Ðăng Nhập

View Full Version : TIẾNG TRỐNG KÊU OAN



hongbinh
20-05-2011, 04:50 PM
TIẾNG TRỐNG KÊU OAN


http://gpphanthiet.com/uploads/news/2011_05/cai-trong.jpg

Trang web của Uỷ ban Công lý và Hoà bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam mở mục Tiếng trống Kêu oan như một địa chỉ để người dân hoặc tín hữu có thể nói lên những khiếu nại, tố cáo, oan sai nhằm đạt được công lý và hoà bình, ngoài những phương cách đang có như trình bày thẳng với chính quyền, giáo quyền hoặc qua đoàn thể, cộng đồng, tổ chức xã hội trong nước hay ngoài nước. Để độc giả hiểu rõ hơn mục này, chúng tôi xin trình bày thêm vài điểm sau đây:
1. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ


1.1. Từ tiếng chuông kêu oan

Đã là con người, không ai mà không có lúc lầm lỡ, người nắm giữ quyền hành không thể không có lúc gây oan ức, bất công. Vì thế, trong lịch sử văn minh nhân loại, những chính quyền hay giáo quyền thật sự biết lo cho dân, trọng công lý và nhân nghĩa, đều đặt ra nhiều phương cách để người dân hoặc tín hữu có thể khiếu nại, tố cáo, trình bày nỗi oan sai của mình. Các vị vua hiền ở đất nước ta rất quan tâm đến việc này.
Năm 1040, vua Lý Thái Tông giao việc xét xử, kiện tụng của dân cho chính thái tử Khai Hoàng Nhật Tôn, dùng điện Quảng Vũ của thái tử làm nơi xử kiện. Năm 1042, vua cho xây dựng Bộ luật Hình thư đầu tiên của nước ta, quy định phân minh các việc xử phạt, tránh việc làm tuỳ tiện, những lạm dụng của các quan lại gây ra oan trái cho dân. Bộ luật này đã thất truyền, chỉ còn Bộ luật Hồng Đức, thời nhà Lê sau này (x. Minh Tuấn, Đầu năm nghĩ về tiếng chuông kêu oan, Việt Báo, thứ Năm, 4-1-2007).
Trong cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư có kể Lý Thái Tông Hoàng đế là vị vua đầu tiên đặt ra tiếng chuông kêu oan (chung Đăng Văn) vào năm 1052. Trên nền điện Càn Nguyên, nhà vua đã cho xây điện Thiên An, thềm trước điện gọi là Long trì (thềm rồng) “phía Đông thềm rồng đặt điện Văn Minh, phía Tây thềm rồng đặt điện Quảng Vũ, hai bên tả hữu thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên” (Trì chi Đông trí Văn Minh điện, Tây chí Quảng Vũ điện, trì chi tả hữu đối lập chung lâu để đăng văn, tiểu dân thứ mục oan uổng trì chi) (x. tr.19b, cột 8).
墀之東置文明殿西置廣武殿墀之左右對立鍾楼以登聞小民 獄寃枉墀之. [19b*8*1]
Trì chi đông trí Văn Minh điện, tây trí Quảng Vũ điện, trì chi tả hữu đối lập chung lâu dĩ đăng văn, tiểu dân thứ ngục oan uổng trì chi.
Năm 1158, vua Lý Thần Tông cũng “cho đặt cái hòm đồng ở giữa sân chầu để ai có việc gì thì bỏ thư vào hòm ấy”. Hình thức này cũng giống như người dân có oan sai được quyền gửi thư khiếu nại lên chủ tịch nước hay văn phòng chính phủ để xin giải oan cho mình.
1.2. Tới tiếng trống kêu oan
Tiếng trống kêu oan (Đăng Văn Cổ) có từ thời vua Lê Thái Tông. Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư (tr.7, cột 8) có nhắc đến vụ tri huyện Dặc Khiêm bào chữa cho Phạm Luận, cả hai đều bị oan sai, bị giải về Yên Kinh. Nhờ có người anh của Khiêm đánh trống Đăng Văn khiếu oan nên mới được miễn tội (Khiêm kỷ hãm tội, Khiêm huynh kích đăng văn cổ đắc miễn).
謙幾陷罪謙兄擊登聞皷得免. [7b*8*12]
Khiêm kỷ hãm tội, Khiêm huynh kích đăng văn cổ đắc miễn.
Đến đời vua Tự Đức, triều Nguyễn, trống Đăng Văn là biểu hiện nghiêm minh của công lý, vừa thể hiện tính dân chủ vì kêu trực tiếp tới vua. Trống Đăng Văn treo ở Ty Tam Pháp, ở đoạn giữa cửa Thượng Tứ và cửa Ngăn tại kinh thành Huế. Vua ra lệnh trong thành nội không ai được đánh trống để khỏi lầm với tiếng trống Đăng Văn.
Người ta thực hiện tiếng trống này như sau: bất cứ ai bị xử oan ức thì đến lầu đặt trống, đánh 3 tiếng dõng dạc và 1 hồi vang vọng. Viện Đô Sát và Đại Lý Sự cử người trực ở chòi trống vào các ngày 6,16,26 mỗi tháng. Hễ thấy ai đánh trống kêu oan thì nhận đơn rồi đưa thẳng lên nhà vua. Vua đọc xong sẽ phê ngay trên đơn và đưa xuống Ty Tam Pháp xét xử ngay. Nếu đúng, vua sẽ ra lệnh phán quyết.
Để đề phòng người ta tự tiện đánh trống về những chuyện vớ vẩn, người đánh trống tự trói tay chân mình để xác định mình sẵn sàng chịu mọi hậu quả về việc kêu oan và chịu trách nhiệm về tiếng trống mình đánh (x. www.google.com, Nguyễn Quang Hà, Trống Đăng Văn: Một biểu tượng công lý, ngày 21-2-2011).


