con người trong tác phẩm. Cái nghèo quẩn quanh sau lũy tre làng, sau hàng dậu dâm bụt, mồng tơi, thậm chí sau cả những ánh đèn thành phố.

Ta sẽ bắt gặp bao nhiêu người mẹ phải bươn trải với đói khổ để duy trì một cuộc sống gia đình, để nuôi các con khôn lớn: “Mang bầu mấy chị em tôi, Má vẫn ì ạch đạp xe đi bán cho tới cận ngày sinh. Đường đất đá, trơn trượt vào những ngày mưa khiến nhiều lần Má ngã đổ cả hàng hóa ra đường. Cứ năm này sang năm khác, Má như thân cò chẳng quản mưa nắng sớm hôm…” [1] (https://thanhcavietnam.net/forum/#_ftn1). Nỗi khổ của thân cò lặn lội nuôi chồng con lận đận kiếm sống chưa đủ mà nhiều khi còn không tìm được sự nâng đỡ, cảm thông từ chính chồng của mình.

Chỉ trong nỗi niềm thương yêu chân thành của người con, những lao nhọc trong đời thường của mẹ mới hiện lên lung linh. “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” là hình ảnh của Mẹ tôi. Sáng sớm, Mẹ đã phải tranh thủ ra vườn nhổ cỏ cho từng luống rau, đậy tranh khô lên những luống rau con để khi trời mưa rau không bị dập nát”[2] (https://thanhcavietnam.net/forum/#_ftn2).

Nhiều người cho rằng người mẹ của thời @ hôm nay đâu cần phải hát ru con. Công nghệ điện tử phát triển, các ca khúc dân ca trên điện thoại có thể giúp cho người mẹ bớt lao nhọc. Nhưng cái chân thực luôn có giá trị của nó. “Con còn nhớ hơn khi nhớ về nhà mình cách đây khoảng trên dưới chục năm. Ngày ấy, nhà mình đâu đã có máy giặt. Ngày ấy con cũng đâu còn nhỏ gì nhưng cũng chưa tự giặt quần áo. Ngày ấy, Má cũng giống như “chiếc máy giặt” vậy. Má giặt từng cái quần cái áo cho con, cho Ba, cho các anh chị nữa.”[3] (https://thanhcavietnam.net/forum/#_ftn3) Nếu máy móc thay cho tất cả công sức con người, người mẹ để cho Ô sin thay mình làm tất cả công việc nội trợ và chăm sóc con của mình, thì làm sao đứa con cảm nghiệm được tình thương của mẹ?

Mấy ai không giật mình khi nghe những thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng về những “người mẹ cầm súng”, những người mẹ khước từ thiên chức làm mẹ của mình bằng những việc làm tàn nhẫn, thì ta mới nhận ra giá trị đích thực của tình mẫu tử? Sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội đã tới lúc cần gióng lên những hồi chuông để cảnh tỉnh. Những ai có thiện chí trong việc dựng xây đời sống đạo lý đều không khỏi giật mình trước thống kê xã hội học về con số phá thai tại Việt Nam hiện nay.


http://nhacthanh.uni.cc/updata2/ab3fa6e9635958891d47a05cfb99b129.jpg


Cuốn sách không phải nơi hội tụ những cây bút chuyên nghiệp nên còn nhiều hạn chế về ngôn từ cũng như tư tưởng chưa diễn đạt khúc triết.

Lật lại những trang “GÁNH ĐỜI MẸ” lúc 0 giờ, giữa thời điểm giao nhau ngày cũ và ngày mới, ta không khỏi suy tư về cuộc đời: Đâu là giá trị chân thực của cuộc sống hôm nay? Đâu là chuẩn mực đạo lý cần phải giữ gìn. Bình minh sẽ lên, một ngày mới sẽ tới, lại có thêm những phát minh khoa học làm thăng tiến nhân loại, người làm báo chí truyền thông lại cũng có thêm những thông tin mới cho bạn đọc. Và biết đâu, trong các thông tin ấy lại có những con số thống kê về hiện trạng phá thai đến chóng mặt của Việt Nam. Sẽ có bao người mẹ bước vào ngày mới với lo toan cho cơm áo của con mình. Cũng sẽ có bao bà mẹ ngoảnh mặt chối bỏ huyết nhục của mình. Than ôi, cuộc sống là vậy! Chính thời điểm 0 giờ này càng làm cho độc giả phải băn khoăn. Ngày hôm qua đang khuất dần sau thời khắc hiện tại, những gì còn lưu đọng lại có phải là những dấu ấn tốt đẹp về ân tình, ân nghĩa? Có bao bà mẹ mang trên vai những gánh nặng cuộc đời đang ẩn hiện trong suốt chiều dài tác phẩm. Ngày mai họ sẽ tiếp tục bước đi trong nghị lực phi thường, bởi họ có tình yêu của người mẹ.