http://gpphanthiet.com/uploads/news/2011_05/220thu20lam20thanh201.jpg

2. TIẾNG TRỐNG KÊU OAN NGÀY NAY

2.1. Quyền kêu oan của người dân

Hiến pháp 1992 đã quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân tại Điều 74, nhưng 6 năm sau, luật khiếu nại mới được Quốc hội thông qua, ngày 2-12-1998, và phải thêm gần 5 năm nữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành nghị quyết số 388/NQ, ngày 17-3-2003, về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Ngày 25-3-2004, các ngành liên quan mới ban hành Thông tư Liên tịch, số 01/2004/TTLT để hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết 388 nói trên. Luật khiếu nại, tố cáo của Quốc hội năm 1998 đã được sửa đổi bổ sung vào những năm 2004,2005 và gần đây nhất là 1-6-2006: xác định quyền và nghĩ vụ của người khiếu nại, tố cáo cũng như trách nhiệm của cơ quan giải quyết khiếu nại.

Luật này yêu cầu cơ quan giải quyết trong thời hạn 30 ngày sau khi nhận đơn bằng văn bản rõ ràng, nếu không sẽ bị xem xét kỷ luật. Còn người khiếu nại phải trình bày trung thực sự việc và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và các chứng cứ, tài liệu đã cung cấp.

2.2. Tình trạng kêu oan ở Việt Nam

Tình trạng khiếu nại oan sai tại nước ta rất cần những tiếng trống kêu oan. Chính phủ đã báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2009 gửi Quốc hội. Theo đó, trong năm 2009, các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp 307.797 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận 206.105 đơn thư tố cáo. Như thế, có tới hơn nửa triệu lần tiếng trống kêu oan được đánh lên, nhưng thử hỏi ai có trách nhiệm giải quyết và giải quyết như thế nào?
Báo cáo phân tích kết quả giải quyết 29.741 vụ việc khiếu nại, cho thấy tỷ lệ công dân khiếu nại, tố cáo đúng và đúng một phần vẫn còn cao. Điều này chứng tỏ công tác quản lý Nhà nước và việc giải quyết các quyền lợi của công dân nơi các cấp chính quyền vẫn còn nhiều thiếu sót, bất cập, cần phải có biện pháp để chấn chỉnh (x. V.V. Thành, Báo điện tử Tuổi Trẻ, thứ Năm, 22-10-2009).

Ông Trần Thế Vượng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân nguyện Quốc hội, đã chia sẻ băn khoăn như sau: “Theo báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao, khoảng 10% số án bị khiếu tố được xem là có dấu hiệu oan sai. Nếu cộng thêm cả những đơn khiếu nại của Viện Kiểm sát, tỷ lệ oan sai chắc chắn sẽ nhiều hơn 10%. Đây là một vấn đề đáng chúng ta quan tâm vì nếu tỷ lệ vượt 10% thì chất lượng xét xử ở các toà án sơ thẩm tại Việt Nam quả thật cần nhiều tiếng trống kêu oan” (x. Báo điện tử Tuổi Trẻ, thứ Bảy, 25-10-2008).

Trong lĩnh vực xã hội dân sự, ngoài những vụ oan sai trong quá trình bắt, giam, xử tù oan uổng còn biết bao vụ tranh chấp dân sự, kinh tế như các vụ tranh chấp đất đai, bồi thường đất, mua nhà đã trả tiền nhưng chủ lại không chịu giao nhà, những vụ án về lao động, kinh tế… Hàng trăm ngàn hồ sơ về những vụ việc này đang tồn đọng tạo nên những bức xúc, uất ức vì bị thiệt thòi quyền lợi, bị xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm đã khiến nhiều người rơi vào tình trạng hỗn loạn tâm thần, có người liều mình tìm đến cái chết hoặc nhờ nhóm xã hội đen giải quyết bằng bạo lực.

2.3. Tình trạng kêu oan trong lĩnh vực tôn giáo

Trong lĩnh vực tôn giáo, nhiều tín hữu tin tưởng rằng các vị lãnh đạo trong Giáo Hội như giám mục, linh mục, bề trên dòng tu thay mặt Chúa để xét xử, phán quyết nên không thể sai lầm. Quả thật, “Chúa không lầm”, nhưng con người rất nhiều khi lầm lẫn.
Sự lầm lẫn này bắt nguồn từ tính cách giới hạn, thiếu hiểu biết của con người, nhưng cũng có khi đến từ những lương tâm sai lạc, từ những con người lạm dụng quyền lực Chúa ban để chiều theo những tính toán riêng tư của cá nhân.

Người tín hữu dưới quyền thường âm thầm chịu đựng mà không dám khiếu nại, tố cáo vì không biết phải làm như thế nào, gửi đơn khiếu nại, tố cáo ở đâu, cho ai… Nhiều người chịu đựng không nổi đâm ra bất mãn, mất đức tin. Nhiều tu sĩ bất mãn đành phải rời bỏ đường tu, dù đã khấn trọn đời. Nhiều linh mục bất mãn rơi vào thái độ sống tiêu cực, buông xuôi, khiến cho công việc truyền giáo bị ngưng trệ và đạo không phát triển. Có người còn lập luận rằng mình là người dưới, thấp cổ bé miệng, có tố cáo khiếu nại thì cũng chẳng đi đến đâu, rồi lại làm hại đức tin của tín hữu giáo dân, nên chọn thái độ im lặng, cầu an, nhân danh bác ái yêu thương. ĐTC Bênêđictô XVI đã nhắc nhở tín hữu cần giữ lòng bác ái để tha thứ, yêu thương nhưng vẫn phải tôn trọng sự thật qua Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong Sự thật), ngày 30-6-2009.

2.4. Quyền kêu oan của tín hữu

Giáo Hội toàn cầu đã đề phòng những thiệt thòi cho các tín hữu nên Bộ Giáo luật 1983, quyển 7, về Tố Tụng, đã quy định rất nhiều điều để giúp cho mọi tín hữu trong Giáo Hội được quyền khiếu nại, kháng cáo, kêu oan (x. Điều 1628, 1631, 1460 §3) và nhiệm vụ của người đại diện cho người khiếu nại, kháng cáo (1486 §2). Bộ Giáo luật cũng xác định kháng cáo trước mặt ai (1630, 1632, 1438-1441, 1443, 1444), kỳ hạn kháng cáo, việc kháng cáo tiến hành như thế nào (1630, 1633-1634, 1639-1640), huỷ bỏ kháng cáo (1635, 1641), kháng cáo trong các vụ án hôn nhân (1682-1684, 1693), trong tố tụng hình sự (1727)… Giáo Hội cũng đề cập đến quyền kháng nghị đối với bản án, đối với hôn nhân, đối với phán quyết của trọng tài (1716, §2), đối với lý do và chứng cứ để bãi nhiệm cha sở (1715 §1).