Liệu “GÁNH ĐỜI MẸ” có đủ sức để lan tỏa tới bạn đọc trong ngày mới hay không?


Nguyên Hương



[1] (https://thanhcavietnam.net/forum/#_ftnref1) Lê Thị Thanh Hằng, “Má Ơi, Con Yêu Má!”, “GÁNH ĐỜI MẸ” , NXB Tôn Giáo 5/2011

[2] (https://thanhcavietnam.net/forum/#_ftnref2) Trần Thị Ánh Tuyết, “Ba Mẹ Tôi Nghèo”, “GÁNH ĐỜI MẸ” , NXB Tôn Giáo 5/2011

[3] (https://thanhcavietnam.net/forum/#_ftnref3) Anton Vũ Duy Tư, “Chiếc Máy Giặt”, “GÁNH ĐỜI MẸ” , NXB Tôn Giáo 5/2011

hongbinh
11-05-2011, 02:00 PM
Quê tôi nghèo lắm, một vùng trũng nằm hai bên bờ sông Ngàn Sâu cuồn cuộn mỗi năm hai mùa lũ, dân tôi đã nghèo càng thêm đói bởi thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nắng với gió lào cháy da cháy thịt, mưa tầm tã mang theo cái lũ cuốn trôi đi từng hạt thóc mà mọi người dành dụm, lạnh thì cá dưới sông suối chết, trâu bò chết,người cũng lê lết bởi thiếu mặc, thiếu chăn, ngôi nhà lợp tro chênh vênh với tre nứa không đủ sức che kín từng cơn gió lạnh ùa vào..... Ấy thế mà quê tôi vẫn sống, sống mạnh mẽ nhờ những bà mẹ nhà quê chân đất, nón cời áo tơi môi luôn mỉm cười trước mọi nghịch cảnh, Mẹ quê tôi đông con lắm cháu, cả cuộc đời tần tảo không một lời oán than vì đông cháu lắm con, nhưng trái lại mẹ vui mừng đón nhận con cháu vì đó chính là ân lộc từ trời, người mẹ có héo hon vì vất vả nuôi con nuôi cháu, những cũng rất đỗi vui mừng vì có cháu có con lớn nhanh từng ngày bởi đôi chân trần và đôi bàn tay chai sần của mẹ, Mẹ dạy đạo làm người cho con bằng những lời ru man mác dưới gốc cây khế sau hè, trên chiếc chõng tre hay theo nhịp võng trưa chiều....
Người quê tôi lớn lên và trưởng thành nhờ bầu sữa và tiếng hát ru của mẹ, bởi thế dẫu đi đâu hay về đâu thì tiếng mẹ thiêng liêng không bao giờ lịm tắt trên đôi môi và tận trái tim mỗi người, nhà ở quê tôi bây giờ lớn hơn, khang trang hơn, đời sống tiện nghi hơn nhưng may mắn thay tiếng hát ru chưa bị mai một, bên cạnh những những âm thanh của ca nhạc đương đại tiếng hát ru vẫn nổi lên từng chiều, từng đêm trong những ngôi nhà xây hiện đại...

Chúng tôi biết ơn vô cùng bởi những bà mẹ đã không "gái hay trai chỉ hai là đủ", " dừng lại ở 2 con để nuôi con khỏe dạy con ngoan", đã sinh chúng tôi, cho chúng tôi được làm người dẫu ngày ngày chỉ cơm độn khoai ngày hai bữa không đủ no, không nỡ lòng nào rút chúng tôi ra khỏi lòng mẹ, đã làm gương và dạy chúng tôi biết quý trọng lời ru, quý trọng sự sống, quý trọng tâm hồn, quý trọng lao động, quý trọng tình làng nghĩa xóm, nhờ đó chúng tôi vươn mình ra biển rộng với lòng biết ơn vô hạn hai tiếng mẹ yêu.

anhhuongtho
11-05-2011, 08:09 PM
MỘT SỐ HÌNH ẢNH "GÁNH ĐỜI MẸ"



http://nhacthanh.uni.cc/updata2/1134c4ac51cabe7cf1a22e59db249871.jpg


http://nhacthanh.uni.cc/updata2/7aa2cd25dbcc9a2709f6b5dfb011b39a.jpg


http://nhacthanh.uni.cc/updata2/0fe4cd42842b26e0d39ec73cacc8a7d7.jpg



Nguồn:

http://www.chuongtrinhchuyende.com/ctcd/jsp/client/album.jsp?groupId=20110411205706&viewType=2