3. ĐIỀU MONG ƯỚC CỦA UỶ BAN CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH

Khi mở mục Tiếng trống Kêu oan, UBCLHB trực thuộc HĐGMVN không bao giờ dám nghĩ hay tự phong mình làm “Bao Công xử án” cho dân. Uỷ ban chỉ mong tạo nên một địa chỉ để người bị oan ức muốn khiếu nại, tố cáo có một nơi để đánh lên tiếng trống giữa lòng xã hội và Giáo Hội hôm nay nhằm cảnh tỉnh những người có trách nhiệm thể hiện công lý và tạo nên bình yên cho con người.

Cách thể hiện tiếng trống kêu oan: người trong cuộc cần phải trình bày sự việc một cách trung thực, chính xác, với định hướng tích cực là để giúp mọi người tìm được công lý của Thiên Chúa và công bình xã hội, chứ không nhằm hạ nhục, lên án hay làm mất danh dự của bất cứ ai. Người gióng lên tiếng trống cũng phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa là Đấng thấu suốt lòng con người cũng như trước pháp luật về nội dung trình bày và tài liệu, chứng cứ mình trưng dẫn. Người ngoài cuộc sẽ học hỏi được kinh nghiệm để tránh những bất công và bất an từ vụ việc được kể.

Chúng tôi đề nghị hồ sơ, tài liệu của mục này xin gửi về địa chỉ của Uỷ ban và chỉ nên gửi bản sao chép, thay vì bản chính, vì Uỷ ban không chịu trách nhiệm lưu trữ hồ sơ để giải quyết vụ việc mà chỉ có tư cách tham vấn. Những hồ sơ này sẽ được các chuyên viên về pháp luật đạo/đời, nhất là các luật sư, nghiên cứu để đóng góp với người có trách nhiệm.
KẾT LUẬN
Điều mong ước cuối cùng của UBCLHB là một đất nước Việt Naman bình, tĩnh lặng để người dân không còn phải nghe những tiếng trống trận thúc quân hay những tiếng trống kêu oan.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Nguồn tin: conglyvahoabinh.org

hongbinh
20-05-2011, 05:14 PM
GIỚI THIỆU UỶ BAN CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH



http://gpphanthiet.com/uploads/news/2011_05/cong-ly-va-hoa-binh.jpg

1.THÀNH LẬP
Uỷ ban Công lý và Hoà bình Việt Nam (UBCLHBVN) là tổ chức của Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập trong Đại hội lần thứ XI tại thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10/2010, để cổ vũ công lý và hoà bình tại Việt Nam theo đường hướng chung của Giáo hội Công giáo toàn cầu.

2. MỐI TƯƠNG QUAN

UBCLHB Việt Nam có mối tương quan mật thiết với Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình (HĐGH-CLHB) ở Rôma vì cả hai đều là những tổ chức hoạt động xã hội cổ vũ cho công lý và hoà bình theo đường hướng chung của Giáo hội Công giáo toàn cầu. Nhưng cả hai đều độc lập với nhau và không lệ thuộc vào nhau về cơ cấu tổ chức và chương trình hành động. UBCLHBVN có mục đích, mục tiêu, sứ mạng, cách tổ chức, chương trình hành động hoàn toàn độc lập với bất cứ tổ chức nào.

3. ĐIỀU HÀNH

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp được HĐGMVN bầu làm Chủ tịch UBCLHBVN trong kỳ họp Đại hội lần thứ XI cho nhiệm kỳ 2010-2013.
Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn được Đức cha Chủ tịch đề cử làm Tổng Thư ký UBCLHBVN từ ngày 1-1-2011.

4. MỤC ĐÍCH

UBCLHB hướng tầm nhìn đến các tín hữu Công giáo Việt Nam để giúp họ thấu hiểu và thể hiện công lý và hoà bình trong đời sống theo mẫu gương Chúa Kitô và giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo. Nhờ đó họ thăng tiến toàn diện con người và làm phát triển cộng đồng xã hội.

5. MỤC TIÊU

Uỷ ban hướng về 4 mục tiêu sau đây:
* Bảo vệ nhân phẩm và sự sống con người, nhất là những người nghèo khổ, yếu kém trong xã hội, khỏi những bất công và bất an do người khác gây ra.
* Xây dựng cộng đồng xã hội phát triển theo những nguyên tắc nền tảng của Học thuyết Xã hội Công giáo để đạt được công lý và hoà bình.
* Cổ vũ tình liên đới để phát triển các mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc trong gia đình nhân loại.
* Bảo vệ môi trường sống trong sạch và lành mạnh để đạt được sự ổn định và an bình.

6. SỨ MẠNG

Sứ mạng của UBCLHB là trợ giúp HĐGMVN thực hiện các chương trình cổ vũ cho công lý và hoà bình theo tinh thần Học thuyết xã hội Công giáo cũng như cộng tác với các cá nhân, tổ chức để thể hiện công lý và hoà bình trong cộng đồng xã hội.

7. NGUYÊN TẮC HÀNH ĐỘNG

- UBCLHB hoạt động theo những nguyên tắc đạo đức Kitô giáo và Giáo huấn Xã hội Công giáo.
- UBCLHB hoạt động theo bản chất người Kitô hữu: tự nguyện đảm nhận công tác xã hội vì tình bác ái Đức Kitô thúc đẩy.
- UBCLHB là một tổ chức xã hội chuyên nghiệp nên các thành viên được đào tạo và chuẩn bị kỹ lưỡng về các lĩnh vực chuyên môn. Việc quản trị cần phải chặt chẽ, trong sáng, minh bạch, công khai và có hiệu quả cao.
- UBCLHB chọn chiến lược phục hồi con người và xây dựng xã hội dựa vào cộng đồng.
- UBCLHB hành động theo nguyên tắc bổ trợ: tôn trọng sự dấn thân và tính độc lập của các thành viên, tình nguyện viên thuộc giáo phận, giáo xứ, hiệp hội, đoàn thể và cá nhân.
- UBCLHB khuyến khích sự hợp tác, tham gia tích cực của mọi người cho công lý và hoà bình, không phân biệt tôn giáo, chính trị, chủng tộc, văn hoá, kinh tế...

8. ĐỐI TƯỢNG PHỤC VỤ

UBCLHB phục vụ đặc biệt cho các đối tượng sau đây:
- Các linh mục, tu sĩ và tín hữu giáo dân để giúp họ tìm hiểu, đào sâu về giáo huấn xã hội Công giáo, nhất là trong lĩnh vực công lý và hoà bình.
- Mọi thành phần trong cộng đồng xã hội, không phân biệt tôn giáo hay ý thức hệ, để cùng nhận thức về những bất công và bất an trong đời sống và cùng giúp nhau xây dựng công lý và hoà bình.
- Các nạn nhân đang phải gánh chịu những hậu quả của bất an và bất công trong xã hội cũng như trong Giáo Hội để họ được bảo vệ nhân quyền và sống đúng phẩm giá con người.
- Các tác nhân gây nên những bất công và bất an, thí dụ như các nhà sản xuất, khai thác, các chủ doanh nghiệp, các người quản lý trong những lĩnh vực khác nhau, giúp họ biết tôn trọng công bằng xã hội để tạo được sự ổn định và phát triển lâu dài.

9. CƠ CẤU TỔ CHỨC

UBCLHB Việt Nam có cơ cấu tổ chức gồm 3 cấp chính: UBCLHB Trung ương, Ban CLHB Giáo phận và Ban CLHB Giáo xứ, đi từ Hội đồng Giám mục xuống từng tình nguyện viên (TNV) CLHB Việt Nam.

10. TÌNH NGUYỆN VIÊN UBCLHB VIỆT NAM

UBCLHB Việt Nam không chỉ là một tổ chức xã hội theo nghĩa thông thường, nhưng còn là một đoàn thể Công giáo Tiến hành, để giúp người tín hữu thể hiện công lý hoà bình theo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo. Vì thế, Giáo hội Toàn cầu và Hội đồng Giám mục Việt Nam khuyến khích tín hữu tham gia vào hoạt động công lý hoà bình này.
- Mọi tín hữu trong giáo xứ đều có thể tham gia các hoạt động công lý hoà bình trong hệ thống UBCLHB Việt Nam, trong khi vẫn là thành viên của các đoàn thể khác.

HIỆN TRẠNG XÃ HỘI

Hiện trạng xã hội Việt Nam về lĩnh vực công lý và hoà bình giống như một bức tranh có nhiều điểm sáng tối, nói lên cả những bất công và bất hoà trong chính lòng người Việt Nam.

1. Tính cho đến hôm nay, 12-5-2011, dân số Việt Nam đã vượt trên 87 triệu người. Nếu tính theo kết quả cuộc Tổng Điều tra Dân số ngày 1-4-2009 tỷ lệ nam nữ là 49,4%-50,6%. Dân tộc Kinh chiếm 85,7% và 53 dân tộc còn lại chiếm 14,3% dân số. Việt Nam có khoảng gần 22 triệu hộ dân với 29,6% sống ở thành thị và 70,4% ở nông thôn.

2. Nhìn lại lịch sử đất nước khoảng 60-70 năm gần đây, dân tộc Việt Nam chịu nhiều sự bất ổn do 2 cuộc chiến tranh, do sự phân hoá về ý thức hệ, do sự đấu tranh gay gắt cho cuộc sinh tồn. Lòng người Việt Nam không được ổn định và an bình.

3. Người Việt Nam chịu nhiều nỗi bất công trong 11 thế kỷ nô thuộc Trung Hoa và Đế quốc Pháp, trong 10 thế kỷ sống dưới chế độ quân chủ chuyên chế độc tài (938-1945) nên đã hình thành thái độ sống khép kín, giả dối, cầu tài, cầu lợi, cầu an. Sau khi đất nước thống nhất thái độ sống ấy vẫn tồn tại gây nên nhiều bất công và bất ổn cho xã hội. Nghiên cứu về cấu trúc tâm lý xã hội người Việt Nam người ta sẽ thấy rõ bản sắc văn hoá người Việt với nhiều đức tính cần phát triển và tật xấu cần điều chỉnh.

4. Do tác động của đời sống hưởng thụ ích kỷ, của nền văn hoá thực dụng, của nền giáo dục còn nhiều bất cập mà nhiều người trẻ đã bị tha hoá, buông theo tham vọng và dục vọng. Những con số sau đây như chứng tỏ hiện trạng xã hội đó: 2 triệu ca phá thai hàng năm, 5 triệu “game thủ” chơi trò chơi trực tuyến mỗi ngày, 5 triệu người xem phim ảnh đồi truỵ hàng đêm trong số hơn 24 triệu người sử dụng internet. Họ đã bất công và bất an đối với chính sự sống của mình và của người khác, chưa kể hàng triệu người nghiện rượu và thuốc lá.

5. Sự bất công và bất ổn trong đời sống kinh tế còn trầm trọng hơn nữa. Dù tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của Việt Nam là 7,2% trong 10 năm qua nhưng phần lớn nguồn lợi kinh tế lại lọt vào tay một thiểu số người làm giàu bất chính hoặc quản lý kém cỏi. Ngày 30-3-2011, Thủ Tướng ra quyết định chi khoảng 2.000 tỷ đồng để trợ cấp đột xuất hàng tháng cho khoảng 21 triệu người có thu nhập thấp. Số hộ nghèo trong cả nước là 3,3 triệu hộ. Sự bất công diễn tả dưới nhiều hình thức như sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại bán ra thị trường, bóc lột sức lao động vì đồng lương không đủ bù đắp cho sức lực bỏ ra. Nhiều trẻ em phải lao động mà không được học hành, nhiều phụ nữ bị xâm hại tình dục, nhiều thiếu nữ bị chà đạp nhân phẩm khi phải làm những việc tủi nhục để nuôi sống gia đình. Việt Nam còn khoảng 4 triệu người trên 15 tuổi không được đi học.

6. Sự bất công và bất an còn biểu lộ trong lĩnh vực giao thông khi người ta không biết nhường nhau tại những giao lộ, không giữ luật giao thông gây nên những tai nạn thảm khốc. Năm 2010 có 14.442 tai nạn làm 11.449 người chết và 10.633 người bị thương. Trong lĩnh vực pháp lý còn nhiều oan sai với hơn 500.000 đơn khiếu nại trong năm 2009.

7. Sự tàn phá môi trường sống ở Việt Nam thật khủng khiếp gây nên sự bất công đối với thiên nhiên và bất an đối với con người. Người dân xả rác ở khắp nơi, làm ô nhiễm môi trường đất với những thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân hoá học bón quá nhiều. Nhiều xí nghiệp làm ô nhiễm môi trường nước do không xử lý chất thải và đổ thẳng xuống sông, xuống biển. Môi trường không khí bị ô nhiễm do hàng triệu xe máy nhập ồ ạt, xả khói đen bẩn mỗi ngày. Chưa kể những hành động làm ô nhiễm môi trường sống do tiếng ồn với những kiểu bóp còi vô tội vạ, mở nhạc inh ỏi về đêm, do sóng điện từ đủ loại của các công ty, xí nghiệp thuộc ngành truyền thông, truyền hình mà nhiều chương trình chỉ cóp nhặt, trình chiếu những phim ảnh nước ngoài thiếu tính cách giáo dục, làm nguy hại tâm hồn thanh thiếu niên.
Như thế, việc cổ vũ và xây dựng công lý và hoà bình phải là phần đóng góp tích cực của mỗi người tín hữu và từng người dân trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Chương trình hành động năm 2011

UBCLHB kính mời quý vị tham gia các chương trình hành động sau đây:
- Thiết lập mạng lưới (CT01/TLML/2011)
* Lập Văn phòng Trung ương tháng 2 -2011 để có nơi làm việc và hoạt động .
* Xây dựng mạng lưới UBCLHB tại giáo phận và giáo xứ với các tình nguyện viên để tổ chức hoạt động xã hội.
- Trang web truyền thông (CT02/TWTT/2011)
* Mở trang web trên mạng internet cho UBCLHB tháng 3 năm 2011.
* Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, phim ảnh, internet để gây ý thức về công lý và hoà bình, đào tạo nền nhân bản và giới thiệu học thuyết xã hội Công giáo cho đồng bào Việt Nam.
- Giáo huấn Xã hội (CT03/GHXH/2011)
Tổ chức các khoá hội thảo, huấn luyện, buổi gặp gỡ, toạ đàm để đào sâu, phổ biến, áp dụng học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo cho cá nhân và cộng đồng. Học thuyết này đã được HĐGH-CLHB trình bày tóm tắt trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, xuất bản năm 2004.
- Lễ Ra Mắt (CT04/LRM/2011)
Tổ chức Lễ Ra Mắt của UBCLHB tại Thành phố HCM ngày 27-5-2011 để chính thức công bố hoạt động xã hội của Uỷ ban.
- Đào tạo nhân bản (CT05/ĐTNB/2011)
Biên soạn chương trình đào tạo nhân bản toàn diện về các giá trị và kỹ năng sống để phổ biến cho các thành viên, tình nguyện viên của UBCLHB nhằm đổi mới con người và xã hội.
- Xây dựng trung tâm (CT06/XDTT/2011)
Xây dựng trung tâm phục hồi tinh thần ở Định An, Đức Trọng, Lâm Đồng cho các nạn nhân hay tác nhân gây nên bất công và bất an cho chính mình cũng như cho người khác.
- Bảo vệ môi trường (CT07/BVMT/2011)
Tổ chức các “Ngày Hành động vì Môi trường”, “Ngày Hoà bình”, “Ngày Trái đất” để gây nhận thức về công lý và hoà bình đối với môi trường sống của con người.
- Hoạt động liên kết (CT08/HĐLK/2011)
* Liên kết với Câu lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình để tổ chức các buổi toạ đàm.
* Liên kết với các tổ chức khác.
LTS: Lm Nguyễn Ngọc Sơn giới thiệu đôi nét cơ bản về Uỷ ban Công lý và Hoà bình, nhất là hiện trạng xã hội về công lý và hoà bình tại Việt Nam và chương trình hành động của Uỷ ban năm 2011 để mời các bạn cùng tham gia.

Nguồn tin: conglyvahoabinh.org